Nhớ mãi Oslo ( Phần II )
Tác giả: ThaoDP
Thời tiết ngày hôm sau như ủng hộ chúng tôi, tuy không có nắng vàng rực rỡ nhưng trời cao, trong xanh với những đám mây trắng tinh in đậm trên nền trời. Chúng tôi đi thăm công viên Frogner (Frogner Park) nơi tập trung 212 tác phẩm điêu khắc khỏa thân bằng đồng, bằng đá granit của Gustav Vigeland (1869-1943). Đây là một quần thể trải dài khoảng 1km trên diện tích 45 hecta, bao gồm cổng chính bằng thép, cây cầu, tượng đài phun nước, tháp tượng Monolithe…
Lâu rồi tôi đã được nghe về công trình nghệ thuật điêu khắc lớn nhất thế giới chỉ do bàn tay của một điêu khắc gia thiết kế và tạo dựng, nhưng cho tới hôm nay tôi mới được « mục sở thị » mà vẫn không thoát khỏi sự bàng hoàng, thảng thốt vì quy mô vĩ đại của nó. Gustav Vigeland đã miệt mài làm việc trong suốt 20 năm từ 1924 -1943 tạo nên kỳ tích này, không kể khoảng thời gian ông đã ấp ủ thai nghén ra nó. Công trình hoành tráng mang tên ông đã lôi kéo hàng năm lượng khách tới thăm quan từ 1-2 triệu lượt người.
Cây cầu (chiều dài: 100m, chiều rộng: 15m) nối cổng chính với đài phun nước, được bắc trên một cái hồ nhân tạo. Hai bên lan can cầu là 58 bức tượng bằng đồng với kích cỡ như người thật, mô tả thân phận con người (đàn ông, đàn bà, trẻ con) trong các tư thế, hình dáng khác nhau bộc lộ các trạng thái tình cảm giữa vợ chồng hoặc tình nhân, giữa cha mẹ và con cái, cũng như sự âu yếm, hờn ghen, cáu giận, sợ hãi, lo âu, vui, buồn… Ở đây ta bắt gặp bức tượng nổi tiếng của G. Vigeland « Angry Boy » (cậu bé giận dữ). Với đường nét đơn sơ song đầy tính diễn đạt, các tác phẩm điêu khắc cuả G. Vigeland nhằm ca ngợi con người bình dị trong những sinh hoạt đời thường, làm người thưởng ngoạn cảm thấy gần gũi và cảm nhận được sự ân cần, quan tâm của tác giả toát ra từ đó. Quả là Gustav Vigeland đã đạt được trình độ điêu khắc phi thường vì đã diễn tả được cái hồn của từng bức tượng.
Phía bên trái lối lên cầu có một một góc nhỏ nằm sát với hồ, được bao quanh bằng hàng rào cây xanh và lan can trông ra hồ, tạo nên cảnh tượng rất nên thơ. Ở đó có 8 bức tượng nhỏ bằng đồng miêu tả các trạng thái ngộ nghĩnh của hài nhi và vài cái ghế băng cho khách nghỉ ngơi.
Đài phun nước nằm ở giữa Vigelandpark cũng gây ấn tượng đáng kinh ngạc. Đó là cây đời và vòng đời. Các hình tượng con người và động vật biểu hiện cuộc sống và những qua hệ thường nhật. Cây đời được tắm trong nước thiên nhiên nên phát triển tươi tốt nhưng bao giờ cũng chịu tác động của quy luật Tạo hóa « Sinh-Lão-Bệnh-Tử » và những hình tượng con trẻ trên cây là chồi non thế hệ tiếp theo. Thế nên theo tôi nghĩ, 60 pho tượng bằng đồng ở đài phun nước ngụ ý : « cái chết » là sự ra đi trong « vòng đời » sẽ làm nảy sinh sự sống tiếp nối, đó có lẽ là ý tưởng của điêu khắc gia Gustav Vigeland.
Còn tiếp theo là kỳ quan của công viên này – Tượng đài Monolithe nằm trên cao kia. Monolithe (mono : đơn, một ; lithe : hòn đá) là một cái cột đá nguyên khối trắng muốt, cao vút (14m, kể cả bệ là 17m, nặng hàng trăm tấn) trên đó có khắc 121 hình người khỏa thân (gồm đủ các lứa tuổi và thuộc cả hai giới) cuốn cuộn vào nhau, như ước muốn của con người là cùng nhau vươn lên đạt tới đỉnh cao, chạm được tới thần linh và đấng tối cao Thượng đế. Xung quanh cột Monolithe là 36 cụm tượng người bằng đá granit, miêu tả cảnh sinh hoạt và liên hệ con người với nhau ở những thời điểm khác nhau của cuộc đời.
Tôi cứ đi loanh quanh ngắm từng cụm tượng đá granit mà trong lòng xốn xang khó tả. Đây là tượng bà mẹ trẻ quỳ xuống làm ngựa cho 2 đứa con trèo lên lưng, đứa con trai nghịch ngợm lấy bím tóc của mẹ vòng qua miệng mẹ làm dây kéo ngựa, đứa con gái ngồi sau, vòng tay ôm em trai, miệng cười sung sướng. Còn đây là một cặp vợ chồng ở tuổi xế chiều, bà đang giận ông, một bàn tay bịt mồm như thể không muốn thốt ra lời nào nữa, một tay đưa ra đằng sau dường như xua đuổi, không muốn ông chồng động vào mình, còn gương mặt ông chồng thì cực kỳ đau khổ như muốn thanh minh và dỗ dành vợ. Chỗ kia là một đám trẻ con đang chơi trò quần nhau. Chỗ này là người mẹ già đang ân cần an ủi đứa con trai buồn bã. Có tượng ông cháu đang quấn quít nhau (ông dang tay ôm lấy 3 đứa cháu). Tượng các thanh nữ vui đùa, tượng cha mẹ với con cái, tượng bạn bè thân ái, đôi tình nhân đang âu yếm nhau, cặp vợ chồng già thân thiết…Tất cả 36 cụm tượng này được G. Vigeland làm từ năm 1914 và kết thúc vào năm 1936.
Chỉ một mình Vigeland đã nặn tất cả các bức tượng trên bằng đất sét với kích cỡ như trên thực tế không nhờ sự giúp đỡ của bất kỳ ai, sau đó có một nhóm nghệ nhân làm khuôn, đúc ra tượng đồng và đá granit. Tượng đài Monolithe cũng vậy, sau khi ông nặn 121 hình người bằng đất sét thì có 3 thợ khắc đá dựa theo mẫu tượng của ông làm việc trong suốt 14 năm trời mới hoàn thành kiệt tác trên. Gustav Vigeland từ giã cõi đời năm 1943, đã không kịp nhìn thấy công trình hoàn tất (1950) của cả một đời gắn bó, thiết kế và tạo dựng ra nó.
Phía xa hơn nữa còn có « Vòng nhân sinh » (Wheel of Life ; La roue de la vie). Đó là vòng hoa được bện lại bằng tượng đàn ông, đàn bà và con trẻ, được Vigeland làm từ tháng Chín năm 1933 và kết thúc vào tháng Ba năm 1934, nhanh chưa từng thấy. Đó là sự tóm lược ý nghĩa của cả công viên này : Hành trình của con người từ lúc sinh ra cho tới khi nhắm mắt từ giã cõi đời, trải qua bao nhiêu cung bậc của cảm xúc như hạnh phúc, đau khổ, hy vọng, ước mơ và khát khao sự trường tồn vĩnh cửu.
Tôi rời công viên mà trong lòng vẫn còn luyến tiếc vì không kịp xem Bảo tàng về điêu khắc gia thiên tài Gustav Vigeland (cũng là nhà và xưởng điêu khắc lúc ông sinh thời) nằm trong khuôn viên Frognerpark. Trong tâm tưởng tôi cứ lan man mãi về cuộc đời của một con người đã hiến dâng toàn bộ cho nghệ thuật. Các pho tượng điêu khắc của ông đều khỏa thân, không một manh áo nhỏ, nhưng khi chiêm ngưỡng chúng trong lòng ta hoàn toàn không gợi lên cảm giác về nhục dục mà cảm thấy rõ cái hồn của tác phẩm mà Vigeland đã truyền qua chúng sang ta. Đường nét của các pho tượng đơn sơ, không cầu kỳ, chi tiết như các bức tượng thời La mã và Phục hưng, nhưng vẫn biểu hiện rõ nét tâm tư, tình cảm mà tác giả muốn toát ra ở chúng. Phải chăng Vigeland muốn bộc lộ nhân sinh quan của mình qua những tác phẩm bình dị là đời sống tình cảm của thường dân để nói lên lòng thiết tha với hòa bình và căm ghét chiến tranh bạo tàn mà ông đã phải chứng kiến, trải qua (Thế chiến I và II). Với tôi, khi nói tới thủ đô Oslo của Na Uy, trước hết phải liên tưởng ngay đến công viên đầy ấn tượng « Vòng đời » Vigelandpark.
Mục tiêu tiếp theo của chúng tôi là các thể loại bảo tàng : bảo tàng danh họa Munch, bảo tàng Lịch sử tự nhiên, bảo tàng bách thú, vườn thực vật. Đó là những địa điểm nằm ở những vị trí rất gần nhau nên chúng tôi sẽ làm một «quệt» tham quan cho tiện.
Thật ra tôi đã xem tranh của Edvard Munch (1863-1944) ở London vào mùa Hè 2012 tại triển lãm Tate Modern. Tranh của ông cũng đã trưng bày ở Paris (Trung tâm nghệ thuật và văn hóa Pompidou) cuối năm 2011. Ông là một hoạ sĩ nổi danh từ cuối thế kỷ XIX theo trường phái biểu tượng (symboliste) hoặc tiền-biểu lộ (pre–expressionniste). Một số tranh của ông tôi thấy toát ra sự sợ hãi tột đỉnh, nỗi lo âu, buồn thảm xâu xé tâm can, lắm lúc như rớt xuống địa ngục, còn một số tranh khác thì bộc lộ tình yêu thiết tha thiên nhiên và con người thể hiện ở màu sắc rực rỡ, tươi sáng… Bức tranh nổi tiếng của ông «Tiếng thét» (The Scream - Le Cri ) được ông vẽ sơn dầu vào năm 1893 mà một phiên bản gần đây đã bán được 119 triệu đô la. Ngày 22/08/2004 hai kiệt tác của ông là Scream và Madona bị đánh cắp tại bảo tàng Munch (Oslo) mà giá trị của hai bức tranh đó lên tới 100 triệu đô la, nhưng sau đó vào 08/2006 lại tìm được. Chính vì thế mà tôi bị một phen hú vía tại bảo tàng này, bởi giờ đây người ta bảo vệ chúng quá kỹ. Nói chung ở đó người ta cho phép chụp hình không bật flashe, nhưng có 1 phòng trưng bày tối om chỉ chiếu sáng tập trung vào hai bức tranh của Munch và bị cấm chụp ảnh. Tôi giả bộ không hay biết, cứ đưa máy lên bấm. Từ trong bóng tối bỗng xồ ra 1 cái bóng làm tôi giật thót tim, suýt làm rơi máy ảnh. Hoá ra đó là 1 nhân viên trông coi bảo tàng, anh ta nói với tôi là ở đây cấm chụp hình. Tôi làm bộ như chợt hiểu ra. Nhưng, Giàng ơi ! Các chàng paparazi « thứ thiệt » cũng phải thua tôi mất rồi, tôi đã kịp « chớp » bức tranh The Scream. Tin không ? Đây nè ! «Tiếng thét» đã buộc phải nằm im trong lòng anh bạn thân « Panasonic - Lumix » của tôi rồi.
Edvard Munch rời thế gian này ở tuổi 80 (1944) không như những người thân của ông. Ông đã để lại cho nhân loại một kho báu : khoảng 1000 bức tranh, 4500 bức họa bằng bút chì và màu nước, 6 bức tượng. Để vinh danh Edvard Munch, trên tờ giấy bạc 1000NOK của Na Uy có in hình người họa sĩ tài ba này.
Thật lòng mà nói, tôi chưa bao giờ được xem những con thú nhồi bông đẹp như ở Bảo tàng bách thú Oslo. Phải nói là tuyệt vời ! Bộ sưu tập thú lông vũ ở đây sao mà đẹp thế ! Thôi thì đủ các loại, đủ màu sắc ! Tôi cứ như bị bỏ bùa mê thuốc lú trong mê cung các loại chim trời, thú vật hoang dã của vùng Bắc cực. Và cách trưng bày mới tuyệt làm sao, cứ hệt như trong thiên nhiên ấy ! Các loại cá dưới biển cũng vậy, làm ta phải trầm trồ thán phục. Đúng là những bức tranh thiên nhiên thu nhỏ tuyệt đẹp được trưng ra trong cái bảo tàng này.
Còn Bảo tàng phát triển tự nhiên của Oslo không được hoàng tráng như ở Washington, London hay ở Paris. Tôi chẳng lạ lẫm gì với những bộ xương khủng long hóa thạch và các dấu tích thời tiền sử, cũng như vật chứng về các mỏ đá quí. Tôi đã thấy nhiều rồi, nên lướt qua rất nhanh. Vườn thực vật cũng thế thôi, nhiều loại cây, nhiều loại hoa và chẳng khác gì ở những nơi tôi đã từng tới thăm quan. Lên đường thôi, quay trở về trung tâm thành phố được rồi ! Tôi còn chưa kịp khám phá khu Pháo đài - Thành cổ Akershus, chưa vào ngắm bên trong Toà thị chính thành phố - nơi hàng năm diễn ra lễ trao giải Nobel Hòa bình.
Người post: ThaoDP
Ngày đăng: 18-10-2014 04:04
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 1 - 10 của tổng số 10 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |