Nhớ mãi Oslo ( Phần III )
Tác giả: ThaoDP
Thành cổ Akershus được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ XIII dưới triều đại vua HakonV làm dinh thự - bộ mặt của hoàng gia Na Uy. Năm 1624 thành Oslo cháy rụi và vua KristianIV đã cho xây dựng lại thành phố, chú trọng đến việc biến Akershus thành pháo đài kiên cố chống lại các cuộc tấn công của ngoại bang từ bên ngoài bờ biển. Ở đây ta thấy rất nhiều khẩu pháo đặt ở khu đất trống, những lỗ châu mai chi chít trông ra biển. Akershus là một khu thành cổ rộng lớn, trong đó có lâu đài, nhà thờ, hầm mộ hoàng gia và bao quanh là di tích nguyên vẹn của một pháo đài cổ.
Đứng ở độ cao của thành Akersus ta có thể phóng tầm mắt rất xa mà không hề bị che chắn, thưởng ngoạn cảnh hoàng hôn biển, thấy toàn bộ khu vực cảng lúc chiều tà, cảnh các con tàu ra vào bến cảng. Đúng là một bức tranh sống động tuyệt vời ! Ở đấy cũng có các quán ăn và cafê ở lưng chừng dốc nên thực khách có thể vừa nhâm nhi các món ăn vừa thưởng thức cảnh vật thiên nhiên trong niềm thư thái. Cảnh vật thật yên bình, con người cảm thấy thanh thản và yêu đời hơn.
Thật thú vị khi đi dạo trên những con đường rủ bóng hàng cây, quanh co, đồi dốc trong thành Akershus. Tôi « chớp » được ở đây cảnh đổi gác của ngự lâm quân. Hàng năm hoàng gia Na Uy tổ chức các cuộc giao tiếp, chiêu đãi long trọng trong lâu đài, còn các ngày thường các phòng đó mở cửa cho mọi người vào tham quan. Bảo tàng quân đội Na Uy, Bảo tàng kháng chiến Na Uy, Hầm mộ hoàng gia, Nhà tù cũ - nơi giam giữ và hành hình tội phạm, cũng như Đài tưởng niệm những người yêu nước đã hy sinh cho Tổ quốc Na Uy (trong chiến tranh thế giới II đã có khoảng 40 người bị Đức quốc xã xử bắn tại đây) cũng nằm tại khu vực thành cổ. Đặc biệt có một bức tượng rất to của vị tổng thống thứ 32 Hoa Kỳ Franklin Roosevelt (1882-1944) ngự trên đường đi lên thành phía giáp biển. Tượng vị tổng thống Mỹ ngồi trên ghế, mắt hướng ra biển, bên tay phải ông, không xa là Trung tâm giải Nobel Hòa bình của Na Uy chứng tỏ khi sinh thời Franklin Roosevelt đã có những cống hiến lớn lao không chỉ riêng đối với Hoa Kỳ mà còn với Na Uy và các nước khác trên bình diện toàn cầu. Franklin Roosevelt đã được dân chúng Mỹ tín nhiệm bầu 4 nhiệm kỳ liên tiếp (1932, 1936, 1940, 1944). Ông đã đóng vai trò tối quan trọng trong vấn đề thay đổi cục diện thế giới, phá bỏ được thói quen tách rời đơn độc của quốc gia này với thế giới bên ngoài, tham gia vào Liên minh chống chủ nghĩa phát xít Đức, đưa cuộc chiến đến thắng lợi, chấm dứt được chiến tranh thế giới II và thành lập ra Liên hiệp quốc.
Chúng tôi tới thăm Toà thị chính thành phố Oslo (Oslo rådhus). Bên ngoài sân có một đài phun nước lớn, ở cột cao trên cùng là đôi thiên nga bằng đồng đang xòe cánh vờn nhau. Phải chăng thiên nga là biểu tượng của thành phố này ? Hai bên tòa nhà có 2 tháp cao tới 66m. Một tháp có đồng hồ, còn tháp bên kia là tháp chuông, bao gồm 1 hệ thống 49 cái chuông, cứ mỗi giờ lại rung lên một lần. Phía bên trong là 1 cái sảnh rộng mêng mông, khoảng mấy trăm mét vuông, trên các bức tường ở đó có trang trí những bức tranh hoành tráng bằng sứ hoặc đá men, màu sắc rực rỡ. Một cái cầu thang rộng, nằm bên phải, sát tường, dẫn lên tầng hai, ở đầu cầu thang có cái chuông nhỏ bằng đồng ghi năm 1950 – năm khánh thành tòa nhà này. Tôi thật sự không ngưỡng mộ kiến trúc nơi đây, nó phảng phất cấu trúc nặng nề trong những công sở ở Liên Xô cũ, thời Xô viết. Tầng hai là nơi hàng năm vào ngày 10/12 diễn ra lễ trao giải Nobel Hòa bình. Thường là vào tuầu đầu của tháng 10 hàng năm Uỷ ban xét duyệt giải Nobel Hoà bình công bố tên người giành được giải thưởng của năm đó sau khi đã xét duyệt danh sách các ứng cử viên được các tổ chức và cá nhân đề nghị. Đến 10/12 sẽ trao giải Nobel Hoà bình và cá nhân nhận được vinh dự trên sẽ được mời ở một phòng suite của khách sạn Grand Hôtel trong thời gian lưu trú nhận giải.
Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi ngày hôm đó là nhà hát hiện đại Opera Oslo khánh thành từ 6 năm nay (04/2008). Chúng tôi lấy xe bus chạy về hướng Đông thành phố, mỏm khác của vịnh Fjordoslo, phía cảng thương mại và công nghiệp thuộc khu Bjorvika của thủ đô Na Uy.
Thế rồi cuối cùng Opera Oslo cũng lồ lộ hiện ra trước mắt tôi với dung nhan diễm lệ sáng lòa, gây cho ta cảm giác bàng hoàng như lần đầu tới Bắc cực thấy một tảng băng khổng lồ, óng ánh phát quang đang trôi dần về phía ta. Tôi thực sự bị mê hoặc trước vẻ đẹp lóa mắt của tảng băng trắng tinh ấy. Không riêng gì tôi mà biết bao người đã phải đắm say trước tác phẩm nghệ thuật này. Vì thế mà ngay sau khi xuất hiện trên đời «người đẹp» Opera Oslo đã giành được ngôi « hoa hậu » về Công trình văn hóa thế giới năm 2008. Năm 2009 « Vẻ đẹp khó quên » ấy lại giành giải quán quân trong cuộc thi Kiến trúc đương đại Châu Âu (Union européenne pour l’architecture comtemporaine Mies van der Rohe vào 2009) và tương tự vào năm 2010 là cuộc thi kiến trúc quốc tế (Prix international d’architecture). Từ khi khánh thành cho tới cuối năm 2013 đã có 10 triệu lượt người tới chiêm ngưỡng « bà chúa sắc đẹp » này.
Nhà hát Quốc gia Opera và Balê Oslo gọi tắt là «Opera Oslo» có diện tích tổng cộng là 77 100 m2 được xây dựng trên khu đất 15 590 m2 nằm sát ngay bờ biển trong vịnh Fjordoslo. Nó cũng là công trình văn hóa đồ sộ nhất của Na Uy từ trước đến giờ. Vật liệu làm nên kỳ quan này là đá trắng, bê tông, thủy tinh kính cỡ lớn, gỗ và đá granit. Diện tích sử dụng bên trong là 38 000 m2 gồm 3 phòng biểu diễn. Phòng lớn nhất có 1350 ghế cho khán thính giả (mỗi ghế được trang bị 1 màn hình cá nhân nhỏ, có hệ thống chuyển ngữ chú thích bằng 8 thứ tiếng), trên trần cao có treo 1 đèn chùm pha lê với kích cỡ khủng : đường kính là 7 m, nặng 8 tấn và có 5800 chi tiết thủy tinh pha lê, do hãng Hadeland Glassverk của Na Uy thiết kế và chế tạo. Phòng thứ 2 có 400 ghế, phòng thứ 3 dành cho diễn tập – 200 ghế. Hệ thống kỹ thuật âm thanh ở đây hiện đại và tuyệt vời nhất thế giới. Sân khấu của phòng Lớn có phần nằm sâu dưới mặt biển tới 16 m. Bên trong Opera Oslo còn có các nhà hàng và quán ba phục vụ khách.
Đứng từ xa, nhất là từ ngoài biển ta sẽ có cảm tưởng như Opera Oslo nhô lên từ dưới nước, phô vẻ đẹp trắng trong tinh khiết dưới nắng mặt trời. Chính vẻ đẹp nõn nà toát ra từ màu trắng của đá và thủy tinh trong suốt đã đưa tôi về ký ức xa xăm một thời thơ ấu… Giọng đọc đầy truyền cảm của mẹ tôi lại vang lên mỗi tối trước giấc ngủ của chị em tôi. Truyện « Bà chúa Tuyết» của văn hào Đan Mạch H. C. Andersen là một trong số truyện thời đó mà đến giờ tôi vẫn còn nhớ rõ. Thời ấy tôi đã tưởng tượng ra tuyết trắng tinh rơi như mưa từ trên trời xuống, đã từng lo sợ những mảng gương ma bắn vào mắt và tim mình, đã từng hồi hộp theo dõi chuyện cô bé Giecđa (Gerda) đi tìm bạn thân-cậu bé Kay (Kai) ở miền Bắc cực. Truyện « Bà chúa Tuyết » của Andersen kết thúc có hậu, không như truyện « Nàng tiên cá » của ông, cuối cùng thì Giecđa đã tìm được bạn mình mặc dù phải trải qua bao khó khăn gian khổ. Và với tình yêu thương vô bờ bến Giecđa đã làm tan băng giá trong tim Kay bằng những giọt nước mắt nóng bỏng của mình, nhờ đó mà mảnh gương ma trôi khỏi tim Kay. Cảm động trước tấm lòng của Giecđa, Kay cũng bật khóc nức nở làm mảnh gương ma bé li ti trong mắt Kay cũng phải trôi ra ngoài. Hai đứa trẻ Giecđa và Kay thân thiết ôm lấy nhau. Chứng kiến cảnh tượng trên các tảng băng vui sướng nhảy múa xếp thành chữ VĨNH CỬU, giải thoát cho Kay khỏi lời nguyền của bà chúa Tuyết…
Cho tới giờ tôi vẫn thắc mắc là tại sao Andersen lại cho lâu đài của chúa Tuyết ở Phần Lan mà không ở Na Uy. Phải ở đỉnh của Bắc cực là Na Uy chứ, phải ở chỗ mà hiện tượng Bắc cực quang thường xảy ra, ở đó mới có thể là nơi trú ngụ của Nữ hoàng Bắc cực – Đó là theo thiển ý của tôi thôi và NẾU NHƯ tôi bắt chước Andersen viết truyện về bà chúa Tuyết và những mảnh gương ma ? Chắc chắn tôi sẽ cho lâu đài bà chúa Tuyết ở Na Uy (Tromso) và những mảnh gương ma sẽ ở trong tim, trong mắt những kẻ độc tài, tham nhũng và hiếu chiến trên thế giới này, cũng như ở Việt Nam đất nước tôi. Những loại người đó đã biến dạng, không còn là con người nhân bản nữa, họ vô cảm trước nỗi đau của đồng bào, đồng loại miễn là họ đạt được những mục tiêu phi nhân tính của mình. Tôi lại nhớ đến tượng con quỷ ở công viên Slottsparken. Hình hài thật sự của lũ mang những mảnh gương ma là thế đó, bạn ơi !
Phía bên ngoài của nhà hát Opera Oslo cũng tuyệt đẹp làm sao! Bạn có thể leo lên cái dốc trắng tinh như đầy tuyết phủ tới được mái nhà rộng mênh mông của Opera Oslo, để rồi phóng tầm mắt ra xa mà ngắm nhìn thành phố từ độ cao 32 m so với mặt biển. Bạn biết không, thỉnh thoảng người ta cũng tổ chức hòa nhạc ngoài trời trên nóc nhà này đấy, ban nhạc Thủy Điển Kent đã từng biểu diễn ở đây vào mùa Hè năm 2012. Bạn có thể ra phía sau nhà hát ngắm mặt trời lặn trên biển, bạn sẽ yêu cuộc sống thêm lên khi đắm mình trong khung cảnh thanh bình như ở thủ đô Oslo này. Na Uy đã được bình bầu là nơi đáng sống trên thế giới với bình quân thu nhập đầu người là 32 000 USD/năm. Nhưng chớ vội mừng thầm vì thuế ở đất nước này rất cao, hơn 50% thu nhập và chủ yếu dành cho phúc lợi toàn dân. Đó là niềm ước mơ của chủ nghĩa cộng sản, nhưng không bao giờ đạt được. Và thật trớ trêu thay ! Chỉ cái nước Na Uy với dân số chưa đầy 5 triệu người theo « chủ nghĩa tư bản giãy chết » mới biến ước mơ của chủ nghĩa cộng sản thành sự thật hiển hiện mà thôi. Câu hỏi « Ai thắng ai ? » của Lênin đã được giải quyết ở đây với thí dụ là Vương quốc Na Uy này. Điều này rất rõ ràng, không cần phải mất công tranh cãi!
Máy ảnh của tôi bỗng hết pin vào cái lúc tôi cần chụp nhiều hình nhất. Rất may là tôi đã mang cái nạp pin theo. Và thế là đi tìm ổ cắm trong nhà hát và chờ đợi. Lại chụp hình được rồi. May ơi là may ! Hãy cùng tôi đi thăm quan nhà hát này qua những bức hình của tôi nhé ! Nhưng chúng cũng không lột tả được hết cái kỳ quan tuyệt vời do bàn tay con người Na Uy tạo ra đâu. Tốt hơn hết là các bạn hãy tới đây để tận mắt chiêm ngưỡng người đẹp « Opera Oslo » để rồi phải thốt ra thành tiếng lời trầm trồ thán phục.
Ra đến bên ngoài tôi còn cố chụp thêm vài kiểu nữa và nhờ phó nháy Hải Di mà « con vịt bầu lạch bạch » là tôi đây cũng giơ tay, giơ chân tựa như nghệ sĩ trượt băng đang biểu diễn, ghi lại những phút giây khó quên khi được tận mắt thưởng ngoạn những tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ như nhà hát Opera này.
Song Chi cười bảo tôi hãy tới đây vào mùa Đông để thấy cảnh tuyết rơi trắng trời, trắng đất, rồi mới biết thế nào là tâm trạng chán nản, suy sụp tinh thần. Tôi rất hiểu điều đó vì tôi đã từng sống và làm việc tại Moskva 6 năm. Mùa Đông của Nga cũng khắc nghiệt chẳng kém gì ở đây, nhưng tôi chưa bao giờ bị xuống tinh thần vì thời tiết. Tôi ngắm nhìn Song Chi - cô bạn gái kém tôi đúng 1 giáp (12 tuổi) lúc nào cũng tươi rói, nụ cười đậu mãi trên môi và sự nồng ấm được toát ra từ em qua những câu chuyện trao đổi và cách nhìn cuộc đời tích cực. Với những người như Song Chi ta sẽ chẳng bao giờ cảm thấy cái lạnh thấu xương của vùng Bắc cực, mà ngược lại ta sẽ cảm thấy ấm áp tình người, thấy thêm sức mạnh và nghị lực để tiếp tục đấu tranh cho phong trào dân chủ và cải cách ở Việt Nam mà Song Chi đã truyền sang ta. Cảm ơn 2 hướng dẫn viên Song Chi và Hải Di vì sự nhiệt tình và hiếu khách, vì trong mỗi một ngày mà tôi đã được thăm quan nhiều hơn cả sự mong đợi từ một hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Bé Hải Di (con gái Song Chi) cũng làm tôi ngạc nhiên không kém vì sự hiểu biết ở độ tuổi 21 của cô bé. Cháu học Ngôn ngữ văn học Anh nhưng cháu hỏi tôi rất nhiều về văn học Nga, về Lev Tolstoi, Dostoievski, Turgeniev, Trêkhov…Cháu hỏi tôi về những tác phẩm « Chiến tranh và hòa bình », « Anna Karenina » của đại văn hào Lev Tolstoi và đưa ra những nhận xét khá sắc sảo. Cháu còn hỏi nhà văn Nga nào làm tôi thích nhất. Câu trả lời của tôi là rất khó so sánh ai hơn ai, nhưng gu của tôi là Trêkhov, Kuprin, Pushkin, Pauxtovski.
Chúng tôi chia tay nhau thân ái và chào tạm biệt vì sáng mai chúng tôi sẽ tự đi tham quan một mình, nhưng Song Chi đã trao cho tôi 1 danh sách các nơi đáng tham quan trong nửa ngày mai, cách đi tới những chỗ đó và các chỉ dẫn số xe bus kèm theo.
Thế đấy, với tôi ngày thứ 2 ở Oslo đáng nhớ vô cùng. Tôi đã có được những hướng dẫn viên « tuyệt vời trên cả tuyệt vời » và chuyến tham quan đầy ấn tượng như tôi đã kể cho các bạn ở trên.
Người post: ThaoDP
Ngày đăng: 24-10-2014 22:10
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 1 - 7 của tổng số 7 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |