KGU News >>Văn học >>Ký - Luận
KGU Tạo bài viết  
Thứ ba 18 Tháng bẩy. 2017

Kể chuyện về cây lạc, quả lạc




Tác giả: NghiPH


Nhân ngồi bóc lạc, nhớ lại mấy mẩu chuyện liên quan đến cây lạc, quả lạc.

1. Lạc nghĩa vụ, lạc bị chuột công mất

Quê tôi có một ít đất trồng được lạc tại các cánh đồng nho nhỏ như Mả Vũ, Tây Đình, Mỏm Ngang, Viên Non, Hậu Bành.


Đây là các chân ruộng cao dùng cho trồng mầu và trồng lúa nếp. Muốn trồng được lúa nếp cần đưa nước lên các cánh đồng này. Nước trong các con ngòi khá xa, muốn đưa lên ruộng cao cần tát bằng cả gầu sòng, gầu giai qua 3 bậc mới tới. Rất vất vả. Quê tôi không có được hệ thống dẫn nước như ở các tỉnh Tây Bắc nước ta. 

Thời tôi còn ở quê đi học,  loại đất này được chia cho các gia đình làm kinh tế phụ. Đất này được gọi là đất 5% (5% trên tổng diện tích đất nông nghiệp của hợp tác xã được chia theo nhân khẩu của từng hộ gia đình). Nói là đất làm kinh tế phụ nhưng nó có vai trò rất quan trọng đối với cuộc sống của các gia đình. Ai nấy điều ra sức đầu tư thâm canh trên diện tích đất ít ỏi này.


Mảnh ruộng 5% nhà tôi được quay vòng 3 vụ: Đầu năm trồng rau cải, rau diếp, bắp cải, xu hào, súp lơ. Sau đó chuyển sang trồng lạc, trồng khoai. Vụ 3 trồng lúa nếp để làm bánh vào dịp Tết và đồ xôi khi nhà có giỗ.


Nhà tôi trồng lạc nhưng không được ăn. Cán bộ huyện về tuyên truyền là lạc là cây chiến lược, hột lạc được thu gom để bán cho các nước XHCH. Ông chủ tịch huyện nói ở đình làng: Mỗi một củ lạc đổi được một cái đinh bu lông để xây cầu, sửa cầu như cầu Hàm Rồng Thanh Hóa, cầu Non Nước Ninh Bình đấy, bà con ạ! Vì vậy, bà con xã viên phải dành lạc mẩy để làm nghĩa vụ với Nhà nước, chỉ được ăn những củ lạc non, lạc lép thôi!


Rất may, Nhà nước có cho phép các gia đình giữ lại một ít lạc mẩy để làm giống vào vụ sau. Lạc giống được phơi khô, cất vào cái chum có chèn tro bếp hoặc trấu để chống ẩm. Chum được đậy kỹ, chằng buộc cẩn thận, thế mà có năm khi mẹ tôi lấy ra để chuẩn bị đi trồng thì chỉ còn một ít. Mẹ lại phải ra chợ mua thêm lạc giống. Cá biệt có những nhà vẫn thấy đầy chum không vơi đi tý nào, thế mà đổ ra chỉ thấy rất ít các quả lạc. Không biết các con chuột chui vào lối nào để công quả lạc về tổ?

2. Trồng lạc ngược

Tôi được nghe các cán bộ thế hệ trước kể rằng, có thời cán bộ, công chức, viên chức cơ quan tôi phải đi lao động tự túc một phần lương thực, thực phẩm.


Các cán bộ nghiên cứu kỳ cựu của Viện tôi thời ấy là những cử nhân tốt nghiệp Luật khoa của Đại học Đông Dương, đều là con của các gia đình khá giả. Có mấy bác đã đi làm tri huyện. Cách mạng Tháng Tám nổ ra, các bác theo chính quyền mới. Có bác làm bộ trưởng, có bác làm Chánh văn phòng Bộ có bác làm chánh án tòa án liên khu... Sau này vì những lý do khác nhau, các bác về Viện tôi làm công tác nghiên cứu về luật học. 


Năm ấy các bác được cử về Bắc Ninh trồng lạc. Do chưa biết mầm của lạc là nơi ra rễ nên một số bác khi trồng đã đưa mầm lạc lên phía trên rồi lấp đất. Mấy cán bộ trẻ mới bổ sung về cơ quan đã bới lên trồng lại cho các bác!

3. Uống nác mới với lạc luộc, lạc rang

Hồi đi lính đóng quân ở Nghệ An, Hà Tĩnh tôi thường được bố mẹ, các chị, các em trong các gia đình  cho ăn lạc luộc (hoặc rang), khoai lang luộc với nác mới. Các mẹ cho chè xanh (dùng cả cành) vào các nồi đất để nấu. Được ăn khoai, ăn lạc với chè xanh thật tuyệt vời. Cuộc đời lên tiên!     

 

 


Người post: NghiPH

Ngày đăng: 18-07-2017 23:11






Xem 1 - 10 của tổng số 43 Comments


Trang:  1 | 2 | 3 | 4 | 5 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: Guest Pt Thơ
25/08/2017 11:54:31

Anh Nghị. Lạc nếu ép ra dầu thì ở quê em gọi là dầu phụng, không biết ngoài Bắc gọi là gì (dầu lạc?). Vì em đang ở xa mẹ nên không tiện hỏi, nay lên đây hỏi anh Nghị vậy. Lạc khi ép ra dầu còn phần bã của lạc được con người tận dụng làm phân bón cũng rất tốt cho cây, lại không có hại cho đất. 


              "Dung con


Bánh dầu bỏ cho cây hàm lượng giống phân urê. Nếu bỏ nhiều cây sẽ chết, bỏ phải lấp đất lên trên mặt. Riêng rau muống nếu bỏ bánh dầu rau ăn rất ngon"


Đây là mấy chữ mẹ gửi kèm theo quà quê cho em, vì trong quà có bánh dầu, được viết ở mặt sau của 1 tờ lịch con. Mặt trước có câu: Không có con đường trải đầy hoa nào đưa đến vinh quang cả - MACHIAVEL.



Từ: Meomun
30/07/2017 18:33:14

@bác KhanhT: Hihi em chịu thua bác rùi ạ!



Từ: KhanhT
30/07/2017 15:35:06

 


@MM. cố ý "lạc" đề rùi! Đậu phụ không phải là đậu phộng! Hehe


 



Từ: Meomun
30/07/2017 11:10:04

@Bác Tổng: chủ đề "lạc" của bác liên quan đến ..đậu phụ nên tranh thủ mọi người đang bóc lạc hộ bác, MM em muốn nhắc đến 1 truyện hài mà ... ai cũng biết như sau:

Một ngày mát trời, sư ông lẻn vào nhà trong để xơi vụng thịt cầy. Loạng qoạng thế nào mà chú tiểu bắt được và hỏi sư ông ăn gì thế. Sư ông liền bảo: - tao ăn đậu phụ.


Thế rồi một hôm, nghe tiếng chó sủa râm ran ngoài đường, sư ông sai chú tiểu:- Mày chạy ra xem có chuyện gì mà chó sủa nhiều thế?. Chú tiểu  vâng lời và lúc sau hộc tốc chạy về:- Dạ bẩm, đậu phụ nhà chùa cắn đậu phụ trong làng ra ạ!   



Từ: Guest Lạc
27/07/2017 20:08:14




@ MM. Nói thẳng là trông tớ rất phong độ, tớ lộ diện ở ảnh dưới đấy.


@ Đâu Đó. Lạc trôi thì hay. Lạc tù thì mệt: vì một ánh mắt mà phải cưới cả một người đàn bà.


 





Từ: KhanhT
27/07/2017 16:30:38

Hôm nay mới quay lại đọc những còm chưa đọc thì thấy: “Từ: Guest Lạc 21/07/2017 17:10:00… @ Bác Khánh. Hương vị món ăn quê bác đậm đà lắm, hòa với tiếng nói tiếng cười của các cô các bà tạo ra bản sắc rất riêng. Ở Hà Nội có đôi quán như vậy, em vẫn ghé qua thưởng thức. À, mà bác giải thích cho em nghe làm thế nào mà khi xưa nhà bác lại có 3 thành phần nhỉ?Mình tưởng đã rõ rồi: “Trong nhà, mình là người duy nhất xã viên Hợp tác xã nông nghiệp, … Thầy (Cha) là giáo viên, mẹ và các em ở Thị xã Vinh, là người thành thị.”. Nhưng Guest Lạc muốn rõ thêm thì ngắn gọn thế này. Kể cả đời các Cụ đến nay chỉ mình duy nhất là nông dân thực thụ, nghĩa là cày cấy bón phân làm cỏ… mình đều làm tuốt, và thu nhập theo công điểm HTX. Nhà mình ngày xưa cũng có ruộng đất, nhưng đều cho thuê cày mướn, không cày cấy bao giờ, vào HTX thành ruộng đất hợp tác, khi HTX giải thể thì mình không ở quê nên bây giờ mình chẳng có thước đất nào, coi như mất trắng! Ông Nội mình là đồng liêu với Cụ Phan, nên từng cho Thầy (Cha) mình theo học tiếng Nhật đi Đông Du (việc này về sau gây nhiều rắc rối, phiền hà cho Thầy lắm). Vì trong nhà chỉ mình là nông dân nên không có sổ gạo. Khi Mỹ đánh bom ở Vinh năm 64, Mẹ mình và các em về quê có sổ gạo lên đăng ký để tiếp tục sử dụng thì được Chị Thanh (cháu Cụ Phan) làm ở Lương thực huyện, do tình thân, ghi thêm tên mình vào sổ được mua đâu 10 cân hay 13,5 cân gạo/tháng(?), đến năm 67 mình được đi học Liên xô thì gia đình lên xin cắt. Việc Chị Thanh làm cho mình được mua gạo bây giờ gọi là “tiêu cực” đấy.



Từ: Guest Đậu Đó
26/07/2017 20:01:30

Ai nói  ai nghiêm túc,ai nói ai ko ai mê...chỉ có như điếu đổ nhưng chỉ một ngừơi ko đổ... Đúng là  LẠC...T.R.Ô.I


 


 


 



Từ: Meomun
26/07/2017 18:07:44

MM só ri mọi người, chả hiểu làm sao mà tên MM lại kèm thêm chữ "Guest", emkhông phải "Guest" đâu ạ, là người nhà, thật ấy, kk. 


PS: Có thể MM đăng nhập nhưng để lâu quá mới viết xong còm, lúc gửi thì "nó" tự động biến người nhà thành Khách phải không ạ?



Từ: Guest meomun
26/07/2017 17:59:05

@Bác Lạc: Bây giờ mới nhìn kỹ dung nhan bác. Bác hay đấy, chọn đúng biểu tượng "Chân que  tăm, đầu gối dậu phụng", mà còn che ô nữa, duyên phết!



Từ: Guest meomun
26/07/2017 17:55:24



 


@HoaiPV: Về chuyện “lạc” , MM còn có kỷ niệm thời học sinh ở Quảng Ngãi nữa. Hồi ấy bọn trẻ có bố tập kết và trở lại quê hương sau giải phóng , thì được dân địa phương gọi là “Bắc Kỳ”, rất miệt thị. Thế là bọn “Bắc kỳ” chơi với nhau thôi.  Bọn em bày trò  học nhóm, học tổ để giúp nhau, quyết không để dân “xứ Nẫu “ coi thường. Những năm cuối 70x- 80 là những năm gian khổ nhất, bữa cơm toàn độn khoai lang khô, sắn khô. Em có 1 cô bạn, hồi ấy nhà nó chuyên chế biến kẹo “đậu phụng”, đại để giống kẹo Cu Đơ nhà anh Hoài ấy. Họ nấu đường lên, đến lúc keo keo sệt sệt thì đổ xuống các nong nia đã trải bánh đa và lạc. Khi bánh đã nguội nhưng còn mềm, người ta lấy kéo cắt thành những hình tam giác rồi xếp vào túi nilon. Bọn em học nhóm ở nhà nó rất hay được ăn những miếng rìa bánh, những miếng bị vỡ mà không thể khắc phục nổi (hihi, tiếc mà). Xem nhà nó nấu nhiều lần, em định về nhà làm thử để chiêu đãi cho lũ em. Thế là nhân dịp nhà có cả đường (đường mía vàng nâu, do dân tự chế biến) và cả đậu phụng (lạc) mà bà cô (em gái ba em) trên quê mới tiếp tế, em và thằng em trai kế em xắn tay áo làm thử, không cho ba mẹ biết (Ăn vụng mà, hihi). Thấy đường trên bếp sệt sệt, thơm nức, hai đứa hò nhau bắc chảo  ra để thực hiện công đoạn tiếp theo. Chả biết sao mà thằng em làm rơi một giọt đường nóng hổi vào cổ tay em. Tất nhiên là bỏng, tối về ba mẹ hỏi tại sao, hihi sợ sốt vó. Đến bây giờ sau mấy chục năm, vết sẹo trên cổ tay em vẫn còn, là kỉ niệm một  lần 2 chị em “ăn vụng”, hihi.  





Trang:  1 | 2 | 3 | 4 | 5 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s