Kẻ đào ngũ lên tiếng
Tác giả: Tự sướng đào ngũ
Một kẻ Tự sướng (ảnh có tính chất minh họa)
Kẻ đào ngũ lên tiếng
Khi đọc bài "Vì sao tôi bỏ nghề Tự sướng" do anh HuyTQ post lên bài của TS Mai Huy Tân, tôi đã có ý định viết góp vui vào đề tài này, nhưng bận quá, hôm nay mới viết được.
Là dân Tự sướng, tôi rất hiểu tác giả của bài viết. Là kẻ đào ngũ, tôi đồng cảm với những quyết định của anh TânMH.
Tôi có nhiều duyên nợ với môn Toán.
Hồi nhỏ tôi học Toán cũng khá và có say mê môn học này. Đến năm lớp 7, năm cuối cấp 2 (tương đương THCS bây giờ), tôi được vào học lớp năng khiếu Toán huyện Từ Liêm (lớp tôi khi đó có Thái Sơn, Tự sướng 79 và Phương Liên, Ong bướm 80 sau này đều là nguoikgu). Hồi đó chúng tôi chỉ có mấy việc: học Toán, đá bóng ở gần bãi tha ma ngoài đồng và tắm tiên hồ Thủ Lệ (khi ấy hồ sạch sẽ lắm). Toàn những thứ lành mạnh không à, so với các trò chơi của trẻ em bây giờ. Chúng tôi đứa nào cũng có quyển vở chép các bài toán khó, quyển của tôi đến gần 600 bài. Buổi sáng chúng tôi học văn hóa bình thường như các lớp khác, buổi chiều lớp năng khiếu được chia ra làm 2, Văn học với thầy Văn, Toán học với thầy Toán. Buổi trưa chủ yếu mỗi đứa 1 chiếc bánh mỳ không nhân và không được trắng, thơm như bây giờ. Tụi tôi đứa nào chứng minh được 1 điều gì đó đều cảm thấy sung sướng, thực sự khi đó chúng tôi chỉ mê giải Toán.
Hết cấp 2 tôi được chọn vào chuyên Toán A0 của ĐHTH. Nhưng hồi đó vì nhà tôi chỉ có 2 mẹ con nên tôi xin được học ở chuyên Toán HN, trường Chu Văn An, không phải ở nội trú. Đó cũng là quyết định hơi khác người đầu tiên của tôi. Nếu không tôi đã là "sư huynh" của NBC.
Nhưng tôi cũng sớm nhận ra rằng tôi cũng không giỏi giang xuất sắc gì trong môn Toán. Nhiều bài tôi cắn bút giải không ra, khi bạn giải được thấy lời giải đâu có gì cao siêu. Quan trọng hơn, tôi đã lờ mờ hiểu được vai trò hỗ trợ, vai trò công cụ của môn này. Trong hồ sơ thi đại học khi đó, tôi nghi nguyện vọng là khoa Lý trường ĐHBK HN.
Năm dự bị tôi được Bộ ĐH chọn gửi học ở trường ĐHKT QS tại Vĩnh Yên. Trong những năm chiến tranh, trường được đầu tư rất nhiều. Chúng tôi được thày giỏi trực tiếp dạy, lấy giáo trình là sách Burbaki của trường phái Toán học Pháp nổi tiếng. Khi ấy tôi mới thực sự tiếp xúc với Toán học trìu tượng, bắt đầu thấy Toán học có những cấu trúc, những vẻ đẹp (tự sướng) của nó. Nhưng tôi vẫn không muốn chọn Toán cho cuộc đời mình, trong hồ sơ nguyện vọng tôi chọn ngành "Kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân". Hồi ấy LX là cường quốc số 1 thế giới, kinh tế có kế hoạch của họ chắc hẳn là hàng đầu, tôi thấy cái ngành học đó rất hấp dẫn, mặc dù chẳng biết cụ thể nó là cái gì.
Cuộc đời đâu có dễ như thế. Tổ chức xếp tôi đi học Toán lý thuyết. Tôi tìm được 1 bạn trong lớp rất thích Toán nhưng lại bị phân học ngành hóa dầu. Hai thằng lên gặp tổ chức trình bày xin đổi chỗ. Tổ chức không chấp nhận. May mà không bị tổ chức kiểm điểm vì dám trái ý tổ chức.
Thế là tôi đành "yên tâm" lên tàu sang Kishinev học Toán lý thuyết. Hết học kỳ 1, ý định chuyển sang Toán ứng dụng bất thành, lớp 79 của tôi chẳng ai hưởng ứng. Tôi học Toán lý thuyết 5 năm, chuyên ngành là môn đại số. Chẳng có kết quả khoa học nào đáng giá, mặc dù tôi có ông thầy rất giỏi (sau này là Viện sỹ Viện HLKH Moldova). Kết quả luận văn của tôi hình như có được in ở cuốn sách của Viện HLKH Moldova mà tôi tin chẳng ai đọc cái phần của tôi. Hình như vì trước khi tôi về thì mới gửi bài, BBT đồng ý đăng, còn đăng hay không tôi cũng chẳng quan tâm.
Kẻ đào ngũ và người thầy, Viện sỹ Riabukhin, ảnh chụp ngày 17/06/2010
Tôi về dạy Toán đại cương ở ĐHBK HN năm 1979. Gặp may nên 1982 được nhà trường cử đi học NCS tại Pháp (cử chứ không phải thi, nếu thi chưa chắc được cử vì anh hùng hào kiệt BK đông lắm). Tôi chọn ngành Tin học (tiếng Pháp là Informatique). Đây là thời điểm mà tôi được quyền từ bỏ môn Tự sướng, dù rằng không ít anh đi trước có kinh nghiệm cho rằng với mục tiêu lấy bằng thì sự thay đổi của tôi có rủi ro (dân học cơ bản từ LX về sang học các môn công nghệ ở Pháp, Mỹ, .. thường không tốt). Nhưng tôi thấy rằng đây là lúc tôi có quyền tự quyết, còn những lần trước tôi đâu có quyền đó. Mặt khác tôi thấy sự hữu ích của ngành Tin học và có đam mê làm việc với máy tính. Đó chính là lúc tôi "đào ngũ" khỏi ngành Toán.
Sang Pháp tôi học cật lực vì sang muộn 2 tháng và đổi ngành. Thi cao học vừa đủ điểm làm tiến sỹ, thế là may rồi, mình chuyển ngành cơ mà, ối bạn cùng đợt không chuyển ngành còn rơi rụng nữa là. Luận văn tiến sỹ (tôi là lứa đầu tiên nước Pháp chuyển sang 1 bậc tiến sỹ như Mỹ) của tôi là nghiên cứu về lưu trữ thông tin theo thời gian của Cơ sở dữ liệu. Nó rất vị nhân sinh, khái niệm phiên bản là một ví dụ nhỏ trong ngành hẹp của tôi. Tôi có một số kết quả về ảnh, khung nhìn, đưa ra khái niệm phim trong Cơ sở dữ liệu. Tôi vẫn dùng khá nhiều Toán cho vệc nghiên cứu, duyên nợ với Toán vẫn còn. Tôi thấy rõ các kết quả nghiên cứu của mình có tính ứng dụng, không hề tự sướng mà có thể góp phần cho người khác sướng.
Tôi cũng may mắn hiểu rõ (và tham gia một phần rất nhỏ) quá trình sử dụng Toán (ứng dụng) để phục vụ cho mục đích của ngành khác (lưu trữ thông tin) như thế nào. Hàng triệu kho dữ liệu và các ứng dụng Tin học hiện đang vận hành trên khái niệm Cơ sở dữ liệu, vốn đa số được dựa trên mô hình quan hệ (như bảng tính excel). Mô hình này ra đời năm 1970 từ phòng thí nghiệm của IBM và được phát triển vũ bão trong những năm 70-80 thế kỷ trước. Những nhà Toán học tham gia nghiên cứu mô hình này dĩ nhiên có khoảng cách kém xa đối với những người như NBC về độ khó và tính trìu tượng.
Sau khi tốt nghiệp, tôi quay về VN, tham gia vào nhiều dự án tin học hóa, những kiến thức tôi thu lượm được đã có ích cho tôi rất nhiều. Rồi tôi tham gia sáng lập FPT, tôi có ít nhiều đóng góp trong một số hệ thông tin lớn đang vận hành tại VN. Chúng ít tính khoa học (hoặc không có luôn), nhưng đòi hỏi không ít phần trí tuệ phải đổ vào. Tôi ngày càng xa rời môn Toán, nhất là gần đây tôi hầu như chỉ làm nghề quản trị doanh nghiệp. Nhưng lối tư duy Toán học vẫn còn nên tôi luôn đòi hỏi sự chặt chẽ, hoàn chỉnh với mình cũng như với các đồng nghiệp. Nhiều trường hợp lối tư duy ấy rất được việc và tỏ ra vượt trội so với các dân có xuất xứ ngành khác.
Thời gian trôi đi, môn Toán tưởng như đã đi vào dĩ vãng của tôi. Thế rồi vào đầu năm 2006, VietnamNet có loạt bài về những người đã đoạt giải Toán Olympic quốc tế. Tôi đọc những bài đó với trí tò mò và với góc nhìn của một kẻ "đào ngũ". Ban đầu chỉ đọc như một độc giả quan tâm đến mấy ông giỏi Toán. Rồi bắt gặp một ông giỏi Toán viết rằng "Số bài báo của cả giới Toán học VN chỉ bằng số bài của phân viện ông ấy đang làm việc" (dĩ nhiên ở một nước tiên tiến rất có truyền thống về Toán học), rằng "Mỗi bài báo ở phân viện ông ấy được đầu tư trung bình 50.000$, còn ở VN là 1.000$", rằng các ông giỏi Toán hiện làm việc ở nước ngoài "là một hiện tượng xuất khẩu chất xám của VN". Tính tự ái trong tôi nổi lên (dù rằng tôi không liên quan trực tiếp đến những gì ông ấy viết). Tôi viết một bài phản biện gửi BBT VietnamNet. Họ thích các ý của tôi, đặc biệt rất muốn có những ý kiến đối lập với những gì đang được viết trên chuyên đề đó. Họ cử PV đến gặp tôi, thế là tôi có bài "Toán học vị Toán học hay Toán học vị nhân sinh" trên VietnamNet. Dân Toán xôn xao và ông Viện trưởng Viện toán có bài đáp trả, một bài rất hay. Vui ra phết, tôi đào ngũ rồi nên viết khá thoải mái với mấy ông Toán học xịn. Nếu còn làm Toán tôi chắc không là gì với mấy ông Toán nọ. Kẻ đào ngũ có lời với đội ngũ khi xưa của mình. Hồi ấy mấy anh Lý 76 cũng gửi email cùng chia sẻ bài phỏng vấn đó với tôi.
Thế rồi NBC được giải Fields. Cả nước VN như sôi lên vì chuyện đó. Tôi cũng không đứng ngoài cuộc. Kẻ đào ngũ bỗng thấy nhớ nghề cũ. NBC làm cái vĩ đại gì vậy? Đại số ư? Chẳng phải mình cũng từng là dân đại số. Tôi cố hiểu, dù chỉ là diễn nôm, cái bổ đề cơ bản mà NBC đã chứng minh được là cái gì? Khi biết định lý cuối cùng của Ferma có liên quan đến chương trình Leng Langs, tôi đã đọc nghiến ngấu cuốn sách được dịch ra tiếng Việt về định lý Ferma đó đã được chứng minh như thế nào. Tôi hiểu đại khái cái vĩ đại của công trình NBC, nhưng tuyệt nhiên chẳng thể hiểu được bổ đề cơ bản là cái gì. Mà bao nhiêu ông Toán xịn cũng có hơn gì tôi đâu. Đúng là thầy trò NBC tự sướng với nhau thôi, còn chúng ta đứng vỗ tay cho họ tự sướng.
Một lần nữa môn Toán lại kéo tôi lại, dù chỉ để hiểu nôm cái vĩ đại của một người đồng hương của mình. Tôi lọ mọ viết cái diễn nôm đó và chia sẻ với nhiều người. Có lẽ duyên nợ với môn Toán của tôi không bao giờ dứt.
Khác với anh TânMH, tôi từ bỏ môn Toán khá sớm, gần như ngay sau khi rời trường KGU. Tôi chuyển sang Tin, thực ra là một nhánh ứng dụng của Toán rời rạc. Tôi có chút kết quả lý thuyết, và quan trọng hơn, có một số đóng góp thiết thực cho thực tế VN. Tôi đến với FPT như một người làm Tin học. Và chính những lý thuyết và thực tế Tin học đã góp phần cho tôi một vị trí hôm nay. Tôi cần ghi nhận giá trị của Tin học với cuộc sống cá nhân tôi, theo nghĩa kiếm sống và thành đạt. Mà Tin cũng là Toán, nên tôi cũng cần có thái độ như vậy với môn Toán. Có chăng đó là Toán ứng dụng. Tôi vẫn cho rằng với VN, chúng ta cần Toán ứng dụng. Ở VN, nếu bạn giỏi Toán, nhưng bạn làm nghề khác thì có thể có ích hơn cho đất nước, cho chính bạn. Hiện tượng NBC là rất hiếm, mấy chục năm qua mới có. Mà mấy chục năm nữa biết có hay không?
Đó là những gì liên quan với cái nick "Tự sướng đào ngũ" của tôi. Tôi vẫn nhớ môn Tự sướng. Tôi thấy may mà tôi không giỏi Tự sướng. May mà tôi đã sớm đào ngũ. Nếu không tôi cũng chìm nghỉm giữa hàng đống ông Tự sướng.
Mà dân KGU chúng ta có 55 ông Tự sướng, đang còn tại ngũ hay đã đào ngũ. Chẳng biết các bạn ấy có chia sẻ cùng tôi những gì quanh đề tài này? Mà họ có mấy ai lên web đâu. Họ tự bớt một cái sướng vô cùng trong thời đại @.
Người post: NgocBQ
Ngày đăng: 20-09-2010 00:12
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 1 - 3 của tổng số 3 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |