KGU News >>Văn học >>Khác
KGU Tạo bài viết  
Thứ năm 16 Tháng chín. 2010

Năm tháng sinh viên 3




Tác giả: Tự sướng đào ngũ

Thầy và bạn

Lớp tôi, hay đúng ra поток của chúng tôi, thành phần khá phong phú. Người Nga, người Ucraina, người Молдова, người Do Thái, người Việt, người Đông Đức, đủ cả. Cũng có thầy cô chủ nhiệm. Lớp tôi mỗi tuần cũng sinh hoạt lớp 1 lần, hệt như ở phổ thông. Những buổi đó thường dân ngoại quốc chỉ ngồi nghe, còn lớp sinh hoạt trao đổi chỉ là các bạn xô viết. Chúng tôi và các bạn Đức đã có khoa ngoại quốc lo lắng rồi. Cũng phê bình nhau, cũng chuyện phấn đấu vào Đoàn, vào Đảng. Nhưng không có chuyện bè phái trong lớp như ở Việt Nam. Và dù là quốc tịch nào, chúng tôi vẫn thân thiết với nhau, một thứ tình cảm có vẻ được hình thành trên những cơ sở các dân tộc anh em, quốc tế chủ nghĩa, hay phe XHCN, và cũng nặng kiểu phương Đông vốn coi trọng tình cảm cộng đồng. Sau này sang Pháp tôi chẳng thấy cái tình cảm tương tự trong lớp. Phương Tây cá nhân hơn, những khái niệm anh em cũng hiểu rất khác. Chỉ biết sinh viên Việt Nam cũng đóng góp vào phong trào đó, để đến hôm nay chúng ta vẫn có những sự gắn bó nhất định. Chả thế sau mấy chục năm, qua điện thoại trên Internet mà chúng tôi reo lên khi nhận ra giọng nhau.

Sau này vào những năm 1989, 1990 tôi có dịp quay về Кишинёв, lớp tôi luôn đông đủ đón tôi. Năm 1990 tôi, vợ và con gái còn ở nhà cậu bạn người Do Thái cùng lớp mấy ngày khi chúng tôi dừng ở Кишинёв thăm lại nơi xưa chốn cũ.

Lớp Toán KGU 1974 -1979 của tôi

Trong lớp có 7 bạn Đông Đức. Không thật thân nhau lắm, nhưng các bạn ấy có rất nhiều cái học hỏi. Chúng ta họp Hội đồng hương có thể muộn đến 30 phút, nhưng 5 phút trước gời khai mạc các bạn Đức, khách mời của chúng ta, đã có mặt và ngồi vào chỗ quy định trong bộ trang phục xanh hòa bình. Luộc trứng bao giờ cũng cầm đồng hồ bấm xem sôi bao nhiêu giây rồi tắt bếp (người Việt ta thì áng chừng chín rồi đấy, tắt bếp thôi). Pha thuốc rửa ảnh bao giờ cũng dùng hàn thử biểu để tuân thủ nhiệt độ đã quy định (người Việt ta thì lấy ngón tay ngoắy và thấy âm ấm là được). Tôi mới hiểu tại sao người Đức làm được nhiều cái mà thế giới phải khán phục, và là họ có nên kinh tế nhất châu Âu và thứ 4 thế giới.

Bạn phải công nhận người Nga rất đôn hậu (добрый), và Молдова những năm đó có chịu ảnh hưởng nhiều của Liên bang mà nước Nga, người Nga là chủ đạo, nên các thầy cô của chúng ta cũng rất đôn hậu, cho dù có thể không là người Nga. Các thầy cô giáo trường КГУ rất quý học sinh. Họ quan tâm rất nhiều đến học sinh Việt Nam, không chỉ việc học mà còn nhiều khía cạnh khác của cuộc sống. Các bạn Đức hè nào cũng về, không như sinh viên Việt Nam biền biệt cả 5 năm xa nhà. Việt Nam khi đó là nước nghèo, đặc biệt vẫn còn đang có chiến tranh chống Mỹ, nên sự thương yêu của các thầy co có phần ưu ái hơn so với sinh viên các nước khác. Sinh viên Việt Nam thường xuyên được thầy cô giáo mời đến nhà. Bạn hay nhận được các món quà của bạn trong lớp hay từ các thầy cô. Bạn không đơn độc trong nghiên cứu khoa học, thầy cô luôn bên cạnh bạn.

Những tình cảm đó được thể hiện lại phần nào khá rõ trong “Ngày thầy trò Xô Việt 17/01/2010” vừa qua, với biết bao câu chuyện cảm động.

Ông giáo tôi, dân Toán nên có chút khô khan hơn các thầy cô ngành khác. Tôi hai lần được mời đến nhà thầy, một lần thấy kỷ niệm sinh nhật 40 tuổi, một lần tôi không nhớ rõ lắm. Khi dạy thày không bao giờ có giáo trình. Sau khi nêu một loạt khái niệm, thầy phát biểu định lý, rồi tung tung hòn phấn trong tay vài lần, tập trung suy nghĩ rồi chứng minh định lý đó một mạch kín mấy bảng. Định lý khó mấy, có dùng nhiều bổ đề đến mấy thì thầy vẫn đi đến cùng cho chứng minh xong định lý. Hồi đó thầy đã là giáo sư rồi. Sau khi chúng tôi tốt nghiệp ít năm, thầy trở thành viện sỹ của Viện hàn lâm khoa học Молдова.

        Hai thầy trò, ảnh chụp ngày 17/06/2010

 

Khi tôi năm thứ 4, khóa luận của tôi có một kết quả nhỏ. Tôi nhớ rất rõ hôm học xong và tôi trình bày kết quả khóa luận, thầy gật gật nói hay đấy và góp ý thêm. Rồi hai thầy trò cùng xuống cầu thang. Khi gần xuống tầng 1, bỗng thầy dừng lại và chỉ cho tôi 1 trường hợp đặc biệt của kết quả khóa luận, kết quả có một cấu trúc khá đẹp. Cái môn đại số của thầy trò tôi vẻ đẹp là ở chỗ một cấu trúc phức tạp được phân rã thành những cấu trúc đơn giản hơn. Kết quả khóa luận của tôi hay hơn nhiều (theo quan điểm phân rã) so với luận văn tốt nghiệp. Như đã viết ở trên, tôi thực ra không mê cái môn Toán lý thuyết cho lắm. Nên sang năm thứ 5, tôi chỉ nghiên cứu mỗi trong học kỳ 1 có ít kết quả đủ để bảo vệ tốt nghiệp, còn học kỳ 2 chỉ chơi thôi.

Khi về nước thầy cũng tặng tôi mấy cuốn sách, nhưng tôi chẳng đọc gì sau khi về nước. Cái môn đại số của thầy chẳng biết dùng vào đâu. Còn nghiên cứu để ra các kết quả có vẻ đẹp, tôi không bằng thầy. Rồi tôi được cử sang Pháp học, tôi chuyển ngay sang ngành Tin học. Và luận văn tiến sỹ của tôi thực ra là mô hình Toán trong Cơ sở dữ liệu. Đôi khi tôi lại tìm thấy lại vẻ đẹp phân rã giống như trong môn đại số hồi còn là sinh viên. Tôi lại nhớ đến thầy tôi. Tôi thấy mình gặp may không theo thầy về chuyên môn. Với môn Tin học sau này tuy không có nhiều vẻ đẹp (phân rã), nhưng tôi đã có ít nhiều đóng góp thực tế cho đất nước, với những kết qủa “vị nhân sinh”[1] chứ không là những vẻ đẹp “vị toán học” mà thầy tôi có rất nhiều kết quả.

Sau này mỗi khi chuyển nhà tôi vẫn giở lại quyển luận văn tốt nghiệp (được một bà thư ký nào đó của khoa đánh hộ, với giá 5 rúp thì phải. Dạo đấy làm gì có máy tính cá nhân với word như bậy giờ). Tôi lật từng trang mà bùi ngùi vì chẳng hiểu gì nữa, nhìn luận văn của mình mà như đọc chữ Phạn. Cũng chẳng hiểu nối sao hồi đó mình nghĩ ra những thứ linh tinh này để viết luận văn. Hôm bảo vệ chỉ có 1 câu hỏi và tôi được điểm 5 như bao bạn khác

Hôm em Huyền tìm gặp thầy tôi thông báo tôi sẽ đến Кишинёв và sẽ thăm thầy, thầy hỏi luôn Huyền “Thế Ngọc có làm khoa học tiếp hay không?”. Câu hỏi này tôi đã được Huyền mách cho trước rồi, các ông bà giáo bao giờ cũng hỏi về học trò mình như thế. Nên tôi cũng đã đưa thông tin để Huyền trả lời hộ, chứ lại nói bây giờ Ngọc đi buôn thì chắc thầy tôi không vui, dù rằng là buôn công nghệ.

Vui chung cùng đất nước

Khi tôi rời Việt Nam sang Liên Xô học, đất nước còn chưa thống nhất. Sau Hiệp định Paris, quân Mỹ đã rút khỏi miền Nam, hai bên luôn ở thế giằng co. Nhưng thế và lực của quân giải phóng ngày càng được nâng cao. Sang 1975 quân ta đã mở màn chiến dịch giải phóng hoàn toàn miền Nam, bắt đầu bằng trận đánh giải phóng Ban Mê Thuột ngày 10/03/1975.

Rồi quân ngụy cứ thế tan vỡ. Quân ta lần lượt giải phóng Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng, rồi toàn bộ miền Trung. Ngày 26/04/1975 chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, trận chiến cuối cùng sau 30 năm đấu tranh dành độc lập và thống nhất đất nước.

Những ngày đó chúng tôi hôm nào cũng nghe đài tiếng Việt. Chúng tôi mới sang chưa có đài, nên thường nghe nhờ các anh chị năm trên, hoặc theo dõi qua chương trình thời sự của đài truyền hình Liên Xô. Gần như mỗi ngày 1 tỉnh được giải phóng. Các bạn các nước khác, các thầy cô giáo cũng theo dõi cùng sinh viên Việt Nam. Tối 30/4, tin giải phóng  Sài Gòn đã đến tới xứ Молдова. Chúng tôi reo hò vang ký túc xá. Các anh năm trên còn lôi rượu ở đâu đó ra uống. Tối hôm đó chúng tôi ngủ muộn.

Sáng hôm sau ngày 1/5/1975, tại buổi diễu hành nhân ngày lễ Lao động, chúng tôi đi đến đâu là các bạn Liên Xô reo vui chúc mừng đến đó. Nhiều nhóm còn kéo sinh viên Việt Nam vào cùng nhảy các điệu nhảy tập thể. Thật là niềm vui được nhân lên nhiều lần nếu được các bạn bè chia sẻ. Có thể nói buổi diễu hành hôm 1/5/1975 gần như là dành riêng cho sự kiện Việt Nam đã thống nhất.

Nhưng kỷ niệm sau thì tôi tin là gần như chỉ có ở Кишинёв.

Khoa Toán Lý ngày bầu cử thống nhất đất nước

Một năm sau ngày giải phóng, Việt Nam tổ chức bầu cử Quốc hội chung cho cả nước. Đây là sự kiện lớn của Việt Nam. Chúng tôi, những sinh viên Việt Nam tại Кишинёв khi đó rất háo hức với sự kiện này, nhưng đang ở nước ngoài tất nhiên không thể đi bầu cử trực tiếp. Hội đồng hương Việt Nam đã tiến hành nhiều hoạt động hưởng ứng sự kiện này. Trước tiên đã có 1 cuộc mit tinh chính thức với nhà trường. Anh Túy, đơn vị trưởng, đã thay mặt Hội đọc bài diễn văn nói về ý nghĩa của việc thống nhất đất nước và cám ơn sự giúp đỡ của Liên Xô, của Молдова và nhà trường trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ. Thày Мелник đã thay mặt nhà trường phát biểu ý kiến.

Hội đồng hương có sáng kiến là tổ chức tổ chức bầu cử tượng trưng cho một Việt Nam thống nhất. Khát vọng thống nhất đất nước đã ngấm vào bao thế hệ người Việt Nam, đã ngấm vào chúng tôi, những đứa con đang học tập ở phương xa. Không được trực tiếp bầu cử thì chúng tôi bầu cử tượng trưng (nói như ngôn ngữ bây giờ là không chịu thiệt). Một phông hoành tráng được dựng nên ở sân bóng rổ, có cờ tổ quốc, bản đồ nước Việt Nam, ảnh Bác Hồ và thùng phiếu.. Nếu tôi nhớ không nhầm thì hôm đó là ngày 25/04/1976, đúng ngày trong nước bầu cử. Chúng tôi xếp hàng trật tự và bỏ phiếu vào thùng (tôi không nhớ rõ có ghi gì trên lá phiếu tượng trưng đó không). Tôi là thành phần BTC, rất hăng hái tham gia. Tôi đã có sáng kiến riêng là phỏng vấn một anh sắp tốt nghiệp (anh Hưng, Lý 1976) và cử tri trẻ nhất (chính là Nguyệt vợ tôi khi đó đang học năm thứ nhất). Tất nhiên nội dung phỏng vấn rất chuẩn tắc chính trị vào thời điểm đó.

Có thể kể thêm một sự kiện trong chuỗi sự kiện gắn với cuộc sống chính trị của nước nhà. Đó là ngày 7/1/1979, quân đội Việt Nam chiếm Nông Pênh, giải phóng đất nước Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Tối hôm đó chúng tối được tin qua bản tin của đài truyền hình Liên Xô. Tiếng ura vang ầm ký túc xá do các sinh viên Việt Nam reo hò. Cuộc chiến biên giới Tây Nam đã kéo dài 2 năm với bao tổn thất cho nhân dân Việt Nam. Chúng tôi cùng nhau mở rượu, cái động tác 4 năm trước chúng tôi chỉ nhìn các anh chị năm trên làm

Ngày 17/2/1979 Trung Quốc trả đũa và phát động chiến tranh biên giới Việt Trung. Những ngày đó chúng tôi rất lo lắng theo dõi tình hình chiến sự biên giới. Rất nhiều người, trong đó có tôi, đã viết thư lên sứ quán, sẵn sàng về nước ngay tham gia chiến đấu bảo vệ tổ quốc mà không cần phải tốt nghiệp đại học.

Những đứa con ở xa Tổ quốc nhưng lúc nào cũng hướng về đất nước. Chúng tôi được giáo dục như thế và tự hào về điều đó.

Hái táo

КГУ là một trường trong hệ thống giáo dục XHCN của Liên Xô khi đó. Người sinh viên luôn được giáo dục về lao động là vinh quang, dù bất cứ lao động gì. Cho nên vào đầu mỗi năm học có mấy tuần sinh viên Liên Xô phải xuống các nông trang tham gia lao động nông nghiệp. Sinh viên Việt Nam thì vẫn được ở lại Кишинёв nhưng cũng phải đi hái táo, thường sáng đi trưa về, có ô tô đưa đón hẳn hoi.

Chúng tôi thường không ăn sáng, để bụng ra đồng ăn táo. Ngoài vườn táo vừa to, vừa thơm, ăn thoải mái. Nó chẳng giống gì cái quả táo ở Việt Nam chỉ bằng ngón chân cái mà gần như không có mùi thơm. Có lẽ đó là một cách nông trường trả công cho chúng tôi vì chúng tôi không được nhận thù lao gì cả. Nhiều hôm chúng tôi còn mang muối đi để chấm. Mấy bạn Tây phụ trách nông trang lạ lắm với kiểu chấm muối của người Việt. Chúng tôi còn ăn kiểu công tử, cắn một cái mà không ngon thì vứt đi luôn. Lười trèo hái thì rung cây cho nó rụng xuống rồi nhặt ăn. Khi ra về còn thủ độ 5,6 quả mỗi người (có vài bạn hơi tham lam một chút thì phải hơn chục quả). Sau một mùa thu hoạch ối sinh viên Việt Nam ta có được cả thùng táo to, để trong gậm giường hay trên nóc tủ, bước vào phòng là thấy mùi thơm ngây ngất. Có phòng hà tiện, ăn cả tháng sau chưa hết. Có người sau mùa hái táo còn đóng thùng gửi cho bạn ở các thành phố khác. Chỉ có xứ Молдова mới nhiều hoa quả như thế.

Sinh viên ăn uống

Như đã kẻ ở trên, khi đó sinh viên Việt Nam chỉ ở 4 ký túc xá mà rất gần nhau. Buổi sáng chúng tôi thường dậy vào 6h khi mà cái loa trong phòng vang lên bản nhạc quốc ca Liên Xô. Đó là đồng hồ báo thức của chúng tôi. Nhiều bọn lười không chịu dậy sớm, hoặc không có tiết đầu, chúng tắt đài đi ngủ tiếp. Sau khi vội vàng làm động tác vệ sinh buổi sáng, chúng tôi lao ra đường đi đến trường. Thường là đi bộ theo phố Benderxkia. Cũng có bạn đi xe тролейбусь với vé tháng dành cho sinh viên. Hôm nào trời lạnh thì đi bộ là cả một sự thách thức. Không có mũ bạn có thể cứng tai sờ vào không còn cảm giác. Đến trường còn sớm thì xuống căng tin để ăn sáng, không kịp thì hết tiết 1 mới xuống ăn.

Buổi trưa thì chúng tôi ăn ở nhà ăn sinh viên, hoặc ở trường nếu chiều còn phải học thêm hay làm thí nghiệm, hoặc về nhà ăn sinh viên ở khu ký túc xá. Dân toán chúng tôi không có thí nghiệm nên hầu như vể ăn trưa ở nhà ăn khu ký túc xá. Chúng tôi xếp hàng, đôi khi cũng dài và trò chen ngang (mà dân Việt Nam vốn khá thành thạo) được tiến hành. Thường ăn theo xuất 50 kôpek, các món được cho gọn trong cái khay nhựa. Món ăn thường là súp борщ (củ cải đỏ), bánh mỳ, колета (thịt băm), mỳ ống. Dạo ấy từ Việt Nam đói khổ sang thì ăn được, bây giờ chắc không dám ăn những thứ đó.

Mỗi tuần lại có một ngày chuyên món, ví dụ toàn cá (рыбный день).

Buổi tối thường chúng tôi tự nấu ăn, theo các nhóm cùng buồng hoặc hay chơi với nhau. Phân công nhau đi chợ, hoặc có anh chuyên đi chợ. Bao giờ cũng có anh lười, anh chăm. Anh lười, hoặc kỹ năng nấu kém thường hay nhận chân rửa bát. Kiểu gì tự nấu ăn vẫn thấy ngon hơn, và không kém phần quan trọng, rẻ hơn. Thức ăn để ở tủ lạnh bếp tập thể, có dạo bị mất liên tục, sau hình như điều tra ra thủ phạm, tất nhiên không phải là người Việt Nam.

Dịp Tết thì lại tụ họp theo khoa, theo lớp để đón Tết. Khoa Toán chúng tôi thường là một nhóm như vậy. Chúng tôi đi ra đồng cưa cành đào về, rồi cắt dán hoa đào từ giấy pơluya hồng. Món ăn thì cầu kỳ hơn, có nem rán, có nộm, thịt gà rán. Chúng tôi mở rượu vào lúc 8h tối, là lúc ở Việt Nam đúng giao thừa.

Kỳ nghỉ

Nghỉ hè, nghỉ đông bao giờ cũng được nhà trường tổ chức cho đi thăm quan, hoặc đi nhà nghỉ. Bạn chỉ cần đăng ký với nhà trường. Tôi hầu như không đi nhà nghỉ, toàn đi thăm quan. Nhờ thế tôi mới được biết Leningrad, Vongagrad, Minxk, .. Matxcơva thì tôi tự đi thăm các bạn học phổ thông. Đó là những thành phố đẹp của Liên Xô. Không chỉ đào tạo về kiến thức, nhà nước Liên Xô cũng đã tạo điều kiện để những sinh viên ngoại quốc được hiểu biết thêm đất nước Liên Xô rộng lớn.

Tôi không thể quên sự hoành tráng của khu tưởng niệm trận đánh lớn nhất thế chiến thứ 2 tại Vongagrad (Stalingrad), trên đồi Mamaev. Tượng Mẹ Tổ quốc với chiếc kiếm trong tay cao sừng sững, người đứng cạnh bé như con kiến. Cả một tổng thể các tượng đài to lớn, người xô viết không chỉ chiến đấu ngoan cường mà nghệ thuật tạo hình cũng rất giỏi. Phía sau là sông Vonga, là nước Nga, các chiến sỹ Hồng quân đã trụ vững trong mùa hè rực lửa năm 1942. Nước Nga đã chặn đứng quân phát xít Đức tại đây, và bắt đầu từ đây, Hồng quân Liên Xô đã đánh đuổi quân phát xít đến tận Berlin.

Ngược lại Leningrad lại có vẻ đẹp cổ kính và gần với kiến trúc Tây Âu. Đi đâu cũng thấy dấu ấn của Pier đại đế, người đã biến vùng đầm lầy cửa sông Neva thành một thành phố đẹp nhất nước Nga, đã xây Cung điện mùa hè có dáng dấp của lâu đài Versay ở Pháp. Ngay vào hồi đó trong tôi đã thấy thành phố này cần phải mang tên Pier như đã từng có trước kia. Bạn có thể lang thang trong các viện bảo tàng cả ngày mà không thấy mỏi chân. Bạn có thể ngắm các tượng đài ở Len mà không biết chán, mỗi bức tượng một vẻ đẹp riêng. Đặc biệt vào mùa hè đi xem đêm trắng, chứng kiến các cầu vắt qua sông Neva mở ra cho thuyền bè đi lại vào ban đêm, một cảm giác thú vị không ở đâu có được.

Từ trái sang: Ngọc, Sơn (ngồi), (Toán 79) Châu (Toán 81), Dũng (Toán 79), Báu (lý 78)

 

Nhưng không chỉ đi thăm quan, nhà trường cũng tổ chức cho chúng tôi tham gia lao động thu hoạch mùa màng tại các nông trang tập thể, hay còn gọi là đi отряд. Có một kỳ nghỉ hè tôi tham gia loại lao động này. Tôi nhớ là đợt đó các các bạn khoa Hóa, khoa Luật cùng tham dự. Chúng tôi được chở đi mấy chục km, ăn ở tại chỗ tại nông trang, tất nhiên điều kiện nông trang thì thua xa ký túc xá. Bọn tôi tham gia thu hoạch lúa mỳ, cũng điều khiển máy móc đập lúa. Ăn cơm nông trang, ngủ nhà tập thể, vui nhất là chúng tôi có tham gia biểu diễn văn nghệ. Xin tham khảo ảnh bên cạnh.

Những năm cuối các sinh viên Việt Nam thường đi làm thêm để có thêm ít tiền chuẩn bị về nước. Thường đi làm các nhà máy. Tôi cũng không ngoại lệ, hè năm thứ 4 tôi tôi đi làm ở một nhà máy rượu, khuân chai lọ là chính. Được 03 tuần thì có đoàn đi thăm quan Leningrad mà Nguyệt đã đăng ký thêm được cho tôi, tôi bỏ luôn việc làm kia mà đi thăm quan. Sau khi thăm quan về tôi mới quay lại nhà máy lĩnh tiền, được đâu máy chục rúp. Tính ra bằng tiền cái đài rigonda.

Thể thao

Với tôi nói về cuộc sống sinh viên thì đáng nói nhất là thể thao. Khu ký túc xá có 02 sân chơi, một sân bóng rổ xi măng và 1 sân đất cho bóng đá hay bóng chuyền. Bóng bàn hay bơi lội tuyệt nhiên không có. Sôi nổi nhất với bọn con trai là bóng đá. Chúng tôi đá bóng quanh năm. Mùa đông, mùa hè, các kỳ nghỉ, ngay cả vào mùa thi vẫn có nhiều người đá bóng. Cứ khoảng 4h chiều là sân bóng có người, và người cuối cùng dời sân bóng, nếu là mùa hè có thể gần 10h đêm, vì mùa hè trời tối muộn. Thời kỳ nào cũng có những nhân vật thường xuyên ra sân, ra sân từ sớm. Tại sân bóng rổ (mà hầu như chúng tôi không chơi bóng rổ) chúng tôi lấy cột của rổ làm gôn, cứ đá chạm cột là ghi bàn. Nếu đông người thì phải chia đội và đá kiểu thua ra được vào. Bên sân đất thì có lưới bao phủ bốn mặt nên chúng tôi không đá biên, mà bóng vào lưới biên được đá tiếp, hơi giống một chút hockey (môn hockey không có hết gôn). Để đánh dấu gôn, thường chúng tôi lấy dây buộc vào lưới.

Ngoài việc chiều nào cũng đá bóng, chúng tôi cũng tổ chức giải vô địch nội bộ giữa sinh viên Việt Nam hoặc đôi khi giải giữa sinh viên các nước. Khoa Toán của tôi thường là một đội. Đội chúng tôi không mạnh, nhưng cũng không là đội lót đường cho các đội khác. Thời kỳ chúng tôi có hai đội để lại nhiều ấn tượng là đội Lý 1976 và đội Sinh vật 1978. Các anh Lý là đội mạnh, lớp ấy đông nam và nhiều người chơi được. Đội này hay vô địch. Nhưng cũng có năm đội Toán đã ngáng chân đội này bằng trận hòa và đội Lý 1976 đã không thắng được đội Sinh 1978 và mất cúp.

Tôi cũng là một tay mê đá bóng và đá cũng tạm được nên cũng hay ra sân. Vị trí tôi hay đá là tiền đạo, nhưng cũng hay bắt gôn khi thừa người đá mà thiếu người giữ gôn.

Nhưng ấn tượng còn lưu mãi cho tôi đến bây giờ là giải vô địch giữa sinh viên các nước cuối năm 1978. Khi đó tôi đã là năm thứ 5. Giải đấy có Việt Nam, Lào, Đông Đức, châu Phi và Nam Mỹ. Đội Việt Nam gồm thủ môn là Toàn (Lý 1980), hậu vệ Long (Luật 1980), hậu vệ nữa thường là Thành (Lý 1980) nhưng vị trí này không ổn định so với các vị trí khác. Đá giữa là Diện (Lý 1982), còn tiền đạo là cặp Thái Sơn và tôi (đều Toán 1979), vốn cùng đội Toán nên chúng tôi khá ăn ý trên hàng công. Nói theo ngôn ngữ bây giờ, chúng tôi đá theo đội hình 2-1-2.

Chỉ có đội Lào là kém cỏi, họ thua đội Việt Nam 0-12 thì phải, còn các đội kia đều khá mạnh, nhất là thể lực, họ đều cao to hơn đội Việt Nam. Đội châu Phi khỏe nhất, mà đá cũng được. Sau đội Lào chúng tôi hạ tiếp đội Đức. Trận tiếp theo gặp đội châu Phi. Họ đá rất khó chịu, có kỹ thuật và to khỏe. Thế trận gằng co 1-1. Đến cuối hiệp 2 trong 1 đợt tấn công, Thái Sơn chuyền bóng cho tôi và tôi sút mạnh tung lưới đội bạn. Khán giả Việt Nam ùa với sân, chúng tung tôi lên trời mấy lần (lần duy nhất tôi được tung như vậy do ghi bàn, dù sau này tôi còn chơi bóng nhiều, ghi không ít bàn thắng, chỉ mới thôi chơi bóng đá 1-2 năm nay). Đội châu Phi là đội giỏi nhất, chúng tôi vượt qua rồi. Trận tiếp theo gặp đội Nam Mỹ, tôi lại ghi bàn và đội Việt Nam vô địch.

Môn bóng chuyền với tôi kém lý thú hơn nhưng lại có nhiều anh không chơi bóng đá mà chỉ chơi bóng chuyền. Toán Lý thường được ghép vào 1 đội, còn Hóa, hay Sinh đều là đội riêng. Đội Toán Lý có 2 cây đập, anh Cổn (Lý 1977) và Hùng (Lý 1979). Tôi đi cặp với Hùng, hắn cao hơn nên là cây đập, còn tôi là cây nêu. Chúng tôi khá ăn ý và hay nghi được điểm sau cú đập của Hùng. Chỉ tức cái Hùng nêu kém, đến khi tôi có cơ hội trả bóng cho hắn để hắn nêu, tôi rất khó đập vì độ cao hạn chế của tôi mà chất lượng nêu của hắn là kém, Người thấp chỉ đập được khi nêu ngon. Hùng ít khi làm được việc đó. Sau Olympic 1976 tại Monreal, Canada, tôi và Hùng tập nêu nhú nhưng không thành công. Nhưng Toán Lý thường thua các đội khác. Đội Hóa có anh Tín (NCS) đi cặp với anh Ban, cặp này tung hoành khi họ ở trên lưới. Anh Tín đập rất khó chịu, hay bẻ tay bóng đi chéo và không dễ đỡ. Toán Lý chỉ mạnh bóng đá mà thôi.

Thể thao mùa đông, trượt băng trượt tuyết thì chỉ có nhóm nhỏ tham gia. Tôi đã kể về chúng tôi trượt băng ở đoạn trên rồi.

Thời sinh viên còn hay có trò chụp ảnh và rửa ảnh. Ai thích chụp ảnh thì sắm cái máy ảnh. Tôi có cái Zenhit, người khác có người sắm máy Kiev, nhưng không nhiều sinh viên sắm máy ảnh.. Nhưng chụp là một chuyện, rửa phim, rửa ảnh lại là chuyện khác. Sinh viên nghèo nên phải tự rửa, chứ mang ra tiệm họ cũng rửa cho mà.

Đầu tiên phải lấy phim ra khỏi máy ảnh, cuốn vào chậu rửa phim (thường cuốn trong áo kurka để không lộ sáng), hòa thuốc rửa phim rồi đổ vào chậu. Xong còn pải ngâm thuốc hãm cho phim không bị bong bề mặt. Phim là âm bản, lại phải rửa ảnh nữa. Trong mỗi ký túc đều có phòng rửa ảnh. Tôi cũng sắm 1 bộ máy rửa ảnh. Thường rửa vào ban đêm bảo đảm không lộ sáng. Tôi thức nhiều đêm rửa ảnh. Có đêm rửa 10 cuốn phim, hôm sau còn phải sấy khô khá mất thời gian. Thông thường rửa xong tôi đem cho đến 70-80% số ảnh mình rửa. Nhiều bạn vẫn nói với tôi, ảnh ở Кишинёв đa phần là do tôi chụp và rửa.



[1] Bạn có thể tham khảo thêm bài phỏng vấn “Toán học vị Toán học hay Toán học vị nhân sinh” trên VietnamNet, đường dẫn http://vietnamnet.vn/giaoduc/2006/04/561903/

 


Người post: NgocBQ

Ngày đăng: 16-09-2010 16:04





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s