KGU News >>Văn học >>Khác
KGU Tạo bài viết  
Thứ năm 16 Tháng chín. 2010

Năm tháng sinh viên 4




Tác giả: Tự sướng đào ngũ

Bạn bè cũ

Đó là những bạn đã học với tôi khi trước.

Thái Sơn và tôi học cùng lớp 7, rồi dự bị đại học. Học cùng lớp Toán 5 năm đại học nên xem ra Sơn cùng học với tôi lâu nhất. Chúng tôi lên lớp cùng nhau. Nhưng đáng nhớ hơn cả là những trận bóng đá mà tôi và Sơn thường cùng một đội. Chúng tôi là một cặp ăn ý, nhất là trong giải vô địch sinh viên các nước mà tôi đã đề cập ở trên. Thực ra Sơn ham đá bóng hơn tôi nhiều, chiều nào cũng ra sân và là một trong những nhân vật nổi bật trên sân bóng.

Ngoài bóng đá Sơn và tôi đều thích âm nhạc. Chúng tôi chia sẻ với nhau các bài hát, các đĩa nhựa. Ngay khi còn năm dưới Sơn đã mua máy quay băng từ để nghe nhạc, thứ mà khi đó khá đắt so với khoản học bổng nhỏ nhoi của chúng tôi. Về sau tôi mới có cái rigonda để nghe đĩa nhựa. Đến gần đây tôi vẫn gửi cho Sơn những đoạn video mà Sơn thích.

               

Thủy và Liên, hai bạn học cùng trường Chu Văn An với tôi

 

Khi tôi năm thứ nhất thì lớp cấp 3 Chu Văn An của tôi có 3 bạn học dự bị: Thủy, Phương Liên và Lâm. Hết năm dự bị chỉ còn Liên ở lại Кишинёв học tiếp Sinh vật, còn Lâm lên Mát học Viễn thám, Thủy xuống Одесса học Thủy văn. Do gần nên Thủy hay lên Кишинёв chơi.  Tôi thường rủ cả Thủy và Liên đi chơi, chụp ảnh hoặc mời cơm. Hồi ở Chu Văn An chúng tôi hầu như chẳng nói chuyện với nhau. Lên đại học, phần vì xa nhà, phần chắc có lớn hơn nên chúng tôi tỏ ra khá thân thiết và trò chuyện với nhau nhiều hơn. Chúng tôi nói chuyện nhiều về thày chủ nhiệm và lũ bạn cùng lớp đang học ở trong nước. Hè năm thứ 4 tôi và Nguyệt có xuống thăm Thủy và chị Châu, hàng xóm với tôi khi ở Hà Nội, học cùng trường với Thủy. Để đón chúng tôi, Thủy và chị Châu đi xếp hàng mấy lần mua thịt tại cái cửa hàng duy nhất bán thịt của thành phố Одесса (Liên Xô những năm 70 đã có những khó khăn như thế đấy). Lần đầu tiên chúng tôi được chị Châu và Thủy mời vào một nhà hát opera Одесса, một nhà hát vào loại đẹp ở châu Âu. Hôm ngồi xem vở opera, tôi nghe đến hơn 10 phút thì mới nghe ra được một từ почему.

Tôi có mua giúp Thủy xe đạp Спорт (sinh viên ở Nga nào cũng có cái xe đạp này và chiếc đài rigonda). Không rõ vì sao hồi ấy ở Кишинёв lại mua dễ dàng, rồi đóng gói gửi xuống Одесса cho bạn ấy. Liên có cái máy ảnh, tôi cũng hay mượn để chụp. Khi về nước tôi cũng để lại bộ máy rửa ảnh cho Liên, chẳng hiểu bạn ấy có chịu khó rửa ảnh không, một công việc cũng hơi vất vả cho các bạn nữ.

Thủy sau này lấy anh Huy (Lý 1976). Cuộc tình của họ bắt nguồn từ kỳ nghỉ hè 1975, tiếp diễn cho đến khi Thủy về nước năm 1980. Thật đáng nể vì thời gian và khoảng cách với Việt Nam xa xôi.

Các anh, các chị năm trên

Nếu nói về năm trên thì hẳn là quá nhiều, trên mình có ít nhất là 4 khóa, của nhiều khoa. Nhưng ở đây tôi chỉ viết về các anh chị mà có nhiều kỷ niệm hơn cả với tôi. Đó là các anh Lý 1976 và các chị Hóa 1977.

Hồi mới sang chúng tôi ở cạnh phòng anh Hoài, anh Hùng và anh Hưng (Lý 1976). Mới sang nên tôi hay ghé các anh hỏi han các chuyện mà mình còn bỡ ngỡ. Qua đó tôi biết lớp các anh ấy khá đông. Đặc biệt các anh ấy học giỏi, nghe đồn là nhất khoa Lý. Mà tôi thấy ai giỏi thì hay mon men làm quen và cố gắng giữ quan hệ quen thân. Có lần các anh chị năm dưới đi thi về, có bài không giải được, anh Hùng lớp 1976 lấy giấy ra giảng giải chi tiết cho các anh chị vừa thi về. Tôi dân Toán ngoại đạo nhưng quan sát thấy nể các anh lớp 1976. Lớp này còn có anh Nguyễn Mạnh Đức có em gái cùng học dự bị với tôi nên cũng hay nói chuyện hỏi han tôi. Anh ấy cũng là một người học giỏi của lớp ấy. Sau này tôi và anh Đức cùng sang Pháp làm NCS. Bây giờ hình như anh Đức ở Anh, làm việc cho đại học Oxford thì phải.

       

              Các anh Lý 76 hôm nay

 

Lớp này đá bóng giỏi, hay vô địch, ra sân tương đối kỷ luật, có đội hình. nghiêm túc. Nhưng bóng chuyền thì kém, chẳng có ai đánh giỏi.

Nhưng có thêm chi tiết nữa mà tôi có chơi nhiều với các anh Lý là tôi từng được giao làm nhiệm vụ đưa thư của một anh sang cho một chị Hóa. Làm chú Lượm cũng vui, tôi cũng có thân với mấy chị Hóa nên chẳng ngại. Được vài lần xem ra không có kết quả, chị Hóa không có phản hồi gì, nghe đâu chị kia bị cả lớp vây lấy nói xấu các anh Lý hết lời. Nếu vậy ai dám trả lời nữa. Nhiệm vụ của tôi chỉ được một nửa. Rút kinh nghiệm sau này tôi không có tỏ tình kiểu qua thư từ nhờ qua người khác, nó nửa vời, nó một chiều và có thể không nên cơm nên cháo gì vì những yếu tố bên ngoài.

Các chị Hóa 1977 thì lại ở một cực khác. Nổi tiếng là vui tếu, đúng ra là nói nhiều, nổi tiếng ở Кишинёв. Và rất hay trêu chọc người khác. các chị ấy gọi thầy giáo là "ông chọi", gọi cô giáo là "bà ngựa". Các anh Toán Lý đi đường mà gặp các chị Hóa là lập tức rẽ ngang, không tội gì phải giáp mặt mấy chị này, hình như các anh ấy rất thấm nhuần lời dạy của các cụ nhà ta "Tránh voi chẳng xấu mặt nào". Anh Lọ (Toán 1977), có đổi tên sang là Hưng, các chị ấy kháo nhau là "Tao sắp đan xong cái áo cổ Hưng", làm cho anh Lọ chết khiếp không dám đổi tên nữa. Hôm nào đội Hóa đánh bóng chuyền (dân Hóa không biết đá bóng) thì sẽ không may cho đội nào phải đối đầu với đội Hóa, vì thực chất là đối đầu với các chị Hóa. Các chị ấy sẽ bình phẩm cầu thủ đội kia với đủ các góc cạnh, sẽ cú cho phát bỏng hỏng, sẽ chế riễu đội kia nếu đánh hỏng. Mà tần suất nói của các chị ấy nhanh như tên lửa, rào rào như mưa xa, đối phương chỉ có biết quy hàng. Đội Toán Lý chúng tôi đã từng là nạn nhân của các chị Hóa trong những trận bóng như thế. Có lần đội tôi bị cú nhiều quá, tôi có cự lại các chị, các chị ấy đứng bên ngoài sân bóng chuyền bảo nhau "Cái thằng Ngọc này hay sang об mình, thôi tha cho nó".

          

                         Các chi Hoa 77 thời sinh viên

 

Chẳng hiểu sao tôi vẫn thân với mấy chị lớp đó. Thỉnh thoảng tôi la cà sang bên các chị, và được mời cơm nữa. Mấy chị này không nói nhiều như các chị khác (đặc biệt là cặp song tấu Bình khàn và Bình kều). Hoặc có thể tôi được coi là ngoan ngoãn nên không bị nói nhiều, vì các chị này chỉ hay nói nhiều với các anh, còn với các em thì chỉ hơi dạy bảo nhiều đôi chút với tư thế là các chị, chứ không nhiều lời như với các anh năm trên. Hoặc biết tôi làm nhiệm vụ đưa thư, nên chơi thân để khai thác nắm thêm tình hình đối phương (các anh Lý).

Sau bao nhiêu năm, gần đây tôi được tiếp xúc nhiều hơn với các chị Hóa 1977. Các chị ấy vẫn vậy, nói nhiều, nói nhiều và nói nhiều, vẫn đầy đủ đội hình như xưa, 9 chị. Có anh rể của lớp ấy, ở cơ quan vợ tôi thì mồm mép tép nhẩy lắm, nhưng khi ngồi cùng các chị Hóa thì chỉ biết mỗi câu "im lặng là vàng", chỉ biết cười vu vơ rất tội nghiệp. Đặc biệt hơn các chị rất kỷ luật, là hạt nhân đã tổ chức thành công buổi họp mặt du thuyền hôm 10/04/2010. Để hát hai bát hát hôm đó, các chị ấy tập rất nhiều buổi. Sau đó tôi mới biết thêm, từ ngày ra trường các chị Hóa thường xuyên tụ tập và tìm cớ để tụ tập. Cớ có thể là ai đó đi công tác về, là con ai đó vừa thi xong cấp 3, là ai đó vừa được cơ quan khen thưởng hay cất nhắc. Và mỗi khi tụ tập, các chị vẫn nói nhiều, nói như thể lâu lắm rồi chưa được nói. Mấy người nam giới dự cùng thì biết điều dạt ra ngồi một góc riêng, không tham gia vào các câu chuyện rôm rả của các chị. Thực ra có muốn tham gia cũng không cùng trình độ, nên tránh ra là biết điều đấy.

Hội các anh Toán Lý có nhóm rất nổi tiếng về đánh cờ: Đặng Tất Thắng (Lý 1976), Lê Hồng Đức (Lý 1977) và Nguyễn Văn Lọ (Toán 1977). Mấy anh này chơi rất giỏi, từng thi đấu ở trường, ở thành phố. Sau này về nước anh Thắng là người xây dựng nền cờ vua nước nhà, liên tục làm tổng thư ký Hội cờ vua Việt Nam cho đến tận hôm nay. Hai anh còn lại cũng tham gia rất nhiều vào việc đào tạo cờ vua. Con anh Lọ hiện giờ cũng ở trong đội tuyển cờ vua quốc gia. Anh Đức là người dạy tôi môn cờ vua, giảng giải cho tôi các thế cờ khai cuộc. Tất nhiên tôi không ham môn thể thao này. Nhưng nhờ những bài học của anh mà đến năm 1979, об 1 có tổ chức giải cờ dân Toán Lý, tôi từ từ vào đến tận chung kết cùng với Dũng, cùng là lớp Toán với tôi. Trận chung kết đã không diễn ra vì khi đó Trung Quốc gây chiến tranh biên giới phía Bắc, chả ai có tâm trạng mà đánh cờ nữa.

Có câu chuyện là anh Thắng và anh Lọ đánh cờ với nhau. Khóa trái cửa đánh cờ. Chuyện đánh cờ nếu không khéo rất dễ dẫn tới tức nhau, trong dân gian nổi tiếng câu chuyện con rể đánh cờ cùng bố vợ, mỗi lần diệt quân là lại đập chát rất to quân cờ và nói giọng kẻ cả "Đánh chết con xe này, ăn thịt con tốt kia". Bố vợ tức quá hắt cả bàn cờ ra sân.. Có 1 hôm chắc như thế, hai anh cầm bàn cờ choảng nhau chảy máu đầu, nhưng khóa cửa bên trong nên bên ngoài không vào được để can thiệp. Sau đó mỗi anh tự gọi cho mình 1 xe cấp cứu chở đến bệnh viện, gây phí phạm lớn cho nhà nước xô viết. Có thể đây cũng là một nguyên nhân gián tiếp sau này làm cho Liên Xô suy yếu và sụp đổ.

Năm thứ 3 tôi được xếp ở với một anh năm trên, anh Vinh (Lý 1977). Thực ra anh ấy bị bệnh, xếp ở không dễ vì mọi người đều có nhóm với nhau. Năm ấy tôi là đơn vị trưởng Toán Lý nên xếp cùng phòng với anh và một cậu người Môn. Anh ấy không bình thường, bị hoang tưởng lúc nào cũng bị bọn thù địch với anh ấy hãm hại. Khi đi ngủ anh ấy chui đầu vào 1 cái xô tôn đã được cuốn đầy dây đồng theo đúng lồng Faraday, có chức năng bảo vệ không gian bên trong cái xô khỏi các trường vật lý khác. Chứng tỏ anh ấy nắm khá vững lý thuyết vật lý. Cậu người Môn thì suốt ngày uống rượu, người lúc nào cũng mùi rượu.

Tuy nhiên anh Vinh rất tình cảm với tôi. Hôm liên hoan tiễn các anh chị năm thứ 5 về nước, anh ấy còn yêu cầu tôi song ca cùng anh bài "Khi chiếc là xa cành, lá không còn màu xanh". Nghe nói sau này anh không qua được bệnh này và đã ra đi sau vài năm từ khi tốt nghiệp.

Khoa Toán

Ở КГУ khoa Toán luôn khiêm tốn về quân số. Nhiều khi chúng tôi chỉ bằng 1 lớp của khoa khác. Cũng vì thế chúng tôi luôn phải ghép với khoa Lý về tổ chức hội đồng hương. Bóng chuyền chúng tôi không lập nổi một đội, nhưng bóng đá thì đội Toán đá không đến nỗi tồi. Văn nghệ rất ít khi chúng tôi có được tiết mục độc lập (có 1 lần với tiết mục kịch thì đôi Toán độc lập diễn).

Do ít nên có chất lượng. Khoa Toán học khá đều và điểm thường cao nhất trong sinh viên Việt Nam. Đối với chúng tôi, điểm thi 4 là khá xa lạ. Bảng xếp hạng mỗi kỳ thi hay được dán ở bảng tại các ký túc xá, khoa Toán luôn đứng đầu.

Người đầu tiên học khoa Toán КГУ có lẽ là anh Lọ, tốt nghiệp năm 1977. Khóa này chỉ có mình anh là sinh viên Việt Nam. Anh nổi tiếng chơi giỏi cờ vua. Tiếp theo là chị Việt Nga, tốt nghiệp 1978, cũng một mình chị một lớp. Tiếp theo là chúng tôi khóa 1979, 5 người. Khóa 1980: Cẩm, Lan, Huy, Dục và 1981: Bình, Châu, Chi Mai, Thanh, đều 4 người. Khóa 1982 chỉ có một mình em Nam Mai, khóa 1983 có Dũng và Hải. Các khóa sau thì tôi không biết nhiều vì tôi đã ra trường. Khóa cuối cùng 1994 cũng chỉ có 2 bạn mà tôi lại káh biết do công việc: Đạt cùng ở FPT và Tùng ở Oracle Việt Nam. Hình như ở trường tổng hợp Matxcơva và Minxk, người Việt học Toán đông hơn ở Кишинёв nhiều.

         

                    Khoa Toán, ảnh chụp năm 1978

 

Dân Toán ít sôi nổi hoạt động như các khoa khác. Có thể vì ít quân số, cũng có thể là bệnh nghề nghiệp, Toán là logic, chặt chẽ và khô cứng, suốt ngày chứng minh cái này, chứng minh cái kia. Giống như các bạn nam, các bạn nữ học Toán cũng có vẻ không năng động như các khoa khác. Cái môn Toán chẳng có gì hay ho cả. Rất may sau này chúng tôi cũng rẽ sang nhiều ngả khác. Chúng tôi không đủ đông để làm thành một trường phái, trong khi người Hóa, người Sinh, người Luật đi đâu cũng gặp ở Việt Nam.


Người post: NgocBQ

Ngày đăng: 16-09-2010 17:05





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s