HÀ NỘI - MÙA HÈ RỚT
Tác giả: CucNT
HÀ NỘI – MÙA HÈ RỚT
“Có một mùa trong ánh sáng diệu kỳ
Sắc nắng êm ru, bầu trời không chói,
Mùa hè rớt cho những người yếu đuối,
Cứ ngỡ ngàng như sắc mới vào Thu…”
( Mùa hè rớt – Ônga Bécgôn)
Tôi bay ra Hà Nội trong cái sắc màu của “Mùa hè rớt”, chưa phải là Thu để lá rơi vàng đầy ngõ, không còn là Hạ để sắc nắng chói chang. Tất cả đều êm ru trong không gian và hồn người tĩnh lặng. Có 1 thời tôi đã sống ở Hà Nội, vẻn vẹn 9 tháng học tiếng Nga trước lúc qua “Liên Xô “ du học. Từ làng quê nghèo nàn xa xôi, bước chân lên Thủ đô của đất nước, tôi cứ ngỡ mình nằm mơ. Tôi yêu Hà Nội từ ngày ấy, ngày chúng tôi náo nức đi xem hồ Hoàn kiếm, trang nghiêm viếng lăng Hồ Chủ Tịch, ríu rít dạo chơi trong công viên Lê Nin và ngỡ ngàng đứng trước Hồ Tây “sao lại có cái hồ to rộng thế?”…. Tôi đã quay lại thăm Hà nội nhiều lần và lần nào cũng để lại những kỹ niệm khó quên. Đi xa, tôi vẫn nhớ về Hà Nội, nhớ buổi chiều Thu tàn chớm lạnh của Đông về, tôi đã gặp lại ‘những ngày xưa thân ái” bên bờ Hồ Tây. Hai năm trước, tôi đã được gặp “Ngài đại tá” và giở lại những trang sử vẻ vang của dân tộc về Tháng 8/1945 để hiểu thêm sự thật của lịch sử đất nước. Cũng dịp đó, tôi đã gặp lại người anh thân yêu sau 46 năm xa cách. Hà Nội, có biết bao anh chị em Kgu nơi đó, có những người chưa 1 lần gặp mặt mà thân thiết như bạn bè chí cốt thửa nào.
Hà Nội với tôi mới hấp dẫn làm sao.
“Nhà chị không đủ rộng để mời tất cả anh chị em Kgu ở Hà Nội gặp mặt cùng em, chỉ có mấy chị em thôi” Chị Thanh gọi điện báo cho tôi. 18 giờ tôi có mặt, chị Thanh bế cháu bé “đit nhôm” đẹp như thiên thần ra đón tôi. Nhà chị đúng là không rộng nhưng bài trí thật hợp lý. Tôi sững người nhìn chậu hoa hồng tỉ muội , chị tìm đâu ra giữa Thủ Đô loại hoa khiêm nhường mà đằm thắm thế này? Là chị mua mấy bó hoa rồi về cắm đấy. Đúng là 1 bàn tay nghệ sỹ. Bên cạnh là 1 bó hoa Ly rực rỡ. Chị Tâm mang tới tặng chị. Trên tường là những bức tranh về phong cảnh đất nước, con người Mondova. Có lẽ cảm xúc để “những vần thơ ngô ngọng thời sinh viên” và “chuyện tình đêm sao” nở hoa vẫn phảng phất trong những bức tranh ấy. Thật là may mắn, nghe về chị Tâm đã nhiều, bây giờ em mới được gặp chị. Chị là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam, đúng với châm ngôn ‘sau lưng sự thành công của người đàn ông là bóng dáng người đàn bà”. Không phải sau lưng mà là bên cạnh anh Lý – Người được nhà nước Ba Lan vinh danh Giáo sư Vật Lý, chính là chị Tâm.
Vợ chồng anh Quang, chị Bình, Ngài đại tá và phu nhân bước vào. Rất tiếc là đến phút cuối, anh Hải NV nhắn tin là không đến được. Vậy mà, em Cúc dự định sẽ chất vấn anh vì sao lâu rồi anh không đi chợ Kgu, anh không có mặt thì làm sao mà "các bạn ơi! Về thăm Yên Bái quê tôi" được. Chúng tôi quầy bên chiếc bàn với bao nhiêu là món ăn. Có lẽ chị Thanh đã dành cả ngày để chuẩn bị thức ăn. Anh Kỳ Minh đọc lại những vần thơ của anh Lý viết tặng chị Tâm kèm theo những lời bình thật hay. Bình thơ thì đúng là chưa ai vượt qua được anh Minh, người nghe hình dung ra 1 chàng trai ngẩn ngơ nhớ vợ, thẫn thờ trước biển, trước những nơi in dấu bóng dáng vợ mình. Chị Tâm cũng đọc cho mọi người nghe những vần thơ chị viết tặng anh. Có lẽ anh Lý là người thành công nhất trong xúc cảm của vợ mình. Rất nhiều người nói với tôi rằng họ làm được rất nhiều thơ khi yêu, còn khi thành vợ chồng rồi thì cảm xúc bay đi đâu hết cả. Anh Quang, chị Bình kể nhiều câu chuyện vui làm cả nhà cười nghiêng ngã. Tôi tò mò hỏi anh Minh, sao anh trở thành Vũ sư? Tập nhảy có lâu không ? Anh Minh khoe, là công của chị Chi đấy, chị Chị đã dẫn anh ra sàn nhảy và dần dà anh khiêu vũ thuần thục. Anh Lương cười bảo, em muốn khiêu vũ được thì phải tập nhảy 3 năm. Anh và chị Thanh phải kiên trì lắm bây giờ mới nhảy thuần thục đấy. Đúng là những cặp đôi hoàn hảo! Ôi chao! 3 tuần chứ 3 năm thì em chịu.
Tiệc vui cứ kéo dài mãi với đủ các câu chuyện. Anh Minh bảo, cứ nghĩ em Cúc ra sẽ đưa em đi Thung Nai nhưng các anh chị đã có kế hoạch từ trước là mấy gia đình đi đảo Rều nên không đưa em đi được. Chúng tôi bịn rịn chia tay nhau ra về.
Hôm sau, anh Điền lái xe chở tôi và chị Hương đi Phú Thọ. Chị Hương đã từng đến nhà tôi ở Gò Vấp, Tp. HCM khi chị vào Miền Nam công tác. Đợt gặp đó 2 chị em ôm chầm lấy nhau và câu chuyện đang hồi say sưa thì chị phải ra về. Nên câu chuyện được tiếp diễn vào hôm nay, ngồi lên xe là chúng tôi say sưa kể chuyện. Tôi khoe, chị không biết đâu, chị Huyền tốt từ lâu, từ ngày xưa khi chị ấy còn nghèo khó, hàng ngày cũng ngồi còng lưng đan mũ như bọn em để kiếm 1 chiếc mũ 2 rúp nhưng chị ấy luôn quan tâm, giúp đỡ và yêu thương hết thảy mọi người .Chị ấy luôn đầu tàu gương mẫu nên bọn em mới bầu chị ấy làm bí thư thành đoàn chứ. Đúng rồi, người tốt thì tốt từ bản chất. Chị học trước Ngọc, Nguyệt nhé! Đôi ấy tốt từ trong trứng. Ngọc lúc nào cũng là 1 lớp trưởng nghiêm túc, dứt khoát nhiệt tình. Nguyệt thì vừa xinh vừa tận tụi. Bây giờ đôi ấy dù rất bận nhưng tham gia hầu hết mọi chương trình từ thiện. Ở Tp. HCM, anh Thắng như anh cả, Anh Uyển lúc nào cũng chân tình gần gũi, chị Tuyết như chị Hai, các chị Tâm, Lam, Hồng, Bồng lai, Lâm, Ngân, Hòa vv nhiệt tình vô cùng. Ở Hà Nôi có chị Thanh, Bích Chi, Hạnh, Lý , ba chị Bình, các anh Nghị, Huy, Hiền, Tánh, Mạnh, Kim vv Ai cũng hết lòng vì hội. Tiếc là dịp này em ra, mọi người đi công tác hết nên không gặp được nhiều. Cứ thế hai chị em tranh nhau kể về những người Kgu và “tự sướng” kết luận, người Kgu ai cũng tốt và thân thiết lại tài năng nữa chứ và chị em ta là những người trong số đó. he he.Vui thật là vui!
Anh Điền chăm chú lái xe mặc cho 2 chị em tha hồ nói chuyện.
Tới nơi rồi. Tôi bước xuống xe, ôm chầm lấy chị Lý. Anh Tuấn đang đào đất ngoài vườn dưới trời nắng nóng. Anh thả ven, đi vào nhà đón chúng tôi “Em bảo mai mới lên thăm anh chị mà, sao bây giờ lên rồi, ôi, không kịp chuẩn bị gì cả.”. Phải bất ngờ mới vui chứ, chị không phải chuẩn bị gì đâu, lúc nãy ngang qua chợ, em và chị Hương mua vài thứ lặt vặt rồi. Anh Điền bảo anh học trước anh Tuấn mấy năm, khoa sinh, không nhìn thấy mặt, đoán qua giọng nói, có biết là ai không? Im lặng 1 chút, anh Tuấn bảo “ Anh Điền phải không?” Anh Tuấn quả là có trí nhớ thiên tài, mấy chục năm rồi vẫn nhớ ra giọng anh Điền.
Chỉ 1 lát sau con gà đã được luộc xong, xôi đã nấu chín, con gái anh chị mang về 1 túi giò chả, bánh chưng, nước ngọt và bia. Chúng tôi quây quần bên nhau quanh bàn cơm ấm cúng thân thiết như đứa em ruột thịt đi xa lâu ngày mới quay về với anh chị. Tôi lo lắng cho sức khỏe của chị lâu nay chị có đi khám không? Có mệt lắm không?. Chị Lý bảo chị rất cảm phục chị Xuân Ba đã viết rất cụ thể về bệnh tình của mình với quá trình điều trị. Bản thân chị cứ mỗi lần vô thuốc là 1 lần mệt khủng khiếp, những lúc đó anh Tuấn phải làm thay chị mọi việc, xoa bóp toàn thân suốt đêm mới đỡ nhức mỏi. Chị Hương hồn nhiên, "mấy người bệnh như em “đi” hết rồi, còn mỗi em là vẫn “chinh chiến”". Khi gặp ai bị bệnh, tôi thường tránh nhắc đến bệnh tình của họ, sợ họ buồn. Ngược lại, chị Xuân Ba, Chị Lý và chị Hương lại rất bình thản chống chọi với bệnh tật và sống lạc quan yêu đời. Tôi thấy kính phục họ và học được thật nhiều từ họ. Tôi nói với hai con gái đẹp như hoa hậu của anh chị, các cháu thấy đấy, trong gia đình Kgu, mỗi người một hoàn cảnh nhưng mọi người đều sống lạc quan và yêu thương nhau.
Trời mưa nên chúng tôi ngồi trong nhà nói chuyện không đi thăm quan ngôi miếu cổ về 2 người thầy mà những vẫn thơ lục bát của anh Tuấn đã đưa họ sống mãi với thời gian. Căn nhà của anh chị rộng rãi thoáng mát ngoài vườn các loài rau mọc xanh tốt. Tôi nhìn bàn tay anh Tuấn, bàn tay ấy đã pha chế nên bao chất hóa học để làm giàu thêm vũ khí đạn dược cho dân tộc đánh thắng ngoại xâm, bàn tay ấy cũng mềm mại viết nên bao vần thơ tha thiết về tình yêu quê hương, đất nước con người. Và giờ đây, khi về già, khi sức khỏe không còn bảo đảm, khi đôi mắt không còn nhìn thấy bàn tay ấy vẫn đào đất trồng rau, dọn vườn, sắp xếp bao công việc trong gia đình. Hai năm trước tôi được gặp anh chị trong chuyến Du xuân tại Tp. HCM và rồi 1 thứ tình cảm quyến luyến đã gắn chúng tôi lại như ruột thịt. Bao nhiêu lần nghĩ về nhau, bao nhiêu lần gọi điện, bao nhiêu lần linh cảm mách bảo rằng chúng tôi đang nghĩ về nhau và mong cho nhau những điều tốt lành nhất trong cuộc sống. Đôi khi tôi nghĩ, anh anh Tuấn chính là anh Thân (con nuôi của mẹ tôi). Ý nghĩ đó làm cho tôi lúc nào cũng mong muốn được gặp anh chị. Có 1 câu châm ngôn rằng “Đã là bạn thân, không cần họ làm gì cả, chỉ cần họ bên ta là ta thấy hạnh phúc”. Thực sự tôi thấy rất hạnh phúc vì đã được về quê anh chị, ôm chị Lý trong vòng tay của mình và ngắm nhìn anh chị đang hạnh phúc dù cuộc sống còn vô vàn khó khăn trước mắt.
Câu chuyện còn dài nhưng phải về thôi . Anh chị tặng chúng tôi những nải chuối chặt trong vườn, buồng chuối thật to với những quả dài mập đang chín.Có lẽ anh chị đã chăm sóc những bụi chuối thật chu đáo, chờ ngày hái quả mang tặng những người mình yêu quý nhất. Chị Lý tiễn chúng tôi mãi đến cuối bờ đê. Xe chạy rồi, tôi vẫn ngoái lại nhìn, dáng chị nhỏ bé mờ dần trong nắng chiều phố núi.
Sáng hôm sau, tôi và người bạn đến ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu, dự định thắp hương viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhưng gia đình Đại tướng đi vắng nên mong muốn không thành.Bạn tôi đang sinh sống và làm việc tại Moskva, 15 năm rồi, kể từ khi tôi về nước, chúng tôi không gặp nhau. Thi thoảng chúng tôi liên lạc với nhau qua điện thoại .Gần 1 năm trước bạn tôi gọi điện hốt hoảng ‘Đại tướng mất thật rồi sao Cúc?” và bạn ấy khóc “Mình không về được để tiễn đưa Đại tướng, dân tộc đã mất đi một người con ưu tú nhất, buồn quá Cúc ơi!” Tôi an ủi, lúc nào bạn về nước, chúng ta sẽ đi tthắp hương cho Đại tướng.Chúng tôi đi chầm chầm trước căn nhà và cảm giác Đại tướng vẫn còn đâu đây, Người vẫn dõi theo từng bước đi của dân tộc và dặn dò con cháu hãy giữ lấy giang sơn gấm vóc tổ tiên để lại cho người dân Việt. Tôi động viên bạn dịp sau bạn về chúng ta sẽ di Vũng Chùa viếng Đại tướng vì nếu đến nhà riêng phải đăng ký trước cùng 1 đoàn nào đó chứ đột xuốt đến thế này gia đình đâu có ở nhà thường xuyên để chúng ta vào thắp nhang được
Tôi đi tắc xi qua những con đường ồn ào náo nhiệt tới nhà chị Liên nằm lặng im trong góc phố nhỏ. Bạn tôi bảo chị đã hơn 60 tuổi rồi mà nhìn còn đẹp vậy. Chúng tôi kể cho nhau nghe những nỗi niềm vụi sướng hạnh phúc và cả những xót xa. Tôi muốn ở lại ngủ với chị, đêm nằm ôm eo mà kể bao chuyện cuộc đời nhưng thời gian không cho phép. Chia tay chị, tôi cứ muốn nói với chị rằng chị hãy giữ gìn sức khỏe để hàng năm em được ra Hà Nội mà tỉ tê, mà yêu thương và hờn dỗi với chị
Tôi học ở Kishinew từ năm 1985 đến 1991 thì tốt nghiệp Đại học. Dưới sự “cầm chịch” của chị Huyền ( Bí Thư) và anh Hùng (Hội trưởng) chúng tôi đã có 1 hội sinh viên VN mà các bạn từ mọi đất nước khác nhau đều rất kính phục vì tinh thần đoàn kết và ý thức cộng đồng. Xa trường, về nước, mỗi người 1 phương tạo dựng gia đình và kiến tạo cuộc sống nhưng vẫn thường liên lạc, hỏi thăm về nhau. Các bạn đang chờ tôi ở 18C Ngọc Hà. Con phố ấy đã in dấu trong ký ức tuổi thơ của tôi khi xem phim “ Em bé Hà Nội”. Một thời đạn bom, một thời đau thương không thể quên trong lòng mỗi người dân Hà Nội. Giờ đây, đường phố thật vui, những gương mặt người hân hoan chào đón người thân và đưa vào quán quây quần bên bàn chuyện trò rôm rả. Chúng tôi định cư ở Thành phố Hồ Chí Minh thường làm ở các công ty tư nhân. Các bạn tạo dựng cuộc sống ở Hà Nội đều là những cán bộ công nhân viên của nhà nước. Năm tháng trôi đi, mỗi người đều nổ lực phấn đấu và đã giữ những vị trí quan trọng trong cơ quan của mình. Chị Dung – Cục trưởng cuc thi hành án, anh Hùng – Trưởng phòng điều tra xét xử Công an Quận Hai bà Trưng, Anh Tùng – đại biểu quốc hội, anh Hợi – Trưởng khoa Luật – học việc cảnh sát nhân dân chị Hiền – Phó chánh tòa lao động, tòa án nhân dân tối cao, bạn Nhàn , trưởng phòng dự án , Tòa án nhân dân tối cao, Bạn Hoàng làm việc ở 1 công ty bất động sản vv Tôi chúc mừng và cảm ơn họ đã cống hiến được nhiều cho nhân dân, cho Tổ quốc . Tôi đã nói nhiều về trang web và hội Kgu của chúng ta, mong họ tham gia cho hội ngày càng đông vui .Họ đã hứa là sẽ tham gia và Du xuân năm sau nhất định có mặt.
Mong ước được gặp gỡ nhiều người Kgu và nhất là được đi Phú Thọ, trước khi ra Hà Nội, tôi đã gọi điện báo với anh Thắng. Thật may là anh Thắng đang ở Hà Nội cùng ban liên lạc ngoài đó đi khảo sát vị trí để chuẩn bị cho du xuân năm sau. Anh Kỳ Minh, anh Huy đều có kế hoạch từ trước nên không thể lái xe đưa em Cúc đi chơi. Anh Thắng đã “cử” ngay anh Điền đưa em Cúc đi. Không chỉ lái xe, anh Điền còn kể cho em Cúc và chị Hương nghe nhiều chuyện trong cuộc sống cũng như trong sự nghiệp của anh. Quả là trong mơ em Cúc cũng không nghĩ có ngày mình được tiếp chuyện với nhà khoa học vừa đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh vì những công trình bào chế dược phẩm cứu sống loài người. Suốt cuộc hành trình, thi thoảng anh Thắng lại gọi để hỏi xem mọi người đi đến đâu, gặp anh chị Tuấn Lý có khỏe không, gặp những bạn bè khác có vui không? Không chỉ là Hội trưởng, luôn luôn anh Thắng như một người anh cả tận tình chu đáo. Không được gặp các anh chị khác dịp này vì thời gian eo hẹp quá nhưng em Cúc đã nhận được điện thoại, những lời dặn dò thăm hỏi ân cần chu đáo của Tổng Nghị, chị Hạnh, chị Lý, anh Kim, hội trưởng Ngọc vv. Thật là một chuyến đi thành công, hạnh phúc.
Tạm biệt Hà Nội nhé! Tạm biệt mùa hè rớt đang chuyển mình sang Thu.
Tôi quay trở về Tp. HCM với cuộc sống và công việc thường ngày, lòng lâng lâng xúc động nghĩ tới Du xuân năm sau sẽ thú vị lắm, khi mà tuần vừa rồi những người đầu tàu gương mẫu nhất của hội Kgu đã đi tìm địa điểm tốt nhất cho hội. Có lẽ vài ngày nữa thôi, chúng ta sẽ nhận được chương trình Du xuân năm sau post lên trang Web.
Người post: CucNT
Ngày đăng: 17-08-2014 14:02
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |