KGU News >>Văn học >>Truyện
KGU Tạo bài viết  
Chủ nhật 10 Tháng chín. 2017

CÕI CỦA MỖI NGƯỜI




Tác giả: Meomun

CÕI CỦA MỖI NGƯỜI

 

Truyện ngắn -Nguyễn Hồng Vân

(Truyện ngắn này MM đã viết từ  "..thế kỷ trước" và đã in trên báo Thanh Niên hồi ấy. MM nhớ đã post lên trang KGU rồi mà tìm không thấy nên MM post lại, cũng chỉ để vui thôi chứ chẳng có ý gì khác. Xin mời bạn đọc theo MM trở lại bối cảnh 25 năm về trước, nhé! ) 

______

Sáng Chủ Nhật, nàng dậy trễ hơn thường ngày. Chồng nàng đã trở dậy và rời khỏi nhà từ bao giờ. Nàng khoan khoái: vậy là Chủ nhật này là của ta, của ta hoàn toàn. Ta có quyền cho thợ đóng cửa không bán hàng cả ngày, hoặc có thể chỉ mở cửa lấy lệ vào buổi chiều để lão ta khỏi mè nheo. Cái thành phố này thật nhỏ, nhưng được cái là chẳng ai quan tâm đến công việc của ai. Thế mà hàng xóm vẫn trầm trồ khi nhắc đến sự phất lên trông thấy của vợ chồng nàng. Vợ chồng nàng có một cửa hàng đồ gỗ và trang trí nội thất và chồng nàng giao cho nàng- phục sức bóng lộn như một con búp bê, ngồi trông coi những cái tủ, bàn ghế cũng bóng nhoáng như nàng. Nhưng thu nhập chủ yếu lại từ những chuyến lên rừng của chồng nàng mang lại. Xong một chuyến gỗ, lão ta lại giao cho nàng những miếng kim loại vàng choé, lành lạnh. Lâu lâu lão lại bảo nàng lấy hết ra cho lão xem, lão trải đầy những cây vàng lên tấm đệm giường và say sưa ngắm đến cả tiếng, rồi ngửa cổ cười khoái trá. Nàng mập ra, trông lại càng trớ trêu bên cạnh khúc rễ cây (dù đã tốn bao nhiêu tiền tẩm bổ) là chồng nàng.

Cách đây vài năm, nàng còn ngày hai buổi đạp xe đi làm. Gian khổ đấy, nhưng nàng vẫn có lý do để kiêu hãnh với chồng, vốn tinh ranh như một con quạ đánh hơi thấy mùi thịt chết đã nghỉ làm ở cơ quan nhà nước để bước vào con đường “phi thương bất phú”. Xấp tiền mỏng teo- lương tháng của nàng, thật như trò đùa của tạo hóa bên cạnh thu nhập của chồng nàng. Rồi công ty nàng cũng không vượt qua nổi sự khắc nghiệt của thời buổi giao thời từ bao cấp sang kinh tế thị trường. Mà nó nào chết ngay, cứ hấp hối hàng năm trời. Thủ trưởng của nàng, một “người đàn bà gang thép” như nàng và đồng nghiệp vẫn gọi lén- đã lý giải nguyên nhân đi đến sự tử vong của công ty nàng trong một hội nghị liên ngành:-“ Công ty em lúc đầu chỉ lỗ nhỏ, sau vì các anh cứ thanh tra lên lại thanh xa xuống, riết rồi lỗ nhỏ cũng thành lỗ to”. Nghe nói cả hội nghị đã tán thưởng bằng tràng vỗ tay và tiếng cười sặc sụa.

Chính bà ta, thủ trưởng của nàng, sau khi đã “gom đủ”, liền xin về hưu hon rồi dành khu vườn rộng sau nhà mình cho người ta thuê làm quán bia ôm.

Nàng cũng về nhà. Chồng nàng phẩy tay: - Ở nhà! Lương cô không đủ ăn sáng!

Bạn bè cũ gặp nhau, ai cũng xuýt xoa trước cơ ngơi của vợ chồng nàng, một căn nhà lầu đồ sộ nằm ngay mặt tiền của đường phố sầm uất nhất thành phố BH. Chúng hít hà làm như vợ chồng nàng đã lấy hết may mắn của thiên hạ.

 

Điểm tâm bằng tô phở nóng hổi do bà chủ tiệm bên kia đường đích thân bưng sang xong, nàng đi lên sân thượng. Nàng lơ đãng nhìn theo một anh xích lô đang cong lưng đạp xe. Trên xe là một phụ nữ với gương mặt bự phấn, mặc cái đầm đen hếch lên để lộ bắp chân trắng nhẽo. Sáng nào cũng vậy, từ quán “bia đặc sản” trong hẻm, những chiếc xích lô lại tỏa đi, chở theo những cô gái, trẻ măng có, sồn sồn có, nhàu nát, mệt mỏi. Nàng nhớ lại, có lần lão ta đã nghiến răng bảo nàng: -“ Cô còn tồi tệ hơn cả một con điếm! Người ta làm điếm là do nghèo, hay do hoàn cảnh đưa đẩy, còn cô... hừ!” Lão ta nhìn nàng như muốn nổ con ngươi rồi bước qua nàng, lúc đó đang ngồi xệp xuống nền nhà khóc tấm tức với nỗi nhục nhã ê chề và cả cảm giác: Vẫn còn may chán! Bởi vì “chàng” đã kịp chuồn bằng cửa sau. Nếu không, chẳng biết chuyện gì có thể xảy ra nữa.

Tất tả gửi con đến trường mẫu giáo xong, cô đạp xe đến trường. Cái xe đạp cà khổ lại hay tuột xích. Cô run lên khi nghĩ đến chuyện có thể trễ giờ. Lão hiệu trưởng “chín năm nằm mùng chống muỗi” như cô và bạn bè vẫn gọi đùa sau lưng ông ta mỗi khi phải lắng nghe chuyện ông ta khoe những năm tháng nằm vùng chống Mỹ, sẽ lại dọa trừ lương...Trừ lương, cái điệp khúc nhàm chán đó cũng có sức đe dọa đáng kể, vì lương giáo viên có bao nhiêu mà trừ. Nhưng ớn nhất là cảnh phải ngồi đối diện với bộ mặt lừ đừ có cặp mắt thuần tuý giống đực của lão, nhìn phụ nữ cứ như muốn lột trần người ta ra. La mắng cô bằng cái giọng lạt mềm buộc chặt xong, bao giờ lão cũng nhìn cô chằm chằm một lúc lâu, ngắm một cách thích thú gương mặt hết đỏ rồi lại tái của cô như ngắm một cái bánh bao nóng hổi khi trong túi nhẵn tiền, lão nuốt nước bọt đánh ực, thẽ thọt: -Sao dạo này em sống khá không, sao xanh xao thế? Phải giữ sức khỏe chứ!

Rồi y như rằng, lão lại ra đứng chắn trước cửa ra vào, rồi hất đầu ra hiệu cho cô đi ra, để cô phải đụng phải người lão khi lách qua lối đi hẹp ấy, mắt lão lóe lên những tia sáng ranh mãnh.

Cô than thở với chồng, anh cũng là một nhà giáo. Anh chỉ biết an ủi cô: “- Biết làm sao được, mình phải nhịn thôi em ạ. Không khéo là “mất dạy” như chơi!”

Giá như mình giàu! Giá như mình có tiền! Cả hai vợ chồng đều mơ màng nghĩ đến một ngày mai. Hàng tuần chồng cô đều để dành tiền mua vé số. Tấm vé hiện ra mờ mờ qua lần vải trong túi áo sơ mi của chồng cô, cái áo mặc đã lâu nên cứ ngày càng mỏng. Những tấm vé số không trúng cứ nhiều dần, dày cả xấp, thằng bé con cô dùng để chơi một mình. Chưa bao giờ vợ chồng cô trúng hai số chót, vậy mà vẫn cứ mua đều đều và lại âm thầm nuôi hi vọng. Chồng cô cười ngượng nghịu rồi pha trò:  “- Mỗi ngày ta chọn một niềm vui! Một niềm vui, mà chỉ tốn có 1, 2 ngàn, rẻ chán!” Thằng con cô đến bữa nào có thịt cá là nó ăn cơm một cách ngon lành, khiến cả hai vợ chồng ngồi ngắm con ăn mà ứa cả nước mắt. Cô nghiệm thấy cái nghèo nó như một thứ a xít, nó gặm nhấm của người ta những hi vọng, bào mòn mọi thứ. Cái lo lắng về kế sinh nhai khiến người ta như hèn đi với bên ngoài, còn việc vui đùa, âu yếm nau như buổi ban đầu rồi sẽ trở thành một thứ xa xỉ phẩm. Cô bỗng lo sợ cho cái gia đình bé nhỏ của mình. Giá như mình giàu như chị ta, người đàn bà trong căn nhà lầu ngay trước mặt nhà cô. Trán ta sẽ không còn nếp nhăn ưu tư. Màu hồng sẽ trở lại trên gò má, đôi môi ta, cô hoa khôi năm nào. Vợ chồng cô sẽ đẹp đẽ, đủ đầy bên thằng con như như màn quảng cáo hàng tiêu dùng trên ti vi, rồi những chuyến đi du lịch Đà Lạt, Vũng Tàu...

Mường tượng đến cảnh đó, cô đã ngất ngây. Cô lại càng nhanh tay dán những cái vỏ hộp, cứ như là vừa mới được tiếp thêm một sức mạnh to lớn để mau chóng đạt tới cảnh cực lạc mà cô vừa tưởng tượng. Dạo này cô nhận dán hộp giấy gia công cho nhà máy. Có lúc hoa cả mắt, đầu ong ong như có trăm ngàn cái hộp nhảy múa. Thậm chí lúc đang giảng bài, cô cũng thoáng nghĩ đến lúc về nhà sẽ tranh thủ dán hộp, còn kịp chuyên chở giao cho nhà máy, cố gắng để thằng con có bữa ăn ngon cuối tuần.

 

Cô đi ra ngoài sân vươn vai, rồi vốc nước trong chum ra rửa mặt cho tỉnh táo. Bỗng cửa hậu căn nhà phía trước kẹt mở. Người đàn bà ấy hiện ra trong bộ áo váy ở nhà màu hồng, kèm theo mùi nước hoa phảng phất. Người đàn bà cố mỉm cười, nhưng nụ cười gượng gạo cứ như cánh hoa héo:

-Bữa nay không có giờ dạy à?

-Dạ, không ạ. Cô trả lời rồi liếc nhìn chị ta. Trên mặt chị ta có những vết xước, đôi mắt đẹp sưng húp. Cô ngập ngừng:

-Chị sao vậy?

-À, bị gai cào...

Chị ta xoa xoa má như muốn che lại bởi chị hiểu người đối thoại sẽ không tin lời mình. Làm gì có gai cào ở cái thành phố toàn người là người này. Cả đêm hôm qua, lão ta đã nghiến ngấu, giày vò nàng rồi bật khóc. Nàng né tránh hơi thở hôi xì đang phả vào mặt mình, cả đôi tay tham lam và cái bụng đã bắt đầu phị mỡ, bóng loáng vì mồ hôi, tương phản với dáng người lẻo khoẻo của chồng nàng. Nhưng suy cho cùng, lão vẫn là kẻ biết điều. Biết nàng vừa tiếp bạn trai xong, lão cũng chỉ biết gầm gừ rồi xoay ra cào cấu nàng bằng những chiếc móng tay đã lâu không cắt, màu vàng sậm, khum khum như mỏ chim két, cho thỏa nỗi hờn ghen và bất lực.

Nàng chua chát, thế mà ai cũng bảo mình sướng. Nhiều khi nàng cứ ước ao có một cuộc sống tuy nghèo tiền bạc nhưng đầy ắp hạnh phúc như của vợ chồng cô gái đang đứng trước mặt mình. Đêm khuya, từ cửa sổ trên lầu nhìn xuống, nàng thấy họ vẫn ngồi bên nhau, cần mẫn dán những cái hộp be bé xinh xinh, những cái hộp mà nàng hết sức sửng sốt khi biết người ta chỉ trả công 2000 đồng cho 100 cái, mà phải chở đi giao tận nhà máy cách đó mấy cây số! Còn thằng nhóc của họ nữa chứ, sao mà nó kháu khỉnh xinh đẹp! Nó gợi cho nàng một nỗi buồn xa xăm, gợi đến bản năng làm mẹ tiềm tàng trong một người đàn bà đầy sinh lực như nàng. Và chồng nàng, chắc chắn sẽ không phải là lão già gầy khô mà bụng phệ hì hục trên người nàng để rồi nằm vật ra khóc như bị thua bạc. Nàng đỏ mặt khi nghĩ tới anh chồng cô giáo, anh ta có dáng vẻ thật trí thức, lại đẹp trai nữa.

Nàng chợt nhớ đến ánh mắt của anh ta lúc bắt gặp nàng mở cửa sau “giải thoát” cho nhân tình khỏi sự truy đuổi của lão chồng hôm nào. Ánh mắt của anh ta nhìn nàng cũng đầy vẻ khinh miệt như nhìn mấy cô gái bán bia ôm trong hẻm. Nàng thở dài, bải hoải.

Hai người đàn bà cứ đứng ngắm nhìn nhau. Bất giác họ cầm lấy tay nhau. Người đàn bà ngắm gương mặt hơi xanh xao của cô gái, rồi nhìn bàn tay gầy guộc của cô trong lòng bàn tay đỏ hồng, dày dặn của mình. Người đàn bà bất giác thấy sợ hãi. Nếu ta là cô ta! Lại những ngày đói khổ mà ta đã từng phải gánh chịu và để trốn chạy khỏi nó, ta đã phải cần đến hôn thú với lão chồng già! Sẽ chẳng còn những tô phở nóng hổi, những cái nhẫn đeo đỏ tay, và ta, ta làm gì có can đảm quay lại tuổi thơ trong căn nhà bé xíu với những bữa ăn xám ngắt. Ta vẫn phải cần đến lão chồng già!

Người đàn bà bỗng nức lên, rồi gục đầu xuống vai cô giáo trẻ, thổn thức:

-Chị khổ lắm em ơi!

-Thôi, mỗi người một kiếp chị ạ! Bọn em cũng...

Cô im bặt và với cái sĩ diện của nhà giáo, cô không thể khoe nghèo kể khổ. Vả lại, cũng chả phải một lần cô đã mơ ước được giàu có như người đàn bà ấy. Cô chỉ biết im lặng, vỗ nhè nhẹ vào lưng chị ta như an ủi. Cô bỗng thấy cả gánh nặng cuộc sống trên vai cô như nhẹ hơn trước những giọt nước mắt của người đàn bà hàng xóm. Cô lẩm bẩm:- “Ước gì tất cả mọi người...”

Mình có lẩn thẩn không nhỉ? Cô tự hỏi.

X x

X

Ngày lại ngày. Vẫn cái dáng bắt đầu đẫy ra của người đàn bà đứng trên ban công hóng gió mỗi buổi chiều, đôi mắt nhìn xa vắng, yên phận. Còn cô giáo, ngoài những giờ long phổi trên lớp, vẫn cần mẫn bên đống vỏ hộp. Họ cùng mơ đến cõi cực lạc, cõi cực lạc của mỗi người mà chẳng ai dám đổi cho ai.

Biên Hòa - 1992

 

 

 

 

 

 


Người post: VanNH

Ngày đăng: 10-09-2017 21:09






Xem 1 - 10 của tổng số 10 Comments

Từ: Guest Nha que
02/11/2017 16:49:10

2 người, 2 số phận, hạnh phúc hay khổ đau ở đây chỉ là tương đối. 



Từ: ThoaNP
07/10/2017 05:43:52

Sao tự ti quá vậy MM?



Từ: Meomun
06/10/2017 20:33:58

 


 


 


 Ngày đi học, chúng ta được các thầy cô, các bậc tiền bối dạy về tính hiện thực của văn học, nó như tấm gương phản ánh thực tế cái "thời ta đang sống". Những cuốn sách, truyện...nào mà vượt qua được bức tường thời gian - thử thách vô hình và ngặt nghèo thì mới thành "tác phẩm". Hóa ra các cụ nói đúng quá ! Hơn 20 năm đọc lại truyện này, chính MM cũng thấy "nó" kì kì, vì bối cảnh của truyện đã xa lâu rồi, nó không tạo được sự đồng cảm cho người đọc nữa, huhuhu. Đúng là "cuốn sách cũ chẳng còn ai đọc nữa"! 


 


@Các anh chị ơi, MM loay hoay sửa còm, lỡ tay bấm cái gì đó mà còm được dịch ra tiếng Anh. Em cũng nghe nói là có thể bảo ông Guk Gồ dịch thô, rồi mình edit sau, nhưng chưa từng làm thử. Đọc phần dịch tiếng Anh, thấy cũng tàm tạm, vui nhỉ! 


_____  On school day, we are taught by  the reality of "our time". The books, stories ... which overcome the wall of time - intangible and difficult challenges are new "work". Turns out the instrument was right too! Over the past 20 years, the MM itself has seen it "periodically", because the context of the story has been long gone, it does not create the sympathy for the reader anymore, huhuhu. It is true that "old book page no one else read"! 




 


 


 


 


 


 


 


 



Từ: ThoaNP
24/09/2017 16:44:46

@MM: Chị không nhớ rõ đã đọc ở đâu về tranh luận của 2 nhà văn, hình như là Emile Zola và Guy de Maupassant, trong đó Zola cho rằng trí tưởng tượng của nhà văn mới là quan trọng nhất. Mặc dù Zola theo chủ nghĩa tự nhiên và các hình mẫu của ông thường từ cuộc sống.


Tuy nhiên trí nhớ của chị thì không đáng tin tưởng, vì hầu hết các tác phẩm văn học lớn chị đọc là khi chưa có gia đình.



Từ: Meomun
24/09/2017 12:14:16

 


 


@ Em Ngoc ơi, muốn viết được thì chắc phải "năn nộn"với thực tế cuộc sống, phải đau nỗi đau đời, y như cụ Lành nói là phải "là em của vạn kiếp phôi pha/Là anh của vạn bầy em nhỏ/không áo cơm cù bất cù bơ...


Bây giờ không còn cảnh " Lên xe xuống ngựa" thì ai cũng xe ôm, xe Uber, máy  bay...Ăn thì ăn kiêng, uống thì vào quán ăn thì dõng dạc gọi " cho chai nước suối đi em" mà không ngại ai đó bảo mình keo kiệt, hihi.  Hồi đó,  MM cũng đươc các chú, các đàn anh khuyến  khích lắm. Tuy nhiên, ngoài chuyện "tài năng có hạn" thì MM thấy mình nghèo thực tế, không đủ nhạy cảm và quan trọng nhất là MM không đủ dũng cảm , không đủ hi sinh, không đủ dấn thân mà theo nghề viết. Thôi thì lâu lâu viết cho mình là chính chứ cho ai bây giờ, hihi. Một thứ văn chương  xa rời thực tế, văn chương salon thì "nàm thao" mà viết  được, huhu.  


 


 


 



Từ: NgocNT
24/09/2017 10:34:29

Bài hay ghê! Em chưa được đọc! Và hay ở điểm là đến giờ đâu đó nó vẫn đúng Meomun ạ! Nếu lấy nhân sinh quan của 25 năm trước ra so thì bài viết già ghê Meomun ạ! Hì hì! Em cá là bây giờ chị không viết được chuyện này thế nữa!



Từ: Meomun
23/09/2017 12:52:47

 


 


@ Các anh chị: Em viết được ít nhiều trong 2-3 năm đầu kể từ khi về nước. Ở Kish 7 năm không một lần về  phép, lúc về em thực sự bị sốc vì xã hội thay đổi quá. Lúc đó nước mình mới chuyển sang cơ chế thị trường ...XHCN. Đi xin việc mà chìa cái bằng ĐH Luật của LX cấp là ngại lắm. Em mất cả 2 năm "nằm vùng" ở BH mà vẫn không có việc. Ai cũng cho rằng học Luật ra thì chỉ có thể làm việc tại các cơ quan tư pháp. Mà các cơ quan ấy không có thêm biên chế nên cũng chẳng vào nổi. Những năm tháng"đói rách", thất nghiệp ...mới có nhiều thời gian rảnh rỗi nên em xoay ra viết. Hồi ấy viết được bài nào là được đăng bài ấy, đủ tiền mua rau. Truyện ngắn, thơ... lúc ấy không bát nháo như sau này,


bản thảo luôn được biên tập viên "soi" lại, họ còn gọi mình tới gặp để trao đổi. Được in thì cũng vui thật, vừa vui vì được khen, vừa sướng vì có tiền nhuận bút. Một số truyện của em viết hồi đó như "Căn nhà nhỏ trong ngõ hẹp" cũng là những bức bối, ngột ngạt.


Bây giờ đọc lại những bài viết của minh trong những năm tháng ấy, em thấy buồn cười vì cái "Thế giới quan", "nhân sinh quan"... gì đó của mình lúc ấy ấu trĩ quá, huhu các anh chị đọc cho vui, đừng cười em nhé! 


Em biết "trang sách cũ chẳng còn ai đọc lại", vì chỉ có các văn hào mới khiến người đọc phải đọc lại các tác phẩm của họ không phải chỉ một lần... 


 


 


 


 



Từ: PhuongTT
23/09/2017 01:30:58

Nhà văn viết rât giỏi nhưng làm tôi sợ hơn cái xã hội này. 



Từ: 3Chai
11/09/2017 21:02:26

Cậu mợ mình đều là giảng viên đại học. Cậu phấn đấu mãi mới được một xuất đi LX ngắn ngày. Rồi cậu mất đột ngột khi còn rất trẻ. Mợ một mình nuôi 2 đứa con nhỏ, ngoài giờ lên trường thì xoay sở mọi nghề dán hộp giấy, bán nước giải khát... để nuôi con. Việc dài nhất và có lẽ ấn tượng nhất với 2 đứa trẻ con là nhận làm những chuỗi hạt trang sức rẻ tiền. Có chú công an hộ khẩu hỏi em mình "Mẹ cháu làm gì?". Nó hồn nhiên trả lời "Mẹ cháu làm xâu chuỗi". 


 



Từ: ThoaNP
11/09/2017 03:31:07

 


Все счастливые семьи похож ;и друг на друга, каждk 2;я несчастливk 2;я семья несчастливk 2; по-своему!


MM: Đúng là chị đã từng đọc truyện này của em trên web KGU. Cảm ơn em đã post lại.


 



Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s