KGU News >>Văn học >>Ký - Luận
KGU Tạo bài viết  
Thứ ba 22 Tháng mười một. 2016

Tản mạn Về nguồn 2016 (2)




Tác giả: Tự sướng đào ngũ

 

Tản mạn Về nguồn 2016 (1)

 

Thăm trường sáng 28/9

Vợ chồng tôi ngủ một giấc ngon lành sau một ngày di chuyển vất vả. Hôm sau vẫn dậy đúng giờ xuống ăn sáng cùng mọi người. Việc đầu tiên là hỏi thăm sức khỏe của anh Thanh qua đệ tử Giang. Được biết anh Thanh dậy sớm và đã đi dạo ngoài phố để hưởng thụ cái không khí trong lành của một thành phố châu Âu. Thế là ổn với anh Thanh, thành viên duy nhất mà hôm qua tôi rât lo lắng về sức khỏe. Chả là đêm qua khi nhận phòng, anh ấy nói “Tớ chẳng nhìn ra ai với ai nữa, mắt hoa lên rồi”.

Kế hoạch sáng hôm nay là đi thăm các khoa, bộ môn. Kế hoạch ban đầu Huyền để buổi thăm trường là sáng 30/9, rồi buổi chiều đi dự mit tinh với nhà trường. Tôi đã đề nghị thay đổi lịch này để ngay sáng đầu tiên là lên thăm các khoa. Kinh nghiệm của Về nguồn 2011 là như thế. Các cựu sinh viên muốn gặp lại các thầy cô của mình ngay. Ai ai cũng háo hức điều này, dù rằng với tôi, Trở về 2010 và Về nguồn 2011 tôi và Nguyệt đã trải qua cái cảm xúc thăm khoa, thăm bộ môn này rồi.

Sau bữa sáng, cô Nadia dẫn chúng tôi đi bộ lên trường qua những con phố nhỏ. Khi vào đến khu trường KGU, khoa Luật hăm hở vào tòa nhà có khoa của mình, không quên chụp rất nhiều ảnh ở cổng tòa nhà. Sau này tôi nghiệm ra, NguoiKGU rất thích chụp ảnh, chụp rất nhiều, chụp bất cứ ở địa điểm nào, chụp bằng nhiều máy, chụp rồi mới làm việc khác, chụp ảnh mới là cái đinh của các câu chuyện. Các khoa ghé dần vào khu vực của mình.

Khoa Toán tôi có 4 anh em, tôi và Dũng tốt nghiệp 1979, em Huyền 1991 và em Đạt 1994. Nếu tôi và Dũng là dân đại số, cùng thầy giáo hướng dẫn thì tôi chẳng biết chuyên môn sâu của Đạt và Huyền là gì, dù rằng chúng đều là dân FPT và chúng tôi đã biết nhau từ lâu rồi. Tôi còn nhớ một buổi sáng năm 1991, một cô bé bẽn lẽn đến FPT xin việc tại trường Giảng Võ, nơi FPT thuê làm trụ sở khi đó. Học Toán à, Kisinhop à, nhận luôn lập tức, FPT đang cần người lập trình mà dân Toán lập trình là nhất khi đó. Chẳng là hầu hết lãnh đạo FPT khi đó là dân chuyên Toán học ở Liên Xô về, có mấy người từng ở KGU như tôi, Lê Quang Tiến và Hoàng Minh Châu. Còn Đạt từng được giải Toán quốc tế, được vinh dự gặp 3 thủ tướng (của VN ta vì Đạt được thi quốc tế 2 lần). Nên chúng tôi thành một đoàn thăm khoa Toán vừa ít ỏi, vừa rời rạc về năm tốt nghiệp cũng như chuyên môn. Chẳng như Lý, Hóa, Sinh, họ vừa đông hơn, vừa có chất thực nghiệm nên làm việc với các thầy cô rất nhiều trong phòng thí nghiệm, nên sẽ có nhiều thầy cô để học, và để sau này nhớ, để bây giờ nôn nóng muốn gặp, muốn thăm lại từng góc phòng thì nghiệm thân thuộc. Dân Toán chúng tôi chỉ làm việc trên những tờ giấy, thỉnh thoảng gặp thầy trao đổi gọi là chuyên môn, rồi lại ngồi suy nghĩ một mình trên tờ giấy. Như tôi học kỳ 1 năm thứ 5 gặp thầy giáo có 2, 3 lần, trình bày những gì mình nghĩ ra, thời gian không đến 1h. Sang hoc kỳ 2 thì tôi chơi dài vì luận văn đã viết xong mà tôi thì chẳng hứng thú nghiên cứu gì thêm cái môn đại số của thầy trò chúng tôi. Đại loại luận văn của tôi là chứng minh một điều vô nghĩa với cuộc sống, cùng dăm ba cái hệ quả để cố tô vẽ cho cái gọi là định lý kia có một giá trị nào đó. Mỗi khi chuyển nhà, cầm quyển luận văn đánh máy mờ nhạt theo thời gian, đọc mà chẳng hiểu nối hồi xưa mình nghĩ ra cái gì thế này (chẳng là sau này tôi chuyển sang Tin học, ngành vị nhân sinh hơn rất nhiều cái Toán lý thuyết).

Bốn người khoa Toán trước sảnh главный корпус

Chúng tôi 5 người (cả cậu đại sứ VN tại Thái Lan, Nguyễn Tất Thành, chồng của Huyền, còn Nguyệt thì theo đoàn khóa Hóa, Quy thì theo khoa Luật) lang thang từ tầng một lên đến tầng 3 của главный корпус, vừa ôn lại khi xưa nơi đây là gì, vừa chụp ảnh kỷ niệm. Công nhận so với hồi 65 năm, lần này KGU được sửa sang đẹp hơn hẳn, chả gì 70 cũng lớn hơn 65 về Toán học. Trước khi tôi và Dũng đến, 2 cặp kia đã lang thang ở đây rồi. Quy và Đạt thì chắc là cùng ôn lại chỗ này em đợi anh, chỗ kia anh đợi em (giống như tôi và Nguyệt), còn Huyền thì khoe với Thành, chỗ này em ngồi đọc trước tác Lenin, chỗ kia em xếp hàng mượn sách chuyên môn. Đi dọc hành lang, chúng tôi cùng nói với nhau, đây là bộ môn A, kia là bộ môn B, dù rằng được viết bằng tiếng Moldova nhưng về từ chuyên môn thì cũng giống như tiếng Anh. Đây rồi, phòng của dekan khoa Toán và Tin học (факультет математики и информатики, thời tôi học nó có cái tên mỹ miều hơn nhiều, факультет математики и кубернетики, khoa Toán và Điều khiển học), chúng tôi rẽ vào đây chứ không vào bộ môn nào vì biết rằng chẳng có ai biết chúng tôi là ai, các thầy của chúng tôi đều không có tại trường hôm nay. Cô thư ký nói rằng rất đáng tiếc là cô dekan đang đi dạy. Chúng tôi xin lỗi là không hẹn trước và định quay lại sau. Nhưng có lẽ cái không hẹn trước không gây vấn đề gì, khi mà chúng tôi nói là cựu sinh viên VN khoa Toán, về dự lễ kỷ niệm 70 năm và ghé thăm khoa, nên cô thư ký nói đợi đấy để tôi gọi cô dekan về. Và chỉ một phút sau, cô dekan đã về tiếp chúng tôi. Khi giới thiệu là tôi và Dũng tốt nghiệp khóa 1979, cô dekan thốt lên rằng “Năm ấy tôi mới sinh ra”. Ôi, thời gian trôi sao nhanh vậy, chúng tôi rời KGU đúng bằng số tuổi của cô dekan khoa Toán hôm nay. Trao đổi chừng 15 phút, chúng tôi xin phép đi sau khi có quà lưu niệm mà Huyền và Dũng đã thủ sẵn.

 

Dạo chơi hồ Komsomol cùng khoa Luật

Chúng tôi (математики) xuống sân trường thì cũng gặp khoa Luật vừa xong thủ tục thăm khoa. Các khoa khác đông, có bề dày quan hệ nên được đón tiếp trọng thị hơn dân математики chúng tôi nhiều. Họ được xếp phòng riêng, đại diện khoa, các thầy cô đón tiếp. Khoa Sinh nghe đâu còn được mời đến phát biểu tại hội nghị khoa học, khoa Hóa hình như còn được thăm các cháu năm thứ nhất mới vào trường học. Có thể các khoa cũng muốn lấy sinh viên VN làm tấm gương “người tốt, trò tốt” cho thế hệ sinh viên bây giờ. Chả gì sinh viên VN nổi tiếng chăm học và học giỏi, lại còn tình nghĩa với trường, với thầy cô nữa chứ. Nhưng với bản tính đơn giản, dân Toán chúng tôi chẳng phiền lòng vì mình chỉ được đón tiếp có vậy. Bù lại cả 4 chúng tôi vẫn được gặp đầy đủ thầy giáo hướng dẫn của mình, còn gì hơn thế nữa.

Khoa Sinh đón tiếp cựu sinh viên VN                           Khoa Luật phát biểu ý kiến tại buổi họp mặt

Khoa Lý họp mặt cùng cựu sinh viên VN                        Tham gia HNKH của Khoa Sinh vật

Thế là không đợi các khoa khác, khoa Toán và Luật bắt đầu cuộc thăm quan bậc thang và hồ Komsomol đã gắn biết bao kỷ niệm với mỗi chúng tôi. Đôi Quy-Đạt thế mà may, 2 khoa đều đã xong phần thủ tục thăm khoa của mình. Khoa Luật tôi quen biết nhiều khóa 1980 và 1981, những năm sau chỉ biết lẻ tẻ như Huyền-Kỳ, NgocNT hay em Vy (vốn có tham gia với Hội KGU), hoặc CucNT, Mèo Mun chủ yếu qua web KGU. Lần này khoa Luật đi đông nhất nên cũng gặp gỡ nhiều hơn. Mấy hôm chuẩn bị đi Về nguồn, tôi có làm một việc thuyết khách với 4 bạn Luật đã đăng ký đi nhưng giữa chừng lại xin rút lui. Đại loại trên email tôi viết là đời người không làm được nhiều việc có ý nghĩa đâu, với cựu sinh viên KGU, trở về thăm trường cũ, thăm thầy cô là một việc rất ý nghĩa đây, việc trọng đại đấy, sau này chưa chắc đã có cơ hội để làm được cái việc lớn có ý nghĩa này đâu. Các bạn này nghe tôi không rút lui nữa, để đến cuối đợt Về nguồn cám ơn tôi rối rít “Không nghe anh thì mất toi một chuyến về nguồn đầy ý nghĩa như thế”.

Trời không phụ những sinh viên VN trở về thăm quê, sáng 28/9 trời xanh, nắng đẹp, nhiệt độ mát mẻ làm cho chuyến du ngoạn của chúng tôi càng thêm dễ chịu. Chúng tôi đi qua cái nhà 9 tầng to đùng, mới xây, nghe đâu của một Môn kiều nào đó, mà cũng chưa rõ cái nhà đó được sử dụng vào mục đích gì. Rồi cả bọn dừng ở trước cái tượng một nhạc sỹ Moldova nổi tiếng ở vị trí trước khi xuống các bậc thang. Mọi người thi nhau nói xem trước kia nó là tượng gì? Tôi nhớ hình như tượng ông Lenin, hoặc tượng 2 thanh niên Komsomol, đại loại nó phải có tính cách mạng chứ không tính nghệ thuật như bây giờ. Thời thế thay đổi nhiều, Liên bang Xô Viết đã tan rã từ lâu, cuộc sống trở lại bản chất nhân văn của nó, không còn lên gân lên cốt như khi xưa. Và quay lại nhìn về trường, chúng tôi chợt nhận thấy cái hàng rào mới dựng vô duyên làm sao, làm cho главный корпус bị kìm hãm, tù túng hơn rất nhiều so với khi xưa không có hàng rào. Mà khi xưa lấy đâu ra lắm oto như bây giờ. Giữa một rừng oto, ngôi nhà trông bị kém đẹp đi, kém uy đi nhiều.

Khoa Luật và khoa Toán tại bậc thang nổi tiếng của Kisinhop

Chúng tôi từ từ đi dạo trên những bậc thang từ trường xuống hồ Komsomol. Bất cứ sinh viên KGU nào cũng đều biết bậc thang này, mà tiếng Nga gọi là лестницы. Hồi còn sinh viên, giờ thể dục các lớp có rất nhiều buổi được học tại khu hồ, mỗi sinh viên phải chạy mấy vòng quanh hồ. Mà để xuống hố tất nhiên là phải đi qua лестницы. Khi tan học nếu còn giờ rỗi, vào những khi trời đẹp, nhiều sinh viên ra hồ dạo chơi, lại phải đi qua лестницы. Còn những đôi thanh niên yêu nhau, họ cũng dạo mòn lối trên cái лестницы này. Bậc thang mà số lượng đến hơn trăm bậc hẳn là một địa điểm lý thú, với nền đá đỏ đã phai màu với thời gian, nó có vẻ đẹp riêng của nó, rộng rãi, độ cao đủ lớn, nhất là khi đứng ở dưới hồ, bạn phải nhướng mắt lên mới nhìn lên đỉnh bậc thang. Nó đẹp hơn vì nằm giữa rừng cây của hồ Komsomol, luôn râm mát kể cả những ngày hè nóng nực. Còn mùa đông, tuyết phủ trắng 2 bên bậc thang, tạo nên một vẻ đẹp khác.

Chúng tôi đi xuống lòng hồ, bây giờ đã được kè lại to đẹp hơn, có hàng lan can bảo vệ bằng sắt. Hồ có thay đổi nữa là có một khu quây riêng lại cho các cây sậy mọc như một khu rừng nhỏ, tách biệt với hồ. Chúng tôi tha thẩn dạo chơi trên cái kè này, chụp ảnh thôi rồi. lấy mặt hồ trong xanh làm nền. Giữa chừng khoa Hóa cũng nhập cuộc cùng. Mọi người đều kể những câu chuyện riêng của mình liên quan đến cái hồ này. Với tôi đó là có lần trượt băng lùi, tôi bị tụt xuống một cái lỗ do người ta đục ra để câu cá mùa đông. Hoặc nơi đây tại một buổi chèo thuyền của dân Toán Lý có Hóa tham dự mà bắt đầu cuộc tình của tôi với Nguyệt. Tôi cũng chỉ lên khu rừng của hồ, thú nhận rằng trên một cái ghế gỗ ở đó, tôi được biết đến nụ hôn đầu tiên. Đám Luật trẻ nghe tôi kể có vể háo hức lắm, nhưng khi tôi hỏi các bạn ấy địa điểm của nụ hôn đầu tiên thì chúng chỉ cười mà chẳng nói cụ thể ở đâu. Còn bây giờ, khi đã lên ông, lên bà, các đôi chụp ảnh lia lịa ở nơi thơ mộng nhất của Kisinhop, đến mức sau này tôi post cả một album chỉ có các đôi chụp bên bờ hồ, trong đó có bức ảnh nụ hôn duy nhất trong các đôi của tôi và Nguyệt (bức ảnh “Nụ hôn bên bờ hồ”, cảm hứng cho một bái hát chế mà tôi đã post lên trên web KGU). Thế mới biết, đám Luật tuy trẻ nhưng chẳng máu bằng chúng tôi.

Các cặp đôi chụp ảnh bên hồ Komsomol thơ mộng

Cũng tại bờ hồ Komsomol, được khích lệ, Huyền đã đọc một đoạn thơ, không rõ là thơ sáng tác trước hay lúc đó mới ứng khẩu ra. Tôi cũng nhân tiện muốn thể hiện với các bạn Luật là thơ sẽ hay hơn khi có thêm lời bình, và ứng khẩu lời bình ngay tại chỗ đoạn thơ mà Huyền vừa đọc. Đám trẻ không khỏi ngạc nhiên, một ông anh như tôi, trải qua những vị trí tưởng như chỉ có kiểm soát hay đốc thúc, nạt nộ, nhưng lại có thể bình thơ tại chỗ.

 

Nữ Đại sứ Huyền say sưa đọc thơ

Say sưa chụp ảnh, cuối cùng cô Nadia vẫn phải “ra lệnh” cho chúng tôi quay về nhà ăn của trường vì đã hết giờ dạo chơi ở hồ Komsomol.

 

Bữa cơm sinh viên

Đã thành lệ, cứ về Kisinhop là có buổi vào nhà ăn sinh viên để thưởng thức (hay hồi tưởng?) bữa cơm sinh viên vốn đã quá thân thuộc với mỗi chúng ta. Trở về 2010, gia đình tôi và Huyền đã về cái nhà ăn cạnh дом культуры. Hôm đó tôi lấy tất cả các thức ăn, hết khoảng 3$ và ăn sạch những gì đã lấy. Về nguồn 2011, hôm vào nhà ăn sinh viên là hôm nghỉ lễ của trường nhân dịp 65 năm thành lập, nên Huyền đã book riêng một nhà ăn mở cửa hoạt động chỉ dành cho đoàn sinh viên VN mà tôi bây giờ không nhớ địa chỉ cụ thế ở phố nào. Còn hôm nay Huyền cũng đã book trước, trả tiền trước bữa ăn, tại nhà ăn ngay cạnh trường. Rất nhiều sinh viên VN hồi trước vẫn vào đây ăn trưa, nếu như buổi chiều vẫn phải làm việc tiếp tại trường. Dân Toán chúng tôi do không phải làm thí nghiệm nên hầu như không ăn nhà ăn này, mà thường ăn ở nhà ăn ở cạnh дом культуры.

Trước cửa nhà ăn sinh viên

Chúng tôi xếp hàng trật tự, lấy khay và lần lượt các món ăn. So với trước kia, nhất là vào những bữa cuối tháng mà bọn con trai chúng tôi phải vét từng đồng kopec đi ăn, thì bữa ăn hôm nay là khá thịnh soạn, với đủ súp, rau, món chính có thịt, nước compot, sữa chua. Chúng tôi đã trả tiền bữa ăn của những người có rất nhiều tiền nếu so với học bổng khi xưa, nên bữa ăn ngon hơn nhiều là đương nhiên. Nhưng giá trị của bữa ăn là ở chỗ cách xếp hàng lấy thức ăn, ngồi ăn ở những bàn dành cho sinh viên, trên cái khay dành cho sinh viên. Chúng tôi ăn ngon lành,vừa ăn vừa hồi tưởng về những bữa ăn tương tự nhưng kém nhiều về khẩu phần của thời sinh viên.

Bữa cơm sinh viên

Đang ăn thì chị Olga cùng bố đến thăm sinh viên VN. Mẹ Olga là cô giáo Lutmila Fransevna dạy tiếng Nga của rất nhiều thế hệ sinh viên VN. Một số thành viên của đoàn ra chào bố con chị Olga, nhiều chị rơm rớm nước mắt. Sau 5 năm ông bố trông già đi nhiều, đi đứng đã không còn được nhanh nhẹn. Nhớ hồi Về nguồn 2011, ông bố mang một bình to nước compot đến khách sạn để đoàn về nguồn thưởng thức. Vợ chồng tôi có theo các chị đến thăm nhà bố con Olga, cậu con trai (chừng 10 tuổi) đã lôi không biết bao nhiêu là đồ vật của bà ngoại liên quan đến VN, bầy đầy ra sàn nhà cho chúng tôi xem. Tình yêu với VN của gia đình cô Lutmila Fransevnađã ngấm vào nhiều thế hệ.

Các chị NguoiKGU và bố con chị Olga

Bố con chị Olga cũng ngồi ăn bữa cơm sinh viên cùng chúng tôi. Không biết cảm xúc của họ với bữa cơm sẽ như thế nào? Một mối tình hữu nghị mà chúng ta phải kính trọng, phải nâng niu.

 

Viếng mộ các thầy cô

Cơm trưa xong, chúng tôi tổ chức thành 2 đoàn đi viếng mộ các thầy cô đã mất. Một đoàn đi viếng ngay tại nghĩa trang thành phố, một đoàn đi nghĩa trang cách khoảng 15 km, nghe nói là nghĩa trang lớn nhất châu Âu (thì Moldova cũng có một kỷ lục châu Âu). Vợ chồng tôi đi đoàn nghĩa trang thành phố vì bà Samus, cô giáo của Nguyệt được chôn cất tại đây.

Một nghĩa trang điển hình kiểu châu Âu, với đường đi thông thoáng và rất nhiều cây cối. Nơi đây yên nghỉ thầy hiệu trưởng Melnhik, cô con gái đã hẹn trước để dẫn chúng tôi viếng mộ thầy. Mộ cô Samus ở ngay cạnh mộ chồng (nguyên hiệu phó trường đại học bách khoa Kisinhop nên có tiêu chuẩn ở nghĩa trang thành phố). Chúng tôi còn viếng mộ cô Vera khoa Hóa, thầy viện sỹ Gherbeleu mà tôi rất ấn tượng trên mộ có khắc một bộ đồ thí nghiệm Hóa học. Khi tìm mộ thầy, tôi nhận dạng bằng chữ академик và đã tìm ra.

Mộ thầy Gerbeleu với quyển sách mở có dụng cụ thí nghiệm Hóa và cấu trúc phức chất

Tại mỗi ngôi mộ chúng tôi đều thắp hương theo phong tục VN, thầm khấn rằng “Các thầy cô ơi, chúng em đã về đây, mảnh đất Moldova để thăm các thầy cô, những người mà chúng em vẫn yêu thương như cha mẹ”.

Cuối cùng chúng tôi cũng ghé viếng mộ chị Nguyện, sinh viên sang học năm 1971, đã mất trong kỳ nghỉ sau khi kết thúc năm dự bị. Có người em đang sinh sống bên Áo đã lo phần mộ của chị ở lại Moldova mà không định mang mộ về VN nữa. Thầy Pusnhiak đã từng tâm sự, sự ra đi của chị Nguyện là nỗi ân hận lớn nhất của thầy với sinh viên VN.

 

Đi Tiraspol thăm thầy Riabukhin

Sau buổi viếng mộ các thầy cô ở nghĩa trang thành phố, tôi và Nguyệt cùng với Dũng quyết định đi Tiraspol thăm thầy giáo của tôi và Dũng, GS Viện sỹ Riabukhin, hiện đang sinh sống tại Tiraspol.

Tiraspol, thành phố lớn thứ hai của Moldova, là thủ đô của nước cộng hòa (tự xưng) Transnistria (Pridnestrovian Moldavian Republic (PMR); Приднестровская Молдавская Республика), nằm trong lãnh thổ Moldova giữa sông Dnhepr và Ukraina. Nơi này thời Liên Xô là nơi đóng quân của quân đoàn 14, quân đội liên bang Xô Viết và có nhiều người nói tiếng Nga. Sau khi Liên Xô tan rã, tháng 3 năm 1992 đã xảy ra chiến tranh giữa Transnistria với Moldova. Tháng 7/1992 chiến tranh kết thúc bằng một hiệp ước 3 bên: Nga, Moldova và Transnistria, đồng cai quản Transnistria. Transnistria tự xưng là một nước cộng hòa, có tổng thống, quốc hội, chính phủ và đồng tiền riêng. Moldova và các nước khác không công nhận sự độc lập của Transnistria, nhưng thực chất, Transnistria tồn tại độc lập trong lòng Moldova vốn dĩ đã là một nước rất nhỏ.

Nhà quốc hội tại Tiraspol với tượng Lenin                       Quốc kỳ của Transnistria

Khi tôi nói với Huyền rằng buổi chiều chúng tôi sẽ đi Tiraspol thăm thầy Riabukhin, Huyền có ý gàn chúng tôi không đi, sau khi thổ lộ là lâu nay không muốn báo cho chúng tôi buồn là thầy Riabukhin đã bị lẫn rồi, mỗi khi Huyền gọi điện đên thì nói năng rất linh tinh. Chúng tôi rất buồn vì thông tin này, nhưng càng muốn đi thăm thầy hơn. Sau bữa cơm trưa tại nhà ăn sinh viên, cô Nadia và Huyền đều khuyên chúng tôi không nên đi Tiraspol với lý do không an toàn. Càng khuyên chúng tôi càng muốn đi hơn, cá nhân tôi lại rất thích các cuộc phưu lưu, mạo hiểm. Trong thâm tâm chúng tôi nghĩ thầy Riabukhin vẫn đi lại giữa Kisinhop và Tiraspol thì sao chúng tôi không đi được. Cô Nadia bèn thuê cho chúng tôi xe của người quen với một mệnh lệnh xanh rờn với anh tài xế: “Hãy hứa với tôi rằng anh sẽ đưa họ (chúng tôi) về Kisinhop ngay trong hôm nay nguyên vẹn”.

Xe đi hơn một tiếng là đến “biên giới” của Transnistria. Chúng tôi phải đưa hộ chiếu, giải trình lý do đi vào Transnistria, rồi nhận một tờ giấy giống như vẫn qua cửa khẩu các nước. Chiếc oto được yêu cầu bật cốp và được kiểm tra khá kỹ. Tuy nhiên thủ tục là nhanh gọn, ít nhất còn thấy ổn hơn rất nhiều so với cửa khẩu Demododevo. Xe đi tiếp tục 15-20 phút thì mới đến Tiraspol. Dọc đường toàn khẩu hiệu tiếng Nga, kiểu như “Chúng ta chiến đấu vì sự trở về với nước Nga”. Phố xa, cửa hiệu cũng toàn tiếng Nga. Liên Xô tan rã nhưng ảnh hưởng của nước Nga còn rất lớn ở trong khu vực không gian Liên Xô cũ. Transnistria cùng với 3 vùng lãnh thổ khác là Nagorno-KarabakhAbkhazia, và Nam Ossetia đã minh chứng cho điều đó, những vùng lãnh thổ tự coi mình là một phần của nước Nga và thực chất có một quy chế độc lập, tự trị nhất định. Transnistria chỉ được 3 “nhà nước” này công nhận mà thôi. Vùng Donbas của Ukraina cũng đang ở một trạng thái tương tự, khi thỏa thuận Minsk đã yêu cầu Ukraina công nhận một thể chế tự trị cho vùng Donbas.

Chúng tôi đến khu tập thể của thầy giáo tôi, với chỉ dẫn căn hộ số 4 của ob số 1. Nhưng đến nơi thì có nhiều ob số 1, 1A, 1B, .. Chúng tôi gọi điện vào số máy của thầy giáo, thì chỉ nhận được một giọng lè nhè say rượu, rất giống với những gì mà Huyền đã mô tả. Mọi khi tôi gọi từ VN thì thường là bà vợ nghe máy, nhưng lần này không như thế. Chúng tôi lại nhờ Huyền để hỏi thăm qua ông bạn của thầy giáo tôi, cũng là một viện sỹ khác (thầy của bạn Thái Sơn lớp tôi), thì biết được nhà thầy giáo tôi là ob 1C. Chúng tôi bấm chuông căn hộ số 4 mấy lần, nhưng không có tiếng trả lời. Thôi chắc là thầy giáo tôi đã ở trạng thái không còn nhận biết được tiếng chuông để mở cửa. Lòng chúng tôi buồn vô cùng, thế là toi công lặn lội đến tận Tiraspol nhưng không gặp được thầy giáo, nhất là khi ông đã ốm. Đang chuẩn bị quay về Kisinhop thì Nguyệt chỉ tay ra ngoài phố, nói rằng “Có phải thầy Riabukhin kia không?”. Tôi và Dũng quay theo hướng chỉ của Nguyệt thì thấy đúng là thầy giáo đáng kính của chúng tôi, cặp một quyển sách ở nách. Chúng tôi chạy ra chào thầy và hỏi thầy đi đâu về vậy. Thầy nói vừa dạy ở trường (tổng hợp Tiraspol) về. Sau vài câu trao đổi, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, thầy giáo chúng tôi vẫn rất bình thường, còn minh mẫn, thậm chí đang còn lưỡng lự không biết có nên nhận hướng dẫn thêm NCS hay không. Cái giọng lè nhè say rượu kia vẫn còn là bí ẩn lớn.

Tôi, Dũng và vợ chồng thầy Riabukhin tại căn hộ của thầy ở Tiraspol

Theo thầy vào căn hộ, chúng tôi gặp vợ thầy. Hai vợ chồng có già đi chút ít so với 5 năm trước. Căn hộ thầy cô đang ở là một căn hộ điển hình từ thời Xô Viết, nhỏ, chật và đã cũ. Thậm chí thầy cô loay hoay một lúc thì mới sắp xếp đủ ghế ngồi cho ba chúng tôi. Sau vài câu chuyện thăm hỏi, tôi quay sang hỏi số phôn của thầy cô. Thì ra Huyền và chúng tôi đã phạm một sai lầm to lớn. Để gọi đến số của Tiraspol, cần phải bấm 00, rồi đến code của Transnistria, rồi mới đến số của từng thuê bao, chứ không phải là vô tư quay như một số local. Thế là cái giọng lè nhè say rượu kia không còn là một bí ẩn nữa. Đó là một tay say rượu nào đó có số của Moldova giống như của thầy giáo tôi ở Tiraspol. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, và ơn trời đã phù hộ cho thầy cô vẫn được khỏe mạnh. Sau một giờ nói chuyện, chúng tôi gửi quà cho thầy cô và đưa giấy mời thầy cô đến dự buổi liên hoan tối 1/10 với đoàn Về nguồn 2016.

Trên đường về, lái xe đã cho chúng tôi đi qua các phố chính của Tiraspol, thành phố lớn thứ 2 của Moldova, qua cả trường tổng hợp mà thầy giáo chúng tôi đang giảng dạy. Trời đã tối, xe chúng tôi đi qua trạm biên phòng, họ thu mảnh giấy đã cấp cho khi vào, và cũng lại phải mở cốp xe cho họ khám xét. Trên xe chúng tôi vui vẻ nói chuyện với nhau rằng hôm nay chúng tôi đã gặp may như thế nào, rằng ơn trời mà thầy giáo chúng tôi vẫn khỏe mạnh, minh mẫn.

Kết thúc ngày đầu tiên của Về nguồn 2016. Một ngày dường như khá dài với biết bao sự kiện, biết bao niềm vui xen lẫn những nỗi buồn ngắn ngủi. Và để rồi một kết thúc quá tuyệt vời với chúng tôi sau chuyển thăm Tiraspol, “thủ đô” của nước cộng hòa tự trị Transnistria trong lòng Moldova.

 


Người post: NgocBQ

Ngày đăng: 22-11-2016 00:12






Xem 1 - 10 của tổng số 20 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: CucNT
01/12/2016 15:32:17

Mới đi một ngày mà Hội trưởng đã viết được chừng này rồi, bái phục quá! bài viết chi tiết cụ thể, tỷ mỷ nhưng không khô khan mà ngược lại rất quyến rũ vì văn phong mượt mà xen lẫn dí dỏm, ly kỳ. Những ai không phải dân  KGu đọc những bài này có lẽ họ nghĩ tác giả nào đó sáng tác bởi bao nhiêu năm  rồi mà sao nghãi tình thầy trò còn trọn vẹn thế. Mọi người còn dũng cảm đi vào "vùng cấm" của làn khói chiến tranh để thăm thầy cô giáo cũ của mình thì chỉ có sinh viên VN, SV Kgu mới làm được.


 Em cứ nhớ mãi hôm ở  hồ Komxamol, Hội trưởng chỉ tay, kia là nơi lần đầu tiên hôn Nguyệt làm cả lũ khoa luật đỏ mặt nhớ  gốc cây nào mình cũng làm điều tương tự mà không dám khoe ra. 


Chờ đợi những phần tiếp theo của Hội trưởng.


 



Từ: Meomun
30/11/2016 19:52:04

MM mới hỏi anh Ngọc: HT ơi, bao giờ HT mới post hết "sê ri" Về Nguồn để em chen chân post bài? Chứ HT cứ viết sung thế, bà con đi chợ chỉ kháo chuyện Về nguồn, bài của em ế mất, huhu! 



Từ: BinhTH
30/11/2016 16:29:44

Ôi ly kỳ như chuyện trinh thám nhưng mà không sợ chút nào 



Từ: KhanhT
28/11/2016 17:40:27

 


Ô! HT thông cảm, đang ăn hủ tíu nhìn thấy phở ấy mà! mình bỏ ra ngoài rồi, để chờ bài tiếp theo của HT, có khi 24 giờ đêm nay cũng nên.


 



28/11/2016 08:37:33

Báo cáo anh Khánh là em post ảnh hay video là theo bài viết. Bài viết của em mới dừng ở ngày đầu tiên, mà hôm mit tinh trọng thể với trường 70 năm là hôm thứ 3.



Từ: ThoaNP
28/11/2016 02:31:18

Cảm ơn Anh Khánh đã post clip này lên. Xem mà cảm động và tự hào về hội KGU mình quá. 



Từ: KhanhT
27/11/2016 19:51:41

 


Đọc bài của Ngọc say sưa luôn, lật xem clip Huyền đọc thơ bên hồ Komsomol trên youtube thì gặp luôn clip Mit tinh 70 năm thành lập trường KGU mà không hiểu sao Ngọc không đưa vào bài này cho liền mạch, hay là đã đưa lên đâu đó rồi mà mình chưa thấy. Mình cứ post lên đây vậy:


(mình bỏ clip ra ngoài để HT đưa bài tiếp theo lên, Thoa đã xem rồi, lại còm rất là cảm động nữa nên mình giữ còm này lại)


 



Từ: BaLX
25/11/2016 20:50:58

Đã gần nửa năm nay, mình ko gửi được com qua Ipad, hy vọng lần này sẽ gửi được. Mọi người đã có một chuyến về nguồn trên cả tuyệt vời. Những người ko đi được cũng thấy vui lây. Bài viết của Ngọc Nguyệt đã phác họa đầy đủ tất cả các sự kiện chính của chuyến về nguồn, cảm ơn 2 em!



Từ: PhuND
25/11/2016 08:08:32

@Ngọc ! Bài viết hay! Các bạn đã làm được nhiều việc thật tuyệt trong chuyến về Nguồn. PhuND



Từ: SonTM
24/11/2016 20:37:23

Thật tuyệt, đặc biệt là chuyến đi Tiraspol của Ngọc về miền đất độc lập tự xưng trong lòng Moldova hậu quả của sự tan rã của Liên bang Xô viết.


 




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s