Chia sẻ kinh nghiệm dạy con cái
Tác giả: ChauHM
Hầu như bố mẹ nào cũng dành nhiều thời gian và tâm huyết dạy con sử dụng chân (để đi), sử dụng tay (để cầm đũa hoặc cầm bút). Nhưng rất ít bố mẹ quan tâm đến việc dạy con sử dụng não bộ của mình để suy nghĩ.
Khi còn bé, những đứa trẻ Việt Nam thường được bố mẹ răn đe những câu như thế này: “Cấm con làm việc này, cấm con làm việc kia”. Lớn hơn một chút, chúng vẫn thường xuyên bị bố mẹ quở trách: “Ai cho con làm việc này, tại sao con không xin phép mà đã làm việc kia”? Suốt cả thời thơ ấu, trẻ em Việt Nam có rất ít cơ hội sử dụng cái đầu của mình để độc lập suy nghĩ. Ăn gì, học gì, đi đâu, chơi với ai,… đều do bố mẹ quyết định hộ.
Những đứa trẻ đó lớn lên hiển nhiên sẽ trở thành những công dân thụ động, không dám nghĩ khác, làm khác. Những công dân thụ động không thể tạo ra một cộng đồng năng động. Trong khi ở nhiều nước, người ta được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm, thì ở Việt Nam không cấm cũng chưa được làm, mà chỉ được làm những gì Nhà nước cho phép.Tình trạng các doanh nghiệp phải vất vả xin “giấy phép mẹ, giấy phép con” từ các cấp quản lý, có thể có nguồn gốc từ những đứa trẻ Việt Nam làm bất cứ việc gì cũng phải xin phép bố mẹ.
Tại sao chúng ta không thử làm khác?
Tôi có suy nghĩ này từ năm 1999, khi vợ tôi sinh cô con gái thứ hai, bé Sao Mai. Tôi xin kể một vài kinh nghiệm cá nhân đối với cô con gái nhỏ của mình và nếu những bạn đang nuôi dạy con cái chia sẻ được ý nào đó trong câu chuyện này thì tôi sẽ rất vui.
Khi Sao Mai được hai tuổi, vợ chồng tôi quyết định tạo cho bé một môi trường an toàn, mà ở đó bé được tự do làm tất cả những gì bố mẹ không cấm, được quyền tự quyết định phần lớn những vấn đề của bản thân và phải chịu trách nhiệm về kết quả. Khi Sao Mai ba tuổi, chúng tôi cho phép bé tự chọn mầu sơn trang trí phòng ngủ và kết quả là phòng của bé trông rất dễ thương (với khoảng 7 mầu khác nhau). Để tóc dài hay ngắn, mặc váy hay quần là do cháu tự chọn. Rất ít khi cháu phải xin phép bố mẹ, vì không gian hoạt động của cháu là rất rộng. Cháu thích đọc sách, thích ngoại ngữ, biết bơi, biết đi xe đạp, biết trượt batin, thích chơi game online, biết chơi từ cờ Vua, cờ Tướng, Tú-lơ-khơ, cho đến Tiến lên, Tá lả,… Chúng tôi chỉ đề ra một số ít quy định và yêu cầu cháu tuân thủ nghiêm túc.
Để giúp trí não cháu phát triển, tôi cố gắng trả lời mọi câu hỏi của cháu. Chính trong lúc làm việc này mà tôi phát hiện ra, trẻ con bẩm sinh đều có kỹ năng đặt câu hỏi tuyệt vời. Đơn giản vì chúng không biết và chúng thực sự muốn biết! Người lớn thì khác, đặt câu hỏi chủ yếu để vặn vẹo ai đó hoặc chứng tỏ là ta đây sắc sảo. Có lẽ vì thế mà trẻ em tích lũy tri thức nhanh hơn và nhiều hơn người lớn.
Tôi cũng dạy cháu phương pháp đối thoại để mở rộng không gian hoạt động của mình. Theo quy định của gia đình, nếu ngày hôm sau phải đi học thì đúng 20h30 cháu phải lên giường đi ngủ. Một lần đến giờ đi ngủ, nhưng cháu đang đọc dở cuốn truyện, còn mươi trang nữa mới kết thúc. Cháu nói với tôi:
- Ba, con có thể đọc nốt mấy trang cuối này được không?
- Theo quy định thì không được con ạ. Nhưng nếu con thuyết phục được mẹ, thì ba cũng đồng ý.
Cháu vào phòng mẹ, rồi quay ra nói với tôi:
- Mẹ không đồng ý, buồn quá.
- Con nói với mẹ như thế nào mà mẹ không chịu?
- Con nói là con chưa buồn ngủ.
Tôi bảo cháu:
- Con thử nghĩ cách khác xem sao?
Cháu suy nghĩ rồi quay vào nói với mẹ:
- Con chỉ đọc vèo một cái là hết thôi mẹ ạ.
Mẹ vẫn không đồng ý. Cháu lại đưa ra lý do khác:
- Mai con sẽ vẫn dạy đúng giờ.
Mẹ vẫn không đồng ý.
Sau khi thấy cháu đã cố gắng suy nghĩ hết cách, tôi mới mách nước cho cháu:
- Con thử vào nói với mẹ, nếu con không đọc nốt mấy trang này, con sẽ không ngủ được, xem mẹ có đồng ý không?
Cháu vào nói với mẹ và sung sướng quay ra báo cho tôi biết mẹ đã đồng ý. Tôi cũng hài lòng, vì sau lần đó, mỗi khi muốn đạt một mục tiêu mới, cháu đã cố gắng suy nghĩ ra nhiều lý do để thuyết phục bố mẹ.
Sự chủ động của cháu đôi khi cũng làm cho chúng tôi ngạc nhiên. Chẳng hạn, cháu muốn học thêm tiếng Nhật, nhưng mẹ cháu nói là không có người đưa đón vì nhà tôi ở xa trung tâm. Ngoài ra, giáo viên tiếng Nhật ít, chắc không ai đồng ý dạy tại nhà. Tưởng chuyện qua đi, ai ngờ cháu lẳng lặng lên Internet tìm địa chỉ trung tâm dạy tiếng Nhật, tự liên hệ bằng điện thoại để tìm hiểu. Một tuần sau, cháu báo cho mẹ biết là có cô giáo A sẵn sàng dạy tiếng Nhật cho trẻ em tại gia, đề nghị mẹ ký hợp đồng...
Khi cháu đang học lớp bốn, cháu đã rất tự hào vì ký được hợp đồng lao động đầu tiên, dạy kèm hai đứa em họ với tiền công 400 ngàn một tháng. Chúng tôi khuyến khích cháu làm việc này vì thấy cháu vẫn có đủ thời gian để học tập và vui chơi như những đứa trẻ bình thường.
Nếu bạn dành thời gian "dạy con đi, dạy con cầm bút" là một thì hãy dành thời gian "dạy con suy nghĩ" là mười. Đừng suy nghĩ thay cho chúng, vì nói cho cùng bạn không thể sống lâu hơn con cái của mình.
Người post: ChauHM
Ngày đăng: 01-10-2010 14:02
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 1 - 6 của tổng số 6 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |