Nhớ mãi Oslo
Tác giả: ThaoDP
Nhớ mãi Oslo (Phần I)
Chiếc máy bay của hãng không Na Uy Norwegian đưa tôi rời thủ đô Đan Mạch tới Oslo chỉ trong vòng 1 tiếng 10’, còn đi tàu hỏa thì mất đến 8 giờ chạy dọc theo đường ven biển. Bạn tôi đã chọn đi tàu, còn tôi thích máy bay hơn vì có thêm chút thời gian ở lại Copenhagen để ngắm cái thủ đô xinh tươi và vô cùng thân thiện của Đan Mạch.
Dưới những đám mây bồng bềnh trắng tinh thấp thoáng hiện ra một thành phố y như tấm thảm hoa lốm đốm. Oslo đấy ư? Thế là ta đã tới được thành phố phương Bắc nổi tiếng về sự giàu có và cởi mở, cũng như một xứ sở đắt đỏ bậc nhất hành tinh…
Sân bay Oslo Garden-moen vô cùng nhộn nhạo và quá tải. Tôi không ưa cách tổ chức của sân bay này. Đi mãi rồi cuối cùng tôi cũng tới được cái cửa để thoát ra ngoài.
Kia kìa, một khuôn mặt tươi rói đang chào đón tôi! Song Chi - nhà báo định cư ở Oslo và tôi đã nhanh chóng nhận ra nhau. Chúng tôi lấy tàu Express về thành phố vì sân bay này cách Oslo khoảng chừng 50km về phía Bắc. Oslo có 3 sân bay, sân bay tôi vừa tới Oslo Garden-moen là lớn nhất, còn 2 cái khác là Mosse Ryggy ở phía Đông Nam, cách Oslo 66 km và Sandefjord 110 km phía Tây Nam Oslo.
Chúng tôi rời tàu Express sau khoảng 20 phút, lấy bus N°30 đi tiếp tới địa chỉ mà tôi đã đặt thuê trên mạng 2 đêm (20, 21/08). 50 NOK courones là giá 1 vé xe bus đi trong 1 giờ, nhưng cậu tài xế trẻ măng lái xe bus N°30 cứ khăng khăng từ chối, không nhận tiền mua vé của tôi với lý do là quãng đường tôi đi quá ngắn, chỉ có 2 bến mà thôi. Sao có người lại tử tế với khách du lịch thế nhỉ! Chẳng bù cho ở Hà Nội chúng ta có những tài xế taxi chỉ thích bắt chẹt du khách nước ngoài.
Tôi nhanh chóng nhận phòng trong 1 căn hộ rộng lớn của chủ nhà ở Oslo. Đó là một phòng khách được sắp xếp lại để cho thuê, đẹp như mơ. Vứt valise vào một góc, tôi đã sẵn sàng lao ngay ra đường vì bấy giờ đã gần 5 giờ chiều, còn rất ít thời gian để khám phá thành phố này vào cuối ngày.
Nhờ “thổ dân bản địa” Song Chi và bé Hải Di (con gái Song Chi ) hướng dẫn tôi đã đi thăm được khối nơi trong buổi chiều tà và hơn nữa còn được thưởng thức món ăn xứ Bắc cực trong 1 cái quán đặc trưng Na Uy “Chrijtiania”, nằm kế bên nhà Quốc hội (Stortinget).
Tôi bật cười thành tiếng khi nhìn thấy một bức tượng kỳ quái trong công viên Slottsparken. Một con quỷ đang nhe răng, nhăn nhở cười, trâng tráo phô thân hình loã lồ, gớm ghiếc của nó với khách bộ hành. Đúng là Na Uy cởi mở và phóng khoáng nên mới trưng ra đường bức tượng quái gở như vậy, hay ngụ ý cảnh báo bàn dân thiên hạ là trên thế gian này lũ quỷ vẫn trà trộn lẫn với con người và hình hài thật sự của chúng thế này đây.
Chúng tôi đi ngang qua Nhà hát Quốc gia (khánh thành 01/09/1899), phía trước có tượng của hai nhà soạn kịch Na Uy lừng danh và cũng là những người sáng lập ra nhà hát. Đó là Henrik Ibsen (1828- 1906) và Bjömstjerne Björnson (1832-1910). Bên cạnh nhà hát, xen giữa các bồn hoa muôn màu rực rỡ là tượng các diễn viên, kịch sĩ nổi tiếng như Wenche Foss (1917-2011) và Johanne Dybwad (1867-1950)… Giữa quảng trường mang tên Johanne Dybwad có một đài phun nước giống hình mâm xôi, trông cực kỳ đẹp mắt.
Hoàng cung (Slottet) ở Oslo không hoành tráng như cung điện Buckingham của London, nhưng du khách cũng không nên bỏ qua vì giống như Đan Mạch và Thụy Điển, Na Uy vẫn tồn tại chế độ quân chủ, tuy chỉ là hình thức vì mọi vấn đề của quốc gia là do Thủ tướng và Quốc hội giải quyết, vận hành. Vua Harald V và hoàng hậu Sonja sống tại đây.
Trong các bạn ai đã thấy ngự lâm quân là phụ nữ chưa ? Hãy tới Oslo! Bạn có thể có cơ hội tận mắt chứng kiến như tôi đây, một cô gái đẹp tựa người mẫu trong quân phục ngự lâm đứng gác bên ngoài hoàng cung. Thấy rõ bình đẳng hoàn toàn giữa hai giới chưa? Chỉ rất gần đây (05/2013) nước Pháp mới đưa 1 điều khoản vào luật gọi là « Hôn nhân cho tất cả » (nghĩa là hôn nhân bao gồm cho cả người đồng giới tính) mà tới giờ vẫn vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ từ nhiều cá nhân, tổ chức xã hội và tôn giáo, còn chuyện đó ở các nước Bắc Âu đã được chấp nhận từ năm 2009 rồi.
Dân số Oslo là 613 000 người, kể cả khu ngoại ô đến 1 400 000, trong đó 27% là di dân nhập cư. Con số đó bộc lộ rõ sự cởi mở trong chính sách của chính phủ Na Uy đối với vấn đề nhập cư, chính vì vậy mà vào năm 2011 tại Oslo đã xảy ra 1 vụ việc vô cùng nghiêm trọng thể hiện sự phản ứng lại chính sách đó. Ngày 22/07/2011, Anders Breivik, 32 tuổi - một phần tử cực hữu với tư tưởng bài ngoại « chống chủ nghĩa đa văn hoá và nguy cơ đạo Hồi lan rộng », đã đánh bom trụ sở của chính phủ tại trung tâm Oslo làm 8 người thiệt mạng và sau đó tấn công bằng súng máy vào trại Hè của tổ chức Thanh niên lao động ở đảo Utoya, gây ra cái chết cho 69 người và làm bị thương 151 người, trong đó chủ yếu là thanh thiếu niên. Tên sát nhân máu lạnh Breivik đã không hề hối hận trước hành động tàn sát đồng loại của mình, hắn đã bị kết án mức nặng nhất theo luật pháp hiện hành tại Vương quốc Na Uy là 21 năm tù giam.
Đập vào mắt tôi trên đường ra bến cảng là một tòa nhà sừng sững, xây bằng gạch đỏ, đồ sộ, nặng nề có hai tháp cao (66m). Đó là tòa Thị chính thành phố Oslo (Oslo rådhus) được khánh thành vào năm 1950, tuy khởi công xây từ năm 1931 nhưng phải bỏ dở giữa chừng vì chiến tranh thế giới II. Từ hơn 100 năm nay cứ vào ngày 10 tháng Chạp là tại đó lại diễn ra việc trao tặng giải Nobel Hoà bình. Cũng tại nơi đây vào ngày 13/09/1993 Hiệp định Hòa bình đã được ký kết giữa hai chính phủ Israel và Palestin( OLP) mà đại diện là Yitzhak Rabin và Yasser Arafat trước sự chứng kiến của Mỹ và Hội đồng trao giải Nobel Hoà bình Na Uy. Từ đó đến nay đã 21 năm trôi qua nhưng tiến trình hoà bình đã không diễn ra như mong muốn của người dân hai nước và loài người tiến bộ, ngược lại chiến sự vẫn liên tiếp xảy ra, gây bao đau thương và mất mát về nhân mạng, cũng như của cải vật chất cho cả hai bên. Hòa Ước Oslo đã chết yểu ngay từ khi Yitzhak Rabin bị ám sát (04/11/1995).
Đi tiếp nữa ta sẽ thấy NobelsFredssenter - Trung tâm Nobel Hoà bình, nằm ở phía đối diện với Oslo rådhus, nơi ghi nhớ hơn 100 năm Giải thưởng Hòa bình và các cuộc chiến xảy ra trên thế giới. Năm 2000 Tòa thị chính Oslo ra quyết định thành lập trung tâm này và biến nhà ga cũ phía Bắc thành địa điểm lựa chọn. Trung tâm Nobel Hoà bình đã được khánh thành vào ngày 11/06/2005 để kỷ niệm 100 năm liên minh giữa 2 quốc gia Na Uy và Thụy Điển với sự hiện diện của cả 2 gia đình hoàng gia, thủ tướng Na Uy Kjell Magne Bondevik đã đọc diễn văn. Có một đoạn trong bài diễn văn làm tôi rất thích, xin tạm chuyển ngữ nghĩa như sau : « Khi các quý vị rảo bước qua những căn phòng trưng bày tại nơi đây, các vị sẽ thấy những con người bao gồm cả nam lẫn nữ được vinh danh trong suốt chiều dài hơn 100 năm, và trong tâm tưởng mỗi vị sẽ trào lên những ước mơ và hy vọng. Khi thăm quan xong mọi người ở đây trong đầu ai cũng loé lên một ý định riêng. Và mỗi khi ta thấy được những thách thức và khả năng có thể, ta sẽ thấy hứng khởi làm một cái gì đó để thế giới quanh ta thành một nơi yên bình hơn trước… ». Ngài thủ tướng Na Uy Kjell Magne Bondevik ngày đó, giờ đây đang giữ chức giám đốc Trung tâm Giải thưởng Nobel này.
Cuối cùng thì chúng tôi cũng tới được bến cảng. Cảnh chiều tà buông tại nơi đây vô cùng tuyệt đẹp. Tôi giơ máy bấm lia lịa để ghi lại khoảng khắc đáng nhớ này. Bạn có biết chăng cảng Oslo có chiều dài gần 1km (9922m) và hình vòng cung nên đứng từ đây, phía bên này của bến cảng ta có thể nhìn thấy toàn bộ khu pháo đài thành cổ Akershus nổi lên trên vách đá và ngắm những con tàu to, nhỏ ra vào bến cảng phía bên kia. Diện tích mặt bằng của cảng là 1, 255 km2, mực nước sâu sát bờ là 11m. Cảng Oslo là một bến cảng lưu thông quốc tế hành khách và hàng hóa lớn nhất Na Uy. Ở đây không có dòng hải lưu, thủy triều hầu như không đáng kể (từ 0,3m), thường không hề có vấn đề đóng băng. Trên bờ xung quanh bến cảng rất nhiều quán xá nhộn nhịp. Có 1 rạp chiếu phim rất lớn, 1 triển lãm nghệ thuật đương đại. Kiến trúc khu này rất đẹp, hiện đại và trang nhã.
Hai mẹ con Song Chi đã lên chương trình sơ bộ cho cuộc thăm quan ngày mai. Tôi gặp may vì có những hướng dẫn viên du lịch tận tình như bé Hải Di và nhà báo Song Chi. Cứ nhắm mắt mà theo họ thôi, đỡ biết bao thời gian, không phải mày mò tìm đường đi nước bước, không phải đọc những thông tin hướng dẫn du lịch hoặc « lặn lội » vào google để so sánh những nơi nào đáng đi nhất trong một ngày rưỡi còn lại ở Oslo nữa. Tôi đã mua vé Oslo 3 ngày (72 giờ) giá 250 NOK, rất tiện lợi, có thể di chuyển trên bất cứ phương tiện giao thông nào ở Oslo trong vòng 72 giờ (metro, bus, tram). Vé Oslo cho 24 giờ - giá 100NOK, mà vé đi trong 1 giờ 30’ đã là 50NOK, vì vậy nên mua loại vé này nếu muốn thăm quan thủ đô Na Uy. Chúng tôi chia tay và hẹn sáng hôm sau sẽ gặp nhau tại quảng trường Nhà hát Quốc gia mang tên nữ kịch sĩ Johanne Dybwad, trước đài phun nước « Mâm xôi » theo như cách gọi của tôi.
Người post: ThaoDP
Ngày đăng: 12-10-2014 22:10
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 1 - 6 của tổng số 6 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |