THĂM QUAN HOÀNG THÀNH THĂNG LONG
Sáng thứ ba 7/02/2017 như đã hẹn chúng tôi đến Hoàng Thành Thăng Long thăm quan và chụp ảnh. Hoàng Thành hôm nay vẫn còn tràn ngập không khí xuân. Đoàn chúng tôi 13 chị em có một cháu hướng dẫn viên du lịch và 4 cháu thực tập nên chúng tôi vừa được nghe thuyết minh về Hoàng Thành vừa thoải mái được các cháu chụp ảnh.
Hoàng thành Thăng Long là quần thể công trình kiến trúc đồ sộ được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam...
Tôi đã đến đây nhiều lần nhưng lần này (sáng 7/02/2017) vui và ấn tượng hơn là đi cùng bè bạn KGU và có hẳn hướng dẫn viên riêng giới thiệu.
Ngày 1/8/2010, Ủy ban di sản thế giới đã thông qua nghị quyết công nhận khu Trung tâm hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là di sản văn hoá thế giới.
Ngay khi vào Hoàng thành Thăng Long chúng tôi đến Đoan Môn chụp hình. Đoan Môn là cửa vòm cuốn dẫn vào điện Kính Thiên. Đoan Môn gồm năm cổng xây bằng đá, phía ngoài là cửa Tam Môn khoảng 1812 - 1814, triều Nguyễn Gia Long phá, xây Cột Cờ còn tồn tại đến ngày nay.
Tiếp theo chúng tôi đến Điện Kính Thiên là nơi vua Lê Thái Tổ tuyên bố lên ngôi (1428), và về sau này trở thành nơi cử hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình, nơi đón tiếp sứ giả nước ngoài, nơi thiết triều bàn những việc quốc gia đại sự và thờ cúng. Dấu tích điện Kính Thiên hiện nay chỉ còn là khu nền cũ. Phía nam nền điện còn có hàng lan can cao hơn một mét. Mặt trước, hướng chính nam của điện Kính Thiên xây hệ thống bậc lên bằng những phiến đá hộp lớn. Thềm điện gồm 10 bậc, 4 rồng đá chia thành 3 lối lên đều nhau tạo thành thềm rồng. Bốn con rồng đá được tạo tác vào thế kỷ 15 thời nhà Lê. Điêu khắc rồng đá điện Kính Thiên là một di sản kiến trúc nghệ thuật tuyệt tác, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thời Lê sơ.
Trước Điện Kính Thiên.
Trước Điện Kính Thiên.
Thắp hương trước Ban thờ ở Điện Kính Thiên.
Trước Điện Kính Thiên.
Tại các phòng trưng bày chúng tôi được chiêm ngưỡng các di vật lá đề và gốm sứ thời Lý. Số lượng lớn đồ gốm sứ là những vật dụng dùng hàng ngày trong Hoàng cung qua nhiều thời kỳ cũng được tìm thấy.
Chim uyên ương đồ gốm thời Lý.
Gốm thời Trần tìm được khá nhiều trong các hố khai quật là những đồ gốm trang trí kiến trúc cùng thời. Gốm thời kỳ này có rất nhiều loại, gồm các dòng gốm: men trắng, men ngọc, men xanh lục, men nâu, hoa nâu và hoa lam. Tại đây còn tìm thấy chiếc loa gốm là một trong những chiếc loa đã được dùng trong trận đánh chống quân Nguyên ở Vạn Kiếp.
Chiếc loa gốm thời Trần dùng trong trận đánh quân Nguyên ở Vạn Kiếp.
Gốm thời Lê Sơ có bước phát triển đột biến với sự bùng nổ các trung tâm sản xuất gốm lớn, nhất là vùng Hải Dương. Thời kỳ này gốm hoa lam, gốm men trắng và gốm vẽ nhiều màu đạt đến đỉnh cao của sự tinh mỹ.
Đồ gốm thời Lê sơ.
Chúng tôi đã xuống khu hầm lớn nhất nằm dưới khoảng sân nối giữa điện Kính Thiên và nhà D67 dành cho Bộ Chính trị và Quân ủy trung ương gọi là hầm D67. Hai đường dẫn xuống hầm bắt nguồn từ hai phòng làm việc của tướng Giáp và tướng Dũng trong nhà D67, đường hầm rộng 1, 2m, có 45 bậc thang bêtông, lát đá granite. Đi sâu xuống 10m là hệ thống văn phòng của tổng hành dinh ngầm gồm bốn phòng rộng 50m2, chung một hành lang bên phải. Phòng họp hình chữ nhật toàn khối, nền lát gạch, có một cửa ra vào. Các lối lên xuống của hai đường hầm và cửa ra vào có tới sáu cửa thép sơn xanh dày 12 cm, có nhiều tay nắm và hệ thống gioăng cao su có thể ngăn nước và khí độc.
Phòng họp dưới hầm D67.
Tiếp theo chúng tôi lên Tổng hành dinh - Nhà D67 Khu A Bộ quốc phòng là nơi Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đã đưa ra những quyết định lịch sử đánh dấu những mốc son của cách mạng Việt Nam như: Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, cuộc Tổng tiến công năm 1972 mà đỉnh cao là 12 ngày đêm cuối năm 1972 và Tổng tiến công năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh. Tại phòng họp của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, trên chiếc bàn lớn có biển ghi tên đặt đúng vị trí của những người đứng đầu Đảng và quân đội ngày ấy đã ngồi họp.
Phòng họp của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương ở Nhà D67.
Và điểm tham quan cuối cùng là Hậu lâu hay còn gọi là Lầu Tĩnh Bắc (Tĩnh Bắc lâu), là một toà lầu xây phía sau cụm kiến trúc điện Kính Thiên là hành cung của thành cổ Hà Nội. Tuy ở sau hành cung nhưng lại là phía bắc, xây với ý đồ phong thuỷ giữ yên bình phía bắc hành cung hay còn gọi là lầu Công chúa do cho rằng đây là nơi nghỉ ngơi của các cung nữ trong đoàn hộ tống vua Nguyễn ra ngự giá Bắc thành.
Gần 3 tiếng đồng hồ trôi đi nhanh chóng, chúng tôi vào ngay quán phở bò trong Hoàng Thành giải quyết bữa trưa và không quên tráng miệng món kem mà tất cả các thành viên đều yêu thích.