KGU News >>Văn học >>Khác
KGU Tạo bài viết  
Thứ năm 16 Tháng chín. 2010

Năm tháng sinh viên 5




Tác giả: Tự sướng đào ngũ

Tình yêu

Khi mới sang Liên Xô tôi được phổ biến là không được yêu đương trong thời gian học tập. Đặc biệt không được có quan hệ tình cảm với người nước khác.

Tôi nhớ đến khi bọn Mỹ đánh phá miền Bắc (khoảng 1965), ở miền Bắc có phong trào 3 không: “Không yêu, không cưới, không có con”. Nghĩa là đang là bạn thì chớ có yêu, chót yêu rồi chớ có cưới, chót cưới rồi thì không có con. Tất cả tập trung cho đánh Mỹ. Thực tế rất ít thanh niên thực hiện cái 3 không này, họ vẫn yêu, vẫn cưới và đẻ con. Chưa kể không đẻ con, lấy đâu người đánh Mỹ và xây dựng CNXH.

Cũng có thể kể đến một quy tắc nữa mà các chú sứ quán có phổ biến: nếu bạn nam và bạn nữ ngồi cùng phòng thì phải mở cửa, ít nhất cũng hé ra một chút. Cái quy tắc này trái khoáy với văn hóa châu Âu, vốn tôn trọng tính riêng tư, mà Liên Xô khi đó cũng là 1 phần của châu Âu, dù rằng Молдова chưa phát triển bằng các quốc gia khác. Tôi dám chắc rằng cái quy tắc ngô nghê đó chẳng ai thực hiện. Nam nữ ngồi trong phòng là họ có nhu cầu tâm sự, mà chẳng ai tâm sự lại mở toang cửa ra cả. Và trong thực tế nếu tìm góc riêng tư, đôi nam nữ thiếu gì chỗ để thực hiện, đâu cứ phải ở trong phòng mình có đến mấy người khác ở cùng.

Nhân tiện tôi cũng nêu lại một quy tắc nữa mà tôi cũng được phổ biến: khi đi ra đường phái đi ít nhất 2 người. Không biết các anh chị lứa chúng tôi và trước đó có biết tồn tại cái quy tắc này không. Quy tắc này chỉ phù hợp với các đôi yêu nhau thôi. Buổi sáng nếu giữa 2 đứa cùng phòng mà có đứa không có tiết đầu, hẳn bạn đó ngủ tiếp, còn bạn kia đành đi học một mình. Chưa kể nếu lẻn đi xem một mình phim tư bản, hay đánh quả ở cửa hàng đồ cũ, chẳng ai đi đông người làm gì. Khi tôi lên năm thứ 2 rồi, hè 1976, được phổ biến lại quy tắc này trong dịp tập huấn cán bộ tại sứ quán Việt Nam ở Mátxcơva.

Quy tắc khác là cấm xem phim tư bản thì tôi đã đề cập ở trên.

Tóm lại hồi đó với tư duy ấu trĩ và tả khuynh đã tồn tại nhiều quy tắc như vậy, những quy tắc chỉ để cho có, chẳng cần biết nó có hợp lý hay không, nó có khả thi hay không. Thế hệ trước khóa 1 của anh Túy tôi nghe nói mua máy ảnh cũng bị phê bình là ăn chơi, mua táo về ăn cũng bị kêu là hưởng thụ và phải viết kiểm điểm.

Thực tế sinh viên Việt Nam vẫn yêu ầm ầm, thậm chí yêu cả người nước khác. Con tim có quy luật riêng. Sau khi chúng tôi tốt nghiệp nghe đâu các quy tắc đó được tháo bỏ, do con gái một đồng chí lãnh đạo đã yêu và lấy ông thầy mình. Sau này có không ít đám cưới ngay khi đôi bạn trẻ đương còn là sinh viên, thậm chí nhiều cháu nhỏ ra đời khi cả bố cả mẹ còn chưa tốt nghiệp.

Có thanh niên là có tình yêu nam nữ. Tạo hóa đã quy định như thế, cái quy định này rất khả thi, rất hợp lý. Và có lẽ đây là một trong những quy luật đáng giá nhất, đẹp nhất của tạo hóa. Thử hỏi nếu không có tình yêu thì liệu có văn thơ nghệ thuật không? Không có tình yêu liệu chúng ta có được nghe những bản tình ca bất hủ của Trịnh Công Sơn? Chưa kể đến việc muôn loài phải duy trì nói giống của mình.

Tôi cũng nằm trong số những sinh viên đã biết yêu từ khi còn trên ghế nhà trường.

Tình yêu thường bắt động bằng sự rung động của con tim. Bạn có thể rung động trước nhiều cô gái, nhưng để đến mức yêu thì sự rung động đó phải rất mãnh liệt. Con tim tôi đã rung động vào cuối kỳ nghỉ hè năm thứ ba, khoảng cuối tháng 8/1977. Dạo đó tôi ở cùng với các bạn khóa 1981 như Tú (Hóa), Bình (Toán), Quang (Lý). Chưa phải đi học nên có nhiều thời gian rỗi, chúng tôi nảy ra ý định đi chèo thuyền trên hồ Комсомол. Nhưng chỉ mấy thằng không vui. Thế là chúng tôi rủ thêm mấy bạn nữ khóa 1980 như Nguyệt, Nga, Cẩm, khóa 1981 như Chi Mai, Quê Hương,... Buổi chèo thuyền thật vui vẻ, chúng tôi trêu nghịch nhau từ thuyền nay qua thuyền khác. Khi xếp ngồi trên thuyền (chỉ 3 người một thuyền), chúng đã “vô tình” xếp tôi cùng thuyền với Nguyệt.

Chuyến chèo thuyền không bao giờ quên của tôi trên hồ Комсомол

 

Tối hôm đó về, trái tim tôi đã thực sự rung động. Tôi đã biết Nguyệt từ khi mới sang, vì chúng tôi đều được học dự bị trên trường ĐHKT Quân sự, tuy khác năm. Trong thời gian dài tôi cũng không để ý nhiều đến Nguyệt, khoa Hóa khóa 1975-1980, mặc dù đã từng phỏng vấn Nguyệt là cử tri trẻ nhất khi hội đồng hương tổ chức bầu cử tượng trưng hôm 25/4/1976. Nguyệt dưới tôi một khóa nhưng kém 2 tuổi vì đi học sớm. Có nghĩa sự rung động không theo kiểu sét đánh. Không là sét thì những ngày sau đó là giông bão trong tôi. Còn bọn đàn em thì luôn tủm tỉm cười và hỏi tôi cần hỗ trợ gì không. Cậu Tú cùng khoa Hóa, lại cùng bà giáo với Nguyệt nên vẫn cung cấp cho tôi những thông tin về Nguyệt, và đôi khi tôi cũng qua Tú để nhắn gửi thông tin tới “đối tượng” của mình.

Suốt học kỳ 1 năm học 1977-1978 là thời kỳ “bí mật” của chúng tôi. Nguyệt cũng nhận được tín hiệu của tôi. Việc trao nhận tín hiệu đó đâu có khó khăn. Thanh niên nam nữ khi có tình cảm tự nhiên các tín hiệu sẽ được trao gửi. Chúng tôi gặp nhau nói chuyện (tất nhiên hầu như không ai biết), trao đổi nhiều thứ, và chuyện chính vẫn là về chuyện tình cảm với nhau. Tôi thì đơn giản hơn, dù sao tôi cũng là con trai. Với Nguyệt việc quyết định còn cần tham khảo một vài người mà đến giờ tôi cũng không quan tâm là ai. Người ủng hộ, người thì nói Nguyệt cần suy nghĩ kỹ, tôi có những nhược điểm khó bỏ qua (ai mà không có nhược điểm?). Đó là những thời gian thử thách, tôi cần vượt qua để đến với tình yêu của mình. Có hôm Nguyệt ốm, tôi sang thăm, là dịp hiếm hoi mà tôi ngồi khá lâu trong phòng Nguyệt. Chắc ai trong chúng ta cũng từng trải qua thời điểm như tôi lúc đó. Tôi chỉ muốn ngồi cùng Nguyệt mãi cho đến khi khỏi ốm. Có thể khi bạn mình ốm, tình cảm lại mãnh liệt hơn khi bạn khỏe. Hoặc có lần tôi ra về bị cửa ra vào đập mạnh ngón tay, hôm sau được Tú thông báo là chị Nguyệt hỏi anh tay có bị đau nhiều không. Những câu hỏi thăm như vậy làm tôi chẳng còn thấy đau tay nữa, mà trong lòng dâng trào một sự yêu thương vô tận.

Cuối cùng Nguyệt đồng ý. Đó là một ngày mùa đông tháng 1/1978. Cả tôi và Nguyệt đã thi xong. Đây cũng là kỳ thi mà tôi có vất vả hơn các kỳ thi khác vì ngồi học thi mà đầu óc cứ tương tư đâu đó (cũng may tương tư này không ảnh hưởng đến kết quả kỳ thi). Tôi chắc Nguyệt cũng trải qua một kỳ thi như vậy. Chúng tôi lần đầu tiên đi cùng nhau ra đường đi chơi trên phố phủ đầy tuyết trắng. Hay là chúng tôi đã từ thời kỳ “bí mật” chuyển sang “công khai”. Với người Việt khi đó, công khai có nghĩa là đã quyết định yêu nhau, gắn bó với nhau, là hướng tới hôn nhân. Chẳng giống gì bây giờ, công khai chưa là cái gì cả. Sau hôm đó tôi chắc rằng thông tin sẽ lan truyền trong cộng đồng sinh viên Việt Nam khi đó: Ngọc-Nguyệt yêu nhau. Thêm một đôi nữa ở Кишинёв, trước đó có biết bao nhiêu đôi rồi, và sau này còn bao nhiêu đôi nữa, tình yêu là thế. Chẳng phải chúng ta đã từng được học câu thơ “Người yêu người sống để yêu nhau”?.

Phải kể đến lớp Lý 1977, họ có đến 3 đôi “khép kín” cùng trong lớp: Khang-Hương, Bình-Hồng, Chính-Huệ. Lý 1978 có 2 đôi “khép kín” là Công-Hồng và Lai- Kiệt. Khoa Toán khi đó cũng có 2 đôi: Sơn-Nga và Dũng-Cẩm. Phú yêu Đào, học dự bị ở Кишинёв rồi đi thành phố khác. Cứ đến kỳ nghỉ là lại không thấy Phú đâu, hắn đi thăm người yêu. Tẩm ngẩm như Hùng (Lý 1979) cũng cặp đôi với Hà (Sinh 1980). Lý 1980 có đôi “khép kín” Hà-Đình. Thúc Dục (Toán 1980) thì khá hơn, vươn tay sang tới Hà tận khoa kinh tế. Đấy là tôi chỉ kể sơ sơ tình tình quanh khu vực Toán Lý của những năm kề tôi thôi. Tôi nghĩ rằng đó là kết quả của mật độ khá đậm đặc sinh viên Việt Nam tại Кишинёв, và tình người ấm ấp ở xứ Молдова xa xôi, hẻo lánh, nhà quê (là so với Matxcơva hay Kiev). Người nhà quê tình cảm bao giờ cũng chân thành, cũng đậm đà. Người nhà quê xem ra dễ yêu lắm. Và tình yêu của họ bền vững hơn dân thành phố.

      Hồi đó, hè 1978, tôi đã chụp ảnh màu

 

Vào học kỳ 2, mọi chuyện thay đổi nhiều với chúng tôi. Chúng tôi có quy ước chỉ đi chơi vào cuối tuần để không ảnh hưởng đến việc học tập. Cả tôi và Nguyệt đều hiểu rằng, chúng tôi được cử đi học và cần phải hoàn thành tốt nhiệm vụ đó. Nói cho đúng chúng tôi có chút ít “bôn” (từ ám chỉ khi đó là người phấn đấu nhiều cho công việc, ít biết đến những cái khác, xuất phát từ từ bolshevich, là những người cộng sản phe đa số theo Lenin). Có chăng chúng tôi chưa “bôn sệt”, loại người chỉ biết phấn đấu và phấn đấu mà thôi. Cho nên chỉ mong tuần lễ trôi qua thật nhanh. Tuy nhiên cứ giờ nghỉ và giảng đường gần nhau là chúng tôi lại gặp nhau. Bởi thế người này thuộc lòng cả thời khóa biểu của người kia. Giờ nghỉ ít ỏi giữa các tiết học cũng đủ để chúng tôi gặp nhau và nói những câu chuyện yêu thương. Nhiều hôm tôi ngồi lại học trên trường để đợi Nguyệt xong thí nghiệm rồi hai đứa cùng ra về. Thường trời tối mịt thì mới đi về. Nhưng đến ký túc xá thì chia tay nhau. Chỉ có cuối tuần chúng tôi mới ăn cơm và đi chơi cùng nhau. Sự nghiêm túc ấy chúng tôi giữ suốt học kỳ 2 năm học 1977-1978.

Và ngày 8/3/1978 là cái ngày chúng tôi không bao giờ quên. Trời bớt rét nhưng chưa đến mùa xuân. Buổi chiều chúng tôi rủ nhau ra hồ Комсомол. Và tại một chiếc ghế gỗ trên đồi dốc của hồ, tôi lần đầu biết đến nụ hôn với người con gái mình yêu thương. Trời đất quay cuồng, chỉ còn lại một dư vị ngọt ngào trên môi. Tôi ngắm nhìn khuôn mặt người yêu đang rạng ngời sung sướng, rồi tiếp tục trao cho em những nụ hôn đầu tiên.

Học kỳ 2 trôi qua, cả hai chúng tôi đều thi tốt. Nghỉ hè chúng tôi xuống Одесса thăm Thủy và chị Châu. Lần đầu chúng tôi biết đến biển Đen, đến thành phố cảng, đến nhà hát opera đẹp lộng lẫy. Tắm nắng như bọn Tây, có hôm chúng tôi ngủ quên trên bãi biển và mặt mũi đen đi nhiều, khi về Кишинёв ai cũng kêu. Cũng ở Одесса Nguyệt cắt tóc ngắn, từ giã 2 bím tóc đuôi sam mà tôi cứ thấy tiếc.

Sau đó chúng tôi cùng đi thăm quan Leningrad. Thành phố cổ kính đẹp hơn nhiều khi bạn đi thăm cùng ngườì yêu. Chúng tôi thức cùng nhau đêm trắng, chạy từ cầu này sang cầu kia để kịp xem cầu mở ở cả 2 cầu. Chúng tôi ngồi co ro tại công viên chờ trời sáng để cùng đón bình minh trong đêm trắng. Về lại Кишинёв chúng tôi dành thời gian đi chơi khá nhiều, thường đi bộ ra chỗ 5 khẩu súng trường, ở đấy như một công viên với bãi cỏ xanh mượt, hoặc ra hồ Комсомол thơ mộng với những bậc thang bằng đá dài nổi tiếng. Nhiều lần chúng tôi đi chơi xa, đến một cái hồ rộng xa Кишинёв mà tôi quên mất tên rồi. Album ảnh của chúng tôi dầy cộp vì tôi vốn mê chụp ảnh, toàn ảnh 2 đứa.

Mùa hè 1978 có lẽ là mùa hè đẹp nhất đối với chúng tôi, những kẻ mới biết yêu và say đắm trong tình yêu đó. Một tình yêu sinh viên thực thụ, trên nước bạn vốn rộng rãi, tự do không bị ràng buộc như trong nước khi đó. Mà chỉ có đúng một mùa hè như thế, nên tôi nhớ mãi cái mùa hè 1978 ấy. Cũng mùa hè này Nguyệt đan áo len cho tôi. Tôi tin là tình yêu bây giờ không còn sản sinh ra những áo len đan tay cho người yêu.

Năm học 1978-1979 là năm học cuối cùng của tôi. Chúng tôi đều dọn sang об 3, còn khi trước mỗi đứa một об. Lúc này chúng tôi mới tổ chức ăn cơm riêng buổi tối và sau đó học cùng nhau. Tôi thì nhàn hơn, năm thứ 5 học rất ít, nên gọi là học cùng nhưng thực chất là ngồi cạnh Nguyệt để được gần nhiều hơn. Học kỳ 2 tôi chơi dài. Bảo vệ xong tôi phải về nước trước Nguyệt một năm. Đó là một trong những năm dài nhất đời tôi.

Tôi được rất nhiều từ tình yêu của Nguyệt. Em đã cho tôi biết thế nào là tình yêu nam nữ, tình yêu tuổi sinh viên với rất nhiều cảm xúc khác nhau, từ lãng mạng đến hờn dỗi trách móc. Tôi đã gặp may khi yêu được Nguyệt. Yêu và gìn giữ tình yêu không phải là dễ. Nguyệt đã làm điều đó rất tốt. Cho đến hôm nay, đã 32 năm chúng tôi yêu nhau và 29 năm nên vợ nên chồng, Nguyệt luôn là chỗ dựa vững chắc cho tôi, những lúc khó khăn cũng như thuận lợi sau này. Nguyệt cũng là người mẹ tuyệt vời của các con tôi. Những gì tôi viết ở đây chưa đủ về tình yêu, sự chu đáo, sự động viên và sự độ lượng của Nguyệt đối với tôi và các con, cũng như nhiều người khác trong mối quan hệ vốn không đơn giản ở Việt Nam.

Và tôi lấy làm tiếc cho những ai không có trải nghiệm của tình yêu sinh viên.

Năm cuối

Năm cuối với mỗi chúng ta đều có nhiều kỷ niệm. Với tôi cũng vậy.

Học kỳ 1 tôi viết xong luận văn tốt nghiệp (vì là dân lý thuyết nên có thể viết nhanh như vậy, nhất là tôi không say mê Toán lý thuyết nên cũng chẳng có nhu cầu nghiên cứu để có nhiều kết quả).  Năm thứ 5 chỉ học mấy môn chuyên ngành nên nhàn hơn năm dưới nhiều. Luận văn làm như tôi lại không mất mấy thời gian. Thời gian tôi chủ yếu dành cho Nguyệt. Học kỳ 2 thi đúng có 1 môn là Chủ nghĩa cộng sản khoa học, vốn tổng hợp của tất cả các môn nhiều chữ lại. Nên tôi đọc qua một lượt rồi đi thi mà vẫn được điểm 5 ngon lành. Thực ra với những ai đã học khá, môn này thế nào cũng được 5. Nhưng điểm 5 của tôi là rất thực chất đấy, tôi học các môn xã hội không tồi.

Nhụy hoa giữa các cánh hoa, cùng các bạn nữ 79 sau khi
 nhận bằng tốt nghiệp

 

Luận văn thì tôi viết xong từ học kỳ 1. Học kỳ 2 đưa lên thứ ký khoa đánh máy. Hôm bảo vệ thì đơn giản, môn toán chẳng thằng nào nghe được của thằng nào nếu khác chuyên ngành. 5 đứa bọn tôi bảo vệ nhanh gọn lắm, dù có chia mấy hội đồng. Mấy hôm sau khoa tổ chức cho học sinh liên hoan chia tay nhau. Tôi chỉ nhớ mỗi chuyện sau buổi liên hoan, cậu Phư nhà ta uống hơi nhiều rượu vang nên xỉn, tôi và Dũng phải 2 bên dìu về ký túc xá. Buồn cười nói tiềng Việt thì Phư ta không có phản xạ gì, cứ như không nghe thấy gì hết. Nhưng nói tiếng Nga thì hắn lại trả lời vanh vách. Bắt buộc tôi và Dũng phải nói tiếng Nga với Phư cho đến lúc đưa hắn lên giường. Không biết Phư có nhớ câu chuyện này không?

Đã thành thông lệ năm thứ 5 là năm cuối nên không ai phải tham gia công tác quản lý của hội đồng hương hay của đoàn thanh niên. Với tôi thế càng khỏe, tôi đã 3 năm  tham gia các hoạt động vác tù và đó. Bù lại chúng tôi lại có những hoạt động riêng của năm thứ 5. Tôi có thể chơi thể thao nhiều hơn, xem tivi nhiều hơn, và đặc biệt tham gia phòng trào văn nghệ sôi nổi hơn.

Chả là vào ngày 26/3 hàng năm ở Кишинёв đều có hội diễn văn nghệ và năm thứ 5 bao giờ cũng phải có tiết mục riêng của mình, chưa kể vẫn phải tham gia chung với khoa. Năm đó năm thứ 5 chúng tôi làm kịch cười, trên thượng giới cũng phải đi thi chủ nghĩa cộng sản khoa học, môn điển hình của năm thứ 5. Tôi vào vai quỷ thiên đình, tuy cắp sách môn học đó nhưng chỉ chơi bời phá phách, phát ngôn linh tinh, khiến Ngọc Hoàng (do Hòa khoa Lý thủ vai) rất phiền lòng lôi ra dạy bảo.

Tôi trong vai Quỷ thiên đình, cặp nách sách môn “Chủ nghĩa CSKH”

 

Hội diễn năm 1979 đúng là tôi chạy xô. Tôi còn tham gia kịch của khoa Toán, với nội dung là “bôn sệt”, phê phán một số kỹ sư khi tốt nghiệp ở nước ngoài về không hăng say đóng góp cho đất nước, kịch bản hình như của Thái Sơn. Tôi còn tham gia ban nhạc dân tộc Toán - Lý, có đủ ghi ta (Hồng Sơn, Lý), bass, măng-đô-lin (Diện, Quốc Anh và Thu Hà, Lý), đàn bầu (Ngọc Bình, Toán) và tôi thổi sáo trúc. Chúng tôi hòa tấu 2 bài, bài tôi thổi sáo trúc là bài “Vì miền Nam” của Huy Thục. Chẳng biết có hay không, nhưng nghe khí thế lắm, Hồng Sơn (Lý 1980) chỉ huy và phối khí.

Nhưng ấn tượng nhất của hội diễn năm đó lại là vở kịch của Toán Lý, với nội dung chống bá quyền của Trung Quốc, rất thời sự. Chúng tôi chọn vở chống bá quyền để lên án cuộc chiến tranh biên giới phía bắc do Trung Quốc phát động trước đó hơn 1 tháng. Vở do Hoàng Minh Châu (Toán 1981) viết kịch bản. Tôi vào vai Đặng Tiểu Bình, ngồi họp tướng sỹ ở Bắc Kinh bàn tính chuyện bá quyền. Nhưng chúng đã thất bại tại biên giới Việt Trung, Chi Mai vào vai nữ dân quân, bắt sống lính Trung Quốc (Châu 1981). Còn cậu Huy (Toán 1980), tóc xoăn xoăn lại cao to giống Tây được vào vai phóng viên nước ngoài, phải nói tiếng Việt lơ lớ. Tôi đã đạt giải cá nhân xuất sắc nhất hội diễn nhờ công chạy xô và nhờ điệu cười ngạo mạn của Đặng khi mơ về sự bành trướng của Trung Quốc.

Những ngày hè đến gần, chúng tôi chuẩn bị về nước. Hôm nhận bằng tôi không nhớ là đi trên phố Lenin cùng các bạn khoa Hóa, Sinh làm gì, nay còn ảnh nên đưa lên, lâu rồi không gặp các bạn này. Chúng tôi chừng 30 người thành lập đoàn chuẩn bị về nước, tôi được chỉ định làm trưởng đoàn. Đến phần đóng đồ cho vào thùng gửi tàu biển xuống Одесса ở ngoài ga, công việc khá chậm. Bạn nào đó gợi ý là phải cho công nhân tiền thì mới ổn. Với bản tính “bôn” khi đó, và chưa va vấp thực tế, tôi kiên quyết không làm (thú thực cũng không biết đút thế nào cho mấy tay công nhân đó). May mà rồi mọi việc cũng xong, nhưng có lẽ đó là lần đầu tiên trong đời tôi biết thế nào là chuyện tiêu cực.

Có một chuyện mà tôi vẫn hay kể cho bạn bè khi chúng hỏi sao mày vẫn bạch vệ (ngôn từ khi xưa chỉ những người ngoài Đảng). Chả là tôi cũng thuộc diện cảm tình khi đó, loại cứng là khác do hay làm công tác vác tù và hàng tổng. Giữa năm thứ 5 chi bộ xét kết nạp các thanh niên được gọi là tiên tiến, tôi cũng trong số đó. Mọi người đa phần nhất trí trường hợp của tôi, thế nhưng có mấy đồng chí trong chi bộ, tuy chỉ là thiểu số, phát biểu rằng “cậu Ngọc này có tư tưởng văn hóa đồi trụy. Bằng chứng hè năm ngoái khi đi thăm viện bảo tàng nghệ thuật tại Leningrad, cậu ta toàn chụp tượng khỏa thân”. Chi bộ ớ ra, không đả động đến trường hợp của tôi. Được nghe câu chuyện đó, tôi ức lắm. Mấy cha kia cao tuổi đi học, chẳng tham gia việc chung nào, học hành thì tàm tạm, nhưng phán thì ghê gớm thế. Chả là tại Ermitage, tôi có chụp hình bức tượng “Mùa xuân vĩnh cửu” của Rodin. Chụp một góc chưa đã, tôi tìm góc khác chụp thêm. Mấy cha kia cùng đoàn đi thăm quan, nhìn thấy. Họ chẳng nói gì cả, nhưng đến khi cần thì mới nói và nói kiểu chết người như thế Tôi hình như sau đó thui chột mất chất “bôn”, đến bây giờ vẫn bạch vệ.

Một ngày cuối tháng 6/1979, chúng tôi lên tàu đi Mátxcơva để về nước. Tại sân ga tôi khóc như mưa, anh bạn người Đức Uvê dỗ mãi không được. Một phần tôi phải xa Nguyệt. Nhưng sâu thẳm hơn tôi không biết khi nào mới được quay về xứ Молдова này mà tôi đã gắn bó 5 năm. Mấy bạn Liên Xô cùng lớp phải đi học quân sự, chỉ có mấy bạn nữ đi tiễn chúng tôi, cùng một vài thầy cô, có cả bà ngồi gác cửa ký túc xá đôn hậu. Việt Nam và Молдова xa xôi lắm, biết bao giờ tôi mới gặp lại được họ, những con người đã trở nên thân thiết với tôi. Khi đó thư mất đến gần 2 tháng mới đến nơi, có đâu điện thoại hay internet như bây giờ. Cả đoàn năm thứ 5 ngạc nhiên vì tay trưởng đoàn của họ, không ai nghĩ tôi lại có thể ủy mị đến thế, nhiều bạn khóc, nhưng tôi khóc to nhất và lâu nhất, tầu chuyển bánh rồi tôi vẫn khóc. Tôi cũng là con người.

Tạm biệt Молдова, tạm biệt Кишинёв.

Sau tốt nghiêp

Sau khi tốt nghiệp, tôi về nước và giảng dạy môn Toán tại ĐHBK Hà Nội. Nguyệt về sau tôi 1 năm. Ngày 22/2/1981, chúng tôi làm lễ cưới mà rất đông các bạn bè Кишинёв đến dự.

Ngày 22/2/1981

 

Cuối 1982 tôi được cử sang Pháp làm NCS. Năm 1986 tôi trở về nước sau khi bảo vệ luận án tiến sỹ, môn Cơ sở dữ liệu. Chúng tôi có cháu đầu, cháu Nguyệt Minh năm 1983, và cháu thứ hai, Ngọc Minh 1994.

Tôi tiếp tục dạy ở ĐHBK. Năm 1988 tôi tham gia thành lập FPT và làm việc tại đó đến hôm nay. Năm 1995 tôi thôi làm giáo viên của ĐHBK, tập trung làm việc cho FPT.

Năm 1989 tôi đi công tác tại Kiev theo sự hợp tác giữa Viện Tin học và Viện điều khiển Ucraina. Tôi về Кишинёв một ngày gặp lại các bạn lớp cũ. Hè 1990 tôi, Nguyệt và con gái dừng ở Кишинёв mấy ngày trên đường từ Matxcơva đi Xophia, nơi Nguyệt đang thực tập. Chúng tôi ở nhà cậu bạn cùng lớp, quay về thăm ký túc xá, vào nhà ăn dùng bữa trưa như khi còn sinh viên.

Thế mà đã 20 năm.

Một thời gian dài dân Кишинёв ít gặp nhau. Đất nước khó khăn, ai cũng vật lộn với cuộc sống. Con cái còn nhỏ và việc nuôi dạy chúng đã choán gần hết thời gian của mỗi chúng ta. Năm 1997, có một tụ họp lớn do khoa Luật khởi xướng tại quán Ông già, bên hồ Tây. Cũng đã bàn chuyện lập Hội, đã đóng góp quỹ Hội ngay hôm đó (tôi vẫn nhớ mấy anh em bên Luật giữ quỹ này, không hiểu đến hôm nay quỹ đó ra sao rồi). Các tập thể nhỏ vẫn duy trì tụ họp, vẫn có sợi dây liên kết. Thời gian trôi đi, cuộc sống dễ chịu hơn cùng sự phát triển kinh tế của đất nước. Con cái lại đã lớn, mà các cháu lại chưa có, nên nhu cầu tụ họp lớn dần. Vả lại với lứa chúng tôi và lớn hơn, con đường sự nghiệp cũng đã định hình rõ, đã ổn định. Nhiều anh chị đã về hưu.

Khoa Toán Lý chúng tôi từ năm 2003 đã tụ họp đầu năm sau Tết. Từ 2006 thì tổ chức đi dã ngoại dưới tên gọi Du Xuân: Thác Đa, Thiên Ngân Suối Ngà, Asean Resort, du lịch sông Hồng. Các chị Hóa và chị Phạm Bình Sinh vật cũng tham gia. Và ngày 10/04/2010, tại Du thuyền Hồ Tây, gần 130 anh chị em đã tốt nghiệp КГУ họp mặt, quyết định thành lập Hội КГУ. Tôi được bầu làm hội trưởng (lại vác tù và hàng tổng?). Mà BLL cũng vậy, toàn những người đã hoạt động phong trào khi trước. Sau bao nhiêu năm, có những cái chẳng thay đổi.

Sự kiện “Ngày thầy trò Xô Việt 17/01/2010” được tổ chức rầm rộ. Nhưng không một thầy cô giáo nào của КГУ có thể tham dự. Tôi chợt nhận ra rằng thời gian còn lại không nhiều nếu muốn quay về trường cũ thăm thầy, thăm cô. Chúng tôi quyết định hè 2010 đi Nga và Молдова. Một chuyến đi được chờ đợi bao nhiêu năm. Chuyến đi mà tôi gọi nó là “TRỞ VỀ”

Lời kết

Bài viết này tôi đã có kế hoạch ấp ủ từ 2006. nhưng rồi bận, rồi thiếu quyết tâm nên dự định vẫn chỉ là dự định. Sau Du thuyền 10/04/2010, tôi hiểu rằng phải viết ra, ít nhất cho bản thân mình, và hy vọng được các anh chi, các em chia sẻ phần nào. Tôi đã cố gắng hoàn thành trong tháng vừa rồi, nhân Nguyệt đi công tác tại Canada. Đây là những gì tôi cảm nhận về cuộc sống sinh viên hơn 30 năm trước, nhìn lại và viết ra suy nghĩ của mình.

Ngày kia tôi sẽ cùng gia đình bay sang Matxcơva, bắt đầu cuộc “TRỞ VỀ”

Tháng 5/2010

 

 


Người post: NgocBQ

Ngày đăng: 16-09-2010 17:05






Xem 1 - 4 của tổng số 4 Comments

Từ: Guest ĐTM
10/02/2019 21:00:24

Một tình yêu lớn một kỷ niệm đẹp một hạnh phúc tuyệt vời chúc mừng anh 



18/09/2010 00:35:04
Hương à, làm sao nhớ nổi chi tiết đó nữa. Vì viết về năm cuối, có cái ảnh ấy nên mình post lên (cũng là để cho các bạn nữ 79 xuất hiện khi thấy ảnh). Mình chỉ nhớ hôm đó là nhận bằng của nhà trường (nên các bạn nữ mặc áo dài VN duyên dáng), rồi có việc gì đó mà tụi mình đi trên đại lộ Lenin.
Hương có liên lạc với Chai lọ 79 và Ong bướm 79 ko? Kéo mọi người tham gia đi.


Từ: HuongNT
17/09/2010 22:52:31
Dù đã đọc "hồi ký" của Ngọc qua mail rồi nhưng hôm nay mình vẫn ngồi đọc lại cả 5 phần và vẫn thấy hay. Trí nhớ của bạn tuyệt vời thật đấy.Bức ảnh "nhụy hoa giữa các cánh hoa" mà chụp màu như bây giờ thì đẹp lắm vì áo dài của bọn mình màu sặc sỡ rất đẹp.Không hiểu sao trong bức ảnh này "Tự sướng" có mình Ngọc và "Chai lọ" có mình mình cùng với các bạn "Ong bướm".Trong ảnh đóng kịch thì ngồi cạnh Ngọc Hoàng là Dung "Ong bướm" có phải không?


Từ: TanhVH
17/09/2010 10:56:45
Bút ký này của Ngọc chia thành 5 phần nhưng các phần đều gắn bó với nhau. Đã đọc trong mail đàn nay đọc lại cảm thấy nó có sự gần gũi với tất cả mọi sinh viên thế hệ những thấp niên 60,70 của thế kỷ trước. Bắt đầu thập niên 80 đã có nhiều thay đổi về quy chế sinh viên.Thật bồi hồi khi nhớ lại thời tuổi trẻ sinh viên tại Kishinhop. Có lẽ mỗi thành viên nên viết lại một vài kỷ niệm của thời kỳ này để cùng chia sẻ.
Cảm ơn Ngoc nhiều vì đã nhắc lại các kỷ niệm của thời kỳ đẹp nhất của mỗi chúng ta.


Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s