KGU News >>Văn học >>Ký - Luận
KGU Tạo bài viết  
Chủ nhật 26 Tháng chín. 2010

Một vài ghi chép về thời đi học ở quê




Tác giả: NghiPH

MỘT VÀI GHI CHÉP VỀ THỜI ĐI HỌC Ở QUÊ

                                NghịPH- Cãi cọ 81

 

         Những ghi chép tản mạn dưới đây của tôi về thời đi học, thời chăn trâu, cắt cỏ ở quê là chuyện đâu của riêng tôi mà là chuyện của rất nhiều anh chị em Hội KGU chúng ta. Thuở ấy, nhiều  anh chị em người thành phố, thị xã sơ tán về các vùng quê  đã sống và đi học như  người nhà quê chúng tôi...

 

       Tôi sinh ngày mồng 2 Tết năm Giáp Ngọ, tức 03/02/1954.

       Lên sáu tuổi tôi đi học lớp vỡ lòng ở một căn nhà cũ kỹ cạnh chợ Thành Mỹ. Trước đấy nó là Nhà Hộ sinh của xã. Lớp do cô giáo Cảo- con gái thầy Lê Văn Thiệu mà về họ hàng tôi gọi là anh giáo Thiệu dạy. Ngay buổi học đầu tiên tôi đã bị anh Nhỡ và thằng Mười (con ông Thơ Nham) bắt nạt vì quá bé nhỏ. Mấy đứa cùng xóm học ở lớp này khi đó là thằng Lâm (con ông Nghé), thằng Thiềng (con ông Đối), thằng Nhuấn (con ông Đụng), thằng Đang (con ông Giăng), thằng Phấn (con ông Bạt), thằng Giá (con ông Chấp), cái Thủy (con ông Chung).

       Những  đứa học trước tôi phải học cả lớp bài ngắn và lớp bài dài, còn từ năm tôi học thì theo chương trình mới (không chia ra bài ngắn, bài dài nữa). Đến bây giờ tôi còn nhớ một số câu trong các bài học thời đó như:  Bố Tý làm công nhân. Ở bến tầu khuân vác. Vừa làm vừa hát. Trong buổi sáng mùa xuân...  Một đoạn văn ngắn rất hay, rất lãng mạn! Bác công nhân này tuyệt giỏi: Vừa làm một công việc rất nặng nhọc là khuân vác mà vẫn  vui vẻ hát.  Hoặc một số đoạn trong các bài văn vần:

Lớp em bè bạn rất đông

Cùng nhau học tập như trong một nhà

Cùng nhau nhảy múa hát ca

Cùng nhau sinh hoạt thật là vui thay!

 

Có dây bìm bìm leo trên bờ giậu

Bướm vàng đến đậu

Hoa tím rung rinh

........................

         Gần cuối năm lớp vỡ lòng, lớp tôi chuyển về học tại Văn Chỉ ở đầu xóm Đông Đình.  Phòng học trong Nhà Văn chỉ khang trang, sạch sẽ hơn rất nhiều so với phòng học ở Nhà Hộ sinh cũ. Trước khu Văn Chỉ có cái giếng khá đẹp. Lúc nghỉ giữa buổi, chúng tôi thường ra bờ giếng chơi và xuống giếng vục nước uống.

         Cùng với việc đi học, năm lên 6 tuổi tôi bắt đầu biết đi chăn trâu và từ năm lên 7 tuổi tôi biết đi bắt cua, bắt cá.

           Lên lớp 1 tôi học cô giáo Phạm Thị Vinh. Cô giáo tôi có dáng người nhỏ nhắn, tay đeo một cái đồng hồ rất xinh. Hồi đó, cũng như nhiều năm sau này cái đồng hồ đối với tôi vẫn là một thứ rất quí báu.  Lên lớp 2 và lớp 3 tôi học thày giáo Cát- người xóm Đông Đình. Thầy dạy rất nhiệt tình và hay kể chuyện. Thầy kể về các câu chuyện trong quân đội, qua đó muốn nhắc nhở chúng tôi phải rèn nếp sống ngăn nắp, có kỷ luật. Chuyện Mũi tên thù thầy kể rất hay. Sau này, trong các buổi chăn trâu, bọn bạn cứ bắt tôi kể lại truyện này. Lớp tôi học tại Chùa Hà gần trụ sở Uỷ ban hành chính xã Ninh Mỹ, Gia Khánh (nay là Hoa Lư), Ninh Bình. Trong chùa có nhiều tượng Phật. Không biết các bạn khác thế nào, riêng tôi vừa học, vừa ngước nhìn lên các tượng Phật với lòng thành kính, xen chút sợ hãi. Trước cửa chùa có một cái giếng khơi, nước rất trong, có mấy con cá con bơi lội tung tăng. Giờ ra chơi bọn con trai chơi trò đánh bi, đánh đáo bằng hạt gấc hoặc bằng tiền xu. Mấy đứa con gái chơi đánh chắt, đánh chuyền, chơi ô ăn quan. Tôi rất kính trọng sư bà trụ trì chùa này. Có những lúc chúng tôi nghịch ngượm, lấy trộm hoa quả trong vườn chùa, sư bà cũng chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở[1].

           Năm lớp 4 tôi học thầy giáo Thạo (thày Lê Thạo, có họ hàng với bên mẹ tôi ở thôn Đa Giá).Thày Thạo cắt tóc kiểu đầu hoa gáo trông rất đẹp, rất ấn tượng. Chúng tôi được chuyển ra học ở trường lớn (tại khu Trường Tiểu học và Phổ thông Trung học cơ sở hiện nay). Do có địa điểm rộng hơn, giờ ra chơi chúng tôi chơi thêm trò xe mô tô 3 bánh và chơi ù. Cả bọn con trai và con gái đều chơi ù. Thường thì bọn con gái thắng do có nhiều hơi hơn. Rồi chơi trò bịt mắt bắt dê nữa. Tóc tai đứa nào đứa ấy xõa sợi ra, mặt đỏ bừng như người say rượu, mồ hôi mồ kê đầm đìa. Riêng chơi đánh khăng thì bị cấm vì dễ gây thương tích, nhất là khi đối phương đánh mắm, nhưng chúng tôi vẫn cứ chơi. 

          Những năm tôi học cấp I, có một số bạn học rất giỏi như: Phạm Ngọc Quý (nay là GS.TS Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi Hà Nội);  Lê Phúc Nguyên (giải nhì  học sinh giỏi văn miền Bắc, học chuyên ngành truyền hình tại Khoa Báo chí, Trường Đại học Tổng hợp Lômônôsốp,  về nước lúc đầu ở Đài truyền hình Việt Nam, sang Liên Xô làm phóng sự về chuyến bay vào vũ trụ của Phạm Tuân cùng Gorbatko,  rồi vào quân đội, nay là Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân);  Lê Đức Tạo (dậy Toán ở Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, trong thời gian khó phải bật về quê, nay làm ở Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình). Còn tôi, Thiềng, Nhuấn… chỉ thuộc loại trung bình khá.

           Những lần duyệt đội tôi được chỉ định là người cầm cờ đi giữa, trông rất oai. Do có sự vận động của anh phụ trách, thầy mẹ đã chắt chiu  may cho tôi một bộ quần soóc, áo cộc tay rất đẹp. Hồi đó chúng tôi thường tổ chức cắm trại có thi trại đẹp, thi đánh moóc, thi tìm dấu đường, thi buộc các loại nút, thi kể chuyện về các anh hùng, các nhà hoạt động cách mạng, nhất là các thiếu niên dũng cảm như Kim Đồng, Vừ A Dính, Lê Văn Tám.  Tết Trung thu thì có lễ rước đèn ông sao, hái hoa dân chủ, thi hát, thi đọc thơ... Phần thưởng là kẹo, hạt lạc giang hoặc các múi bòng (quê tôi khi đó không có bưởi...)

            Hè về, chúng tôi sinh hoạt đội theo xóm. Đội xóm Tây Đình của  tôi có tên là Đội  Kim Đồng. Tôi làm Phân đội trưởng Phân đội đội 3. Đội tôi có một phong trào Hành động đã được báo Tiền phong biểu dương trong nhiều số báo. Các buổi chiều chúng tôi quét dọn đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, trèo lên cây thị cao nhất xóm dùng loa tự tạo thông báo tin chiến thắng ở miền Nam và thành tích xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc cho bà con biết.

             Đêm đến là lúc chúng tôi “hành động”: gánh nước từ giếng đình đổ vào chum nước, bỏ cỏ vào chuồng trâu những nhà có người đi B và những nhà có các cụ già neo đơn. Sau đó, mấy đứa còn chia nhau ra đánh trận giả ở bên gốc đa đầu xóm một chập rồi  mới về nhà đi ngủ. Có lần bọn tôi đang đổ nước vào chum nhà bà cụ Muôn- người già cô đơn thì bị cụ phát hiện được và la lên:  Có trộm, có trộm! Chúng tôi quánh quàng  định chạy trốn thì cụ cười to: Bà biết mấy đứa "ăn trộm" rồi.  Lần trước mấy đứa cũng đã đến "ăn trộm" nhà bàCác cháu vào đây ăn khoai bà đã luộc, rồi bà ngâm truyện Kiều cho mà nghe. Chắc là đói lắm rồi! Chúng tôi ngồi xuống quanh cụ trên mảnh sân đất mát lạnh vừa ăn khoai lang luộc vừa say sưa nghe cụ ngâm  khúc Kiều đầy ai oán.  Bà cụ Muôn có chồng là liệt sĩ thời chống Pháp. Cụ chỉ có một người con trai. Anh xung phong  đi  Nam thời chống Mỹ và  đã hy sinh ở chiến trường Tây Nguyên. Tôi không biết tên cụ là gì. Tôi cũng như mọi người gọi cụ là cụ Muôn là theo tên anh con trai đã hy sinh.

          Lên cấp II chúng tôi chuyển sang học tại thôn Đa Giá- cạnh nhà ông bà ngoại tôi. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian rất ngắn được học ở ngôi trường khang trang, chúng tôi phải chuyển lớp học vào núi Xẻ (năm lớp 5), núi Vườn Vầu (lớp 6, lớp 7)[2] để đề phòng máy bay Mỹ ném bom. Tôi đã trèo lên lưng chừng núi Xẻ và phát hiện ra một cái hang rất to. Sau này, khi ở Liên Xô về nước, năm 1982 tôi lại trèo lên núi này để tìm cái hang năm xưa nay đã bị phá gần hết. Đến nay thì núi Xẻ, hầu như không còn nữa, chỉ còn hòn Gươm. Người ta đã phá hết cả một trái núi để nung vôi. Trên nền núi Xẻ năm xưa là chợ Thành Mỹ Mới ngày nay.

            Cô giáo chủ nhiệm năm lớp 5 của tôi là cô Yến- dạy hóa. Năm lớp 6 cô Bùi Thị Thúy Sinh- dạy Văn làm chủ nhiệm[1]. Chính cô Sinh đã vận động chúng tôi không gọi mẹ là bu nữa mà chuyển sang gọi là mẹ hoặc là đẻ.  Cô giáo Sinh ở trọ ngay tại nhà bác Lê Đồng của tôi nên những hôm nhà có việc thày mẹ  sai bảo sang nhà bác, gặp cô, tôi rất xấu hổ, cứ lúng ta lúng túng.  Năm lớp 7 chủ nhiệm là thày Bùi Như Khoan- dạy Văn. Các năm học cấp II tôi học khá hơn các bạn một chút nên được các thầy cô cử làm cán sự của lớp. Tôi được phân công giúp đỡ các bạn ở Xóm Quan Đồng[3]. Mấy bạn này phần lớn là con gái và thường lớn hơn tôi 1-2 tuổi (như bạn Ký, bạn Phòng, bạn Quế, bạn Hòa,... trong đó có đứa về họ hàng là cháu tôi), do vậy khi hướng dẫn, giúp đỡ họ học, tôi không được tự tin cho lắm và còn hay xấu hổ nữa!

          Buổi chiều, tôi thường đi chăn trâu, bắt cua, bắt cá, đánh dậm. Những hôm thày tôi đi cày thì tôi đi đón trâu cùng với cháu Huy.  Đón trâu là việc gặp thày tôi để nhận trâu, rồi đưa trâu ra đồng ăn cỏ đến căng bụng mới về. Chúng tôi thường đem theo 1-2 củ khoai luộc thay cho bữa tối. Khoai vừa vớt ra bỏ vào túi áo nóng lắm. Nhiều buổi tối cảnh vật, thiên nhiên, cây cỏ rất nên thơ. Trăng rất sáng, bầu trời đầy sao, gió hiu hiu thổi. Tôi và cháu Huy thi nhau đếm sao trời. Cũng có hôm nghêu ngao đọc thơ. Rồi có lần ngủ quên trên mình trâu. Trâu quen ngõ tự đưa chúng tôi về nhà.

         Bắt cua là “nghề”, là “sở trường” của tôi. Hôm nào trời nóng quá cua ngoi lên bờ nhiều, tôi bắt được 3-4 giỏ cua. Cua đem về được bỏ vào nồi hông (nồi đất), nồi đồng (nồi 7, nồi 8). Phải san ra nhiều nồi để cua bớt đánh nhau, cắp nhau. Tối tối mẹ tôi kẹp cua thành các xóc để sớm mai đưa ra chợ làng cùng với mướp, rau dút[4], rau muống. Hầu như sáng nào mẹ tôi cũng đem các xóc cua ra chợ để bán vì tôi bắt được rất nhiều cua.  Số tôi rất “sát cua”. Tôi nổi tiếng trong xóm về tài bắt cua. Có hôm tôi rủ Doanh- con anh Dự đi bắt cua. Do không biết bắt nên giỏ của Doanh chỉ ở mức “dính giỏ”. Sợ mẹ cháu mắng, tôi đã trút sang giỏ của Doanh một nửa. Khi đó là những năm chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ đối với miền Bắc nên chúng tôi phải đội cái mũ rơm nặng chịch. Những hôm có nhiều mảnh pháo rơi, chúng tôi đã phải chạy vào Miếu Miễu để tránh.

         Mùa đông, tôi thường đi bắt cá giá. Các con cá tránh rét vùi thân vào bùn, chỉ để hở một chút phía đầu, tôi phát hiện ra thò tay xuống bắt. Bắt được rồi mà có lần không thể bỏ vào giỏ được vì tay bị cóng do nhiệt độ xuống đến 7-9 độ mà tôi thì không có áo ấm để mặc[5]. Thật đáng đời những kẻ không biết điều như tôi.Tôi thường đi bắt cua, đánh dậm ở  Cửa Đình, Mả Vũ, Viên Non, Đá Trụt, Đồng Quen, Phù Long, Đồng Cung, Hậu Bành, Đầu Gai, Cầu Huyện (nay khu vực này đã thành thị trấn Thiên Tôn- huyện lỵ của Hoa Lư) và có khi bơi vượt sông Chanh sang cả Chiều Áng cùng Lâm, Thiềng, Phấn, Cừ, Giá, Từ, Thanh, Lĩnh, Đang và mấy đứa cháu Tuệ, Huy… Riêng cháu Doanh, khi đi đánh dậm không biết bơi dù đã cho chuồn chuồn cắn rốn nhiều lần đến chảy máu. Vậy mà, có lần chúng tôi vẫn kèm cho Doanh vượt đầm Cầu Huyện. Doanh bị sặc nước, suýt chết đuối.

        Thời gian này ở huyện tôi có Đội chiếu bóng lưu động số 41. Bọn trẻ con chúng tôi rất ham xem chiếu bóng. Chiếu ở xã khác chúng tôi cũng đi.  Xa mấy cũng đi. Thường tôi hay cõng cháu Huy cùng đi xem phim. Suốt những năm chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ, quê tôi vẫn duy trì đoàn văn công do ông Lê Trản là đạo diễn. Các vở chèo, vở kịch được các anh chị nông dân, đồng thời cũng là các chiến sĩ dân quân dũng cảm[6] biểu diễn rất hay. Tôi say mê xem các vở Lưu Bình- Dương Lễ, Quan Âm Thị kính… Các thày giáo, cô giáo của tôi cũng diễn rất hay vở kịch Nổi gió của Đào Hồng Cẩm.  Thầy và cô đóng vai chính trong vở kịch này đã bén duyên nhau, nên vợ nên chồng.

          Khi đi chăn trâu vào ban ngày, chúng tôi thường tổ chức chơi trận giả, chơi bắn nhau, chơi khăng (chơi cày, chơi mắm), chơi vật nhau, ném bùn vào nhau ở khu vực trũng Đồng Quen. Cánh đồng này thường ngập nước khá sâu nên có nhiều lăn, lác, hoa súng, củ ấu. Mấy đứa trẻ chăn trâu chúng tôi thường lặn xuống lấy củ ăn rất ngon. Nay cánh đồng này khô cạn mất rồi  nên chẳng còn đâu lăn, lác và hoa súng. Tôi tiếc cho các cháu thời nay không có những chỗ vui chơi lý thú như thời chúng tôi.

        Thi đấu vật thường thằng Phấn, thằng Cừ thắng (Cừ sau này đã hy sinh ở Tây Nguyên, Phấn bị thương nặng ở Quảng Trị), tôi cũng thắng đôi lần khi bất ngờ dùng đầu đâm vào bụng làm đối thủ đổ kềnh. Chúng tôi cũng hay chơi pháo diêm bằng cách dồn thuốc diêm vào một đầu đạn đã dùng rồi dùng đinh đập nổ đùng đoàng. Khi chơi bắn nhau bằng súng diêm, chúng tôi cũng làm theo cánh tương tự.

         Sau các trận “chiến đấu”, chúng tôi thường tẩm quất cho nhau, hoặc kể chuyện hoặc thi nói khoác, rồi đi tắm. Mấy cái chuôm quanh năm đầy nước và rất mát mẻ như chuôm nhà ông Hát, nhà ông Biểu Kỳ, nhà ông Liểu... là những chỗ “tắm tiên” lý thú của trẻ chăn trâu bọn tôi.  Khu vực có nhiều chuôm nhất là ven dãy Nương Sơn. Nay hầu hết các chuôm đã bị lấp lấy đất làm nhà.  Chuôm là nơi tắm mát. Chuôm là nơi trữ nước khi trời hạn hán. Chuôm cũng là nơi cá tôm tránh nắng, tránh rét. Chuôm gắn liền với những giai thoại ly kỳ. Thật đáng tiếc khi các ao chuôm  bị lấp đi ở khắp nơi trên đất Việt! Người ta không đào thêm được ao chuôm mới mà lấp hết đi các ao chuôm cũ- nơi lưu giữ hồn quê.

         Quê tôi có khá nhiều trái núi thuộc vùng cửa ngõ của Hoa Lư: Núi Hú[7], núi Gai, núi Voi[8], núi Nà Mả,  dãy Nương Sơn, núi Đền Hạ, núi Ngậu, núi Dộc, núi Non Soi, núi Ngang… Tôi cùng bạn bè hay rủ nhau trèo lên các đỉnh núi: đỉnh Mỏm Nàng[9] và đỉnh Giữa thuộc dãy Nương Sơn, đỉnh Nà Mả, đỉnh núi Đền Hạ. Khi trèo lên các đỉnh núi này, tôi có cảm giác choáng ngợp nhưng có được niềm tự hào, kiêu hãnh của người chinh phục điểm cao.

             Cũng cần nói thêm rằng, vì tôi là con trai một trong gia đình có 6 chị em nên thày mẹ tôi cấm tôi leo núi,  sợ tôi bị ngã suýt chết như anh Nghiễm con bác Hợp. Nhưng tôi thật là “hư đốn” khi đã trốn thày mẹ tôi nhiều lần leo núi tìm bắt sáo và trèo lên các đỉnh núi. Cũng đã có một lần tôi đã trượt chân ngã. Nhưng may quá tôi rơi xuống một đám cây cuốc. Chính đám cây cuốc này đã cứu tôi thoát chết trong gang tấc vì dưới chút xíu là mặt lát, dưới nữa là một tảng đá tai mèo nhọn hoắc. Chỉ duy có một lần tôi cùng mấy đứa bạn rủ nhau chinh phục đỉnh núi Voi là không thành công. Số là tôi và các bạn đang hăm hở xông lên thì cháu Luận (con anh Liêng), cháu Lư (con anh Dự) chạy đến can ngăn và nói là sẽ chạy về mách ông chuyện chú trốn ông leo lên núi Voi. “Nể” các cháu gái (một đứa nhiều hơn tuổi tôi 2 tuổi, một đứa bằng tuổi), sợ thày tôi biết sẽ đánh chết, tôi đã bỏ dở chuyến leo núi đó. Vả lại, như người ta thường nói, một khi đã có người can ngăn mà vẫn cứ làm thì ắt sẽ xảy ra điều không may! Đến bây giờ tôi vẫn tiếc là chưa có dịp leo lên đỉnh núi Voi- đỉnh núi cao nhất ở quê tôi.    

          Tháng 9/1968 tôi nhập học Trường cấp III Lương Văn Tụy đóng tại thôn Thư Điền, Ninh Nhất. Xã tôi có các bạn sau đây cùng nhập học: Nhuấn, Quý, Nguyên, Tạo, Lợi,  Lĩnh, Từ, Thiềng, Hòa, Cẩn, Oanh, Đạt, Nhân, Lư, Hằng, Quế, Tâm, San, Hiền, Dự … Năm lớp 8 tôi học lớp 8D do thày Đinh Văn Sơn- dạy Lý, người Hà Nội làm chủ nhiệm. Thày có giọng rất ấm và truyền cảm[10].  Những năm đó trường tôi có phong trào ghi Sổ Tự tu. Tôi nhớ có lần thày Sơn phê vào Sổ Tự tu của tôi: “Em viết chân thật, rất hay. Cố  gắng phát huy!”  Để bảo đảm an toàn, mỗi lớp đóng ở một xóm. Lớp tôi đóng tại một xóm gần đê sông Chanh, Chúng tôi tự làm nhà hầm để học. Vào những hôm trời mưa, nhà hầm đầy nước. Nhưng thầy trò cũng chẳng thấy phiền lòng. 

            Năm lớp 9, lớp tôi chuyển về thôn Ích Duệ và các lớp đã tập trung theo khối. Lớp 9H của tôi do thày Vũ Nhung, dạy Địa làm chủ nhiệm.  Thầy Nhung hay khoe chúng tôi những lá thư do các trò cũ gửi về từ Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên. Thầy nói: Nước Triều Tiên có nhiều cái giống ta.  Giống về dáng hình, giống về tình cảnh bị chia cắt hai miền, giống về một số phong tục, tập quán... Tôi cũng rất ấn tượng về thầy Nghị- người miền Nam dậy môn Lịch sử. Thầy đã bắt đầu bài Chiến tranh Pháp- Phổ và Công xã Pa ri như sau: Các em có biết không, hai thằng Pháp và Phổ từ lâu đã hục hặc với nhau. Thằng Phổ tuyên bố bóp chòi hột thằng Pháp, thằng Pháp tuyên bố bóp chòi hột thằng Phổ. Thế là chiến tranh xảy ra.   Lên lớp 10 chúng tôi chuyển về khu Hiệu bộ và vẫn tự mình xây dựng trường lớp để học như hồi lớp 8, lớp 9. Lúc đầu tôi học lớp 10H  vẫn do thày Vũ Nhung làm chủ nhiệm. Được khoảng 1 tháng lớp tôi bị chia nhỏ ra và chuyển về các lớp khác. Đến bây giờ tôi cũng không biết tại sao lớp tôi bị chia ra như thế. Tôi cùng một số bạn khác như Ngọc Oanh, Vũ Dũng, Tiến Dũng… chuyển về 10B do thày  Nguyễn Tiến Lãng- dạy Toán làm chủ nhiệm. Giảng môn Toán thầy Lãng rất chăm chút, tỉ mỉ  khi vẽ các hình, vẽ đi rồi vẽ  lại đến lúc ưng ý mới thôi. Sau này  thầy chuyển sang công tác Mặt trận của huyện- giữ chức chủ tịch Mặt trận huyện Hoa Lư đến khi nghỉ hưu.

        Các năm học cấp III tôi vẫn đi về hàng ngày (đi bộ), chứ không trọ học. Tôi rất thương mẹ tôi ngày nào cũng dậy rất sớm để nấu cơm cho tôi đi học không khi nào bị trễ. Các môn lịch sử, địa lý, sinh vật, các bài văn, bài thơ… tôi thường vừa đi vừa học trên đường đi. Buổi chiều tôi vẫn đi chăn trâu, bắt cua, đánh dậm. Do đã lớn hơn và do có nhiều bài cần học nên các buổi chiều khi đi chăn trâu tôi đã đem sách đi học và ít chơi hơn (ít chơi hơn chứ không phải là không chơi nữa…).

          Tháng 8 năm 1971 (ngày 19/8), tôi tình nguyện nhập ngũ (viết huyết tâm thư)[11]. Tôi ở Đại đội 3, Tiểu đoàn 645 đóng quân ở gần Đồi Đô, Lạc Thủy, Hòa Bình. Công việc đầu tiên của đơn vị là nhanh chóng xây dựng lán trại. Trong một tuần làm doanh trại chúng tôi được ở trong bản của đồng bảo Mường. Lần đầu tiên tôi được ở nhà sàn cũng thấy là lạ, hay hay. Hôm trèo lên Đồi Đô cắt tranh về làm lán trại, nhìn ra xa tôi bỗng phát hiện ra núi Voi quê tôi. Tôi hét vang: Chúng mày ơi! Núi Voi quê mình kìa! Sướng quá, sướng quá lên tận Hòa Bình mà vẫn còn nhìn thấy ngọn núi của quê hương[12]. Hóa ra ngọn núi quê tôi cũng cao ra phết đấy chứ!

 

 



 



[1] Sau này Sư bà được Nhà nước phong danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng vì có một người con nuôi duy nhất là liệt sĩ.

[2] Nay là địa điểm của Trường  phổ thông Trung học huyện Hoa Lư

[3] Tương truyền đây là nơi Đỗ Thích trú ngụ, đêm nằm ngủ mơ sao sa vào miệng.

[4] Thày tôi rất chịu khó trồng mướp khắp các bờ ao, khắp các lối ngõ xóm và cả tại sân nhà. Thày tôi cũng trồng khá nhiều rau dút, rau muống ở ao xóm. Tôi rất thích ăn canh cua với rau dút vì  mùi thơm đặc biệt của nó

[5] Dạo đó ở quê tôi, trẻ con nói chung chưa có áo len để mặc vào mùa đông. Tôi thường mặc 2 cái áo khách nhuộm củ nâu rất bền.

[6]Trung đội dân quân quê tôi đã bắn rơi một máy bay H4U của Mỹ vào năm 1967

 

[7] Núi Hú gắn liền với sự tích :“Bò béo hay bò gầy”

 

[8] Bên cạnh núi Voi có một trái núi rất nhỏ có tên là Dũng Đương. Trong lòng trái núi này có  Động Thiên Tôn- một danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử đã được xếp hạng. Trong động có bàn thờ đá thờ Đức Thánh trấn, thờ các vị La Hán. Tương truyền giếng nước trong lòng động này ăn thông ra tới tận Gián Khẩu (nơi sông Hoàng Long và Sông Đáy hợp dòng).  Khi xưa, lúc mới khởi nghiệp Đinh Bộ Lĩnh đã đến đây cầu Đức Thánh trấn. Lời cầu của ngài đã linh nghiệp, đánh đâu thắng đấy (Vạn Thắng Vương). Sau này, khu vực Thiên Tôn trở thành nơi các sứ thần nghỉ ngơi, chỉnh đốn trang phục để theo đường Tiến yết vào trình Vua Đinh, Vua Lê.  Ngày 20/8/1945 nhân dân các xã của huyện Gia Khánh đã tập hợp  trước cửa Động Thiên Tôn để tiến theo đường quốc lộ 1 giành chính quyền ở huyện lỵ và tỉnh lỵ Ninh Bình. Trong Kháng chiến chống Pháp, Động Thiên Tôn đã từng  là nơi đi lại, hoạt động của Tỉnh ủy Ninh Bình và Tỉnh uỷ Nam  Định.

 

[9]Đỉnh Mỏm Nàng cũng là nơi Trung đội dân quân đặt trạm gác máy bay để báo động cho nhân dân biết qua hiệu lệnh kẻng. Một đỉnh khác của dẫy Nương Sơn nằm về phía Động Thiên Tôn là nơi Trung đội dân quân đã đặt súng trung liên, đại liên đón lõng máy bay Mỹ. Năm 1967 khi máy bay Mỹ ném bom khu vực Động Thiên Tôn (vào thời điểm tôi đang chăn trâu ở đó), Trung đội này đã bắn rơi một máy bay H4U.

[10] Chẳng thế mà nhiều nữ sinh chết mê chết mệt vì thầy.

[11] Từ khi đi lính tôi “trở thành” người sinh năm 1953. Theo Lý lịch cán bộ lưu giữ tại cơ quan, ngày sinh tháng đẻ của tôi được chuyển sang 20/5.

 

[12] Cùng nhập ngũ với tôi khi đó có Lâm, Phấn, Thiềng, Lĩnh (xóm Tây Đình, thôn Thành Mỹ), Mỹ, Sách (xóm Quan Đồng, thôn Thành Mỹ)  Goòng, Khiêm, Sưa, Tiến, Hòa, San, Đạt (thôn Đa Giá),  Phụ, Phương, Ban (thôn Phong Hòa).

 


Người post: NghiPH

Ngày đăng: 26-09-2010 11:11






Xem 1 - 5 của tổng số 5 Comments

Từ: 3Chai
01/10/2010 22:43:40
Qua bài này thấy chân lý sáng tỏ: "Chú làm TBT, tôi yên tâm."
:)


Từ: NghiPH
30/09/2010 06:40:24
Cám ơn chị Thoa, Nguyệt, Diện,Vân đã có những comments lý thú.

Chị Thoa ơi, Nghị không có có thói quen ghi chép gì từ nhỏ đâu. Với lại, hồi ấy giấy bút hiếm lắm. Suốt ngày lông nhông ngoài đồng thì viết vào lúc nào. Tuổi thơ, Nghị cũng chưa có ước mơ gì, không biết sau này sẽ làm nghề gì. Chỉ biết, lúc đầu là đi lính sau rồi sẽ về đi học. Học gì thì không rõ.
Bài thơ Bố Tý… chị Thoa nhớ nhiều và chính xác hơn Nghị. Nghị sẽ tiếp thu khi sửa lại bài. Chị cho phép nhé.

Cám ơn em Nguyệt về câu: Ai đã qua những ngày tháng ấy thì mới biết rằng nó đáng được trân trọng và âu yếm làm sao. Anh rất xúc động khi đọc câu này.

Diện ơi! Cám ơn em đã có lời khen về trí nhớ. Anh xin nói lại một chút: Trí nhớ của anh kém lắm, kém lắm. Chỉ nhớ được khoảng 3 số điện thoại, quá số 3 là chịu. Về các tên người, tên đất, tên các sự kiện trong bài viết…, lúc mới ngồi trước bàn phím mình có nhớ gì đâu. Gõ được vài chữ, vài dòng thì ký ức xưa bỗng tràn về. Chúng cứ ùa đến và muốn ta đưa lên thành câu thành chữ. Các bạn chưa viết đó thôi. Chứ cứ ngồi vào bàn viết là biết bao kỷ niệm sẽ hiện về. Bạn cứ thử coi.
Được các bạn cổ vũ, có lẽ mình sẽ thu xếp thời gian ghi chép một chút về thời đi lính.

Vân có những bình luận rất ngộ về các bài thơ trong chương trình học ngày xưa. Về bài thơ cuối, anh cũng còn nhớ như sau
…….
Rồi bay đến đậu thức ăn vật dùng
Đem theo bao giống vi trùng
Sinh nhiều bệnh tật vô cùng nguy nan
Thức ăn phải đậy lồng bàn.

Có một bài vè của bọn “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”:

Bác sỹ Bùng
Dạy chúng ta
Ăn quả xanh
Uống nước lã
Dễ tiêu hóa
Tiệt vi trùng
… lung tung
Là việc tốt!


27/09/2010 09:09:02
Một tuổi thơ đầy kỷ niệm đẹp của anh Nghị, cộng thêm một trí nhớ tuyệt vời.


Từ: ThoaNP
26/09/2010 22:52:35
Nghị ơi,
Mình phục trí nhớ của bạn thật. Chắc bạn đã có thói quen ghi chép ngay từ nhỏ - đúng là tư chất NHÀ BÁO bẩm sinh. Mình thường hay nhớ rất nhiều về những kỷ niệm ngày xưa, nhưng tên Thầy Cô giáo chỉ nhớ đưiợc tên là giỏi lắm rồi chứ nhớ được đến cả họ, tên lót và các chi tiết về quê quán thì chịu.
Xứng đáng Tổng Biên tập!
P.S.: Bài về "Bố Tý ..." thì mình nhớ như sau:
"Bố Tý làm công nhân
Ở bến tàu khuân vác
Vừa làm lại vừa hát
Trong buổi sáng mùa xuân"
Tuy nhiên giờ nghĩ lại không hiểu công nhân khuân vác ở bến tàu mà vừa làm vừa hát thì thế nào? Chắc chỉ có mệt thêm!


Từ: NguyetTM
26/09/2010 18:17:02
Anh Nghị ơi, bài viết của anh rất thú vị. Bao nhiêu kỉ niệm thời mò cua bắt ốc hồi xưa được hiện ra. Ai đã qua những ngày tháng ấy thì mới biết rằng nó đáng được trân trọng và âu yếm làm sao.
Cảm ơn anh vì qua bài anh viết em biết thêm nhiều thiên nhiên thắng cảnh quê anh.
Hội KGU thật sáng suốt bầu anh là Tổng biên tập, anh quá nhiệt tình và chu tất với trang Web KGU.


Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s