Nhớ Làng - Phần II
Tác giả: HuyenBT
Nhớ Làng
phần II
Truyện dài của Bùi Thanh Huyền
Sinh nhật của Ania được bàn bạc trước cả tháng trời. Giấy mời in trên thiếp nhũ vàng, làm Ania ngỡ ngàng nhớ đến những tấm thiệp cưới. Từ chiều hôm trước có một nhóm người đã đến và dựng thêm trên sân cỏ những cột đèn có những chiếc bóng đèn to và lộng lẫy như một cái ô nhỏ của các tiểu thư xưa. Người ta đặt lên những chiếc bàn có chân quỳ nặng nề, trên phủ khăn bằng sa tanh trắng muốt, những cây nến lớn, uy nghi, lộng lẫy. Ania rụt rè nhìn tất cả những thứ đó một lúc, rồi cô tung tăng phụ giúp mọi người, phút chốc, cô quên biến mất mình là chủ nhân, chỉ đến khi Antonia nghiêm nghị nhắc: Ania, em vào trong kia đi, cô mới nhớ đến những bài học Antonio nói về cách phải đi đứng trong lễ tiệc như thế nào. Lễ hội tràn ngập trong hoa và ánh sáng. Ania luôn tròn xoe mắt theo dõi những điều thú vị. Khách khứa thật sang trọng, lịch sự. Họ nói chuyện đúng chủ đề, dùng đúng tông giọng, tất cả đều trầm ấm, du dương. Người ta nâng ly đúng lúc, đúng cách, và lịch sự mời nhau những điệu nhảy đôi. Khi tất cả đang đợi một món nóng đặc biệt được đặt làm riêng cho tiệc, thì ban nhạc ngưng hẳn lại, cùng chờ đợi. Và một phút sau đó… điều gì đã xảy ra thế, Ania không tin được vào tai mình nữa: tiếng sáo Nai - bản “Chàng mục đồng cô đơn”! Tại sao lại ở đây, lại vào chính lúc này? Mọi người đang trầm trồ với món ăn nóng vừa được mang ra, Ania trốn ra phía sau, đi về phía ban nhạc. Cô những ao ước được nhìn thấy gương mặt ấy, nhưng lại vô cùng sợ hãi nếu điều ấy xảy ra. Cô đứng nép dưới một gốc cây, nhìn ra phía ban nhạc xa xa. Một chàng trai xa lạ đang say mê thổi sáo. Chỉ duy nhất một nét gợi nhớ đến Kolia: mớ tóc tơ mềm phủ che một phần vầng trán thanh tú. Cảm giác tiếng sáo bủa vây cô. Nó dìu dặt như đang nắm tay cô, đưa cô lướt những bước nhảy rất nhẹ, rất dịu êm. Nó cao vút như nâng bổng cô lên, bay cao, cao mãi. Nó dồn dập như đang ôm chặt cô trong tay, xoay tròn, xoay tròn cho đến khi cô chóng mặt ngất ngây. Rồi nó vuốt nhẹ trên mái tóc cô, vuốt xuống vai, xuống bờ lưng cong…và rồi rơi xuống cỏ. Nó kể lể, nó tâm tình, rồi đột nhiên nín bặt. Chỉ còn ánh mắt, ánh mắt đau đáu trong mưa.
Tiếng Antonia nghiêm nghị, không hài lòng: đây không phải là chỗ của em! Cô ngoan ngoãn đi theo cánh tay rắn chắc đang túm chặt cánh tay trần của cô.
Đám người rộ lên những lời chúc:
“Chúc mừng Ania xinh đẹp, chúc mừng Antonio chủ nhân của bông hồng bé nhỏ đó! - Họ hò nhau hướng về phía Antonio chạm ly.
“Chúc mừng Antonio với một “tác phẩm điêu khắc tuyệt vời! - Họ liếc mắt về phía Ania nhưng lại quay sang dành nụ cười cho Antonio
“Các bạn thân mến, - một phu nhân ngân nga giọng- Hẳn các bạn đã biết mỗi phụ nữ đều là một viên đá quý, nhưng nằm sâu trong lòng đất. Chỉ khi được tìm ra, và được một bàn tay nghệ nhân lành nghề cắt, gọt, mài dũa, với những kỹ năng tinh xảo, mới ra được viên kim cương tuyệt vời, một viên kim cương mà giờ đây các bạn đang được ngắm từng góc cắt lung linh tỏa sáng của nó! Vậy chúng ta hãy nâng ly chúc sức khỏe cho người nghệ nhân ấy, Antonio đáng kính của chúng ta! - Và đám đông đổ xô vây quanh Antonio với những ly rượu đầy phản chiếu ánh sáng nến lóng lánh!
Ania ngây người nghe từng lời văn hoa đó, không thể hiểu nổi từ đâu mà người ta nghĩ ra được những câu chữ, hình ảnh ví von tráng lệ ấy, chắc chắn không phải nói về cô, càng không thể là dành cho cô.
Sau khi có visa đi làm việc ở Ý, Ania may mắn được nhận ngay vào làm việc trong một gia đình quyền quý. Cô được giao chăm sóc một bé gái 5 tuổi, đang ở cùng với ông bà ngoại. Senora Florencia là một phụ nữ phúc hậu, gia giáo, ở tuổi 70, bà vẫn giữ được những nét đẹp đằm thắm của một thời xuân sắc. Bà có cảm tình ngay với Ania, một cô gái chăm chỉ, chất phác, “có nét đẹp của một bông hoa đồng nội”. Ấy là nguyên văn lời của Senora, khi bà giới thiệu Ania với khách khứa trong bữa tiệc sinh nhật 70 của mình. Bà giao tiếp rộng, lại được mọi người yêu quý, kính trọng, nên khách đến rất đông, từ nhiều thành phố xa xôi, trong đó có cả cậu cháu gọi bà là cô họ. Ania chạy tíu tít, giúp bà tổ chức tiệc. Cô yêu kính bà chủ bằng tình cảm chân thành, có pha chút ngưỡng mộ và hàm ơn. Nụ cười và ánh mắt cô giành cho bà trong suốt buổi tiệc, ánh lên một cách trong sáng đặc biệt. Điều này vô tình làm cô càng trở nên xinh tươi hơn, có một sức quyến rũ rất khó diễn tả, chỉ cảm nhận được chút gì đó thật trong trẻo, thật thánh thiện. Người nhạy cảm nhất với vẻ đẹp đồng quê trong trẻo đó là Antonio- cậu cháu họ đến từ Roma. Anh đã không thể rời mắt khỏi Ania. Anh cũng hơi ngạc nhiên với mình. Trong xã hội mà anh đang sống, với những phụ nữ quyền quý cao sang, những người phụ nữ Ý kiêu hãnh với những chiếc cổ cao và thon, với những đôi mắt sâu, tưởng như cả bầu trời Địa trung hải chìm đắm trong đó, những người phụ nữ rất sành rượu vang và đi những bản tango rạo rực… sao chưa lần nào thôi thúc trong anh ý định muốn lấy vợ như bây giờ. Anh đã gần 40 tuổi và Ania mang cho anh cảm giác muốn có một gia đình.
Senora Florensia đặt vấn đề với Ania. Cái nhìn của bà âu yếm, vô cùng tin cậy, giây phút đó cô đã tin vào cái nhìn của bà hơn chính cả quyết định của mình. Nửa năm sau, cô chào từ biệt Senora, theo Antonio về Roma bắt đầu cuộc sống gia đình riêng. Antonia là một người lãng mạn, anh nhanh chóng xây lên “một tòa lâu đài” lung linh trong cuộc sống của hai người. Đó là hoa và những nụ hôn, những tiệc tùng và lễ hội, những gặp gỡ và giao tiếp với giới thượng lưu. Anh tỉ mẩn và kiên nhẫn hướng dẫn cho Ania từng bước đi, dáng ngồi, từng cách chào hỏi đến gửi thưa đáp lễ. Anh dạy cô phân biệt các loại rượu vang, cách cầm từng loại ly. Cô chợt buồn cười khi nhớ đến thùng rượu nho của mẹ: năm nào mẹ cũng ủ đúng một loại nho ấy, mà mùa rượu mới nào cũng hồi hộp mở nút thùng, hít hà mùi rượu mới, và uống bao năm rồi không chán.
Khi Antonia bắt đầu nói đến mái tóc của cô, thì quả là một quyết định khó khăn. Tóc Ania dài và mượt như dòng suối. Mái tóc tơ óng vàng, khi phủ kín lưng, cứ ngỡ đó là cả một mảng nắng đọng lại. Mẹ phải ngồi trên ghế đẩu cao cao, để vươn tay tết chúng thành hai dải đuôi sam dày cộm khi cô còn bé tí. Khi Ania tự tay cuốn dải tóc đuôi sam vòng quanh trán, thì trông chúng như một cái vương miện lộng lẫy trên đầu cô. Vì thế, khi Antonio đề nghị cắt ngắn tóc đi để uốn chúng theo model mới nhất bây giờ, Ania nói rằng cô muốn mẹ nhìn thấy tóc dài lần nữa trước khi cắt. Họ không phải đợi lâu, vì cả anh và cô đã định sẵn một chuyến về làng, ra mắt mẹ trước khi xin cưới.
Mớ tóc dài suốt cả tuổi thơ được cắt ngọt xớt trong những tiếng cười khúc khích hạnh phúc của Ania và cô em gái. Antonio nhìn mớ tóc dài óng ả trút trên mặt đất, nhận xét: - Ở Ý, mớ tóc này được mua đến cả ngàn Euro. Cô bé Katia rụt cổ ngạc nhiên nghe chuyện lạ đó. Ngày hôm sau Kachia thậm thụt kéo chị ra góc vườn thì thầm: - Em đổi mớ tóc đó rồi! - Đổi gì? Cho ai? - Ania hỏi dồn. - Anh Kolia! Tại anh ấy năn nỉ quá! Đổi lấy một ngày cho theo xe lên thành phố, đi nhảy ở sàn Soho. - Kolia lên thành phố nhảy ở Soho?- Không, anh ấy đi mua phụ tùng máy kéo, nhân tiện cho em đi theo, đợi em nhảy xong, sẽ quay lại đón! Ania cắn chặt đôi môi, bất giác cô đưa tay lên vuốt tóc, bàn tay buông rơi hẫng hụt.
Những ngày còn lại ở làng, thoang thoảnh buồn. Nhưng Ania không cách gì gặp được Kolia. Kachia bảo, anh ấy toàn đi cày đồng xa. Đôi khi, vô tình Ania đứng ở hàng hiên, dõi mắt về một nơi đồng xa, đợi một tiếng sáo Nai. Nhưng không thấy.
Ngày Ania và Antonio rời làng, mưa như trút nước. Chiếc xe hơi sang trọng, không quen đường đất, ì ạch dò từng đoạn đường. Mưa giăng trắng đất trời, chỉ một xe đi trong biển mưa ấy, làm Ania bỗng cảm thấy hoảng hốt, như thấy mình đang trên một ốc đảo. Đúng lúc đó cô nhìn lại phía sau: một chiếc xe ngựa, không mui, tất tưởi trong làn mưa quất. Chỉ một người đánh xe ngựa: Kolia. Mưa xối xả trút lên anh, dường như có bao nhiêu mưa đều dồn hết về đây trút lên anh. Cánh tay gồng lên, nắm chặt dây cương. Không thể nhìn rõ nét mặt anh, chỉ thấy dáng người cong lên, chúi về phía trước, dường như muốn thúc ngựa nhanh lên, nhanh nữa, đừng bao giờ để rời xa chiếc xe hơi phía trước. Họ nhìn nhau qua làn mưa dữ dội. Cả khuôn mặt cô cũng ngập nhòa trong mưa. Mưa trút lên tất cả, mưa xóa nhòa những nét thân thương, mưa làm tan chìm, làm méo mó, làm một tấm ngăn, không sắt thép, mà lạnh lùng không gì chạm được. Mà sao vẫn ánh mắt đau đáu xuyên mưa! Ania cầu mong cho cái cần gạt nước đừng chậm chạp thế, đừng ì ạch thế, hãy mau mau gạt bớt nước mưa để thấp thoáng cô thấy anh, dẫu chỉ là nhạt nhòa sau làn nước, dẫu chỉ là nhìn thấy một mớ tóc ướt mưa rũ xuống như một đám cỏ non đẫm nước. Khi đã vượt qua quãng đường làng ngập bùn đất, chiếc xe hơi bỗng rú ga chạy vút ra đường nhựa như người ta co cẳng chạy trốn những hiểm nguy phía sau lưng. Con ngựa cúi đầu phi nước kiệu. Và người đánh ngựa gần như nhổm hẳn lên, chúi về phía trước. Cái hốt hoảng cuống cuồng tạc vào dáng người đang gồng lên trong mưa giăng bạt ngàn. Khoảng cách giữa cô và chiếc xe ngựa xa dần, xa dần…rồi nó chìm nghỉm trong mưa…
Đến gần sáng Ania thiếp đi. Trong giấc mơ ngắn ngủi, hình như cô thấy cỏ.
Ania bị ốm, chồng cô phiền muộn lắm. Anh cằn nhằn một cách đáng yêu. Ania nhìn chồng, không tin là đàn ông lại có thể lo lắng như thế cho một chứng cảm cúm thời tiết. Anh hạ tất cả các cửa sổ xuống, và kéo rèm kín mít, làm cho căn phòng giống như một chiếc hộp kín đáo, ấm cúng, nhưng nặng nề, ngột ngạt. Anh cấm mọi người vào thăm, nói là em cần yên tĩnh, cần một mình. Anh không biết là Ania sợ chết khiếp khi phải “bị nhốt” một mình như thế. Và cô rất sợ bóng tối. Hồi còn nhỏ, hình phạt sợ nhất với cô là phải đứng úp mặt vào góc nhà trong buồng để hạt giống. Tất cả tối om, và cô thường nhìn mãi vào một khe sáng ngắt quãng, yếu ớt giáp giữa những thân cây ghép thành tường…để hình dung là mình tự nhiên bé lại như một con dĩn (thứ mà cô cũng rất sợ nhưng lúc này thì chỉ có nó có thể bay lọt qua khe sáng ấy mà thôi).
Ania thèm ánh sáng, thèm tiếng người. Chồng cô đi làm và mỗi lần vào phòng, anh đeo khẩu trang. Người phương tây am hiểu về y học, và hành xử rất lý trí, rất đúng mực. Anh làm đúng như người ta thường làm khi đến với người bị ốm. Anh vào rất nhanh, và nán lại đúng bằng thời gian chiếc nhiệt kế kêu lên tít tít, để anh kiểm tra cô có bị sốt cao hay không. Anh mang vào cơ man nào là thuốc, không giải thích gì nhiều, chỉ nói em phải uống cái này trước, sau 30 phút, thì đến cái kia…,Rồi anh vội vã đi ra sau khi đã hôn lên trán vợ, và nói lời chúc chóng khỏi bệnh. Ania bật cười khi nhìn anh đeo khẩu trang, nheo mắt nhìn nhiệt kế, trông anh thuần thục như một bác sĩ chuyên nghiệp.
Cô áp mặt lên gối rộng, cốt để dịu đi cơn nóng rần rật từ đôi môi đang sốt của mình. Nhớ bàn tay mẹ. Bàn tay to, thô ráp, nhưng sao mềm dịu đến thế! Từ lòng bàn tay, từ những ngón tay tỏa ra một làn ấm áp, mà cô cảm giác rằng cái ấm áp tỏa ra từ dịu dàng, nâng niu. Bất kể lúc nào, nửa đêm hay rạng sáng, lúc cô đã ngủ thiếp đi, hay vừa mới thiu thiu giấc, cô đều cảm nhận đó là bàn tay mẹ, cô đều biết là mẹ đang ngồi bên. Cô nhớ bàn tay gồ ghề của mẹ, có những ngón mập mạp, có những bầu móng tay rất to, nhưng móng thì luôn ngắn củn. Mẹ thường lật lật bàn tay, ngắm nó và cười bảo: “ Tay to là tay sinh ra để làm việc, tay nhỏ là tay sinh ra để ăn chơi!”. Nụ cười và giọng nói của mẹ thật hồn nhiên, chất phác, thật chấp nhận, tuyệt không có chút gì tủi thân, hờn giận, mỉa mai. Mẹ vẫn làm việc nhiều đến mức móng tay không kịp mọc dài.
Mùa đông năm đó, Ania biết mình có thai. Cô cuống cuồng thèm chua. Nhớ đến điên lên hũ dưa chuột muối mùa đông của mẹ, đến mức chỉ cần hình dung đến cảm giác cắn miếng dưa chuột muối, nước miếng tự ứa ra, là cô đã thấy mình tỉnh táo hẳn. Ania vác một đống lọ đồ muối chua từ cửa hàng về, nhưng những thứ đó lại làm cô buồn nôn, lợm giọng. Antonio nghiêm nghị bảo: Ăn những thứ đồ muối đó chẳng tốt tí nào, trong đó hầu như không còn chút vitamin nào cả! Và anh đặt trước mặt Ania trứng cá hồi đen và những hộp pa-tê gan ngỗng. Cô lấy quyết tâm nuốt thật nhanh những thứ bắt buộc đó, và lập tức hình dung đến miếng dưa chuột muối của mẹ, để quên đi cảm giác buồn nôn. Ania chưa bao giờ nhõng nhẽo, khó tính trong chuyện ăn uống. Chính cô rất ngạc nhiên với mình, tại sao chính lúc này, khi cô mang bầu đứa con đầu lòng, đứa cháu đầu tiên của mẹ cô, thì cô lại nhớ da, nhớ diết hương vị món ăn quê nhà.
Ania viết thư cho mẹ về những lọ dưa chuột muối.
Từ Moldova có đến cả triệu người làm việc ở nước ngoài. Không biết tự bao giờ hình thành một dịch vụ gửi hàng rất dân dã, rất riêng. Một tuần có 1 chuyến xe 12 chỗ ngồi chạy từ Kisinhop đến Roma. Đi từ sáng sớm tinh mơ. Khoảng 5 giờ sáng, bất kể mùa hè hay mùa đông, trời lờ mờ tối, đã thấy một đám người tụ tập ở một góc ngã tư, trên vỉa hè phía rạp chiếu phim “40 let…”. Lộn nhộn người nhưng tuyệt nhiên không ồn ào, không chen lấn. Họ mặc những chiếc áo palto bằng lông cừu thô, to sụ, mũ lông sùm sụp che kín cả tai. Họ đứng kiên nhẫn chờ ánh sáng yếu ớt của chiếc đèn pha ô tô trong ánh sáng giao thoa của đêm rạng sáng. Chiếc xe dừng lại trong chốc lát, đủ để đám người lúi húi trao vào tay tài xế những chiếc túi dệt bằng sợi gai chắc chắn, căng phồng. Trong đó cố nhét cho đủ những thứ người ta muốn gửi cho người thân đang làm việc ở Ý. Hầu hết là đồ ăn thức uống. Những hũ thịt hun khói nhét chặt ních trong những chiếc banka. Những lọ mứt trái cây đóng chặt nắp, lại bọc thêm ni lông để chẳng may có vỡ, có lệch nắp thì mứt vẫn còn trong bao ni lông mà dùng được. Những gói bánh nướng với các loại nhân khác nhau, cả những thanh giò hun khói được cuốn thành mấy vòng tròn, dưới ánh sáng lờ mờ trông giống những cuộn ống nước bằng cao su màu sẫm. Hạt óc chó, hạt hướng dương rang sẵn, những con cá khô mỏng dính, cong queo, cả những banka rượu nho nhà tự làm.
Một phụ nữ đứng tuổi bịt kín mít trong khăn và mũ, nâng bằng cả hai bàn tay to rộng một lọ dưa chuột muối ngồn ngộn những quả. Bà nói với người tài xế xe, với giọng chất chứa hàm ơn: “Làm ơn chuyển đến tận tay con gái tôi! Nó cần lắm, cần hơn tất cả những người khác đấy!” Rồi bà nhét vào tay người tài xế chút tiền, mảnh giấy nhàu nát ghi địa chỉ và điện thoại người nhận.Người tài xế cẩn thận đón từ tay bà bình dưa chuột muối, thái độ có phần cảm thông, trân trọng, không hoàn toàn vì nắm tiền lẻ bà đặt vào tay bác, mà có lẽ vì thứ quà hiếm hoi đặc biệt này, và ánh mắt tin cậy của người mẹ.
Người ta đã gửi hàng đi như thế, không cần một hợp đồng, văn bản nào, không cần một thỏa thuận tay đôi, tay ba, hay giấy tờ bảo đảm. Bác tài xế đã chạy bao nhiêu lần trên tuyến đường này, ông hiểu nỗi lòng của người thân ở lại, hiểu nỗi nhớ mong khắc khoải của những người đồng hương xa xứ. Chẳng ai sung sướng gì, cả người ra đi lẫn người ở lại. Hoàn cảnh bắt buộc lựa chọn. Và cả bác cũng thế, chạy suốt 2 ngày đêm, qua làng, qua phố, những phố phường văn minh sầm uất, đến tận Roma, nơi người ta vẫn nói “ mọi con đường đều dẫn đến Roma”…mà nào bác có biết mặt ngang, mũi dọc của cái “nôi văn minh” ấy một lần cho tường tận đâu. Tất tưởi đến nơi, đổ khách, giao hàng cho mọi người, rồi phóng xe quay về ngay tắp lự. Một đêm ở khách sạn loại xoàng cũng mất cả chục bao bột ngô, bác chặc lưỡi mang tiền về cho con. Bác cũng chẳng mấy khi phải dùng đến địa chỉ hay điện thoại người nhận hàng. Đúng vào sáng sớm ngày thứ 2 sau đó, cũng vào lúc tranh tối, tranh sáng, xe bác đậu bên hông một nhà thờ dòng Pravo-Slavia trên một đường phố nhỏ của Roma. Cũng lại một đám đông từng ấy người đã đợi sẵn, y hệt như trên vỉa hè cạnh rạp phim “40 let” ở Kisinhop. Người ta lại vội vã, không hề ồn ào chen lấn, đến nhận từ tay bác những gói quà quê hương, từ mẹ, từ vợ, từ chồng con, em gái, bạn bè…Nét mặt của những người nhận quà cũng rưng rưng xúc động y hệt nét mặt của những người thân khi gửi. Và họ đều nhìn bác với ánh mắt tin cậy, chan chứa yêu thương và biết ơn, lòng biết ơn đối với cây cầu nối duy nhất giữa chốn người với quê nhà. Một góc phố nhỏ lao xao một lúc với những xướng danh tên họ người nhận, những cái tên, cái họ đặc thù của người Moldovian vang lên giữa đất khách quê người, rồi một chút thôi, mọi người tản đi các ngả, tan biến đi sau những tượng đài, thành quách. Chỉ còn lại trầm tư một tháp nhà thờ có bầu tròn với chóp nhọn của dòng Pravo-Slavia đứng khiêm nhường góc phố. Lái xe quay về, đôi khi lòng bác tài xế trống rỗng một nỗi buồn: những thân phận bé nhỏ của một đất nước nhỏ bé xa xôi.
Ania có mặt trong số người đến nhận quà hôm đó. Cô vừa nhận lọ dưa chuột muối từ tay bác tài xế, vừa tranh thủ hỏi thăm mẹ. Bác tài xế cười: “Khăn mũ kín mít, nào tôi có nhìn được rõ mặt! Nhưng rõ ràng là khỏe mạnh, cô cứ yên tâm! Mới lại còn có cậu con trai đi cùng, nhanh nhẹn, xốc vác ra trò! Cậu em cũng nhớ chị gái lắm. Rõ là cậu ấy rất xúc động, nhưng lại chả nói lời nào!”
Ania vác lọ dưa chuột muối rảo bước trên con phố nhập nhòe ánh đèn đường. Bầu trời đêm về sáng thăm thẳm sẫm. Những vệt sáng đầu tiên của một ban mai sắp đến, tạo ra những vết rạn trên bầu trời, giống như những nét văn hoa trên chiếc bình gốm xanh. Và mặt đường rải nhựa đen cũng như bầu trời vậy, loang lổ, lốm đốm cắt cứa bởi những vệt sáng đèn đường. Trong giây phút, cô không rõ mình đang bước đi trong thế giới nào, quá khứ hay hiện tại, phố phường hay đồng quê…Nhưng cô khao khát ước mong chân cô đang đi về phía ấy, chỉ một lúc nữa thôi là con đường làng hiện ra, cũng loang tối, loang sáng như thế này, rồi vài bước nữa thôi, cổng nhà của cô hiện ra. Trong đêm cái cổng có hàng rào bằng gỗ sậm màu, đứng yên lặng, hiền lành giống như những cánh tay dắt lấy nhau, hoàn toàn không gợi đến những bức rào ngăn chặn…
Cũng vào những buổi sáng tinh mơ như thế này, ngày cô còn đi học ở Kisinhop, mẹ thường đưa cô ra đến đầu làng để đón xe trở lại trường. Hai mẹ con, một dáng to, đậm, một dáng thanh nhỏ bước thấp, bước cao trên con đường đất oằn mình bởi những vết hằn sâu, ngoằn ngèo của bánh xe bò, xe ngựa. Trời lành lạnh và lãng đãng sương. Đôi khi nghe tiếng mẹ ho khục khục sau lớp khăn len che kín cả miệng. Làng quê vẫn còn trong giấc ngủ, nhưng vẫn cứ có cảm giác có gì đó luôn thao thức, phập phồng. Hình như là hơi thở của đất, hình như là trằn trọc hạt mầm nằm dưới lòng sâu, hình như là tiếng thở dài của con bò cái già, hay đó là chút bồn chồn của lửa ủ đêm trong bếp… Ania hít thật sâu không gian ấy, bịn rịn như là những âm thanh ấy đang tiễn đưa cô, đang nhìn cô với đôi mắt vừa buồn, vừa thao thiết.
Bây giờ thì cô đang đi về nhà chồng, và trên con đường gập ghềnh, trong ánh sáng chập chờn của một ngày sắp lên ấy, mẹ và người ấy đi về làng! Trời ơi, nếu được vùng chạy ngược trở lại, níu lấy tay mẹ, rồi cả ba người được bước lại con đường giăng mắc sương sớm đó, để rồi đến trước cổng nhà cô! Và người ấy sẽ lại tự tay gạt cái then cổng bằng thanh gỗ mỏng, mở rộng cánh cổng cho cô bước vào, chúc cô một điều gì đó, thật chân thành, ví như: chúc một ngày tốt lành, rồi lặng lẽ bước đi, nén tất cả tình cảm thầm kín trong một lời ước nguyện: Người tôi yêu được hạnh phúc!
Ania sinh con trai đầu lòng. Cậu bé khôi ngô quá. Khuôn mặt như tượng tạc, với mớ tóc loăn xoăn của con trai vùng Địa trung hải. Antonio hạnh phúc vô ngần! Anh thận trọng hôn lên trán vợ mỗi lần gặp nhau với lời cảm ơn ồn ào. Anh chụp ảnh cậu con trai nhỏ từng ngày, nếu là ngày nghỉ, thì có thể từng giờ: khi cậu bé ăn, ngủ, ngáp, khóc và cười. Mỗi tháng, anh đều tổ chức ăn mừng cậu con trai thêm một tháng tuổi. Anh nâng niu cất giữ những cái nút chai champagne, khắc trên cái nút bần đó từng ngày tháng, đánh dấu mỗi bữa tiệc mừng. Anh mang về bao nhiêu quần áo, những cái mũ phớt xinh xinh, những bộ costume có cả những chiếc áo ghi-lê hệt như của người lớn. Ania vừa bật cười, vừa cảm động khi nghe được câu chuyện của Antonio với một người bán ngựa, anh muốn đặt mua sẵn một con ngựa đen, để khi con trai 4 tuổi, anh sẽ dạy cho con bài học cưỡi ngựa đầu tiên.
Nhưng cái hộp nhỏ xinh xinh đựng các nút chai champagne chỉ đón cái nút chai thứ 5. Vào tháng tuổi thứ 6, bác sĩ vô cùng thất vọng đưa cho Antonio giấy khám nghiệm của cậu con trai: cậu bị bại liệt.
Thế giớ đổ vỡ hoàn toàn trong Antonio, trong nhà giống như tang tóc. Không có tiếng cười, không có cả tiếng nói. Im lặng nặng nề. Đau khổ, thất vọng, chán chường đè bẹp Antonio. Anh thường đi cả ngày và về nhà rất khuya. Anh hầu như tránh buồng trẻ. Ania biết anh chưa thể chấp nhận một sự thực phũ phàng. Rằng anh đang đầu hàng thực tại. Anh trở nên lầm lì, và gắt gỏng. Ania nuốt tất cả nỗi đau đớn, buồn bã, để an ủi Antonio. Bạn bè cũng ở bên anh, nhưng không ai vực được anh dậy. Antonio bắt đầu uống, và anh làm cô có cảm giác chính là cô có lỗi về đôi chân tàn tật của con trai. Cậu bé càng lớn càng dễ thương, thông minh và vô cùng tình cảm. Đó là gương mặt của một Thiên thần. Hoặc là Thiên thần đã bù lại cho cậu bé kém may mắn, gương mặt ấy. Nhưng không gì bù đắp được cho Antonio. Anh cay đắng nói với bạn bè: “Ai sẽ cưỡi lên con ngựa đen tuyền này?”, và gục đầu trong giàn dụa nước mắt. Ania thường có ý mang con đến bên anh những lúc thằng bé thật rạng ngời, lúc nó thể hiện những cử chỉ âu yếm cha mẹ. Và bao giờ cũng vậy, ruột cô đứt nghẽn trước thái độ của chồng. Thậm chí anh đã trở nên ghê sợ, và trốn tránh khỏi con. Hai mẹ con cô sống như cấm cung trong khu biệt thự rộng. Không kẻ lui tới, và anh cũng không đồng ý cho mẹ con ra ngoài. Anh sợ, anh ngượng, anh không muốn ai nữa nhìn vào nỗi đau của mình.
Ania đau đớn nhận thấy đã tròn 1 năm rồi mà thằng bé chưa có một đôi giày nào. Nỗi đau ngấm lịm trong lòng, khi cô nhớ đến tuổi thơ, mẹ dạy cho cô đan len, và cô thường đan những đôi giày nhỏ xíu với bao nhiêu màu len rực rỡ. Lúc đó cô đã ngắm những đôi giày len bé tí, mà không thể nào hình dung nổi bàn chân trẻ con sao bé thế. Cô đã từng mơ ước đan cho con của mình đôi giày như thế. Cô xúc động nhớ đến những đôi giày tuổi thơ của mình. 11 tháng tuổi cô bước những bước chân đầu tiên, đôi giày mẹ tự khâu bằng tấm lông cừu. Một tuổi, một tuổi rưỡi, hai tuổi…giày đi trong nhà, giày đi ngoài đường, những đôi giày lớn lên theo bàn chân cô, và luôn được mẹ xếp ngay ngắn, trang trọng bên những đôi dày rộng và dài như chiếc thuyền của mẹ. Ania thèm được nhìn thấy những đôi giày của con trai cô. Giờ đây, đó là sự trớ trêu. Nhưng cô rất muốn mua giày cho con trai, mặc dù biết bàn chân của con trai cô sẽ không bao giờ tự bước đi trong đôi giày ấy. Dù thế nào, con người ta cũng sống một cuộc đời, có những bộ áo quần, xỏ chân vào những đôi dày, có thể chỉ là những đôi giày giành riêng cho bàn chân ấy. Ania muốn chia sẻ nỗi thiệt thòi của con, cô không muốn tước bỏ đi những gì cần có của đôi bàn chân bất hạnh ấy. Cô không cần ngựa và xe, cô không cần những hình ảnh cao sang quyền quý của những cậu ấm nữa, vả chăng cô đã chấp nhận thực tế của mình. Cô chỉ cần những đôi giày âu yếm bao bọc, nâng niu đôi bàn chân bất hạnh của con trai.
Vào buổi sáng đáng nhớ đó, cô đã mang về nhà rất nhiều đôi giày. Cô âu yếm đặt từng đôi, xếp hàng bên nhau, ánh mắt người mẹ trẻ như biết ơn, như dặn dò từng đôi giày nhỏ hãy bao bọc, chở che cho đôi bàn chân của đứa con trai bé bỏng. Antonio đã nhìn thấy tất cả, và nỗi đau trào lên thành nỗi bất lực. Anh giận dữ đá tung những đôi giày nhỏ, rồi ôm mặt khóc. Anh bảo: đó là sự mỉa mai đau đớn nhất, anh không thể chấp nhận. Những đôi giày, những đề nghị cho con được dạo chơi bên ngoài, hay được đến nhà bạn bè thân làm khách, hoặc tham dự tiệc tùng… là sự cười cợt đối với anh.
Khoảnh khắc đó, Ania kiêu hãnh nhìn vào đôi mắt đang dại đi vì đau khổ, hèn nhát của Antonio, và hiểu rằng, chỉ có thể là cô mới có thể cõng trên vai mình cuộc đời của đứa con trai bất hạnh.
Thủ tục li hôn được tiến hành nhanh chóng, không hề ồn ào. Cả điều này nữa Antonio cũng không muốn ai kịp biết nỗi bất hạnh của cuộc đời anh, một cuộc đời đã không thể theo ý anh sắp đặt, không còn giống những mơ ước ấp ủ bấy lâu của anh. Anh chạy trốn, chạy trốn chính thằng con trai bé bỏng, và chính mình: một người đàn ông lớn, nhưng bất lực trước mất mát của bản thân. Ania hiểu rằng chồng cô yêu một gia đình hạnh phúc: vợ đẹp, con khôn, ấm êm và đẹp đẽ. Nhưng anh không thể mang vác một gia đình, cưu mang một số phận. Cuộc sống của anh chỉ cần niềm vui, và không thể chấp nhận thua thiệt. Anh cần những con người sáng láng để làm nên những lễ hội lộng lẫy, sang trọng, nhưng lại không biết mang lễ hội đến bù đắp, và an ủi con người.
…Và bây giờ, Ania đang dắt con bước trở về đường làng, nơi cô biết chắc chắn rằng những yêu thương, thông cảm, đùm bọc sẽ nâng bước chân con trai cô. Chỉ ở nơi đó, con cô mới cảm thấy hạnh phúc được làm người.
…Người thiếu phụ gần như áp chặt mặt mình vào ô cửa kính bé tí của máy bay. Nước mắt chị giàn dụa làm mờ đi cả ô cửa. Nhưng sau làn nước mắt ấy, làng quê cứ hiện rõ dần. Chị đã nhìn thấy sườn đồi thoai thoải, những hàng nho đứng dựa vào lưng đồi, dưới thung lũng một mặt hồ lặng sáng như một tấm gương soi. Những cánh đồng đã gặt quang, cỏ khô vun thành đụn, những cọng cỏ khô hẳn đang thiêm thiếp ngủ. Chị đã nhìn thấy, hay chỉ là ảo ảnh, dáng mẹ bồn chồn, đi ra, đi vào, thỉnh thoảng lại đứng ngẩng cổ dõi lên trời cao, mẹ mong nhìn thấy đôi cánh máy bay, con chim tốt bụng chở niềm thương yêu của mẹ trở về, đứa con và đứa cháu, máu mủ ruột thịt của mẹ. Chị bỗng thèm đến nao lòng được thấy chàng trai ấy mở cánh cổng nhà chị, cho chị bước vào, rồi khẽ nói một lời chúc - thầm thì và chân thành: “Chúc một ngày tốt lành”!
Kim đồng hồ chỉ đúng 4 giờ chiều. Vậy là đã muộn gần 30 phút. Chiếc máy bay vẫn chưa cất cánh, kiên nhẫn khởi động ì ầm trên sân bay. Hành khách đã lao xao sốt ruột, những ánh mắt khó chịu mệt mỏi thỉnh thoảng rướn lên nhìn về phía cửa buồng lái. Tôi đã quen, và đã đoán được nguyên nhân chậm trễ. Tôi bay thường xuyên, và nhận thấy những chuyến bay từ Tây Âu về Moldova thường phải đợi, đợi những hành khách đặc biệt. Lần đầu phải đợi, tôi khó chịu lắm, khi cuối cùng nhìn thấy ở cửa trước một cô gái trẻ, xinh đẹp ăn mặc rất mốt với những chiếc túi hàng hiệu to tướng, lủng củng bên người, với son phấn, rực rỡ đến tận ngón tay, ngón chân. Nhưng trên những gương mặt trẻ trung ấy lại phảng phất chút buồn vô hồn. Hộ tống theo cô, không phải là vệ sĩ, mà là công an biên phòng của nước sở tại. Đó là những cô gái trốn đi làm việc ở nước ngoài, chẳng may bị bắt vì không có giấy tờ hợp lệ, và bị cưỡng chế xuất cảnh khỏi nơi làm việc, những công việc chẳng cao sang gì.
Đã nhiều năm nay dòng người xuất khẩu lao động ra nước ngoài từ Moldova viết lên những con số đau lòng. Toàn là phụ nữ trẻ đẹp, đang độ tuổi làm việc và sinh nở. Họ tìm mọi cách để ra nước ngoài làm việc mong kiếm được tiền giúp bố mẹ già hoặc chồng con đau yếu. Cũng có những cô gái chỉ cốt kiếm tiền mua được căn hộ, để cả đời yên tâm làm việc và sinh con. Tôi đã gặp nhiều cảnh đời như thế, nên giờ đây, chỉ thấy nhói lên niềm xót xa, thông cảm, giận ít, thương nhiều.
Lần này, hành khách muộn giờ là một thiếu phụ còn rất trẻ, bế đứa con trai trên tay. Nếu không phải là cặp mắt buồn, vương nhiều tâm sự, khó lòng đoán được chị đã là mẹ. Chị mang theo rất nhiều túi, hầu hết là những bọc ni-lông, đựng căng phồng quần áo và đồ chơi trẻ con. Chị lên máy bay không có cảnh sát hộ tống. Chỉ là sự chậm trễ, chắc do lý do cá nhân. Khi máy bay cất cánh, chị bỗng ôm chặt đứa con vào lòng và giàn dụa nước mắt. Cậu bé trai rất đẹp, khoảng chừng tuổi rưỡi, có mớ tóc xoăn vàng tơ, ngước đôi mắt ngây thơ xanh biếc mở to, nhìn mẹ, đôi bàn tay bụ bẫm, non nớt ôm lấy hai má mẹ dỗ dành: - “Mama, sao lại khóc, chúng mình đi về nhà mà!”. Chị nhìn con mỉm cười mà nước mắt vẫn tuôn chảy: - “ Đúng rồi, về nhà mình!”
Khi cậu bé đã ngủ ngon lành trên tay mẹ, tôi được nghe tâm sự của chị - cô gái 21 tuổi của 4 năm trước- Ania
(Hết)
· Sáo Nai - một nhạc cụ của người Rumani và Moldova, ghép bằng các ống nhỏ từ một loại gỗ đặc biệt. Dùng hơi để thổi, âm thanh nghe giống tiếng sáo, tiêu của người Việt.
· Bản tình ca “Chàng Mục đồng cô đơn”: Джеймс Ласт--Одинокий пастух https://www.youtube.com/watch?v=8Tg9O_R5WH
-
Người post: HuyenBT
Ngày đăng: 03-01-2015 02:02
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |