KGU News >>CCCP
KGU Tạo bài viết  
Thứ tư 15 Tháng chín. 2010

Văn hóa Xô viết và chuyến đi TRỞ VỀ




Tác giả: Tự sướng đào ngũ

 

 

Nhân DienPT có bài "Đôi điều tản mạn về thời hậu Xô viết", tôi xin gửi mọi người bài này.

 

Những suy nghĩ trước chuyến đi trở về Moldova thân yêu.

 

 

 

Nhiều lúc tôi tự hỏi, tôi là người có tư tưởng Á Đông hay Tây Âu?

Về gene sinh học tôi đương nhiên là người Việt Nam, nhưng về văn hóa, về tư tưởng, câu trả lời không rõ rệt. Để tìm câu trả lời tôi muốn quay về khoảng thời gian mà tôi sinh ra và lớn lên.

Miền Bắc được giải phóng năm 1954. Những năm 50 Liên Xô và Trung Quốc, hai nước đã giúp đỡ Việt Nam rất nhiều trong kháng chiến chống Pháp, đã có những quan hệ mật thiết. Liên Xô giúp đỡ Trung Quốc phát triển kinh tế cũng như tiềm lực quân sự, trong bối cảnh Trung Quốc, nước đông dân nhất thế giới, trở thành nước XHCN và được vị như quả tạ ném lên bàn cân giữa 2 phe, XHCN và TBCN. Và trong bối cảnh đó, Liên Xô đóng vai trò "anh cả" của phe XHCN. Và tất nhiêm, vô tình hay hữu ý, văn hóa Xô viết, và cả văn hóa Nga, đã thâm nhập sâu vào cuộc sống của các nước XHCN, trong đó có miền Bắc Việt Nam.

    

Lớn lên trong những năm 60-70 của thế kỷ trước, tôi ngấm nhiều chất Nga, chất Xô viết. Khi tôi còn bé, các ông chú, ông cậu tôi đều được học tại Liên Xô (họ còn là cây đa, cây đề trong giới khoa học Việt Nam). Mỗi khi họ về Việt Nam mở valy ra có mùi thơm phức khó tả. Hồi đó tôi gọi là mùi Liên Xô. Họ giỏi giang, thành đạt, tôi ngưỡng mộ họ. Tôi cũng ngưỡng mộ nơi mà họ được đào tạo. Sự ngưỡng mộ còn đến từ bộ máy truyền thông khi đó. Liên Xô là đất nước vĩ đại, là thành trì của phe XHCN, là lương tri, là thời đại, là ước mơ của biết bao dân tộc (khi đó tôi không hiểu hết những khái niệm và ngôn từ đó). Liên Xô là nước rộng lớn nhất thế giới, có nền công nghiệp rất phát triển. Liên Xô là nước đầu tiên đã đưa con người lên vũ trụ. Người dân Liên Xô được tự do, cuộc sống đầy đủ, văn minh. Liên Xô còn giúp Việt Nam rất nhiều khi đó, trong kinh tế cũng như quân sự. Việt Nam đã có tên lửa SAM, máy bay MIG để chống lại đế quốc Mỹ.

Liên Xô là chỗ dựa chắc chắn cho "phe ta". Liên Xô đã chiến thắng phát xít Đức và cứu loài người. Điều đó không ai phủ nhận.

Cùng với thời gian, văn hóa Xô viết, văn hóa Nga cũng tràn vào Việt Nam. Hồi còn nhỏ tôi đã đọc những chuyện như "Nam tước Phôn Gơ Ring", hay "Chiếc khuy đồng", những chuyện phản gián thịnh hành đầu những năm 60. Hồi đó dân ta háo hức đón xem các phim "chiến đấu Liên Xô màn ảnh rộng". Khi là thiếu niên chúng tôi say mê với "Những kẻ báo thù không thể bị bắt" hay "Chiến hạm nổ tung ở cảng", mà một kiểu đầu tóc phụ nữ khá đẹp đã được thành mốt hồi đó mang tên của bộ phim này. Trên ghế nhà trường chúng tôi được học về bài thơ "Đợi anh về" của Ximonov (tuy rằng bản dịch rất đạt của Tố Hữu được dịch từ tiếng Pháp chứ không phải tiếng Nga), "Thép đã tôi thế đấy" của Oxtrovxki, nhân vật Pavel Coochagin đã trở thành thần trượng của thanh niên Việt Nam một thời. Đặc biệt chúng tôi được học tác phẩm vĩ đại "Chiến tranh và hòa bình" của Tolxtoi. Vẻ đẹp "cổ cao ba ngấn" của tiểu thư Natasa xinh xắn trong bộ tiểu thuyết này chẳng phải là hình tượng vẻ đẹp mà thanh niên hồi đó tôn thờ? Tiểu thuyết "Bài ca sư phạm" của nhà văn Xô viết Makarenko đã từng là sách gối đầu giường của nhiều thế hệ giáo viên và học sinh miền Bắc những năm 60, 70 thế kỷ trước.

Biết bao người Việt Nam từng say mê với các bài hát "Cuộc sống ơi ta mến yêu Người", hay "Chiều Matxcơva", "Đôi bờ", "Hàng thùy dương", "Cachiusa", "Chiều hải cảng". Không biết từ bao giờ, những giai điệu đậm chất Nga đã nằm lòng trong thế hệ chúng tôi cũng như nhiều thế hệ trước và sau chúng tôi.

                

Nhân vật chính của bộ phim 17 Khoảnh khắc mùa xuân, đại tá Strerliz do diễn viên nổi tiếng Trikhonov đóng

 

Và trong những năm chiến tranh chống Mỹ, chúng tôi được biết đến máy bay MIG, tên lửa SAM, xe tăng T34, hay khẩu liên thanh AK47 mà Liên Xô viện trợ cho Việt Nam đánh Mỹ. Toàn là những đỉnh cao khoa học kỹ thuật.

Khi còn là sinh viên, tôi biết nhiều và khâm phục các nhà khoa học Xô viết như Kapitxa, Korôlov,.. Khi đó với tôi, nền khoa học Xô viết là đỉnh cao nhân loại.

Đành rằng bố và ông ngoại tôi nói và viết tiếng Pháp khá thạo, nhưng sau 1954, chất Pháp trong các cụ cũng phai dần và nhường chỗ cho chất Nga, chất Xô viết.

Tuy rằng hồi bé tôi cũng rất ham đọc Tam Quốc hay Thủy Hử, rất thích Triệu Tử Long hay Tô Ngộ Không, nhưng khi lớn lên một chút, sách vở hay đọc lại là sách Xô viết. Không thể phủ nhận một điều sau này tôi rất mê chưởng Kim Dung, cũng như mê nhạc ABBA, hay một số bài hát và điệu nhảy của Michael Jackson, hay thích xem phim bom tấn của Hollywood. Nhưng theo thời gian những thứ đó đến sau, đến muộn hơn. Mà những gì đến sớm, nhất là từ thời niên thiếu, vẫn được nâng nưu, trân trọng hơn, vẫn nhớ lâu hơn, vẫn có vị trí đặc biệt hơn.

Rồi 5 năm đại học (1974-1979) tôi đã được học tại một trường đại học của Liên Xô, bằng tiếng Nga. Thời gian đó tôi đã tiếp xúc với bao nhiêu con người Nga, dù là các thầy cô, bạn bè cùng lứa, hay những người phục vụ như bà gác cổng hay kamedan ký túc xá. Tôi đã thăm các thành phố lớn của Liên Xô như Matxcơva, Leningrad, Kiev, Minxk, Vongagrad. Tôi được biết nhiều hơn văn hóa Nga, văn hóa Xô viết. Tôi biết và thuộc hàng trăm bài hát Nga, thậm chí những bài hát Nga có vị trí trong tôi không khác gì những bài hát Việt, nó dễ nghe, dễ thuộc, dễ hiểu hơn rất nhiều các bài hát tiêng Pháp, tiếng Anh, những ngôn ngữ mà tôi cũng biết sau này (tôi đã được học NCS 4 năm tại Pháp cơ đấy). Tôi thuộc nội dung các Đại hội Đảng CSLX, lịch sử của nhà nước  Xô viết, các trang sử oai hùng của chiến tranh vệ quốc, hay đọc say sưa "Nhớ lại và suy nghĩ" của nguyên soái Zukov. Tôi cũng hiểu rõ nhân vật đầy tranh cãi đến hôm nay như Stalin. Tôi mê những bộ phim về đề tài chiến tranh như "Đàn sếu bay qua", "Giải phóng", "Mười bảy khoảng khắc mùa xuân". Tôi thích nghe những giọng ca như Alla Pugachova, Sophia Rotaru. Tôi chìm đắm trong nhạc Hồ Thiên nga và lúc nào cũng muốn được xem vở ballet này, dù đã được xem 2 lần rồi.

                  

Chụp ảnh với một "lãnh tụ" Liên Xô còn nhiều tranh cãi

 

Tôi tâm sự cũng các bạn những dòng này là cũng để các bạn hiểu, vì sao tôi đặt tên cho chuyến đi của gia đình tôi hè 2010 này cái tên "TRỞ VỀ". Dĩ nhiên là trở về Moldova, nơi tôi đã học tập 5 năm, nhưng cũng là trở về nước Nga với chương trình thăm quan gần 10 ngày Matxcơva và St.Petersburg, hai thành phố lớn nhất của nước Nga. Và tuy rằng Liên Xô đã tan rã (tôi vẫn chưa lý giải thấu đáo nguyên nhân sụp đổ của Liên Xô), nhưng vẫn còn đó nước Nga vĩ đại, còn đó những dấu ấn Xô viết, ở trên đất nước và con người Nga, trên đất và những con người của những nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước kia, mà Moldova là một trường hợp. Chẳng phải một thời chúng ta từng say sưa hát "Мой адрес не дом и не улица, Мой адрес - Советский Союз". Cho dù đã có biết bao nhiêu thay đổi từ khi Liên Xô tan rã, ở Việt Nam, ở Nga, cũng như ở trên toàn thế giới, dù rằng toàn cầu hóa đã có chỗ đứng vững chắc trong cuộc sống hôm nay, nhưng giai điệu đó đâu có tan đi trong tôi, trong các bạn.

Cuộc trở về sau hơn 30 năm. Trở về với con người và đất nước Nga. Trở về với xứ xở Moldova đầy nắng và hoa quả. Trở về với trường KGU thân yêu. Trở về với tuổi trẻ của mình. Chừng ấy lý do đã thôi thúc trong tôi thực hiện chuyến đi nghỉ hè 2010 cùng gia đình.

Tôi là người Việt Nam, nhưng tôi có trong mình chất Xô viết, chất Nga.

 

(Trích từ bài viết TRỞ VỀ, 8/2010)

 

 


Người post: NgocBQ

Ngày đăng: 15-09-2010 01:01






Xem 1 - 5 của tổng số 5 Comments

Từ: HuongNT
25/09/2010 17:10:31
Ngọc gửi đường dẫn đến Youtube đi! Hôm nay lên trang web thấy có nhiều bản nhạc hay quá!


Từ: HanhLT
23/09/2010 10:42:44
Cảm ơn Ngọc đã nói lên tình cảm của tất cả chúng ta - những người từng sống và học tập tại CCCP. Cũng vì những kỷ niệm đã ăn vào máu thịt ấy mà người KGU khi có dịp gặp nhau đều vui như tết. Mình thực sự buồn mỗi khi nghe ai đó nói rằng đi LX bây giờ mất an ninh lắm...


18/09/2010 00:44:30
Anh Khoa và Hương à, Ngọc viết là thấm vào bao thế hệ trước và sau Ngọc. Ngọc đã nghe nhiều anh chị chưa đặt chân đến Nga, đến LX nhưng biết rất nhiều và hát say sưa các bài hát Nga. Còn lũ chúng ta, sống ở LX chừng ấy năm (anh Khoa còn làm NCS nữa), thì ko chỉ là hardware, mà là ROM trong bộ nhớ rồi (ROM là thứ bộ nhớ ghi chết rồi, khác với RAM là ghi đè lên được).
Gần đây có giọng ca vàng Baskov, mà người Nga đánh giá cả trăm năm mới có, nếu mọi người thích, Ngọc gửi cho 1 số đường dẫn trên Youtube.


Từ: HuongNT
17/09/2010 22:09:00
Mình rất đồng cảm với bài viết của Ngọc.Văn học Nga, âm nhạc Nga...đã thấm đẫm trong người mình từ thuở thiếu niên đến khi trưởng thành, đã in sâu vào bộ não và không bao giờ có thể quên được. Dù Liên Xô đã tan rã nhưng nước Nga, nước Mônđavi và các nước cộng hòa khác của Liên Xô mà mình đã được đặt chân đến vẫn mãi là những hình ảnh vô cùng tươi đẹp và dể lại những ấn tượng khó phai mờ.


Từ: KhoaDT
17/09/2010 08:28:53
Đúng lắm. Không hiểu sao đến bây giờ nhiều bài hát hay vang lên trong đầu mình vẫn là những bài hát Nga từ thời Liên Xô những năm 70. Mình vẫn bảo bà xã chắc là HARDWARE trong đầu rồi, sẽ theo anh đến hết đời thôi.
Cái tinh chất văn hóa LX ấy ai đã đã thấm rồi thì khó đào thải ra lắm. Thân mến, Khoa (VL 76).


Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s