TRỞ LẠI LIÊN BANG XÔ VIẾT VỚI THÀNH PHỐ VOLGAGRAD ANH HÙNG
Tác giả: Diệp Chí Mậu
Tôi trở lại nước Nga Xô-viết sau 17 năm, vào tháng 9 năm 1989. Đây là chuyến đi vừa công tác (trong vai trò phiên dịch) vừa học nghiệp vụ theo thỏa thuận giữa hai Bộ Nội vụ Việt Nam và Liên xô, cụ thể hơn là giữa Viện khoa học hình sự Việt Nam và Trường Cao đẳng Cảnh sát điều tra thuộc Bộ Nội vụ Liên xô tại Volgagrad.
Rời sân bay Sheremetievo vào trung tâm Thủ đô, tôi chứng kiến đất nước Liên xô thay đổi quá nhiều. Quảng trường Đỏ, Điện Cremlin vẫn tráng lệ, uy nghi, du khách viếng thăm vẫn đông đúc nhưng cuộc sống người dân khó khăn hơn trước rất nhiều: đồng tiền rúp mất giá, hàng hóa khan hiếm…Trên đường đến nhà ga xe lửa về thành phố Volga, chúng tôi gặp rất nhiều người dân vô gia cư, nhiều người già ăn xin trên vỉa hè. Trên tàu hỏa tôi có có dịp hỏi chuyện vài hành khách đi tàu người Nga. Biết tôi đã từng học ở đây, họ đều lắc đầu ngao ngán về cuộc sống, rằng vinh quang Xô viết ngày trước chỉ còn là quá khứ. Họ hỏi chúng tôi có gì bán không đặc biệt là rượu Lúa mới giá nào cũng mua (dân Nga tiêu thụ rượu mạnh nhiều nhất thế giới mà!).
Đón đoàn chúng tôi là đại tá hiệu trưởng Kalasnhicov Vladimia Vladimiarovic. Ông trạc tuổi 50, dáng cao lớn và đẹp trai. Sau khi chào hỏi xã giao, ông giới thiệu với chúng tôi vài nét về lịch sử phát triển của trường, những lĩnh vực đào tạo sinh viên cho toàn Liên bang và làm quen trung tá Sergay Ivan Ivanovic, trưởng khoa ngoại quốc của trường với chúng tôi. Trung tá trưởng khoa dẫn chúng tôi về khoa ở tầng 2 của tòa nhà khá đồ sộ. Tại đây , ông giới thiệu các giáo viên dạy các môn học: Nữ trung tá Vera Mikhainovna dạy giám định dấu vết truyền thống (Dấu vết đường vân), Thiếu tá Vaxili Nhicolaievic dạy giám định dấu vết súng đạn, Thiếu tá Anton Nhicolaievic dạy giám định tài liệu (chữ viết, con dấu…), Nữ thiếu tá Anna Petropvna dạy giám định dấu vết hóa học…Chúng tôi nhận phòng ở, làm quen các phòng học, nhà ăn, nhận phụ cấp tháng đầu tại bộ phận kế toán, được nghỉ tự do tham quan trường và dạo phố.
Tôi nhớ một sự kiện hi hữu là ngày hôm sau, ngày bắt đầu khóa học, tôi phải đưa một anh trong đoàn quay trở lai sân bay Sheremetievo ở Moscova. Nguyên do là kiện hành lí của anh này đã bị thất lạc khi máy bay hạ cánh. Chúng tôi ngỡ ngàng trước kho hành lí chứa hàng thất lạc rộng lớn có đến vài hecta trong sân bay. Tôi nghĩ phải mất vài ngày lục tìm chưa chắc đã tìm thấy kiện hàng vì hàng đống hành lí thất lạc chứa đầy trên các kệ sắt cao ngất ngưỡng được xếp không theo thứ tự của chuyến bay đến từ những quốc gia nào. Sau một hồi tìm kiếm vô vọng, chúng tôi quyết định “bỏ của chạy lấy người”, lên máy bay nội địa quay về Volgagrad để kịp học ngày hôm sau. Vậy là toàn bộ hàng hóa mang sang để chuyển hóa thành tiền của anh bạn tôi mất sạch. Cũng còn may là chiếc túi xách tay với các bộ sắc phục của ngành phát vẫn còn. Quả là kỉ niệm buồn cho anh bạn tôi với chuyến bay lần đầu ra nước ngoài từ đất Kiên Giang quê anh. Một kỉ niệm nữa cũng khó quên là buổi chiều sau giờ lên lớp, tại khu nhà ở của chúng tôi diễn ra cảnh mua bán hàng hóa “du kích”: Dân mua bán người bản xứ và có cả dân lao động xuất khẩu người Việt nghe có đoàn từ Việt Nam mới sang trèo tường vào tận phòng ở của chúng tôi hỏi mua hàng. Anh chị em trong đoàn được “tư vấn” trước chuyến đi nên đã chuẩn bị sẵn ít hàng mang theo làm “lộ phí”: Áo quần gin, áo phông “cá sấu”, đồng hồ Citizen Nhật, son phấn…Đây là những mặt hàng khan hiếm ở Liên xô lúc này, rất hút hàng mà tại Việt nam thì nhiều và rẻ. Tôi giúp anh chị em trong đoàn giải quyết hàng hóa mau lẹ và được giá, ai cũng vui vì được cầm một đống tiền rup trong tay(Chả bù cho thời sinh viên nghèo hàng tháng được lĩnh có 50 rup để chi phí mọi thứ). Theo kinh nghiệm các đoàn trước, chúng tôi cũng chuẩn bị sẵn quà tặng cho nhà trường và giáo viên sau ngảy tốt nghiệp, kể cà mua gia vị, bánh đa để làm món nem (chả giò), một đặc sản Việt mà người nước ngoài rất thích để lảm liên hoan chia tay…Tôi nhớ hình ảnh thiếu tá Vaxili Phedorovic, phó khoa lúc nào cũng mân mê chiếc radio-casette Nhật được tặng và luôn khen băng “Thúy Nga Paris” hay. Đoàn chúng tôi gồm 20 người, đa phần là giám định viên và một số cán bộ lãnh đạo các phòng kỷ thuật hình sự từ các tỉnh Thừa thiên- Huế,Khánh Hòa, Long An, Kiên Giang và thành phố Hồ chí Minh. Khi lên lớp học viên ăn mặc sắc phục chỉnh tề. Ngoài giờ học chúng tôi đi xe bus, xe điện vào trung tâm thành phố dạo chơi. Thành phố Volga không lớn lắm,không có nhiều tòa nhà cao kiến trúc đồ sộ và yên tĩnh.Trong lịch sử thành phố này còn có tên gọi Tsaritsyn (1598-1925) và Stalingrad (1925-1961) diện tích 565 kilomet vuông, dân số hơn 1 triệu người. Những ngày chủ nhật chúng tôi đến các ký túc xá có công nhân người Việt sang theo dạng xuất khẩu lao động tìm hiểu cuộc sống và công việc của họ. Ở đây tôi thấy nhiều điều ngạc nhiên về lối sống và sinh hoạt rất khác với lớp người chúng tôi trước đây vài chục năm. Tại Volgagrad lúc này có khoảng 300 lao động người Việt đến từ hầu hết các tỉnh thành Việt nam tuổi từ 18-40, cả nam lẫn nữ. Họ sống chung trong các ký túc xá tùy theo công việc của hợp đồng lao động, đông nhất là trong lĩnh vực may mặc quần áo và giày dép. Với họ lúc này lo kiếm thật nhiều tiền là mối bận tâm duy nhất. Tôi làm quen với H. –người thanh niên có dáng lanh lợi, quê Bắc Ninh sang được vài năm, người có tiếng về “đánh hàng” . Anh ta kể cho tôi cách mua hàng hiếm có giá trị để gửi về nước từ khắp các thành phố lớn ở Liên xô từ những lưỡi cưa đá, những tấm Niken dùng trong mạ điện, xe máy Minsc, tủ lạnh Xaratov…Để làm việc này, H. nói phải chi tiền “mua” trưởng các cửa hàng bách hóa (univermag) để nắm thông tin hàng về, ”mua” cả cảnh sát để áp tải hàng về điểm tập kết và cả nhân viên hải quan để hàng hóa về được Việt nam trót lọt. Thảo nào chúng tôi không thấy những mặt hàng gia dụng bày bán ở các cửa hàng (Chỉ bán ưu tiên cho các Cựu chiến binh có thẻ người bản xứ). Cuộc sống của công nhân ở đây khá phóng túng. Họ cặp đôi với nhau sống như vợ chồng bất kể những người đã có vợ hoặc chồng ở trong nước. Họ “nuôi” chung vài cô gái Nga trong ký túc xá-một dạng nhà “thổ” bí mật mà bảo vệ ở đây không biết. Những chuyện trên thật xa lạ với chúng tôi, những người sang đây chỉ để học và học, bị cấm yêu đương, nhảy đầm…thời trước.
Cạnh lớp chúng tôi là lớp học của học viên Cuba và Lào. Tôi không hỏi về chuyên ngành học của họ. Khác với chúng tôi, họ hầu như không ra khỏi trường dù là ngày nghỉ và học rất nghiêm túc. Tôi quen Xỉn Phết người Lào. Anh nói tiếng Việt thành thạo, giới thiệu mình là giáo viên tại trường cảnh sát Viên Chăn. Anh nhờ tôi đổi giúp vài trăm đôla của anh và các bạn sang tiền rup. Các bạn Lào rất hiền lành, ngoài giờ lên lớp chỉ quây quần trong phòng ở, chỉ tham gia tham quan thành phố khi Nhà trường tổ chức mà thôi. Trái ngược với những sinh viên Cuba cực kỳ sôi nổi thời tôi còn sinh viên, các học viên người Cuba cạnh lớp chúng tôi rất ít nói (có lẽ không ai nói được tiếng Nga). Chúng tôi chỉ gật đầu chào nhau trong giờ giải lao, chào hỏi vài câu bằng tiếng Tây ban nha.
Sau 1 tháng học, Nhà trường tổ chức cho học viên người nước ngoài chúng tôi đi tham quan khu tưởng niệm chiến tranh vệ quốc của thành phố Volga anh hùng trên đồi Mamaev. Có lẽ đây là khu tưởng niệm về chiến tranh vệ quốc lớn nhất của Liên bang xô- viết. Trong chiến tranh, ngọn đồi này là khâu then chốt trong hệ thống bố phòng của mặt trận Stalingrad. Ở đây đã diễn ra những trận đánh vô cùng ác liệt kéo dài 200 ngày đêm, dài nhất và đẩm máu nhất trong lịch sử thế chiến II, có mấy triệu người thương vong từ cả hai phía, cả thành phố thành đống tro tàn dưới bom đạn dữ dội. Với chiến thắng Stalingrad rất đắt, nhân dân Liên xô đã đạt tới mục tiêu là ngăn chặn dòng di chuyển của phát xít Đức về phía Đông, đánh dấu bước ngoặc trong quá trình chiến tranh vệ quốc vĩ đại vào tháng Giêng năm 1943. Stalingrad là 1 trong 7 thành phố được trao tặng danh hiệu “ Thành phố Anh hùng”. Chúng tôi xúc động khi đặt chân vào quần thể khu tưởng niệm đồ sộ trên đồi Mamaev, được đứng dưới tượng đài điêu khắc “Mẹ tổ quốc”ở đỉnh cao nhất của ngọn đồi. Đó là bức tượng người phụ nữ cao 52m vươn về phía trước vẫy gọi đàn con đứng lên bảo vệ quê hương. Vào thời điểm khánh thành, đây là tác phẩm điêu khắc có chiều cao nhất thế giới (Tượng Nữ thần tự do ở New York có chiều cao 46m). Bức tượng nặng 5,5 tấn không cố định gò bó mà có dáng đứng tự do. Để giữ cho tượng không bị ngã, bên trong tượng có lõi cốt thép bê tông giúp phân bố chính xác các trung tâm trọng lực ở đúng vị trí cần thiết. Bê tông kéo những dây cáp thép qua các tầng theo toàn bộ chiều cao của bức tượng. Có tất cả 99 dây cáp với sức kéo của mỗi cáp là 60 tấn. Đã có hơn 60 triệu lượt người đến thăm khu tưởng niệm nầy. Trong cuốn Sổ vàng lưu niệm chúng tôi thấy những dòng chữ cảm tưởng của nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia trên thế giới như tổng thống de Gaulle của Pháp, chủ tịch Cuba Phidel Castro, chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch dân.
Với tôi, có lẽ chuyến đi thăm sông Volga là chuyến đi tôi mong đợi và để lại ấn tượng sâu đậm nhất. Tôi nhớ từ hồi còn học phổ thông những năm đầu 1960 ở miền Bắc, bài hát Nga Cô gái sông Volga (Voljanka, nhạc Yu.Slonov, lời Prisheles) có lời Việt rất hay đã làm chúng tôi thuộc và hát say sưa:”
Liễu xanh xanh, ghé soi mình bên bờ
Lửa le lói, xóm như gần xa
Đẹp tươi thay thước tha dòng sông dài
Chiều vàng Volga đẹp vô vàn…
Ví chăng khi có đùa em hỏi
Gì đẹp nhất khắp trên trần gian?
Nhờ sông xanh đáp em rằng trên đời
Chẳng gì hơn tóc em tuyệt vời…”
Tôi cũng rất thích bài dân ca Nga Volga Rechka Gluboka qua lời dịch của nhạc sĩ Hồ Bắc:” Ơi con sóng xa chảy mãi chân trời.Dòng biếc xanh Volga tuyệt vời. Nhìn dòng nước trôi bao năm rồi. Nhớ thương ai mà sóng đầy vơi…”. Những bài hát Nga đằm thắm với âm điệu thướt tha đã làm chúng tôi yêu đất nước Xô viết xinh đẹp bao la, mong ước được đặt chân đến đây một lần trong đời.
Thiếu tá Vaxili Nhicolaievic dẫn chúng tôi ngược dòng Volga vào một buổi sáng đẹp trời. Ông nói rằng mình được sinh ra và lớn lên trên bờ sông này. Nhà ông ở phía thượng nguồn sông cách Trường 30 km, sáng nào ông cũng dậy sớm xuôi dòng đến lớp. Thả mình qua làn khói thuốc, ông say sưa kể cho chúng tôi về con sông mà ông vô cùng yêu quí và tự hào: Volga nằm ở miền Tây nước Nga, là sông dài nhất châu Âu (3.690km), tạo thành nền tảng của hệ thống sông lớn nhất châu Âu.Sông bắt nguồn từ vùng đồi Valdai ở độ cao 225m trên mực nước biển ở phía tây bắc Moscva . Sông Volga chảy về phía đông, qua các tỉnh thị thành Tver, Đubna, Yaroslavl, NizhnyNovgorod và Kazan. Từ đây nó chuyển hướng về phía Nam, chảy qua Tolyati, Samara và Volgagrad để sau đó đổ vào biển Caspi ở phía dưới Astrakhan với độ cao 28m dưới mực nước biển. Khu vực quan trọng nhất khi Volga uốn cong về phía sông Đông Volgagrad. Sông Volga có nhiều sông nhánh, quan trọng nhất là các sông Kama,Veltuga và Sura đảm bảo tưới tiêu cho khu vực rộng lớn có diện tích 1,35 triệu kilomet vuông trong khu vực đông dân cư nhất của nước Nga. Vùng châu thổ sông Volga có chiều dài 160 km bao gồm tới 500 kênh và sông nhỏ. Sông Volga bị đóng băng khoảng 3 tháng mỗi năm trên gần như toàn bộ chiều dài của nó.Hệ thống các kênh đào Moskva-Volga, kênh đào Volga-Don và Marinsk tạo thành một tuyến đường thủy nối Moscva với Bạch Hải,biển Baltic, biển Caspi, biển Azov và biển Đen. Volgagrad và Nizhny Novgorod là các thành phố công nghiệp quan trọng trên bờ con sông nầy. Có tới 9 nhà máy thủy điện lớn và một số hồ chứa nước nhân tạo lớn được tạo thành bởi một hệ thống các đập nước nằm dọc sông Volga. Sông Volga có tầm quan trọng lớn trong giao thông nội thủy ở Nga. Tất cả các đập nước trên sông đều có các âu thuyền lớn, tàu bè có thể di chuyển từ biển Caspi gần như tới đầu thượng nguồn con sông này.Thiếu tá Vaxili Nhicolaievic nói ca nô sẻ đưa chúng tôi lên đến một đỉnh đập như vậy. Càng lên cao nước càng chảy xiết, tung bọt trắng xóa. Nếu không có âu thuyền chúng tôi không thể lên tới đỉnh đập bởi thành đập dựng đứng gần như 90 độ. Tàu bè và ca nô chúng tôi dừng tại âu thuyền. Nước bắt đầu dâng cao dần và tàu bè lần lượt vượt qua đỉnh đập. Thật là một cảnh tượng ngoạn mục lần đầu đời chúng tôi được chứng kiến. Phía bên trái đập là nhà máy thủy điện đồ sộ( là 1 trong số 9 nhà máy thủy điện). Thật khâm phục con người và đất nước xô viết vĩ đại! Tôi mới hiểu sông Volga quan trọng như thế nào với nước Nga rộng nhất thế giới và người dân Nga yêu quí con sông này, giành cho nó biết bao bài hát ca ngợi dòng sông làm say đắm lòng người.
Thời gian dần trôi và khóa học của chúng tôi kết thúc sau 4 tháng. Chúng tôi đều hài lòng về kiến thức được trang bị qua kỳ thi cuối khóa. Công việc chuẩn bị cho ngày về khá khẩn trương. Tôi đến xưởng đồ gỗ liên hệ đóng thùng chứa hàng cho các thành viên (lúc về ai cũng lỉnh kỉnh đồ hàng mà không thể gửi theo máy bay). Các anh chị em khác bận rộn làm tiệc chia tay với thầy cô giáo, quà lưu niệm cho trường. Rồi cái gì đến sẽ phải đến. Chúng tôi bịn rịn chia tay các thầy cô giáo, lãnh đạo nhà trường, để lại bao kỷ niệm khó quên về thành phố trên dòng sông Volga - Volgagrad anh hùng.
Tháng 12 năm 2016.
Người post: TuyetHA
Ngày đăng: 15-12-2016 20:08
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 1 - 9 của tổng số 9 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |