Năm tháng sinh viên 2
Tác giả: Tự sướng đào ngũ
Đặt chân đến nước Nga vĩ đại
Đoàn tầu dừng ở biên giới Trung Xô. Tại ga Mãn Châu Lý chúng tôi được đổi sang tầu của Liên Xô. Đường ray Liên Xô có độ rộng hơn của Trung Quốc (Trung Quốc lại rộng hơn Việt Nam). Khi qua biên giới, một cảm giác căng thẳng bao trùm, khác hẳn không khí mấy ngày trên tàu Trung Quốc. Lính biên phòng Liên Xô mặt lạnh như tiền, lục tung từng thứ tên toa tàu để kiểm tra. Biên giới hai bên dầy đặc dây thép gai và các trạm gác với nhiều họng súng đen ngòm. Đó là lúc tôi cảm nhận được sự thù địch, khiến tôi nhớ đến mấy tài liệu chống xét lại của Trung Quốc phát hành mà bố tôi vẫn thu thập trong những năm 60. Một nỗi buồn khi đó đã xâm chiếm tâm trí tôi, một đứa trẻ mới lớn, cả ba nước Việt Nam, Trung Quốc và Liên Xô đều là XHCN cơ mà? Nên nhớ năm 1969 đã diễn ra trận chiến pháo và tên lửa tại biên giới Xô Trung.
Một sự hụt hẫng nữa là đồ ăn. Mấy ngày trên tàu Trung Quốc được ăn quá ngon, sang tàu Liên Xô chúng tôi được phát mấy khẩu phần bánh mỳ và sữa, không mấy hào hứng như món cơm Tàu. Chúng tôi chưa quen đồ Tây mà. Nhưng rồi mọi cái qua đi, nhất là khi con tàu đã xa biên giới Xô Trung. Bắt đầu xuất hiện các bạn phục vụ trên tàu, vốn là sinh viên tranh thủ nghỉ hè đi làm. Tuổi trẻ vẫn có những nét hồn nhiên, gẫn gũi và với chúng tôi là dịp để luyện thêm hội thoại tiếng Nga với các bạn sinh viên này. Chúng tôi bắt đầu gọi những tên như Vôva, Kôlia, .. Và rồi bánh mỳ cũng được tiêu thụ theo đúng khẩu phần.
Tàu dừng ở Irkusk. Chúng tôi được đưa vào một khu ký túc xá. Bắt đầu một cuộc khám bệnh kỹ lưỡng. Chúng tôi như một lũ ốm đói ở cái xứ nhiệt đới vốn nhiều bệnh tật, dân trí thì thấp, bị khám kỹ là đương nhiên rồi. Có điều tôi không hiểu khi đó, vì sao bạn lại lấy nhiều máu thế (hệt như đi hiến máu sau này). Có vài bạn còn bị cho về nước vì mắc bệnh ngoài da. Nhưng với lũ chúng tôi, kỷ niệm đáng nhớ nhất ở Irkusk là gặp gỡ các em (абитуренка) đang học luyện thi vào đại học trên những con đường trong khu ký túc xá. Các thiếu nữ Nga 17, 18 tuổi mới lớn thật là hấp dẫn với lũ con trai chúng tôi. Chúng tôi xì xồ với vốn tiếng Nga ít ỏi để bắt chuyện, để luyện thêm môn hội thoại. Các thiếu nữ Nga nhiệt tình và bạo dạn, các chàng trai Việt Nam thì nhút nhát. Chẳng hiểu kỹ năng hội thoại có tiến bộ bao nhiêu trong mấy ngày ở Irkusk, nhưng cảm nhận về vẻ đẹp của thiếu nữ Nga thì lên trong thấy.
Hồ Байкал
Chúng tôi lại tiếp tục lên tàu. Tại Irkusk đã bắt đầu chia nhóm theo các trường, các thành phố mà chúng tôi sẽ đến học. Chúng tôi đi theo tuyến đường tàu hỏa xuyên Xibia nổi tiếng của Liên Xô. Đẹp nhất là khi đi men theo bờ hồ Байкал, hồ nước ngọt lớn nhất thế giới. Tôi sững sờ vì lần đầu thấy vẻ đẹp này. Nước trong xanh. Ven hồ là những cách rừng cây bạch dương bạt ngàn. Hồ mà có khác gì biển, tàu men theo hồ đến nửa ngày mới hết. Nước Nga rộng lớn, tàu chạy 5 ngày mới đến Matxcơva, mà tốc độ đều ở quãng 80-100km/h. Chúng tôi chia tay nhau, mỗi nhóm một ngả, nhóm Trung Á hình như còn rẽ trước khi đến Matxcơva.
Đến Молдова
Nhóm đến Молдова khi đó chỉ có ba bạn học Toán, tôi, Trần Thái Sơn và Nguyễn Hồng Phú. Qua Ukraina, chúng tôi mới được ngắm kỹ các ngôi nhà của nông dân nước bạn khi đó, những ngôi nhà màu trắng bằng gỗ có hàng rào xinh xắn bao quanh. Đoạn ở nước Nga chỉ toàn là rừng cây. Dọc đường chúng tôi đã mua ít táo từ các bác nông dân bán tại sân ga (tại Matxcơva chúng tôi được phát ít tiền rúp). Sau một ngày đêm tàu đến sân ga Кишинёв, hình như vào buổi trưa.
Ra đón chúng tôi là mấy chị Lý (1977). Chúng tôi được đưa về общежитие 1, ký túc xá của Toán và Lý khi đó. Cơm đã được nấu sẵn, cơm gạo hẳn hoi, cùng thức ăn kiểu Việt Nam mà tôi vẫn nhớ có món bắp cải luộc đánh dấm cà chua. Gần 10 ngày trên đất Liên Xô, chúng tôi không được ăn cơm, nên bữa cơm hôm đó rất ngon miệng. Tôi vẫn nhớ các chị Lý đứng nhìn chúng tôi ăn với cái nhìn đầy thương cảm, nhìn chúng tôi như những con ma đói mới từ Việt Nam sang. Còn chúng tôi mặc kệ, cứ hùng hục ăn. Cảm giác được các chị Lý chăm sóc đã có dấu ấn sâu đậm đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ. Và cũng vì cảm giác này mà các năm sau chúng tôi cũng lại làm cái việc mà các chị làm khi đó: đón các em năm dưới mới từ Việt Nam sang.
Chúng tôi nhận phòng và được các anh chị giảng giải về cách sống ở bên Liên Xô. Chúng tôi bỡ ngỡ với ga đệm trắng tinh. Chúng tôi được dắt đến универмаг mua quần áo, đồ dùng. Chúng tôi còn được theo các anh chị năm trên đi hái quả ở nông trường. Lần đầu tiên tôi thấy những quả táo, quả mận to và thơm ngon đến thế. Mà lại được ăn thoải mái nữa.
Ba đứa chúng tôi được xếp cùng phòng anh Lê Hồng Đức (Lý 1977) và một cậu người Môn. Cái phòng bé tý chừng 16m2 mà 5 người ở. Giường kê theo kiểu chữ U. May mà hồi đó không đứa nào kéo bễ như bây giờ. Anh Đức có khuôn mặt đỏ hồng như tên của anh, tỏ ra rất chu đáo chỉ bảo chúng tôi từng tý một để mau chóng hòa nhập với cuộc sống sinh viên xô viết. Nào ăn uống không được tóp tép. Nào rửa mặt bằng tay rồi mới dúng khăn lau mặt chứ không vò ướt khăn như ở Việt Nam. Anh còn dạy chúng tôi nhiều câu tiếng Nga thực tế, kể cả câu chửi tục. Bây giờ anh Đức sinh sống ở Tp HCM cùng vợ là chị Linh, Sinh vật khóa 1978.
Riêng cách rửa mặt mà anh ấy dạy chúng tôi được tôi bảo tồn đến tận hôm nay. Tôi vẫn rửa mặt bằng tay rồi mới lau bằng khăn khô. Một thói quen hình thành khi mới sang Молдова và được giữ đến bây giờ sau 36 năm. Vợ tôi không thích cái kiểu rửa mặt như thế, dù biết rằng đó là một kỷ niệm gắn với thời sinh viên ở Liên Xô mà tôi không muốn bỏ.
Học kỳ đầu tiên
Sang tháng 9 chúng tôi bắt đầu đi học. Khoa Toán năm học 1974-1975 có 05 sinh viên Việt Nam, ngoài tôi, Sơn và Phú mới ở Việt Nam sang còn có Trần Văn Dũng và Nguyễn Đình Phư, đã ở Kishinev học dự bị. Chúng tôi được phân vào 2 lớp của 1 поток, vẫn lên lớp cùng nhau và chỉ giờ bài tập mới học riêng. Các bạn đến từ Cộng hòa dân chủ Đức còn đông hơn, 7 bạn. Tuy là lớp học tiếng Nga nhưng trong lớp cũng có nhiều bạn người Молдова.
Buổi đầu tiên được học môn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô. Bà giáo tên là Paukova, bài giảng về phong trào dân chủ Nga thế kỷ 19, tiền thân của các phong trào xã hội và cộng sản sau này. Cả 2 lớp Toán cùng поток được ngồi trong một phòng học khá lớn ở tòa nhà chính của trường КГУ. Tôi nghe được mỗi một từ là народники, những người dân túy mà đã có lần chúng tôi đã gặp ở năm dự bị. Nhưng khái niệm dân túy tôi cũng chẳng thủng là gì. Đầu tôi ong ong như bị bủa bổ vào đầu. Vốn tiếng Nga của tôi được học trong nước là quá ít ỏi để hiểu được những gì giáo viên truyền đạt. Tôi chỉ biết loáng thoáng về cách mạng tháng 10, về chiến tranh vệ quốc vĩ đại, còn phong trào dân túy thế kỷ 19 thì có biết gì đâu. Thấy các bạn Liên Xô hiểu ghê lắm, thực ra các bạn ấy đã biết ít nhiều ở giáo trình phổ thông rồi. Còn chúng tôi, ba đứa vừa ở Việt Nam sang đúng là một chữ bẻ đôi không biết. Nên tôi sợ môn này suốt cả năm thứ nhất. Đến năm thứ 2, tiếng Nga khá lên mới bớt sợ.
Nếu môn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô tôi ngại bao nhiêu thì các môn Toán tôi tự tin bấy nhiêu. Các kiến thức ở phổ thông (tôi được học chuyên Toán tại trường Chu Văn An) và năm dự bị là đủ để tôi tiếp thu không mấy khó khăn những kiến thức giảng dạy trong học kỳ 1. Cái chính là ngôn ngữ Toán rất đơn giản và logic, trình độ tiếng Nga của chúng tôi không bị gặp khó khăn. Giờ bài tập bao giờ chúng tôi cũng làm nhanh hơn các bạn Nga, Môn và Đức.
Kỳ thi học kỳ 1 tôi chỉ còn nhớ đến môn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô, còn mấy môn Toán tôi chẳng nhớ cụ thể là thi thế nào vì thi mấy môn Toán không có nhiều khó khăn cho tôi. Còn cái môn nhiều chữ kia (dân Toán chúng tôi vẫn gọi các môn khoa học xã hội như thế) tôi học tất cả các sự kiện chính gắn liền với Đảng Cộng sản Liên Xô, còn những cái khác bỏ qua. Ngồi trước cửa phòng thi tôi lần lượt thấy các bạn trong lớp đi ra, bạn thì cười, bạn thì buồn, còn tôi thì luôn hồi hộp không biết mình sẽ bốc phải câu gì đây. Có bạn trước tôi mấy người đi ra nói với tôi “Tao bị hỏi về bài phát biểu của ông bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Молдова”, được trình bày tại một sự kiện quan trọng gì đó của Đảng vào cuối năm 1974. Tôi liền vớ tờ báo của một bạn mà đã có bôi đậm các ý chính của bài diễn văn đó, đọc lướt nhanh nhưng tập trung tư tưởng cao độ để nhớ lấy mấy ý chính, biết đâu vào hỏi thi lại trúng tủ. Chắc là có quý nhân phù trợ hôm đó, sau khi tôi trình bày về một đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô nào đó, bà giáo hỏi đúng ngay về bài diễn văn kia. Thế là tôi cũng trình bày được mấy ý cơ bản của bài báo. Bà giáo có vẻ gật gù khi thấy tôi cũng đã đọc kỹ bài này (đối với một sinh viên ngoại quốc có thể coi như thế là kỹ) và từ từ hạ bút một chữ хор (tức điểm 4). Tôi mừng rú, thế là qua cái môn mà tôi sợ nhất. Mấy bạn Nga có bạn còn bị 3 điểm cơ mà. Và đây cũng là điểm 4 duy nhất mà tôi đã nhận trong suốt 5 năm đại học. Đến năm thứ hai tôi đã chiến đấu khá hơn nhiều với môn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô này, và tất nhiên với một sự châm trước nào đó cho học sinh nước ngoài, tôi được điểm 5, sau khi bà giáo cho thêm câu hỏi về cách mạng Cuba mà tôi trả lời khá ngon lành.
Tôi bước ra khỏi phòng thi và đi vội về ký túc xá trên con đường quen thuộc phủ đầy tuyết trắng. Lòng tràn ngập niềm vui vì đã qua được học kỳ đầu tiên. Vạn sự khởi đầu nan mà, các cụ nhà ta đã dạy.
Có 1 chuyện mà không hiểu Dũng, Phư, Phú, Sơn có nhớ không?. Khi hết học kỳ 1 năm thứ nhất, tôi đã rủ các bạn xin chuyển sang Toán ứng dụng. Tôi không hứng thú về Toán lý thuyết. Nhưng chẳng bạn nào hưởng ứng. Nên tôi vẫn tiếp tục học Toán lý thuyết. Cũng may tôi có cơ hội rời xa nó và đã nắm bắt khi được cử đi làm NCS, tôi đã chuyển sang môn Tin học.
Tuyết trắng
Nếu bạn sống ở xứ nhiệt đới như Việt Nam, cảm nhận về băng tuyết thật là đặc biệt.
Tôi đã làm quen với băng tuyết từ ở Việt Nam qua phim ảnh xô viết, qua những cuốn truyện, như “Thép đã tôi thế đấy”. Pavel đã cùng các chiến sỹ hồng quân vừa chống rét, chống đói, vừa xây dựng đường sắt. Trong một ngày tuyết rơi dầy đặc anh đã gặp lại Tanhia trên sân ga, đã nói những lời nhiệt huyết cách mạng với cô tiểu thư nhà giầu. Anh đã hiểu rằng, anh đã vĩnh viễn mất Tanhia.
Vào một ngày cuối năm 1974 tôi đã thấy tuyết rơi. Những bông tuyết bay trắng bầu trời. Không khí không hề lạnh như tôi tưởng. Bầu trời tối lại như khi đổ mưa. Khi đó tôi đang trên phố Пироговая. Tôi giơ tay bắt lấy những bông tuyết, rồi lại vứt chúng đi. Về đến khu ký túc xá tôi đi ra sân bóng xem các anh Lý năm trên đang chơi bóng trong mưa tuyết. Các anh ấy chơi bóng là phụ mà xô đẩy nhau ngã ra sân là chính. Cái cách chơi bóng rất khác với khi không có tuyết. Chẳng ai định chiến thắng cả. Chẳng rõ ai là đội nào với đội nào. Các anh ấy vừa chơi bóng vừa chơi tuyết. Tôi đang trong áo panto nên không tham gia mà chỉ đứng xem. Tôi vẫn đang tận hưởng cái cảm giác lần đầu tiếp xúc với những bông tuyết, chẳng cần phải chơi bóng bánh làm gì.
Молдова là xứ ấm nên tuyết chỉ có không quá 2 tháng. Tuyết cũng không dầy nên dù có độ dốc ở hồ Комсомол không thể trượt tuyết được. Khi tuyết tan đường phố khá bẩn, nó ngược hẳn với khi tuyết rơi. Thời gian lạnh nhất thì hồ Комсомол đóng băng, có thể trượt băng trên đó. Nghỉ đông năm thứ 3, tôi lên Matxcơva thăm mấy bạn cùng lớp Chu Văn An ở MGU, các bạn ấy trượt băng khá lắm. Tôi cũng sắm 1 đôi giầy loại cho hockey (lưỡi to bản và cong so với giày trượt băng bình thường) và tập trượt. Khi đã khá hơn, lúc tiến lúc lùi, tôi còn cầm gậy hockey và chơi quả saiba với mấy thiếu niên Nga chưa đến 10 tuổi. Chúng tôi không thể chơi được với loại trên 12 tuổi, chúng trượt nhanh như gió và lừa qua chúng tôi trong chớp mắt.
Nhờ đợt luyện tập ở MGU đó mà khi về Кишинёв tôi ra hồ Комсомол tiếp tục trượt cho đến hết mùa đông dưới sự nể phục của các bạn khác. Chúng tôi lập hội chừng 5, 6 người hăng hái nhất trượt băng mỗi khi mặt hồ đông cứng. Có lần mùa đông năm thứ 5, tôi trượt lùi không để ý nên rơi tõm xuống một cái hố nước mà ai đó đục ra để câu cá. Nhờ chơi thể thao nhiều nên tôi vọt ngay lên khỏi hố trong sự sợ hãi của mấy bạn khác.
Sau này được đi học ở Pháp tôi chẳng còn được tiếp xúc với băng tuyết nữa, thành phố tôi ở tuyết rơi hôm trước là hôm sau tan. Có sân băng nhân tạo nhưng với học bổng ít ỏi, tôi chẳng dám vào trượt dù rất thèm. Khi đó tôi đã có vợ, có con, phải tiết kiệm đừng đồng một.
Vợ chồng tôi vẫn ấp ủ một ngày sẽ quay lại Nga để tận hưởng màu trắng và cái lạnh của tuyết. Hay là đến dự Olympic mùa đông 2012 ở Sotchi?
Phim tư bản
Tôi cũng như các anh chị khác được phổ biến là không được xem phim tư bản. Phim tư bản được định nghĩa là phim do các nước tư bản, như Anh, Mỹ, Pháp, Ý sản xuất. Khi đó tôi luôn thắc mắc là phim tư bản nhưng nếu được Liên Xô nhập về thì tại sao lại không được xem? Nếu phim không tốt thì Liên Xô họ nhập về làm gì. Mà cái không tốt gì trong phim tư bản thì hoàn toàn mơ hồ. Nhưng thôi, sứ quán phổ biến thì phải chấp hành. Riêng tôi năm học thứ nhất bận rộn nên cũng không đi xem nhiều nên cũng chẳng quan trọng. Nhưng ngay học kỳ 1 năm học 1974-1975 ở Кишинёв có chiếu phim Romeo-Juliet do Anh và Ý cùng hợp tác. Hầu hết sinh viên Việt Nam ta đi xem phim đấy. Tôi chắc rằng khi ấy ai cũng tự nhủ, đây là tác phẩm tiến bộ nổi tiếng của Sexpia, đi xem đâu có hề gì. Tôi cũng cùng suy nghĩ đó và vô tư đi xem. Bộ phim quá hay, hai diễn viên chính rất xinh đẹp. Còn bài hát của phim vẫn còn nổi tiếng đến tận hôm nay.
Dạo ấy có kiểu hết mỗi học kỳ lại phải bình bầu đoàn viên 4 tốt (tôi không còn nhớ đó là những tốt gì nữa). Các chi đoàn đều đã họp và bình bầu. Chi đoàn Toán chúng tôi ai mà chả 4 tốt. Bỗng nhiên lệnh từ tên xuống là phải họp bình bầu lại. Ai đã đi xem bất cứ phim tư bản nào cũng không được là đoàn viên 4 tốt. Nghe đâu các anh bên Hóa (hình như khóa 1977) đã nêu vấn đề xem phim tư bản ra và yêu cầu bình bầu lại. Chi đoàn Toán họp lại. Mọi người tranh luận rất căng là phim Romeo-Juliet là ngoại lệ. Tôi thấy mất quá nhiều thì giờ tranh luận nên đã phát biểu: nếu đã là quy định thì cãi nhau làm gì nữa. Không 4 tốt cũng chưa chết người, còn học kỳ 2 nữa cơ mà. Tôi tự ý rút khỏi danh hiệu 4 tốt. Mọi người ngớ ra, không ai nói gì nữa. Thế là cả chi đoàn Toán nhanh chóng kết thúc cuộc họp mà chẳng có ai là đoàn viên 4 tốt.
Rất may chỉ có mỗi học kỳ đó là căng thẳng chuyện phim tư bản. Sau này không thấy ai đề cập đến. Rất nhiều người đi xem nhưng không nói ra, không khoe khoang. Nhiều người khác biết nhưng cũng không lôi ra để trừ 4 tốt. Đến lúc chúng tôi là năm trên rồi thì thoải mái xem phim tư bản, miễn đừng công khai cổ súy.
Thế rồi tôi cũng kết thúc năm học đầu tiên. Hè đến chúng tôi được đi nghỉ ở nhà nghỉ, thật là thoải mái sau kỳ thi vất vả. Hết hè các bạn học dự bị chuyển đi các thành phố khác, trừ Sinh và Luật. Năm học 1974-1975 trường КГУ có hơn 300 sinh viên Việt Nam, gồm 200 học sinh năm trên và 100 học dự bị. Tất cả quây quần trong 4 ký túc xá tạo nên một hình vuông mà mỗi cạnh chưa đến trăm mét. Thực chẳng khác gì ký túc xá ở Việt Nam, nhất là vào những ngày hè, các bạn Tây về nhà hết, chỉ còn Việt Nam. Các năm về sau dự bị và năm trên đều ít đi. Có lẽ năm học 1974-1975 là đỉnh cao về quân số sinh viên Việt Nam ở trường КГУ.
Quần loe tóc dài
Mới đây trên mail đàn nguoikgu đã rộ lên câu chuyện quần loe tóc dài dạo ở Кишинёв. Thật không biết bao nhiêu kỷ niệm của thời sinh viên.
Vào học được mấy ngày khi vào nhà ăn sinh viên tôi nhìn thấy mấy anh năm trên tóc dài đến vai, quần loe đến gối, trông rất khác người. Tôi được cho biết đó là mốt mới xuất hiện. Chúng tôi khi đó còn là quần áo bác Bửu nên ống chật lắm. Mới trong nước sang lấy đâu ra tóc dài. Nên nhìn mấy anh ấy lạ lắm. Tôi còn nhớ rõ hai anh nổi bật trong số đó là anh Thanh (Sinh vật) và Khoa (Vật lý). Một số thì ngưỡng mộ các anh ấy, một số thì cho rằng đó là không đứng đắn, đua đòi.
Dạo ấy các anh chị còn nhớ phong trào quần loe mới thịnh hành trên thế giới và đã du nhập vào Việt Nam. Trong nước khi đó có phong trào rạch quần loe và bắt cắt tóc ngắn, những biện pháp quá tả.. Ở nước ngoài, các chú sứ quán đương nhiên chỉ đạo không mặc quần loe, không để tóc dài. Có lẽ vì thế mà các anh quần loe tóc dài chỉ là số ít.
Tôi chẳng coi trọng lắm hình thức bên ngoài, nhưng đúng là không dám gần mấy anh ấy, dù tôi vào loại người mạnh dạn. Rồi phong trào quần loe trở thành phổ biến, ai cũng mặc quần loe. Tôi cũng vậy, sau cũng có mấy cái quần loe (nhưng loe vừa thôi chứ không quá mức như cái ống loa). Có chăng tóc dài không phát triển được mấy, dù ở Молдова là xứ lạnh. Nhưng hầu như không ai để tóc ngắn như hồi mới sang.
Trên mail đàn viết là phe tóc dài đã vận động cử được người của mình (anh Huy Lý 1976) vào ban lãnh đạo hội đồng hương. Nghe cứ như đảng phái chính trị ấy. Ở nhiều nước người ta có đảng bia, đảng rượu, thì ở Кишинёв có “đảng” tóc dài thì cũng có sao. Có điều mấy thành viên đảng này tôi cũng biết ít nhiều. Anh Huy sau này là rể lớp phổ thông cấp 3 chúng tôi, cũng thuộc diện nể vợ, ngoan với vợ. Còn cái anh Khoa thì bây giờ hiền lành đến kinh ngạc, hôm du thuyền vừa rồi đã xung phong lên hát bài Первая любовь tuy không thuộc lắm. Bản chất con người đâu có khác đi được bởi cái vẻ bề ngoài.
Năm 1982 tôi sang Pháp học NSC thì chẳng thấy cái quần loe nào, hỏi ra thì người Pháp bảo quần loe xưa rồi. Còn đến bây giờ, quần chỉ là đứng trở xuống. tóc tai đa phần mọi người cắt cao. Cũng phải thôi, trái đất đang nóng lên do khí thải, để tóc dài có mà bị ngứa à.
Tóm lại quần loe tóc dài chỉ là mốt một dạo, một thời của những năm 1970. Và nguoikgu cũng đã tham gia cái mốt đó.
Người post: NgocBQ
Ngày đăng: 16-09-2010 16:04
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |