KGU News >>Văn học
KGU Tạo bài viết  
Thứ hai 02 Tháng một. 2017

NGÀY NÀY NĂM XƯA KỶ NIỆM THỜI SINH VIÊN




Tác giả: PhuongTT

CHUYẾN DU LỊCH VỀ NAM BÁN CẦU: NƯỚC ÚC

18/12/2014 – 4/1/2015

(Không theo thứ tự thời gian của chuyến du hành 3 tuần đến 6 thành phố)

 

Chương XXX: Canberra (2 Jan 2015)

Tôi dậy từ 6h sáng để đi trước 1h mà cuối cùng thành ra muộn do ngày mùng 2 Năm mới, bus và taxi của Sydney hầu như không hoạt động. May mà sáng suốt nhảy ngay xuống Metro nên đến kịp trước giờ xe bus khởi hành 3 phút. Ngồi trên chuyến xe bus hãng Murray, sau khi đã ráo mồ hôi do chuyến chạy viêt dã để kịp giờ, tôi thiếp đi trong giấc mơ mập mờ những kỹ niệm cách 20 năm. Xe chạy êm ru và đến Canberra sớm hơn 15 phút. Người bạn thân hẹn ra đón, nhưng vì tôi đến sớm nên thay vì đợi tôi ở bến xe, bạn nói đứng ở đâu thì sẽ chạy xe đến đấy. Mà tôi làm sao nhận ra được khu vực bến xe Jolimont center đã thay đổi ghê gớm. Sát ngay bến là KS sang trọng Novotel. Đến ngay cả bạn tôi cũng không để ý nó mọc lên từ lúc nào.

Hai đứa chạy xe qua những con đường quen thân, tìm lại những ngôi nhà tôi đã ở trước đây. Tôi hoàn toàn quên tên phố nơi ngôi nhà đầu tiên tôi ở trong 4 tháng ở Curtin. Chạy qua chạy lại mấy phố vẫn chẳng tìm ra, đành từ bỏ ý định. Ngôi nhà thứ 2 thì tôi nhớ. Nơi ấy tôi đã ở gần 2 năm, với gia đình nhà Kelly có 3 cậu con trai và cả nhà rất mê nấu ăn. Cả tuần họ nấu cho tôi ăn cùng gia đình, còn cứ weekend là tôi trổ tài nấu phở (bằng thịt bò Úc, bánh phở tươi mua ở cửa hàng VN, những viên Vị phở mang từ VN sang). Thế mà họ khen tấm tắc và lan truyền danh tiếng là Tiệm phở ngon nhất CBR nay đã chuyển về Garran (tên khu phố chúng tôi sống). 2 đứa chúng tôi cũng chạy xe đến tiệm phở VN ở khu Turner, thời đó là tiệm ăn Việt duy nhất. Quán vắng khách (có lẽ do ngày 2 Tết), nhưng bạn tôi nói hình như từ bao lâu nay vẫn chỉ có mỗi quán này, và nói thêm “sau khi tiệm Garran đóng cửa, không ai dám mở hiệu phở nữa”. Ấy là vì C. (tên bạn tôi) ngày xưa cũng rất hay đến nhà Kelly vào weekend để ăn cùng chúng tôi. Tôi còn mua vỏ bánh cuốn đóng hộp xốp, về microwave để tách lớp ra và xào thịt với mộc nhĩ cuộn vào trong. Mua hành phi sẵn rắc lên, chẳng thua bánh cuốn Thanh trì. Bọn trẻ thích lắm, làm bao nhiêu ăn cũng hết. Chúng không thể phát âm chuẩn từ “bánh cuốn” vậy nên cả nhà quyết định gọi là món “Queanbyean” (tên 1 thành phố vệ tinh của CBR) cho dễ. Khách đến nhà được mời ăn, rất ngạc nhiên sao lại có tên như vậy, họ cứ nghĩ chúng tôi chạy xe đến tận Queanbyean để mua về ăn. Khi gặp Nat (cậu trai cả, lúc ấy 12 tuổi) ở Melbourne, giờ đã là chàng trai 32 tuổi, cậu nói luôn “Cháu vẫn gọi cô là Auntie của chúng cháu. Cô đã dạy chúng cháu thích ăn món VN. Bây giờ tuần nào cháu cũng phải ăn ít nhất 1 lần”. Ông chủ nhà tôi là người rất thạo về ăn uống thì quả quyết “Thế kỷ 21 là của món ăn VN”. Có lẽ ông ấy nói đúng.

Tôi phải giở bản đồ ra mới nhớ ra tên con phố ở khu Garran. Đó là phố Fittchet. Chạy xe đến đấy thì cả 2 chúng tôi đều không nhớ số nhà và không nhận ra căn nhà vì sân trước đã um tùm hoa lavender, nơi trước đây là bãi cỏ trống. căn nhà đã được bán cho người khác cách đây 10 năm. Vợ chồng Kelly (Philippa và David) thì lập Cty và sống ở Beijing, con trai 3 đứa 3 nơi (Canada, Sydney, Melbourne). Tôi phải xác định theo nhà người hàng xóm, nhưng lại nhầm 1 nhà. Thấy ngờ ngợ vì lối vào không quen lắm. Sau khi gõ cửa hỏi thăm tên vợ chồng người hàng xóm thân là “Kent and Di”, tôi được chỉ sang nhà bên cạnh và chính lúc ấy, mọi ký ức ùa về. Tôi bỗng nhớ ra tất cả. Nhà tôi là 53 Fittchet str.   

Cảm giác buồn buồn khi ngôi nhà của gia đình Kelly đã thay chủ, tuy chủ mới vẫn giữ nguyên vẻ bên ngoài. Kể cả căn phòng tôi đã ở, nhìn ra khoảng hiên rộng. Đôi vợ chồng người hàng xóm già, nay cũng đang bán nhà đi nơi khác, may mà kịp gặp họ trước khi có thể hoàn toàn mất liên lạc. Họ vẫn khỏe mạnh và quấn quit bên nhau. Họ nhận ra tôi ngay và còn gọi chính xác tên tôi “Is it Phuong?” Họ bảo tôi bị bé đi so với trước. Gặp nhau vui quá. Thời sinh viên, vào mùa hè, nhà nào ở phố này cũng gửi chìa khóa cho tôi đến tưới hoa, cho chó mèo ăn. Tôi là chủ cả 1 dãy phố, thích bể bơi nhà nào đẹp là bơi, thích vườn hoa nhà nào là ngồi đọc sách uống cafe. Cả phố biết và rất thân thiện với tôi. Trước khi về nước, nhà Kelly làm tiệc đãi, ngoài thầy cô giáo và bạn thân còn mời cả phố đến, vui náo nhiệt…Họ bảo tôi rất SPECIAL. Tám năm trước đây tôi về lại nơi này, còn vài người vẫn nhận ra tôi. Năm nay không còn gặp ai quen nữa. Thật buồn…Mà cũng 20 năm rồi còn gì, chẳng biết ai còn ai mất. Lần ấy tôi đi xe bus về phố Fittchet. Bác lái xe rất ngạc nhiên thấy tôi vẫn giữ Ticket book còn lại từ 12 năm trước, giờ không còn dùng được nữa, nhưng bác cũng không bắt trả tiền (lúc ấy tôi là hành khách duy nhất trên xe bus của bác). Cảm động, bác đánh xe vòng vào tận đầu phố vì sợ tôi lạc do không còn nhận ra đường. Người Úc rất dễ thương.

Ngôi nhà này giữ biết bao kỷ niệm của tôi với gia đình Kelly và bạn bè. Chủ nhà rất hiếu khách, coi khách của tôi cũng như của họ. Tôi cũng học được tính cách niềm nở ấy. Bạn họ đến chơi cũng trở thành bạn của tôi. Weekend cả nhà đi bơi hay bushwalking, picnic BBQ, các bạn tôi cũng hay được mời đi cùng. Những khi họ đi nghỉ thì tôi trở thành chủ nhân thực sự của ngôi nhà để tổ chức party cho bạn bè, ăn uống, nhẩy nhót và ngủ lại. Tất nhiên sau đấy tất cả phải xúm vào dọn dẹp nhà cửa sạch bong như cũ. Chủ nhà đam mê ẩm thực nên thiết kế khu bếp to gần bằng phòng khách, tha hồ nấu nướng phục vụ party. Tôi là người duy nhất trong gia đình thường xuyên nhớ khóa cửa (thói quen cẩn thận của người Việt). Có hôm 2 bố mẹ dặn rất kỹ lũ trẻ con phải khóa cửa, nhưng được 1 hôm rồi đâu lại vào đấy, hoặc nhớ khóa được cửa trước thì cửa sau vẫn mở toang, mà chính bố mẹ cũng quên. Đồ đạc thì thường xuyên phải đi tìm. Có hôm ông chủ nhà đi tìm thắt lưng nhưng gõ cửa phòng tôi hỏi có để trong đó không,  làm tôi và bà chủ nhà cứ rũ ra cười.

Chúng tôi không đủ thời gian tìm ngôi nhà thứ 3, nơi tôi cùng cả gia đình Kelly đến ở thuê trong 6 tháng, trong lúc ngôi nhà ở Garran được renovated. Đó là khu Yarralumla, ngay chân núi Black mountain. Khu đó rất đẹp vì địa hình đồi núi quanh co, thỉnh thoảng những ngày weekend, tôi còn tập thể dục chạy lên tận đỉnh núi. Một người bạn thân người Denmark tên là Neil cũng ở khu ấy, hàng ngày chở tôi đi học bằng chiếc xe cũ kỹ mầu vàng. Có lần hết xăng giữa đường, 2 đứa xách can đến trạm xăng, lúc về trèo ngược dốc toát mồ hôi. Thế mà cũng oai như tổng cóc vì sinh viên nghèo hồi ấy, toàn đi xe bus và xe đạp. Trong balo đến trường, đứa nào cũng có 1 quyển busbook dầy cộp. Nghe nói mấy năm sau, em nào cũng chạy oto đi học. Hồi ấy chưa có cellphone và email nên tôi và Neil phải hẹn nhau chính xác như hoạt động tình báo vậy, nhất là những khi học các môn khác nhau. Chủ yếu viết giấy hẹn, bỏ vào Pigeonhole (hộp thư của mỗi SV). 

Khi về lại khu Garran, tôi trở lại phương tiện xe đạp lai xe bus (nghĩa là đi xe đạp đến bến xe bus trung tâm ở Woden, khóa xe ở đấy rồi bắt bus tuyến 333 đến trường, chiều lại lấy xe đạp về). Vì nhà tôi ở trên đồi nên đường về không đạp xe mà chỉ đẩy lên dốc thôi. Còn buổi sáng lại rất lợi là chỉ ngồi lên xe mặc cho nó lăn xuống dốc. Những hôm phải học ở trường khuya quá, hết xe bus về nhà thì ngủ lại ở phòng học trong túi ngủ. CBR quy hoạch rất đẹp, có đường đi cho xe đạp trên toàn thành phố. Nhưng vì địa hình đồi núi nên chỉ có xe địa hình mới đi nổi. Xe đạp secondhand của SV nghèo không thể đi được. Vì thế không thể đi xe đến trường. Khu trường ANU rất rộng, muốn chạy kịp giờ học từ bldg này sang bldg khác, nhiều học sinh mua thêm 1 xe đạp để ở trường để chạy vòng quanh.

 

C. chở tôi vòng quanh ANU qua những khu trước đây chúng tôi hay tới, sau đó để tôi ở lại để tự do ôn kỷ niệm. Tôi cuốc bộ dưới cái nắng như rang trên chảo 45 độ. Được cái cứ vào bong râm đứng là thấy mát. Đi loanh quanh hết độ nửa khu trường là mất 2h rồi. Trường vắng tanh do là ngày nghỉ lễ. Thư viện cũng đóng cửa, mặc dù đó là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm nhất. Tòa nhà NCDS nay đã bị cơi nới, mất cả bãi cỏ dưới bóng cây mát, có những băng ghế gỗ mà chúng tôi hay mang cơm trưa ra ngồi ăn cùng nhau. NCDS (nay gọi là Public policy) chuyển sang 1 khu khác, phía bên kia thư viện Melzies, chẳng gợi lên kỷ niệm gì. Các khu student facilities thì vẫn vậy. Đây là nơi SV gặp gỡ vui vẻ nhất, vào nhà bank Commonwealth lấy tiền rồi ra Carrousel đánh chén, hoặc sang hơn là vào café God nhâm nhi. Phía sau thư viện Chefley vẫn là Oval cỏ xanh rờn. Nằm lăn ra cỏ mát rượi và ngửa mặt ngắm trời xanh thẳm cao vút là cảm giác tôi nhớ nhất về nước Úc.

Tôi ghé qua Coombs lecture theatre, nơi có Movie club chiếu phim 2 lần mỗi tuần. Mấy đứa chúng tôi mua vé cả năm, được đi xem bất cứ phim gì. Đi xem phim đã có C. và T. chở đi. Có hôm học muộn ở lại luôn ở trường để xem thì hẹn gặp nhau ở rạp, hoặc hết giờ chiếu các bạn đến đón về nếu hôm ấy các bạn không đi xem. Tôi là đứa đi nhiêu nhất nên được tôn là Movie Champion. Kể ra hồi đó cũng được các bạn chiều chuộng thật. Đúng là thời hoàng kim. Lại còn đi học nhảy ballroom. Học hết 1 học kỳ, đầu tư mua băng đĩa, vậy mà giờ chẳng nhớ gì sau khi được “Đào tạo bài bản”. Rồi còn đi trượt băng bị ngã rạn xương cụt, Philippa chở đi bệnh viện cấp cứu, Bác sỹ bắt phải nghỉ học 3 tháng, thế mà 3 tuần sau đã thấy hết đau, chụp lại thì thấy vết rạn đã liền. Bác sỹ lắc đầu không hiểu cơ thể người Việt thuộc loại gì.

Nhìn Credit Union bỗng nhớ đến chiếc thẻ credit đầu tiên trong đời. Hồi ấy gần như không có ai có khái niệm gì về credit card, nhất là trong đám SV Việt nam. Tôi theo các bạn Úc làm thẻ, tài sản tín chấp khai là xe máy trị giá $2,000 và căn hộ tập thể 36 m2 khai bừa là $20000. Thế mà cũng được cấp thẻ. Sau này tôi cứ dùng thẻ tiêu vung vít, kể cả khi đã về VN, mỗi lần đi nước ngoài, không cần đổi tiền mặt. Hồi ấy, vào những năm 1995-1996, các bác quan chức đi cùng thấy hãi lắm vì “con bé này chẳng thấy nó đổi tiền mà vào cửa hàng nào cũng thấy nó mua lung tung”.

 

 

Cứ thế, kỷ niệm nọ xen lẫn kỷ niệm kia, đã đến giờ phải ra bến xe ở Civic. Tôi không kịp ghé qua 2 khu KTX là Toadhole và Graduate house, nơi có biết bao kỷ niệm SV. Đi vội ra Civic, không còn nhiều thời gian, nhưng cũng đủ nhận thấy Civic thay đổi rất nhiều, đẹp hơn lên. Đoạn đường từ ANU ra Civic, qua khu bến xe bus tôi hay đứng đón xe về nhà buổi tối, cũng thay đổi nhiều, không còn vẻ tĩnh lặng vắng vẻ cách đây 20 năm. Vẫn còn nguyên trong tôi cảm xúc đứng đợi xe trong những chiều chạng vạng, chuyện phiếm với những người bạn thân đi học bằng xe đạp đứng cùng tôi cho đỡ buồn lúc đợi xe. Tôi là 1 trong số rất ít SV sống cùng gia đình Úc, ở xa trường nên phải đi xe bus. Các bạn khác sống xung quanh khu trường nên dùng xe đạp. Chúng tôi hay đi cùng nhau ra bến xe bus, cho đến khi tôi lên xe, các bạn mới đạp xe về. Ở Civic, khu public WC tròn to ở giữa đã được thay bằng giao lộ của những con đường đi bộ, với những quán café duyên dáng. Khu mua bán sầm uất nhất CBR, giờ thay bằng những cửa hàng nhỏ, chủ yếu phục vụ du lịch. Người Trung đông trùm khăn Hồi giáo thấy đông hơn xưa rất nhiều. Có lẽ cuộc sống vì vậy cũng bớt đi vẻ thuần khiết rất đáng yêu của CBR, nơi cư dân chủ yếu là công chức nhà nước. Giá nhà đất vì vậy vẫn cao ngất ngưởng (thuê khoảng $6,000/ngôi nhà 3 phòng ngủ).

Tôi cũng không đủ thời gian chạy ra hồ Burley Griffin nổi tiếng, nơi này thành phố tổ chức hội chợ hoa Floriat hàng năm, thu hút dân Sydney đến rất đông. Tôi còn nhớ khi vừa mới đến CBR năm 1993, gặp ngày Australia day (26/1), đám SV VN chúng tôi  rủ nhau ra hồ xem pháo hoa. Tôi diện bộ oách nhất (gọi là suit). Ra đến nơi thấy dân Úc thật casual, mặc quần short, áo phông, đi dép 2 quai, ngồi bệt xuống cỏ. Các bạn VN đã đến từ trước cũng đã theo phong cách giản dị như vậy. Tôi như con quạ trắng ngơ ngác giữa 300,000 người dân CBR. Tất cả thành phố đổ ra hồ, ngồi xung quanh mà vẫn còn miên man là bãi cỏ. Không như VN ta, đất chật người đông. Hễ có sự kiện gì thì tốt nhất ngồi nhà. Lúc về cả bọn ghé Casino định thử vận may nhưng  Gác cửa chỉ cho mỗi tôi vào. Hóa ra quy định là phải mặc lịch sự (complete/suit) mới được vào chơi. Tám năm sau, trong chuyến quay về CBR lần thứ 2, tôi lại vào đó cùng C.,  và chúng tôi thắng $40, đủ đi uống cappuccino. 

Điều buồn nhất trong chuyến về quê CBR lần này là trúng ngày nghỉ lễ đầu năm nên bạn bè đi nghỉ hết. Những thầy cô và bạn gặp cách đây 8 năm cũng chẳng có ai ở nhà. Có hai gia đình VN là bạn cùng học thời đó, sau khi tốt nghiệp ở lại làm việc ở trường, cũng đi nghỉ mất. Ngoài cô giám đốc khoa Môi trường là Elspet đã mất, cô Megan đã chuyển đi, thầy Neil cũng đi trước đó, lần trước về tôi còn gặp cô Sue, cô Dianne, thầy Richard Baker, Billie và các thầy cô ở khoa Kinh tế cũng thân thiết…Lần này liên hệ muộn hoặc không tìm ra địa chỉ, vậy nên không còn gặp ai. Có lẽ đó là điều nhắn nhủ sẽ còn quay lại nơi đây, nhiều kỷ niệm vương vấn lắm. Tôi thấy mình thật hợp và gắn bó với mảnh đất hiền hòa này……

 

Tràn ngập trong những kỷ niệm cách 20 năm, tôi đã về đến Sydney lúc 9.30 tối. Tạm biệt Canberra thân yêu!

 

 


Người post: PhuongTT

Ngày đăng: 02-01-2017 14:02






Xem 1 - 3 của tổng số 3 Comments

Từ: NguyetTM
03/01/2017 10:38:06

Phương ơi, đúng là càng ngày mọi người càng muốn quay trở về với những kỷ niệm xưa. Mà toàn những kỷ niệm đẹp như Phương chia sẻ thì ai cũng muốn trở về. Mình đến Sydney từ năm 2000 mà vẫn nhớ lắm những con đường vắng vẻ yên lành, những bến cảng thanh bình cho những cánh Hải âu dập dờn trên mặt biển ... Khi đó mình cứ mường tượng rằng "về hưu sang đó ở có lẽ thú vị hơn".



Từ: ThoaNP
03/01/2017 07:36:00

Đọc các bài viết của em thật thích, Phương à. Có câu nhà Kelly nói về em đúng "rất SPECIAL". Làm chị nhớ hồi Bà Giáo Ngựa viết thư kể chuyện nhân chuyến đi Đức em ghé nhà con gái Valia thăm ba mẹ con bà cháu. Cả nhà mắt tròn mắt dẹt không tin nổi cô gái nhỏ nhắn, kéo chiếc vali to đùng đi khắp châu Âu. Hình như đợt đó em ghé thăm được 1 ngày 1 đêm với gia đình Bà Giáo. Em đi rồi mà cả nhà vẫn chưa hết bàng hoàng, đúng kiểu "vội vã trở về, vội vã ra đi, ...".


Em thật "giàu có" với những chuyến đi của mình.


Hơi tiếc chút xíu là không thấy ảnh đâu hết, toàn ô trắng không thôi.



Từ: Meomun
02/01/2017 17:44:55

@Chị Thanh Phương: Em chưa từng đi Úc mà đọc bài viết của chị về Canberra thấy gần gũi quá! Thích nhất là cảnh cả mùa hè, ai cũng gửi nhà cho chị để tưới hoa, chăm thú cưng và chị như là chủ của cả một khu phố...Nước Úc thật thanh bình và con người cũng thật đáng yêu!



Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s