KGU News >>Tin tức
KGU Tạo bài viết  
Thứ bảy 10 Tháng mười. 2015

TIN BUỒN




Tác giả: Trần Thu Lan - Hóa 77

Thay mặt Ban liên lạc Hội KGU, Hóa KGU và nhóm trò, chúng tôi xin vô cùng thương tiếc báo tin:

Bà Vera Pavlovna Gontrarenco, giáo viên khoa Hóa, bộ môn Hóa Phân tích đã từ trần ngày 14/09/2015 tại Kisinhop, Moldova, hưởng thọ 89 tuổi.

Bà Vera Pavlovna là một bà giáo hiền lành, phúc hậu, bà không trực tiếp đọc các bài giảng trên giảng đường nhưng là người hướng dẫn các sinh viên năm thứ hai làm các thí nghiệm Hóa Phân tích định tính, định lượng, vì vậy hầu hết sinh viên khoa Hóa, trong đó có sinh viên Việt Nam đều biết bà.  Bà còn là giáo viên trực tiếp hướng dẫn làm luận án tốt nghiệp của Đỗ Đình Hạnh (Hóa 75), Trần Thu Lan (Hóa 77), Đỗ Bích Hạnh (Hóa 78).

Bà Vera mất đi, chúng ta lại mất đi một giáo viên nữa đã gắn kết chúng ta với những kỷ niệm thời sinh viên, nhất là những sinh viên khoa Hóa KGU. Trong dịp Về nguồn năm 2011, anh chị em khoa Hóa còn được gặp bà tại nhà riêng, lúc đó bà cũng đã yếu nhưng hoàn toàn minh mẫn. Thời gian mới 4 năm mà chúng ta đã mất đi nhiều thầy cô mà trong chuyến Về nguồn, chúng ta vẫn còn được gặp: các thầy Pushnhiac, Melnhich, Arcadi, các cô Samus, Sưpliacova và bây giờ là cô Vera Pavlovna Gontrarenco.

Xin chân thành chia buồn cùng gia đình Bà và các học trò của Bà. Cầu chúc Bà an nghỉ cõi vĩnh hằng và luôn phù hộ cho các học trò của Bà.

Ban liên lạc KGU, Hóa KGU và nhóm trò

 

NHỚ CÔ

(Trần Thu Lan - Hóa 77)

Ở khoa Hóa, bộ môn Hóa Phân tích là nơi tập trung nhiều bà giáo nhất. Trừ Bà Nina -  Trưởng Bộ môn, rất đẹp, dịu dàng nhưng hơi nghiêm nghị, các bà khác đều hiền hậu, dịu dàng, vui vẻ. Có lẽ phải như vậy thì mới hướng dẫn được sinh viên làm các thí nghiệm định tính và định lượng tỉ mỉ, chịu đựng được việc sinh viên làm tốn bao hóa chất mà kết quả vẫn không đúng. Trong khi sinh viên Nga, Ucraina, Môn,… quá quen thuộc với các thí nghiệm đó, thường nhìn màu, phỏng đoán chất trong đó thì sinh viên Việt Nam dù có chăm chỉ, rửa chai lọ rất sạch, cẩn thận làm theo đúng hướng dẫn, nhưng chẳng bao giờ có kết quả đúng. Vì thế mà chúng tôi mãi không trả được zatrôt, vẫn cứ hí húi ở phòng thí nghiệm trong khi các bạn đã hoàn thành và nghỉ ở nhà ôn thi.

Trong số các bà giáo, tôi cực kỳ ấn tượng với Bà Vera Pavlovna Goncharenko. Bà rất phúc hậu,  dịu dàng, mái tóc vàng óng của Bà được quấn cao sau đầu rất đẹp. Bà có giọng nói truyền cảm, rõ ràng và nhẹ nhàng với sinh viên. Có lẽ nếu không có những đức tính đó thì Bà khó lòng làm cùng phòng với ông Bardin, cựu Trưởng Khoa, rất khó tính. Vì thích các hướng nghiên cứu và tích cách của Bà, cuối năm thứ ba tôi xin được làm học trò của Bà..Bà nghiên cứu các tính chất và ứng dụng của các nguyên tố hiếm bằng phương pháp cực phổ. Căn phòng cuối cùng ở tầng 3 là nơi chúng tôi tiến hành các thí nghiệm cho luận văn tốt nghiệp. Còn nhớ một lần khi đang làm thí nghiệm với hợp chất Osmi, không hiểu tôi nung thế nào mà bay hơi hết. Đêm hôm đó tôi không thể ngủ được vì trước đó “chú Tín” nghiên cứu sinh đã nói là các nguyên tố này rất đắt, còn đắt hơn vàng nên tôi sợ hôm sau bà sẽ quở trách. Thế nhưng hôm sau khi tôi trình bày các bước làm của mình và kết quả thu được là bằng không thì bà nhẹ nhàng hướng dẫn lại cho tôi cách làm và ký giấy để cho tôi được lĩnh hóa chất làm lại thí nghiệm.

Bà Vera với Khóa 74 trong PTN Hóa Phân tích (Năm 1971)

Bây giờ 40 năm đã trôi qua, tuy các phòng thí nghiệm của các trường đại học ở Việt Nam có nhiều thiết bị hiện đại nhưng môi trường tạo điều kiện để các sinh viên có thể làm  nghiên cứu khoa học thì tôi e có khi chưa bằng trường KGU hồi đó. Thời đó khi làm luận văn tốt nghiệp, muốn có hóa chất, dụng cụ, thiết bị, vật tư gì, chỉ cần ông bà giáo ký giấy là ông Sasha (như là cán bộ vật tư) cung cấp ngay. Ngoài điều kiện nghiên cứu, nhà trường còn quan tâm đến sức khỏe của sinh viên. Tôi còn nhớ, đến năm thứ 4, thứ 5, sinh viên khoa Hóa chúng tôi còn được phát bịch sữa tươi hình kim tự tháp (250ml) hình như là 3lần/1 tuần. Trong lúc chờ đợi các thí nghiệm hóa dài hàng mấy tiếng đồng hồ, chúng tôi (Lan, Tanhia và Ivan) thường bật nhạc lên nhảy. Cô bạnTanhia là thầy dạy nhảy đầu tiên của tôi. Có lần Bà bắt gặp nhưng chỉ mỉm cười và nhẹ nhàng nhắc chúng tôi bật nhạc nhỏ thôi và cẩn thận không va vào các dụng cụ thí nghiệm trên bàn. Ngoài thời gian ở trường, Bà còn bận rộn lo cho chồng và hai cậu con trai.

Sau bao năm mất liên lạc, tôi hạnh phúc biết bao khi em Huyền báo tin Bà vẫn còn sống và cho tôi số điện thoại. Lần đầu tiên nghe thấy giọng bà qua điện thoại tôi đã òa khóc vì vẫn giọng nói ấm áp, mạnh mẽ, rõ ràng ấy, tôi cảm thấy bà đang ở bên tôi, chỉ dẫn cho tôi mọi điều. Bà kể với tôi chuyện gia đình, chồng Bà và một con trai đã mất, một con trai đang sống ở Ucraina. Chân bà bị đau nhưng bà nói luôn:“ bệnh người già ấy mà” và hàng ngày vẫn có một người phụ nữ đến giúp đỡ Bà. Ngoài ra bạn bè trong khoa Hóa thì bà Krachun (Bà Hoa thơm bướm lượn, một hoa khôi của khoa Hóa) vẫn thường đến chơi và gọi điện.

Khi Đoàn KGU về nguồn năm 2011, do bận việc gia đình nên chúng tôi, học sinh của bà (Hạnh CL75, Lan CL77, Hạnh CL78) không ai tham gia được chỉ gửi biếu Bà chút quà, một bức tranh thêu cảnh Hồ Gươm, một chiếc khăn len và ảnh của ba chúng tôi trước đây và bây giờ để bà nhận ra. Khi đoàn về nghe kể chuyện thật cảm động. Biết tin có đoàn Về nguồn bà rất mừng và đã nhờ người mua hoa quả, kẹo bánh để thết đãi đoàn. Sau đó bà con nhờ người mua ba tập ảnh Kishinhop qua chị Đặng Phương Thảo chuyển cho chúng tôi.

Thăm Bà Vera tại nhà trong chuyến Về nguồn năm 2011

Bà Vera và một số học sinh khoa Hóa tại nhà riêng của Bà

 

Tôi đã được xem các ảnh đoàn Về nguồn chụp với Bà và rất mừng là các bạn lớp chị Thảo ĐP vẫn thường xuyên liên lạc và đến thăm Bà. Thật đau lòng khi nghe mọi người kể Bà sống một mình trong ngôi nhà có thể là to, đẹp trước đây nhưng bây giờ đã xuống cấp rất nhiều.Thỉnh thoảng tôi lại gọi điện cho Bà chỉ để nghe giọng nói của Bà, thăm hỏi sức khỏe. Lần nào Bà cũng nói “Đừng lo lắng gì cho tôi, tôi vẫn khỏe, rất nhớ các em, đừng gửi gì, tôi rất mừng là mọi người nói cuộc sống ở VN bây giờ rất tốt,…” . Tôi nói với Bà là sẽ viết thư và gửi ảnh gia đình tôi, nhất là ảnh các cháu ngoại để Bà vui. Thế mà bây giờ đó đã là điều thất hứa. Khi nghe tin có thể Hội KGU sẽ tổ chức Đoàn Về nguồn năm 2016 tôi rất mừng, tự nhủ sẽ cố gắng thu xếp việc gia đình để có thể đến thăm Bà, ôm bà thế mà bây giờ không thực hiện được nữa. Tôi bàng hoàng và ân hận khi nhận được tin nhắn của chị Thảo là Bà đã đi xa. Tôi đã viết email cho cháu nội của Bà, Sasha, hiện nay đang sống ở Mỹ, hỏi thăm về những ngày cuối của Bà. Sasha nói là cuối tuần sẽ viết cho tôi thế mà tôi đợi đã 2 tuần không nhận được thư.  Có thể là Sasha đang bận hoặc chưa bình tĩnh để viết ra những kỷ niệm đau lòng.

Bà giáo của chúng ta Vera Pavlovna Goncharenko đã qua đời hôm 14/9/2015 trong vòng tay của cháu nội, hưởng dương 89 tuổi. Tôi viết bài này như một nén hương thắp để tạ lỗi với Bà. Những kỷ niệm về Bà, về các thầy cô, về trường KGU thân yêu luôn luôn đồng hành cùng chúng ta trong cuộc đời.

 

 

 


Người post: ChiNB

Ngày đăng: 10-10-2015 03:03






Xem 1 - 10 của tổng số 24 Comments


Trang:  1 | 2 | 3 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: ThoaNP
21/10/2015 05:52:41

Anh Tung ơi,


Sao chỉ thấy tên Guest mà không thấy anh viết gì. Cả nhà nhớ anh lắm đấy. Anh khỏe không?



Từ: Guest tungdx
20/10/2015 06:03:18

 


 



Từ: Guest LanTT
16/10/2015 23:34:16

Cám ơn Nguyệt đã gửi lại cảm xúc đã đăng trên Web KGU. Chị rất nhớ đoạn này nhưng đọc lại của Nguyệt vẫn cảm động quá. Đúng như Ngọc nói, khéo mấy năm nữa chỉ còn chúng ra với chúng ta thôi.



Từ: NguyetTM
16/10/2015 18:49:44

Cảm ơn chị Lan và Chasha đã cho biết thêm những thông tin về Cô và gia đình Cô Vera. Những thông tin đã giải tỏa cho em những trăn trở suốt từ ngày về nguồn 2011 khi đến thăm Cô thấy Cô già yếu, bệnh tật thế mà phải ở một mình. Đúng là những lý do bất khả kháng. May mà Chasha có hiếu đã mang lại cho cô những niềm vui lớn. Xin nhớ lại những cảm xúc khi chúng tôi đến thăm Cô năm xưa:


 


Chúng tôi chào bà Ngựa, để lại chị Vinh cho bà rồi đi bộ sang nhà bà Vera. Qua một hai nẻo phố chúng tôi rẽ qua một lối nhỏ,bước vào cổng nhà bà Vera tự nhiên chúng tôi có một cảm giác hưu quạnh. Đúng vây, bà sống một mình với đôi tay khỏe mạnh, nhưng muốn di chuyển được thì phải nhờ vào chiếc nạng ! Tội nghiệp bà ! Bà giáo bị liệt chân do một tai biến từ mấy năm trước. Ấy thế mà khi thấy lũ học trò cũ đến bà vẫn tỏ ra rất nhanh nhẹn – “chạy rất nhanh” ra bếp để mang cái này cái nọ vào tiếp cac học trò. Trên bàn lúc ấy đã được chất đầy nho táo và bánh gatô. Chúng tôi hỏi là ai đã mua các thứ cho bà thì bà bảo là bạn bè và học trò thường xuyên đến giúp bà. Nho và táo rất ngon. Chúng tôi đã ăn rất ngon lành những quả táo tươi thơm đó và những chùm nho tím đậm rất ngọt ngào. Bánh gatô thì bà bảo mang về. Chúng tôi đã mang cả cái bánh gatô và những phần quả còn lại về hotel để những người không đến thăm nhà bà được cũng có cơ hội thưởng thức.Chúng tôi đã lưu lại nhà bà khá lâu vì có cảm giác mình ra về sớm phút nào là có lỗi với bà phút đó. Bà thật chân thành và trân trọng học trò. Bà mừng lắm khi chúng tôi đến thăm. Bà mừng đến nói nhịu như thế này: Bà kể rằng cháu bà đang học ở nước ngoài. Hỏi bà là ở nước nào thì bà bảo “ở Việt Nam” !!! Chị Bình Trần sửng sốt hỏi lại : “Ở Việt Nam á ?” (chị Bình phản xạ rất nhanh nên không tư duy gì cả). Lúc đó bà hiểu là mình đã nói nhầm nhưng vẫn chưa hết xúc động và bình tĩnh nên đành vào phòng trong lôi ra một album ảnh khóa 71-76. Sau đó bà đính chính lại rằng “cháu học ở Nauy” !!! Thế đấy, vui qúa đến nói lẫn mà! Chúng tôi đã cùng bà xem lại album ảnh và lần lượt nhận ra từng khuôn mặt thân thuộc năm xưa. “Trúng nhất” là chị Thảo vì chị Thảo đã tìm thấy rất nhiều ảnh bạn cùng khóa và cả ảnh mình nữa. Hôm đó nếu không có cuộc hẹn về khách sạn để dự lễ kỷ niệm ngày cưới của chị Thanh-anh Lương và sinh nhật chị Thu và Minh Hoa thì chúng tôi còn ở lại với bà lâu hơn nữa. Sau khi trao cho bà những bức thư và quà từ các học trò, chúng tôi ôm hôn từ biệt bà ra về với lòng thương cảm vô hạn đối với người giáo già bị liệt đang sống một mình trên mảnh đất Moldova. Mong sao những ngày mới không mấy khó khăn cho bà và sức khỏe bà được cải thiện hơn. Và hy vọng tình thầy trò cũng làm bà nhẹ nhàng, vui vẻ hơn trong cuộc đời này.



Và bây giờ thì Cô đã đi xa, rất xa rồi...


 


 



Từ: MuiLT
15/10/2015 23:39:51

Buồn quá chị Lan ơi, chúng ta lại mất đi 1 cô giáo phúc hậu và hết lòng vì sinh viên



Từ: CucNT
15/10/2015 00:07:37

Xin được chia buồn với các anh chị về sự ra đi của cô giáo Vera Pavlona Goncharenko.


Qua những tâm sự của các anh chị, em càng ngưỡng mộ tình thấy  trò của các anh chị đối với cô giáo của mình. Em tin rằng nơi chín suối, cô đang nhìn về những hoc trò Việt nam yêu dấu và mĩm cười mãn nguyện.



Từ: Guest LanTT
14/10/2015 01:57:42

Hôm nay tôi nhận được thư của Sacha, cháu nội cô Vera đang sống ở Washington DC. Theo bạn ấy, chồng cô Vera là một nhà côn trùng học, đã làm việc nhiều năm ở Cuba nghiên cứu cách bảo vệ cây trồng bằng các động vật ăn côn trùng thay vì sử dụng thuốc trừ sâu. Ông đã có một dự án nghiên cứu tương tự ở Việt Nam nhưng đã bị hủy bỏ ngay khi bắt đầu do chiến tranh. Sasha cũng cho tôi địa chỉ mộ Cô. 


Những năm cuối cùng cô sống một mình vì chồng và hai con trai lần lượt ra đi năm 2004, 2006 và 2014. Trước khi mất, tháng 4/2015 cô rất hạnh phúc vì cháu trai Matthew (gọi Cô bằng Cụ) ra đời. Cô thường theo dõi sự phát triển của Matthew qua Sky. Cô bị đột quỵ nhẹ vào tháng 6 và sau đó tháng 7 lại bị một lần nữa, từ đó sức khỏe Cô yếu đi. Cuối tháng 8 thì Sacha về chăm sóc cô cho đến lúc cuối đời. Trước khi cô mất rất nhiều bạn bè và học trò đến thăm cô và cô vẫn nhận ra họ. Thư của Sacha đã an ủi tôi ít nhiều vì Cô đã được nhìn thấy chắt nội và có cháu nội chăm sóc những ngày cuối cùng. Cầu mong linh hồn cô được siêu thoát phù hộ cho con cháu. Không biết sang năm khi chúng ta về nguồn thì còn thầy cô nào nữa không?.


 



Từ: Guest CuongLV
14/10/2015 00:07:36

nnn



Từ: LyTM
13/10/2015 16:02:59

Xin chân thành chia buồn cùng các anh chị về sự ra đi của cô giáo:


 


Chân trời xa cô đã về cõi khác


lũ chúng con ngơ ngác ngóng trông,...


Nhớ về nơi ấy mênh mông,


tình cô dạy bảo vẫn lồng yêu thương,...


Bây giờ đã hóa gió sương


mong cô nhẹ bước trên đường tiêu dao,... 



Từ: Guest Bình PT
12/10/2015 20:49:05

Thục nói đúng đấy : Bọn mình khoa Sinh nhưng cũng có được nhiều thầy cô chung với khoa Hóa và Lý vì bọn mình học từ hóa vô cơ đến hữu cơ, hóa phân tích đến hóa lý... Nhìn ảnh các cô đều rất thân quen. Bọn mình tốt nghiệp gần 40 năm rồi nên các thầy cô lần lượt ra đi cũng như bố mẹ của bọn mình vậy! Đọc bài của Lan lại nhớ quay quắt những phòng thí nghiệm và những giảng đường lớn nhỏ của trường, và sống động nhất là các thầy cô người nghiêm khắc hơn, người hiền dịu hơn nhưng đều tận tâm truyền đạt, chỉ bảo cho chúng ta mọi điều hữu ích cho cuộc sống! Mãi biết ơn các thầy cô và ngôi trường của chúng ta!




Trang:  1 | 2 | 3 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s