KGU News >>Văn học
KGU Tạo bài viết  
Thứ sáu 04 Tháng tám. 2017

UZBEKISTAN - NƯỚC CỘNG HÒA TƯ TRỊ KARAKALPAKSTAN




Tác giả: PhuongTT

UZBEKISTAN – PHÍA TÂY CÓ GÌ LẠ

 

PHẦN 1: Tháng 11/2016

 

Tôi muốn gọi chệch tiêu đề này của cuốn tiểu thuyết của văn hào Erich Maria Remarque để kể về chuyến đi của tôi về cực Tây của UZB, khu tự trị Karakalpakstan. Nhìn trên bản đồ, bạn đã có thể thấy ngay điều kỳ lạ đập vào mắt: đó là nơi gắn với Biển Aral nổi tiếng là một thảm họa môi trường tự nhiên lớn nhất, do con người gây ra. Nhưng có đặt chân đến tận nơi đây, bạn mới có thể cảm nhận được hiết những điều kỳ lạ khác. Chuyến công tác của chúng tôi về nơi đây có 2 ngày, nhưng là liên tục trên mọi nẻo đường, đến những vùng khổ cực và xa xôi nhất, với nhiệm vụ xác định sẽ đầu tư gì cho người dân ở đây.

 

Điều lạ đầu tiên là sau 2h bay từ Tashkent khi sắp hạ cánh xuống Nukus lúc 10h sáng, phát thanh viên báo nhiệt độ âm 3 độ (trong khi ở Tashkent đang là dương trên 10 độ). Nhưng thò mặt ra khỏi máy bay, tôi nghĩ hay máy bay chở mình nhầm đến Siberia. Gió lạnh quất vào mặt vun vút. Không có xe bus vận chuyển khách từ máy bay nên chúng tôi dúm dó chạy vào nhà ga và lôi trong vali ra tất cả cái gì có thể khoác ngay lên người. Ra khỏi sân bay, tôi buột cười khi thấy các cán bộ địa phương phong phanh áo jacket mỏng, đón tôi bằng câu: Chị may đấy, thời tiết hôm nay rất là đẹp cho chuyến thực địa !!!. Thế là lên ngay xe vượt quãng đường hơn 300 km đến thị trấn Muynak, khu cư dân cực Tây của UZB. Thị trấn này những năm 60x là một hòn đảo ở giữa biển Aral, nơi nhà nước xây các khu nghỉ dưỡng xinh đẹp sang trọng cho cán bộ cao cấp. Bây giờ nó nằm trên đất liền, cách mép nước biển Aral tới hơn 150 km !!!. Quãng đường 300 km chạy qua những vùng đất nhiễm mặn muối phủ trắng xóa như tuyết.

 

Phải thú nhận điều lạ #2 này là điều lạ lớn nhất. Đã rất nhiều lần bay qua khu vực này, nhìn biển Aral từ trên cao với nỗi xót xa, khi thấy con sông Amurdarya đổ vào biển chỉ nhỏ như sợi chỉ. Vì vậy mà biển chết dần và nước biển ngày càng mặn thêm. Tôi cũng đã xem các bản đồ vệ tinh diễn biến sự chết dần của biển, nhưng tôi không ngờ nó lại chết ở mức độ như vậy. Trước khi đến đây, tôi dự kiến sẽ ra biển, thò 1 chân xuống để biết thế nào là biển Aral (cũng như lần đầu tôi đến Black sea ở Grudia), nhưng kế hoạch ấy không thể thực hiện được vì tôi không dự trù thời gian chạy thêm 300km nữa. Ngược lại, tôi được đến “Nghĩa trang tầu thuyền”, một nghĩa trang kỳ lạ nhất thế giới. Đứng trên bờ cao khoảng 20m, nơi trước đây các cán bộ địa phương bảo là vẫn bơi lội, nhìn xuống bãi cát mênh mông, với hơn chục cái vỏ tầu hoen rỉ đau đớn vì nhớ nước.. mới cảm nhận được hết sức hủy hoại của thảm họa môi trường đối với cả 1 cuộc sống. Những người dân nơi đây trước sống bằng nghề đánh cá và du lịch, nay sống nhờ trợ cấp nhà nước vì đất mặn chát nơi đây (do nước biển khô để lại) không nuôi trồng gì được. Một tín hiệu đáng mừng là CP UZB đã đầu tư (với rất nhiều các TCQT và nhà tài trợ) khá nhiều vào khu vực này, trong đó có việc phủ xanh vùng đất cát nhiễm mặn. Dọc đường chúng tôi đi qua, các khóm cây bụi đã lên lúp xúp, hứa hẹn một mầu xanh. Nghe nói hàng năm, CP dùng trực thăng đi thả hạt giống vì tỷ lệ cây sống không cao. Tuy nhiên, sự khô cằn và mặn chát nơi đây vẫn không ngăn được tôi có được những góc máy phải chụp gần lắm để “gian dối” cho ra những tấm hình tôi vô cùng tâm đắc.

 

Nét đặc sắc nhất ở đây là miên man cỏ lau và những cánh đồng bông vừa sau mùa thu hoạch nhưng vẫn còn sót khá nhiều. Nghe nói là thu hoạch bằng máy, phần còn lại do người đi hái bằng tay mới hết. Lần đầu tiên tôi được tận tay sờ quả bông. Cứ tưởng chúng mềm mại nhẹ như mây như trong bài thơ hồi bé ai cũng thuộc lòng: 
“Trên trời mây trắng như bông
Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây
Mấy cô má đỏ hây hây
Đội bông như thể đội mây về làng”

 

Bông UZB nổi tiếng nhất thế giới. Không biết có phải vì thế mà quả bông rất chắc, bằng nắm tay, nặng trịch, có múi trắng nõn như những múi của trái măng cụt. Nắm trong lòng bàn tay rất thú vị. Đặc biệt là bây giờ tôi mới biết bông ở đây còn mọc được trên đất nhiễm mặn. Bông cần rất nhiều nước nên nền nông nghiệp thời Xô viết chuyên canh vào tăng sản lượng bông đã hút cạn nước sông Amurdarya, để đến bây gio nó không còn chảy được vào biển Aral mà chỉ tạo thành 1 cái hồ con con cạnh Muynak, chắc khi nào mưa nhiều trên thượng nguồn thì sông mới ra được với biển.

 

Bông lau cũng vậy, ở VN ta lau sậy hay mọc vùng đất trũng, ở đây chúng bạt ngàn, bất kể đất ướt hay khô. Trong ánh nắng, những bông lau sáng lấp lánh rất đẹp. Sức sống tự nhiên và con người thật mãnh liệt để có thế thích ứng với mọi hoàn cảnh.

 

Qua 1 đêm ngủ, sáng dậy việc đầu tiên là xem thời tiết, thấy âm 7 độ (feel like -12 độ) thì chán hẳn. Tôi lại tiếp tục lôi nốt mớ quần áo mang theo bọc quanh người như cái bắp cải. Đầu đội 3 lớp mũ, trong đó có 1 mũ lông cừu Kyrgyz vốn rất ấm. Chúng tôi tiếp tục đến những vùng xa xôi, nơi mà không có nguồn nước ngọt nào. Mương thủy lợi nước lợ cũng được dùng cho mục đích sinh hoạt. Đường trong xóm nhỏ, đi giữa những hàng rào bằng cây sậy khô, càng thấy rõ sự khô cằn nghèo đói nơi đây. Nó nhắc tôi nhớ lại những chuyến công tác trước đây về Cà mau, nơi nhà dân 4 bề trống trơn, chỉ có mỗi cái mái, trong nhà không có đồ đạc gì đáng giá hơn 1000 VND, trẻ con cởi trần trùng trục, nhưng da bóng láng vì ăn cá tôm cả ngày. Ở đây bò chẳng biết ăn uống thứ gì mà cũng không đến nỗi trơ xương. Còn các bà già thì tất nhiên là không gầy tý nào. Bữa cơm nào ở đây tôi cũng phải lấy chai nước ra pha loãng vì vốn ăn nhạt. Thế nhưng nhà bếp cam đoan là khi nấu họ không cho thêm muối. Người dân nghèo chủ yếu đi lại bằng xe đạp, trông họ đạp xe trong gió mạnh thật thương. Tôi chỉ đẩy xe đạp mà còn thấy khó khăn. Dân ở đây nổi tiếng chịu rét giỏi và rất khỏe mạnh. Tôi cứ đùa với đồng nghiệp là tôi có bằng chứng về sức khỏe của họ là vì họ đã làm gẫy cái vali Swiss Polo của tôi khi họ giúp tôi mang hành lý lên phòng. Được biết ở nơi đây, phụ nữ có quyền lực và mạnh mẽ hơn nam giới, bằng chứng là một bà già ngồi trên máy bay gần ghế của tôi đã điều khiển cái ghế ngả ra đến mức gãy luôn cả ghế.

 

Điều lạ thứ 3. Bà chủ Khách sạn Jipek Joli mà tôi ở là con gái út của đôi vợ chồng nổi tiếng nhất ở đây: Shamuratovu. Chồng là nhà văn, vợ là nghệ sỹ nhân dân CCCP Aimkhan Shamuratova. Cậu con rể có sáng kiến lập ra 1 bảo tàng tư nhân đầu tiên ở UZB về cuộc đời bố mẹ vợ. Bà vợ, vốn là giáo viên, tiếp tục phát triển ý tưởng của chồng và mở ra thêm nhiều hướng kinh doanh trong đó có khách sạn vào loại tốt nhất ở Nukus. Bà mua thêm rất nhiều hiện vật cổ, có những bộ trang phục dân tộc vùng Karakalpakstan từ TK 17-18, cổ hơn hiện vật của bảo tàng. Vật cổ nhất trong các đồ vật bố mẹ bà để lại là tấm thảm mẹ bà mua khi mới lập gia đình, bằng tháng lương đầu tiên. Tự nhiên tôi cũng nhớ đến năm 1980 khi mới về nước, tôi dịch tập truyện ngắn của Bunhin, được Nhà xuất bản Văn học in sách phát hành. Tiền nhuận bút cho công lao động đầu tiên trong đời chỉ đủ mua 2 tấm thảm, nhưng bây giờ không giữ lại được như các danh nhân. Trong tủ trang phục biểu diễn của bà NSND Aimkhan, tôi phát hiện thấy bộ váy Moldova quen thuộc. Khi mới bước vào bảo tàng, tôi đã chú ý một bức tranh khảm bạc nhỏ nhưng rất mềm mại. Tôi hỏi bà chủ có bán không, bà lúng túng bảo có bán nhưng không biết giá, để sẽ tính sau. Bà tiếp tục hướng dẫn tham quan, trò chuyện và chúng tôi trở nên thân thiết, thậm chí còn nhảy múa tưng bừng trong tiếng hát của mẹ bà. Lúc ra về, bà tặng tôi bức tranh đó làm tôi thấy bất tiện quá. Có lẽ nó là một món quà của ai đó tặng bố mẹ bà, nhưng tôi không dám hỏi sợ bà lại đổi ý. Tôi tự nhủ lần sau đến sẽ mang cho bảo tàng 1 vật kỷ niệm của Việt nam. Tôi mua 1 đĩa hát của mẹ bà mang về. Thật cảm động và nhớ mãi kỷ niệm này.

 

Điều lạ thứ 4. Đó là bảo tàng Savitski nổi tiếng mà trước đây tôi đã viết về nó. Lần này tôi có 2 giờ rảnh cuối ngày để tham quan bảo tàng. Đúng như được biết, bộ sưu tầm của Savitski vô cùng lớn mà diện tích bảo tàng lại nhỏ, vậy nên bảo tàng cứ thay đổi hiện vật để dần dần trưng bày hết. So với lần tôi tới cách đây 2 năm, bộ sưu tập lần này hoàn toàn khác. Rất tiếc là tôi tới hơi sớm vì tòa nhà bảo tàng mới xây sẽ chỉ mở cửa trong 1-2 tuần nữa, khi đó nhiều hiện vật hơn sẽ được trưng bày. Đành phải hẹn quay lại dịp khác. Nhưng lần này cũng đã rất thú vị. Lần trước thì cấm chụp ảnh hoàn toàn, lần này cho chụp, nhưng phải mua vé với giá $30, trong khi vé vào cửa cho người nước ngoài là $4, người UZB là 60 cents.

 

Tôi chép lại đây phần viết về bảo tàng Savitski đã đăng lần trước để bài viết này được hoàn chỉnh
Đó là bảo tàng Savitski Art Museum, được mệnh danh như Hòn ngọc giữa sa mạc, hoặc Luvre của Châu Á. Bảo tàng này tuy nhỏ nhưng bộ sưu tập thì tôi chỉ có thể dùng từ “Tuyệt vời”. Còn Tuyệt vời hơn khi mà bạn biết Savitski làm thế nào mà có được bộ sưu tập này vào những năm 60-70 ở chế độ Xoviet. Hãy tham khảo đánh giá về Bảo tàng này, tôi thực sự thấy mình quá may mắn: According to experts and the world press, collection of the museum is the best art collections in the Asian region and has the world's second-largest collection of Russian avant-garde. British newspaper The Guardian called the museum "one of the outstanding museums in the world." Al Gore and President Jacques Chirac called this museum: "One of the best museums in the world".

 

Đọc tới đây chắc bạn sẽ hỏi “Vậy cái gì đã khiến Karakalpakstan là một khu tự trị?”. Không phải khí hậu đất đai mà là văn hóa. Nơi đây khác biệt với phần còn lại của UZB, một nước đạo hồi. Nơi đây gần như chả thấy tín ngưỡng gì. Phong cách sống gần với Kazakhstan hơn là UZB, thường được gọi là Nomadic. Tiếng nói hơi khác, gần giống Kazakhstan, tôi nghĩ là có thể so sánh với tiếng Nghệ tĩnh ở VN. Cả hoa văn ở thảm cũng khác: không mềm mại như họa tiết hoa kiểu Thổ, mà là những ô vuông ngang dọc đặc trưng cho vùng bắc Trung Á. Văn hóa và phong cách sống khác biệt đã khiến chính quyền nơi đây luôn yêu cầu được là khu tự trị, nếu như họ không thể trở về với Kazakhstan, cho dù nền kinh tế chả có gì, mà hoàn toàn phải bấu víu vào UZB. Thế mới thấy sức mạnh của văn hóa, trên cả kinh tế và các khía cạnh phát triển khác. Tôi càng hiểu rằng sở dĩ VN ta bị nghìn năm bắc thuộc nhưng không bị Tầu đồng hóa là do tổ tiên ta đã giữ được văn hóa và ngôn ngữ, thật biết ơn.

 

PHẦN 2: Tháng 7/2017

 

Tôi vẫn muốn mượn tên tiểu thuyết này của văn hào Erich Remarque để kể về vùng đất phía Tây của UZbekistan, nước cộng hoà tự trị Karakalpakstan. Cách đây 1 năm tôi đã đi khảo sát 3 huyện và viết phóng sự cùng tên Phần 1. Lần này khảo sát nốt 3 huyện còn lại và lại tiếp tục phát hiện những điều lạ ở nơi đây

 

Trước hết đó là sự thay đổi đáng kinh ngạc của thiên nhiên. Nếu như cũng khoảng thời gian này năm trước đón tôi là mênh mông mầu vàng nâu cằn cỗi thì lần này là mầu xanh khá mát mắt. Giống cây bụi lá kim mạnh mẽ mọc trên đất cằn nhiễm mặn hóa ra lại có hoa mầu tím hồng rất quyến rũ. Đó là do mùa hè vừa qua mưa nhiều chứ cũng không phải hoàn toàn là những nỗ lực của CP UZB và cộng đồng quốc tế đổ vào đây. Chúng tôi được biết vì có quá nhiều trợ giúp nên sự năng động phát triển bị thui chột. Nhưng thực sự thấy cuộc sống của dân rất vất vả trong điều kiện khắc nghiệt, đặc biệt là thiếu nước. Tổng thống mới của UZB đến đây khi mới nhậm chức và ra lệnh xây ngay 1 đường ống dẫn nước 106 km hoàn thành trong 3 tháng. Tình hình được cải thiện nhanh chóng....

 

Một bất ngờ nữa là Khu dự trữ sinh quyền hạ Amur Darya (LABR). Tôi không ngờ giữa sa nạc khô cằn lại có 68 nghìn ha rừng đáng yêu như thế o 2 bên bờ sông. Tiếp tôi là Giám đốc và phó GĐ rất nhiệt huyết với công việc. Họ đều khá trẻ và có những suy nghĩ tốt. Tôi cứ đề cập đến cách quản lý hiện đại nào thì họ bảo đã có kế hoạch và đang tìm nguồn kinh phí hoặc đang làm rồi. Họ trực tiếp đưa tôi đi xem rừng và đến nơi nuôi giữ hưou. Giống huou Bukhara đã phát triển rất nhanh ơ đây sau khi 25 chú được nhập từ Tajikistan, giờ đã lên hơn 1000 con trong khi tại TAJ thì lại bị đe dọa suy giảm. Cán bộ của BQL có 38 người thì 12 chuyên nghiên cứu nên họ nắm rất rõ diễn biến của các loài ơ đây. Họ có cả 1 nơi trưng bày công trình của ông Giám đốc đầu tiên từ những năm 70, với lòng biết ơn và trân trọng. Lần đấu tiên tôi được ơ gần bọn huou đến thế và biết được bao chuyện về huou. Chúng tôi còn bắt gặp chúng trong rừng, vào lúc nắng gắt 3h chiều, chứng tỏ chúng khá đông ơ khu vực này.

 

Tôi còn được mời là khách quý đến ăn trưa ơ nhà Giám đốc Cty nước. Rất hiếu khách và tự hào khoe vườn tược tự trồng. Một khu đất và ngôi nhà rộng mênh mông. Toàn bộ thức ăn đầy ắp trên bàn đều tự trồng và nuôi kể cả bình rượu nho tự làm rất ngon. Ông bà còn có trang trại 22ha nuôi cả cá, gà tây, lạc đà và bò lấy sữa. Trồng hoa quả rau trái đủ loại nhưng lãi nhất là trồng lúa. Bữa cơm vui vẻ đã cho tôi biết thêm rất nhiều nét văn hoá nơi đây

 

Những ô ruộng lúa cứ như đang ở Philippines là một trong những bất ngờ nhất của tôi. Không thể nghĩ được là ơ nơi khô cằn nhiễm mặn này lại trồng được lúa. Vậy mới thấy dân UZB rất giỏi và cần cù.

 

Cuối ngày chúng tôi còn kịp ghé qua khu phế tích lịch sử Mizdakhan rất lạ từ TK thứ 4 BC, với câu chuyện tình yêu xúc động và cách người dân nơi đây góp phần bảo vệ trái đất. Tôi cũng góp 1 viên gạch mang tính biểu tượng từ đất nước VN và các bạn bảo có khi là viên gạch VN đầu tiên ơ đây.


Người post: PhuongTT

Ngày đăng: 04-08-2017 14:02






Xem 1 - 10 của tổng số 13 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: ThangNT
26/08/2017 09:30:22

Cám ơn Phương có bài viết hay. Đọc hoài không chán, cứ muốn đọc mãi. Có lẽ do nội dung bài viết rất gần với những gì mà lứa sinh viên học ở Liên xô trải qua. Đặc biệt là lứa sinh viên lớp trước.



Từ: PhuongTT
18/08/2017 10:47:57

Cám ơn ACE đã thích bài. @Diện: Chị có bài về KAZ từ lâu rồi. Để lục lại rồi post nhé. Sao em thích KAZ?



Từ: Guest Lan TT
08/08/2017 22:38:34

Lúc nào chị cũng thích đọc phóng sự của em, nhiều thông tin và cực kỳ khúc chiết, có dẫn chứng. Đày tính khoa học mà lại thơ mông, nhiều hình ảnh. Chúc em đi đc nhiều hơn nữa, viết được nhiều bài để ghi điểm cho CL nhé.


 



Từ: ChiNB
08/08/2017 22:05:13

Đã đọc trên FB bài viết này của PhuongTT rồi nhưng đọc lại vẫn thấy hấp dẫn. Công việc của một nhà môi trường rất vất vả nhưng vô cùng thú vị. Rất nhiều ảnh đẹp để minh họa, Phương đã đưa lên FB rồi, sao không đưa vào đây để giới thiệu cho mọi người?



Từ: Guest TTCap-sv72.
07/08/2017 00:50:41

Bài của PhươngTT thật hấp dẫn.Cảm ơn em đã cho biết nhiều miền đất lạ 



Từ: KhanhT
06/08/2017 16:54:51

Mình chưa có dịp đến được Karakalpakstan nên đọc bài này của Phương biết thêm được nhiều lắm, mà lại rất sinh động, nhiều hình ảnh và màu sắc văn hóa... thật tuyệt. Từ hơn một năm nay Du lịch ở nước ta đang phất, biết đâu có tour đi Karakalpakstan thì mình sẽ gặp dịp.



06/08/2017 11:02:05

Chị Phương có lẽ là chuyên gia khu vực trung Á, Gruzia, Uzbek., Azer... Chờ những bài viết của chị về Kazakhstan, một đất nước cũng nhiều truyền thống.



Từ: Guest PhuND
05/08/2017 20:39:48

Viết rất hay! Ký của Phương như của một nhà văn  ấy. Đọc là mê.



Từ: Meomun
05/08/2017 13:20:09

@Chị PhươngTT: Hồi học dự bị ở Kish, bọn em có nghe thầy giáo nói đến Biển Aral.  Thầy có nói là 02 dòng sông - Amua Daria và Siua Daria, (em không nhớ chính xác) là 2 mạch máu nuôi biển Aral tự thuở hồng hoang. Thế mà chính quyền Soviet bắt nó phải thay dòng, đổi hướng nhằm để cung cấp nước tưới cho những cánh đồng bông. Nhưng các phát kiến này, hay đúng hơn là "tối kiến", một cách duy ý chí, đã khiến Aral chết dần chết mòn và kéo theo là những hệ lụy khủng khiếp. Khoảng những năm 60x của thế kỷ trước, ông Brejnev có viết 1 tác phẩm, em láng máng nhớ tên là Podniataia Zemlia (tiếng Việt là "đất vỡ hoang"???- không phải của Solokhov), ca ngợi kế hoạch này của chính quyền Soviet.



Từ: PhuongTT
05/08/2017 11:34:56

Cám ơn chị Thoa, em MM và bạn Guest đã động viên em ạ. Vừa rồi cũng bận quá nên lại quên mất việc vào trang web. Vừa vào thấy nhiều bài hay, nhất là về Thổ của MM, nên lại phấn đấu đăng đàn để ghi điểm cho Hóa CL ạ




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s