KGU News >>Người KGU
KGU Tạo bài viết  
Thứ ba 05 Tháng bẩy. 2016

ĐI TÌM CÂU TRẢ LỜI VỀ TÌNH BẠN KEO SƠN




Tác giả: Diệp Chí Mậu

“Ba ơi! Sao bạn bè của ba toàn là những người tốt tuyệt vời vậy?”. Chứng kiến mối quan hệ của tôi với bạn bè cùng thời  các con của tôi hay hỏi vậy và so sánh cho mối quan hệ bạn bè cùng lứa với chúng ngày nay.Và chúng khẳng định: ”Thời nay sẽ không có tình bạn bè nào tốt đẹp như thế nữa đâu ba ơi!”. Bản thân tôi cũng đã suy nghĩ mãi về điều này mấy chục năm qua để tìm câu trả lời. Cho đến tận bây giờ, ở tuổi “xưa nay hiếm”, ngẫm nghĩ vế cuộc đời, tôi mới dần dần tìm ra lời giải đáp cho câu trả lời ấy.

Số phận đời một con người không thể tách khỏi số phận của đất nước, dân tộc mình. Mối quan hệ có được của con người ấy với xã hội, với con người cũng phải chịu sự chi phối bởi qui luật này.

Sau Hiệp định Giơnev tại Thụy sĩ năm 1954 về kết thúc chiến tranh Đông Dương, Việt Nam bị chia cắt làm 2 miền, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Những tháng cuối năm 1954, đầu năm 1955, lớp trẻ chúng tôi rời miền Nam từ những vùng miền khác nhau tập kết ra Bắc theo tiêu chuẩn con của cán bộ cách mạng. Tôi còn nhớ như in những ngày đầu của năm 1955. Buổi chiểu đi chơi cùng đám trẻ con trong thôn về nhà muộn, tôi cứ tưởng sẽ được mẹ cho “ăn đòn”. Hôm nay tôi cảm thấy là lạ. Mẹ nhìn tôi một cách trìu mến khác với ngày thường bà với tay lấy roi trên mái nhà xuống hăm he. Các cô, chú tôi cũng vậy. Tôi nghe họ bàn tán về miền Bắc nào đó thật lạnh lẽo, xa xôi. Cô Bảy tôi nói rằng tôi sẽ ra miển Bắc học sau hai năm lại về, rằng ra đó sướng lắm, được ăn ngon mặc đẹp, nhiếu thứ đồ chơi, có cả xe đạp trẻ con như tôi thấy bày  bán trên thị trấn Bồng Sơn mà tôi thich thú vô cùng. Tôi hỏi mẹ tôi sẽ đi cùng ai trong nhà. Bà bảo rằng tôi sẽ đi một mình cùng với đám trẻ trong thôn. Tôi ngần ngừ không muốn đi song chú Tám tôi nói ngoài Bắc nhiều xe đap trẻ con lắm tha hồ cởi đi chơi Thế là tôi đồng ý vì chỉ xa nhà có 2 năm rồi lại về. Mẹ tôi nói có ba tôi chờ ngoài đó rồi (Ba tôi tập kết ra Bắc năm trước sau này trở lại chiến trường Miền Nam khi cuộc chiến có dấu hiệu kéo dài)

Nhửng ngày sau đó tôi thấy không khí chuẩn bị cho tập kết ra Bắc rộn ràng khắp nơi. Tôi nghe người lớn hát vang các bài hát về tập kết, một bài hát có đoạn” Hai năm nữa anh trở về (điệp khúc) xóm làng mừng vui đón anh. Hoa tươi trên đầu súng. Đàn em bé tưng bừng hát ca..Vui thống nhất nước nhà, ta xây dựng nước non ta…”. Tôi không hiểu “thống nhất “ là gì. Mẹ chuẩn bị cho tôi ba lô đựng quần áo, thuốc bổ phi la tốp, ống tre đựng thức ăn mặn chát …Tôi nhớ đi cùng  chuyến trong xóm có khoảng 10 đứa tuổi từ 7 đến 10 cả trai lẫn gái: anh Đào Mân  (về sau xin đi bộ đội bằng được đã hi sinh trong mặt trận Quảng Trị năm 1968), anh Trần Tôn Thất ( Sau nầy là thiếu tướng tổng cục phó công an nhân dân, anh hùng lực lượng vũ trang), hai anh em anh Thao và Thạo, bạn Giáo, bạn Vân… Nhiều người ngày nay không còn, một số nghe nói còn sống nhưng tôi chưa gặp lại…Chúng tôi vừa đi bộ, đi xe cam nhông ray (một loại xe chạy trên đường sắt} vào Qui nhơn để ra Bắc bằng tàu thủy. Mấy ngày chờ đợi ở đây tôi cảm thấy nhớ nhà , nhớ mẹ kinh khủng. Tất cả chúng tôi đứa nào cũng khóc. Tin tức bay về quê khiến gia đình nhiều người không chịu nổi muốn vào đón con em trở về. Mẹ tôi cũng thế. Hôm tôi đi bà bận công việc và còn em gái tôi lúc đó mới 3 tuổi. Bà nghe tôi bị bệnh phải vào nằm viện và khóc đòi về nên vô cùng lo lắng . Chú Năm tôi ngày ấy phụ trách việc tập kết của xã ra sức can ngăn không cho bà vào với tôi vì biết rằng bà sẽ rước tôi về luôn không cho đi nữa. Tôi không ngờ rằng đây là lần cuối tôi ở lại gia đình có mẹ và em tôi để mãi mãi sau nầy tôi không còn gặp lại họ. Mẹ tôi ở lại hoạt động công khai trong lòng địch, bà hay bị đánh đập trong trại tập trung Ấp chiến lược vì có chồng con tập kết ra Bắc. Bà hi sinh sau lần bị địch phục kích khi từ chiến khu trở về. Giặc không cho lấy xác bà về chôn cất mà để bà nằm trên đường sắt với tấm biển “Cộng sản nằm vùng nguy hiểm” . Em gái tôi sau đó một năm cũng hi sinh khi làm y tá trên chiến khu khi tuổi mới 18. Tôi biết rất nhiều bạn bè cùng học ở các trường học sinh miền Nam có hoàn cảnh tương tự. Người thì mất cha hoặc mẹ, em, chú, bác…Chiến tranh thật tàn khốc! Tôi phải chờ chừng 10 ngày mới có chuyến tàu thủy ra Bắc, đó là chuyến thứ 7.của chương trình tập kết.

 Ngày ấy chúng tôi ra đi bằng nhiều phương tiện khác nhau. Những người gần giới tuyến thì đi đường bộ, những người xa hơn đa phần đi bằng  đường thủy nhờ những con tàu lớn của BaLan, Liên xô vận chuyển thành nhiều đợt.Tàu thủy đưa chúng tôi cập bến tại các cửa biển khác nhau như Sầm Sơn (Thanh hóa), Thái Bình…Tôi nhớ trên chuyến tàu Ba lan thứ 7 có rất đông bộ đội, các cô, bác,anh, chị và rất đông trẻ em như chúng tôi. Tàu lênh đênh trên biển 3 ngày đêm . Tôi thấy nhiều người bị say sóng như tôi, bị nôn ói nằm la liệt. Trên tàu tôi gặp những người quấn khố, nước da đen, hai hàm răng thì cà bằng và không nói được tiếng kinh. Sau nầy tôi biết họ là người Thượng, là anh em với Anh hùng Núp cùng tập kết ra Bắc. Lần đầu gặp họ chúng tôi thấy sờ sợ nhưng khi tiếp xúc tôi thấy họ cười nói với nhau và tỏ ra thân mật với trẻ con chúng tôi. Đến bữa chúng tôi được phát cơm nóng để ăn với thức ăn mang theo từ nhà. Do bị say sóng nên hai ngày đầu tôi không ăn được. Bọn trẻ chúng tôi đứa nào cũng khóc vì cô độc, nhớ nhà nhất là khi màn đêm buông xuống. Cuối cùng tàu cập bến Sầm Sơn Thanh Hóa. Chúng tôi được chuyển sang thuyền nhỏ vào bờ khi đi trên thang dây chập chờn trên biển tạo cảm giác sợ hãi. Đồng bào trên bờ đón chúng tôi rất đông và dẫn chúng tôi từng tốp vào ở nhà của họ. Lúc này vừa hết chiến tranh nên cuộc sống người dân hết sức khó khăn. Nhà ở của đông bào rất đơn sơ, cơm không đủ ăn, áo quần không đủ mặc. Tuy vậy bà con vẫn nhường cho chúng tôi điều kiện tốt nhất để ở, an ủi để chúng tôi vơi đi nổi nhớ gia đình. Tôi mãi không bao giờ quên được nghĩa cử ấy. Lúc này đang là mùa đông, trời rét kinh khủng không như ở quê tôi. Chúng tôi được phát áo bông chống rét và những dụng cụ thiết yếu khác. Có những tối lạnh quá đắp chăn vẫn không đủ ấm, bà con đốt lửa cho chúng tôi ngủ. Chúng tôi tập trung ăn trong những chiếc dù to và bắt đầu thích nghi dần với cuộc sống mới. Nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình và cảm giác cô đơn xâm chiếm trong lòng không đêm nào không có tiếng sụt sùi từ lũ trẻ chúng tôi. Sau cái lạnh thấu da, chúng tôi còn bị một căn bệnh chung lúc ấy là bệnh ghẻ lở hành hạ. Ghẻ mọc khắp mình  làm ngứa và rát khi mặc áo quần. Sau nầy mọi người nói chúng tôi bị “ngã nước” do chưa quen khí hậu miền Bắc. Chúng tôi được tắm lá sầu đâu (lá xoan) và  bôi lên vết loét bằng loại thuốc màu vàng có mùi hôi khó chịu ( loại thuốc có chứa lưu huỳnh).

Tôi nhớ vài tháng sau chúng tôi được chuyển về Thái Bình. Tôi được ở trong một nhà dân làm nghề sản xuất bún tươi, nghề mà lần đầu tôi được thấy. Tôi còn nhớ các thao tác của bác gái chủ nhà khi làm ra sợi bún và mùi chua chua của nước thải. Tôi hay chơi cùng Lan con gái bác chủ nhà cùng lứa tuổi. Lan có lần dẫn tôi vào đình chùa, nơi có thờ rất nhiều tượng Phật được sơn son thếp vàng, có vị mắt trợn ngược tay cầm đao trông thật dễ sợ. Một lần chơi cùng Lan tôi vô ý làm Lan chảy máu mũi mà bạn ấy không khóc. Tôi ân hận mãi vì lần đầu tiên làm cho người khác giới tổn thương và mong gặp lại bạn ấy xin lỗi sau nầy nhiều năm khi dần lớn. Mười lăm năm sau tôi tình cờ gặp Lan ờ thành phố Kiev (nay là thủ đô cùa nước Ucraina) khi chúng tôi cùng là sinh viên Việt nam học tại Liên xô. Tôi nhắc lại chuyện cũ ngày ấy. Lan nói không còn nhớ gì, chỉ nói cô còn nhớ mang máng là nhà mình có chứa trẻ người miền Nam tập kết thế thôi. Quả là trái đất tròn, người có duyên thì gặp lại nhau. Ít lâu sau chúng tôi lên xe ô tô, loại xe chạy bằng than đốt (sau tôi không còn nhìn thấy loại xe này nữa) để chuyển đến Hải Phòng, nơi tôi gắn bó đến 7 năm, nơi đã có với tôi thật nhiều kỉ niệm vui buồn. Chúng tôi tập hợp cùng nhau tại các trường được gọi tên là Trường Học sinh Miền Nam. Các trường nầy đều không có tên và chỉ được mang số thứ tự như 6,13…(Trường dành cho nữ sinh) hay 19,21,24 (cho Nam sinh) tại Hải Phòng. Về sau có những trường hội tụ cả nam lẫn nữ sinh như Trường Học sinh Miền Nam cấp 3 Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh). Ở các tỉnh khác như Hà Nam,Hà Đông … cũng có trường Học sinh miền Nam.(trường số 25,28). Người dân và chính quyền tại các địa điểm trên coi chúng tôi như con cháu, hết lòng chăm sóc và giành cho mọi ưu đãi mặc dù lúc đó kinh tế hết sức khó khăn do hòa bình vừa mới lập lại không lâu. Tự đáy lòng chúng tôi mang nặng ơn nghĩa ấy đến hết cuộc đời nầy. Về sau, khi trưởng thảnh, mổi khi có dip công tác hoặc những ngày lễ, Tết…chúng tôi cùng nhau về lại các địa danh trên, tìm gặp những ân nhân đã cưu mang chúng tôi ngày ấy để bày tỏ lòng biết ơn. Khó có thể nói hết công ơn to lớn của cả đồng bào miền Bắc đối với chúng tôi, những đứa con của người dân miền Nam thời ấy!

Tại các trường Học sinh miền Nam thuở ban đầu, chúng tôi được phân lớp theo học lực là chính. Tôi nhớ hồi cấp 1, trong lớp tôi có cả những anh lớn hơn cả chục tuổi so với tuổi trung bình cả lớp. Đó là những anh từng làm liên lạc cho bộ đội chưa có điều kiện học văn hóa. Lớp tôi hội tụ đủ người từ mọi miền: Miền Đông, Miền Tây Nam bộ, có người từ tận Mũi Cà mau …Đông nhất là học sinh đến từ các tỉnh miền Trung như Bình Định, Quãng Ngãi, Phú yên và cả Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Lúc đầu giọng nói của mỗi vùng, miền còn mang nặng âm điệu “quê hương”. Lâu dần chúng  được hòa lẫn với nhau khó mà phân biệt ai trong chúng tôi là dân xứ Huế, Bình Định, Khánh Hòa… Điểm chung của chúng tôi là đều không có gia đình bên cạnh. Người có cha thì không có mẹ và ngược lại (Cha hoặc mẹ là cán bộ miền Nam tập kết sống tại nơi cơ quan công tác). Có nhiều người không có cả cha lẩn mẹ (Cha , mẹ không đi tập kết - là cán bộ “nằm vùng” hay đã hi sinh trong kháng chiến…).

 

            Tôi nhớ    mỗi  lớp chừng 40 học sinh, một giáo viên chủ nhiệm, một cô bảo mẫu cho các trẻ nhỏlớp 1-2. Từ ban giám hiệu đến các thầy cô giáo đa phần là người miền Nam, một số giáo viên gốc Bắc vào Nam từ trước năm 1954 cũng là cán bộ tập kết. Sau này khi chiến tranh ác liệt nhiều thầy cô vào lại chiến trường (thời ấy gọi là đi B) nên trường được bổ sung nhiều giáo viên người Bắc có nhiều kinh nghiệm dạy học . Họ là những thầy cô mẫu mực, hết lòng vì học sinh và được chúng tôi vô cùng quí trọng.

 

      Tất cả thầy và trò cùng ở nội trú. Sau mỗi năm học, học sinh và thầy cô lại được biên chế vào lớp mới nên trong một trường chúng tôi đều biết nhau.Vì cùng học, cùng ăn, cùng ở và sinh hoạt nên học sinh thuộc tính nết của nhau và bao giờ bên cạnh tên khai sinh cũng được gắng thêm  biệt danh mà sau này mỗi lần gặp nhau chỉ cần nêu biệt danh là chúng tôi nhớ ngay bạn ấy: nào là “mõ làng” với ai to mòm, ”mén”, “đéc” với dáng loắc choắt, “cà” với ai hay nói cà lăm…

          Tôi có nhiều kỉ niệm về thời học ở cấp 1, 2 tại các trường HSMN số 19, 21 đóng tại huyện Hải An thuộc thành phố Hải Phòng. Hai trường nầy thực ra là một trường vì học sinh đông nên chia ra để dễ quản lí. Tôi ước khoảng trên dưới 1000 học sinh cả hai trường. Giữa hai trường có một ao tuy không sâu lắm nhưng khá rộng. Ao này thông ra con sông lớn có chiếc cầu sắt được xây từ thời Pháp mang tên Cầu Rào.(  Lúc ấy tôi không rõ vì sao cây cầu lại mang tên nầy). Chiếc ao bây giờ không biết có còn không nhưng Cầu Rào thì vẫn còn với tuổi thọ trên 100 năm. (Cầu Rào được xây từ năm 1907 bắt qua sông Lạch Tray trên đường Hải Phòng đi Đồ Sơn được người Pháp xây với mục đích ra biển nghỉ mát và xây pháo đài ở mởm núi. Cầu được mang tên trên bởi nó được xây trên địa phận làng Rào, tên nôm cùa làng An Khê).Không phải “chiếc cầu là nơi hò hẹn của đôi ta” vì thời ấy chúng tôi còn nhỏ mà nó gắn liền với tuổi thơ chúng tôi tới 7 năm cấp 1 ,2 tại đất Cảng Hải Phòng ,nơi có bạt ngàn hoa phượng nở vào mùa hè và râm rang tiếng ve kêu.Ôi! những hình ảnh và âm thanh ấy đến tận bây giờ gần 70 năm qua mà sao tôi vẫn nhớ.                                                               

        Những ngày hè oi bức chúng tôi cùng nhào xuống ao nầy tắm và nhờ nó mà chúng tôi đều biết bơi.Cũng có kỉ niệm không vui vì có một bạn bị đuối nước. Tôi nhớ đó là vào một buổi chiều thật buồn. Cả trường 19 chúng tôi cùng người cha bạn xấu số tiễn biệt bạn ấy về cõi vĩnh hằng, chúng tôi mất đi một người bạn tốt đã cùng gắn bó với nhau từ ngày tập kết. Những ngày nước sông Lạch Tray dâng cao, cá từ sông theo cống tràng vào ao nhiều vô kể. Một lần một chú cá thật to hơn 30 kí lọt vào làm ao dậy sóng khiến chúng tôi hứng thú ào xuống rượt đuổi, tiếng reo hò vang động cả hai trường. Sau gần cả tiếng bắt hụt, cuối cùng chú cá cũng bị chinh phục và được đưa xuống bếp ăn cho các cô cấp dưỡng xử lí cho bữa chiều. Vào những ngày hè nóng bức, chúng tôi hay ra Cầu Rào hứng gió lộng từ sông, nhìn con nước cuồn cuộn chảy. Sứa nổi nhiều dày đặc trên mặt sông chỉ cần dùng vợt là bắt được dễ dàng.

                  

    Những năm đầu 1960 miền Bắc chưa có chiến tranh, được mùa liên tục,đời sống khá dễ chịu. Chúng tôi ngân nga câu thơ Tố Hữu “ Chào 61 đỉnh cao muôn trượng”, cuộc sống thật thanh bình. Tôi nhớ vào một buổi chiều năm ấy từ Cầu Rào trở về trường, bên tai bỗng vang lên ca khúc nước ngoài từ loa phóng thanh thật hay. Âm điệu mang nét buồn man mát thật hợp với cảnh vật lúc nầy. Tôi không hiều được ca từ của bài hát lúc ấy, về sau mới nghe lời Việt đoạn đầu “Chiều thanh vắng là đây âm thầm gió rì rào…”. Về sau bài hát “Chiều ngoại ô Moskva” của nhạc sĩ người Nga V.Xoloviop-Xe đôi nầy đã trở nên thân thuộc với thế hệ chúng tôi. Những năm tháng du học ở Liên xô, chúng tôi thuộc lời Nga bài hát và được nghe hàng ngày giai điệu nầy vì nó được chọn làm nhạc hiệu báo giờ trên đài phát thanh và vô tuyến truyền hình toàn Liên bang Xô viết.(Còn tiếp).

 

Con tàu Balan chở người miền Nam tập kết ra Bắc (1954-1955)                                                                        

Học sinh MN với thầy dạy toán trong giờ thực hành

Từ phải sang: Thầy Đại, Nguyễn Khoa Sơn(giáo sư,tiến sĩ kh Toán Lý), Lê Văn Phi (giáo sư , tiến sĩ toán học)…

 

 


Người post: TuyetHA

Ngày đăng: 05-07-2016 03:03






Xem 1 - 6 của tổng số 6 Comments

Từ: NgaHT
09/07/2016 05:00:13

 


Anh Mậu ơi


Má em là chị Bích, làm cấp dưỡng.


Bà ngoại em là cô Nhiều giữ trẻTThầy Hưng dạy toán là dượng em


CChờ bài tiếp theo của anh


 


 


 



Từ: Guest DIEP CHI MAU
07/07/2016 00:59:22

Chào Nga HT thân mến!


Em có thể nói rõ hơn về mẹ em không? Biết đâu thế hệ các anh từng được bà dạy dỗ chăm sóc đấy em. Cám ơn những thông tin của em về thành phố Hải Phòng, về cây cầu mang tên Cầu Rào mà anh lâu lắm chưa có dịp trờ lại. A cố gắng thu xếp để về thăm lại chốn xưa lần cuối.


 



Từ: Guest VinhCX
06/07/2016 18:05:51

     Anh Mậu ơi, sao anh có trí nhớ tuyệt vời đến vậy, ngay từ lúc 4-5 tuổi rời quê vào Quy Nhơn rồi đi tàu... mà anh vẫn nhớ như in. Ngoài ra, anh lấy đâu ra hay lưu trữ kiểu gì mà còn những bức ảnh giá trị thế này cho dù qua bao năm tháng (70năm) và anh đã di chuyển biết bao nơi...ở trong và ngoài nước. 


 Cái trường HSMN em tương đối biết nhiều vì em có thời gian ở HP và rất nhiều ngừoi trước thế hệ anh làm việc cùng em, trong đó có anh Trương Quang Được (hồi làm lãnh đạo ở Hp) đã kể em nghe.


 Anh viết tiếp để em nhăm mắt lại hồi tưởng chuyện anh rồi đến chuyện em và sẽ comment tiếp anh nha.


Hay lắm 1



Từ: ThoaNP
06/07/2016 03:19:58

Em cũng nghe mẹ kể là đi tàu Ba Lan ra Bắc, nhưng lúc đó em mới hơn 1 tuổi nên chẳng biết gì hết. Thấy mẹ kể hồi đó em bị bệnh gan nặng, mọi người trên tàu rất sợ em lây cho cả tàu, may sao lúc tưởng em gần chết thì tàu cập cảng.


Anh Mậu viết tiếp nhanh nhé. Cảm ơn anh.



Từ: NgaHT
06/07/2016 02:56:08

Gia đình ngoại em cũng vào Qui Nhơn tập kết năm 1954.


Em đã được sinh ra và lớn lên tại trường 19. Nhà em ở dãy nhà 20 gian.


Năm ngoái em có về Hải phòng. Trường không còn dấu vết gì. Cầu rào đã được xây cất lại 2 lần. Nhà cửa mọc lên như nấm sau mưa. Không thấy đồng ruộng đâu nữa. Nói chung là không còn những hình ảnh xưa



Từ: Guest Life
05/07/2016 16:55:21



“Học sinh miền nam”, một phần của lịch sử, là chất keo gắn kết một thế hệ, không chỉ là bạn bè, mà còn là ruột thịt. Cho dù ta sống lâu bao nhiêu, hai mươi năm đầu tiên là nửa dài nhất của cuộc đời và chúng chiếm rất nhiều chỗ trong ký ức của ta.




Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s