KGU Tạo bài viết  
Thứ sáu 24 Tháng ba. 2017

Cụ Trần Công Thưởng - người thân sinh ông Đội Cung




Tác giả: LienTP

Đầu năm nay, ngày 5-1-2017, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ký quyết định công nhận và cấp Bằng xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh cho phần mộ và nhà thờ cụ Trần Công Thưởng tại xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh để ghi nhận những công lao đóng góp của cụ đối với quê hương đất nước. Ngày 18- 3 - 2017, UBND xã Kỳ Phú và con cháu chi họ Trần Công long trọng tổ chức Lễ đón nhận. Tôi rất vinh dự cùng bà con chi họ từ mọi miền đất nước về tham dự Lễ hội này.

 

Lễ đón nhận và rước Bằng xếp hạng được tổ chức trang trọng.

Cùng bác Trần Công Dị, tộc trưởng chi họ Trần Công và các bà con ở Kỳ Anh

Bà con chi họ Trần Công từ các miền đất nước về dự Lễ đón nhận Bằng xếp hạng

Bố tôi, Thiếu tướng nhà báo Trần Công Mân là chắt, còn tôi là chiu của cụ Trần Công Thưởng. Nhân dịp này tôi được biết rõ hơn về Cụ, con trai cụ - ông Đội Cung, qua các tài liệu được các nhà nghiên cứu lịch sử của Bảo tàng Lịch sử Hà Tĩnh dày công sưu tầm, kiểm định như  Gia phả chi họ Trần Công, Lịch sử Đảng bộ huyện Kỳ Anh, Địa chí huyện Kỳ Anh, Lịch sử Hà Tĩnh, Lịch sử Nghệ Tĩnh ….

Ông Đội Cung và cuộc khởi nghĩa Đô Lương

Ông Đội Cung, tên thường gọi là Nguyễn Văn Cung (1903-1941). Ông được biết đến như một người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Đô Lương (Nghệ An) - cuộc khởi nghĩa của các binh lính khố xanh ngày 13-1-1941. Cuộc khởi nghĩa Đô Lương do tính tự phát, thiếu tổ chức và thiếu sự chỉ đạo của Đảng nên nhanh chóng bị dập tắt. Tháng 3 năm 1941 Tòa án binh thực dân Pháp tại Hà Nội đã xử các bị can trong cuộc khởi nghĩa: Đội Cung,  Cai Vị và 9 nên binh sĩ bị kết án tử hình, 12 người khác bị kết án chung thân, 24 người bị kết án 20 năm tù khổ sai. Ngày 25-4-1941 các án tử hình được thi hành ở 3 nơi Vinh, Chợ Rạng và Đô Lương. Ông Đội Cung cùng 3 người lính bị tử hình ở Vinh.

Tuy vậy, Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng cộng sản Đông dương lần thứ tám (tháng 5-1941) đã đánh giá: “Cuộc khởi nghĩa binh lính ở Đô Lương ngày 13-1-1941, Đội Cung với 50 anh em binh lính Đô Lương với Chợ Rạng nổi dậy bạo động cướp đồn. Mặc dù sự đàn áp của giặc Pháp rất dữ dội mà dân ta không lùi… Đó là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đấu tranh bằng vũ lực của các dân tộc Đông Dương”. Cuộc khởi nghĩa đi vào lịch sử dân tộc như một trong những phong trào cách mạng hào hùng ở Việt Nam trước năm 1945, cùng với các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, khởi nghĩa Nam Kỳ. Cuộc khởi nghĩa để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân ta.

Bốn mươi bảy năm sau, năm 1988, ông Đội Cung được Nhà nước công nhận là Liệt sĩ.

Ông Đội Cung và cuộc tìm kiếm về cội nguồn chi họ Trần Công

Tên thật của ông Đội Cung là Trần Công Cung. Ông có nguồn gốc sâu xa với chi họ Trần Công ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, ông tìm được thân phụ ông là Trần Công Thưởng là cả một quá trình dài.

Ông Đội Cung là con trai thứ của cụ Trần Công Thưởng và cụ Lương Thị Uyển, thiếp thứ của cụ Thưởng. Khi ông Cung còn nhỏ tuổi, bà mẹ cho làm con nuôi người họ Nguyễn cùng làng và nuôi dưỡng bên ngoại tại làng Hạc Oa, tổng Thọ Hạc, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa. Vì vậy khi lớn lên ông lấy họ của người nuôi dưỡng và lấy tên là Nguyễn Văn Cung.

Theo gia phả của chi họ Trần Công: Ông Cung kể rằng lúc mới lớn lên chỉ nghe người trong làng nói: Mày không phải là người ở đây, không phải người họ Nguyễn. Có người cho ông biết rằng ông là con của một ông họ Trần Công, người Kỳ Anh ra làm tri huyện ở Đông Sơn. Lúc vào lính khố xanh, khoảng những năm 30, ông lấy vợ là bà Mai Thị Doan, người thuộc dòng họ Mai Trọng ở Đức Thọ. Nhờ bên nhà vợ hỏi dò, ông viết mấy lá thư vào, nhưng vì không rõ địa chỉ Long Trì hay Ngọc Trì nên thư bị thất lạc. Lá thư cuối cùng ông mới biết đúng địa chỉ là làng Long Trì.

Người tiếp thư ông Cung cũng là sự may mắn, theo lời kể của bác Trần Công Đậu (1905-1937), con trai ông Trần Công Tư (ông Trần Công Tư (1916-1986) là anh ruột ông Đội Cung). Nguyên lá thư tới là người hương thư làng nhận (lúc đó, mỗi làng có một người hương thư phụ trách việc phát nhận thư trong làng). Bác Trần Công Đậu đi cùng với bác là ông Trần Công Tán ra giếng để tắm (cái giếng đấy gọi là giếng Trong) thì thấy con người hương thư đang cầm phong thư đó chơi. Bác Đậu mới dật lấy nhìn thì thấy phong thư chưa mở, lại đề địa chỉ nhà mình. Trần Công Đậu mở thư ra xem mới biết thư ông Đội Cung gửi hỏi thăm nói rõ ràng thủy chung và nhắn ra Vinh, vào hàng cơm Thanh Hương thì sẽ gặp được ông. Từ đó về sau ông và những người thân mới có sự liên lạc thân mật với nhau.

Theo lời của ông chủ Thanh Hương. Ông Thanh Hương lên thật là Đặng Hoán, người Phú Dần, nay thuộc xã Kỳ Giang, em con ông chú Hiền tỉ họ Đăng. Ông Đội Cung sở dĩ biết rõ địa chỉ là nhờ ông Thanh Hương nói với. Khi Trần Công Đậu tới Vinh vào hàng cơm ông Thanh Hương cũng nhờ ông ấy tin cho ông Đội Cung ở trong đồn lính khố xanh Vinh ra tiếp đón.

Theo lời của các cụ truyền lại, cụ Lương Thị Uyển sinh ông Cung ở Đông Sơn, Thanh Hóa. Rồi một năm nào đó, ông Trần Công Tư ra Vinh để thi rồi luôn tiện đi ra Thanh để rước mẹ về, vì bà mẹ có ý ở lại luôn ngoài đó không muốn về nữa. Ông Trần Công Tư bàn khéo mãi, cụ chiều ý con và trở về Kỳ Anh. Khi về cụ không nói cho con và cũng không nói với ai biết rằng cụ có người con để lại Thanh. Việc ông Đội Cung liên lạc lại để tìm mẹ và tìm anh em họ hàng là do tấm lòng “cố bản tầm nguyên” do sự hiểu biết tìm tòi của ông cả.

Năm 1934, hai vợ chồng ông Đội Cung và một đứa con còn rất nhỏ vào Đan Du làm lễ bái yết tại nhà thờ, ở lại 2 hôm. Sau đó, cả nhà ông lại về Long Trì làm lễ bái yết nhà thờ họ, thăm hỏi đầy đủ rồi mới trở ra. Vào những năm từ 1934-1940, ông Trần Công Quý (cháu đích tôn của cụ Trần Công Thưởng, gọi ông Đội Cung bằng chú ruột) dạy học ở trường Phúc Trạch (Hương Khê). Có lần ông Quý về Vinh ở tại nhà ông Thanh Hương, gặp ông Đội Cung. Hai chú cháu nói chuyện với nhau trong một buổi. Ông Đội tỏ lòng hoài cổ đối với tổ tiên, kể hết tâm sự của ông từ bé đến lớn, nước mắt đầy hai mi. Ông Quý nghe không khỏi cảm thấy bùi ngùi. Ông phàn nàn tìm ra được gốc tích chậm quá. Câu chuyện chưa kết thúc, ông hẹn lần sau gặp lại ông Quý, chân bước đi mà chốc lại nhìn lại rất lưu luyến. Trần Công Bảo (con cả ông Trần Công Quý) và Trần Công Mân(2) (con ông Trần Công Chất, em ruột ông Quý) học ở Vinh vào những năm 1939-1940, có gặp ông Đội Cung, nói chuyện rất tình cảm, thân mật (Bảo và Mân gọi ông Đội Cung là ông chú). Ông rất hiền hậu, nói năng rất ôn tồn, đi đứng rất khoan thai, nét mặt hồng hào, nhưng có vẻ buồn. Tính tình ông như một nhà nho, nói năng như một người khuê các, thế mà sau đó công việc làm của ông đã rõ là một hành động của một vị anh hùng.

Họ Trần ta đã rước linh hồn ông vào táng tự tại nhà thờ họ trong lễ Tết Nguyên đán 1946.

Cụ Trần Công Thưởng, thân phụ của ông Đội Cung

Cụ Trần Công Thưởng hiệu là Quy Phong, sinh năm Tân Sửu, Thiệu Trị thứ nhất (1841), mất năm Giáp Dần, Duy Tân năm thứ 8 (1914), quê làng Long Trì, tổng Đậu Chữ nay thuộc thôn Phú Long, xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Mồ côi mẹ từ khi 2 tuổi, thân phụ là nhà nho nghèo, đời sống gặp nhiều khó khăn, may Cụ được kế mẫu nuôi dưỡng làng Đan Du (này là xã Kỳ Thư) huyện  Kỳ Anh, Hà Tĩnh.. Khi còn nhỏ, Cụ học với các thầy đồ trong làng, vừa học vừa giúp việc đồng áng gia đình. Lớn lên, Cụ học với ông anh con bà cô, tức là học với cụ Nguyễn Văn Nhu ở Phú Thượng, khi cụ này mới đỗ cử nhân. Sau đó Cụ học tiếp trường Giáo thụ ở huyện lị Hà Hoa (Kỳ Anh ngày nay), rồi ra học trường Đốc học tại thị xã Hà Tĩnh. Cụ vốn là người thông minh, học giỏi, thi đậu đầu tỉnh nên người đương thời thường gọi là thầy đầu đạo Thưởng. Cụ lấy vợ là Nguyễn Thị Chuy (1848-1913), con gái của cụ nghĩa dân Nguyễn Duy Tân(4) làng Đan Du.

Theo gia phả: “Hiền tổ khảo đậu Cử nhân năm Quý Dậu (1873). Đáng lý ra thì khoa thi năm Đinh Mão (Tự Đức thứ 20) Ngài đậu Cử nhân, nhưng vì một ông Tú tài trong làng xem quyển thi của Ngài thấy có câu văn hay quá, ông biên vào quyển thi của ông, cho nên lúc quan trưởng chấm quyển thì cả hai đều bị đánh là “trùng kiến” (giống nhau). Bởi vậy Ngài hỏng khoa ấy, hỏng vào kỳ đệ tam. Nếu không vì thế thì có lẽ ông Tú cũng đậu cử nhân. Đến năm Quý Dậu là khoa thi vào năm Tự Đức thứ 26 (1873), Ngài đậu Cử nhân thứ 7 (còn ông Tú thì thi mãi mà không đậu)”. Mấy tháng sau Cụ được bổ làm quan ở một tỉnh Bắc kỳ, nhưng vì xa Cụ không muốn đi kiếm cớ xin hoãn đến đợt sau. Đến năm sau Cụ được bổ vào làm hậu bổ ở tận Phú Yên, sau hai năm Cụ làm huấn đạo ở huyện Tuy Hòa. Rồi ít lâu sau Cụ thăng chức Đông Tư ở tỉnh Phú Yên, rồi Tri phủ tỉnh Phú Yên. Tại đây, cụ lấy bà thiếp thứ nhất là Nguyễn Thị Bốn.

Năm 1880 (năm Tự Đức thứ 33) cụ được bổ ra làm tri huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Tại đây, cụ lấy bà thiếp thứ hai: Lương Thị Uyển.  Năm 1883, thấy loạn lạc khắp nơi vì giặc Pháp, cụ xin chuyển sang ngành giáo chức, đến năm 1884 thụ giữ chức Giáo thụ phủ Hà Thanh, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1885, vua Hàm Nghi về Sơn phòng, Hương Khê Hà Tĩnh, xuống chiếu Cần Vương, kêu gọi nhân dân đứng lên chống thực dân Pháp. Cụ cầm đầu phái bộ huyện Kỳ Anh lên gặp vua, tuy không gặp được vua mà chỉ  yết kiến quan Đại thần Tôn Thất Thuyết và được chỉ giáo về địa phương chuẩn bị lực lượng kháng chiến. Cụ trực tiếp cùng các sĩ phu yêu nước tổ chức đành chiếm huyện lị Kỳ Anh, trấn giữ trong thời gian 3 tháng. Những năm 1885-1895, hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Hương Khê của Phan Đình Phùng, cụ điều khiển quân dân tham gia chiến đấu với quân Pháp cùng các ông Nguyễn Trọng Đình, Dương Xuân Ôn, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Triện… đánh thắng trận Cồn Đìa (Kỳ Thư), trận Cồn Đài ở Sơn Tịnh (Kỳ Xuân), trân đánh đồn Lạc Hạ gần song Rác do tên đồn trưởng người Pháp chỉ huy. Từ năm 1895, sau khi Phan Đình Phùng mất, phong trào Cần Vương bị đàn áp sa sút dần. Cụ về ở ẩn ở quê vợ làng Đan Du, xã Kỳ Thư, Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Sau đó ít lâu, Tuần phủ Hà Tĩnh bắt các quan Giáo chức phải ra nhận chức. Cụ tiếp tục làm Tri huyện Nghi Xuân. Đến năm 1900, cụ về hưu, nhưng vẫn tiếp tục dạy học cho con cháu trong làng và nghiên cứu đông y chữa bệnh. Cụ làm quan không hay tùy luỵ quan trên. Trong thời gian làm giáo thọ ở Hà Thanh, và nhất là trong thời kỳ Cần vương, cụ luôn luôn chống cự với quan tỉnh, cụ lại nhiều lần kịch liệt chống cự Tôn Thất Hân, Tuần phủ Hà Tĩnh, cho nên trong 15 năm làm giáo thọ, chẳng có được thăng thưởng gì. Cuối cùng về hưu lại chỉ được hàm cũ là Hàn lâm viên trước tác. Năm 1914, cụ Trần Công Thưởng qua đời thọ 73 tuổi. Cụ để lại cho con cháu một số hiện vật từ phong trào Cần vương như một cây gươm bằng thép, cán bằng ngà voi chạm đầu rồng; hai con dấu ghi tên cụ (một bằng ngà voi, một bằng đá).

Con dấu ghi tên cụ Trần Công Thưởng

Trong gia phả viết rằng: “Hiền tổ khảo tính rất nóng, cương quyết, rất can đảm, rất kiệm ước, rất giản dị nhưng cũng rất thảo suất, thích lao động nhẹ thích trồng cây và rất hiếu học. Ngày nào Ngài cũng đọc sách, nghiên cứu Đông y. Ngài ít uống rượu, hay hút thuốc lá. Ngài vui luôn, không bao giờ phàn nàn về cái cảnh nghèo của mình. Khi nhàn hạ Hiền tổ khảo hay kể chuyện cổ tích, chuyện học hành ngày xưa, chuyện Cần Vương … cho con cháu nghe. Ngài rất yêu trẻ, bồng bế cháu, chơi với các cháu nhỏ luôn”.

Tại mộ  cụ có khắc đôi câu đối do cụ tự sáng tác bằng tiếng Hán từ hồi ở Phú Yên

Phiên âm:        Ngô đạo nam hĩ, tuy vi phú, an vi phú

                        Thánh trạch lưu hề , hoàn tư lai, cần tư hỏa

Dịch nghĩa:      Đạo ta Nam truyền, yên là giàu, ổn là quý

                        Ơn thánh mãi giữ, nghĩa chữ vẹn, nhớ chữ hòa.

Cụ Lê Tất Đắc và gia đình ông Đội Cung

Cụ Lê Tất Đắc(1), cán bộ lão thành cách mạng, đã từng bị giam ở nhà lao Vinh những năm 1930-1931 có kể lại: Có lần anh Cung, người gác ngục, hỏi tôi: làm cách mạng có thành công không? Tôi rất ngạc nhiên khi có một cai ngục hỏi người tù như vậy. Thay bằng câu trả lời là những mẩu chuyện về cách mạng vô sản trên thế giới, phong trào cách mạng trong nước. Từ đó, tôi cảm thấy anh Cung rất có cảm tình với tù chính trị. Có lẽ đó là thời gian anh Cung được giác ngộ và nung nấu ý chí khởi nghĩa. Năm 1941, cụ Đắc lại bị đày vào nhà lao Hỏa Lò cùng một dãy nhà giam với ông Đội Cung. Sau 11 năm gặp lại, ông Cung nói với cụ Đắc về cuộc nổi dậy và ý định của mình là khởi nghĩa Đô Lương sau đó phát triển sang các nơi khác Cụ Đắc khẳng định ông Cung là người có chí khí, kiên cường, trong những ngày chờ ra pháp trường vẫn bình tĩnh lạc quan về hành động yêu nước của mình.

Sau cuộc khởi nghĩa Đô Lương, bà Mai Thị Doan và hai cô con gái nhỏ bị mật thám Pháp bắt giam và hành hạ cơ cực (Ông Đội Cung còn có một người con trai, nhưng đã mất sớm). Rồi cả ba bị trục xuất khỏi Vinh tha phương cầu thực kiếm ăn lần hồi. Cách mạng tháng 8 thành công, ba mẹ con mới tìm đường về quê cũ ở Đông Sơn, Thanh Hóa. Lúc này, cụ Lê Tất Đắc là Chủ tịch UBND lâm thời tỉnh Thanh Hóa, cụ tìm đến thôn Hạc Oa, hỏi thăm người nhà ông Đội Cung mới biết ba mẹ con nghèo đói, ở ngôi nhà lụp sụp. Cụ đã giúp bà Doan mở một hiệu tân dược, hai con gái Nguyễn Thị Châu và Nguyễn Thị Thu Lan được ưu tiên đi học, được trợ cấp đầy đủ. Bà Thu Lan, chồng bà Phan Văn Viện, con trai Phan Văn Hòa và con gái TS Phan Thị Hạnh đều là các nhà giáo mẫu mực.

            Dòng họ Trần Công chúng tôi có truyền thống hiếu học yêu nước từ lâu đời. Thật tự hào có những bậc tiền bối như cụ Trần Công Thưởng, ông Đội Cung và nhiều người con hết lòng hy sinh, hết lòng cống hiến  vì Tổ Quốc: liệt sĩ Trần Công Tứ, liệt sĩ Trần Công Nhị, nhà báo Trần Công Mân…những người đã để lại niềm tự hào mãi mãi cho chi họ Trần Công, cho những người dân đất Việt.

Ngôi mộ cụ Trần Công Thưởng

Góc nhà thờ nơi để di ảnh các liệt sĩ, người có công với Tổ quốc

Tài liệu tham khảo:

  1. Lịch sử Phường Đội Cung, Thành phố Vinh. NXB Nghệ An, 2010. tr171-173
  2. Trần Công Hàm (3)(1999) Đội Cung và cuộc binh biến Đô Lương. Tạp chí Lịch sử quân sự 6-1999. tr. 47-49
  3. Nguyễn Kim Sơn (1996) Nguyễn Đội Cung người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Đô Lương ngày 13-1-1941. Báo Nghệ An, ngày 11-1-1996 tr. 3
  4. Gia phả chi họ Trần Công, Kỳ Thư, Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
  5. Văn kiện Đại hội Đảng 1930-1945, Ban NCLSĐ TW xuất bản , Hà Nội, 1977, tập 3, tr.191-192
  6. Trần Thị Phương Liên (2014). Ông Đội Cung và chi họ Trần Công huyện Kỳ Anh. Tạp chí Hào khí Đông A, BCH họ Trần, Thông tin về Họ Trần Việt Nam, số 22/2014 tr.27-29 (NXB Thanh Hóa)
  7. Trần Công Thưởng và dòng học Trần Công ở Long Trì. Tài liệu phục vụ Lễ đón nhận Bằng di tích LSVH cấp tỉnh. Hà Tĩnh tháng 3-2017.

Chú thích:

1.      Cụ Lê Tất Đắc. nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Ban tổ chức TW Đảng, Phó Giám đốc trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (đã mất).

2.      Trần Công Mân (1925-1998) Thiếu tướng- Nhà báo, Nguyên Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam.

3.      Trần Công Hàm (1930-2015), Đại tá, Nguyên Tùy viên Quân sự Việt Nam tại Lào,

 

4.      Cụ nghĩa dân Nguyễn duy Tân: Cụ Nguyễn Duy Tân, trong đời Minh Mạng được phong Nghĩa dân. Thời bấy giờ, ai có 600 quan tiền vào kho nhà vua thì được phong là nghĩa dân, ai xuất quyên 1200 quan tiền thì được phong chức chính phẩm bá hộ.


Người post: LienTP

Ngày đăng: 24-03-2017 21:09






Xem 1 - 4 của tổng số 4 Comments

Từ: Guest 1ng họMai Trọng
28/05/2017 12:49:48

"Lúc vào lính khố xanh, khoảng những năm 30, ông lấy vợ là bà Mai Thị Doan, người thuộc dòng họ Mai Trọng ở Đức Thọ", sau ông lên đến chức Đội, mới gọi là Đội Cung, rồi cầm đầu cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp! Thật tự hào. LIKE 1 CÁI. 1ng họMai Trọng ko muốn xưng tên, tránh gọi người sg bắt quàng làm họ.



Từ: LienTP
29/03/2017 23:25:12

Cảm ơn QNgọc  và anh HienVC đã quan tâm. Sau khi về hưu mình mới biết thêm được nhiều điều về dòng họ Trần Công và muốn chia sẻ với các ACE. Và khó nhất là đọc Gia phả và cảm thấy rất hay và tự hào.



Từ: HienVC
27/03/2017 22:39:06

 


Thế ra cụ Đội Cung có vợ là dòng họ Mai Trọng Đức Thọ.
Mình cũng có biết vài người thuộc dòng họ này nhưng nay đã khá lớn tuổi và có người đã mất.
Trước đây mình cũng biết Đức Thọ là địa danh nổi tiếng của Hà Tĩnh nhưng thuộc hơn và hay dùng câu "Nón Ba Đồn....Đức Thọ" để đùa với bạn bè quê Đức Thọ. 


 


 


 



26/03/2017 23:43:51

Đọc bài mới biết LienTP là dòng dõi Cụ Đội Cung, rất tự hào đấy.


Lịch sử đất nước VN có nhiều bước thăng trầm, nhưng lúc nào cũng hào hùng.



Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s