LƯỢM LẶT VỀ CÁC TỔNG THỐNG PHILIPPINES
Tác giả: PhuongTT
LƯỢM LẶT VỀ CÁC TỔNG THỐNG PHILIPPINES
Dạo đầu:
Nhân việc xã hội ồn ào về hoạt động của các nguyên thủ quốc gia trong mấy ngày gần đây, hết APEC ở Đà nẵng lại tiếp nối ngay ASEAN 50 ở Manila, tôi cũng muốn có đôi dòng về mấy Tổng thống Philippines. Tôi mới sống ở nơi này có 6 năm, chưa thông thạo nhiều về đất nước, lịch sử và nền chính trị nơi đây, nhưng cũng đủ để cảm nhận về vai trò của những người lãnh đạo đất nước, với cái nhìn rất bình dân của một thành viên nhỏ bé và ngoại tộc. Những gì tôi nhận xét có thể chưa chính xác hoặc cảm tính, nhưng chắc chắn là khách quan. Tôi chỉ nói về 4 vị TT gần đây nhất. Một điều thú vị là trong 4 vị Tổng thống tôi viết thì có 3 vị là đã theo học ở trường ĐH danh giá nhất Phils, ĐH Ateneo (Ateneo de Manila University). Cả bố và em gái của TT Benigno Aquino III đều học ở ĐH Ateneo. Ngay sát nhà tôi ở là một chi nhánh của ĐH này, khuôn viên rất đẹp. Thảo nào toàn thấy con nhà giầu dùng oto đi học. Vị TT thứ 4 không học ở đây nhưng nghe đồn có căn hộ trong khu tôi, ở ngay tòa nhà đối diện trường. Hôm tuyên bố kết quả bầu cử, hàng đoàn xe nối dài kín những con đường dẫn vào khu, vì vậy mới có lời đồn như vậy chứ chưa ai thấy TT xuất hiện ở khu này bao giờ.
Năm 1935 Phils có vị TT đầu tiên được bầu vào đúng ngày sinh của tôi. Theo hiến pháp lúc đó, với mô hình của Mỹ nhưng nhiệm kỳ TT là 6 năm và không được tái cử. Năm 1940 luật bầu cử được xem xét lại cho giống y như Mỹ, nhưng rồi chiến tranh thế giới 2 nổ ra. Và đến nay, TT vẫn được bầu theo chế độ phổ thông đầu phiếu và giữ nhiệm kỳ 6 năm. Trong thời gian tại vị, TT có thể bị bỏ phiếu bất tín nhiệm và bị truất quyền. Đảo chính bạo lực cũng đã xảy ra. Trong thời gian tại vị, TT được miễn quyền truy tố, nhưng hễ không ngồi ghế quyền lực nữa thì có thể ra thẳng tòa án hoặc vào tù. Nền dân chủ thực sự là vậy. Và một xã hội pháp trị cũng là vậy.
Joseph Estrada (1998-2001).
Ngày nào tôi cũng phải len lỏi chạy xe đi làm trên con đường độc đạo dẫn lên đường trục EDSA giữa những đoàn xe Jeepney mà Ngài TT đã dùng làm biểu tượng dân tộc cho người nghèo của đất nước để giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 1998. Vốn xuất thân là diễn viên, Ngài còn nổi tiếng với chủ trương “đậm đà bản sắc dân tộc và bài ngoại” nên đã thẳng tay bỏ việc học tiếng Anh bắt buộc từ lớp 1 trong toàn bộ hệ thống giáo dục các cấp của Phils. Hệ quả là trong khi trí thức và thế hệ già nua của Phils nói tiếng Anh thành thạo hơn tiếng địa phương Tagalog thì cả một thế hệ thanh niên 20-30 tuổi ngày nay của Phils nói tiếng Anh khá kém. Chỉ có những người lúc đó có đủ tài chính và trình độ học đại học thì mới sử dụng tiếng Anh thành thạo. Trí thức Phils gọi thế hệ trẻ không biết tiếng Anh ngày nay là the lost generation. Ngài TT lãng tử này còn lập hẳn 1 khu trại (camp) với ngôi mộ sẵn cho mình và 1 museum nho nhỏ. Ông bác sỹ điều trị khớp gối cho tôi tự hào nói ông cũng điều trị cho Ngài TT đúng phác đồ và loại thuốc này nên Ngài vẫn đi lại thoăn thoát với thân hình đồ sộ gấp đôi tôi (kể ra Phils cũng hay: một vị BS bình thường điều trị cho cả TT và phó thường dân như tôi). Sau khi bị bỏ phiếu bất tín nhiệm vì tham nhũng, Ngài mất chức TT sau 3 năm cầm quyền nhưng đến năm 2013 lại trúng cử Thị trưởng thành phố Manila (Metro Manila bao gồm 16 thành phố nhỏ và 1 huyện).
Ngài là vị TT đầu tiên có gốc gác từ ngành công nghiệp giải trí (đã từng là diễn viên nổi tiếng, với khuôn mặt được người Phils ưa thích vì khá giống Elvis Plesley. Ngài đóng vai trong hơn 100 phim và tự sản xuất hơn 70 phim). Dân Phils bỏ phiếu cho Ngài không biết có phải 1 phần bị ảnh hưởng của Mỹ cũng từng có TT Ronald Reagan (1981-1989). Tuy là con 1 gia đình khá giả, Ngài học hành chả ra gì với trình độ giảm dần đều: Bị đuổi học khỏi trường ĐH danh giá nhất Phils là ĐH Ateneo Manila, Ngài chiều lòng bố mà chuyển sang học kỹ sư xây dựng ở ĐH Kỹ thuật, sau lại chuyển đến học Trung cấp rồi bỏ hẳn. Từ tuổi 20, Ngài đã say mê nghiệp diễn viên với nick name Erap (rap: ngoài nghĩa tiếng Anh còn có nghĩa tiếng địa phương là đàn đúm hội hè). Ngược lại, Ngài tiến vững chắc trên đường chính trị: Bắt đầu tham gia tranh cử Thị trưởng từ 30 tuổi và đến 32 tuổi thì trở thành Thị trưởng thành phố San Juan, một thành phố của nhiều người giầu ở Metro Manila. Sau đó là Thượng nghị sỹ năm 50 tuổi, rồi 5 năm sau là Phó TT cho tới khi là TT thứ 14 của Phils năm Ngài 61 tuổi.
Ngài lên nắm quyền đúng lúc kinh tế khó khăn do cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á, lại thiên tai liên tiếp. Ngay năm đầu tiên dưới triều đại của Ngài GDP giảm mất 0.6%, nhưng ngay sau đó lại tăng được lên 3.4% và 4% vào năm 1999 và 2000. Vậy là Ngài cũng giỏi rồi, nhất là nếu so với những lãnh đạo được thừa hưởng 1 ngân sách khá lớn mà sau 10 năm trở thành thâm hụt be bét. Trong năm 2000, Ngài còn có “chiến tích” là phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn 1997 với Mặt trận giải phóng dân tộc Moro (MNLF) nhóm vũ trang chuyên các hoạt động khủng bố đòi độc lập khu vực đảo Mindanao suốt từ những năm 60. Đáp trả, mặt trận này tuyên bố chống lại chính phủ theo đường lối cực đoan Jihad. Đến thời TT Arroyo, thỏa thuận ngừng bắn và các cuộc thương lượng hòa bình mới được nối lại. Mãi cho tới năm 2012, TT đương thời là Benigno Aquino mới ký được hiệp ước hòa bình. Một cái giá rất đắt cho đất nước.
Gloria Arroyo – GMA (2001-2010).
Bà là Phó TT nữ đầu tiên của Phils và trở thành TT của Phils lúc Bà 54 tuổi. Trong chiến dịch bãi nhiệm TT Estrada năm 2001, Bà đã nổi lên lãnh đạo bên phe đối lập và trở thành TT thứ 14 của Phils. Ưu tiên của Bà là xây dựng đường cao tốc và cơ sở hạ tầng. Chả biết các nhà kinh tế phê phán gánh nặng nợ công thế nào, chứ giờ đây cứ mỗi lần đi đâu trên highway hay bị tắc nghẽn giao thông tôi đều nghĩ đến Bà: Không có Bà thì giờ chắc ngồi yên ở nhà không ai có thể di chuyển trên đường trong cái thành phố chật ních này. Không ai đến Manila mà không biêt đến con đường huyết mạch EDSA dài 54 km nối những thành phố quan trọng nhất xuyên suốt trung tâm Metro Manila. Bà là người quyết định đầu tư nối dài con đường này lên phía bắc và xuống phía nam. Không có nó, chắc tôi không thể có được những ngày weekend chạy xe ra khỏi Manila thú vị trong suốt 6 năm ở đây. Toàn bộ 13 triệu dân Manila chắc chen nhau trong nội đô ngột ngạt.
Với chuyên môn của mình, bà tập trung vào phát triển kinh tế đất nước. Trong 2 nhiệm kỳ TT của Bà, kinh tế Phils phát triển vượt trội so với 3 đời tổng thống tiền nhiệm, GDP tăng trưởng trung bình 7%. Bà cũng khéo léo chèo lái để Phils trở thành một trong ít quốc gia không bị cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 quật ngã. Bà là người quyết định đòi lại căn cứ quân sự Mỹ nổi tiếng Subic. Theo tôi đây là một sai lầm vì Phils hiện nay lại phải vất vả mời Mỹ trở lại. Cuộc chiến giải phóng Marawi, nếu không mời Mỹ vào, chắc còn kéo dài không biết đến khi nào (quân đội Mỹ chỉ cần 2 tuần đã giải quyết cuộc chiến kéo dài hơn 6 tháng).
Cha Bà, Diosdado Macapagal, trở thành TT thứ 9 của Phils vào năm 1961 khi Bà 14 tuổi. Con đường thăng tiến chính trị của Bà khá vững chắc: Thượng Nghị sỹ, Phó TT, và 2 nhiệm kỳ TT (2001-2004, 2004-2010). Bà từng là bạn học cùng Bill Clinton ở Mỹ giữa những năm 60s tại trường ĐH Georgetown. Sau khi tốt nghiệp khoa Kinh tế của ĐH Ateneo, trường ĐH tư danh tiếng nhất Phils, Bà tiếp tục làm Master và Tiến sỹ Kinh tế tại ĐH Philippines đồng thời tham gia giảng dạy ở nhiều trường, và là giáo sư của ĐH Ateneo. Có lẽ Bà là TT gian truân nhất: Bà cũng đã từng bị bỏ phiếu bất tín nhiệm nhưng thoát tội. Năm 2011 Bà bị bắt vì tội gian lận bầu cử và bị giam giữ 1 năm, sau đó bị quản thúc. Đến cuối năm 2012 Bà bị cáng ra tòa từ bệnh viện để nghe luận tội về biển thủ $8.8 triệu. Đến năm 2016 thì Tòa tối cao ra phán quyết Bà chính thức được tha bổng. 7 trong số 11 quan tòa bỏ phiếu thuận tha bổng cho Bà là những vị do Bà phong chức tước, trong khi 3 trong 4 vị bỏ phiếu chống quyết định này thì là những người của TT Aquino (Chả biết Tòa xử có khách quan không nhưng đúng là Có vay có trả nhỉ).
Bà rất nhỏ nhắn và xinh đẹp.
Benigno Aquino III (2010-2016).
Ông trở thành TT lúc khá trẻ (50 tuổi) và không kinh qua Phó TT như nhiều người khác. Có lẽ đây là vị TT tôi có cảm tình nhất, ít điều tiếng nhất, và được yêu quí nhất ở Phils trong thời gian gần đây. Ông có phong cách giản dị, tuy là dòng dõi trâm anh thế phiệt. Ông là con trai của Thượng nghị sỹ Benigno "Ninoy" Aquino Jr. và bà Corazon Aquino (sau này trở thành TT), bị trục xuất sang Mỹ cùng gia đình lúc nhỏ. Trước khi sang Mỹ Ông tốt nghiệp ĐH Ateneo danh giá nhất Phils và là học trò của Bà TT Aroyo GMA. Năm 1983, cha Ông về Phils và bị ám sát ngay tại sân bay, nay mang tên của người cha Ninoy Aquino, NAIA. Cả gia đình Ông quay về Phils chống lại chế độ độc tài gia đình trị của Marcos. Mẹ Ông là Bà Corazon Aquino trở thành TT năm 1986. Ông đã chứng kiến phe đảo chính bắn mẹ ngay trước mắt mình và Ông được 5 lính cảnh vệ dùng thân mình ngăn Ông lao ra giữa làn đạn cứu mẹ. Ông thoát chết nhưng bị thương nặng, đến nay vẫn còn 1 viên đạn nằm trong người. Tôi đã được nghe Ông phát biểu trên TV về cái ngày đảo chính quân sự đó, đồng thời nhắc lại lời dặn của cha trong 1 bức thư gửi cho Ông từ năm 1973, khi Ông mới có 13 tuổi: “The only advice I can give you: Live with honor and follow your conscience. There is no greater nation on earth than our Motherland. No greater people than our own. Serve them with all your heart, with all your might and with all your strength. Son, the ball is now in your hands." (Cha chỉ khuyên con một điều: Hãy sống với phẩm giá và làm theo lương tâm của mình. Không ở đâu trên thế gian này có nơi nào vĩ đại hơn Tổ quốc mình. Không có dân tộc nào vĩ đại hơn nhân dân mình. Hãy phục vụ họ bằng tất cả trái tim, trí tuệ, và sức lực của mình. Con trai, trái bóng giờ đây đang nằm trong tay con).
Ông đã sống và lao động theo đúng lời cha dặn. Nhưng có lẽ vì đã trải qua những đau thương do bạo lực, Ông đã lãnh đạo chính phủ của mình một cách khá ôn hòa, thậm chí bị coi là quá mềm mỏng và nhu nhược. Ông là người đã ký được hiệp ước hòa bình với Mặt trận giải phóng dân tộc Moro (MNLF) năm 2012 với khá nhiều nhượng bộ của Chính phủ đối với yêu sách sử dụng 75% tài nguyên khu vực và tiến đến thành lập nhà nước Hồi giáo tự trị. Rất tiếc là sau nhiệm kỳ của Ông, hiệp ước này nhanh chóng bị phá vỡ. Kinh tế Phils trong nhiệm kỳ TT của Ông tăng trưởng đều đặn 7.1%, nhanh nhất trong khu vực ĐNA.
Ưu tiên trong nhiệm kỳ TT của Ông là tiếp tục xây dựng hạ tầng, nhưng tập trung ở vùng nông thôn. Tôi lang thang nhiều vùng sâu vùng xa của Phils, thấy ngạc nhiên đường nông thôn rất tốt, toàn beton dầy 25cm vững chắc. Rất nhiều đường liên huyện khắp nơi được mở rộng, hàng cây 2 bên được bảo tồn cẩn thận, không cắt sạch đi để nhà thầu tính tiền chặt cây và thi công cho dễ như ở nhiều nước khác. Ưu tiên thứ 2 là giáo dục. Nông thôn Phils còn rất nghèo, nhưng nếu bạn nhìn thấy 1 cơ sở nhà cửa khang trang, mầu sắc sáng sủa thì đó chắc chắn là trường học. Học sinh phổ thông đều được cấp đồng phục và đi học không mất tiền. Lợi ích trực tiếp từ Ông mà tôi được hưởng là hệ thống đường skyway trên cao dẫn đến cả 4 terminals của sân bay NAIA. Là người luôn phải ra sân bay, trước đây tôi phải dự trù thời gian đi trên đường từ 1.5h đến 2h, nay chỉ cần 30 phút và không bị đau tim khi ngồi trên xe lo muộn. Khi chưa có đường đã có lần hơn 4000 hành khách trễ máy bay đồng loạt gửi đơn kiện thành phố Manila. Hệ thống đường hoành tráng tổng chiều dài 11.2 km này do TT Aquino khởi xướng được thi công trong vòng 3 năm giữa lòng 1 đô thị đông đúc, và chính thức đi vào hoạt động 1 năm sau khi TT mãn nhiệm.
Dù mang lại nhiều thành công, Chính phủ thời TT Aquino thời gian cuối cũng bị dính vào bê bối tham nhũng từ Chương trình Pork Barrel do Phó TT Binay phụ trách (Binay là Phó TT bị nhiều cáo buộc tham những nhất, trong đó có 2 căn hộ khu tôi đang ở trị giá $600,000 do nhà thầu tặng), TT Aquino chỉ bị chỉ trích là thiếu tinh thần trách nhiệm để cấp dưới làm loạn. Chương trình này cho phép các nghị sỹ dùng tiền ngân sách Trung ương đầu tư cho những vấn đề ở địa phương do cử tri đề xuất. Ầm ỹ một thời gian lúc ngài Phó TT tranh cử TT nhiệm kỳ tiếp, rồi cũng lại chìm xuồng. Chắc chả có gì lớn, vì thực sự tôi thấy chương trình có mục đích đúng đắn và hợp lòng dân. Báo chí nói nhiều đến đời sống sinh hoạt xã hội của Ông sau khi cô Pia Alonzo Wurtzbach trở thành Hoa hậu Miss Universe 2015. Ông công khai và thẳng thắn trả lời báo giới là cả 2 đều chưa vợ chưa chồng thì gặp nhau hẹn hò có gì là sai trái luật pháp (đúng tinh thần thượng tôn pháp luật). Đến giờ không rõ mối quan hệ đó tiến triển thế nào.
Tôi rất nhớ hình ảnh Ông nhanh nhẹn, mặc T-shirt vàng giản dị xông xáo xử lý tình hình siêu bão Haiyan tàn phá tháng 11/2013. Tôi còn nhớ nhất chương trình TV vào đầu năm 2012, khi vụ bắt giữ 25 con tin Hongkong trên 1 xe bus du lịch ngay giữa trung tâm Manila làm chết 8 người xảy ra từ hồi tháng 8/2010, đang vào thời điểm nóng, TT luôn phải hiện diện trên TV trực tiếp giải quyết căng thẳng ngoại giao giữa 2 nước. Khi trong xã hội có lời phê phán là TT luôn tươi cười không hợp bối cảnh ngoại giao đau buồn thì Ông lên TV rất thẳng thắn thanh minh với quốc dân đồng bào là Ông vốn răng vẩu chứ không phải tươi cười vô thức trong hoạn nạn và trên đau khổ của người khác. Tôi thích ở TT Aquino sự thẳng thắn, rất đời thường và nhanh nhẹn đó.
Rodrigo Duterte (2016-20XX)
Cụ lên nắm quyền TT lúc đã 71 tuổi và trở thành vị TT nhiều tuổi nhất ở Phils. Trước đó Cụ là Thị trưởng thành phố Davao ở Mindanao, đảo lớn thứ 2 ở Phils và nổi tiếng vì là địa bàn của nhóm khủng bố Abu Sayyaf, thề trung thành với IS, nơi có cộng đồng tập trung người Hồi giáo của Phils. Dưới sự lãnh đạo quyết liệt của một người quen cầm súng và bộ óc của luật sư, Davao hồi đó được coi là thành phố yên bình nhất Phils. Với kinh nghiệm đó, vừa nhậm chức Cụ thực hiện ngay trên toàn quốc chiến dịch truy lùng và bắn giết những kẻ liên quan đến ma túy với tuyên bố “tôi sẽ bắn tất cả và vứt chúng xuống biển cho cá ăn”. Báo chí đưa tin: đến nay đã có trên 4000 người bị giết không cần xử án. Theo thông tin của National Police thì đến tháng 1/2017 con số này là 7,000. Thế giới lên án, nhưng dân thì đồng tình. Có vẻ như tình hình an ninh tốt hơn. Tuy nhiên cũng có khá nhiều trường hợp lợi dụng chiến dịch để thanh trừng lẫn nhau hoặc tống tiền. Cơ quan chúng tôi liên tục nhắc nhở nhân viên các biện pháp xử lý khi bất ngờ bị cảnh sát vào nhà hoặc bị bắt dừng xe giữa đường không rõ lý do.
Điểm nổi bật thứ hai của Cụ TT già là ăn nói bạt mạng. Cụ phát biểu bằng tiếng Anh kèm tiếng Tagalog, đệm thêm các câu chửi thề hoặc tiếng lóng địa phương. Đã thế lại còn lập trường bất nhất. Nhân viên của Cụ suốt ngày họp báo giải thích và chữa cháy. Tới giờ cũng chẳng hiểu Cụ thân với phe nào, tuy được cái luôn khẳng định độc lập chủ quyền của đất nước một cách nông dân “việc nước tôi để chúng tôi tự giải quyết, không ai khiến các người chõ mũi vào”. Có nhiều động thái chứng tỏ Cụ thân Tầu, nhưng cũng khá thận trọng khi Cụ cử hẳn cựu TT Fidel Ramos làm Đặc phái viên về Tầu. Quan hệ truyền thống với Mỹ cũng chả rõ ràng. Chúng tôi cứ bảo nhau: “hai ông TT khùng ở 2 nửa địa cầu nói chuyện với nhau, biết đằng nào mà lần”. Sau khi Trump thắng cử, tỷ giá đôla của đồng Peso Phils cứ phập phù theo tính khí thất thường na ná như nhau của 2 cụ TT già này. Trước đây khi tỷ giá ổn định chúng tôi đổi USD tiêu cả tháng, nay phải đổi ít một theo kiểu “ăn đong hàng tuần” (viết đến đây bỗng nhớ tôi đi làm ở Indonesia năm 1998, giữa cơn bão dữ dội của khủng hoảng tài chính châu Á, phải canh đổi USD từng giờ, chỉ đúng lượng cần dùng ngay). Tuy nhiên, Cụ rất gây ấn tượng của một người đàn ông mạnh mẽ, quyết đoán, thân thiện và gần gũi. Đó là cảm nhận của tôi khi Cụ đến cơ quan tôi cách đây hơn nửa năm, nói vo chả cần giấy tờ lẫn máy nhắc, với ngôn ngữ đơn giản và mạch lạc của luật sư (tất nhiên không đệm tiếng lóng).
Thấy báo chí thông báo ưu tiên tiếp theo của Cụ TT già là giảm kẹt xe ở Manila, bắt đầu bằng chương trình hủy bỏ Jeepney. Trong 2 tháng nay đã có 2 cuộc đình công của lái xe jeepney, với hệ quả là chính phủ phải cho các trường học và các cơ quan nhà nước nghỉ 2 ngày liền. Đường xá thông thoáng hơn hẳn. Hết 2 ngày đình công tình hình lại y như cũ. Không biết bao giờ chương trình được thực hiện và biện pháp giao thông công cộng nào được thay thế vì quả thực jeepney rất tiện lợi cho dân nghèo, tuy chạy lộn xộn và rất ô nhiễm. Đành kiên nhẫn chờ hết nhiệm kỳ của Cụ vậy, nhưng còn những 4 năm nữa, trừ phi Cụ bị luận tội bất tín nhiệm. Người Phils ghét nhất tham nhũng và độc tài gia đình trị. Nhưng có vẻ như Cụ chẳng dính đến 2 thứ này.
Có lẽ chỉ có Cụ TT nông dân này là cầm tay người đồng cấp (TTg Nhật bản) dẫn vào thăm phòng ngủ đơn sơ rất chất Phils của mình. Lại cũng có lẽ Cụ là một trong số rất ít người bố có tuyên bố giữa thanh thiên bạch nhật và trước bàn dân thiên hạ, khi có xì xào về chuyện con trai TT có thể liên quan đến đường dây buôn bán ma túy: “Nếu con trai tôi dính đến ma túy, chính tay tôi sẽ bắn nó”. Trông người ngẫm đến ta nhỉ? Tôi còn thích phong cách của Cụ: rất ít khi thắt cà vạt, thường mặc áo bò hoặc sơ mi casual và luôn xắn tay áo như sẵn sàng xông vào việc. Giống như tôi đã từng thích phong cách cựu TT Benigno Aquino không cà vạt và thường xuyên xuất hiện với áo T-Shirt.
Tò mò về tính cách của Cụ TT, tôi cũng tìm hiểu thêm chút thân thế sự nghiệp thì biết: Duterte (biệt hiệu là Du30 hoặc Dugong) sinh ra, lớn lên và tạo dựng sự nghiệp toàn bộ là ở cái thành phố tỉnh lẻ Davao, ngoại trừ mấy năm học ĐH ở Manila. Cụ là người giữ chức Thị trưởng lâu nhất ở Phils, tổng cộng 22 năm trong 7 nhiệm kỳ. Quả thực là dưới thời Cụ, Davao rất yên bình và đáng sống (tiếc là tôi không kịp đi) nhưng Davao nay đã mất an ninh rồi (Tôi chợt so sánh với trường hợp NBT và Đà nẵng). Hồi nhỏ Cụ đã từng bị cha cố lạm dụng tình dục. Cụ công khai nói về điều đó và giải thích lúc đó còn quá nhỏ và quá yếu thế để tố cáo. Có lẽ vì vậy Cụ đã chọn ngành luật và khuyến khích người nghèo được luật pháp bảo vệ. Trong thời gian học ở Manila, Cụ đã từng bắn một sinh viên ngay tại hành lang của trường vì bị SV này trêu chọc về nguồn gốc dân đảo vắng của mình. Sau này Cụ chỉ giải thích đơn giản: Tôi thấy bị xúc phạm và đã quen giải quyết công việc bằng súng.
Nói gì thì nói, vẫnphải thừa nhận là ở tuổi Thất thập, Cụ TT trông còn rất cường tráng và hấp dẫn nhờ vẻ đàn ông phong trần, phóng khoáng và chắc chắn.
Chương kết:
Đúng vào thời điểm tôi viết những dòng này thì báo Manila Times ngày 2/12/2017 có bài phân tích về Kế hoạch 6 năm khôi phục kinh tế Phils của TT Duterte. Theo phân tích này, trong thời gian tới Phils sẽ trở lại là con hổ Châu Á và để các nước láng giềng chìm ngập trong bụi bậm. Đó là nhờ chính sách tập trung xóa nghèo đói, dỡ bỏ những rào cản đối với sở hữu nước ngoài, thay đổi trụ cột kinh tế sử dụng PPP (đối tác công tư) của người tiền nhiệm bằng cách dựa vào ODA từ Trung quốc và Nhật bản. Tôi thì chả tin vào những thay đổi chính sách này, nhất là 2 chỗ dựa mà Ngài TT nông dân đã lựa chọn.
Ở Phils, khi Tổng thống thay đổi, nội các thay đổi theo và cán bộ chủ chốt của tất cả các ban ngành cũng thay đổi nốt. Tôi có cô bạn là tư vấn dự án tôi phụ trách. Vào một ngày đẹp trời, cô thông báo đã trở thành Bộ trưởng Môi trường. Vừa kịp gặp nhau ăn 1 bữa chúc mừng, thì chỉ một thời gian ngắn sau đó, sau khi có TT mới, cô lại thông báo có thể trở lại làm tư vấn.
Thay cho lời kết, tôi muốn nói dù TT ở đất nước này có là ai thì những người dân vẫn có nhiều tư chất đáng quý của họ. Điều đó mới là trường tồn. Phils là nước Công giáo, không được ly hôn và nạo phá thai. Vì vậy trẻ con rất nhiều. Nhưng tôi không thấy nhiều đứa trẻ nghèo có vẻ lầm lũi cho dù chúng lăn lóc trên đất cát, có lẽ vì người Phils quen chấp nhận số phận. Họ luôn có nụ cười thân thiện và tươi tắn trên mặt, ánh mắt sáng như cười. Tôi cũng đã nhiều lần đi qua những xóm nghèo kể cả ở những vùng xa xôi, nhưng chưa bao giờ thấy cảnh đánh mắng trẻ con. Cũng có thể tôi chưa biết hết xã hội thực của họ…nhưng mong những cảm nhận của tôi là đúng. Sáu năm ở đây tôi chưa bao giờ gặp cảnh đánh cãi nhau ngoài đường do va chạm, chưa thấy những cảnh say xỉn, những tiếng la hét bạo hành ở khu dân cư sát bên khu nhà tôi ở. Người Phils thường take it easy, nể nang xuề xòa bỏ qua cho nhau, về một khía cạnh nào đó thì có thể nói họ lười biếng, kể cả trong lao động, suy nghĩ và đấu tranh sinh tồn, ngại va chạm. Dân Phils chịu ảnh hưởng văn hóa nhiều của Mỹ trong sinh hoạt (không phải trong công việc), chơi hết mình, thích du lịch khám phá, ăn uống liên tục. Hay nhất là họ học được sự văn minh văn hóa, thể hiện trong ứng xử nơi công cộng và xếp hàng rất nghiêm chỉnh. Không bao giờ thấy họ chen lấn lên tầu xe, dù có phải đứng dưới mưa xếp hàng.
Mà cảnh sát giao thông ở đây cũng rất mẫn cán: cứ nơi nào tắc xe là thấy mặt họ và điều hành khá hiệu quả, cho dù dư luận là họ vòi tiền khá giỏi, tuy vậy chỉ ở những nơi vắng vẻ chứ không tràn lan (Có lần tôi bị va chạm xe phải vào đồn khai báo lấy xác nhận, cơ quan phải gọi điện nhắc cảnh giác với những đòi hỏi nộp tiền vô lý của cảnh sát). Tôi rất yêu cái Cơ quan điều hành giao thông của Metropolitan Manila Development Authority-MMDA, vì thấy họ liên tục thay đổi cách phân luồng giao thông, có khi hiệu quả có khi không, nhưng chứng tỏ họ thực sự làm việc và động não để tìm tòi các biện pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông. Tôi luôn cảm thương những CSGT ở Manila đội mưa nắng đứng làm nhiệm vụ giữa hàng vạn chiếc xe qua lại phun đầy bụi khói vào giờ cao điểm. Vì vậy cũng đỡ giận họ khi vài lần phải kín đáo dúi tiền vì lỡ vi phạm luật giao thông.
Với những tính cách như vậy, lại thêm tiếng Anh phổ cập, người Phils có rất nhiều lợi thế trong và ngoài nước. Có hơn 10.2 triệu người Phils đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, trong đó gần 4 triệu là ở Mỹ, lượng kiều hối năm 2016 là gần 27 tỷ USD và vẫn liên tục tăng (dự báo lên 33 tỷ trong năm 2017), chiếm 11.33% GDP (304.9 tỷ năm 2016). Nhiều người ở lại định cư, nhưng những người trở về thường mang phong cách sống văn minh về theo. Tôi đã đi nhiều vùng quê Phils, thấy nghèo nhưng không nhếch nhác, họ đặc biệt quan tâm đến vệ sinh cá nhân. Tôi rất tâm đắc với nhận xét: Khác biệt lớn nhất giữa Phils và VN là dân Phils thành thị hóa nông thôn còn VN thì nông thôn hóa thành thị.
Cuối cùng tôi muốn nói: Quả thật các đời Tổng thống Philippines cũng đã phải nỗ lực làm việc vất vả để lãnh đạo một đất nước hơn 7000 hòn đảo, một năm hơn 20 cơn bão với các hiểm họa thiên nhiên khác như động đất, núi lửa…, 100 triệu dân với tràn lan đói nghèo, tắc nghẽn giao thông, không khí ô nhiễm, và bao nhiêu khó khăn khác. Được biết rằng toàn bộ nền kinh tế được điều khiển bởi khoảng 10 tập đoàn gia đình khổng lồ, hơn một nửa trong số đó có gốc gác là người Tầu, lấy vợ lấy chồng người Phils và phần lớn đã đổi sang họ tên Phils để dễ làm ăn…Và điều đáng nói là đời Tổng thống nào cũng để lại một vài dấu ấn có lợi cho xã hội, cho đất nước của họ.
Người post: PhuongTT
Ngày đăng: 17-12-2017 10:10
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |