HẬU VỀ NGUỒN II Ở MATXCOVA (Phần 2)
Tác giả: HuongNT
NGÀY THỨ HAI Ở MATXCOVA...
Thời tiết ngày thứ hai 04/10/2016 ở Matxcova mưa và lạnh. Tuy vậy ăn sáng xong 9 giờ chúng tôi cũng nhanh nhẹn lên xe để đi thăm quan. Và điểm đầu tiên chúng tôi dừng lại là Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcova (MGU).
1- TRƯỜNG ĐẠI HỌC TỔNG HỢP MATXCOVA (MGU).
Buổi sáng trời mưa nên xe chúng tôi chỉ đi qua Nhà hát Lớn chứ không dừng lại như theo chương trình. Khi đến trường Đại học Tổng hợp Moscow mang tên nhà bác học Nga vĩ đại M.V. Lômônôxốp thì mưa càng nặng hạt. Chúng tôi phải che ô, đội mũ nhanh chóng chớp vài kiểu ảnh để lưu lại làm kỷ niệm. Tôi có nhiều bạn bè học ở trường này nhg giờ không có ai để mà hẹn gặp.
Trường MGU được thành lập năm 1755 nằm trên đồi Vorobjovy (Воробьёвы горы - tức là đồi chim sẻ), ở phía Tây Nam của Moskva. Sau chiến tranh, để kỷ niệm 800 năm thành phố Matxcova, Stalin ra lệnh xây 7 toà nhà khổng lồ quanh thành phố mà người dân Matxcova quen gọi là "bảy toà nhà anh em". Tòa nhà chính của MGU là tòa nhà lớn nhất và cũng là tòa nhà cao nhất trên châu Âu cho đến năm 1988. Tòa nhà trung tâm cao 240 m với 36 tầng, được củng cố hai bên sườn là bốn chái (cánh), gồm các ký túc xá cho sinh viên và giảng viên. Nó chứa tổng cộng 33 kilômét đường hành lang và 5.000 phòng.
Cho đến nay, đã có 11 người thuộc đại học này được nhận giải Nobel và 5 người khác được nhận huy chương.
Nhà hát Lớn chụp qua cửa kính ô tô trời mưa.
Tượng nhà bác học M.V.Lômônôxốp
2- QUẢNG TRƯỜNG VỌNG CẢNH.
Rất tiếc vì trời mưa mỗi lúc một to nên đến quảng trường Vọng cảnh trên đồi Chim sẻ tôi chỉ vội vàng chụp được 2 tấm hình chứ nếu thời tiết đẹp thì từ đây nhìn ra view của thành phố Matxcova sẽ rất tuyệt vời.
Và đi trên đường qua cửa kính ô tô dù trời mưa nhưng tôi không thể không chớp lấy những khoảnh khắc đẹp của mùa thu vàng ở xứ sở bạch dương này...
Trên quảng trượng Vọng cảnh.
3- BỨC TRANH TRÒN BORODINO.
Có một điều thú vị là khi vừa bước chân vào cửa nhà tranh tròn Borodino tôi đã nhìn thấy em- một đồng nghiệp sang Matxcova sống cùng chồng đang công tác ở Đại Sứ Quán đã mấy năm nay. Mãi đến buổi tối cuối cùng ở Kishinhev tôi mới nhắn tin cho em về kế hoạch khi chúng tôi đến Matxcova. Vậy mà không ngờ em đã đúng hẹn đến gặp tôi ở đây. Chúng tôi cùng đi xem bức tranh tròn, cùng trao đổi những thông tin cần thiết tuy thời gian gặp gỡ quá ít ỏi nhưng như thế cũng là rất tuyệt rồi!
Bảo tàng tranh tròn Borodino.
Với em Huệ trước ảnh Kutuzop.
Bây giờ lại nói về bức tranh tròn Borodino. Cách đây 197 năm, ngày 7/9/1812, bắt đầu trận chiến Borodino – một trong những trận chiến đẫm máu nhất trong lịch sử. Quân Pháp dưới sự chỉ huy của Napoleon đã không giữ được chiến thắng quyết định trước quân Nga do Kutuzov chỉ huy tại làng Borodino. Hơn 80 ngàn lính Pháp và Nga đã bỏ mạng, chỉ riêng tại Borodino mỗi bên mất 2.500 quân. Thương vong về tướng lãnh: Pháp - 49; Nga – 23.
Tác phẩm Bức tranh toàn cảnh Borodino của Frans Alekseevich Rubo là hình tượng tiêu biểu cho hội hoạ lịch sử-chiến tranh hoành tráng đầu thế kỉ XX, với sự kế thừa những nét xuất sắc nhất của hội hoạ chiến tranh thế kỉ XIX.
Bảo tàng được khởi công xây dựng từ năm 1912 theo thiết kế của hoạ sĩ – giáo sư Rubo. Đầu tiên dự án được đưa ra rất hoành tráng, nhằm kỉ niệm 100 năm trận đánh lịch sử, tuy nhiên do thiếu thốn kinh phí và thời gian có hạn, ý tưởng về quần thể tưởng niệm hoành tráng đã không thực hiện được. Thay vào đó công trình đã được quyết định xây lên thành nhà gỗ trên mảnh đất thuộc vùng Hồ sạch. Công trình khởi công ngày 8/3/1912 và đến cuối năm đã hoàn tất, bức tranh dài 115m rộng 15m được cuộn tròn quanh trục cùng với các chi tiết kĩ thuật khác đã được đưa về được Rubo cùng trợ lí của mình treo lên.
Sau cách mạng tháng Mười, bảo tàng đã bị trưng dụng cho các mục đích sử dụng khác của chính quyền. Đến năm 1918 ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng nên tranh đã được tháo dỡ và cuộn vào trục gỗ, trong gần 40 năm sau được lưu trữ ở những chỗ hoàn toàn không đáp ứng điều kiện cho việc gìn giữ - trong tầng hầm cung điện Mius, trong kho nhà hát của vườn Ermitazh. Năm 1939 Uỷ ban đặc biệt do viện sĩ Grabar đứng đầu đã kết luận là bức tranh không thể phục chế được. Tuy nhiên đến năm 1946 việc phục chế tranh đã được quan tâm hơn và nghiên cứu kĩ càng hơn, kết quả là đến năm 1948 quyết định phục chế bức tranh đã chính thức được ban hành. Bức tranh đã được tái sinh dưới bàn tay của nhóm nghệ sĩ phục chế tranh do Korin và Kudryavsev chỉ đạo.
Năm 1961 toà nhà mới cho bức tranh được khởi công xây dựng ở đại lộ Kutuzov, dưới chân đồi Poklonnaya. Vị trí xây dựng bảo tàng được lựa chọn có chủ ý rõ ràng: ngày 2/9/1812 ở đây tại làng Fili, trong ngôi nhà gỗ của nông dân Frolov đã diễn ra cuộc họp mặt lịch sử của Hội đồng quân sự do Thống soái Kutuzov làm chủ trì và tại đây số phận của thủ đô trong chiến tranh đã được quyết định, theo đó chiến trận sẽ không diễn ra ở Matxcova.
18/10/1962 bảo tàng tranh Trận đánh Borodino đã chính thức được mở cửa.
4- NGHĨA TRANG NOVODEVICHY.
Nghĩa trang Novodevichy (Новодевичье кладбище) là nghĩa trang nổi tiếng nhất ở Matxcova. Nghĩa trang này nằm ngay bên cạnh Tu viện Novodevichy, là Di sản Thế giới và là địa chỉ thu hút khách du lịch thứ ba ở Matxcova.
Nghĩa trang Novodevichy được chính thức thành lập năm 1898 khi đã có quá nhiều ngôi mộ được đặt trong khuôn viên tu viện. Một trong những nhân vật nổi tiếng đầu tiên được chôn cất tại nghĩa trang là nhà văn A.P. Chekhov.
Ngày nay, Nghĩa trang Novodevichy là nơi an nghỉ của rất nhiều nhà văn, nhạc sĩ, nhà soạn kịch và thi sĩ Nga cũng như Liên Xô trước đây. Ngoài ra, rất nhiều diễn viên, nhà chính trị, nhà khoa học và các Anh hùng Liên bang Xô viết các cũng được chôn cất tại nghĩa trang này.
Nghĩa trang gồm hai phần phía Đông và phía Tây, khuôn viên được thiết kế giống một công viên với nhiều cây xanh và những điểm nhấn là các nhà nguyện nhỏ và các đài tưởng niệm được điêu khắc công phu.
Vì trời mưa nên chúng tôi không dừng lâu ở đây. Tôi dừng lâu nhất ở chỗ ba ngôi mộ của ba nữ nghệ sĩ, đó là: nghệ sĩ múa balê Galina Ulanova (1910-1998), NSND hát opera Lutmila Zykina (1929-2009) và NSND, diễn viên điện ảnh Tatiana Samoilova (1934-2014) mà tôi vô cùng yêu thích. Bà đã đóng nhiều bộ phim nổi tiếng mà tôi đã xem đi xem lại nhiều lần không chán như "Khi đàn sếu bay qua", "Anna Kalenhina"... Có một điều tôi để ý là cả ba nghệ sĩ này đều mất ở tuổi 80. Tatiana Samoilova có một người con trai duy nhất không hiểu anh ở đâu và có còn sống không mà bà mất đã 2 năm rồi mộ vẫn chưa được xây cất mà chỉ trải tấm bạt nilon đơn sơ nhìn lạnh lẽo quá! Thật đúng là số phận của mỗi con người...
NSND, Anh hùng Lao động XHCN, diễn viên điện ảnh nổi tiếng Vyacheslav Tikhonop (1928-2009) đã đóng nhg bộ phim nổi tiếng như "Chiến tranh và Hoà bình", "17 khoảng khắc của mùa xuân"...mà tôi đã xem rât nhiều lần cũng yên nghỉ tại đây.
Tôi đã đến thăm mộ của diễn viện hài Yuri Nikulin (1921-1997). Tôi đã xem rất nhiều phim do ông đóng và ấn tượng nhất là phim "12 chiếc ghế". Chỉ nhìn thấy mặt ông thôi đã buồn cười rồi.
Và hoạ sĩ Nga nổi tiếng Isaac Levitan (1860-1900) với nhg bức tranh về thiên nhiên Nga tươi đẹp, đặc biệt là mùa thu vàng của xứ sở bạch dương mà tôi say mê vô cùng đã yên nghỉ tại nghĩa trang này...
Galina Ulanova (1910-1998).
Lutmila Zykina (1929-2009).
Tatiana Samoilova (1934-2014).
Vyacheslav Tikhonop (1928-2009).
Yuri Nikulin (1921-1997).
5- NHÀ HÀNG NGA MY-MY.
Bữa trưa ở nhà hàng Nga My-My bù lại cho một ngày thời tiết xấu là món chả nướng saslyk nhưng lại bằng thịt gà cũng ngon...
Thịt nướng Saslyk.
6- QUẢNG TRƯỜNG CHIẾN THẮNG.
Trưa 04/10/2016 sau khi ăn trưa ở nhà hàng My-My xong, ra xe em hướng dẫn viên du lịch hỏi chúng tôi có muốn trải nghiệm đi tàu điện ngầm (Metro) không thì tất cả đều đồng thanh trả lời là "Có". Thế là em đưa chúng tôi đến thăm Quảng trường Chiến thắng- một địa điểm không có trong chương trình của tour vì Quảng trường Chiến thắng nằm ngay gần Công viên Chiến thắng và nhà ga metro này.
Quảng trường Chiến thắng mới được xây dựng nhà dịp kỷ niệm 65 năm ngày chiến thắng phát xít Đức, kết thúc cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai (09/5/1945). Trời vẫn mưa nên chúng tôi chỉ ghi vôi vài bức hình rồi ra ga metro luôn...
Quảng trường Chiến thắng.
7- TÀU ĐIỆN NGẦM Ở MATXCOVA.
Hệ thống tàu điện ngầm (Metro) ở Matxcova được mở vào năm 1935 với một tuyến ray dài 11 km (6,8 dặm) và 13 nhà ga. Đây là tuyến đường sắt ngầm đầu tiên trên thế giới. Cho đến nay (2016), nó có tổng chiều dài các tuyến đường là 333,5 km, 12 tuyến đường cùng với 200 nhà ga. Phần lớn tuyến đi ngầm, với phần sâu nhất 74 m tại nhà ga Công viên Chiến thắng mà hôm nay 04/10/2016 chúng tôi bắt đầu đến. Mỗi nhà ga metro đều được trang trí rất công phu và đẹp, không ga nào giống ga nào. Nơi đây được mệnh danh là "Cung điện ngầm dưới lòng đất". Ở Mỹ và Singgapo cũng có metro nhg không thể bằng metro ở Nga được.
Ngày xưa mỗi lần đến Matxcova hay St-Peterburg thì phương tiện mà tôi sử dụng nhiều nhất là metro vì nhanh, rẻ và dễ tìm địa chỉ cần đến đỡ phải hỏi đường nhiều. Đã 39 năm rồi giờ tôi mới lại được đi metro ở đất Nga. Chúng tôi đã đi 7 bến nhg lên xuống thang máy liên tục rất khẩn trương.
Từ ga Công viên Chiến thắng mới mở nhưng là ga sâu nhất và dài nhất, chúng tôi chỉ đi 1 bến đến nhà ga Kievskaya, 2 bến nữa đến nhà ga Belarutskaya, 1 bến tiếp theo đến nhà ga Mayakovskaya và cuối cùng 3 bến đến nhà ga Noverkuznheskaya (thợ rèn mới).
Nhà ga tàu điện ngầm.
Trên tàu điện ngầm.
8- BẢO TÀNG TRANH TRETYAKOVSKAYA.
Lần thứ hai đến đây tôi vẫn bị hớp hồn trước vẻ đẹp tuyệt vời của nhg bức tranh trong bảo tàng này.
Viện bảo tàng nghệ thuật đặc sắc Tretyakovskaya không chỉ là kho tàng chính quý báu của nền nghệ thuật Nga mà còn là một biểu tượng Nga độc đáo. Nằm ở trung tâm Matxcova gần điện Kremli, tòa nhà chính của Tretyakov được xây dựng theo các phác họa của họa sĩ Victor Vaxnhensov với phong cách dân tộc lãng mạn. Vào cuối thế kỷ 19 viên ngọc kiến trúc đương thời này đã được ông Pavel Tretyakov- một nhà buôn và mạnh thường quân Nga nổi tiếng tặng lại cho thành phố Matxcova cùng với bộ sưu tầm tranh, các bức họa và tượng. Bộ sưu tập cá nhân đã khởi đầu cho sự xuất hiện viện bảo tàng quốc gia.
Trong các phòng trưng bày là không gian lịch sử, mỹ thuật từ thời cổ đại được lưu giữ cho đến ngày nay. Chúng tôi đã được chiêm ngưỡng các bộ sưu tập đồ sộ về các bức tranh thánh, những góc chủ đề khác nhau như đời sống sinh hoạt đời thường hay những cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan Matxcova, ảnh chân dung...
Bảo tàng tranh Tretyakovskaya.
Người đàn bà xa lạ. Kramskoi I.N. (1837-1887).
Mùa thu vàng. Ostroyukhov I.C. (1898-1929).
Đặc biệt ở đây tôi thích nhất phòng tranh của họa sĩ thiên tài người Nga gốc Do Thái Isaac Ilyich Levitan (1860-1902).
Đây là lần thứ 2 tôi đến bảo tàng tranh Tretyakovskaya mà vẫn cứ đứng ngẩn ngơ trước những bức tranh phong cảnh thiên nhiên Nga tuyệt đẹp của hoạ sĩ Levitan I.I nổi tiếng này. Với những tuyệt tác như Mùa thu vàng hay Rừng bạch dương, Levitan được coi là một trong những họa sĩ Nga nổi tiếng nhất vào cuối thế kỉ 19. Rất may phòng tranh của ông là điểm cuối cùng chúng tôi tham quan nên tôi tha hồ ngắm không biết chán.
Những tác phẩm theo trường phái hiện thực của Levitan nổi tiếng với khả năng miêu tả chân thực vẻ đẹp của thiên nhiên Nga, đồng thời cũng truyền vào đó cảm xúc và tinh thần của tác giả. Đó là bức tranh "Mùa thu vàng" miêu tả mùa thu ở vùng nông thôn Nga với sắc vàng chủ đạo, bức "Sự yên tĩnh Vĩnh hằng" miêu tả thiên nhiên hùng vĩ nhìn từ một nhà nguyện nhỏ bé nằm giữa một con sông nước Nga. Levitan còn nổi tiếng là người vẽ trời rất đẹp.
Em hướng dẫn viên du lịch cầm tay tôi dắt đến trước bức tranh "Qua vực nước sâu" rồi nói:"Chị cứ đi xung quanh bức tranh này đi sẽ thấy rất hay, dù đứng ở đâu thì cũng có cảm giác như cầu hướng về mình". Tôi đi đi lại lại và thấy đúng như vậy, thế là phát hiện thêm một điều kỳ diệu nữa ở tranh của Levitan.
Rời bảo tàng tranh Tretyakovskaya ra về tôi đã có thêm nhg trải nghiệm mới mẻ để hiểu rõ hơn về nền văn hóa và lịch sử nước Nga.
Chân dung tự họa năm 1880 của Levitan I.I. (1860-1900).
Mùa thu vàng. 1895.
Vực nước sâu. 1892.
Tháng Ba. 1895.
9- GẶP TANHIA Ở NHÀ HÀNG SÀI GÒN.
Ngày 04/10/2016 là ngày thứ 2 chúng tôi ở Matxcova và cũng là một ngày đầy ắp các sự kiện luôn, đúng là chạy hết công suất và có lẽ vì thế mà cô bé hướng dẫn viên yêu quí của chúng tôi bị xỉu nhg rất may là em đã đỡ và được trưởng đoàn đưa về tận nhà.
Khi từ bảo tàng ra chúng tôi đi qua cây cầu Tình yêu có các cây Tình yêu gắn rất nhiều khoá trên đó. Nhg cặp đôi nào cảm thấy tình cảm trắc trở ra đây móc khoá vào sẽ bền chặt như xưa.
Cầu Tình yêu.
Thường các ngày tham quan bữa trưa chúng tôi dùng món Tây, còn bữa tối ăn cơm Việt.
Và thật bất ngờ khi bước vào nhà hàng Sài Gòn tôi nhìn thấy ngay Tanhia- bạn gái Nga học khoa Toán cùng năm tôi, trước đây ở cùng phòng với hai chị Bình khoa Hoá và họ là nhg người bạn rất thân thiết, thường xuyên Liên lạc với nhau. Thì ra một bạn nam khoa Toán năm tôi đã hẹn trước để gặp nhau tại quán ăn này. Chúng tôi nhận ra nhau ngay và chuyện trò rôm rả. Ngày xưa Tanhia xinh lắm và rất hay cười. Bây giờ thân hình bạn to hơn nhg khuôn mặt vẫn xinh. Chúng tôi yêu cầu Tanhia hát bài hát tiếng Việt mà ngày xưa hai chị Bình dạy thì bạn đã hát ngay. Nhìn bạn hát thật dễ thương và chúng tôi đã cùng hoà nhịp với bạn: "Sương long lanh trên ngọn cỏ non xanh. Vừng đông đang sáng lên, tưới sáng khắp không gian, bao tối tăm mịt mù dần tan..."
"Cuộc vui ngắn chẳng tày gang" và rất tiếc là chúng tôi gặp Tanhia được ít quá!
Chúc Tanhia khỏe nhé để một ngày nào đó được đón bạn ở Việt Nam!
Với bạn Tanhia ở nhà hàng Sài Gòn.
Thế là đã hết ngày thứ hai ở Matxcova, một ngày đầy ắp các sự kiện vui!
Người post: HuongNT
Ngày đăng: 31-10-2016 08:08
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 1 - 9 của tổng số 9 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |