KGU News >>Tin tức
KGU Tạo bài viết  
Thứ sáu 22 Tháng một. 2016

LỊCH SỬ: SỨ QUÂN ĐỖ CẢNH THẠC




Tác giả: TungDX

Mời ACE thưởng thức tiếp món lịch sử về vương triều Ngô Quyền - đầu tiên sau ngàn năm bắc thuộc

PHÁT BIỂU TỔNG KẾT HỘI THẢO

Về ĐỖ CẢNH THẠC

Dương Trung Quốc

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam

 

        Hôm nay, ngày đầu Xuân năm Nhâm Thìn (9-2-2012), tại Khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử giám Thăng Long – Hà Nội, chúng ta tụ hội về đây để tổ chức Hội thảo khoa học Tướng quân Đỗ Cảnh Thạc – Danh nhân Lịch sử Việt Nam thế kỷ X. Điều đầu tiên thay mặt Ban Tổ chức cuộc Hội thảo, chúng tôi xin lỗi là trong số gần 20 bản báo cáo đầy tâm huyết, công phu và khoa học, thì tại Hội nghị này, chúng ta chỉ có thời gian trình bày được 8 bản, nhưng tất cả các báo cáo đều được in vào Kỷ yếu gửi tới các vị tham dự Hội thảo. Ngay sau Hội nghị này, chúng tôi sẽ biên tập lại, bổ sung thêm tư liệu, phiên dịch phần chữ Hán cần thiết và xuất bản thành sách. Bây giờ, cho phép tôi phát biểu một số ý kiến ngắn gọn, để kết thúc Hội thảo.

          Tướng quân Đỗ Cảnh Thạc là một trong 12 vị sứ quân sống và hoạt động vào thế kỷ X. Trước đây dưới thời quân chủ, các nhà sử học vì đứng trên lập trường chính thống của Nho giáo, khi bàn về vị trí, vai trò lịch sử của 12 sứ quân thường phê phán khá nặng lời. Nhưng vài chục năm gần đây, dưới cái nhìn của phương pháp luận sử học mới, cùng với những phát hiện mới về sử liệu, các nhà sử học của chúng ta đã có những kiến giải khác tích cực hơn đối với 12 sứ quân nói chung và sứ quân, tướng quân Đỗ Cảnh Thạc nói riêng. Chính vì lẽ đó, chúng ta có mặt tại đây để tưởng nhớ Một vị Tướng quân – Một Danh nhân của Kinh đô Thăng Long – Hà Nội và của Đất nước.

Một điều rất đáng ghi nhận là tất cả các báo cáo dưới nhiều góc độ khác nhau, dưới nhiều khía cạnh khác nhau đều nhất trí đánh giá cao thân thế, sự nghiệp và cống hiến của Đỗ Cảnh Thạc. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống đạo đức, nhân ái và văn hóa. Tài năng của Đỗ Cảnh Thạc không phải chỉ được thể hiện trên lĩnh vực chính trị, “trị quốc an dân”, mà cả trong lĩnh vực quân sự. Khi còn là một vị tướng trẻ, tài năng xuất sắc của Vương triều Ngô (938-967), Đỗ Cảnh Thạc đã sát cánh bên cạnh chủ tướng Ngô Quyền làm nên Chiến thắng Bạch Đằng lịch sử vào cuối năm 938, đánh bại đội quân Nam Hán xâm lược, chấm dứt thời kỳ hơn 1000 năm Bắc thuộc. Có thể nói Tướng quân Đỗ Cảnh Thạc đã bằng tài năng, trí tuệ của mình cùng với Ngô Quyền và nhiều tướng lĩnh nhà Ngô khác đã góp phần lớn lao đưa lịch sử nước ta bước sang một thời đại mới: Thời đại quân chủ Việt Nam độc lập và tự chủ kéo dài gần 10 thế kỷ.

          Một điều được nhiều nhà khoa học đặt ra là: Vào khoảng giữa thế kỷ X, có phải 12 sứ quân, trong đó có Sứ quân Đỗ Cảnh Thạc tụ tập quân đội rồi đánh lẫn nhau không? Và vì thế, phải chăng trong đất nước ta ngày ấy đã xẩy ra hiện tượng “loạn 12 sứ quân”? Nhiều bản báo cáo đã đề cập tới vấn đề này, trong đó luận văn “Loạn 12 sứ quân” của PGS.TS. Nguyễn Danh Phiệt đã bàn một cách thấu đáo hơn cả để rút ra kết luận: “Kiểm tra qua thần tích, truyền thuyết, truyện kể, tuyệt nhiên chưa hề nói đến các sứ quân thôn tính lẫn nhau…”. Nhìn chung, các nhà khoa học đều thống nhất nhận định: Trong tình trạng đất nước vô chủ vào cuối triều đại nhà Ngô, để duy trì trật tự, kỷ cương, các hào trưởng địa phương buộc phải thiết lập chính quyền tại vùng đất của mình là hợp quy luật. Bấy giờ Tướng quân, Sứ quân Đỗ Cảnh Thạc, vốn là một vị quan của triều đình nhà Ngô chiếm cứ Bảo Đà, rồi Thành Quèn để duy trì sự ổn định, tạo điều kiện cho người dân vùng đất Thanh Oai, Quốc Oai (Hà Nội) có thể sống yên bình là điều cần thiết và thuận lòng dân.

          Hội thảo của chúng ta cũng đưa ra một vấn đề nữa cần được lý giải là sẽ nhìn nhận thế nào khi Tướng quân Đỗ Cảnh Thạc là vị sứ quân giữ thái độ chống lại Vạn Thắng vương Đinh Bộ Lĩnh kiên quyết nhất. Bản Thần tích Độc Nhĩ Đại vương cho biết: Đinh Bộ Lĩnh được Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Lê Hoàn, Phạm Trù phò giúp đã dẹp được 11 sứ quân, vì “trăm trận trăm thắng”, nên có danh hiệu là “Vạn Thắng vương”, chỉ còn lại Sứ quân Đỗ Cảnh Thạc mà thôi. Chúng tôi thiết nghĩ để hiểu rõ hành động nói trên của Sứ quân Đỗ Cảnh Thạc, chúng ta cần vận dụng sự phân tích về Thời và Thế của người xưa. Nếu nói về “Thời”, thì lúc bấy giờ về mặt chính danh vẫn ở vào cuối triều đại nhà Ngô, Vạn Thắng vương Đinh Bộ Lĩnh chưa lên ngôi Hoàng đế, vương triều Đinh chưa được thành lập. Nói về “Thế”, thì việc kiên quyết chống lại Đinh Bộ Lĩnh của Tướng quân Đỗ Cảnh Thạc là việc làm của bậc trung thần, nghĩa sĩ của triều Ngô, với mong muốn “hưng diệt, kế tuyệt”, phục hưng lại cái vương triều mà họ Đỗ từng tận tụy phục vụ. Chúng tôi cho rằng để đánh giá một sự kiện, một nhân vật trong tiến trình lịch sử, cần phải có cái nhìn biện chứng như trên, thì mới có thể giúp chúng ta rút ra những kết luận khách quan và công bằng được. Hành động chống đối của Tướng quân, Sứ quân Đỗ Cảnh Thạc đối với Đinh Bộ Lĩnh có thể so sánh với hành động của Nguyễn Bặc vào cuối triều Đinh, khi kiên quyết chống lại Phó vương Lê Hoàn vào cuối năm 979. Bấy giờ Lê Hoàn chưa lên ngôi Hoàng đế. Cách đây khoảng 15 năm, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Viện Sử học đã tổ chức Hội thảo về Định Quốc công Nguyễn Bặc tại Cố đô Hoa Lư. Giới sử học đã làm rõ công lao, sự nghiệp của Nguyễn Bặc, và coi ông là bậc trung thần, nghĩa sĩ của vương triều Đinh, theo chúng tôi, chúng ta cũng có thể nhận định về Sứ quân Đỗ Cảnh Thạc như vậy. Đỗ Cảnh Thạc là một vị tướng trung nghĩa của vương triều Ngô, do vị Anh hùng dân tộc Ngô Quyền sáng lập.

Qua cuộc Hội thảo này, các nhà khoa học về cơ bản đều thống nhất ý kiến cho rằng: Đỗ Cảnh Thạc là một vị tướng tài ba, một danh nhân lịch sử Việt Nam ở thế kỷ X. Sự nghiệp của Tướng quân, Sứ quân Đỗ Cảnh Thạc được ghi dấu ở ba lĩnh vực: 1. Cùng với Ngô Quyền đánh thắng giặc Nam Hán do Hoằng Thao chỉ huy trên sông Bạch Đằng cuối năm 938; 2. Làm quan dưới thời nhà Ngô, góp phần xây dựng, củng cố chính quyền quân chủ độc lập, tự chủ vừa bước ra khỏi đêm trường 1000 năm Bắc thuộc; 3.Duy trì trật tự kỷ cương xã hội, tạo điều kiện cho nhân dân vùng Thanh Oai, Quốc Oai (Hà Nội) sống tương đối yên bình trong khi chính quyền trung ương của nhà Ngô đã sụp đổ.

Dĩ nhiên trong cuộc Hội thảo này, bên cạnh những vấn đề đã nhất trí và đã được làm sáng tỏ, thì vẫn còn một vài vấn đề, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu như: Thần tích Độc Nhĩ Đại vương cho biết Đỗ Cảnh Thạc sinh năm Bính Tý (916), nhưng nhiều nguồn tư liệu khác lại ghi ông sinh năm Nhâm Thân (912), vậy thì Sứ quân họ Đỗ thực sự sinh năm nào? Ngay tên của thân phụ và thân mẫu Đỗ Cảnh Thạc, mỗi tài liệu chép một khác. Có tài liệu nói: Cha ông là Đỗ Thạc, mẹ là Trần Thị Thọ, nhưng có tài liệu lại chép: Cha ông là Đỗ Quảng Lăng, v.v… Ngoài ra, còn vấn đề nữa là nơi mà Tướng quân Đỗ Cảnh Thạc trút hơi thở cuối cùng cũng không được ghi chép thống nhất. Có tài liệu ghi: Đỗ Cảnh Thạc bị trúng 1 mũi tên tẩm thuốc độc, chạy đến chân núi Sài Sơn thì mất. Lại có tài liệu nói: Đỗ Cảnh Thạc trên đường chạy về phía Bắc, nhưng đến dưới núi Đồng Lĩnh, phủ Lạng Giang, đạo Kinh Bắc, thì bị chết, v.v… Những điều còn mâu thuẫn trên đây, sau này chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu để làm sáng tỏ.

Hôm nay, chúng ta tôn vinh Tướng quân, Sứ quân Đỗ Cảnh Thạc tại Bái đường Văn Miếu – Quốc Tử giám, Thành phố Hà Nội, thay mặt Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và các vị có mặt ở đây, chúng tôi xin trân trọng kiến nghị với UBND Thành phố Hà Nội, UBND huyện Thanh Oai, UBND thị trấn Quốc Oai mấy việc sau:

Thứ nhất: Do sự cống hiến cũng như đạo đức của Đỗ Cảnh Thạc, nên Nhà nước quân chủ Việt Nam từng có sắc phong cho ông làm Thần thành hoàng với các mỹ hiệu là: Đỗ Lang Đại Thần hoặc Đỗ Lang Đại Thần Quân và cuối cùng là: Độc Nhĩ Đại vương Thượng đẳng thần, và cho phép nhân dân nhiều nơi phụng thờ. Chúng tôi đề nghị các cơ quan hữu quan cùng với chính quyền địa phương cần có kế hoạch bảo quản, tu bổ nâng cấp những ngôi đền thờ Đỗ Cảnh Thạc để tương xứng với công lao của ông đối với nhân dân trong vùng.

Thứ hai: Tướng quân Đỗ Cảnh Thạc không chỉ có công với vương triều Ngô, mà ông còn có công với nhân dân Thanh Oai, Quốc Oai (Hà Nội), vì thế, chúng ta nên chọn một con đường ở thị trấn Quốc Oai chẳng hạn, để đặt tên là “Đường Đỗ Cảnh Thạc”.

Đề nghị Lãnh đạo Thành phố Hà Nội, Lãnh đạo Huyện Thanh Oai, Lãnh đạo thị trấn Quốc Oai – nơi có nhiều di tích lịch sử liên quan tới Tướng quân Đỗ Cảnh Thạc, cần quan tâm tôn tạo nơi thờ tự và phần mộ Đỗ Cảnh Thạc cho xứng đáng với sự nghiệp của một Danh nhân lịch sử và tương xứng với lòng ngưỡng mộ của nhân dân đối với ông.

Xin trân trọng cảm ơn


Người post: TungDX

Ngày đăng: 22-01-2016 13:01






Xem 1 - 10 của tổng số 11 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: Guest HẢI
28/01/2016 17:08:38

Cám ơn những tư liệu hay, thú vị



Từ: TungDX
26/01/2016 21:34:33



Phương thức chuyển giao quyền lực: Vụ ám sát Đinh Bộ Lĩnh






Trần Trọng Dương






Vụ ám sát cha con Đinh Bộ Lĩnh của Đỗ Thích trước nay đã có một số cách giải thích khác nhau, nhưng dường như chỉ có một cách được chấp nhận rộng rãi, theo đó việc Đỗ Thích hành thích họ Đinh là một hành động “đê tiện” và việc Thái hậu họ Dương khóac long bào cho Lê Hoàn được coi là hành động “cao quý”1


Dương Vân Nga được coi như là một biểu tượng của lòng yêu nước: “Lúc bấy giờ, tình hình đất nước vô cùng nguy ngập. Bên ngoài thì phong kiến phương Bắc sửa soạn đại binh sang xâm lược, bên trong các triều thần phân liệt, tranh chấp quyền lực gay gắt, nguy cơ nổ ra nội chiến lớn cận kề. Với tầm nhìn xa trông rộng, Thái hậu Dương Vân Nga thấy rõ chỉ có Thập đạo tướng quân Lê Hoàn là người có khả năng đứng ra lãnh đạo đất nước, có thể ổn định và giữ vững nền độc lập thống nhất non trẻ của Đại Cồ Việt. Bởi vậy, bà quyết định cùng triều thần tôn Lê Hoàn lên làm vua.”2 Bài viết này sẽ thuật lại các giả thuyết từng được đề cập, cũng như đưa ra kiến giải riêng về sự kiện này.

Từ sử liệu trong Toàn thư…

Đại Việt sử ký toàn thư (Toàn thư) ghi chép sự việc này như sau: Mùa đông, tháng mười, Chi hậu nội nhân Đỗ Thích giết vua ở sân cung. Bọn Đinh quốc công Nguyễn Bặc bắt được đem giết. Trước đó Đỗ Thích làm chức lại ở Đồng Quan, đêm nằm trên cầu, bỗng thấy sao sa rơi vào miệng, Thích cho là điềm tốt, bèn nảy ra ý định giết vua. Đến đây, nhân lúc vua ăn yến ban đêm, say rượu nằm trong sân, Thích bèn giết chết, lại giết luôn cả Nam Việt Vương Liễn. Khi ấy lệnh lùng bắt hung thủ rất gấp, Thích phải lén núp ở máng nước trong cung qua ba ngày, khát lắm, gặp lúc trời mưa thò tay hứng nước uống, cung nữ trông thấy liền đi báo. Đinh quốc công Nguyễn Bặc sai người bắt đem chém, đập nát xương, băm thịt ra từng mảnh, chia cho người trong nước ăn, chẳng ai không tranh lấy mà nhai nuốt. Ngày trước, khi vua còn hàn vi, thường đánh cá ở sông Giao Thủy, kéo lưới được viên ngọc khuê to nhưng va vào mũi thuyền, sứt mất một góc. Đêm ấy vào ngủ nhờ ở chùa Giao Thủy, giấu ngọc ở dưới đáy giỏ cá, đợi sáng ra chợ bán cá. Bấy giờ vua đang ngủ say, trong giỏ có ánh sáng lạ, nhà sư chùa ấy gọi dậy hỏi duyên cớ, vua nói thực và lấy ngọc khuê cho xem. Sư than rằng: “Anh ngày sau phú quý không thể nói hết, chỉ tiếc phúc không được dài”3.

Trong đoạn trên, hung thủ, động cơ, thời điểm, thời gian, không gian… của vụ ám sát được ghi chép khá cặn kẽ. Từ những ghi chép trên, một số người mặc nhiên công nhận người hành thích cha con họ Đinh là Đỗ Thích.

Tạ Chí Đại Trường trong cuốn Bài sử khác cho Việt Nam đã đồng thuận với Toàn thư mà cho rằng đây là một “cuộc bạo hành đơn lẻ” với những động cơ mơ hồ mang đầy tính huyền hoặc của nó, để đến khi Nguyễn Bặc giết được Đỗ Thích thì “người dân đương thời lại quan tâm đến ngôi sao trong mình Đỗ Thích, nên giành lấy những mảnh thịt băm ấy mà ăn, để mong hưởng chút ân sủng của Thiêng liêng”4.

Pôliacốp thì miêu tả khách quan hơn, rằng Đỗ Thích giết họ Đinh vì muốn âm mưu cướp ngôi5. Nhưng ông không giải thích được sự manh động đơn lẻ cũng như cái chết của nhân vật này.

Tuy nhiên, việc giám định cho đoạn sử liệu trích dẫn ở trên hầu như lại chưa được thực hiện. Chúng ta có thể thấy hàng loạt những thông tin “phi sử liệu” đã được cài cắm. Như chúng tôi đã từng chứng minh, Toàn thư được biên soạn trên tư duy đa nguyên văn - sử - triết bất phân của thời Trung đại. Việc các tác giả Toàn thư đã sưu tập huyền thoại, chuyện kể, tác phẩm truyền kỳ, tin đồn dân gian vào công trình của mình, khiến cho tác phẩm này trở thành cái bẫy lớn cho bất kỳ ai quan tâm đến lịch sử. Để giải thích cho cuộc hành thích đơn lẻ của Đỗ Thích, người ta sáng tác ra câu chuyện “nuốt sao” với “giấc mộng đế vương”. Để giải thích cho sự tồn tại ngắn ngủi của nhà Đinh, người ta cũng sáng tác ra “chuyện ngọc khuê bị sứt” (như Toàn thư) hay chuyện “đeo kiếm cổ ngựa của ông thầy địa lý Tàu“ (như Lĩnh Nam chích quái). Để giải thích cho việc họ Lê sẽ lên thay họ Đinh, Toàn thư cũng chép lại một bài sấm ngữ được cho là sáng tác trước đó năm năm (974): “Đỗ Thích giết hai Đinh, nhà Lê nổi thánh minh, đánh nhau nhiều người chết, đường sá người vắng tanh.”6 Tuy nhiên, với chúng tôi, thì việc sáng tác sấm ngữ thời xưa chỉ là hành động chính trị của những thế lực nhằm “chính thức hóa” sự lên ngôi của mình bằng một định đề huyền bí: số trời (chữ của Toàn thư). Giả sử, nếu như bài sấm đó bắt đầu xuất hiện vào năm 974 đi nữa, thì đối tượng để Đinh Bộ Lĩnh “xử tử” đầu tiên chính là Đỗ Thích và những người mang họ Lê, mà có thế lực nhất thời bấy giờ chính là… Lê Hoàn - Thập đạo tướng quân. Vì thế có thể khẳng định, bài sấm này được sáng tác để tung vào dân gian ngay sau cuộc hành thích, hoặc như lời giải thích của chính Tạ Chí Đại Trường thì bài sấm có thể là do các “sử gia tăng lục”7 của nhà Lê sáng tác sau này. Đọc đến đây, quý vị hẳn đã mường tượng ra một âm mưu chính trị mà không ít người đã từng nghĩ tới.

…đến giả thuyết “Lê Hoàn mưu sát Đinh Bộ Lĩnh“

 Sử liệu đầu tiên đề cập giả thuyết “Lê Hoàn mưu sát Đinh Bộ Lĩnh” là ghi chép của Thẩm Quát trong Mộng khê bút đàm được viết vào năm 1093 - sớm hơn Toàn thư 400 đến 600 năm. Bộ sử này ghi như sau: “thổ nhân Lê Uy giết Liễn tự lập” (土人黎威殺璉自立)8. Lê Uy tức Lê Hoàn9.

Như ta biết, sau khi xảy ra vụ ám sát, Đinh Toàn lên ngôi, Lê Hoàn tự xưng làm phó vương. Các quan đầu triều nhà Đinh là Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Phạm Hạp ngờ Lê Hoàn “làm điều bất lợi cho vua nhỏ”, cùng nhau dấy binh về Hoa Lư, nhưng đều bị Lê Hoàn giết. Lê Hoàn mắng Nguyễn Bặc trước khi chém đầu Bặc, rằng: “Tiên đế mắc nạn, thần người đều căm thẹn. Ngươi là tôi con lại nhân lúc tang tóc bối rối mà dấy quân bội nghĩa. Chức phận tôi con có đâu như thế?” (Toàn thư, tr.216). Sử gia Ngô Sĩ Liên đã có lời bình luận sắc sảo rằng: “Bọn họ khởi binh không phải làm loạn, mà là một lòng phù tá nhà Đinh, vì giết Hoàn không được mà phải chết, ấy là chết đúng chỗ. Nay xem lời Đại Hành kể tội Nguyễn Bặc tựa như vạch tội mình (TTD nhấn mạnh). Khi Bặc chết, ắt phải có nói một lời để bày tỏ chính nghĩa, nhưng không thấy sử chép, thế là bỏ sót.” (Toàn thư, tr.216)

Năm 1996, Mai Khắc Ứng viết “Những người viết sử xưa đơn giản hóa sự cố này: chỉ bởi một giấc mơ hão huyền mà Đỗ Thích trở thành tên sát nhân. Đằng sau Đỗ Thích còn ai không? Tại sao khi Lê Hoàn thế chân thì quân Tống lại can thiệp?”10. Đồng thuận với giả thuyết trên, năm 1997, Đinh Công Vỹ đã công bố một số tài liệu tại Hoa Lư để giải thích cho sự kiện này. Ví dụ, cuốn Hoa Lư tự sự (Vân Sàng truyện) có ghi một đoạn thơ Nôm như sau:

Dương Thị Vân phản bội chồng
Từ lâu vốn đã tư thông Lê Hoàn
Đặt mưu hiểm, lập chước gian
Đầu độc giết chết Tiên Hoàng cha con
Đỗ Thích tri nội hậu quan
Đi tuần về thấy tâm can hãi hùng
Nhẩy ngay lên mái điện rồng
Bụng đói miệng khát long đong ba ngày
Trời mưa hứng nước giơ tay
Triều đình hô hóan lôi ngay xuống đình
Đổ cho tội thí Đinh Đinh
Để Lê gia xuất thánh minh trị vì.11

Năm 2013, giả thuyết “Lê Hoàn mưu sát cha con Đinh Bộ Lĩnh - Đinh Liễn”, được GS Keith Weller Taylor nhắc lại trong cuốn “A History of Vietnamese”. Ông viết như sau: “Tên thích khách, như được miêu tả, vốn mê muội bởi những điềm triệu báo rằng sẽ lên ngôi vua, (hắn) đã nhanh chóng bị bắt, giết và ăn thịt trong bối cảnh bất thường của tục ăn thịt người. Chúng ta không biết nhiều về quyền lực chính trị của gia tộc họ Đinh, nhưng đằng sau sự kiện này có lẽ còn ẩn chứa sự đối kháng giữa các phe cánh ngoại thích và thậm chí cả mưu đồ của Lê Hoàn cùng Dương Vân Nga - bà hoàng hậu có đứa con sống sót - người được tin rằng đã có tư tình với Lê Hoàn trước khi Đinh Bộ Lĩnh chết.”12

Như vậy là, sự suy luận độc lập của Taylor và các tác giả khác cùng với những sử liệu quan phương và tư liệu dân gian tại Ninh Bình khiến ta nghĩ đến một âm mưu chuyển giao quyền lực từ Đinh sang Lê. Âm mưu ấy cụ thể ra rao, chúng tôi xin được triển khai ở phần tiếp theo.

Át chủ bài của một âm mưu cung đình

Đến đây có thể đi đến nhận định như sau. (1) Đỗ Thích là kẻ được cho là thích khách (có thể là bị thí tốt, hoặc ngẫu nhiên chết oan, hai khả năng là 50/5013). (2) Người được lợi nhất trong cuộc hành thích này chính là Lê Hoàn.

Còn một câu hỏi quan trọng cần được cân nhắc ở đây. Vì sao Đinh Toàn, đứa con trai của Hoàng hậu họ Dương và Đinh Bộ Lĩnh, không bị giết? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng tôi muốn dẫn một số sử liệu từ Toàn thư.

Sử liệu 1: Khi Đinh Bộ Lĩnh bị giết, Đinh Toàn mới 5 tuổi [sinh năm 974] (tr.215).

Sử liệu 2: Đinh Toàn lên ngôi năm 6 tuổi, Lê Hoàn nhiếp chính, tự xưng là Phó Vương (tr.215).

Sử liệu 3: Thái hậu Dương khoác áo long cổn cho Lê Hoàn lên ngôi, giáng phong Đinh Toàn làm Vệ Vương (tr.217).

Sử liệu 4: Nhà Tống cho đòi hai mẹ con (Dương Thái hậu và Đinh Toàn) sang Bắc quy phụ, đó là điều kiện để “trao cờ tiết” cho Lê Hoàn, nhưng Lê Hoàn không nghe. (tr.219). Như ta biết việc này đã dẫn đến chiến tranh với Tống.

Sử liệu 5: năm 982, lập Dương thị làm Đại Thắng Minh Hoàng Hậu. Ngô Sĩ Liên bình: “Đại Hành thông dâm với vợ vua, đến chỗ nghiễm nhiên lập làm hoàng hậu, mất cả lòng biết hổ thẹn.” (tr.222).

Sử liệu 6: năm 1001, đi đánh giặc Cử Long,..., vua cũ [nhà Đinh] là Vệ Vương Toàn trúng tên chết tại trận. Vua [Lê Hoàn] kêu trời ba tiếng (TTD nhấn mạnh) rồi thúc quân đánh, giặc tan vỡ (tr.230).

Sử liệu 4 và 6 là vô cùng quan trọng, nhưng trước nay hầu như không được để ý đến. Từ những sử liệu trên, chúng ta có thể đi đến một số kết luận: (1) Lê Hoàn đã tư thông với Dương hậu từ trước năm 979 (xét, Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân, có quyền tự do ra vào cung cấm)14. Điều đó có nghĩa là (2) Đinh Toàn có khả năng cao chính là con đẻ của Dương hậu và Lê Hoàn. Đây chính là điểm mấu chốt quan trọng nhất mà các nghiên cứu trước đây chưa từng nghĩ đến. (3) Đinh Toàn sinh năm 974, như vậy việc tư thông phải có trước thời điểm này. (4) Nhà Tống dường như đã đọc được mối quan hệ ngầm trong hoàng cung Đại Cồ Việt nên đã vờ ra một “phép thử” tinh tế để có cớ xâm lăng. Dĩ nhiên, Lê Hoàn không thể đem hai mẹ con Dương hậu (hai con át chủ bài của cuộc đời) để lĩnh tiết việt. Lê Hoàn lên ngôi là việc đã xong, và việc đánh Tống là điều không thể tránh. Được hay mất, công hay tội, sống hay chết chính ở nước cờ cuối cùng này. Như ta biết, với chiến thắng chống Tống - chiến thắng lớn nhất trước đế chế đầu tiên của phương Bắc trong thế kỷ X, Lê Hoàn đã có tư cách của người chiến thắng để viết nên lịch sử của Đại Cồ Việt và lịch sử của đời mình.

Có thể nói, việc tư tình cùng những mâu thuẫn cung đình đã dẫn đến âm mưu chính trị. Triều đình nhà Đinh từ năm 979 trở về trước có thể đã được chia làm hai phe một cách ngấm ngầm. Phe thuộc về Đinh Bộ Lĩnh gồm Đinh Liễn, Hạng Lang, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp và hai dòng ngoại thích của Liễn - Lang... - đây là phe được hưởng lợi ích của đương triều. Phe thuộc về Hoàng hậu họ Dương gồm Lê Hoàn, Thái sư Hồng Hiến15, Phạm Cự Lạng, Ngô Nhật Khánh (con của Dương hậu với họ Ngô)... đan xen quyền lợi, ân oán giữa các dòng họ mới - cũ. Đầu năm 979, Đinh Liễn giết chết Hạng Lang để tranh chức tự vương với câu bao biện gian hùng: “tranh quan chăng nhường chức, trước hạ thủ là hơn” (tranh quan bất nhượng vị, tiên hạ thủ vi lương)16. Một bàn cờ mới đã mở ra. Chỉ còn Đinh Liễn và Đinh Toàn là có tính chính danh để nối ngôi. Vì thế, âm mưu ám sát hai cha con họ Đinh là một nước đi liều lĩnh và táo bạo. Đinh Toàn lên ngôi và nhường ngôi dưới bàn tay bao bọc và xắp đặt của Dương hậu, Lê Hoàn và những người cùng phe cánh. Để củng cố ngôi vị, Lê Hoàn không những chỉ dùng chiêu “gửi trứng”, “đánh tráo huyết thống” mà còn phải sử dụng cả bạo lực để tiêu diệt những kẻ chống đối, và thanh trừng, lôi kéo những người trung lập.

Đến đây có thể nói, Đinh Toàn là con át chủ bài trong ván cờ trao đổi quyền lực từ họ Đinh sang họ Lê. Toàn mang họ Đinh, tức là mang tính chính danh, nhưng khả năng cao lại là huyết thống của Lê Hoàn, là giọt máu nối hai triều đại. Nhìn lại toàn bộ sự kiện chúng ta thấy, các sử gia từ Thẩm Quát, Ngô Sĩ Liên cho đến Đinh Công Vỹ, K.W. Taylor đã nhìn Lê Hoàn - Dương hậu như là kẻ chủ mưu của vụ ám sát cha con Đinh Bộ Lĩnh. Thế nhưng, trong suốt thế kỷ XX cho đến nay, không ít những công trình sử học, các sách giáo khoa, tác phẩm văn học - sân khấu - điện ảnh, cũng như các phương tiện thông tin truyền thông đều cố gắng dựng lên một hình ảnh phụ nữ “vì nước quên thân” khi Dương Vân Nga khoác long bào cho Lê Hoàn. Phải chăng mỹ hóa lịch sử cũng là một biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc (nationalism) ở Việt Nam?




Từ: CuongLV
25/01/2016 04:31:57


    Họ Tô Việt Nam vừa xuất bản 1 bản cuốn sách dòng họ dày ngót ngàn trang...Họ Tô tuy không ai là vua chúa nhưng cũng có lịch sử phát triển đáng tự hào...Tôi có trong tay quyển sách này và đang nghiền ngẫm, trong sách có nhiều điều rất thú vị, như chuyện đổi họ 7 đời vẫn tìm về nguồn gốc, tìm được anh em ruột thịt cùng chung Cụ Tổ nhờ mạng Google. chuyện đổi họ sang các họ khác như họ Phạm, họ Đỗ, họ Vũ...


 


 




Từ: Guest DG
24/01/2016 19:04:04



Hiện nay chưa có số liệu thống kê chính xác các dòng họ ở Việt Nam. Theo tài liệu của người Pháp -Pierre Gourou (1930) - thì ở Việt Nam có 202 dòng họ (5). Dã Lan Nguyễn Đức Dụ trong cuốn Gia Phả - Khảo Luận và Thực Hành (1932) ước tính khoảng gần 300 họ. Gần đây, theo số liệu đăng ký ở Hội các dòng họ Việt Nam thuộc tổ chức UNESCO - Việt Nam, và thống kê sơ bộ ỏ các địa phương thì dòng họ ở Việt Nam cho đến nay chúng tôi chỉ mới biết được 209 dòng họ.



Số liệu này có thể chưa chính xác. Tuy nhiên, cũng có thể sơ bộ nhận định rằng, sai số chủ yếu là số lượng các dòng họ thuộc các dân tộc thiểu số, do điều kiện địa lý và hoàn cảnh xã hội chưa có thể thống kê hết. Còn số lượng các dòng họ của dân tộc Kinh ở Việt Nam cũng chỉ trên dưới 180 dòng họ.




Từ: CuongLV
24/01/2016 17:23:20


   Dân nghèo Việt Nam mình ngày xưa thường trồng ngô, ăn ngô, khá hơn thì trồng đỗ, ăn đỗ...Vì thế mới có các họ Ngô, Đỗ/Đậu, Lê... Riêng các họ Đinh, họ Đặng, họ Vương... chỉ nghe danh tính đã biết họ có tư chất làm quan, làm tướng, làm Vua hơn người (Họ Đinh làm tướng, họ Đặng làm quan)...Tung ĐX đừng buồn vì Đỗ luôn có giá trên thị trường cao hơn Ngô, cho dù là ngô nướng, ngô luộc hay ngô rang bắp...hihihi. Riêng chuyện Đỗ Thích giết hại cha con Đinh Tiên Hoàng, Đinh Liễn, theo các nhà sử gia hiện đại thì ông ta bị oan, bị ép chịu tội và chết thay cho những người khác mà thôi.    




Từ: Guest
24/01/2016 16:12:41

Vụ sát hại ĐInh bộ Lĩnh và con trai ĐInh Liễn được nêu là do Đõ Thích, có pải do Đỗ Cảnh Thạc không nhỉ?



Từ: NghiPH
24/01/2016 02:27:30

 


Dần dần những sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử được nhìn nhận khách quan hơn. Đây là điều cần làm và nên làm. 


 


 



Từ: TungDX
23/01/2016 22:54:51

Vui mừng thông báo với anh CuongLV:


 Do nguyện vọng và yêu cầu của nhiều dòng họ Đỗ ở các nơi trong nước gặp nhau tại Hà Nội, tháng 4 năm 1997, Ban liên lạc họ Đỗ Việt Nam* đã được thành lập với tôn chỉ, mục đích sau:


1. Xây dựng mối liên hệ tốt đẹp giữa các dòng họ Đỗ, cùng nhau khai thác và phát huy truyền thống nhân văn của các dòng họ Đỗ, của dân tộc Việt Nam.
2. Giúp nhau tìm về cội nguồn, biên soạn gia phả.
3. Trao đổi những thông tin nghiên cứu và tìm hiểu về lịch sử có liên quan đến các dòng họ Đỗ Việt Nam.

  Đây cũng là sự đóng góp cùng cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.


* Trong cuộc họp này, một số đại biểu họ Đỗ mà địa phương gọi là họ Đậu, đã thống nhất gọi chung là BLL họ Đỗ Việt Nam

Đậu Huy Lộc CL74 cũng thuộc nơi này

Đã xây được mộ tổ của Họ Đỗ Việt nam


Từ: TungDX
23/01/2016 17:19:23

Bác CuongLV! Được như bác nói thì quá diễm phúc cho TungDX


Tiếc là Canh hoạch cách Tảo khê, Tảo Dương Văn Ứng hòa nhà TungDX hơn 10 km, giá như long mach lệch chục cây thì hay biết mấy


Canh hoạch chính là vùng Vác, nón Chuông, cũng có Tảo dương - nơi Bác Hồ từng về thăm; Có họ Phạm, Nguyễn


Còn chỗ Tung thì có Bệnh viện Vân đình Bác về thăm năm 1964, chỗ Tung có Dương Khuê, Dương Lâm


XÓm Tung ở có Ngô Bảo Châu chứ không có Đỗ Bảo Châu mới đây có cháu Đỗ Anh Tùng giải vàng quốc tế Nga ngữ về vai vế gọi TungDX là cụ, hì hì hì


...cha chả là tiếc



Từ: Guest DG
23/01/2016 16:35:19

Về xuất thân của vị tướng họ Đỗ, Thần phả Đỗ tướng công và sắc phong ở đình Cổ Hiền cho hay ông có nguồn gốc từ Trung Quốc: “Đỗ Tướng Công, huý Cảnh Thạc, sinh ngày 14 tháng giêng năm Nhâm Thân (912). Thân phụ ngài là Đỗ Quảng Lăng, mẹ là Trần Thị Thọ thuộc Đỗ Động Giang, Ấp Động (huyện Thanh Oai bây giờ)”. Cụ thể hơn, có thuyết cho rằng cha Đỗ Cảnh Thạc tên là Đỗ Thục, người gốc Quảng Lăng đất Trung Quốc. Vào thời Ngũ đại thập quốc, Đỗ Thục sang nước ta làm Tĩnh Hải quân và sinh ra Đỗ Cảnh Thạc. Gốc gác này, sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng chỉ rõ: “Đỗ Cảnh Thạc: Người huyện Thuận Đức thuộc Quảng Đông”




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s