Dọc Đường Du Xuân
Tác giả: ThucPT
Du xuân 2014 vui quá, có rất nhiều cảm xúc nên không biết bắt đầu từ đâu đây. Thôi cứ lần lượt theo trình tự thời gian mà viết lại vậy.
Đà Nẵng:
Ngày 10/4 "đoàn" cựu sinh viên KGU gồm 02 người khởi hành đi ĐÀ Nẵng. Khoảng 14h thì tới nơi. Với tâm hồn ẩm thực, nên vừa xuống sân bay chúng tôi liền hỏi thăm các món ăn đặc sản của ĐN rồi quyết định thưởng thức món mì quảng trên đường Trưng Nữ Vương.
Từ bữa đó, đi đâu Huệ VL77 cũng mong về ĐN để được ăn mì quảng. Ngon thật. Ăn uống no nê, không cần nghỉ ngơi, đoàn vội vã đi tham quan Bảo tàng điêu khắc Chăm và Bảo tàng ĐN kẻo hết giờ làm việc. Bảo tàng Chăm nằm trên đường Trưng Nữ Vương, còn Bảo tàng ĐN ở 24 đường Trần Phú.
Bảo tàng ĐN là nơi cụ Nguyễn Tri Phương cùng với quần thần nhà Nguyễn và nhân dân ĐN đã anh dũng chống trả ngăn cản bước chân xâm lược của thực dân Pháp vào VN năm 1858. Di tích còn lại là bước tường thành với những khẩu thần công thô sơ mà nòng súng hướng ra biển đông.
Đoàn tranh thủ dạo một vòng trên đường Bạch Đằng ngắm sông Hàn trước khi trời tối. Về khách sạn tắm rửa rồi đến nhà hàng Trần số 4 Lê Duẩn thưởng thức thêm 2 món đặc sản nữa của ĐN là bánh tráng cuôn thịt heo và bún mắm - tuyệt vời.
No nê trở về khách sạn với tinh thần :
Ăn uống no say
Lăn quay ra ngủ
Có đủ sức khỏe
Ngày mai đi Lào
Lào:
Ngày 1:Xe khởi hành đi cửa khẩu Lao Bảo theo đường 9 Nam Lào - con đường lịch sử, con đường đã đi vào huyển thoại của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Tour đi qua các căn cứ nổi tiếng: Khe Sanh, TaKơn, Làng Vây. Trong đó, căn cứ Khe Sanh được ví như là Điện Biên Phủ thứ 2 của VN. Xe dừng lại cho chúng tôi tham quan cầu treo Dakrong.
Bạn đồng hành dọc đường với tour là những cánh rừng bạt ngàn của dãy Trường Sơn. Trên xe mọi người cùng hát những bài ca lien quan đền TSơn: Trường Sơn Đông, TS Tây, Lá Đỏ, Sợi nhớ sợi thương ..... Đang mơ mơ màng màng, tôi nghe thấy tiếng nam giới nói gì đấy, mở mắt ra thì thấy một cô gái cao ráo xinh đẹp mặc váy Lào đứng trước mặt.
Hóa ra đã sang đất bạn Lào, đã thay HDV từ lúc nào mà tôi không hề biết.
Tôi thấy lạ, con gái xinh xắn duyên dáng thế này mà giọng lại ồm ồm như đàn ông. Không lâu tất cả đoàn đều biết đó là "người chuyển đổi giới".
Trời tối mịt tour đến Thakhet - thành phố nằm bên dòng sông Mêkông, còn bờ bên kia là thành phố của Thái Lan. Sáng, chúng tôi dậy đã thấy có một xe túc túc xanh đỏ tím vàng đỗ trước cửa khách sạn.
Ngày 2:Chúng tôi đặt tour Lào đúng vào dịp Tết cổ truyền BunPiMay hay lễ hội té nước của Lào. Thành phần tour gồm có trong nước và ngoài nước. Trong nước có đủ 3 miền Bắc,Trung, Nam. Còn ngoài nước có 2 người Canađa. Đi vào kỳ nghỉ Tết nên nhiều hang quán nghỉ, người đi lại trên phố xá cũng ít hơn.
Ở Viên Chăn, tham quan chùa Vàng That Luông, Khải Hoàn Môn, tham quan chùa Sisaket lưu giữ hàng ngàn tượng Phật không đầu. Vừa thưởng thức đặc sản Lào vừa xem các nghệ sĩ biểu diễn....
Ngày 3: Xe bon bon trên đường đi Savanakhet để dự Tết té nước. Theo truyền thống cách đây hàng ngàn năm, cứ mõi độ Tết đến xuân về người dân Lào lại tổ chức hội té nước - cầu mong nước về cho mưa thuận gió hòa, cho cây cối sinh sôi đâm chồi nảy lộc, cho mùa màng bội thu, cho cuộc sống no đủ, cho quốc thái dân an....
Để chuẩn bị cho Tết té nước này, tối hôm trước mấy cô gái trẻ trong đoàn đã mua mấy khẩu súng nước. Thục, Huệ xung phong thử
Trong chùa, người ta mang các bức tượng Phật ra sân để mọi người đến tắm cho Phật.
Người Lào chuẩn bị nước thơm - thứ nước ngâm từ các loại hoa thơm. Họ cho vào sô, vào chậu rồi xách vào chùa để tắm cho Phật, cho các nhà sư. Đối với du khách thì họ dùng nghệ tươi, tôi thấy họ thái hàng thúng nghệ, kì cạch giã, lọc lấy nước mầu vàng bán cho khách thập phương.
Tôi cũng mua 1 chai nước thơm mầu vàng theo dòng người xếp hàng trật tự vào tắm cho Phật.
Trên đường phố, ngoài cổng chùa họ bán từng đôi hoa đẹp như thế này để cúng Phật. Người Lào dùng rất ít hương
Chúng tôi đang khấn Phật phù hộ cho tour đi đến nơi về đến chốn bình yên vô sự.
Họ để những thùng chứa nước (nước sạch) trên xe bán tải, lái xe đi dọc phố, đánh trống tùng tùng, ca hát, té nước lên nhau, lên người qua lại.
Đường phố thật náo nhiệt, sôi động. Người ta mặc áo đồng phục theo từng nhóm, nhóm mặc áo cam, áo vàng, áo đỏ, áo hoa lòe loẹt loang lổ, họ mặc những bộ như ta thường mặc đi tập thể dục chứ không súng sính trong những bộ cánh đẹp nhất trong ngày Tết như người VN ta.
Các gia đình ở mặt đường thì làm ngay trước nhà, họ chuẩn bị những dây nước rất dài nối vào đường nước để thành những vòi rồng hoặc những bồn nước to tướng để ngoài đường rồi bật nhạc nhảy múa ca hát, họ phun nước xối xả hay dội những xô nước lên khách đi đường, ai cũng ướt như chuột lột từ đầu tới chân. Nhưng nếu bạn không thích, sợ ướt thì chỉ cần giơ tay xua xua lập tức họ không phun nước vào người bạn nữa - rất tôn trọng, rất lịch sự. Người nào càng ướt thì càng hên trong năm. Họ vừa té nước vừa ăn uống rất vui.
Mọi người bảo rằng đi Lào vào tháng 4 thì nắng nóng lắm. Đối với tôi, nóng bức thì vô tư, còn gió rét thì xin đầu hàng ngay, nên tôi háo hức đi để biết Tết té nước, biết tại sao người Lào lại đón Têt vào lúc nóng bức như vậy. Được "chị" HDV người Lào kể lại nguồn gốc té nước xa xưa, lúc ấy ai cũng à thì ra là vậy. Khi nào rỗi rãi sẽ xin hầu lại chuyện này cho nguoikgu.
Tour chúng tôi cũng hòa vào lễ hội té nước mong gặp nhiều may mắn. Chúng tôi cũng té nước, cũng hát, nhảy múa điệu Lăm Vông, Disco, Hip hop .....cùng với người Lào. Hậu quả là một anh người Canađa trong đoàn ướt sũng, lên xe phải mặc "áo da". Từ chùa chiền ra đến đường phố khắp nơi chỗ nào cũng ướt, cũng lênh láng nước.Thật vui, thật ấn tượng
Chúng tôi đứng xếp hàng bỏ tiền tùy tâm để sư ông buộc những sợi chỉ các mầu đỏ vàng trắng vào cổ tay - làm lễ buộc chỉ. Sư ông dặn phải đeo 3 ngày. Tôi thấy trong chuyến chu du lần này gặp nhiều may mắn nên mặc dù đã đủ 3 ngày nhưng vẫn cứ đeo cho đến khi về nhà mới nhờ ông xã gỡ chỉ ra rồi cất đi làm kỷ niệm.
Tôi chớp một đôi uyên ương làm đám cưới trong chùa
Ngày 4: Xe đưa chúng tôi đi qua các bản làng Lào. Lào đất rộng người thưa, thỉnh thoảng mới có một hai ngôi nhà. Nhà nào nào cũng có xe bán tải xịn, vừa để chở hàng hóa vừa chở người. Gia đình nào khá giả có đến hai ba con, chỗ để thoải mái. Xe dừng lại trước một gia đình bán cá khô. Người hỏi mua cá, người đi dạo xung quanh nhà. Tôi thấy cây ổi thấp tè có mấy quả liền hỏi xin, họ gật đầu luôn. Huệ lững thững phía sau nhà nhặt me chín rụng đầy gốc - ăn ngọt lừ. Còn nếu trẩy từ trên cây xuống thì ăn chua loét. Chị HDV Lào bảo rằng hoa quả của người Lào không bón chất kích thích mà để mọc tự nhiên nên có mùi vị thơm ngon rất lâu.
Lào bây giờ đang là mùa khô, đất đai đang nghỉ. Đến tháng 6 người Lào làm lễ cầu mưa, khi mưa xuống họ mới bắt đầu gieo trồng cày cấy- một năm chỉ có một vụ thôi.
Xe chúng tôi đã đi qua bao đồng rộng, sông dài của đất nước triệu voi, đưa đoàn qua cửa khẩu Lao Bảo về Huế.
Huế:
Chiều 15/4 đoàn đến Huế.
Vì năm nay có Festival Huế nên đầu tháng 3 tôi email cho cháu Võ Thanh Tùng - con trai của bạn Võ Trung Thông VL77 đặt phòng trước. Tùng bảo:" con đã đặt rồi, một phòng có 2 giường để 2 cô nghỉ cho thoải mái ". Thế là yên tâm. Nhưng sau đó tôi lại email nói Tùng nhớ gửi đ/chỉ k/s để sáng sớm 18/4 xe đến đón các cô đi Đà Nẵng cho dịp du xuân.
Không để lỡ cơ hội, ngay tối 15/4 tôi và Huệ kéo nhau ra phố đi dọc sông Hương xem lễ hội đường phố - Di sản và sắc mầu văn hóa của các đoàn nghệ thuật Đông Á, Mỹ LaTinh.
Ngày 16/4:
Sáng sớm, ăn sáng trong k/sạn xong đoàn 2 người sát nhập với chị Yến, An OB77 đi tham quan các di tích, các đền đài, lăng tẩm, đàn Nam Giao .... - hương hỏa của cha ông để lại.
Đền Huyền Trân Công Chúa
Trưa ấy, chị Yến chiêu đãi bọn tôi bún bò giò heo. Mặc dù đã no nê bún bò, nhưng khi chị Yến ngỏ lời muốn chiêu đãi tiếp chè cung đình Huế thì tất cả đều hưởng ứng, tâm hồn ẩm thực lúc nào cũng phát huy cao độ.
Buổi chiều định ra mộ thắp hương cho bạn Thông, nhưng cháu Tùng bận nên không đi được. THôi đành để tối đến chơi nhà Tùng thì thắp hương vậy.
Tối: Cháu Tùng mời các cô KGU đến chơi ăn cơm tối với gia đình.
Sau đó chúng tôi vào Điện Thái Hòa, Đại Nội xem chương trình "Đêm Phương Đông".
Ngày 17/4: Đoàn theo tour đi tham quan vườn Quốc gia Bạch Mã.
Xe chở đoàn lên đỉnh Bạch Mã. Đường càng lên càng cao, quanh co khúc khủy, một bên là vách núi cao sừng sững dốc dựng đứng, một bên là biển cả mênh mông, được cái đường rất tốt. Gần trưa thì đoàn 8 người gồm: 3 VN, 4 Đức và 1 Canađa lên đến Hải Vọng Đài với chiều cao hơn 1450m so với mặt nước biển. Để trả giá cho chặng đường vừa đi qua, từ đây đoàn có thể ngắm toàn cảnh núi non song nước, thấy biển xanh mênh mông, bầu trời bao la xanh trong, mây trắng bay bồng bềnh - non nước mây trời đẹp như bài thơ.
Anh HDV phát cho mỗi người 1 cái mũ bảo hiểm.
Tôi hỏi tại sao không làm cáp treo. Anh nói rằng có định làm cáp treo, nhưng không thực thi được vì núi Bạch Mã thẳng đứng, không thoai thoải như BàNà hill. Trên núi có suối. có thác.
Anh tiếp tục dẫn chúng tôi đi theo con đường mòn trong rừng đến một địa đạo - đia đạo Bạch Mã.
Tôi không hiểu tại sao lại đào một địa đạo ở trên núi cao chót vót thì anh HDV cho hay trên núi có một sân bay của thuc dân Pháp. Thế là rõ. Người Pháp quả là tài, họ đã phát hiện ra núi Bạch Mã, rồi cho làm đường đi lên núi, làm sân bay trên đỉnh núi và xây dựng hơn 100 biệt thự để hưởng lạc. Chúng tôi đi tiếp tới ngũ suối, dừng chân nghỉ ngơi ăn trưa trên những tảng đá to đùng. Các bạn nước ngoài tranh thủ bơi trong hồ nước trong vắt mát lạnh và chớp được những tấm hình rất độc đáo.Trong rừng có tấm biển ghi:
" Không lấy gì ngoài nhưng bức hình đẹp
Không để lại gì ngoài những dấu chân."
Có phải vì dòng chữ này mà trong rừng rất sạch :))
Khi chúng tôi tới thác Đỗ Quyên thì hoa Đỗ Quyên rừng đã tàn. Anh HDV bảo phải lên vào độ hoa nở là tháng 2. Bạn nào muốn ngắm hoa Đỗ Quyên thì nhớ căn thời gian mà đi nhé.
Ngày 18/4: Mờ sáng chị Yến và An dậy làm bánh bột lọc. Tối qua chị đã chuẩn bị xong nguyên vật liệu, buổi sang chỉ nhào bột, gói cho vào nối hấp - đặc sản xịn 100% của Huế đấy. Trên tầu tôi cứ đánh chén tì tì, ngon quá. Lâu lắm rồi không đi tầu, hôm nay lại được lắc lư theo bánh con tầu quay, lại được qua đèo qua núi thấy mây bay đỉnh núi, thấy biển quê hương dào dạt vỗ bờ.
Em dâu tôi bảo, đợt đi lần này bác đi nhiều nhỉ, đường tầu, đường bộ, đường hàng không, chỉ có đường thủy là không đi thôi. Cả nhà vỗ tay.
Mới 8h sáng tầu đã chạy được nửa đường, nhanh quá. Chưa đầy 3 tiếng tầu đến ga ĐN
Đà Nẵng:
Sau 6 ngày chu du tôi lại quay về với ĐN - nơi đăng cai tổ chức du xuân năm nay.
Ngay chiều 18/4, 14h30 mấy đứa bọn tôi đi taxci vào phố chơi.
Chương trình du xuân 4N 3 đêm thì ai cũng thuộc lòng rồi, tôi không nhắc lại nữa. Ngày mai chúng tôi xa Đà Nẵng tiếp tục tour hậu du xuân.
Ngày 21/4
Đoàn KGU gồm 40 người khởi hành đi Quảng Trị, Quảng Bình. Ban tổ chức Đà Nẵng gồm chị Xuân Ba, Mùi, Huỳnh Nga, Bình cùng với cháu "Khoai" - HDV Đà Nẵng lại tiếp tục hành trình với đoàn. Qua đó thấy được Ban tổ chức Đà Nẵng rất tận tình chu đáo, tiễn khách đi đến nơi về đến chốn.
Xe lần lượt đưa đoàn qua những địa danh nổi tiếng, đến đâu Khoai đều giới thiệu, qua phá Tam Giang, có câu ca rằng:
"Đường vô xứ Nghệ quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ
Thương em anh cũng muốn vô
Sợ Truông nhà Hồ, sợ phá Tam giang"
Để nói lên sự nguy hiểm khi đi qua mảnh đất miền trung.
Xe đi dọc dải đất miền trung - nơi đây khí hậu thì khắc nghiệt, quanh năm chỉ có nắng, có gió Lào khô rát và cát trắng mông mênh. Cháu Khoai kể rằng sau chiến tranh, ở Quảng Trị có 72 nghĩa trang liệt sĩ và sông Thạch Hãn là nghĩa trang thứ 73. Nghĩa trang Đường 9 và nghĩa trang Trường Sơn lớn nhất. Vì thế khi tới Quảng Trị, người ta truyền nhau mấy câu nghe vừa xót xa vừa hài hước, ca rằng " Đặc sản nghĩa trang, sài sang gió Lào".
Chẳng bao lâu chúng tôi đã đến thành cổ Quảng Trị - nơi đã diễn ra cuộc chiến đấu ác liệt 81 ngày đêm. Cả đoàn dừng lại lên đài tưởng niệm để thắp một nén hương tri ân, tri ân các anh đã ngã xuống trên chiến trường và nằm lại nơi này.
Đoàn tiếp tục đi nghĩa trang Trường Sơn - nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh, nơi yên nghỉ của hơn 10.000 mộ liệt sĩ từ khắp các vùng miền của đất nước. Đến nơi trời đã trưa khoảng 12h, Khoai căn dặn mọi người đi nhẹ nói khẽ để các anh nghỉ trưa. Tôi và Hương cùng nhau đi đến tận khu mộ cuối cùng của nghĩa trang thăm các anh, thắp nén hương cho các anh, mong các anh nhận chút hơi ấm của tình người.
Các anh nằm xuống, chúng tôi mãi mãi không bao giờ quên.
Rời nghĩa trang TSơn, xe đưa đoàn đi Quảng Bình viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Các chị bậc đàn anh như chị Tâm, chị Hoa, chị Cấp, chị Năm ... hát vang bài "Quảng Bình Quê Ta Ơi" của nhạc sĩ Hoàng Vân. Tôi rất thích bài này cả giai điệu lẫn lời ca.
Sau đó các chị lại hát lời chế - hay quá, tôi nhớ vài câu:
"...Đời sinh viên, chan chan là chan ...
Ơi anh sinh viên cặp kính to đùng
Ơi chị sinh viên bím tóc đuôi chuột...".
Bích Lam OB77 hứa sẽ gửi bai chế này cho mọi người.
Đến chiều chúng tôi đến Vũng Chùa. Quê hương của Huệ ở Quảng Bình, Huệ bảo từ tháng 4 QB nắng lắm, nhưng ai cũng thấy trời đẹp mây quang. Phải chăng vong hồn của các liệt sĩ đã chứng giám nên phù hộ cho đoàn.
Ngày hôm nay là ngày ý nghĩa nhất đối với tôi, tôi đã được đến thăm thành cổ QT(lần 2), thăm Nghĩa trang TSơn, đến Vũng Chùa viếng Đại tướng - những nơi linh thiêng nhất. Thắp được nén hương cho các liệt sĩ, cho Đại tướng cũng thấy nhẹ lòng hơn, thanh thản hơn.
Cháu Khoai nói rằng khi đến QB người ta thường nhắc tới 5 người như cụ Nguyễn Hữu Cảnh, mẹ Suốt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ....
Ngày 22/4
Trời sang rõ, đoàn ăn sáng, trả phòng rồi khới hành đi tham quan Động THiên Đường - điểm dừng chân cuối cùng của tour hậu du xuân. Chúng tôi lại đung đưa nghiêng ngả theo bánh xe lăn, thỉnh thoảng gặp ổ gà ổ voi mông lại nhảy chồm lên khỏi ghế. Cháu Khoai bảo đường còn dài lắm. Thế là những giai điệu đi cùng năm tháng lại vang lên trên xe. Những giai thoại vui của Tuyết OB77 như truyên Giàng A Pao khai lý lịch lần đầu tiên đi nước ngoài, truyện sinh đẻ có kế hoạch của đồng bào vùng sâu vùng xa ... khiến cả xe cười lăn cười bò, cười không ngớt, làm rút ngắn con đường lại. Từ xa có thể nhìn thấy những dòng chữ viết trên vách núi, đến gần tôi khẽ đọc:
"Di Sản Thiên Nhiên Thế Giới
Vườn Quốc Gia Phong Nha Kẻ Bàng".
Cháu Khoai cho biết động Phong Nha, động Thiên Đường, động Sơn Đòong đều nắm trong một quần thể vườn quốc gia Quảng Bình. Động Sơn Đòong mới phát hiện năm 2009. Một điều đặc biệt nhất là trong động có cả rừng cả sông. Muốn đi phải đăng ký trước hàng năm trời. Cứ một người đi thì có 4 người hướng dẫn đi kèm. Vì thế chi phí vào động này rất cao mấy ngàn đôla Mỹ.
Cả đoàn xuống xe vào phòng khách WC, trong phòng lúc nào cũng đông đủ nhộn nhịp vì ai cũng đươc đi " xả nước vì thân". Nghỉ ngơi xong chúng tôi theo chị HDV vào tham quan động. Tôi đã đi nhiều động, nhưng ở đây đúng là thiên đường, tôi tưởng như đang lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh thơ mộng.Thật tiếc cho những ngưoikgu nào hôm ấy không đi :))
Ăn trưa chiều xong khoảng 15h, đoàn lưu luyến chia tay nhau để một phần tư ra Bắc, còn lại vô Đà Nẵng về Nam.
Chị NHung CL74 đã đặt sẵn 3 phòng nghỉ gần ga Đồng Hới, chúng tôi rửa ráy chân tay nghỉ ngơi. 18h đi ăn - bữa cơm chu du cuối cùng rất ngon, mọi người ăn uống hăng hái như thời trai trẻ, các món sạch trơn, rồi hối hả giục nhau ra ga. 20h30 tầu lăn bánh rời QB. Xịch xịch, xịch xịch. Bất chợt tôi ngoái đầu nhìn lại, thầm đọc:
"Đà Nẵng ơi ...............
Núi trong lòng thành phố
Phố trong lòng biển khơi.....
Biển sóng xanh dập dềnh
Nắng chiều vàng ngõ phố
Cho lòng bao nỗi nhớ......
Đà Nẵng ơi tình người"
Với tôi, chỉ cần chừng ấy chữ thôi đã nói giùm hết tất cả cảnh đẹp và tình người Đà Nẵng rồi, Đà Nẵng tuyệt vời.
Прощай любимый город.
Người post: ThucPT
Ngày đăng: 26-04-2014 20:08
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |