KGU News >>Người KGU
KGU Tạo bài viết  
Thứ hai 12 Tháng năm 2014

CẢM NHẬN DU XUÂN 2014




Tác giả: Phạm Thị Ngọc Hoa- Hóa 1972
 

 

 

 

 

 

       Tôi tỉ mẫn xếp các hồi ức Du Xuân KGU 2014 vào bộ nhớ ‘Hành trang cuộc đời’: Thành phố Đà Nẵng, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Đồ đá Ngũ Hành Sơn, Chùa Linh Ứng,

       Bán đảo Sơn Trà, Bà Nà Hills, Bảo tàng Chăm, Thành cổ Quảng Trị, Dòng sông Thạch Hãn, Nghĩa trang Trường Sơn, Cầu Hiền Lương, Mộ phần Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tượng đài Mẹ Suốt, Dòng sông Nhật Lệ, Động Thiên Đường... Một bản liệt kê dài cũng chưa kể hết những gì tôi được chiêm ngưỡng, trải nghiệm chỉ trong năm ngày Du Xuân KGU 2014 (18/4/2014 – 22/4/2014).

       Tôi đã nghe nhiều về những đổi thay của Đà Nẵng dưới sự lãnh đạo của Bí thư Nguyễn Bá Thanh và Chủ tịch Hồ Việt. Nhưng chỉ khi được nhìn thấy một thành phố sạch đẹp, bình yên với chín cây cầu bắc qua sông Hàn - mỗi cây cầu một kiểu dáng; khi được ngắm nhìn con rồng vắt trên cầu phun lửa, phun nước (mới đây 30/4/2014 cầu Rồng được vinh danh là 1 trong 8 công trình xuất sắc nhất thế giới (vov.vn) và dành Giải thưởng lớn 2014 (Grand Award 2014) do Hội đồng các công ty kỹ thuật Hoa Kì trao tặng); khi được đắm mình vào nước biển trong xanh, bước chân lên bờ cát trắng mịn tôi mới thấm thía ‘Đà Nẵng – Một thành phố đáng sống’. Khác với các bãi biển Vũng Tàu, Long Hải, Nha Trang, Mũi Né... bãi biển Đà Nẵng vẫn kinh doanh và vẫn dành ra những khu vực đẹp miễn phí cho du khách. Mặc dù lịch tour rất sít sao thời gian nhưng vẫn nhiều người KGU được thưởng ngoạn biển Đà Nẵng vào 5 giờ sáng và 4 giờ chiều (Hihi!).

 

            Phố cổ Hội An buổi tối lung linh huyền ảo trong ánh đèn lồng. Khách Tây, Ta dạo chơi và được (bị) cuốn hút thường mua 1, 2 chiếc đèn lồng, kể cả đèn lồng ngủ (?), xếp gọn lại chỉ như cái dù.

Ở phố cổ Hội An, chúng tôi gặp lại bạn gái Trương Minh Mận (SV72) sau 42 năm bặt tin nhau. ‘Ngày xưa’ Mận và Năm (SV72) là một cặp bài trùng, đi đâu cũng có nhau. Mỗi người nặng 32 kg bất kể trứng, bơ, cháo sữa, dầu cá cỡ nào! Gầy đến nỗi một buổi sáng dậy muộn, vội vã khoác áo bành tô đến trường, khi gởi áo khoác mới biết còn dính cái móc áo trong đó!!! Hơn một giờ của tour ở Hội An không đủ để hàn huyên, chúng tôi kéo Mận lên xe về khách sạn. Buổi sáng mua thêm một phiếu ăn tự chọn 80.000 đồng. Tôi thấy bạn chỉ ăn một dĩa nhỏ bánh cuốn?! Hỏi ‘Sao ăn có vậy thôi?’, trả lời ‘Đồ ăn Tây khó ăn quá!’ Trời! Mới hay người sáu năm du học bên Tây mà sau thời gian sống với phố cổ Hội An cũng thành ‘người cổ Hội An’ nói chi tới Chùa Cầu, nhà cổ, đèn lồng...(Hihi!)                                                                         

 

 

Cấp-Mận- Năm (SV72), Hoa- Lộc (Hóa 72), Xuân Ba(SV75, Thắng(SV73)

          Thánh địa Mỹ Sơn được khởi xây từ thế kỷ thứ 4, liên tục mở rộng đến thế kỷ 13 là nơi tổ chức cúng tế, lưu giữ các lăng mộ vua và hoàng thân quốc thích các vị vua Chămpa. Thánh địa Mỹ Sơn tọa lạc trong một thung lũng đường kính 2 km gồm nhiều đền tháp. Đền chính thờ Linga-Yoni – biểu tượng của năng lực sáng tạo. Tháp Ka-Lan kề đó thờ các vị thần và các vị vua đã mất. Thời gian và chiến tranh đã biến Mỹ Sơn thành phế tích. Đến đầu thế kỷ 20, người Pháp đã tổ chức khai quật khảo cổ Mỹ Sơn. Năm 1999, Thánh địa Mỹ Sơn được UNESCO chọn là  một trong các di sản thế giới. Năm 2004, Bộ Văn hóa-Thông tin đã chi 7 tỉ đồng (440.000 USD) có thêm sự tài trợ của UNESCO và các chính phủ Italia, Nhật Bản để trùng tu Thánh địa Mỹ Sơn. Đến Mỹ Sơn vào 9 giờ hoặc 10 giờ 30 được xem show diễn của ban nhạc và các vũ công Chămpa. Cả khán phòng lặng đi để chiêm ngưỡng tài nghệ của họ. Các vũ công Apsara xuất hiện như những bức tượng đá, họ nhẹ nhàng xoay người kéo bức màn che... và các cô gái Chămpa hiện ra với đường cong thân thể và những bầu ngực căng tròn gợi cảm. Từng chuyển động của cơ thể, ngón tay, gót chân... tạo thành cả ngàn bức tượng khắc chạm trổ trên đá... Khi các vũ công xoay người, bức màn từ từ phủ lại, lưu giữ trường tồn những tượng đá Apsara của Vương quốc Chămpa. Dường như vũ điệu Apsara ở Thánh địa Mỹ Sơn làm ngây ngất người xem hơn ở những nơi khác. Màn biểu diễn của ban nhạc Chăm với chàng trai trẻ thổi kèn dài hơi cũng làm cho người nghe nín thở, trầm trồ. Tôi hỏi em giữ hơi bao lâu. Em nói ‘6 phút’. Tôi đồ rằng bản năng và sự chất phác trả lời, chứ nếu 6 phút thì chắc phải có trong kỷ lục Guiness, nhưng tôi đoan chắc phải 5, 6 lần tưởng rằng em đã hết hơi. Đó cũng là ‘đặc sản của Thánh địa Mỹ Sơn’ (Hihi!).

 

                          Nghệ sĩ kèn Chămpa tại Mỹ Sơn

           Có lẽ buổi chiều về mệt nên chuyến du khảo Bảo tàng điêu khắc Chăm chỉ có... hai du khách: Hoa (Hóa72) và Cấp (SV72) trên một chiếc taxi với Ku-Khoai. Bảo tàng Chăm thu hút nhiều du khách nước ngoài (Pháp) bằng sự trầm lắng của hoài niệm. Bảo tàng được người Pháp xây dựng năm 1915, khánh thành 1919, liên tục được mở rộng và thu thập thêm nhiều cổ vật: từ khởi đầu là 150, 500 và hiện nay là 2000 (nguyên vẹn và không nguyên vẹn). Đây là kho tàng văn hóa không chỉ của Việt Nam mà còn là của cả thế giới. Các tác phẩm nguyên bản trên ba chất liệu chính: sa thạch, đất nung và đồng nung. Thế giới tâm linh huyền bí, những câu chuyện bằng tượng, các biểu tượng tôn giáo đều sống động, chi tiết. Bức ảnh Hoa và Cấp chụp với tượng ‘Người đầu voi’ kể rằng: Ngày vua ra trận, hoàng hậu đã mang trong mình giọt máu của tình yêu. Sau 20 năm thắng trận trở về, khi hoàng hậu đang tắm, thấy trong nhà có một chàng thanh niên khỏe mạnh đẹp trai, nhà vua tức giận vung kiếm chém đầu. Khi hoàng hậu khóc kể lại sự tình thì vua ân hận tìm cái đầu người khác để thay thế. Nhưng đợi mãi, chỉ thấy một con voi từ rừng đi ra và nhà vua đã lấy đầu của nó gắn cho hoàng tử... Tôi cứ tự hỏi không biết bức tượng có trước hay câu chuyện huyền bí này có trước?

 

                                     Bức tượng Người đàn bà voi

          Hậu du Xuân đưa chúng tôi đến Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Trường Sơn để thắp nhang viếng các chiến sĩ đã hy sinh. Các liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị đã bị vùi lấp bởi những trận bom dày đặc và kéo dài. Nghĩa trang không nấm mồ là nơi yên nghỉ chung cho các liệt sĩ. Tôi đứng nhìn dòng sông Thạch Hãn bên thành cổ. Nó bình yên đến nao lòng! Các con đò lướt nhẹ như muốn giữ yên giấc ngủ cho các bạn đồng trang lứa với tôi - những người đã không chọn việc nhẹ nhàng - còn nằm lại dưới dòng sông. Trái tim tôi thắt nghẹn lại đẩy dòng nước mắt tuôn trào. Cựu binh Lê Bá Dương và đồng đội hàng năm đều về Thành cổ thắp nhang và thả hoa xuống sông Thạch Hãn. ‘Dưới sông còn đó bạn tôi nằm’. Ngày Thương binh liệt sĩ 27.7 hàng năm, chính quyền địa phương tổ chức thả đèn, hoa trên sông Thạch Hãn để tưởng niệm những người đã nằm lại Thành cổ.

         Nghĩa trang Trường Sơn qui tập hơn 10.000 hài cốt liệt sĩ, được xây từ tháng 10/1975 đến tháng 4/1977. Ở giữa Nghĩa trang là tượng đài bằng đá trắng rỗng ruột, khuyết 3 mặt, cao vút uy nghi. Phía sau tượng đài có cây bồ đề thiêng và tháp chuông cầu nguyện. Mới hơn 30 năm, rễ mọc trên đá mà cây bồ đề đã vươn tán cao rộng che mát cho tượng đài và tháp chuông. Các mộ phần được xây kiên cố, sơn trắng và sắp xếp theo quê quán của liệt sĩ. Đường đi được lát gạch, trồng cây xanh và hoa. Đứng trong nghĩa trang có bạt ngàn ngôi mộ trắng trải dài trên đồi núi mênh mông mới thấm hiểu độc lập, tự do quí giá biết dường nào.

         Cầu Hiền Lương đã được xây mới bằng xi măng, rộng rãi cho xe cộ 2 miền qua lại. Nhưng vẫn còn đó cây cầu dài 178 m với 894 tấm ván, sơn xanh (nửa Nam), sơn vàng (nửa Bắc) và chòi loa từ phía bờ Nam. Chúng tôi thả bộ dăm phút từ bờ Bắc về Nam dưới bầu trời xanh yên bình và làn gió mát của sông Bến Hải. Tôi nghẹn ngào hồi tưởng chặng đường suốt hơn 20 năm dân tộc Việt Nam đã đổ biết bao xương máu, nước mắt để đi qua nó. Cây cầu là chứng tích bi tráng của một đất nước bị chia cắt, của bao gia đình bị chia cắt. Tôi xót xa đứng giữa hai màu sơn. Vì nó mà gia đình tôi 20 năm li tán. Má tôi ‘ngày Bắc đêm Nam’, biết bao nhiêu đêm, mà tưởng chừng vô tận, với nỗi khắc khoải nhớ chồng nhớ quê. Em tôi mãi đến khi vào đại học mới biết mặt cha. Ba tôi phía bên này cầu, ngủ rừng, ăn cơm với muối, ngày đóng khố như người Bahna, nói tiếng Bahna và đổi tên thành Ông Bá-Kroong của người Bahna. Tôi nghĩ chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 mới  ‘trả lại’ cái tên đúng nghĩa cho Cầu Hiền Lương. Trong buổi lễ thượng cờ 30/4/2014 ở cột cờ bên dòng Bến Hải, di tích Cầu Hiền Lương và Thành cổ Quảng Trị được đón nhận bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

 

 

 

         Tượng đài Mẹ Suốt được khánh thành 2003 trên con đường mang tên Mẹ, chạy dọc bờ sông Nhật Lệ. Cấp (SV72) nói với tôi ‘Hoa chụp ảnh sát vào mới thấy được vũ khí, bộ đội, chiến sĩ mà mẹ Suốt đã chèo đò chở từ bờ Bắc vào Nam’, nối thông suốt con đường huyết mạch của chiến trường. Thợ ảnh chưa đến nửa mùa như tôi chắc chưa thể hoàn thành nhiệm vụ khó khăn này. Mẹ Suốt từ năm1964 đến năm 1966 ở tuổi 60 đã chèo đò qua sông Nhật Lệ tổng cộng 1.400 chuyến. Mẹ Suốt là tượng đài của thế hệ chúng tôi trong câu thơ Tố Hữu ‘(Chừ) gan chi gan rứa mẹ nờ, mẹ rằng cứu nước (thì) mình chờ chi ai?’

 

 

 

       Động Thiên Đường nằm trong quần thể Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, di sản  Thiên nhiên thế giới. Động chỉ mới được một người đi rừng tên Hồ Khanh tình cờ phát hiện năm 2005. Cũng phải thôi, vì cửa hang chỉ rộng 9 m­­2 lại bị cây rừng phủ kín. Năm 2010, Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh đã công bố Động có chiều dài 31,4 km, dài nhất châu Á, chỗ rộng nhất khoảng 150 m, cao từ đáy lên trần khoảng 60 m. Động có tên Thiên Đường do vẻ đẹp huyền dịu tráng lệ của nhũ đá và măng đá (khác với các hang động khác thường do thạch nhũ tạo nên bởi những giọt nước ngàn ngàn năm nhỏ từ trên xuống). Tập đoàn Trường Thịnh đã đầu tư mở đường phạt núi xây dựng hai con đường lên xuống: thoai thoải và 522 bậc thang đá. Trong hang được lắp đèn màu trắng để bảo tồn tính tự nhiên đến tận cùng. Đường đi tham quan được xây bằng cầu thang gỗ, uốn khúc như ‘Vạn lý trường thành’. Động như một hoàng cung trong lòng đất, trần là bầu trời xanh có trướng phủ màn che, tường là vách đá với những bức tranh đẹp không một họa sĩ nào có thể mô tả nổi. Tôi cũng thấy nó xứng đáng với tên Động Thiên Đường vì tôi chưa đặt chân lên thiên đường nên tha hồ tưởng tượng: Ông Phúc Lộc Thọ, ông già tuyết, nhà rông, con cá heo, con đại bàng, con gấu trúc…và cũng bởi vì bên cạnh tôi, chị Lý và anh Tuấn tay trong tay cùng đi từng bước, chỉ để anh Tuấn được nghe thuyết minh, tưởng tượng, được cảm nhận cái se lạnh của động.

 

 

                 Hình ông Phúc- Lộc- Thọ trong Động Thiên Đường

 

          Du Xuân 2014 thật hoành tráng, chi tiết và ấm áp. Buổi lửa trại ngoài biển, Gala ở nhà hàng N&M tạo ra không khí gặp gỡ giao lưu giữa nhiều thế hệ KGU. Nghe Uyển (SV73), anh Minh (rể KGU) trong quân phục cùng tốp nữ Hà Nội, hát các bài tiếng Nga tuyệt vời gợi nhớ một thời xa xôi. Sàn khiêu vũ cũng thu hút nhiều người, nhưng chắc vì nó trên cao nên hơi bị e ngại. Dẫu sao, sau đó tôi nghe 1, 2 rồi 3, 4... người khen ‘Các chị khiêu vũ đẹp quá! Về nhất định em phải học thôi.’ Bỏ vế thứ nhất. Chấm vế thứ hai thì tôi cũng được một điểm cộng về công tác tuyên truyền (Hihi!).

         Thật thú vị khi du lịch với những người chung một chí hướng. Những câu chuyện tiếu lâm của Ánh Tuyết, của anh Bình (trên xe hồng) làm mọi người cười nghiêng ngả. Xe chạy qua nơi nào là trên xe vang lên bài hát về nơi ấy: Quảng Bình quê ta, Bên ven bờ Hiền Lương, kể cả những bài mà 50, 60 năm nay không ai hát. Lạ thật, trên xe mọi người đều nhớ và đều hát: ‘Miền Nam em dừa nhiều, miền Nam em dứa nhiều’, ‘Ngày em mới ra miền Bắc em còn bé xíu xiu như là cái hạt tiêu’, ‘Tiến lên đoàn viên theo Đảng tiền phong’(Hihi!).

         Du Xuân 2014 tôi còn được đoàn tụ cả gia đình Ngựa. Sau mất mát năm rồi của Bà giáo, Ngựa Ban, Ngựa Tiến, nay năm ngựa còn lại gặp nhau. Một cô bé tình cờ đến hỏi tôi ‘Chị có biết em là ai không?’ Tôi nhìn và nhận ra ngay ‘Em là Nhung, Ngựa Nhung!’. Nhung chỉ cho tôi anh Ngựa Xuyến và cả năm Ngựa chúng tôi cùng chụp một bức hình, hẹn nhau mạnh khỏe để cùng du Xuân 2015. Muốn chụp với con Ngựa cực đẹp ở xưởng đá Ngũ Hành Sơn cho tăng phần hoành tráng nhưng chen chân với các nhóm khác không nổi (Hihi!).

 

                      Nhà Ngựa (Vinh, Nhung, Thoa, Hoa, Xuyến)

            Du Xuân 2014 Vitour Đà Nẵng còn kịp giới thiệu cho chúng tôi ẩm thực đặc sản: bánh tráng cuốn thịt lợn hai da, mì Quảng, bê thui Bà Mười (Quên cả chụp hình huhu !) và những bữa cơm thật ngon và đủ đầy đến nỗi tôi cảm thấy thèm... ‘một bữa đói’.

           Du Xuân thành công mĩ mãn nhờ những đóng góp ‘vật thể và phi vật thể’, những cố gắng bản năng của từng người. Năm cô em Lan, Lai, Tuyết, Hồng, Huệ lo trấn an huyết áp trước hành trình, Năm (SV72) phải chủ động dừng chân dưới núi Chúa của Bà Nà Hills và ngồi lại ở nhà chờ của Động Thiên Đường. Tôi hỏi ‘Sao không cố gắng đi từ từ, tiếc quá !’ Trả lời ‘tim Năm mà bịch ra thì làm khổ cả đoàn’. Chị Lý dìu anh Tuấn từng bước chân. Tại nhà chờ của Động Thiên Đường, Ku-Khoai nói với tôi ‘Con phục cô Lý thật! Con tròn ủm như zầy, chỉ phụ đỡ chú Tuấn có nửa số bậc thang xuống mà những bước hụt của chú làm con trĩu cả tay!’

 

        Không biết bày tỏ bao lời Cám ơn mới đủ để dành cho những mạnh thường quân, những nhà tổ chức: M.Châu, Q.Ngọc, X.Ba, T.Thắng, A.Tuyết, P.Thoa, Chi… các em gái Đà Nẵng: Nga, Mùi, Bình và Người KGU đã làm nên một Du Xuân 2014 hạnh phúc tuyệt vời, đẹp hơn cả giấc mơ.

 

                                                  Thành phố Hồ Chí Minh 3/5/2014.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Người post: TanhVH

Ngày đăng: 12-05-2014 09:09






Xem 1 - 10 của tổng số 22 Comments


Trang:  1 | 2 | 3 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: Guest Phạm Thị Ngọc Hoa Hóa 72
25/06/2014 12:57:07

Cám ơn các bạn, các em đã đồng cảm với mình về Du Xuân 2014. Những com. của các bạn quá hay! (còn hay hơn chính bài viết), đã mang đến cho mình những món quà tuyệt vời, những người bạn mới. Mình còn đựơc tặng thơ (Lý TM), tặng ảnh (Hòai PV), cái ảnh mà mình chắc chắn không làm được khi đang cùng các vị "bô lão" khóa 72 đứng trên sân khấu.


Được chia sẻ niềm vui hay nỗi buồn đều thật đáng giá. Nỗi buồn vợi đi một nửa, còn niềm vui được nhân đôi. Mình viết bài này có đọan cười, đọan khóc. Và mình cũng được đón nhận tình cảm như thế từ các bạn. Cám ơn trang web KGU.


Một chút xíu đính chính về ảnh" Bức tượng Người đầu voi" ( lỗi do thông tin chứ không của ai!)



Từ: Guest LD
21/05/2014 22:17:21

Cam on chi Hoa ve  nhieu thong tin chi tiet cac diem doan kgu dat chan toi ma gio em biet. Chi dung la sv gioi cu khoi ma a ThangNT sv 73 thuong nhac den. Chuc cac chi luon vui tuoi va co suc khoe con du xuan dai dai.



Từ: UyenNT
16/05/2014 21:32:06

    Cám ơn chị Hoa đã có bài viết đầu tiên rất tuyệt vời.Em bận đi công việc mấy hôm nay nên bây giờ mới được đọc bài của chị,đúng hơn là của các chị khóa 72.Khi được Du xuân cùng các chị lần này,được nghe các chị kể chuyện về thời thơ ấu tập kết ra Bắc.Rồi vào học tại trường học sinh miền Nam.Em đã rất xúc động và tha thiết đề nghị các chị viết về mình.Thật không ngờ bây giờ lại được đọc một bài viết xúc tích và tràn đầy tình cảm như vậy.Năm tới chị em mình lại cùng Du xuân các chị nhé.Chúc chị Hoa và các chị khóa 72 luôn vui khỏe mãi.



Từ: HuongLH
16/05/2014 14:38:27

Bài viết của chị Hoa hay quá , rất chi tiết và sinh động, đúng như chị đang vẽ nột bức tranh tuyệt đẹp về du xuân và hậu du xuân 2014 của KGU. Chúc các chị mãi yêu đời, lạc quan và tham gia du xuân KGU đều đều để chúng em có dịp gặp lại và cùng học tập, noi theo nhé.



Từ: MuiLT
15/05/2014 13:57:47

Chị Hoa ơi, ngày bọn em sang Ki thì bọn chị về, cũng là dân chai lọ cả nhưng chị em mình không có đc những kỷ niệm khó quên ở đất bạn. Tuy nhiên về đây gặp các chị rồi cùng du xuân-du lịch mà bọn em thấy ấm cúng quá. Có nhiều bài viết rồi nhưng đọc bài của chị vẫn thấy rạo rực và có nhiều cái mới quá, cũng tham gia từ đầu cho đến phút cuối nhưng bọn em không đc chu đáo và quan sát chi tiết như chị. Thạt là những kỷ niệm khó quên phải không chị. Em chúc chị luôn mạnh khỏe vui vẻ để gặp nhau dài dài nhé



Từ: LyTM
14/05/2014 20:57:30

Hay chi hay rứa chị Hoa nờ! hehehe


Đọc bài chị viết hôm nay


trong lòng dào dạt như say từng lời,


mấy ngày xa vắng web thôi,


hôm nay về lại, bồi hồi dõi theo,...




Cảm ơn câu chữ như reo,


như yêu cả Hội, như theo nhau về,


chuyến Du Xuân quá say mê,


cuốn phim huyền diệu kể về Hội ta,...




Năm sau sẽ đến nhanh mà,


những mong được ngắm cả nhà đông vui,


viết nhiều lên web chị ơi,


chúng em ngả mũ, kính người viết hay!


Hehehe,...



Từ: Guest Phuonglx
14/05/2014 20:25:58

Sau hậu du xuân 2013 tại Phú Quốc, một số ACE 73 được chị Hoa và các chị Lộc, Cấp, Thống, anh Mậu... đón tiếp tại nhà chị Hoa. Thật cảm động khi được các anh chị khóa trên đón tiếp nhiệt tình chu đáo. Ảnh chụp chung trước nhà chị Hoa rất đẹp, nếu bạn TanhHV post lên mạng thì hay biết mấy. Thật tiếc năm nay ko tham gia du xuân để được gặp mọi người. Hẹn du xuân lần sau nhẹ.



Từ: GiangHV
14/05/2014 09:59:14

 


     Rất may mắn cho tôi là trong chuyến Hậu Du xuân đã được tiếp xúc khá nhiều với các chị khóa 72, trong đó có chị Hoa; từ đó được biết thêm nhiều điều về các chị. Khi chúng tôi hết năm Dự bị thì các anh chị về nước, nên trước Du xuân 2013 tại TP HCM, trong đầu tôi chỉ còn lưu được mấy cái tên: chị Bằng, chị Đào, anh Khuê, anh Quang, .... Đến Du xuân 2013, tôi mới nhớ ra được thêm một số chị thông qua "các bước nhảy điêu luyện" tại Nhà Hữu nghị Quận 1. Thế rồi trên đường Hậu Du xuân tôi mới được mục sở thị rằng: các chị thật quá hay. Không những chỉ nhảy đẹp, các chị còn rất hay hát, thuộc rất nhiều bài hát và hát rất hay nữa. Tôi thật xúc động khi nghe "các cựu học sinh miền Nam tập kết ra Bắc" hát các bài "Bên ven bờ Hiền Lương" và "Tình trong lá thiếp" khi đoàn vừa tham quan Di tích cầu Hiền Lương lịch sử. Đặc biệt, khi cả đoàn cùng các chị hát hết lời 1 của bài "Bên ven bờ Hiền Lương", không ai hát tiếp nữa thì chị Hoa rời khỏi nghế ngồi, ra đứng giữa xe hát tiếp lời 2. Nghe các chị say sưa hát, tất cả chúng tôi đều hiểu các chị đang xúc động và hạnh phúc biết chừng nào. Không những thế, chị Hoa còn viết rất hay, rất chi tiết, rất văn học nữa chứ. Xin cảm ơn các chị nhiều và hẹn gặp lại các chị ở các Du xuân sau.



                    "Bên ven bờ Hiền Lương" trong chuyến Hậu Du xuân 2014 


 



Từ: ThanhLK
13/05/2014 23:56:26

Chị Hoa viết rất hay, sinh Động và  đầy cảm xúc. Em không tham gia Du Xuân ở Đà Nẵng nhưng rất nhớ hai chị nhảy rất đẹp tại Đêm Ga La Du Xuân 2013 ở TP HCM. Mong các chị luôn khỏe mạnh để tham gia Du Xuân KGU đều đều nhé



Từ: ThoaNP
13/05/2014 17:17:41

Chị Hoa yêu quý,


Không hiểu sao em đọc bài chị mà rớt nước mắt (có lẽ do đang ở xa nhà). Em cũng đi dự Du Xuân, nhưng mới hôm đầu tiên đã không khỏe, nên không tham gia được đầy đủ và có nhiều cảm nhận như chị. Bài chị viết như đưa em đi du lịch thêm một vòng. Em đọc bài mà càng nhớ các chị. Chẳng biết làm sao để theo kịp được các chị. Cảm ơn chị về bài viết rất hay.




Trang:  1 | 2 | 3 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s