KGU News >>Văn học >>Ký - Luận
KGU Tạo bài viết  
Thứ ba 04 Tháng mười một. 2014

Nhớ mãi Oslo ( Phần IV )




Tác giả: ThaoDP


Hôm nay là 22/08/2014 -  ngày thứ ba ở Oslo. Chúng tôi chỉ được phép dạo chơi thăm thú thủ đô Na Uy tới 14h rồi phải quay về nhà trọ xếp vali ra sân bay, trở về xuất phát điểm Paris sau gần 2 tuần lễ.

Đến Oslo mà không ra biển thì quả là thiếu sót ! Ta có thể dùng chiếc vé 24h thông thường để lên phà ra các đảo y như đi xe bus vậy. Có 1 loại tàu du lịch khác, phải mất tiền mua vé đi vòng quanh các đảo của Oslo với thời gian là 2h. Tôi đã không đủ thời gian để tham gia tour du lịch ấy. Có tất cả là 40 đảo lớn, nhỏ thuộc địa phận thủ đô. Có 4 tuyến phà (N°91, 92, 93, 94) đi ra các đảo khác nhau, riêng tuyến N°94 chỉ phục vụ vào mùa Hè đến giữa tháng Tám mà thôi. Chúng tôi ra bến Vippetanger và lên phà N°92 tới bến cuối của tuyến đường là đảo Nakholmer.

 

 

Một đoàn thiếu niên chừng 40 em cùng với những khách du lịch như chúng tôi thảnh thơi tận hưởng không khí và phong cảnh biển khơi, ngắm nhìn thuyền bè  qua lại, cũng như các đảo mà phà lướt qua ; trên đó xen giữa màu xanh của cây lá là những ngôi nhà xinh xắn đủ màu sắc như trong truyện cổ tích. Ngoài những chiếc thuyền nho nhỏ được các gia đình trên đảo neo đậu dưới bến nước gần nhà, còn có những bãi đỗ lớn cho các thuyền bè khác. Khung cảnh thật yên bình, khó có thể tưởng tượng ra ở nơi đây, tại thủ đô Oslo này lại nảy nòi ra con quái vật Anders Breivik, đã thẳng tay bắn giết không thương tiếc đồng bào của mình trên một cái đảo như thế này - đảo Utoya vào ngày 22/07/2011. Cảnh sát Oslo và chính phủ Na Uy đâu có lường được sự việc này nên đã trở tay không kịp. 77 con người vô tội, phần lớn là thanh thiếu niên như những em nhỏ đang đi chung phà với tôi đây đã phải chết thảm dưới tay tên quỷ khát máu Breivik ấy.

 

 

Từ xa, trên tàu tôi đã thu trọn được những hình ảnh tuyệt đẹp trên đất liền vào ống kính của mình như pháo đài - thành cổ Akershus, bến cảng Oslo, bảo tàng Mỹ thuật đương đại và các đảo mà phà đi ngang qua… Tôi thật sự hài lòng với chuyến đi ra biển của mình trong vài giờ cuối cùng ở thủ đô Na Uy.

 

 

Chúng tôi rời bến cảng về lại trung tâm thành phố thăm nhà thờ Lớn, nhưng tiếc rằng nó đóng cửa và chỉ mở vào lúc 4h chiều. Thay vào đó chúng tôi lại được dạo chợ ngoài trời đang đông vui, tấp nập nằm sát ngay đấy. Thôi thì đủ các loại mặt hàng thủ công mỹ nghệ bày bán: hàng gốm, hàng thủy tinh pha lê, tranh ảnh, quần áo, trang sức… Bên cạnh đó là những nhà hàng, quán cafê và các xe lưu động bán đồ ăn nhanh. Một bầu không khí vui tươi, đầy sức sống bao trùm, lan toả…

 

 

Thời gian còn lại chẳng còn nhiều nhặn gì nên chúng tôi tìm xe bus N°30 để thẳng tiến tới bảo tàng Kon-Tiki ở Bygdoy. Đó là mục tiêu cuối cùng trong chuyến đi thăm Oslo lần này. Xe bus đưa chúng tôi đi ngang qua bảo tàng Dân gian Na Uy, bảo tàng Vikings, nhiều du khách trên xe đã xuống đây. Trong tôi dấy lên một niềm tiếc nuối là đã tới nơi đây mà không xem được 2 bào tàng đặc trưng của xứ sở phương Bắc này.

 

 

Bảo tàng Kon-Tiki nằm ngay cạnh bảo tàng Fram và bảo tàng Hải dương Bắc Âu, nhưng chúng tôi không thể xem cả 3 nơi trong thời gian eo hẹp còn lại, nên đành chọn một là Kon-Tiki thôi.

 

                   

 

Nói tới Kon-Tiki là ta phải liên tưởng ngay tới nhà thám hiểm vĩ đại người Na Uy Thor Heyerdahl (1914-2002), cũng là nhà nhân chủng học, khảo cổ học. Ông  đam mê nghiên cứu sự di dân đến quần đảo Polynêzi Thái Bình Dương. Dựa vào những dấu hiệu và tài liệu khảo cổ học, nhân chủng học về dân bản xứ Polynêzi cũng như dân Nam Mỹ, ông đã bác bỏ giả thuyết « Người dân quần đảo Polynêzi khởi nguồn là di dân bằng đường biển từ Nam Á tới ». Theo ông, nguồn gốc sự di dân tới quần đảo Polynêzi là từ Nam Mỹ.

 

 

Chuyện đó bắt đầu từ thời trai trẻ (1937), Thor Heyerdahl đã nghe một già làng thổ dân ở quần đảo Marquise kể lại rằng, ông tổ của họ là Tiki-con thần Mặt trời đã dẫn dắt tổ tiên bộ lạc từ phía Đông quê hương xa xôi vượt biển đến nơi đây… Trong đầu chàng trai Bắc Âu mắt xanh, tóc bạch kim vẫn còn đọng lại mãi câu chuyện huyền thoại đó và cái đất nước xa lắc xa lơ ngoài biển khơi, phía Đông ấy với chàng là xứ sở Nam Mỹ ngày nay. Một thời gian dài sau Thor Heyerdahl lại tìm được từ « Kon-Tiki » trong ngôn ngữ cổ của Pêru là « vua Mặt trời » : Kon-Tiki là thủ lĩnh tinh thần của một bộ tộc Pêru có nước da trắng xuất xứ từ hồ Titicaca (Hồ Titicaca là hồ cao nhất thế giới, cao hơn mực nước biển 3800m, có diện tích là 8800km2 và thuộc địa phận 2 quốc gia Pêru và Bolivie). Để tránh bị quân thù săn đuổi vua Mặt trời đã dẫn bộ lạc mình ra biển khơi, cứ nhằm phía Tây mà trốn chạy. Đối với Thor Heyerdahl, 2 vị thủ lĩnh tinh thần trên chỉ là một nhân vật mà thôi. Đó chính là ông tổ của một nền văn minh từ dãy núi Andes (Pêru) và đã ra đi chinh phục Thái Bình Dương tới quần đảo Polynêzi.

 

 

 

Giả thuyết của Thor Heyerdahl vấp phải sự chống đối dữ dội vì bộ lạc đó lấy đâu ra tàu để vượt 8000 km đường biển tới Polynêzi. « Đúng, họ không có tàu nhưng họ có những cái bè và bè của họ có thể vượt biển tới quần đảo đó! ». Thor Heyerdahl còn khẳng định rằng sức gió và dòng chảy ở đại dương đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc di chuyển của thuyền bè viễn trinh trên đại dương vào thời tiền sử. Gió và dòng chảy ở đại dương đã đưa bè của thổ dân Nam Mỹ từ phía Đông sang phía Tây tới quần đảo Polynêzi. Niềm tin vào giả thuyết của mình đã được Thor Heyerdahl chứng minh vào năm 1947 bằng cách tạo dựng lại hành trình của thổ dân Nam Mỹ vượt Thái Bình Dương trên 1 cái bè với tên gọi « Kon-Tiki » làm bằng thân cây loại gỗ balsa nhẹ, y hệt như thời tiền sử (không dùng tới 1 cái đinh nhỏ mà chỉ bó lại bằng dây theo cách thức như thổ dân Nam Mỹ đóng bè xưa kia). Ông đã cùng với 5 người khác (4 người Na Uy và 1 Thụy Điển) làm thành 1 nhóm thám hiểm, khởi hành từ Callao (Pêru) ngày 28/04/1947 và sau 101 ngày họ đã tới được quần đảo Tuamotu và mắc cạn tại bãi san hô Raroia ngày 07/08/1947. Ông đã quay phim hành trình thám hiểm để chứng minh luận chứng của mình và đã nhận được giải thưởng thời đó (giải Oscar về phim tài liệu hay nhất năm 1951 và đã bán được 50 triệu bản trên thế giới). Quyển sách của ông « Chuyến hải trình Kon-Tiki » đã gây được tiếng vang lớn trên trường quốc tế và đến nay đã được dịch ra 72 thứ tiếng, bản tiếng Việt lần đầu do Hoàng Thiếu Sơn dịch và ra mắt độc giả Việt Nam lần đầu cách đây khoảng 30 năm.

 

 

Tôi ngắm nhìn cái bè Kon-Tiki đơn sơ, mộc mạc của Thor Heydahl. Nó quá nhỏ bé, chỉ là những khúc gỗ balsa buộc chằng lại với nhau bằng dây và so nó với đại dương mênh mông nhường kia thì quả là Thor Heyerdahl và 5 thành viên trên cái bè đó đã làm 1 hành trình tự sát và không tưởng, hơn nữa bản thân Heyerdahl lại không biết bơi…Thế mà nó đã vượt 8000 km trên Thái Bình Dương trong suốt 101 ngày đêm rồi tới đích là bãi san hô Raroia thuộc quần đảo Polynêzi trong năm 1947. Không khâm phục sao được! Đó là thành công huy hoàng cho lòng quả cảm phi thường của Thor Heyerdahl vì niềm tin vững chắc vào luận chứng của mình. Ông xứng đáng với vinh quang và lòng ngưỡng mộ của con người.

Tất cả những vật chứng, vật dụng, những hình ảnh chụp thời đó, cùng với máy ảnh, máy quay phim cổ lỗ 16mm (cảnh mọi người tiễn đưa nhóm thám hiểm, cảnh sinh hoạt trên bè, cảnh cập bến mắc cạn ở đảo san hô và gặp thổ dân Polynêzi …) đã tái hiện lại hải trình gian nan mạo hiểm giữa sống và chết, lênh đênh trên biển của một nhóm 6 con người quả cảm, quyết chứng minh cho thế giới biết sự thật về sự di dân tới quần đảo Polynêzi 1500 năm về trước là từ Nam Mỹ.

 

 

 

Ở bảo tàng Kon-Tiki tôi được xem cuốn phim ngắn về nhóm thám hiểm 6 người được quay trong chuyến viễn trinh gian nan đó. Tôi đã thấy mô hình mô phỏng cá mập-voi (requin-baleine) mà nhóm thám hiểm đã phát hiện ra khi nó bơi theo bè của họ (ngày 24/05/1947). Đó là một loại cá khổng lồ hiếm có, trung bình dài tới 14m nặng tới 15 tấn, hiền lành, không gây nguy hiểm cho con người. Càng tiến tới gần xích đạo Kon-Tiki càng hay gặp loại « cá bay ». Loại cá nhỏ bé này thường nhảy vọt lên không trung có cặp vây căng ra như đôi cánh, rơi văng vào mép bè hay va vào các thùng chứa đồ, rồi rớt xuống lòng Kon-Tiki. Những chú « cá bay » ấy được các thành viên trên bè dùng làm thức ăn hoặc làm mồi câu những loại cá to hơn như cá nục heo (coryphènes), cá ngừ (bonites)… Việc làm đầu tiên của chàng đầu bếp trên Kon-Tiki là sáng  ra đi thu lượm những chú « cá bay » mắc vào lòng bè từ đêm hôm trước. Nhóm thám hiểm cũng đã phát hiện ra mấy con cá « rắn-học trò » và không ngờ mình là người đầu tiên tìm ra loại cá này còn đang sống. Nước mưa chính là nguồn nước uống duy nhất của họ…

 

 

Thor Heyerdahl đã không dừng lại ở vinh quang đó, ông tiếp tục các chuyến thám hiểm khác : tới đảo Galápagos (năm1953) và tìm thấy ở đó những di tích nguồn gốc Inca ; tới đảo Phục sinh (Pâques, năm 1955-1956) cùng với 23 nhà khảo cổ Na Uy phát hiện và khai quật ở đây các bức tượng đá tương tự như các tượng đá thời tiền sử ở Bolivie, Pêru (Nam Mỹ). Kết quả trên càng khẳng định thêm giả thuyết của Thor Heyerdahl là đúng đắn. Trong bảo tàng Kon-Tiki cũng trưng bày bức tượng đá từ đảo Phục sinh mà Thor Heyerdahl đã mang về làm bằng chứng xác thực. Quyển sách của ông viết về cuộc thám hiểm đảo Phục sinh mang tựa đề « Aku- Aku » đã có hàng triệu độc giả.

 

 

 

Năm 1969 Thor Heyerdahl lại bắt đầu một cuộc thám hiểm mới trên chiếc thuyền làm từ những cây sậy papyrus và cói (đóng như thời tiền sử ở Aicập) dài 15 m, mang tên Râ - vị thần Mặt trời của Aicập, xuất phát từ Safi (Maroc) để vượt Đại Tây Dương tới Barbados (Châu Mỹ). Nhưng đi được 5000km trải qua 54 ngày đêm nhóm thám hiểm đã gặp bão biển và có lỗ hổng phát sinh trên thuyền. Sự cố này buộc nhóm của Thor Heyerdahl phải bỏ dở giữa chừng, tuy chỉ còn non 1 tuần nữa là con thuyền có thể về tới đích. Không nản lòng năm sau-1970 ông lại tiếp tục hành trình trên Râ II (chiều dài thuyền là 12m, ngắn hơn Râ 3m) và đã thành công, cập bến Barbados sau 2 tháng lênh đênh trên biển và trải qua 6100 km nhờ vào dòng chảy Canary. Thor Heyerdahl muốn chứng minh 1 điều là vào thời tiền sử những chiếc tàu cói cổ xưa của người Aicập hoàn toàn có khả năng vượt Đại Tây dương tới Châu Mỹ và nền văn minh Aicập, Châu Phi đã có ảnh hưởng tới nền văn minh của các thổ dân da đỏ thuộc vùng Trung Mỹ. Thành công này của ông đã đánh đổ tan tành luận điểm của các nhà khoa học « salon », rằng trước Christophe Colomb không hề có 1 chiếc thuyền nào từ Địa Trung Hải có thể vượt Đại Tây Dương tới Châu Mỹ.

 

   

 

Dưới ngọn cờ Liên hiệp quốc nhóm thám hiểm Râ II của Thor Heyerdahl gồm 8 người thuộc 8 quốc gia khác nhau đã cảnh báo với thế giới về hiểm họa đại dương bị nhiễm độc vì họ đã chứng kiến rất nhiều búi dầu bẩn loang lổ trên biển mà trước đây vào năm1947 khi làm cuộc viễn trinh trên Kon-Tiki thì tình trạng này không đến mức báo động. Bản báo cáo của ông về tình hình ô nhiễm trên biển đã làm Liên hiệp quốc phải vào cuộc và nó cũng là chìa khoá cho cánh cửa của Hội nghị quốc tế về môi trường năm 1972 tại Stockholm.

Chiếc thuyền Râ II cũng được trưng bày ở bảo tàng này cùng với những hình ảnh và vật chứng minh họa chuyến viễn trinh Đại Tây Dương của nhóm Thor Heyerdahl năm 1970.

Thor Heyerdahl còn cho rằng vào thời tiền sử tuy sức gió và dòng chảy ở đại dương đóng vai trò quan trọng trong việc di chuyển của thuyền bè trên biển, nhưng không phải lúc nào cũng vậy, con người thời đó đã có thể điều khiển thuyền bè của mình bất chấp các điều kiện tự nhiên cập bến những nơi họ mong muốn vì mục đích thương mại và giao lưu với những nền văn hóa khác. Để chứng minh điều đó năm 1977, ở tuổi 63 ông lại đóng 1 con tàu dài 18 pieds bằng sậy trên bờ sông Tigris (ở Irak thuộc vùng Lưỡng Hà) và tổ chức nhóm thám hiểm quốc tế gồm 11 người nhằm nghiên cứu con đường thương mại trên biển và trao đổi văn hoá trong quá khứ 3000 năm trước Công nguyên giữa các nền văn minh (vùng Lưỡng Hà ở Trung Đông, Đông Bắc Châu Phi…) Hành trình của Tigris là 6800 km : Từ sông Tigris thuyền xuôi xuống Shatt-el-Arab thuộc Irak trong vịnh Persique và Ấn Độ Dương. Sau đó họ đi ngang qua vùng Mascate của Oman và tới thung lũng Ấn (Indus) thuộc Pakistan, kết thúc phần Châu Á của Ấn Độ Dương và bắt đầu phần Châu Phi của đại dương này. Cuộc viễn trinh kéo dài 5 tháng và kết thúc ở Djibouti, ngay cửa vào Hồng Hải. Ở nơi đây đang có đụng độ vũ trang vì thế nhóm thám hiểm không thể đi tiếp được nữa. Họ quyết định đốt thuyền Tigris để phản đối chiến tranh và đồng lòng gửi thông điệp cho Liên hiệp quốc, cũng như các cường quốc sản xuất vũ khí là phải chấm dứt ngay việc chuyển giao vũ khí cho các nước ở vùng này vì chiến tranh leo thang ở Hồng Hải và bờ biển Ngà đã phá tan những điều cơ bản nhất của thế giới loài người văn minh.

 

 

Heyerdahl hơn một lần muốn chứng tỏ với thế giới rằng, biển cả không phải là hàng rào ngăn cách, cản trở mà là con đường nối các nền văn hóa lại với nhau. Hành trình của Tigris là minh chứng hùng hồn cho kết luận trên: Nó nối vùng đất Sumer trong vịnh Persique với thung lũng Ấn (Indus) của Pakistan và ở cửa biển Hồng Hải nó đón chờ làn gió thổi từ vương quốc Aicập cổ xưa, huyền bí.

Sau những chuyến thám hiểm Kon-Tiki, Galápados, Râ, Tigris, Thor Heyerdahl  vẫn tiếp tục nghiên cứu những kết quả khảo cổ ở các đảo Maldives, Canary ở Túcume và Pêru (nơi  khai quật được 25 kim tự tháp). Dựa vào những khai quật ở đảo Maldives, Heyerdahl đã đưa ra giả thuyết là thổ dân từ Lothal trong thung lũng Ấn (Indus) có thể đã tới Maldives xây các kim tự tháp bậc thang. Sau đó những thế hệ con cháu tiếp theo của họ, một phần đã tới Aicập (như bằng chứng kim tự tháp Saqqarah) còn một phần thì lại tới Mếchxích.

 

    

 

Thor Heyerdahl là con người đam mê, say sưa khám phá và dám nghĩ, dám làm. Xuất phát điểm ông là nhà động vật học, nhưng sau đã trở thành nhà nhân chủng học, khảo khổ học và hơn hết thảy ông là một nhà thám hiểm phi thường của thế kỷ XX. Trước khi rời thế gian này ở tuổi 87 (2002) ông vẫn không dừng các hoạt động nghiên cứu của mình, ông mất ngày 18/04/2002 vì u não tại nhà riêng ở Colla Micheri-một xóm nhỏ thuộc vùng Andora (Italia). Ông là niềm tự hào của tổ quốc mình. Chính phủ Na Uy đã làm lễ quốc tang cho ông - nhà thám hiểm vĩ đại đã làm rạng danh đất nước, tại nhà thờ Lớn Oslo ngày 26/04/2002.

 

 

Thor Heyerdahl đã để lại cho nhân loại 1 thư viện quý giá gồm 8000 cuốn sách: đó là những công trình phổ biến khoa học và các tác phẩm ông viết về những chuyến phiêu lưu mạo hiểm mà ông đã trải qua (được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới). Thor Heyerdahl đã trở thành một trong những gương mặt nổi tiếng, đáng ngưỡng mộ của thời đại chúng ta.

 

 

Đối với riêng tôi, cũng như với số đông ông là biểu tượng sống động về sự mạo hiểm khoa học, về đạo đức tư cách cá nhân, nhất là trong một thế giới hỗn mang, đa chiều như hiện nay rất thiếu những mẫu người chân chính như Thor Heyerdahl. Cuộc đời của ông đã vượt qua khuôn khổ « hải trình Kon-Tiki », trở thành tấm gương vì sự nghiệp hoà bình cho nhân loại, vì cống hiến cho khoa học và cho một môi trường lành mạnh trên trái đất. Những cuốn sách của ông là niềm cảm hứng cho nhiều thế hệ, khơi dậy lòng đam mê trong khoa học, cũng như trong nghiên cứu quá khứ loài người. Năm 2012 đã có một bộ phim truyện « Hải trình Kon-Tiki » được đề nghị ứng cử giải Oscar do Petter Skavland viết kịch bản, còn đạo diễn là cặp bài trùng người Na Uy: Joachim Ronning, Espen Sandberg. Nam diễn viên Na Uy Pal Sverre Hagen thủ vai Thor Heyerdahl không những có ngoại hình giống nhà thám hiểm, mà còn nhập vai này rất tài tình. Đó là 1 bộ phim hay và tuyệt vời ở chỗ là nó dựng lại 1 hải trình hoàn toàn có thật trên đời.

 

 

Năm nay là năm kỷ niệm 100 năm (1914-2014) ngày sinh của nhà thám hiểm phi thường Thor Heyerdahl. Na Uy và nhiều nước trên thế giới tổ chức các hoạt động tưởng nhớ Thor Heyerdahl và những đóng góp của ông cho con người. Năm 2007, kỷ niệm 60 năm chiếc bè Kon-Tiki cập bến quần đảo Tuamotu (Polynêzi), chính phủ đảo Polynêzi đã phát hành con tem Kon-Tiki giá 600 franc trên đó in hình vẽ vua Mặt trời của thổ dân Nam Mỹ, giống như trên cánh buồm của Kon-Tiki năm xưa.

   

   

 

Tôi rời bảo tàng Kon-Tiki, bước ra ngoài đón gió trời, ngắm biển xanh dạt dào sóng vỗ, ngắm cảnh hải âu trong nắng chiều, lúc bay lượn trên không, lúc sà xuống vờn mặt biển. Tôi không làm sao dứt bỏ được hình ảnh người đàn ông Bắc Âu có cặp mắt biếc xanh và mái tóc bạch kim ấy. Cả cuộc đời Thor Heyerdahl như 1 cuốn phim dài tua chậm trong tâm trí tôi. Tôi hiểu ra một điều : niềm đam mê khám phá, sự liều lĩnh trên cơ sở niềm tin vào những chứng cớ và lập luận logic đã thôi thúc Thor Heyerdahl làm những chuyện phi thường để chứng minh luận chứng của mình. Ông đã trở thành một trong 7 nhà thám hiểm vĩ đại nhất của thời đại chúng ta.

 

Điều đặc biệt là bảo tàng Kon-Tiki đã có ở Oslo từ 64 năm nay (từ năm 1950), chỉ 3 năm sau khi Thor Heyerdahl kết thúc hải trình vinh quang Kon-Tiki. Lẽ dĩ nhiên hồi mới đầu ở đây chỉ có cái bè nổi tiếng Kon-Tiki cùng với những vật chứng, vật dụng kèm theo. Sau đó bảo tàng mới bổ xung dần theo thời gian những chuyến thám hiểm khác của Thor Heyerdahl như chiếc thuyền Râ II, tượng khai quật ở đảo Phục sinh… 

Thế mới biết chính phủ và nhân dân Na Uy rất trân trọng người tài và tự hào vì đất nước họ đã có những vĩ nhân như vậy. 

 

 

 

Na Uy đã cho phát hành không chỉ một lần những con tem mang hình tượng chiếc bè Kon-Tiki, con thuyền Râ…, cũng như hình ảnh nhà thám hiểm lừng danh Thor Heyerdahl của họ. Hãng hàng không Na Uy Norwegian còn cho in hình ông lên các máy bay của hãng, chứng tỏ ông được nhân dân Na Uy yêu quí biết nhường nào. Ông chính là niềm vinh quang, niềm tự hào của họ.

 

 

Ở nơi đây tôi lại chợt nhớ Patrice Duquesne - anh bạn đồng niên của tôi, người đảo Corse. Có lần Patrice tâm sự, trong giấc mơ nào anh cũng thấy biển cả quanh mình và chắc kiếp trước anh ta là thủy thủ. Ngay từ thời trai trẻ Patrice đã nuôi ước mơ « làm 1 chuyến du lịch vòng quanh thế giới bằng thuyền buồm ». Đó là một chuyện phi thường nhưng Patrice đã quyết tâm làm bằng được. Patrice đã tự tay đóng chiếc thuyền buồm dài 12m ròng rã suốt 2 năm, cứ sau giờ làm việc từ 6 giờ chiều tới 2 giờ sáng là anh ta ở trong xưởng đóng tàu; Patrice học định hướng gió và dòng chảy, học định hướng theo mặt trời và các chòm sao, sử dụng rada, sau đó Patrice luyện tay lái trong vòng 10 năm trên biển Địa Trung Hải. Năm 1998 cảm thấy đã chuẩn bị tốt và sẵn sàng cho chuyến đi mơ ước, Patrice Duquesne nhường quyền quản lý công ty của mình cho con trai thứ 2, xuống chiếc thuyền buồm ở cảng Bastia và rong ruổi với nó suốt 5 năm liền trên đại dương. Patrice kết thúc chuyến hải trình vòng quanh thế giới vào năm 2003 lúc tròn 50 tuổi. Trên đường trở về nhà đảo Corse, Patrice cảm thấy hạnh phúc tràn trề vì đã thực hiện được ước mơ thời trai trẻ, vì sắp gặp lại vợ và 2 con trai yêu quí. Nhưng tiếc thay điều đó kéo dài không lâu, vì xa cách quá nhiều năm cô vợ Patrice buồn chán đã đi theo 1 đạo giáo Ấn Độ và chỉ đợi Patrice về là ly dị…

Phải chăng trong vinh quang và hạnh phúc bao giờ cũng le lói một nỗi buồn ?

Trường hợp Patrice Duquesne cũng giống như Thor Heyerdahl. Đúng vào lúc ông kết thúc chuyến hải trình vinh quang Kon-Tiki, là lúc ông được trao tận tay bức thư của Liv - vợ ông (Liv Coucheron- Torp). Trong đó có đoạn viết: « Anh đã có một gia đình là em và các con, nhưng anh vẫn lao vào một cuộc hành trình 100 ngày mà sau ngần ấy thời gian không biết các con anh sẽ còn bố nữa hay không. Mặc dù đã có gia đình, anh vẫn giữ nguyên lòng say mê thám hiểm và khám phá, vẫn thích đương đầu với biển cả, núi rừng. Suốt thời gian sau khi cưới trong anh vẫn hừng hực một niềm đam mê như thuở nào, anh vẫn sẵn sàng hy sinh bản thân cho ý tưởng mà anh theo đuổi. Chính vì thế mà khi bức thư này tới tay anh, anh sẽ nhận được lời chúc mừng thành công từ em và lời thông báo của em là muốn ly hôn với anh. Thật trớ trêu thay, những gì thời trẻ khiến em say mê anh cũng là những lý do để bây giờ em đi đến quyết định chia tay anh..."

 

  

 

Tiếng còi hú của chiếc phà vừa cập bến làm tôi giật mình, kéo tôi ra khỏi những suy nghĩ miên man về nhà thám hiểm Thor Heyerdahl. Đã đến lúc phải ra xe bus N°30 quay về nhà trọ, rồi ra phi trường. Đến lúc phải chia tay với Oslo-thành phố đầy ấn tượng và vô cùng quyến rũ. Oslo đã có tuổi đời hơn 1000 năm (dân Na Uy đã kỷ niệm thủ đô của họ 1000 năm vào năm 2000) và với sức sống mãnh liệt vươn lên từ đại dương và băng tuyết Oslo đã kể lần lượt cho du khách chúng ta những câu chuyện hấp dẫn, đặc trưng riêng của xứ sở Na Uy, dẫn dắt chúng ta đến với những công trình kỳ vĩ mà con người Na Uy đã tạo ra, chỉ cho chúng ta thấy Oslo là thành phố của những bảo tàng mà không phải đâu cũng có, và hơn hết giới thiệu với chúng ta những con người vĩ đại đã sinh ra ở xứ sở băng tuyết này…

 

Tôi có thể sẽ không quay lại Stockholm hay Copenhagen, mặc dù 2 thủ đô Bắc Âu ấy có vẻ ngoài hào nhoáng, rực rỡ hơn Oslo, nhưng tôi biết chắc là sẽ còn quay lại đây, quay lại vương quốc Na Uy này vì tôi còn muốn biết thêm về nó nhiều hơn nữa. Tôi muốn dạo chơi trên con đường mà Henrik Ibsen - nhà soạn kịch Na Uy lừng danh (1828- 1906) vào cuối đời vẫn có thói quen làm một vòng dạo ở đó mỗi sáng, tôi muốn tới thăm nhà riêng của ông nay đã thành bảo tàng, tôi muốn nghiêng mình trước lăng mộ của vị vua yêu nước Haakon VII (1872 -1957)- người đã kiên cường chống phát xít trong chiến tranh thế giới II, muốn đi thăm các bảo tàng còn lại ở Oslo mà do thời gian eo hẹp lần này tôi đã không tới được … Tôi đã tự phong cho mình là hoà thượng « Thích Đủ Thứ » và nay đã là « tỷ phú thời gian » nên tôi cứ thoải mái chia bừa động từ « muốn » và « thích » ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào miễn là phải thuộc lòng hai nốt nhạc « đô & la ». Tôi chắc chắn sẽ quay lại Na Uy để thăm cố đô Bergen, leo lên đỉnh núi Preistolen ở Stavanger và đi Tromso để rình xem bằng được hiện tượng « bắc cực quang ». Tôi sẽ … và tôi sẽ… tất cả đều ở thì tương lai. Còn bây giờ tôi đang ở thì hiện tại, đang ngồi trên máy bay trở về nhà, về Paris, về với căn hộ « hôtel 5 sao » của tôi. Và tôi cảm thấy hạnh phúc trở về đó, về nhà mình, sau gần 2 tuần xa cách. Paris đang đợi tôi phía xa, dưới kia, sau 2 giờ nữa… Hơn lúc nào hết tôi thấy thấm thía câu ngạn ngữ Nga « B гостях хорошо, но дома лучше ». 

 

 

 

Paris, tháng Mười năm 2014

 

PS : Khi tôi kết thúc bài viết này là tôi đã quay lại thăm Na Uy lần thứ 2 từ ngày 27/09 - 5/10/2014, chỉ sau hơn 1 tháng trở về nhà. Lần trước tôi rời Paris ngày 11/08 và kết thúc chuyến hành trình vào ngày 22/08/2014, lần ấy tôi đã đi thăm Tallinn, Helsinki, Stockholm, Copenhagen và Oslo. Lần này tôi quay lại Na Uy thăm Oslo, Bergen và leo lên đỉnh Preistolen ở Stavanger. Sau đó từ Oslo tôi bay tới thăm Riga 3 ngày (Latvi – Lettonie) và tiếp theo đi xe bus từ Riga tới thăm Vilnius 2 ngày (Litva - Lituanie). Ngày 10/10/2014 tôi về lại Paris.

 



 

 


Người post: ThaoDP

Ngày đăng: 04-11-2014 20:08






Xem 1 - 6 của tổng số 6 Comments

Từ: MuiLT
07/11/2014 16:03:36

Cảm ơn chị Thảo, tuy không đc trực tiếp đến thăm Na Uy nhưng nhờ chị mà bọn em phần nào tưởng tượng đc phong cảnh đất nước bạn xinh đẹp



Từ: Guest Loan OB78
06/11/2014 22:33:27

Chị Thảo xứng đáng được đề cử là hướng dẫn viên du lich xuất sắc. Các bài viết của chị mô tả chi tiết tỉ mỉ các địa danh nổi tiếng của Na UY, các phương tiện di chuyển ,các bảo tàng,đặc biệt câu chuyện về nhà thám hiểm lừng danh Thor Heyerdahl làm người đoc nghĩ mình đang có mặt trong hành trình đó.Cảm ơn chị Thảo nhiều và mong chị còn cho mọi người hưởng hương vị của những chuyến đi lý thú khác.



Từ: TungDX
06/11/2014 21:36:55

 


Tớ đi du lịch Nauy rồi,


Ai rủ đi thi tớ xin thôi


chẳng tốn tiền bay tới đó chơi,


thời gian đâu cần nửa tháng trời


Ha ha ha


Cám ơn Thảo nha...


Cám ơn ngôi nhà 


KGU của TA


 


 



Từ: CucNT
06/11/2014 20:10:14

Hơi dài nhưng em đọc một hơi và khi hết rồi thì tiếc ngơ ngẩn sao lại ngắn thế? Biết được thêm nhiều điều tuyệt diệu về một đất nước em chưa và có lẽ chẳng bao giờ đặt chân đến và những nhân vật có thật mà như huyền thoại.


"..Những cuốn sách của ông là niềm cảm hứng cho nhiều thế hệ, khơi dậy lòng đam mê trong khoa học, cũng như trong nghiên cứu quá khứ loài người."


Những dòng viết của chị là niềm cảm hứng cho những ai ham khám phá, hiểu biết, khơi dậy lòng đam mê du lịch và gợi nhớ cho những ai khi bình chọn cho hướng dẫn viên du lịch xuất sắc sẽ không quên tên chị.


Cảm ơn sự nhiệt thành của chị!



Từ: HuyenBT
06/11/2014 11:03:53

Ồ, thật tuyệt, chị Thảo ạ. Không chỉ là những bức tranh mà là những câu chuyện. Cảm ơn chị Thảo nhiều nhé. Chị đã hứa với em một chuyến đi đến khu vườn- bảo tàng của Monet Claude. Em rất mong ngày đó. Chúc chị sức khỏe, chân cứng, đá mềm nhé!



Từ: HuongNT
05/11/2014 15:22:45

Tôi say sưa đọc "Nhớ mãi Oslo" phần IV của chị ThaoDP và chỉ có thể thốt lên: thật tuyệt! Chị đã kể cho chúng ta nghe một câu chuyện rất hay về nhà thám hiểm phi thường Thor Heyerdahl người Nauy mà hôm nay tôi mới biết. Thế là chị đã quay lại Oslo lần hai để thực hiện những điều mà chị mong muốn. Hi vọng sẽ lại được đọc Phần V của chị về thành phố đầy quyến rũ này. Cám ơn chị rất nhiều vì những chia sẻ đầy hấp dẫn và thú vị!



Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s