GIEO HẠT THIỆN
Tác giả: CucNT
GIEO HẠT THIỆN
( Nhân ngày 20/10/2015)
Vừa ngủ dạy, Misa đã gọi: “Mẹ ơi! ở Chùa Kỳ Quang 2 người ta bỏ rơi em bé dễ thương lắm nè, mẹ ra xin em bé về nuôi đi!”. Tôi chạy vội ra Chùa. Nơi đây tôi đã từng đến mấy lần trước nhưng thú thật chỉ đến văn phòng cùng mấy người bạn, góp 1 chút tiền bạc , quà cáp nhỏ nhoi rồi nhanh chóng ra về, không dám nán lại vì một nỗi sợ mơ hồ luẩn quẩn.
Chùa Kỳ Quang II nằm ở 154/4A Lê Hoàng Phái, P.17, Quận Gò Vấp cách nhà tôi không xa nên tôi đã nhanh chóng đến nơi. Trước tôi rất nhiều người đã đến.
Tôi nhanh chóng đi qua mấy căn nhà, qua một dãy ghế có những thanh niên đang ngều ngào giơ tay, giơ chân, ú ớ nói những gì không rõ.
Nhiều người đứng trước một căn phòng trầm trồ chỉ trỏ. Tôi sán đến, đây rồi, là em bé ấy đây mà ai đó đã đưa lên Fb với statut là em bị bỏ rơi trước cửa Chùa.
Em đẹp như thiên thần. Trong phòng còn nhiều trẻ con nữa nhưng em bé nhất và thánh thiện nhất. Làm sao người ta có thể bỏ rơi một thiên thần như thế chứ? Lòng tôi nhói đau. Chúng tôi chỉ đứng ngoài nhìn, không được bước vào vì cô bảo mẫu bảo phải giữ tuyệt đối sạch sẽ cho các bé vì chúng chỉ là những đứa trẻ sơ sinh. “Nếu em muốn nuôi đứa bé thì làm thế nào hả chị?” . “Nhiều người hỏi như chị rồi, Chùa không cho đâu chị vì Chùa nhận nuôi đứa bé rồi. Có gì chị hỏi thêm thượng tọa Thích Thiện Chiếu nhé!” .
Bên tôi nhiều người tỏ ra tiếc rẻ. Có một cô bé khoảng mười bảy, mười tám tuổi cứ đứng tần ngần, “Chị ạ! Khi trên mạng lan truyền em bé này bị bỏ rơi ở Chùa, em đến ngay, mấy hôm nay, em cứ ở đây, em yêu bé quá. Không xin mang về nhà nuôi được, có lẽ em xin vô ở đây luôn để chăm bé quá!”. Ttôi nhìn thấy một tình thương bao la chan chứa trong mắt em dành cho bé. Cô bảo mẫu không cho ai gần bé vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé nhưng khi nhìn thấy tôi, tự dưng cô bảo “Chị lại đây, em cho chị cùng ẵm bé nào”. Tôi ẵm bé và một cảm giác ấm êm, dịu dàng lan tỏa, cảm giác của 20 năm trước khi tôi đón bé Nhật Minh ra đời.
Tôi đi sang các phòng bên cạnh, rất nhiều em bé mồ côi khuyết tật, được nuôi dưỡng chăm sóc tại đây. Có những em là con lai ( hình như bố hoặc mẹ cháu có nguồn gốc từ Châu Âu vì mắt cháu màu xanh).
Các em được nuôi dưỡng ở đây phải chịu thiệt thòi hơn chúng bạn bởi không những phải chịu kiếp mồ côi, bị cha mẹ bỏ rơi, mà còn mang trong người các chứng bệnh nan y (bại não, thần kinh, dị dạng, mù, câm, điếc, nhiễm chất độc da cam…và gần đây còn có cả thêm các em mắc HIV dương tính hoặc đã phát triển thành AIDS cũng gia nhập vào cái tập thể trẻ bất hạnh ấy).
Trước đó, tôi đến đây và nhanh chóng ra về như trốn chạy bởi thật tình tôi sợ những em bé về trí tuệ nhưng đã không còn bé nữa về hình hài, những thanh niên cao lớn đi tới đi lui với khuôn mặt ngây dại, tay chân khươ khươ trong hư vô. Tôi sợ những tấm thân ấy chẳng may đổ ập vào mình và những cánh tay ấy nếu níu lấy mình thì sao.
Hôm nay có đông người nên tôi bớt sợ, mạnh dạn đi thăm nhiều phòng. Tôi nhìn thấy thượng tọa Thích Thiện Chiếu đang chơi đùa với lũ trẻ, ông cúi xuống cho chúng cưỡi lên lưng, chọc lét cho chúng cười, lau mắt mũi cho chúng, ôm chúng vào lòng. Hành động của ông dành cho bọn trẻ giống cử chỉ của một người mẹ hơn là một người cha.
Dọc hành lang là những em bé khuyết tật đang cố gắng tập đi bằng xe lăn. Căn phòng cuối cùng là những em bé khoảng 10 -15 tuổi.
Những em trí tuệ hình hài phát triển bình thường đang đi học, đi làm còn ở trong phòng này là những em khuyết tật, thiểu năng trí tuệ.
Một nhóm các thanh niên ngoại quốc, quốc tịch Nga, Mỹ, Malaixia, Thái lan, Nhật vv đang chăm sóc các em rất tận tình.
Họ làm bằng tất cả sự tận tâm, không ai tỏ ra sợ hãi hay ái ngại khi các em nắm lấy tay, áo, tóc của họ mà đùa giỡn. Tôi thấy mình thật đáng trách và mạnh dạn tiến lại gần các em. Trong túi có mấy chiếc kẹo, tôi bóc và đưa cho các em nhưng chúng không ăn được, thật tội nghiệp.
Cô bảo mẫu bảo các cháu đều có vấn đề về lưỡi, họng nên chỉ đút cháo cho các cháu ăn thôi. Tôi nhìn thấy một em quơ tay và thìa cháo đổ vào áo của cô gái tóc vàng (có lẽ người Nga) nhưng cô không tỏ ra bực mình mà dịu dàng dùng khăn lau sạch.
Tôi đi tiếp qua phòng bện cạnh, trong phòng là các em bị bại não, nằm một chổ, ú ớ tiếng gì tôi không rõ. Bảo mẫu là một chị khoảng 55 tuổi, chị kể quê chị ở Đồng Tháp, trước đây chị làm nông, các con chị đã trưởng thành, mấy năm trước chị bị đau đầu nên vào Chùa cầu xin sức khỏe.
Cơ duyên đưa chị tới chùa Huỳnh Quang 2. Nhìn thấy các bé, chị thương quá nên xin ở lại chăm sóc chúng và cũng lạ là từ đó chị không bị đau đầu nữa. Chị chỉ cho tôi em bé dài ngoẵng nằm bên cạnh “Em bé này 20 tuổi rồi đấy, Chùa nhặt được em ngoài cổng từ lúc Chùa mới thành lập, nay đã 20 năm”.
20 năm nay, em nằm như thế hả chị? “ Ừ! Hàng ngày, chị tắm rửa, lau chùi, cho bé ăn. "Nó có cảm giác vui mừng gì không chị?”. “Không! Nó bị bại não, có biết gì đâu!” Tôi choáng váng, tạm biệt chị rồi đi ra ngoài.
Tôi đến văn phòng và gặp thầy Thích Thiện Chiếu đang tiếp nhận quà ủng hộ của rất nhiều người mang đến.
Ngồi nói chuyện với thầy một lúc tôi được biết thêm. Ông vốn là công dân gốc của thành phố, sinh ra ở vùng An Phú Đông (Quận 12). Đi tu từ thuở thiếu thời (năm 10 tuổi), đến sau 1975 về trụ trì ở chùa Kỳ Quang II này. Sau chiến tranh, không chỉ vùng đất của phường 17 nơi cư ngụ của ngôi chùa mà cả Quận Gò Vấp lúc bấy giờ còn rất hoang sơ, sình lội, là nơi tập trung cư ngụ của những người lao động nghèo.
Với tấm lòng nhân hậu và mong muốn thực hiện tâm nguyện của chư Phật Thích Ca là “cứu khổ, cứu nạn kiếp nhân sinh”, sư thầy Thích Thiện Chiếu đã biến chùa Kỳ Quang dần trở thành mái ấm tình thương, nơi trú ngụ của các em mù, nghèo mồ côi ngày ngày phải lang thang đi ăn xin. Chúng mách cho nhau và những đứa trẻ khác cùng chung số phận cứ kế tiếp nhau kéo đến xin ở nhờ ngày càng đông.
Từ năm 1994, được phép của chính quyền địa phương, một Trung tâm từ thiện chăm sóc cho các em khuyết tật được thành lập. Lúc đầu là 20 em, sau này đã lên đến con số hàng trăm. Nhiều trường hợp thật thương tâm bởi chính tay cha, mẹ không muốn nuôi dưỡng đứa con tật nguyền đã mang đến chùa bỏ lại đứa con thơ mới chỉ mới ra đời hay một vài tháng tuổi, phó thác những sinh linh bé bỏng cho nhà chùa. Hiện trong số 205 em đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm thì có tới 110 em khiếm thị; số nhiễm chất độc da cam chiếm tới 40 em; số còn lại bị bại não, chậm phát triển, câm điếc…và chỉ có 20 em là bình thường. Trong số 4 em bị nhiễm HIV do cha, mẹ di truyền, có 2 trường hợp mặc dù đã cố gắng nhưng cũng không thể cứu chữa. 17 bà mẹ nuôi cùng hòa thượng (nhiều cô có chuyên môn dạy trẻ khuyết tật), các tăng, ni ngày ngày dạy giỗ, nuôi dưỡng, đùm bọc, chia sẻ nỗi đau và sự thiếu thốn tình cảm với các em. Không chỉ được nuôi, dạy, các em còn được học nghề, được hướng dẫn luyện tập để phục hồi chức năng. Thượng tọa đã mời các thầy, cô trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu về dạy các em khiếm thị từ lớp 1 đến lớp 5 bằng chữ Braille. Tốt nghiệp tiểu học, các cháu có năng lực sẽ được chuyển đến trường THPT học cùng các em bình thường. Nhiều em đã được phẫu thuật mắt, được phục hồi thị giác; không ít em bị bại liệt, câm, điếc đã ngồi dậy, có em còn tập đi và có thể phát âm và nói được. Ngoài các lớp khuyết tật, Chùa còn mở thêm 5 lớp học tình thương tiểu học cho các cháu nghèo, không có điều kiện đến trường. Các cháu đựơc cấp đồng phục, sách vở, và học theo chương trình phổ thông.
Ông chia sẻ rằng, ông thấy mình may mắn, nhờ có bọn trẻ mà ông dù không mang nặng đẻ đau, đã hiểu cảm giác làm cha, làm mẹ vất vả và hạnh phúc thế nào. Từ đó cũng thấm thía sâu sắc hơn công lao trời biển của đấng sinh thành.
Tôi hỏi ông , nếu có ai muốn nhận các bé làm con nuôi ông có cho không. Ông bảo không, những đứa trẻ từ lúc mới nhận về đều được ông làm biên bản nhận con, đi đăng kí khai sinh tươm tất và đều mang họ gốc của ông, họ Trần. nếu ai muốn nhận con nuôi phải liên hệ ở Sở lao động thương binh và xã hội để được hướng dẫn.
Tôi ngồi bên ông, cảm giác ông thật giản dị, gần gũi, không giống như cảm giác về những ông thầy uy nghiêm ở những ngôi Chùa khác.
Thầy nhẹ nhàng tâm sự: “Mỗi người sinh ra đều có một bổn phận cho mình. Xã hội ngày nay xuất hiện nhiều oan trái, sự việc đau lòng, đều là do con người nhận thức sai và làm sai bổn phận làm người của mình, để sân si lấn át. Thầy nhập thế, làm nhiều việc, đi nhiều nơi, là muốn đem “hạt mầm cái Thiện gieo thêm cho đời”, là muốn làm đúng bổn phận đã được định cho mình. Hành trình thiện nguyện của thầy còn là quá trình khơi sáng tâm hồn, trừ bỏ những tà niệm, sân si của chính mình mà bản thể mỗi người đều có. Đó cũng chính là hành trình hướng đến Đức Phật ở trong tâm”…
Tôi hiểu vì sao vào tháng 8/2010 Chủ tịch nước đã trao tặng cho thầy chiếc Huân chương Lao động hạng Ba.
Ngoài sân, mấy đứa trẻ đã lớn đang kêu gào những gì không rõ tiếng. Tôi ái ngại hỏi thầy “Con hỏi chuyện này, xin thầy đừng giận, mấy đứa thiểu năng trí tuệ kia đã bao giờ gây chuyện đánh nhau hay hành hung các bảo mẫu chưa? Chúng có gây nhiều phiền toái cho thầy không? “Thầy trả lời “Không cô ạ! Những chuyện đó không xảy ra, tuy không nhận thức được nhưng nhờ tình thương bao la, sự cư xử rất nhẹ nhàng của những người làm việc trong Chùa, các em lớn lên rất hiền lành, chưa có chuyện gì đáng tiếc xảy ra cả”.
Cảm ơn thượng đế vì tôi có 2 con trai khỏe mạnh. Vũ Hoàng đang học năm thứ 5 đại học Bách Khoa, buổi sáng cháu tranh thủ bán cà phê kiếm tiền mua sách vở, áo quần.
Nhật Minh đang học năm thứ 2 đại học luật . Vào các ngày thứ 7, Chủ Nhật cháu tranh thủ đi làm phiên dịch tiếng Nhật cho một số doanh nhân Nhật đến các siêu thị ở Tp HCM bán nấm.
NHẬT MINH VÀ ĐỐI TÁC NGƯỜI NHẬT
Trước lúc tôi ra Chùa, 2 con chạy theo “Mẹ ơi! Nếu Chùa không cho đưa em bé về nuôi thì chúng con để dành được ít tiền đây, mẹ cho họ nuôi bé nhé!” Tôi gửi lạị cho Chùa chút tiền ít ỏi của mẹ con tôi và ra về.
Tạo hóa sinh ra người phụ nữ với chức năng mang bầu và sinh con. Chín tháng mười ngày đợi chờ đứa con ra đời với biết bao hy vọng. Những đứa trẻ dược sinh ra làm người là quà tặng của thượng đế. Thế rồi chẳng may đứa bé đó không bình thường, sẽ là nỗi khổ đau không gì diễn tả nổi trong lòng người mẹ. Những người bố người mẹ khi phải bỏ rơi đứa con mình đứt ruột đẻ ra hẳn là đau đớn lắm. Tấm lòng của những nhà hảo tâm chung tay góp sức để các bé được tồn tại ở trên đời là vô cùng quý giá. Tuy nhiên, tôi cứ boăn khoăn mãi về ánh mắt vô hồn của những em bị bại não, bị thần kinh. Liệu các em có cảm nhận được niềm hạnh phúc vô biên được tồn tại trên cõi đời này hay đơn thuần chỉ là những thân xác lớn lên theo thời gian. Gần đây khoa học đã phát triển, những phụ nữ mang thai vài tháng khi đi khám đã có thể biết được thai nhi có khỏe mạnh, bình thường hay không và họ có thể tự quyết định để bé ra đời hay dừng lại. Nên chăng tất cả cùng chung tay góp sức để có một cái quỹ cho bất cứ bà mẹ nào cũng được chần đoán về tình trạng thai nhi trước lúc nó ra đời để tránh cho những tình trạng đau thương khi bé ra đời nhưng vì không bình thường nên phải chối bỏ. Chối bỏ khi mới chỉ là một hài nhi vài tháng tuổi sẽ đỡ đau thương hơn khi chúng đã mang dáng dấp một con người.
Cầu mong cho mọi đứa trẻ được sinh ra trên đời đều lành lặn khỏe mạnh. Cầu mong cho mỗi người phụ nữ đều có được niềm hạnh phúc vô biên là sinh ra, ấp iu và nuôi dưỡng đứa con yêu quý của mình.
Ngày 20/10/2015
Nguyễn Thị Cúc
Người post: CucNT
Ngày đăng: 20-10-2015 20:08
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 1 - 8 của tổng số 8 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |