KGU News >>CCCP
KGU Tạo bài viết  
Thứ hai 27 Tháng chín. 2010

Đã có thời chúng tôi yêu tiếng Nga đến thế




Tác giả: Hồ Thu Hồng

Đợi anh về (ảnh minh họa)

 

Đã có thời chúng tôi, yêu những vần thơ này đến thế. Ấp ủ, nâng niu, vụng về với suy tư còn rất ngây thơ và trong sáng, để rồi ngày qua ngày, những vần thơ ấy cùng chúng tôi bước vào đời...

 

Sổ thơ của tôi với những bài thơ bằng tiếng Nga như một báu vật. Mất gì thì mất, sổ thơ không bao giờ có thể mất! Cứ đến mùa thi, cùng với cuốn giáo trình dày cộp, đen thui, rám rịt bởi chật liệu thô in roneo thời bấy giờ là cuốn sổ thơ bìa nâu, giấy trắng ca rô mịn màng của Liên Xô ( cũ ). Chép thơ Nga, đặc biệt là thơ tình Nga, cũng phải chọn giấy Nga để viết. Vậy đấy, cái gì cũng Nga, bút chép thơ cũng của Nga, dán trang trí cũng trên mỗi tít của bài thơ cũng phải là của Nga...Tất cả những thứ đó cứ đi vào cuộc sống sinh viên của tôi lúc nào không rõ. Tôi chỉ nhớ, mỗi dòng thơ tôi chép, mỗi trang thơ tôi đọc đều in đậm từng ký ức, kỷ niệm của tuổi học trò, sinh viên khoa tiếng Nga của trường tôi... Hưng phấn bởi hôm nay có giờ thực hành tiếng vui nhộn vì được đóng vai của cô giáo Hòa...về chép thơ. Buồn, tâm trạng với giờ đọc hiểu của cô giáo Diên Chi về một cuộc chia li nào đó... về chép thơ. Thương, ngậm ngùi cho một mối tình trong sáng, đậm tình yêu thương, kính trọng giữa cô trò với người thầy đáng kính trong bài "Người thầy đầu tiên- Первый учитель" (Aitmatov) của cô giáo Hải Thanh...về chép thơ. Váng vất chất thơ, mơ màng, phiêu du với các trang viết tuyệt vời miêu tả thiên nhiên Nga đẹp đến mê hồn,  trong các bài đọc hiểu "Lẵng quả thông (Pautovxki), "Cây phong non chùm khăn đỏ- Тополёк мой в красной косынке" (Chingiz Aitmatov) ... với giờ lên lớp của cô giáo Vân... về chép thơ. Không thể nói hết tâm trạng và các bài thơ đã được chép trong giờ phút này. Chỉ biết rằng, những bài thơ ấy đã nhiều lần làm tôi và các bạn tôi một thời không ăn không ngủ...Rồi cũng đến lúc chúng tôi phải chia tay nhau, mỗi người một ngả. Không buồn, không vui, và cũng chẳng thể nhớ nổi lòng mình nghĩ gì lúc đó? Cất gọn cuốn số thơ-nhật ký thời sinh viên vào ký ức, bước vào đời, chấm hết những vô tư và ai cũng hiểu chìa lìa nhưng không nói. Những tưởng sẽ không còn cần đến những câu thơ tình lãng mạn của một thời, song chẳng phải thế... Bật ra trong đầu khi được hỏi: Em có thể đọc cho tôi nghe một bài thơ nào đó ( họ muốn kiểm tra giọng đọc của tôi cho thể loại trữ tình?) trong buổi phỏng vấn trực tiếp vào nghề? Không còn nhớ gì cả, ù tai, có chút lúng túng thóang qua, nhưng rồi ngay lập tức tôi đọc 2 cầu đầu tiên của bài thơ "Жди меня- Đợi anh về" của nhà thơ Nga Xô Viết Mikhailovich Simonov (Жди меня,/ и я вернусь.Только очень жди,..).

 

Và cứ thế, từng dòng thơ, vần thơ của bài thơ ấy như thể tuôn trào trong tôi một cách trôi trảy. Cảm xúc rất thật, tôi đã nhập hồn vào bài thơ như một lẽ tự nhiên. Đọc xong, không gian như trùng xuống, vài phút im lặng trôi qua, tôi thấy mình khóc. Những giọt nước mắt...tôi biết, nó đang lăn tràn trên má tôi không phải vì mình đã hòan thành bài thi có một không hai...cũng không phải vì cảm xúc chân thực của bài thơ tuyệt vời mà tôi đã được học trên giảng đường năm nào...chỉ là vài giây thóang qua thôi, nhưng tôi biết tôi đang nghĩ gì? Bóng thầy cô giáo tôi đúng trên giảng đường, cuốn giáo trình trên tay, giọng đọc nhấn nhả với từng ý thơ của bài thơ tôi vừa thể hiện...và tôi nghĩ đến những vần thơ, trang thơ Nga tôi đã chép, đã đọc trong những đêm thức trắng, mất điện của ký túc xá cho các bạn cùng phòng nghe. Vâng, vừa mới hôm qua thôi, tôi đã cất nó vào sâu trong trái tim của mình. Cứ nghĩ, sẽ chẳng bao giờ còn được thổn thức với nó, vậy mà chính bài thơ Nga đã dắt tôi vào đời, gắn cuộc đời tôi với cái nghiệp "đọc"...để rồi mỗi lần nghe lại, tôi vẫn còn nguyên tâm trạng run rẩy vì chưa thể quen ánh đèn phim trường trong một không gian lắng đọng đủ để nghe tiếng đọc thơ của mình. Vậy mà đã có lúc tôi trách thầy cô, sao cứ phải bắt thuộc làu làu những bài thơ bằng tiếng Nga? Sao không để chúng tôi đọc luôn bằng bản dịch tiếng Việt? Bao câu hỏi chỉ để thỏa mãn sự ngông cuồng và ham chơi tuổi trẻ mà không tự tìm câu trả lời cho mình???

 

Năm tháng trôi đi, cuộc sống không màu thiên thanh như chúng tôi vẫn bắt gặp trong các trang thơ thời sinh viên năm nào. Lo toan, cơm, gạo áo tiền... tôi và các bạn tôi lao vào cuộc mưu sinh với nhiều toan tính đời thường. Có lúc nhìn lại giật mình, không còn thời gian cho những suy tư trong trẻo, cho khỏanh khắc xao xuyến, cho tâm hồn lắng đọng đủ nghe nhịp đập con tim. Lại lần mở những trang thơ đã chép, hâm nóng cảm xúc thời tuổi trẻ. Người ta vẫn nói, yêu cái gì quá rồi một lúc nào đó những thứ đó cũng trở nên bình thường. Song, tôi tin, và hẳn các bạn tôi yêu thơ Nga cũng tin, sẽ không bao giờ chúng trở nên bình thường. Chúng là vật báu được cất giữ một góc sâu của tâm hồn, của trái tim, để rồi sẽ có dịp trỗi dậy, dìu dắt chúng tôi qua mỗi bước đi, vượt qua mỗi vấp ngã của cuộc đời. Nói ra thì có vẻ vẫn còn lãng mạn theo kiểu "thơ thời sinh viên", song không phải vậy. Mỗi vẫn thơ, trang thơ tiếng Nga trong số thơ tôi, là một bài giảng của thầy cô giáo tiếng Nga về tình yêu đầu đời thời con gái, về cảm xúc thăng hoa khi được yêu và yêu, về tình cảm trong sáng giữa con người với con người, về cuộc sống bộn bề lo toan của đời người, về thiên nhiên tươi đẹp, về tình yêu với đất nước, với Tổ quốc, với dân tộc. Chẳng phải ngẫu nhiên, trong giây phút khó khăn nhất thử thách bước vào đời, bài thơ đầu tiên tôi đọc lại là bài thơ tiếng Nga. Bài thơ chiến tranh, nhưng lãng mạn đậm chất tình yêu tuyệt tác...Tôi say sưa với từng ý thơ trong bài thơ và cảm nhận nó, phân tích nó truớc hội đồng giám khảo như đang đứng truớc bài thi vấn đáp của thầy cô giáo mình. Liên tưởng tới cuộc chiến tranh chống giặc Mỹ xâm lược với cuộc chiến tranh giữ nước Vĩ đại của nhân dân Liên Xô, mỗi người lính Việt Nam, như đang khóac trên mình bộ quân phục của Hồng quân xô viết. Những cái vẫy tay chia li tiễn biệt của người vợ Valentina Serova trong trong bài thơ "Đợi anh về"- Желтые дожди/Жди, когда снега метут/Жди, когда жара- Mưa có rơi dầm dề/Ngày có buồn lê thê/Em ơi em cứ đợi...) khiến tôi liên tưởng mẹ tiễn ba đi trong chiều mưa to khủng khiếp truớc sân ga Hàng cỏ năm nào. Sự chờ đợi mỏi mòn của hai người phụ nữ... Tất cả, tất cả câu chữ của bài thơ tôi cảm nhận được không phải từ âm thanh của tiếng Việt mà từ câu chữ của tiếng Nga. Cô giáo Hải Thanh nói: "Cô không thể dùng tiếng Việt để diễn giải từ ngữ của bài thơ này. Cô chỉ muốn nói với các em, phải cảm nhận được nó bằng tiếng Nga, chỉ có thể bằng tiếng Nga, các em mới hiểu được sâu sắc nhất những gì nhà thơ Simonov muốn lột tả". Và cô đã khóc. Chúng tôi cũng khóc.Những giọt nước mắt năm ấy chưa đủ để hiểu hết những gì cô nói trên giảng đường, nhưng quả thực, khi được yêu cầu đọc bài thơ trong buổi phỏng vấn, chỉ vài giây sau, tôi đã nhập hồn mình vào hồn của bài thơ bằng chính cảm xúc tóat lên trong câu chữ tiếng Nga của nó.Và tôi đã hiểu, cô nói đúng, chỉ có thể đọc bằng tiếng Nga, tôi mới có cảm xúc tận đáy lòng."...Только мы с тобой,-Просто ты умела ждать,Как никто другой./... Dẫu dòng lệ cạn khô,/Em của Anh biết chờ/Không như ai, chẳng đợi".

 

Năm tháng qua đi, ngóai đầu nhìn lại, đã hơn 20 năm. Những vần thơ trong sổ thơ tiếng Nga của tôi cho đến bây giờ vẫn nguyên giá trị với tôi. Vâng, cái quá khứ yêu, yêu đến khát khao, yêu đến cháy bỏng thứ ngôn ngữ không phải mẹ đẻ của mình không dễ gì quên, giống như một giấc mơ đầy lãng mạn của một thời tuổi trẻ, mà tôi và các bạn tôi đã từng nung nấu, gối đầu giường, để mà say mê, đắm chìm trong cái màu sắc kỳ ảo, thi vị, nồng nàn...để rồi khám phá, để rồi thấy trong đó sự tinh khiết, trong trẻo, và say mê đến lạ kỳ. Tất cả cảm xúc ấy không phải từ sự thiên vị thứ ngôn ngữ tôi đã học, không phải sự mơ tưởng đến những đêm trắng thành Lêningrat, của những lâu đài cổ in đậm những câu chuyện cổ tích, của không gian vàng rực mùa thu xứ bạch dương xa thẳm, của những chùm thông già cỗi phủ lớp bụi thời gian ...mà cảm giác ấy được truyền từ tình yêu sâu sắc của thầy cô giáo dạy tiếng Nga của tôi, để rồi chúng tôi hào hứng chào đón nó, ào ào, cuồng nhiệt như một lẽ tự nhiên và cuối cùng nó đã đốt cháy tâm hồn tôi bằng một thứ tình cảm đặc biệt, không dễ gì diễn tả.Chỉ biết rằng trong mỗi vẫn thơ tiếng Nga tôi chép chứa đựng sự giản dị mà hết sức chân thành, hồn hậu mà tinh tế đầy trách nhiệm với con người. Sự bộc bạch trong hồn thơ Nga có gì đó rất gần gũi không chỉ với tôi, với ai đó, mà với tất cả mọi người. Tất cả đã lôi kéo tôi đi tìm những bí ẩn nằm sau trang thơ, sau những ý tứ trong trẻo, nồng nàn của một thứ ngôn ngữ mà chúng tôi một thời say đắm. Tôi hiểu, đến bây giờ sự bí ẩn đó vẫn còn nằm đâu đó trong sâu thẳm trái tim và trí óc của tôi, chỉ một giây thôi, nó lại được lôi ra để tiếp tục khám phá, để làm ngọn nến tỏa sáng trong đêm tối soi đường chúng tôi đi trên con đường mưu sinh, để rồi chúng tôi lại tiếp tục đi, tiếp tục yêu và tiếp tục khát khao đi tìm...

 

Tiếng Nga, thơ Nga, mãi mãi cùng tôi đi hết cuộc đời. Xin được cảm ơn các thầy cô giáo dạy tiếng Nga của tôi, những người đã truyền cho tôi và các bạn tôi tình yêu tiếng Nga hơn bất cứ thứ tình yêu nào khác.

Đà Nẵng, ngày 26 tháng 9 năm 2010.

Hồ Thu Hồng - Sinh viên khoa tiếng Nga khóa 1989-1994


Người post: NgocBQ

Ngày đăng: 27-09-2010 18:06






Xem 1 - 2 của tổng số 2 Comments

Từ: KhoaDT
29/09/2010 09:13:21
Mình đã nhiều năm làm việc ở Đức và bây giờ sử dụng tiếng Anh tiếng Đức còn nhanh hơn tiếng Nga, nhưng đối với mình ngôn ngữ ĐẸP nhất vẫn là Russki Yazyk. Nó đặc biệt đẹp khi dùng tiếng Nga để ca ngợi tình bạn, tình yêu, vẻ đẹp thiên nhiên... nói chung là để ca ngợi tất cả những gì prekrasnyi. Cũng vì thế mà các bài hát Nga từ những năm 70 vẫn luôn vang trong đầu mình, xen kẽ cùng với nhạc Pop 60-70 cũng như nhạc trữ tình của VN (mà tụi teen bây giờ gọi là nhạc đỏ hay nhạc vàng, giải trí của các cụ!). Thân mến, Khoa (VL76)


Từ: ChiNB
28/09/2010 09:09:10
Đến bây giờ chúng mình vẫn yêu tiếng Nga mà mình đã coi là tiếng mẹ đẻ thứ hai. Thơ Nga, văn học Nga thực sự đi sâu vào tâm hồn con người đúng như tác giả bài viết này thể hiện. Cám ơn tất cả những người vẫn còn yêu tiếng Nga.


Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s