KGU News >>Văn học
KGU Tạo bài viết  
Thứ hai 06 Tháng một. 2014

BẠN TÔI




Tác giả: ThongNV

 Ngày ấy, chúng tôi ở chiến trường ra cùng về an dưỡng tại Tiểu đoàn 153 Thái Bình. Dũng là lính đặc công còn tôi là dân trinh sát nên quen nhau ngay từ ngày đầu, rồi quý nhau như anh em ruột. Thấm thoắt đã gần bốn mươi năm, tôi đã nhận sổ hưu, còn nó hôm qua mới mãn hạn tù. Và nửa đêm, điện thoại gọi tôi ra bến xe Nước Ngầm đón nó. Cái thằng . . .

 Rồi chúng tôi cùng đi ôn thi và dự thi đại học. Dũng mong làm giáo viên dạy học gần nhà để có điều kiện chăm sóc mẹ nên chọn khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội. Tôi thích nghề Y, nên thi vào Phân hiệu Đại học Y khoa Thái Bình*. Dũng đẹp trai, thư sinh, thơ hay chữ đẹp khiến nhiều em yêu thầm trộm nhớ. Hôm chia tay để nhập học, nó nhét vào ba lô của tôi mấy quyển sổ và vài cây bút rồi bảo: “- Chia để mày khỏi tủi thân”.

Trước ngày tôi đi Liên Xô học, hai thằng ra quán làm mấy vại bia hơi chia tay. Vừa uống tôi vừa hỏi nó yêu cô nào trong đám con gái ở nơi an dưỡng. Nó tròn mắt ngạc nhiên vì chưa kể chuyện người yêu với tôi. Rồi nó kể về mối tình với Hậu, cô y tá của trạm phẫu thuật dã chiến trung đoàn. Nó khoe, đã biết nơi người yêu đóng quân và đang tiết kiệm tiền để hè sang năm vào thăm. Biết nó sẽ không tiết kiệm được bao nhiêu từ số tiền phụ cấp chuyển ngành của hạ sĩ, nên tôi  đưa nó năm mươi đồng, gọi là thêm chút lộ phí. Dũng băn khoăn vì số tiền gần bằng hai tháng phụ cấp của nó. Nó hỏi tôi đã mua sắm đủ cho chuyến đi chưa. Tôi nói là sang Liên Xô thì thiếu gì mà phải mang đi cho nặng. Ba năm sau, Dũng lập gia đình. Tôi gửi tặng con búp bê, vì biết nó thích con gái đầu lòng. Ra trường, Dũng về dạy học tại Trường cấp 3 gần nhà. Vợ nó chuyển ngành về làm việc tại bệnh viện huyện gần trường. Tôi mừng cho nó đã đạt được ước mơ.

Về thăm Dũng vào mùa hè, khi tôi đã được phân công công tác. Một căn phòng trong dãy nhà cấp bốn dành cho giáo viên, rộng khoảng 18m2, kê một chiếc giường dẻ quạt, một chiếc bàn làm việc, một giá sách và chiếc tủ ly đóng bằng gỗ thùng hàng. Thấy con búp bê gần như mới nguyên, được trùm nilon cẩn thận ngồi góc tủ ly, nên tôi không hỏi chuyện con cái của nó. Buổi tối, khi còn hai thằng Dũng kể vợ nó đã ba lần sinh, nhưng các cháu đều không bình thường và mất sau đó ít ngày. Khi lên Hà Nội khám, mới biết cả hai vợ chồng nó đều bị phơi nhiễm chất độc màu da cam. Vì thế, chúng nó quyết định không sinh con nữa. Một thời gian sau, vợ chồng nó nhận một đứa trẻ sơ sinh bị mẹ bỏ rơi tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương làm con nuôi. Căn phòng có tiếng khóc, tiếng cười của trẻ thơ làm vợ chồng nó như trẻ ra. Mỗi lần ghé thăm thấy chúng nó hạnh phúc tôi cũng mừng.

Một hôm, gần hết giờ làm việc thì tôi nhận được điện thoại của Hậu báo tin chồng bị bắt vì tội giết người. Tôi bàng hoàng, phải mất một lúc lâu mới gọi điện báo cho bà xã biết, rồi ra bến xe về quê Dũng ngay trong đêm. Hậu kể, thằng con  nghiện ma túy đã nhiều năm, phá tán tài sản của bố mẹ, luôn uy hiếp mẹ đòi tiền. Dũng bàn gửi con vào trại cai nghiện, nhưng Hậu thương con không đồng ý. Tuần trước bố đi chấm thi, thằng con cầm dao dọa bắt mẹ đưa cho mười triệu đồng để cùng bạn đi Hà Nội chơi. Mẹ không đưa, nó đẩy mẹ ngã xuống giường, kề dao vào cổ đòi đưa chìa khóa tủ lấy sổ tiết kiệm. Đúng lúc ấy Dũng bước vào nhà, thấy cảnh đó anh bảo thằng con bỏ dao xuống nói chuyện với bố. Nó nhâng nhâng bắt bố đặt đủ số tiền mười triệu đồng lên bàn thì mới thả mẹ ra. Thấy bố đến gần, nó nói: “- Nếu mày tiến thêm một bước, thì tao sẽ cắt cổ con này”. Dũng ném chiếc cặp da vào góc nhà, lao đến tước dao của nó. Thằng con tránh sang một bên rồi vung dao chém bố. Dũng gạt con dao văng ra, rồi tát nó. Giận quá, nên cái tát của cựu lính đặc công mạnh quá mức cần thiết. Thằng con ngã xuống nền nhà, đầu va vào góc nhọn của viên gạch kê chân giường. Dũng ôm con, cùng vợ chạy sang bệnh viện cấp cứu. Trên đường đi, thằng con vẫn luôn mồm đe: “- Tao sẽ giết chúng mày”. Cháu mất ngay đêm đó, do não bị chảy máu trong. Mai táng con xong, Dũng tự đến công an thị trấn đầu thú, kể hết mọi chuyện. Hậu cứ ân hận vì đã nuông chiều con quá mức.

Sau phiên tòa, tôi và Hậu gặp Dũng để đưa mấy thứ cần thiết cho sinh hoạt cá nhân. Nó bảo: “- Tao đi tù vài năm, cho lòng thanh thản”. Nhìn bạn bước vào xe tù ở độ tuổi đang chuẩn bị nghỉ hưu mà buồn nẫu ruột nẫu gan. Tôi cố kìm nước mắt, đưa Hậu ra bến xe ô tô thị xã để về quê.

 ...Đang ngơ ngác trên sân bến xe Nước Ngầm, thì bất ngờ, Dũng vỗ mạnh vào vai tôi: “Mày không nhận ra tao à?”. Tôi quay lại và vô cùng ngạc nhiên vì thấy nó béo trắng và rất diện. Tôi bảo: “- Nhìn mày như tài tử điện ảnh thế này, làm sao tao nhận ra”. Nó bảo, tao may mà. Chúng tôi về nhà, pha trà uống, rồi nó kể chuyện đi tù.

Ngày đầu nhập trại, giám thị dẫn nó đến buồng giam số 3. Vừa bước vào,  thì một tù nhân, to khỏe, da ngăm đen, đầu trọc, chạy đến quỳ trước mặt hai người, tay khoanh trước ngực, chào to: “- Em chào thày ạ!”. Cả bọn trong phòng đều quỳ xuống và chào theo. Giám thị ngạc nhiên hỏi: “- Ngán! đây là thày mày à ? ”. Thằng Ngán đứng dậy, chắp tay thưa: “- Dạ, thưa cán bộ! Thày Dũng là thày giáo của con đấy ạ”. Tôi hỏi nó gặp học sinh cũ trong trại à. Nó bảo không. Ngày nó mới về trường, thằng Ngán thường trấn lột học sinh. Nó biết, đã đón đường nói chuyện tử tế, nhưng thằng Ngán không nghe, mà lao vào đánh. Nó không đánh mà chỉ tránh đòn. Khi thằng Ngán sơ hở, nó dùng hai ngón tay đánh đòn móc mắt, nhưng khi vừa chạm vào lông mày, thì dừng lại. Biết gặp cao thủ, thằng Ngán  quỳ xuống xin tha và suy tôn nó làm thày. Thằng Ngán là đại ca ở phòng giam số 3, thấy Dũng vào nên nhường chức. Từ ngày nó làm “đại ca” thì chấm dứt tình trạng trấn lột thức ăn của nhau. Nhận được đồ tiếp tế, tù nhân tự giác chia sẻ cho nhau. Biết nó là giáo viên văn, Giám thị trưởng chỉ định giữ chức Tổng biên tập báo tường của trại. Nó còn viết báo cáo giúp lãnh đạo trại và dạy kèm con mấy vị giám thị học. Nhờ vậy, nó không phải lao động ngoài trời và thỉnh thoảng được các sếp thưởng cho ít tiền. Dũng nói nhỏ: “- Mấy quản giáo nữ đứng tuổi chưa chồng thích tao lắm nhé. Các nàng cứ bảo, hết hạn tù anh ở lại dạy học cho trại, hưởng chế độ giáo viên. Nhưng tao nhớ Hậu lắm, không thể ở lại”.

 Buổi chiều, tôi đưa nó ra bến xe để về quê. Nhìn thấy chúng tôi, phụ xe nhanh nhẹn mời lên xe. Ngó đầu ra cửa sổ, Dũng cười nói với tôi: “- May quá, thế là tối nay tao được ăn cơm với Hậu rồi”.

Hà Nội, tháng 12/2013.

 

 



(*) Năm 1979, thành Trường Đại học Y Thái Bình.


Người post: ThongNV

Ngày đăng: 06-01-2014 17:05






Xem 1 - 10 của tổng số 24 Comments


Trang:  1 | 2 | 3 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: Guest Phiphi
14/01/2014 10:29:11

Lâu lâu mới có một truyện ngắn hay và hấp dẫn. Những comm. cũng tuyệt vời và đúng mực. Mong web. KGU của các bạn có nhiều bài viết hay.



Từ: MuiLT
14/01/2014 08:07:48

Truyện kể của anh Thông thật là hấp dẫn và cuốn hút, đọc 1 lần rồi lại đọc lần nữa đọc mãi mà không chán, lời văn tự nhiên, lôi cuốn. Cứ thế phát huy lên anh T nhé.



Từ: BaLX
11/01/2014 16:22:27

Các truyện ngắn về người lính, những người bạn thời cùng cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của Thông luôn để lại trong lòng người đọc những suy tư về mọi khía cạnh của cuộc đời người lính trong chiến tranh và cả ngay khi đã hoà bình. Và chúng sẽ là những câu chuyện hay của một tuyển tập truyện ngắn về cuộc đời người lính.   



Từ: Guest Phạm Thị Ngọc Hoa Hóa 72
10/01/2014 16:04:44

Lại một lần nữa được nhìn thấy những tính cách khốc liệt tóat ra từ trái tim nhân hậu của người lính. Lại một lần nữa ngồi lặng im trước màn hỉnh mặc cho dòng nước mắt trào ra từ trái tim co thắt lại. Một lần nữa cám ơn Thông NV đã cho tôi những bài học vô giá trong cuộc đời



Từ: Guest Saigon
10/01/2014 15:31:30

Mình thấy cái tay viết bảng có gì rùng rợn đâu. Tuy bàn tay nhiều lông, nhưng móng tay cắt rất gọn và đẹp. Đúng là bàn tay của một trí thức. Mình cũng chia sẽ với tác giả Bạn tôi là hình ảnh viên phấn giữa bảng đen rất hợp với cốt truyện. Đúng như Meomun comm.” . .  nhưng đâu đó vẫn có những điểm sáng để hi vọng” và nhất trí với HienVC là Tác giả có cách tiếp cận nhân vật rất đặc biệt. Mặc dù cách hành văn có hơi buồn, nhưng rất hợp với những cốt truyện mà tác gia lựa chọn. Mình tự hỏi phải chăng do phong cách mà các truyện ngắn của ThongNV luôn phảng phất buồn.



Từ: ThongNV
09/01/2014 21:55:15

 


 @ Cám ơn CucNT; HienVC & Guest Lính về Hưu đã đồng cảm.


@ 3 Chai : Bạn có cách comm. rất đặc biệt. Mình thích hình ảnh viên phấn trắng giữa bảng đen.    


 


 



Từ: 3Chai
09/01/2014 21:04:37

Bạn lại một nữa thuyết phục mình rồi. Cảm ơn đã chia sẻ một câu chuyện hay.


Nhưng mà này, cái tay cầm phấn viết bảng ý... It's hairy scary.


:)


 



Từ: Guest Lính về hưu
08/01/2014 12:44:42

Mỗi lần đọc truyện của Tác giả Nguyễn Văn Thông tôi đều rơi nước mắt. Tôi nghĩ nước mắt Tác giả rơi gấp nhiều lần bạn đọc để cho những đứa con tinh thần ra đời. Nước mắt rơi không làm tôi buồn, mà cho tôi nhìn thấy rõ hơn chữ THIỆN lấp lãnh trong mỗi truyện ngắn của tác giả. Nếu tác giả không thuộc lớp người được giáo dục theo ĐẠO KHỔNG thì cũng được gia đình giáo dục chu đáo. Cám ơn tác giả đã cho tôi đọc những bài ca bất hủ về người lính.



Từ: HienVC
08/01/2014 09:49:26

Chiến tranh đã qua đi mấy chục năm , nhưng ký ức về những người lính - đồng đội của anh Thông vẫn còn đó, nguyên vẹn như mới vừa xảy ra ngày hôm qua và chắc chắn sẽ còn theo anh suốt đời.


Trong tất cả những mẩu chuyện của anh Thông, sự tương phản giữa cái khốc liệt của chiến tranh và lòng nhân ái của những người lính được thể hiện vô cùng rõ nét. Nhưng đáng quí hơn là cách tiếp cận nhân vật của tác giả đã thể hiện đầy đủ một cái nhìn cảm thông của người trong cuộc và đặc biệt là đã khai thác được những khía cạnh rất " Con Người " của các nhân vật này. 



Từ: CucNT
07/01/2014 19:16:40

Nếu không có chiến tranh, 1 người đẹp trai, thư sinh, được nhiều cô mê như Dũng sẽ có những đứa con ngoan bên cạnh người vợ hiền sống bằng nghề dạy văn mộng mơ và nhân ái. Nhưng chiến tranh là thế đấy.


Người lính đã đi qua cuộc chiến về với hòa bình nhưng vết thương cuộc chiến còn dai dẵng mãi trong lòng họ. Chị Thục ạ! Đôi khi em tự nhận mình là thần kinh vững nhưng hầu như đọc truyện nào của anh Thông, em cũng rơi lệ và gấp sách rồi ý nghĩ vẫn còn nặng trĩu.


Một câu chuyện ngắn nhưng anh Thông đã đề cập được thật nhiều vấn đề đó là bản lĩnh, phẩm chất cao quý của người lính. Họ luôn hy sinh vì dân tộc nên không hề ca thán oán trách số phận vì mình bị thiệt thòi. Họ đã làm 1 người thầy giáo đầy nhân ái để cảm hóa được những học trò hư. Họ là người chồng thủy chung son sắt. Họ là người bạn chân thành chung thủy. Họ là những công dân dám chịu trách nhiệm trước mọi hành vi của mình. Họ là những con người vô cùng nhân ái nên đã nhận trẻ sơ sinh về nuôi và yêu chiều nó như con đẻ đến nỗi con hư...


Trong cái bi kịch mà người đọc thấy nhói lòng vẫn lấp lánh ánh sáng của niềm hy vọng về những điều tốt có trong đời.


Cảm ơn anh Thông!




Trang:  1 | 2 | 3 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s