KGU Tạo bài viết  
Thứ bảy 06 Tháng chín. 2014

Thư ngỏ gửi thầy, cô giáo môn Ngữ Văn của thầy Nguyễn Văn Tiến




Tác giả: Nguyễn Văn Tiến


Nhân dịp đầu năm học mới, ngày 05/9/2014, Tuan Vietnam.Net có đăng một bức thư ngỏ của nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Tiến, Trường Trung học chuyên Bắc Giang, gửi đến các Thầy, Cô giáo môn Ngữ Văn. Thầy Tiến là giáo viên môn Toán đã có 36 năm trong nghề nhà giáo.

Tôi đồng tình và chia sẻ với thầy Nguyễn Văn Tiến về những điều thầy viết trong bức thư này.

Sau đây xin dẫn lại bức thư của thầy Tiến:

Kính thưa các Thầy,  Cô giáo dạy môn Ngữ Văn trong các trường Phổ thông!

Tôi băn khoăn nhiều trước khi viết lá thư này để gửi tới quý Thầy, Cô. Bởi lẽ, cũng là một giáo viên, nên tôi phần nào hiểu được những khó khăn trong công việc của các đồng nghiệp mình. Mặt khác, tôi lại không phải là một giáo viên môn ngữ văn (để ngắn gọn và tỏ lòng tôn trọng, trong thư tôi xin phép gọi là môn Văn) nên lá thư này là một cách tỏ lòng của một người không hẳn ngoại đạo, nhưng cũng không hoàn toàn trong cuộc.

Thưa các Thầy, Cô!

Cái gốc học từ ngàn xưa của nước Việt Nam ta vốn là học Văn. Các môn Toán - Lý - Hóa - Sinh,... chỉ mới xuất hiện trong vòng trăm năm trở lại đây. Mỗi người trong số chúng ta đều đã từng đi học và khi nhớ lại thời Phổ thông của mình thường luôn nhớ đến Cô (Thầy) giáo dạy môn Văn của mình.

Lẽ ra tôi không viết lá thư này nếu hàng ngày, hàng giờ tôi không đọc thấy, nghe thấy, nhìn thấy những lỗi chính tả, lỗi hành văn, lỗi ngữ pháp, lỗi dùng từ,... nhan nhản: trong các bài diễn văn, trên vô tuyến, trong các trang sách, các tờ báo, các biển hiệu,... và ngay cả trong trường học, trong giáo án môn Văn. Tôi thật đau lòng khi thấy có cháu đi học thêm một buổi chỉ để chép lại hai bài văn mẫu mà câu được, câu mất rồi về nhà ra rả học thuộc.

Lẽ ra tôi không viết lá thư này nếu tôi không nhớ lại thời mình đi học. Tôi rất may mắn là năm cấp II được học văn với hai Cô giáo, như hai người mẹ, đã truyền cho tôi tình yêu với văn chương và lòng ham mê đọc sách mà tôi còn giữ mãi đến tận bây giờ và truyền lại cho con, cháu mình. Thời kỳ đó, cô trò tôi chỉ có tờ tạp chí Văn nghệ Quân đội và tờ báo Văn nghệ. Rất hiếm khi có sách. Nếu có thì chỉ là những cuốn sách được in trên giấy đen sì mà chúng tôi phải đọc dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu hỏa thời chiến tranh. Tôi viết thư này như một lời tri ân với các Cô giáo của mình, với một thời mê đắm của mình.

Thưa các Thầy, Cô!

Tôi không hề kỳ vọng mọi học sinh khi lớn lên sẽ là các nhà văn, nhà thơ. Tôi chỉ cầu mong các Thầy, Cô cho chúng những kiến thức của môn Văn đủ dùng trong cuộc đời này và nếu có thể, may mắn ra, thì biết cảm nhận văn học, biết ham mê đọc sách, biết chắt lọc ra từ những cuốn sách của các nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng, nhà hiền triết... mà các Thầy, Cô đã hướng dẫn, khuyến khích chúng đọc, những bài học cho bản thân, để trở thành con người tốt hơn, nhân ái hơn, có ích hơn. Tôi cầu mong các Thầy, Cô dạy cho học trò một môn Văn mà ngoài việc là công cụ sử dụng trong cuộc sống hàng ngày sau này, còn là chỗ dựa về tinh thần, là chốn bình yên, là nơi tìm về, là chỗ nghỉ ngơi trong cuộc đời này.

Bởi vậy, xin các Thầy, Cô trước hết dạy cho học sinh biết nghe, biết đọc, biết nói, biết viết. Nghe và đọc hiểu, hiểu đúng, hiểu chính xác những gì mà người nói, người viết muốn chuyển đến cho mình. Nói và viết đúng, đúng chính tả và đúng ngữ pháp, chuyển tải đúng, chính xác những gì mình muốn thông báo. Hãy dạy các con biết viết một lá đơn, một lá thư, kể một câu chuyện, nói một lời yêu thương, thông báo một sự việc, nói một lời chối từ... mà người nghe, người đọc có thể hiểu được đúng ý người nói, người viết.

Xin các Thầy, Cô dạy cho học sinh tình yêu văn, thơ qua việc đọc sách. Hãy dạy các con kỹ năng đọc sách và khả năng tự học từ sách. Hãy để sách thế chỗ Thầy, Cô trong suốt cuộc đời sau này của các con. Bởi dù có yêu thương đến đâu, các Thầy, Cô cũng không thể theo học trò mãi được.

Bởi vậy, xin các Thầy, Cô cũng nên có lòng yêu sách, chịu khó đọc sách. Không những chỉ đọc những cuốn sách bắt buộc phải đọc trong chương trình Phổ thông mà xin Thầy, Cô hãy đọc tất cả những gì có thể đọc. Đọc, để tự nâng cao mình, tự hoàn thiện mình! Đọc, để hướng dẫn học trò đọc.

Trong chừng mực nào đó, xin các Thầy, Cô hãy dạy cho học sinh, có thể không phải là cho tất cả, những kiến thức ban đầu về sáng tạo văn học (cách ghép vần, cấu trúc của tiểu thuyết, kịch...) bởi chỉ có khi đó học sinh mới có thể hiểu sâu, có thể đồng sáng tạo với tác giả.

Xin các Thầy, Cô hãy dạy nhiều hơn về cái HAY, cái ĐẸP, đừng quá quan tâm về cái đúng, cái sai.  Hãy dạy nhiều hơn về chữ NHÂN, chữ THỨ và bớt đi chữ hận, chữ thù. Hãy dạy học trò biết cách THƯƠNG YÊU: yêu người và yêu mình; chăm sóc cho người và chăm sóc cho mình; không làm tổn thương người và cũng không làm tổn hại mình.

Văn học là Nhân học (M.Gorki). Dạy Văn là dạy người. Xin các Thầy, Cô hãy dạy để học trò thành người biết sống đẹp, sống thật, sống có ích. Hãy dạy không chỉ bằng lời giảng trên lớp, bằng chữ viết khi chấm bài mà còn bằng cả cuộc sống, cách sống của mình.

Thưa các Thầy, các Cô !

Con người sinh ra vốn không được bình đẳng về trí thông minh. Khả năng thiên bẩm của mỗi người một khác. Bởi vậy, xin các Thầy, các Cô đừng mắng mỏ khi có ai đó trong các con không có năng khiếu văn chương. Xin hãy đừng để cho con nào phải xấu hổ trước mặt bè bạn vì bất kỳ sự khiếm khuyết nào của mình, dù là khiếm khuyết nơi cơ thể hay trong năng lực.

Văn chương xưa nay vốn mang đậm tính cá nhân. Vậy nên xin Thầy, Cô đừng bắt tất cả các con cảm nhận như nhau về một tác phẩm. Đừng bắt các con phải viết ra những gì mình không hiểu mà chỉ học thuộc hoặc chép từ đâu đó. Xin các Thầy, Cô khi đến với văn, thơ hãy sống thật với lòng mình và cũng để các con sống thật với lòng chúng. Hãy dạy cái mình thấy đúng. Đừng dạy theo cái đúng, cái hay của người khác, dù đó là bất kỳ ai, một khi mà bản thân mình chưa thấy đúng.

Xin đừng dạy môn Văn theo kiểu "trại lính". Đừng học câu: "Khi vua Ogusto uống rượu thì cả nước Ba Lan say".

Xin hãy tôn trọng sự sáng tạo. Xin hãy mở cửa cho chút hoài nghi len vào, bởi chính sự hoài nghi làm nên sự tiến bộ của thế gian này. Chính sự hoài nghi khẳng định tính đúng đắn của chân lý vĩnh hằng và làm sụp đổ mọi sự giả dối, ngụy biện, áp đặt.

Xin hãy đọc (nếu có thể thì đọc to) cùng học trò những vần thơ, bài thơ hay, những câu văn đẹp và hãy để cho các con biết cách bày tỏ cảm xúc, cảm nhận của mình trước mọi người về cái hay, cái đẹp đó. Xin các Thầy, Cô dạy cho các con không chỉ biết viết hay, mà còn biết nói giỏi. Bởi trong cuộc sống hàng ngày, kỹ năng nói luôn quan trọng hơn kỹ năng viết.

Đành rằng học trước mắt là để đi thi. Nhưng xin đừng để cái gánh nặng thi cử đó đeo đuổi theo ta mãi. Hãy học trước hết là để biết, để làm, để hoàn thiện bản thân tốt hơn và để sống đẹp hơn cùng với mọi người.

Cuối cùng, xin Thầy, Cô  hãy nói đúng, viết đúng, bất kỳ là ở đâu: trên bảng, trong bài giảng, khi chấm bài, trong những thông báo, trên Facebook, Blog,... Xin hãy là mẫu mực về cách hành văn (văn nói và văn viết) cho các con. Hãy chỉ ra những sai lầm của các con và cả của những người khác mỗi khi gặp phải, để các con không lặp lại những sai lầm đó. Hãy nêu gương cho các con về tính phục thiện, hãy dũng cảm thừa nhận sai lầm và hãy sửa chữa.

Mỗi học trò đều mang trong mình đôi chút dấu ấn của người Thầy dạy mình. Hãy để mỗi học trò đều tự cảm thấy mình thật may mắn vì đã được gặp, được học Thầy, Cô.

Vài lời tâm sự của một đồng nghiệp, một phụ huynh, một người đã từng là học trò và trên hết, của một người tha thiết với sự nghiệp giáo dục và yêu văn chương say đắm. Mong các Thầy, Cô lượng thứ.

Xin chúc các Thầy, Cô luôn khỏe mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ cao quý của mình.

                                                                                            Bắc Giang 9/2014

                                                                                             Nguyễn Văn Tiến

 

 

 


Người post: NghiPH

Ngày đăng: 06-09-2014 17:05






Xem 1 - 4 của tổng số 4 Comments

Từ: LamTB
07/09/2014 19:59:43

Vào mùa khai giảng, cám ơn bác Tổng đã post lên một bức thư rất hay của một người thầy, những dòng tâm sự tha thiết với các đồng nghiệp dạy Văn về trách nhiệm giáo dục nhân văn cho học sinh. Tôi cũng tin rằng đây là một mảng rất yếu trong công tác giáo dục phổ thông hiện nay. Mong các thầy cô dạy được cho học sinh của mình thành người trung thực, nhân ái, yêu thích văn học và khoa học.


Tôi vẫn còn nhớ cô giáo dạy văn hồi cấp III Cao Bá Quát của chúng tôi, cô Nga, đã lan truyền cảm xúc cho cả lớp đến thế nào trong những giờ bình giảng Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo hay Truyện Kiều, thơ Hồ Xuân Hương.



Từ: LyTM
07/09/2014 19:37:11

Dạy tương lai tự hôm nay,


tiếng chào, câu nói, ... lời ngay vì đời,


người thầy, nuôi dạy thành người,


chẳng cao xa, chỉ những lời hiếu trung,...


 


Dạy nói, dạy viết, học cùng,...


nuôi mầm con trẻ biết dùng lời hay


nhỏ nhoi từ phút hôm nay,


mai này khôn lớn, dựng xây nước nhà!


 



Từ: CucNT
06/09/2014 20:53:54

là 1 cựu học sinh chuyên văn trường năng khiếu Phan Bội Châu, tội thực sự xúc động và cảm phục tác giả Nguyễn Văn Tiến. Ngày xưa chúng tôi đã say mê học văn, môn học đã làm tâm hồn chúng tôi rộng mở, yêu gia đình,  quê hương, Tổ quốc hơn qua những bài giảng của thầy cô. Ngày nay, tôi thấy phần lớn các em  vất vả đọc các bài văn mẫu đến thuộc lòng. Vậy nên mới có câu chuyện học sinh làm văn khi tả về ông nội đã viết "Nhà em có nuôi 1 ông nội, mắt ông tròn và to, hàng ngày mẹ cho ông ăn trong 1 cái bát to...".


...Công cuộc cải tạo giáo dục đang được nói hàng ngày, hàng giờ mọi nơi nhưng cải cách cụ thể như thế nào chưa thấy ai đề xuất cụ thể. Hồi trước học lớp 1 đến lớp 3, chủ yếu chúng tôi rèn chữ viết, chính tả và dùng câu cho đúng để giữ gìn trong sáng tiếng Việt và thể hiện sự cố gắng của bản thân qua "nét chữ, nết người". Ngày nay nghe đâu sẽ đưa giáo án điện tử vào dạy từ cấp 1, vậy là học sinh khỏi tập viết...


Cần rất nhiều những bài viết như của tác giả Nguyễn Văn Tiến để chúng ta trả lại giá trị đích thực của văn học "văn là người", dạy văn là dạy con người.


Cảm ơn tác giả và bác Tổng.



Từ: NghiPH
06/09/2014 18:11:34

 


 


 


Tôi rất tâm đắc với những ý sau đây của thầy giáo Nguyễn Văn Tiến:




- "...Xin Thầy, Cô đừng bắt tất cả các con cảm nhận như nhau về một tác phẩm. Đừng bắt các con phải viết ra những gì mình không hiểu mà chỉ học thuộc hoặc chép từ đâu đó".


- Xin đừng dạy môn Văn theo kiểu "trại lính". Đừng học câu: "Khi vua Ogusto uống rượu thì cả nước Ba Lan say.


- Xin hãy tôn trọng sự sáng tạo. Xin hãy mở cửa cho chút hoài nghi len vào, bởi chính sự hoài nghi làm nên sự tiến bộ của thế gian này. Chính sự hoài nghi khẳng định tính đúng đắn của chân lý vĩnh hằng và làm sụp đổ mọi sự giả dối, ngụy biện, áp đặt.


- Xin hãy đọc (nếu có thể thì đọc to) cùng học trò những vần thơ, bài thơ hay, những câu văn đẹp và hãy để cho các con biết cách bày tỏ cảm xúc, cảm nhận của mình trước mọi người về cái hay, cái đẹp đó.


Xin các Thầy, Cô dạy cho các con không chỉ biết viết hay, mà còn biết nói giỏi. Bởi trong cuộc sống hàng ngày, kỹ năng nói luôn quan trọng hơn kỹ năng viết.


- Con người sinh ra vốn không được bình đẳng về trí thông minh. Khả năng thiên bẩm của mỗi người một khác. Bởi vậy, xin các Thầy, các Cô đừng mắng mỏ khi có ai đó trong các con không có năng khiếu văn chương. Xin hãy đừng để cho con nào phải xấu hổ trước mặt bè bạn vì bất kỳ sự khiếm khuyết nào của mình, dù là khiếm khuyết nơi cơ thể hay trong năng lực.








 


 


 


 


 



Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s