KGU News >>Văn học >>Ký - Luận
KGU Tạo bài viết  
Chủ nhật 27 Tháng chín. 2015

ẤN TƯỢNG HOÀNG LIÊN SƠN




Tác giả: SonTM

Hoàng Liên Sơn tên của rặng núi nổi tiếng ở Tây Bắc cũng là tên một tỉnh được thành lập 27/12/1975  trên cơ sở sáp nhập các tỉnh Lào Cai, Yên Bái và các huyện Mù Căng Chải, Văn Chấn, Trạm Tấu, Than Uyên của tỉnh Nghĩa Lộ. Ngày 12 tháng 8 năm 1991, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII ra nghị quyết chia tỉnh Hoàng Liên Sơn để tái lập tỉnh Lào Cai và tỉnh Yên Bái (bao gồm cả phần thuộc tỉnh Nghĩa Lộ). Do yêu cầu của công việc tôi đã có dịp lên Yên Bái và Lào Cai nhiều lần nhưng chưa có dịp nào đi đến các huyện thuộc Nghĩa Lộ cũ.

Năm nay khóa 76 KGU theo sáng kiến của anh Nông Văn Hải người quê ở Yên Bái, chúng tôi định tổ chức chuyến đi Yên Bái để tận hưởng không khí mùa thu ở núi rừng Tây Bắc, tuy nhiên do lý do nhiều bạn bận quá không sắp xếp được thời gian cho nên không thực hiện được kế hoạch. Đã chót hứa với “bà xã” rồi cho nên đành liên hệ với Công ty du lịch Vietravel với tour 4 ngày Yên Bái-Nghĩa Lộ-Sapa-Lào Cai để bù lại, và một điều nữa là muốn trải nghiệm cung đường cao tốc Nội Bài- Lào Cai mới khánh thành vào đầu năm 2015, một con đường có ý nghĩa kinh tế rất lớn đối với miền Tây Bắc của Tổ quốc. Chuyến đi Hoàng Liên Sơn lần này là hoàn toàn đi chơi không phải lo công việc gì nên đầu óc hoàn toàn thanh thản.

 

Xuất phát từ Hà Nội vào 7 giở sáng theo con đường cao tốc qua địa phận Vĩnh Yên, Phú Thọ dọc theo bờ phải và sau đó là bờ trái sông Hồng đến Yên Bái vào lúc 9 giờ 30 tiết kiệm được ½ thời gian so với đi đường cũ. Đến đây bắt đầu điểm du lịch đầu tiên là du thuyền trên hồ Thác Bà và thưởng ngoạn các di tích và thắng cảnh của Thác Bà đó là Đền Mẫu Thác Bà (thờ Liễu Hạnh công chúa) và  động Thủy Tiên trong một đảo đá vôi của hồ. Trước đây lòng hồ là vùng rừng núi với hơn 1.300 đồi núi, nay do ngăn dòng sông Chảy để làm NM Thủy điện nên chúng  biến thành các đảo nhấp nhô trong lòng hồ mênh mông xanh biếc. Thật sảng khoái hít thở không khí trong lành của một vùng trời nước mênh mông, du ngoạn giữa các đảo một màu xanh cây lá và nhìn thấy nhà máy thủy điện đầu tiên trên miền Bắc Việt Nam. Từ trên đỉnh núi Đền Thác Bà phóng tầm mắt thấy toàn cảnh của Nhà máy điện và những đảo trên hồ.

 

Toàn cảnh Nhà Máy Thủy điện Thác Bà nhìn từ Núi Đền Thác Bà

 Sau khi thăm động Thủy Tiên chúng tôi dùng bữa trưa tại nhà hàng ven hồ sau đó di chuyển về Nghĩa Lộ theo QL 37. Trời đổ mưa lớn, con đường ngoằn ngoèo, quanh co nhiều ổ trâu ổ gà thử thách tay nghề của lái xe đi đường rừng núi, nhiều chỗ còn sạt lở do trận mưa lũ lịch sử hai tuần trước đó. Chỉ có khoảng 80 km mà đi mất 2 giờ 30 phút.

 Dừng chân tại Nghĩa Lộ, theo kế hoạch sẽ có buổi giao lưu với các thiếu nữ người Thái tham gia hát múa xòe nhưng do trời mưa to nên kế hoạch bị hủy bỏ, chỉ có thưởng thức những món ăn của người Thái tại nhà sàn mà thôi.

 

Thật may mắn, tuy mưa suốt đêm nhưng sáng hôm sau trời tạnh ráo chúng tôi tiếp tục khởi hành theo QL32 đi Mù Căng Chải. Đến Tú Lệ (một xã thuộc huyện Văn Chấn, Yên Bái) trời hửng nắng; bắt đầu những thửa ruộng bậc thang ở vùng đồi thấp, thấp thoáng phái xa là dãy núi có mây mờ che phủ, phong cảnh thật thanh bình; các du khách thi nhau chụp những thửa ruộng bậc thang đầu tiên nhìn thấy gần nhất. Dừng chân ở Tú Lệ chúng tôi có dịp thưởng thức món cốm xanh và xôi ngũ sắc với hương thơm và vị ngọt đặc biệt từ gạo nếp Tú Lệ do bà con dân tộc Dao chế biến. Hương vị cốm còn giữ được đến ngày hôm sau khi chúng tôi lưu lại ở Sapa.

Ruộng bậc thang ở Tú Lệ

Vượt đèo Khau Phạ mây phủ mù mịt tại đây ngày hôm sau sẽ có cuộc thi dù lượn từ đỉnh Khau Phạ xuống các thửa ruộng bậc thang của bản Lìn Mông. Sang đến Huyện lỵ của Mù Căng Chải thì trời nắng đẹp. Mù Căng Chải là Huyện vùng sâu vùng xa và nghèo của tỉnh Yên Bái. Tuy nhiên bằng nỗ lực phi thường của đồng bào dân tộc Dao, H’Mông họ đã tạo nên bức tranh và cảnh quan tuyệt đẹp của những thửa ruộng bậc thang. Mọi người bị choảng ngợp vì đi trên con đường ngoằn ngoèo trên sườn núi giữa những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ, nhìn xuống phía dưới là bức tranh sơn thủy hữu tình: núi-ruộng bậc thang-dòng suối quanh co uốn khúc xung quanh của 3 xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình.

Con đường chạy giữa những thửa ruộng bậc thang

Bức tranh Sơn thủy tại Mù Căng Chải

Giữa Cảnh đẹp Mù Căng Chải

Với các cháu Dân tộc H'Mông

Khi đưa những ảnh này lên FB để giới thiệu nhanh cho mọi người cùng thưởng thức, bạn Tạ Minh Lý đã bình luận:

Một cánh đồng lấy rất nhiều trang viết,

Và lấy đi niềm đặc biệt thương yêu

Từ bao người mỗi phút phiêu diêu

Như ngọn gió chạy vòng bên nương rẫy!

Ruộng bậc thang bao mồ hôi chảy,

Vẫn ngỡ ngàng như cảnh bồng lai,

Các tiên chân trần vẫn xuống nơi đây

Gọi trắng sương giăng đầy chân núi!

Tôi cũng mạn phép xin đáp  lại mấy câu như sau:

Ruộng bậc thang nhấp nhô sóng lượn, 

Một màu xanh ngát tận chân trời.

Bức tranh sơn thủy tuyệt vời.

Tận Mù Căng Chải mọi người hay chăng?

 

Dừng xe ngắm cảnh, xung quanh là du khách từ các đoàn khác nhau là các nhiếp ảnh gia của các đoàn “phượt”. Họ say mê chụp ảnh phong cảnh và con người dân tộc ở đây. Cũng xin nói thêm là người dân tộc ở vùng này còn rất nghèo và thật thà họ hái những quả trồng được trong vườn mang ra bán cho du khách không  mặc cả, khác hoàn toàn với bên thị trấn Sapa của Lào Cai. Tranh thủ mua mấy túi ổi để xóa đói giảm nghèo, chụp ảnh với các cháu dân tộc, tự nguyện trả cát xê cho các người mẫu nhí có úy lạo thêm cả kẹo. Nhìn sang bên cạnh thấy các “phượt thủ” đang tranh thủ các bà mẹ người dân tộc đang cho con bú một cách hồn nhiên. Mình buột miệng hỏi : “Thế không trả  cat xê cho người mẫu à?”. “Phượt thủ” trả lời : Báo cáo bác, em ở đây hai ngày rồi, mua rất nhiều ổi cho bà con, ăn đến đau cả bụng rồi ạ!”. Thế đấy, nhìn hoàn cảnh của người dân tộc thật đáng  thương, nhất là các em nhỏ. Đồng bào miền núi còn nghèo lắm!

Lưu luyến chia tay với Mù Căng Chải, tạm biệt Yên Bái chúng tôi đến Tân Uyên (nay thuộc Lai Châu) đây là vùng trồng chè nổi tiếng với những đồi chè bậc thang ngút ngàn.

Chè Tân Uyên

 

Toàn cảnh đồi chè

Chụp ảnh toàn đoàn tại đồi chè Tân Uyên

Ông bạn người Úc đi cùng đoàn luôn miệng khen very beautiful! Ông ta nó đã 3 lần đến Việt Nam nhưng chưa bao giờ thấy cảnh đẹp như thế này. Các cháu từ miền Đông Nam Bộ đi cùng đoàn cũng rất thích thú với cảnh núi rừng Tây Bắc đẹp hơn tranh.

(Còn tiếp)


Người post: SonTM

Ngày đăng: 27-09-2015 05:05






Xem 1 - 8 của tổng số 8 Comments

Từ: CucNT
10/10/2015 18:26:58

Ôi! bài viết của anh Sơn hay quá! Đọc xong cứ muốn chạy ngay lên Mù Cang Chải để ngắm cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, con người chất phác , cần mẫn nơi đó. Anh Sơn ít viết nhưng đã viết thì thật hay, nghe cứ như hướng dẫn viên đang diễn thuyết cho 1 tour du lịch. 


Anh Sơn chụp hình nhìn giống Tây vừa đẹp vừa cao lớn. Thế này có lẽ các cô thôn nữ ở Mù Cang Chải nhìn đến mù mắt mất thôi.


Viết nhiều nữa đi anh Sơn nhé!



Từ: SonTM
06/10/2015 23:21:08

Đúng như anh Khánh đã nhận định. Để có những thửa ruộng bậc thang ở miền núi, đồng bào dân tộc phải có những nỗ lực phi thường, phải tìm những quả núi đất có nguồn nước trên cao, khai hoang, san lấp mặt bằng, dẫn dòng nước chảy, gieo cấy. Ruộng chỉ làm được một vụ vào mùa có mưa. Thật đáng khâm phục!


 



Từ: KhanhT
05/10/2015 05:18:25

 


Để có các trà lúa ruộng bậc thang xanh mươt, óng vàng làm rộn lòng người, sướng mắt, thì người nông dân các dân tộc ở Sapa, Mù Cang Chải đã phải “bán lưng cho đồi núi, bán mặt cho trời” như thế này:


Ruộng bậc thang đã hình thành như thế nào:







 



Từ: SonTM
29/09/2015 05:19:50

@ThoaNP, đây không phải là bài đầu tiên đâu bạn Thoa ạ. Mình ít viết nhưng cố gắng mỗi năm cũng đăng 1 bài cho đỡ thua kém các bạn.


@HanhLT Hạn à muốn tổ chức chỉ có đăng ký với Cty Du lịch là nhanh nhất, họ lo cho từ A đến Z,  cả tour 4 ngày 3 đêm chỉ hết có 3.150.000đ thôi. Vấn đề ở đây là mọi người phải sắp xếp được thời gian. Chỉ đi vào mùa thu nầy mới được thấy cảnh đẹp của các cánh đồng lúa chín. Những mùa khác ruộng chỉ còn trơ lại đất thôi. Ruộng bậc thang chỉ làm được một vụ khi có mưa xuống và thu hoạch vào mùa thu tháng 9-10



Từ: Guest HanhLT
28/09/2015 21:32:56

Lại thua hoa chân của Sơn rồi.Lần trước mới tổ chức đi Nghĩa lộ, Suối giàng cũng rất đẹp.Lần này định tổ chức đi MCC mà tinh thần quân ta kém quá,thấy trời mưa đường xa,lại đi có 2 ngày nên ai cũng sợ mệt...mà 3 ngày mấy GS không đi được thế là vỡ tour.Không ngờ Thoa cũng thích,biết vậy khi nào khoá có ý định sẽ ới hội SG để mua vé sớm nhe.



Từ: KhanhT
27/09/2015 21:55:32

 


Hơn hai mươi năm rồi chưa trở lại Thác Bà, hồi ấy mình có dự án nuôi cá bè ở Hồ Thác Bà nên đến nhiều lần, có lần đi với anh Đường Hồng Dật. Hồ Thác Bà rất đẹp, nhiều người ví như vịnh Hạ Long trên đất liền, nhiều núi đồi sau khi ngăn nước làm đập biến thành các đảo, cỏ cây xanh tốt rất đẹp, có đảo có người lên ở… Nhạc sĩ Phó Đức Phương có bài “Nao nao Thác Bà”, mời mọi người nghe xem có nao nao không!:


M4U - Nao nao Thác Bà ( St: Phó Đức Phương) 







 


 



Từ: Guest ThaoDP
27/09/2015 11:21:10

Chẳng biết đến dịp Tết âm lịch khi tôi về VN thời tiết có thuận lợi không để còn làm chuyến du ngoạn như vợ chồng Sơn. Nhìn ảnh và nghe Sơn kể thấy mê quá.  "Hoa chân" lại nhú ra rồi Sơn ạ! 


 



Từ: ThoaNP
27/09/2015 10:39:51

Sơn ơi, chúc mừng Sơn có bài viết đầu tiên trên trang web và rất ấn tượng (những còm, diễn đàn, ... không tính). Mình cũng mong được lên Tây Bắc từ khi đọc bài của HaiNV. Nhất định khóa 76 tụi mình phải tổ chức bằng được chuyến đi này some day.


Trong ảnh "Chè Tân Uyên" là bà xã? Gửi lời chào "bạn dâu" nhé.



Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s