KGU News >>Văn học
KGU Tạo bài viết  
Chủ nhật 25 Tháng một. 2015

CẢM NGHĨ VỀ NGƯỜI LÍNH CÔNG BINH




Tác giả: CucNT



CẢM NGHĨ VỀ NGƯỜI LÍNH CÔNG BINH.

 

 

Tết sắp đến, đối với mỗi người đều là niềm vui, nỗi háo hức mong đợi vì đã đi qua được 1 năm và năm mới tới sẽ có nhiều ước mơ, kế hoạch, hoài bão mới. Riêng đối với 12 công nhân công ty Cổ phần Sông Đà trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng cách đây hơn 1 tháng thì cái Tết năm nay đúng là 1 cái Tết vui nhất trong đời họ bởi suýt chút nữa thôi, họ đã không bao giờ còn được đón giao thừa tiễn biệt năm cũ , đón chào năm mới cùng người thân và gia đình bạn hữu.

7 giờ sáng ngày 16/12/2014 tại công trình Nhà máy Thủy điện Đạ Dâng- Đa Chomo tại thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) đã bị sập. Điểm sập hầm cách cửa hầm khoảng 500 m  hầm sâu khoảng 6 m, chiều dài đường hầm khoảng 700 m, có 12 công nhân bị mắc kẹt bên trong. 

Báo chí đồng loạt đưa tin, toàn thể nhân dân hồi hộp theo dõi từng phút giây kết quả giải cứu công nhân. Công tác giải cứu rất được sự quan tâm  của dư luận, lãnh đạo nhà nước, chính phủ và các bộ ban ngành. Báo chí cập nhật tin tức từng giờ, mỗi người đều hồi hộp ngóng tin. Khi biết tin 12 người còn sống và đã khoan đước mũi khoan để đưa không khí và thức ăn vào, tất cả đều le lói hy vọng. Đông đảo lực lượng công nhân của tập đoàn khoan Khoáng sản Việt nam, Lực lượng PCCC Tp. HCM, các y bác sỹ hối hả làm việc. Một mũi khoan từ đỉnh hầm xuống nhưng rồi tất cả trở nên tuyệt vọng vì mũi khoan bị gãy khi đào sâu được 40m, mũi khoan thứ 2 cũng bị gãy khi mới đào sâu được 12m. Một ngày trôi qua, ngày thứ 2 đang tới, nước đang dâng lên trong hầm, nếu không kịp thời, các công nhân sẽ chết ngạt mất thôi. Mỗi lo lắng hằn sâu trên mặt những người cứu hộ và cả những người đang theo dõi trên khắp mọi miền đất nước. Bạn tôi là phóng viên, ngày đêm bám trụ để kịp thời đưa tin kể rằng ngày thứ 2 khi đang vô cùng hoang mang thì binh chúng công binh đến, tất cả reo lên “Bộ đội đến! Bộ độ đến nhất định sẽ cứu được anh em”. Trong giây phút gay cấn nhất, người dân bao giờ cũng hy vọng vào những người con ưu tú nhất của dân tộc. Và lực lượng công binh đã làm nên đều kỳ diệu đó.

4 ngày đêm đã trôi qua, các phương án đều rơi vào bế tắc vì nền đất rất phức tạp. Các đơn vị cứu hộ phải cung cấp sữa và cháo cho các nạn nhân thông qua ông dẫn trong 4 ngày đêm. Theo dự kiến của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, đến sáng 20/12 hai ngách phụ của cửa hầm chính sẽ thông đến nới các nạn nhân bị nạn. Tuy nhiên bất ngờ đến 16g30 cùng ngày khi lực lượng công binh đào ngách trái được khoảng 15m thì phát hiện tiếng động phía trong, họ đã hối hả đào liên tiếp và 1 lỗ hổng được hiện ra, 12 người được giải cứu trong tiếng hò reo và cả những giọt nước mắt nóng hổi thánh thót rơi của tất cả gần 800 người đang có mặt tại hiện trường.

 

Giải cứu  được 12 nạn nhân là công lao của nhiều lực lượng, tuy nhiên lức lượng công binh đã  đóng vai trò quan trọng nhất. Thành công này 1 lần nữa gợi dậy trong lòng người dân niềm tin yêu vô hạn đối với người lính công binh.

Binh chủng công binh được thành lập vào ngày 25/03/1946.  69 Năm qua, Bộ đội công binh đã lập được nhiều thành tích, chiến công trong các cuộc kháng chiến  chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bảo vệ xây dựng Tổ quốc.Năm 1952,  Bác Hồ tặng Bộ đội Công binh lá cờ thêu 4 chữ vàng “Mở đường thắng lợi”. Bộ đội công binh không phải là những người lính cầm súng trực tiến chiến đấu với kẻ thù  nhưng họ đã đóng 1 vai trò vô cùng quan trọng trong những  cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Công việc của công binh không phải ai cũng biết vì nó âm thầm lặng lẽ xây dựng các công trình chiến đấu, công trình phòng thủ, làm các con đường đảm bảo huyết mạch giao thông vv. Bộ đội công binh đã có mặt kịp thời ở các địa bàn xung yếu, các trọng điểm ác liệt, các trục đường chiến lược quan trọng, vượt qua mưa bom bão đạn lao động quên mình, chiến đấu dũng cảm, ngày đêm xẻ núi san đồi, xây phà, bắc cầu, phá bom nổ chậm vv. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói “Ở Điện Biên Phủ ta phải đưa cả mặt trận xuống lòng đất để đánh Pháp và thắng Pháp, ngày nay chúng ta phải đưa cả dân tộc xuống lòng đất để đánh Mỹ và thắng Mỹ”. Và điều đó đã trở thành sự thật.

 

Tôi xem phim “ Mùa hoa ban đỏ” kể về chiến dịch Điện Biên Phủ, chỉ bằng tay  không với cuốc xẻng, với ý chí sắt đá  những người lính công binh đã đào núi lấp sông, đưa hàng vạn  vũ khí đạn dược súng ống xe tăng lên chiến trường. Đặc biệt, tôi nghẹn lòng khi xem cảnh những người lính công binh bằng những chiếc cuộc xẻnh, dưới làn đạn địch đã đào sâu vào trong lòng đồi A 1. Đào càng vào sâu, không khí càng ít, mọi người phải vừa quạt vừa đào và trong cái hố sâu tối om ấy, họ đào mãi và ngơ ngác không biết mình đang đào lên hay đào xuống.  Thế nhưng với trí sáng tạo  tài tình Bộ đội Công binh đã  đào đoạn đường hầm dài gần 50m, bố trí lượng nổ gần 1000kg điểm hỏa đánh sập đồi A1 làm hiệu lệnh cho quân ta tổng công kích đợt cuối cùng tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

"56 NGÀY ĐÊM KHOÉT NÚI, NGŨ HẦM'

Khi trận Điện Biên Phủ kết thúc, đoàn tù binh đi qua những con đường  về trại tập trung, đã nhận xét: "Riêng với việc làm được những trục đường này, các ông cũng đủ thắng chúng tôi rồi!".

Một viên tướng Pháp đã phải thừa nhận rằng: “Cái xẻng và cái cuốc của Việt Minh là những vũ khí mạnh không kém gì máy bay và xe tăng”.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước Bộ đội công binh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” Bộ đội công binh làm nòng cốt với thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến xây dựng nên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại mà cho đến muôn đời sau, đây vẫn là một  đề tài vô hạn cho các nhà lịch sử, nhà thơ nhà văn, đạo diễn vv lấy nguồn cảm hứng cho sáng tác của mình.  Với tinh thần dũng cảm, trí sáng tạo tuyệt vời bộ đội công binh đã xây đường, đào hầm, làm địa  đạo vv bảo đảm kịp thời cho các binh đoàn thần tốc táo bạo tiến công đánh địch trên khắp các chiến trường dẫn tới thắng lợi vẻ vang của toàn dân tộc vào ngày 30/4/1975 giải phóng hoàn toàn Miền Nam Việt Nam thu non sông về một mối.

XẺ DỌC TRƯỜNG SƠN ĐI CỨU NƯỚC.

Giặc Mỹ đã cút khỏi đất nước ta, hòa bình lập lại, những người lính tạm gác cây súng cùng dân tộc xây dựng Tổ quốc trong hòa bình dưới vòm trời trong xanh không tiếng súng. Nhưng đối với những người lính công binh lại tiếp tục làm nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình. Sau những năm tháng chiến tranh dài đằng dặc, một lượng rất lớn bom đạn chưa nổ của đối phương đang còn phục kích trong lòng đất. Người ta tính rằng với tốc độ rà phá bom mìn như hiện nay, thì khoảng 100 năm nữa, đất nước ta mới gỡ hết những cái bẫy giết người đang nằm trong lòng đất. Để mỗi tấc đất của Tổ quốc được bình yên, người lính công binh phải đổ xuống bao nhiêu mồ hôi nước mắt và cả máu. Vẫn còn những người lính phải hy sinh vì bom đạn khi chiến tranh đã lùi xa.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý đã viết nên những vần thơ:

“Các anh trở lại trường Sơn,

Những cánh rừng còn nhiều bom đạn địch

Quả bom ba ngìn bảng Anh,

Dưới gốc dẻ già chưa ai tháo kíp

Trái từ trường ba mươi năm, giữa tim đường giấu mặt nín thinh

Đạn pháo phục kích đáy rừng xanh

Bom bi lẫn vào lá mục, taluy đường, suối nước.

Cái chết vẹn nguyên trong lấm láp vỏ gang

Chỉ sơ sểnh là chớp nhoàng, gió rít.

Với các anh cuộc chiến chưa chấm dứt,

Những người lính công binh chưa có hòa bình.”

 

Trãi qua chuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt, trên dãi đất hình chữ S xinh đẹp này vẫn còn ẩn chứa chết chóc dưới màu xanh cỏ cây. Để trả lại sự sạch sẽ và bình yên cho mặt đất người lính công binh đã chấp nhận hiểm nguy để hoàn thành nhiệm vụ.

Trên những công trình phòng thủ đất nước, trong những cuộc tìm kiếm cứu hộ cứu nạn do thiên tai gây ra người lính công binh vẫn thường xuyên có mặt.

Mấy năm gần đây, biển đông dậy sóng, tôi mới được biết về trận chiến Gạc Ma. Trận chiến xảy ra ngày 14/03/1988, cách đây đã gần 30 năm nhưng mãi gần đây tôi mới biết.

Sau tết Nguyên Đán,  các chiến sỹ trung đoàn Công binh 83, ( quân chủng Hải quân) cùng với lực lượng bảo vệ đảo của lữ đoàn 146 ra Trường Sa cắm mốc chủ quyền và xây dựng Đảo chìm ở Trường Sa. Xuồng vận tải chở vật liệu xây dựng  xuống đảo, một nhóm chiến sỹ gồm Trung úy Phương và 4 đồng chí khác nhận lệnh cắm cờ Tổ quốc lên đảo khẳng định chủ quyền.

 

TÀU HQ 604 RA ĐẢO GẠC MA LÀM NHIỆM VỤ THÁNG 3/ 1988.

 

Đột nhiên tàu Trung quốc chạy tới, thả từng tốp lính mang AK lên đảo. Trong tay các chiến sỹ công binh chủ yếu là cuốc xẻng, không có súng ống. Những người lính Hải quân và công binh của chúng ta đứng thành 1 vòng tròn quây quanh lá cờ của Tổ quốc (sau này đồng đội và nhân dân gọi bằng cụm từ thiêng liêng “vòng tròn bất tử”). Tên lính Trung Quốc chĩa súng vào bụng trung úy Phương bóp cò. Tuy bị thương, tay anh vẫn cầm chặt lá cờ và hô vang “Hãy để máu của chúng ta nhuộm đỏ biển đông chứ cương quyết không để mất đảo”.Trung Quốc đã chuẩn bị đánh chiếm bằng tàu chiến súng ống, còn chúng ta chủ yếu là công binh ra xây dựng đảo.Trong trận chiến không cân sức đó, 64 chiến sỹ của chúng ta đã hy sinh, Trung Quốc chiếm được đảo Gạc Ma, chúng ta giữ được Cô Lin và Len Đao. Tôi xem video về trận chiến này và bật khóc rưng rức khi hình ảnh chiếc tàu to lớn của Trung Quốc nhả đạn dữ dội vào con tàu nhỏ của Việt Nam và con tàu  từ từ chìm xuống trong lòng biển khơi.

Những người lính đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, các anh đã dâng hiến đời mình ở tuổi 20 cho Tổ quốc , nhân dân sẽ đời đời ghi nhớ công ơn của các anh.

Tiếc rằng, bao nhiêu năm qua, trong những trang sử của dân tộc chưa viết những dòng này. Bản thân tôi, dù rất yêu môn lịch sử và thường đọc các tư liệu lịch sử nhưng chỉ mấy năm gần đây mới biết được khúc bi tráng ca này. Có bao nhiêu người như tôi? Khi ta chưa biết đến, vô tình ta có lỗi với bao người lính đã hy sinh vì sự vẹn toàn của hải lãnh quốc gia.

 Binh chủng công binh đã sắp sửa kỹ niệm 70 năm ngày sinh nhật. 70 năm ấy, bao chiến công hiển hách và bao hy sinh thầm lặng các anh đã trãi qua, tiếc rằng những trang viết về công bình chưa nhiều. Chúng tôi được đọc nhiều những vần thơ, trang văn, những bộ phim ca ngợi anh bộ đội Cụ Hồ. Hình tượng người lính xuyến suốt các tác phẩm văn học là những người con anh dũng kiên trung, cầm chắc cây súng trong tay “Nhằm thẳng kẻ thù mà bắn” với lẽ sống cao cả “Đời đẹp nhất là trên trận tuyến chống quân thù” (Lê Mã Lương). Tuyệt nhiên rất ít những tác phẩm văn học  khắc họa  trọn vẹn về những công việc khó khăn gian khổ và những tấm gương anh dũng tuyệt vời của người lính công binh dù họ chính là những  người góp công to lớn làm nên chiến thắng.

Hồi hộp theo dõi cuộc giải cứu những người công nhân trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng, đọc những dòng tin về tinh thần “vì nhân dân quên mình” của những người lính công binh, trong tôi trào dâng 1 xúc cảm trân trọng kính yêu, cảm phục người lính  công binh, tôi ngoái lại nhìn về lịch sử, sơ lược vài dòng về binh chủng công binh với ước mong sao cho: “Không có ai bị quên lãng và không có cái gì bị lãng quên”.

Tp. HCM tháng 12/2014

Cucnt.

 

 

 

 

 


Người post: CucNT

Ngày đăng: 25-01-2015 10:10






Xem 1 - 10 của tổng số 15 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: KhanhT
19/02/2015 19:40:39

 


Hôm nay ngày 1 Tết Ất Mùi đọc được bài này, ấn tượng quá, mới thấy sự quan tâm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người Anh Cả của quân đội nhân dân Việt Nam, đã dày công xây dựng nên một đội quân kiên cường, dũng cảm, với đầy đủ quân binh chủng hùng mạnh, trong đó có công binh và đặc biệt nữ công binh:


"Món quà đặc biệt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp


Thứ Năm, 19/02/2015 - 10:20


http://dantri.com.vn/xa-hoi/mon-qua-dac-biet-cua-dai-tuong-vo-nguyen-giap-1032488.htm 


Mở hộp quà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những nữ công binh của Trung đội “thép” ôm nhau bật khóc. Một thùng chứa đầy những bánh xà phòng, túi bồ kết, súc vải màn – những thứ tối cần thiết đối với phụ nữ trên chiến trường. Vậy mà Đại tướng của họ, bận trăm công nghìn việc vẫn biết, vẫn nhớ và quan tâm đến họ với thứ tình cảm của người mẹ dành cho con..."



 Những nữ công binh thép năm xưa:



 



Từ: CucNT
02/02/2015 17:05:42

Cảm ơn Chị Thoa, anh Vinh ( guest DCHT) đã cùng em xúc cảm trước người lính công binh. 


Cảm ơn chị Liên đã đưa thêm thông  tin về người lính công binh nói chung và bác Phạm Hoàng nói riêng. Những công việc của người lính công binh thật vĩ đại và đó là những người có trí tuệ hiển hách và 1 trái tim tràn đầy tình yêu tổ quốc nhân dân.


Vedeo của anh Khánh giúp chúng ta hình dung công việc, cuộc sống của người linh công binh trãi qua bao khó khăn gian khổ.


Bản nhạc của anh Hải hơn bất cứ ngôn từ hay nhất nào ca ngợi về người linh công binh. 


Cảm ơn tất cả ACE đã cùng em Cúc khẳng định một điều " Không có ai bị quên lãng và không có cái gì bị lãng quên"



Từ: 3Chai
31/01/2015 04:52:28



Công binh HẢi Quân


(Lời những người trong cuộc)


Nắng thì thôi rồi


Lột da ba lần mới thôi (*)


Biển thì mặn chát


Tím ngắt những bàn chân


ĐK


Công binh Hải quân


Vai không bồng súng


Vác tình quê hương nén vào từng viên đá (**)


Công binh Hải quân


Vai không bồng súng


Vác tình quê hương giữa biển Đông!


 


Bên lá cờ son


Giằng tay nhau phút cuối cùng (***)


Tận trung vì nước


Chiến sĩ Công binh Hải quân


ĐK


 


Hôm qua đảo chìm


Mà hôm nay đã nổi (****)


Nào ta nằm lên


Ta ngắm đất trời Tổ quốc


___


Lời những người trong cuộc (Tuổi Trẻ):


(*) “Nắng lột da ba lần thì thành cựu binh”. Lời truyền khẩu của lính Công binh Hải quân.  


(**) “Nén chặt trong mỗi viên đá này là tình cảm của hàng triệu người dân trên mọi miền Tổ quốc dành cho các chiến sĩ Trường Sa”. Lời Đại tá Nguyễn Viết Nhất Chính ủy Trung đoàn 131 Công binh Hải quân nói về chiến dịch Góp đá xây Trường Sa, 19/9/2011.


(***) “Thà hy sinh nhất quyết bảo vệ đảo”. Lời Trung úy Anh hùng Trần Văn Phương, người cầm cờ, với các đồng đội Trung đoàn 83 Công binh Hải quân trong khi họ giằng tay nhau thành vòng tròn bất tử bảo vệ cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma, 14/3/1988.  Giặc Trung Quốc chiếm đảo này sau khi thảm sát 64 chiến sĩ Việt Nam và bây giờ chúng đang hút cát từ đáy biển lên xây dựng thành căn cứ quân sự bao gồm cả một sân bay dã chiến.


(****) “Từ bây giờ Đảo Chìm sẽ không chìm nữa”. Lời kỹ sư Đại Quang Trung tại đảo chìm Đá Tây, 2/10/2011, trong khi những viên đá từ đất liền gửi ra được đắp cao dần lên thành đảo nổi, có những chiến sĩ Công binh Hải quân đã vui sướng nằm lên đá ngửa mặt nhìn trời.    




Từ: ThoaNP
30/01/2015 22:32:07

Đúng là những người lính thầm lặng. Nhờ bài của Liên mình mới biết về cuộc đời và những chiến công của Bác Phạm Hoàng. Cảm ơn em LiênTP.


Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc mình còn biết bao những tấm gương hy sinh thầm lặng nữa.


Một trong những kế hoạch (trong list dài dằng dặc của mình) là đọc lại lịch sử Việt Nam, vì tự thấy mình quá dốt lịch sử. Hồi trước đọc các bài viết của Thục (CL77) về nhà Trần, rồi xem các phim lịch sử của nước nhà, ... mình cũng lẫn lộn lung tung. Năm kia bỏ cả một buổi đọc hết các pano về lịch sử VN ở đường hoa Nguyễn Huệ, thấy cũng mở ra được nhiều lắm ngay lúc đọc; nhưng sau vài ngày lại quên gần hết rồi. Trí nhớ giờ tệ quá.


Cảm ơn em Cúc lần nữa vì đã nhắc nhở:


Không có ai bị quên lãng và không có cái gì bị lãng quên!



Từ: LienTP
30/01/2015 12:21:29

 


 


 


Cảm ơn em Cúc. Đọc bài của em chị thật tự hào về những người lính công binh, thời chiến cũng như thời bình, đều có những chiến công vĩ đại. Và chị cũng rất vinh dự là con của một trong những người lính Trung đoàn Công binh đầu tiên. Sau này phát triển mạnh, Trung đoàn trở thành Cục Công binh, rồi thành Bộ tư lệnh Công binh. Những người lính công binh với những công việc gian nan vất vả và rất thầm lặng và cũng đòi hỏi trí tuệ khoa học. Những người lính với trí tuệ khoa học tuyệt vời.



Bác Phạm Hoàng là một trong những người đó. Bác Phạm Hoàng (1911-1979) tức Phạm Khắc Hệ, Trung đoàn trưởng đầu tiên, sau này là Tư lệnh trưởng đầu tiên của bộ đội công binh Bác là kiến trúc sư, tốt nghiệp cùng khóa Kiến trúc sư Đông dương với Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát năm 1937. Bác tham gia cách mạng, khởi nghĩa tháng 8 , 1945, làm việc ở cơ quan Trung ương và được cử sang Bộ quốc phòng  bắt tay vào xây dựng và chỉ huy ngành Công binh của quân đội. Bác được mọi người gọi tên là Ba Hoàng một cách trìu mến. Mọi người luôn bị thu hút bởi tấm lòng đôn hậu, sự quan tâm chăm sóc tận tình và thái độ chân thành cởi mở của bác. Trong kháng chiến chống Pháp, bác cùng quân dân tìm điểm yếu của cầu để phá cầu Phú Lương (Hải Dương) năm 1946, cầu Bản Trại (Đông Khê), năm 1950, chặn các cánh quân chi viện ứng cứu, rút chạy của Pháp. Từ đấy cho đến 1954, bác lãnh đạo bộ đội dân công  mở những con đường độc đạo xuyên núi rừng trùng điệp đảm bảo cho Bộ binh, Pháo binh hành quân. Để ngăn chặn quân ta, Pháp dùng máy bay ném bom đánh phá liên tục các tuyến đường, đặc biệt các khu vực trọng yếu. Chúng thả rất nhiều bom nổ chậm bom từ trường, mìn bươm bướm. Việc rà phá tháo gỡ các loại bom mìn là một nhiệm vụ rất mới mẻ và hết sức cấp bách, quan trọng đối với bộ đội công binh. Bác Ba Hoàng đã thành lập đội xung kích gan dạ, dũng cảm, có trình độ kỹ thuật cao, nghiên cứu cách rà phá bom mìn. Đây là lần đầu tiên công binh thành công, đặt cơ sở quan trọng cho chiến thuật rà phá bom mìn trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.  Hàng trăm km đường được mở mới, sửa chữa, ra phá bom mìn.  Chiến dịch Tây Bắc thắng lợi. Hồ Chủ tịch tặng Bộ đội Công binh lá cờ thêu 4 chữ vàng “Mở đường thắng lợi” và khẩu hiệu này trở thành truyền thống vẻ vang của Công binh Việt Nam. Trong Chiến dịch Điện biên phủ ta và địch phải đấu trí, đấu sức dành giật từng phút, từng mét đường. Bác Ba Hoàng nhận nhiệm vụ, cùng Bộ chỉ huy mặt trận tính toán bao nhiêu chiếc cầu phải xây hoặc tu bổ đề đủ trọng tải, bao nhiêu đoạn lầy phải lót vẹt, đoạn suối phải lót đá, khu vực phải hạ độ cao, mở rộng vòng, phá núi…, rồi rà phá bom mìn để kịp thời gian chiến dịch. Trên 300 km đường qua rất nhiều đèo suối được thông suốt. Bác cùng với các cán bộ chiến sĩ đã đi tìm và tổ chức làm 6 trục đường kéo pháo vào mặt trận dài trên 60 km vây quanh cứ điểm Điện Biên phủ. Hệ thống hầm hào đã chia cắt, không chế bao vây quân địch, tạo điều kiện cho quân ta áp sát, đưa thuốc nổ vào triệt phá các cứ điểm quan trọng. Và chiến công được vinh danh nhất là đào đường hầm đưa thuốc nổ vào phá tung đồi A1.


Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, bác trực tiếp tham gia nghiên cứu dày công suy nghĩ và trực tiếp thi công tác nghiệp nhiều công trình xây dựng hệ thống sân bay quân sự từ Vĩnh linh đến Yên Bái; xây dựng trận địa Rađa trên đỉnh cao của dãy núi Tam Đảo; xây dựng Bến cảng cầu tàu tại Đồ Sơn, một căn cứ quan trọng của Đường “Trường Sơn trên Biển”; ... Những sân bay đó sẵn sàng cho máy bay ta cất cánh đánh địch, cho dù địch đi từ hướng nào. Bác trực tiếp tham gia chiến dịch Khe Sanh năm 1967.


Bác Ba Hoàng được Trung ương và Bộ QP cử làm Ủy viên thường trực cùng GS TS Trần Đại Nghĩa phụ trách công tác xây dựng Lăng Bác.  Từ năm 1977, bác là chuyên viên phụ trách công tác thiết kế xây dựng cho Tổng cục Hàng không dân dụng (Bộ Quốc Phòng) tham gia xây dựng sân bay Nội Bài. 


Trong gia đình bác là người chồng, người cha, người ông tuyệt vời, luôn yêu thương gia đình vợ con cháu. Trong cuộc đời của bác, cũng như các trí thức “tư sản” thời Pháp, bác cũng bị thuyên chuyển nhiều nơi và gặp không ít khó khăn gian khổ.  


 


 


 


 


 


 



Từ: KhanhT
29/01/2015 21:14:32

 


Bài viết của Cúc kịp thời quá, chuẩn bị kỷ niệm 70 năm ngày thành lập binh chủng Công binh anh hùng: 25/03/1946. Xin giới thiệu thêm một phim - nguồn tư liệu vô cùng đáng quý cho mọi người hiểu thêm về người lính Công Binh trong kháng chiến chống Mỹ ác liệt:







 



Từ: Guest DâncàyHT
29/01/2015 21:12:19

     Không cầm súng trực diện đối mặt với kẻ thù cũng là chiến đấu. Những người lính công binh âm thầm, lặng lẽ đi suốt cả chiều dài lịch sử từ chiến tranh đến hòa bình: Chiến đấu, chiến công và hy sinh mất mát... Cảm ơn CucNT đã bằng bài viết giàu cảm xúc và tính nhân văn của mình để giúp tôi hiểu thêm những điều nên hiểu, cần phải hiểu.



Từ: ThoaNP
28/01/2015 23:30:07

Hôm nay mới có tin may bay quân sự tập luyện và bị rơi, 4 phi công thiệt mạng. Đó là thời bình, đó là chỉ tập luyện. Tôi thật sự cảm phục sự hy sinh thầm lặng của những người lính và những người thân của họ.


Cảm ơn em Cúc đã khơi dậy, thức tỉnh tôi.



Từ: CucNT
28/01/2015 21:50:54

Có lẽ mọi người cũng như em, luôn bận rộn với bao công việc không thể liệt kê hết nhưng mọi người đã dành thời gian đọc những bài em viết dù (cũng vì quá bận) em, viết không hay, chưa đầy đủ mà vẫn ưu ái động viên khích lệ. Vì vậy, dù không có nhiều thời gian, em vẫn tranh thủ viết bởi cảm kích trước tấm lòng của gia đình KGu.


Có 1 người KGu đã từng rất hay post bài nhưng lâu nay im tiếng, em có hỏi vì sao, Chị ấy trả lời, viết đã rất công phu, post bài cũng mất thời gian nữa thế nhưng có guest  nào đó đôi khi com không với tính chất xây dựng nên chị chán.


Em nghĩ guest nào đó chỉ là guest thôi, cả gia đình chúng ta vẫn mong cho trang web tồn tại mà, phải không ACE?


Cảm ơn anh Hải, Chị Tuyết bác Tổng đã đưa thêm những thông tin về người lính công binh. Cảm ơn chị Huyền, chị lý , chị Nguyệt đã thấu hiểu và khuyến khích em!



Từ: TuyetHA
28/01/2015 08:45:32


Phù hiệu của Binh chủng Công binh




Binh chủng Công binh là một binh chủng chuyên môn kỹ thuật của Quân đội Nhân dân Việt Nam, thuộc Quân chủng Lục quân Bộ Quốc phòng Việt Nam, có chức năng bảo đảm các công trình trong tác chiến, xây dựng các công trình quốc phòng và đảm bảo cầu đường cho bộ đội vận động tác chiến.



Binh chủng Công binh hình thành tháng 9 năm 1945 từ các tổ, đội phá hoại đường sá, ngăn chặn bước tiến của quân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam.


Ngày truyền thống của Binh chủng Công binh là ngày 25 tháng 3 năm 1946, ngày Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 34-SL về việc thành lập Công chính Giao thông Cục thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam



·  Năm 1952 được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ "Mở đường thắng lợi" và từ đó “Mở đường thắng lợi” đã trở thành khẩu hiệu của Binh chủng Công binh




Với những thành tích xuất sắc trong 70 năm hình thành, xây dựng và trưởng thành, Binh chủng Công binh đã được trao tặng:





 


Cám ơn em Cúc đã có bài viết thật cảm động về "Người lính Công binh".



 




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s