GIỜ NÀY BẠN Ở ĐÂU?
Tác giả: CucNT
GIỜ NÀY BẠN Ở ĐÂU?
Tuổi thơ tôi đi qua trong chiến tranh, dưới những làm mưa bom, bão đạn. Khi biết nhớ, tôi đã phải chứng kiến sau những trận bom, những căn nhà bốc cháy, đổ nát, bao người dân vô tội quê tôi bị bom Mỹ cướp đi mạng sống, những người lính hiền hậu từ mọi miền Tổ quốc đóng quân ở quê tôi bị hy sinh. Rồi gia đình tôi bị trúng bom, mẹ và các chị bị thương. Bao nhiêu đau thương do chiến tranh gây ra. Tôi cũng như tất cả người dân Việt Nam và nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới đều căm ghét chiến tranh. Sau chiến tranh, chúng tôi còn phải chịu đựng nhiều những thiếu thốn, đói rét. Cho tới ngày bước chân lên đất Môndova hiền hòa xinh đẹp, trở thành 1 sinh viên của trường đại học tổng hợp Kishinew, ám ảnh về chiến tranh mới nguôi ngoai trong đầu óc non trẻ của tôi.
Lớp dự bị của chúng tôi có 12 sinh viên Việt Nam nhưng cô giáo dạy tiếng Nga của chúng tôi thì thường bảo 15 sinh viên Việt Nam, bởi cùng với chúng tôi còn có 3 người bạn Camphuchia. Các bạn nói chuyện với chúng tôi bằng tiếng Việt Nam. Người lớn tuổi nhất là anh TSeng, anh đã hơn ba mươi tuổi, còn chúng tôi mới 18 tuổi thôi. Anh mặc áo bà ba và thường quấn chiếc khăn rằn quanh cổ. Chúng tôi gọi anh là anh ba Nam bộ. Anh kể quê anh giáp biên giới với Việt Nam, từ nhỏ anh đã giao lưu với những người Việt Nam nên anh nói tiếng Việt như người Việt Nam .Anh đã đi lính chiến đấu chống lại Pol Pot và sau được cấp trên đưa qua Việt Nam học tiếng rồi du học qua Moldova. Bạn thứ 2 tên là Thom Son cùng tuổi chúng tôi, quê Thom Son ở Phnôm Pênh. Bạn thứ ba tên là Đô La. Chúng tôi thường trêu: “Bố mẹ đặt tên vậy là ước muốn cho bạn có nhiều tiền đó”.
Khi chúng tôi vào học dự bị tiếng Nga ở Kishnew, chị Huyền, lúc đó là bí thư Đoàn trường thường dặn chúng tôi phải sống học tập thật tốt, gương mẫu để tất cả các bạn bè mọi quốc tịch đều kính trọng sinh viên Việt Nam và dặn chúng tôi quan hệ tốt với bạn bè thế giới là một trong những nhiệm vụ hữu nghị cần thiết của Hội sinh viên Việt Nam. Chưa quen lắm với các bạn từ những nước Châu Âu, chúng tôi suốt ngày ríu rít cùng mấy bạn Camphuchia và các bạn cũng thực sự coi chúng tôi là những người anh em ruột thịt. Học tiếng Nga là điều khó khăn nhất là với những người quê ở Nghệ Tĩnh như chúng tôi vì cách phát âm rất nặng thế nhưng so với các bạn Camphuchia thì chúng tôi còn giỏi hơn nhiều. Các bạn Huyền, Khuyên, Mai, Long khá tiếng Nga hơn nên thường xuyên giúp mấy bạn CPC phát âm cho đúng còn các bạn Huệ, Hà, Nhàn thì giúp họ nấu nướng. Buổi sáng lên lớp còn buổi chiều tự học ở nhà. Các bạn tôi thường xuyên nhận thư nhà còn tôi thì rất ít khi riêng Đô La thì chưa bao giờ tôi thấy bạn reo hò vì có thư nhà như Tseng và Thom Son. Ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam, chúng tôi quây quần bên nhau, cùng nấu nướng, trang trí phòng ở, cắt dán những bông hoa đào rực rỡ, nấu các món truyền thống và nâng cốc chúc mừng nhau may mắn sức khỏe, hạnh phúc trong năm tới. Tết cổ truyền của CPC vào ngày 15/4 âm lịch. Hôm đó, các bạn CPC mời chúng tôi đón Tết cùng các bạn.Chúng tôi tập trung tất cả mộc nhĩ, nấm hương, miến và bánh đa men cuối cùng làm những chiếc nem thơm nức và nón nộm bắp cải thật ngon mang lên. Bạn Huệ, Hương còn đi hái những cành hoa xiren tím ngát mang về cắm giữa bàn. Chúng tôi nâng ly, chúc cho nhau những lời tốt đẹp nhất và hát vang bài “Việt, Lào, Khơ Me anh em”. Tất cả đều thuộc lòng bài hát tiếng Việt và hát say sưa như tiếng lòng của chính mình. Khi tất cả đang ồn ã trong tiếng cười vui, bỗng dưng Đô La đi ra ban công đứng 1 mình nhìn mông lung vào trời xa sâu thẳm. Tôi lặng lẽ đứng sau Đô La, 1 lát bạn quay lại cầm lấy bím tóc tôi nhẹ lắc “Cúc ạ! Em gái của Đô La cũng tết 2 bím tóc như Cúc vậy, Đô La nhớ em lắm!” ‘Thế lâu bạn có nhận thư em gái không?” “Không! Và mình cũng không biết giờ này em gái còn sống không?” Mắt Đô La đỏ hoe, lòng tôi nghẹn lại và thoáng ân hận vì đã chạm đến nỗi buồn sâu thắm trong lòng Đô La. “Sao vậy? Kể cho Cúc nghe được không?”. Tôi im lặng chờ đợi nhưng Đô La không nói gì. Chợt các bạn gọi ầm lện, “Hai đứa tâm sự chuyện gì đó? Vào cạn ly đi!”. Chúng tôi bước vào nâng ly nhưng tôi không còn nhìn thấy nụ cười trên môi Đô La nữa, một nỗi buồn xâm lấm nét mặt bạn. Đêm đó tôi không ngủ vì boăn khoăn. Anh trai tôi cũng rất thương tôi, anh ấy chiều chuộng tôi đủ thứ khi tôi còn thơ bé. Có lẽ Đô La cũng thương em gái như anh trai tôi thương tôi vậy. Hôm sau đi học về không thấy Đô La xuống nhà ăn như mọi lần, tôi cảm thấy lo lắng. Đến chiều thì tôi mạnh dạn gõ cửa phòng Đô La. Đô La đi cùng tôi xuống phía sau ký túc xá. Ở đó có 1 mỏm đồi, có những hòn đá đã mòn nhẵn, phía trước là 1 rừng cây, có cả những cây xiren nở hoa ngào ngạt. Chúng tôi thường gọi nơi này là “nơi chất chứa những tâm tình”, hễ ai gặp chuyện gì buồn là thường ra đó ngồi một mình hoặc cùng người bạn thân nhất trút bầu tâm sự. Chúng tôi ngồi xuống nơi hòn đá. Tôi im lặng chờ đợi và mãi một lúc sau Đô La mới kể cho tôi nghe “Cúc ạ! Bố của mình là giáo viên, mẹ mình là cán bộ công nhân viên chức, nhà mình có 2 anh em, mình và 1 đứa em gái ít hơn mình 6 tuổi. Gia đình mình hạnh phúc vô cùng, hằng ngày bố mẹ đi làm, mình và em gái đi học, em gái mình xinh lắm, nó ríu rít suốt ngày bên mình. Ban đầu thì mẹ tết tóc cho em gái nhưng sau mình cũng biết tết tóc và từ đó, em gái toàn làm nũng bảo anh Đô La tết tóc thì em mới chịu đi học, rồi em ngúng ngẩy 2 bím tóc đong đưa, dễ thương lắm. Nhà mình không giàu nhưng bố mẹ vẫn chăm lo cho 2 anh em ăn học đủ đầy. Những lúc nhận lương, bố mẹ đưa 2 anh em ra chợ Đông Dương mua sắm, mẹ thì mua váy, bố mua áo còn mình lúc nào cũng tìm được 1 cái nơ cài tóc rất sặc sỡ cho em."Bạn hạnh phúc thật đấy!”. Tôi reo lên. Đô La không nói gì, Tôi thấy tiếng reo của mình thật vô duyên. Giọng Đô La chùng xuống “Cúc đã bao giờ chứng kiến chiến tranh chưa?” . Ôi! Bạn không biết đâu, chiến tranh là những gì khủng khiếp nhất. Bạn có biết là mình không hề có tuổi thơ không? Vì đó là những tháng ngày trốn dưới hầm ngập nước vì sợ bom rơi, đói quay quắt ngóng trông những củ sắn, hạt ngô mẹ vất vã đào mót được dưới gầm trời bom gầm, đạn rú. Rồi mẹ, các chị bị thương nằm viện, bạn của mình chết mất xác vv Ôi! Làm sao mà Đô La hình dung được Cúc đã trãi qua những ngày tháng khủng khiếp thế nào. Sau chiến tranh, cả gia đình Cúc vẹn toàn Cúc mới có những tháng ngày êm đềm đi học.
“Vậy mà sau chiến tranh, mình chẳng còn ai nữa Cúc ạ. Đó là vào 1 ngày mùa hè năm 1978, một đội quân Khơ mer Đỏ ập đến nhà mình, chúng đốt nhà, cướp tài sản cho lên 1 xe còn những xe khác chúng lùa người dân lên đó, không ai được mang theo gì cả. Cả làng mình nhốn nháo, tiếng kêu khóc thảm thiết vang lên. Bọn chúng lôi bố mẹ và mình lên xe, em gái mình lúc đó đang đi tập hát với các bạn trong đội thiếu nhi. Mẹ mình nhảy xuống cương quyết không đi. Mẹ bảo “Anh và con đi đi! Em ở lại chờ Mi Lan, có chết em cũng chờ con.” Nhưng rồi mấy tên lính xốc mẹ ném lên xe. Xe chạy đi, cả bố, mẹ và mình đều khóc. Chúng mình bị dồn vào 1 trại tập trung và bắt lao động khổ sai, có khoảng 500 người. Bố mình là thầy giáo, mẹ mình làm kế toán trong trường, không quen lao động chân tay nhưng vẫn phải làm việc cật lực. Rồi có 1 lần, mấy thằng bé chỉ khoảng 14 , 15 tuổi thôi Cúc ạ! Chúng bắt tất cả đứng thành 1 hàng và đọc tên từng người. Chúng hỏi ai làm nghề gì, phần lớn là làm nông. Khi hỏi đến tên bố mình, ông trả lời “Giáo viên”. Chúng bắt bố, mẹ mình và nhiều người làm công nhân viên chức khác đứng qua 1 bên. Những chiếc cuốc vung lên, bố mẹ mình và những người khác nằm sóng soài trong vũng máu. Có người hét lên “Tại sao?”. Mấy thằng nhóc trả lời “Cấp trên bảo làm thế!”. Bố mẹ mình đã phải chết tức tưởi như thế đấy Cúc ạ! Đau đớn đến tê dại nhưng mình không dám khóc, mình muốn chết cùng bố mẹ nhưng mình cũng muốn sống để tìm em Mi Lan. “Mi Lan ơi! Giờ này em ở đâu?” Vai Đô La rung lên, bạn bật khóc nức nở. Tôi nắm chặt tay Đô La, để yên cho bạn khóc và nước mắt cũng chảy giàn giụa trên mặt tôi. Một lúc lâu sau, Đô La mới tiếp tục, 6 tháng trong trại tập trung như thế, thêm khoảng 1 nửa số người bị chết vì bị đánh đập, đau ốm và đói rét. Nhiều lần mình đã kiệt sức nằm và mong rằng 1 giấc ngũ vĩnh viễn sẽ đưa mình thoát khỏi cuộc sống địa ngục trần gian này nhưng khi vừa chợt mắt, mình lại nghe tiếng gọi của em Mi Lan, “Anh Đô La cứu em!”. Thế là mình phải sống, sống trong hoảng loạn bởi cuộc sống tận cùng khổ nhục và ám ảnh kinh hoàng về cái chết của người thân. Rồi 1 ngày, cánh cửa trại mở tung, bộ đội Việt Nam đã đến cứu dân tộc CPC thoát khỏi họa diệt chủng của bọn Pol Pot. Mình trở về ngôi nhà xưa, hoang lạnh và buồn bã. Mình chỉ gặp lại 1 vài người quen, không ai nhìn thấy Mi Lan đâu cả. Mình đã tìm em khắp nơi, ai cũng bảo rằng có lẽ em chết rồi nhưng mình không muốn tin điều đó.
Rồi mình được cán bộ Việt Nam đưa sang Việt Nam học tiếp cấp 3 bằng tiếng Việt. Sau đó mình thi vào 1 trường Đại học ở Việt Nam và được chọn đi học ở Tp HCM 1 năm tiếng Nga rồi qua Mondova học như các bạn bây giờ. Không có bộ đội Việt Nam thì dân tộc CPC đã bị diệt chủng hết rồi. Mãi mãi người dân CPC tri ân dân tộc Việt Nam. Mình yêu quý các bạn lắm Cúc ạ! Chúng ta là anh em, đúng không bạn?”. “Tất nhiên rồi, tôi trả lời”. Chúng tôi đi về ký túc xá, Đô La cầm tay tôi lắc lắc “Nhiều khi mình cứ nhìn theo đôi bím tóc của bạn, bạn đừng hiểu nhầm mình nhé! Nhìn phía sau, bạn giống em Mi lan lắm, lúc thất lạc nhau, em Mi Lan chỉ mới 8 tuổi, mình thương em gái lắm!”.” Mình hiểu mà, giá như mình có thể làm được chút gì để vợi bớt nỗi đau trong lòng bạn”. Tôi an ủi Đô La.
Chúng tôi gắn bó với các bạn CPC hơn. Riêng tôi, tôi dành 1 góc nhỏ trong tâm hồn mình cho nỗi buồn của Đô La trú ngụ. Thi thoảng không thấy Đô La đâu, tôi chạy ra sau góc ký túc xá và tìm thấy bạn đang ngồi trầm ngâm ở đó. “Chúng ta gắng học tốt, sau này về nước thế nào bạn cũng tìm thấy Mi Lan”. Sự có mặt của tôi bên cạnh đã làm Đô La đỡ buồn phần nào.
Học xong lớp dự bị tiếng Nga, chúng tôi tiếp tục học khoa luật ở trường Đại học tổng hợp Kishinew, Anh Tseng và Đô La thì chuyển lên thành phố Lvov học luật, Thom Son học khoa sinh vật và chuyển qua ở ký túc số 4 đường Benderskaia.
Ngày chia tay, chúng tôi lại ra sau ký túc xá ngồi lặng ôn kỷ niệm của 1năm gắn bó. Đô La nhắc lại nỗi đau dai dẵng. Dù đã nghe nhiều lần, tôi vẫn lặng yên nghe Đô La thổ lộ và tôi hiểu, trong tâm khảm Đô La, hình ảnh người em gái luôn hiển hiện và ước muốn tìm lại được em chiếm hết mọi tâm trí của bạn. “Cảm ơn Cúc nhiều vì đã chia sẻ với mình.” “Cảm ơn bạn vì đã tin tưởng và đã cho phép mình chịu đựng cùng bạn những nỗi đau”. Viết thư cho Cúc nhé! Kể cho Cúc nghe cuộc sống của bạn nơi thành phố mới và lúc nào có người yêu nhớ báo tin mừng cho Cúc nhé!”. “Mình sẽ không yêu ai cho tới lúc tìm được em gái, Cúc ạ!”. Tôi hiểu nỗi lòng của Đô La và tin rằng bạn sẽ quyết tâm làm như thế nên tôi chỉ nắm chặt tay Đô La “hãy giữ gìn sức khỏe”.
Đô La ghi thư cho tôi bằng tiếng Việt rằng ở thành phố Lvov cũng có nhiều người Việt Nam, họ cũng coi các bạn CPC như anh em, cũng có nhiều bạn gái nhưng toàn cắt tóc ngắn, không có ai để bím tóc dài như Cúc. “Mình mong học xong, về nước tìm em Mi Lan rồi mình sẽ mời Cúc qua Camphuchia chơi, chắc chắn là em Mi Lan sẽ yêu quý Cúc như chị gái”.
Những lá thư thưa thớt dần và hết hẳn, tôi cũng bận bụi với những nỗi niềm riêng nên cũng không còn mong ngóng thư bạn như những ngày đầu mới xa nhau.
Hè năm 1989 tôi về phép và đi cùng chú tôi qua Camphuchia tham quan. Chú tôi làm ở Cục nghiên cứu Tổng cục 2 và từ năm 1979 thì qua Camphuchia làm việc.
Tôi muốn tham quan nhiều nơi nhưng chú tôi không cho, bảo rằng thi thoảng vẫn đang còn những viên đạn lạc. Khi chúng tôi đi xe từ Tp. HCM đến Phnom Pênh, dọc đường là hình ảnh những người dân Camphuchia đang bịn rịn chia tay người người lính tình nguyện Việt Nam về nước. Những bàn tay vẫy, những giọt nước mắt nhớ thương và những lời cảm ơn tràn đầy tình nghĩa. Tôi đứng lặng trước nghĩa trang liệt sỹ, hàng người lính tình nguyện Việt nam đã vĩnh viễn để lại tuổi xuân, cuộc sống nơi đây.Họ đã hy sinh cuộc đời mình cho dân tộc Camphuchia hồi sinh.
Tình cảm quyến luyến giữa quân đội Việt Nam và nhân dân Campuchia
Đang ngắm nhìn Hoàng Cung, bất chợt tôi nghe tiếng gọi “Cúc ơi!”. Tôi run lên, tiếng ai như tiếng Đô La. Không phải, là Thom Son. Thom Son mời tôi và chú vào nhà chơi. Nhà Thom Son ở gần Hoàng Cung, trong nhà bày biện những đồ gỗ quý hiếm chạm trổ rất tinh xảo. Tôi buột miệng “Nhà bạn giàu quá!”. Thom Son trả lời “Nếu không có bộ đội Việt nam cứu giúp thì mạng sống của mình và gia đình cũng chẳng còn nói gì đồ đạc. Cả dân tộc Camphuchia biết ơn dân tộc Việt Nam”. Thom Son dẫn tôi ra chợ Đông Dương “Bạn mua đi, mình mua mấy chục cái áo phông cành mai của Thái lan để mang qua Mondova bán lấy tiền, mình mua cả mấy cái đồng hồ Senko nữa.” Tôi mua mấy chục cái áo phông mang qua Kishinew, bán được đủ tiền mua vé.
Tôi hỏi Thom Son về Đô La nhưng Thom Son cũng không biết gì về bạn hơn tôi.Thom Son hứa sẽ hỏi thăm các bạn Camphuchia và có tin về Đô La sẽ báo cho tôi ngay. Học hết năm thứ ba thì Thom Son bị bệnh hiểm nghèo phải về nước. Từ đó tôi không còn tin tức gì nữa về các bạn Camphuchia. Gần ba mươi năm đã trôi qua. Ba mươi năm ấy, bao biến động trong một đời người.
Đất nước Camphuchia đang hồi sinh mạnh mẽ sau bao năm quyệt quệ vì chiến tranh. Người dân Camphuchia cũng như người dân Việt Nam, có lẽ là những dân tộc yêu chuộng hòa bình nhất trên thế giới bởi họ đã trãi qua quá nhiều đớn đau do chiến tranh gây ra.
Đô La ơi! Giờ này bạn ở đâu? Sao lâu nay bạn không lên tiếng? Mong sao bạn tìm được em gái Mi lan và đang sống cuộc sống trong bình yên, hạnh phúc. Mong sao chiến tranh không bao giờ còn tái diễn trên trái đất này.
Tp. HCM tháng 6/2014
Người post: CucNT
Ngày đăng: 05-06-2014 18:06
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |