Tháng 5 đong đầy nỗi nhớ
Tác giả: HoaNT
Tháng 5 đong đầy nỗi nhớ
Những ngày tháng năm này nhà tôi có đầy ắp những sự kiện không quên. Vào dịp này là ngày giỗ lần thứ 16 của Bố tôimcũng là những ngày đi công tác triền miên với phòng chống dịch SARS ác liệt, dịp kỷ niệm 42 năm tốt nghiệp đại học KGU, 20 năm tôi bảo vệ luận văn Tiến sỹ, 16 năm đứng trước Hội đồng Học hàm trình bày những nghiên cứu để được xét duyệt nhận Hoc hàm Phó Giáo sư và rồi hết tháng 7 này tôi cũng nghỉ hưu được gần 3 năm kết thúc 39 năm làm việc tại Viện VSDTTW
Những lúc như thế này tôi thường ngồi một mình rưng rưng nhớ những kỷ niệm với bố mẹ và lại nhớ các cụ vô cùng. Ngày nào bố mẹ vẫn còn trẻ măng bế con gái đầu lòng về Hà Nội.
Những ngày như thế này tôi muốn viết nhiều về người cha tôi người lính cụ Hồ, một người bác sỹ quân Y đã cả đời chiến đấu cho 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Bố tôi sinh ra trong một gia đình nhà giáo tại làng Cự khối, Thổ khối, Gia lâm nay thuộc tp Hà Nội. Ông nội tôi là ông giáo Tri- Nguyễn Hữu Tri nổi tiếng tại quê nhà và phủ Vân Đình vì ông tôi có tới 40 năm dạy học tại phủ Vân đình, Ứng hòa, Hà Tây. Ông nội tôi có rất nhiều học sinh sau này nổi tiếng như Gs. Ngô Thúc Lanh là bạn thân của bố tôi, Nguyễn Cơ Thạch....
Có lẽ gắn bó với Ứng hòa như quê hương thứ 2 nên cụ đặt tên cho bố tôi là Nguyễn Thụy Ứng. Hôm vừa rồi giỗ ông nội các con cháu chắt rất tự hào đón nhận quyển sách Kim cổ thi ca là tuyển tập thơ ca mà ông tôi đã sáng tác và sưu tầm thành sách giáo koa để dạy cho trẻ các lớp vỡ học thuộc lòng. tập thơ này đã được phát hành năm 1925, đã đoạt giải nhất thơ ca cấp toàn Đông dương và đang được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia. Chắt nội của cụ là Nguyễn Kim Long đã sưu tầm được trong thư viện QG và đã trao quyển sách này cho cô út của tôi, con gái của ông giáo Tri là bà cô duy nhất của họ chúng tôi đang còn sống. Có lẽ xuất phát từ một gia đình có bố là nhà giáo, hay làm thơ nên các cô chú bác nhà bố tôi ai cũng có khiếu làm thơ, Nhiều bài thơ bố tôi được đăng trên các báo, sau này là hội viên trong câu lạc bộ thơ Quân y.
Có hôm nằm trong khoa A1 Viện 108 nghe bố tôi đọc bài thơ mà c một Tổng biên tập báo Phụ nữ đã xin để đăng và mời bố tôi làm cộng tác viên mục thơ của báo Phụ nữ Việt Nam. Mấy anh em trai của bố tôi lại rất mê và đá bóng khá tốt nên có thời bố tôi cùng các chú là các thành viên của đội bóng đá đá giao lưu với nhau. Nhớ giải Worl Cup 2000 bố tôi theo dõi sát sao các trận bóng, sau mỗi trận là một bài thơ được ra đời.
Nhà bố tôi đông có tới 10 anh chị em 5 trai, 5 gái, có 1 bác là thày giáo mất sớm nên sau này còn 9 anh chị em sống rất hòa thuận và ai cũng được ăn học tử tế, là người có ích cho xã hội.Năm 1945 bố tôi tham gia tòng quân rồi lên chiến khu tham gia công tác tại Quân y Viện 108. Ông cũng đã tham gia nhiều chiến dịch trong cuộc kháng chiến chống pháp và đã được thưởng nhiều huân, huy chương trong cuộc kháng chiến chống pháp tại các chiến dịch Nam Lào, Điện Biên Phủ...Bố mẹ tôi cưới nhau năm 1952 và tôi được sinh ra vào ngày 17/7/1954 sau chiến thắng lẫy lừng Điện biên phủ và ngày ký Hiệp đinh Giơ ne vơ. Lúc đầu tôi được mọi người gọi tên tôi là Hòa Bình, cho đến bây giờ tất cả họ hàng,các cô chú bác thời bố mẹ tôi ở Viện 108 cũng đều gọi tôi là Hòa Bình. Lúc đó rất nhiều đứa trẻ sinh ra đều tên là Hòa Bình nên bố mẹ tôi đổi tên cho tôi để tránh sự trùng tên, lúc đầu bố đặt tên là Thụy Hòa giống như bố là Thụy Ứng thấy hơi trúc trắc nên mẹ tôi chiều lòng bố đổi lái lại thành Thúy Hoa với ý nghĩa là bông hoa xanh tầm thường. Đến 10/10/1954 bố tôi cùng đoàn quân tiến về giải phóng thủ đô, cái bỡ ngỡ của người lính cụ Hồ sau 9 năm được bố tôi mô tả trong lần ra mắt đầu tiên ra mắt nhà gái vì lúc dó tôi còn bé quá mới được 3 tháng nên ở lại với mẹ trên chiến khu Việt Bắc. Cảm xúc đó được bố tôi viết gửi cho mẹ tôi vào tháng 11/1954 rất vui và cảm động:
Hà Nội, ngày 10/11/1954
Em thân yêu
Từ hôm về chưa viết thư cho em được vì chưa có hoàn cảnh gửi. Hôm nay viết về cho em yên long. Con Hòa Bình có ngoan không, nhớn tý nào chưa, em đã khỏe và công tác chưa. Cứ yên tâm và đừng thắc mắc gì nhé. Anh kể chuyện cho mà nghe.
Hôm đầu tiên về Thủ đô, chưa được đi chơi đâu cả, một hôm đi công tác qua nhà cô Hồng, chỉ dám nghé vào một tý mà không dám vào, hành quân trông thấy chị ngồi bán hang ở chợ Hàng Da cũng phải fớt đi. Sốt ruột nhưng độ 1 tuần sau thì được phép ra thăm gia đình. Trước hết anh đến nhà mợ ở 18 fố Cửa Đông, mợ thuê căn nhà này và ở với 3 em gái và 1 em giai của anh, Cô Nhâm và cô Tân bán vải ở chợ Hàng Da, em Hiền và em Thảo đi học. Mợ cũng bán hang vải. Các em hôm anh về thì mừng tíu tít, nhưng mợ thì đi vắng. Mấy hôm sau mợ về anh cũng tranh thủ về gặp. Mẹ con gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Cả nhà mong em và con Hòa Bình về lắm. Gia đình khỏe mạnh. Sau đó anh đến nhà anh Fan ở 22 Hàm Long. Anh Phan vẫn làm ở nhà thương và đã có 6 cháu. Chúng nó cũng đều ngoan và anh chị Fan đều khỏe.
Sau đó anh xuống phố Duy Tân. Hồi hộp và cảm động lại hơi ngượng nữa. Nhìn xa xa hai chữ Hồng Điệp ( tên cửa hiệu) anh cảm thấy gia đình em lúc nào cũng hướng về em và cậu Điệp ở ngoài kháng chiến. Thoạt bước vào thì gặp ngay vợ chồng cô Hồng. Hai người cũng tưởng là một anh bộ đội vào hỏi thăm cái gì kia. Biết là cô Hồng rồi nhưng anh cũng hỏi xem có đích thực là cô em gái em không?Sau đó anh mới tự giới thiệu: Tôi là Ứng đây. Cô Hồng reo lên và tíu tít chạy vào nhà gọi chị Đoan. Gia đình gặp anh vui vẻ lắm nhưng chưa nói chuyện được mấy chỉ mới nói qua tình hình Hà Nội, kháng chiến thôi. Sau đó cô Hồng, chị Đoan và cu gì đấy con chị Đoan đưa anh lên nhà chị Chính. Các chị đều khỏe cả, các cháu cũng vậy. Anh Phụng và chồng cô Hồng cũng khỏe mạnh lắm. Trưa hôm đó anh ăn cơm ở nhà chị Chính. Anh định 1 hôm nào được phép sẽ về nhà tâm sự với các chị và cô Hồng nhiều hơn vì hôm đó chỉ được nghỉ từ sáng đến chiều mà lại phải đi thăm nhiều gia đình mà chẳng có em cùng đi thành thử cũng vẫn ngường ngượng thế nào ấy. Ai lại hôm đến cô Hồng anh khát nước ghê mà nhà có kem thì không mời ăn lại pha cafê mà anh cũng không dám phát biểu ý kiến đề nghị. Gia đình mong gặp em và con lắm. Biết tin cậu Điệp các chị cũng yên tâm. À con bé gì con chị Chính mà trước đây gọi em là má ấy bây giờ nó cũng từa tựa cô Lâm ấy, em về thì chả nhận được mặt cháu đâu. Ngay anh khi về nhà các em ruột có 4 đứa thì chỉ nhận được một còn các cháu thì quên hẳn vì nó khác quá. À anh gặp cả anh Đào nữa, nó khỏe và vui tính lắm.
Hôm nay anh viết thư có lẽ cô Cả và mợ San cũng sắp về Hà Nội. Mợ và các em chờ cô Cả và mợ San lắm. À quên sau khi anh ăn cơm xong ở nhà chị Chính về thì đã 2 giờ chiều, tạt vào nhà anh Phan lại phần một mâm cơm tướng lại phải cố gắng ngồi nhắm với mấy thằng cháu vì anh Phan đi làm rồi. Sau đó anh trở về nhà các em thì lại cũng một mâm cơm linh đình chờ đợi. Anh lại cũng mạnh dạn ngồi ăn một cách ngon lành với các em mặc dù đã quá no. Những bữa cơm đó là những bữa anh không thể từ chối được.
Bây giờ đến chuyện Hà Nội: vẫn như trước căn bản không có gì thay đổi. Chỗ bán hoa ở Tràng Tiền nay xây lại, quanh Bờ Hồ có nhiều quán bán giải khát hơn, tàu điện sơn màu sặc sỡ hơn, chỗ ga tàu điện cũ ở Bờ Hồ phá mất và cạnh đấy dựng lên một trạm thong tin, không còn xe kéo nữa mà chỉ có cyclo và taxi. Phố xá thì vẫn vậy.
Còn chuyện công tác thì hiện nay đang làm công tác tiếp đón thương bệnh binh, sáng tập thể dục thay vào tăng gia. Hiện nay nhân viên biến thành những người công nhân sửa giường, sơn giường … Mọi người đều lo lắng với nhiệm vụ nặng nề sắp tới.
Thôi thư sau anh sẽ nói nhiều hơn vì mấy hôm nay bận lắm. Em cố gắng và yên tâm công tác nhé. Một ngày gần đây chúng ta đưa nhau cùng về thăm gia đình. Hôn con và em nhiều.
Nói với Thiện, Nga, chị Thái, Điệp, Tuyên và Phương, Toại là mình lúc nào cũng nhớ những người ở lại, không viết thư được là cũng áy náy lắm đấy. Nhưng đọc chung thư này vậy thôi, chúc tất cả mạnh.
Anh Ứng
Năm 1961 bố tôi tốt nghiệp lớp bác sỹ đầu tiên của trường Đại học Quân Y được gửi sang trường Đại học Y Hà Nội đạt xuất sắc, nhà tôi vẫn còn lưu giữ tờ báo Quân Đội Nhân dân thời đó đã đưa tin về khóa bác sỹ quân y tốt nghiệp này trong đó có bác Lê Thế Trung, bố tôi, bs Dung là những bác sỹ tốt nghiệp loại ưu. Cũng vì thế mà bố tôi được lựa chọn nơi công tác hoặc trường hoặc viện. Nghe mẹ tôi kể lại rằng bố tôi có hỏi ý kiến mẹ tôi thì mẹ tôi rất thực tế khuyên là bố tôi nên lên Cục Quân y với lý do khá buồn cười và nhạy cảm, kinh nghiệm mà mẹ tôi nói riêng cho tôi là: ở lại viện thì vất vả, tiếp xúc với bệnh tật, phải trực liên tục và với vẻ đẹp trai, ga lăng, nhiều tài, tốt bụng, rộng rãi ... như bố tôi rất dễ cảm nắng các cô trẻ đẹp, về Cục chỉ tiếp xúc với các ông già, gần mặt trời dễ thăng quan, tiến chức. sau một thời gian là trưởng khoa đầu tiên của khoa Truyền nhiễm A4 của Viện 108 bố tôi lên Cục Quân Y là trưởng phòng Điều trị của Cục đến lúc về hưu. Cho đến sau khi bố tôi mất mẹ tôi mới công nhận bố tôi là người chồng, người bố hết mực thủy trung, hết lòng vì vợ con vì lúc đưa ma chẳng có ai đến nhận là con ngoài giá thú. Đúng là bố tôi là một người chồng, người cha mẫu mực, tôi nhớ mãi những lúc bố tôi dạy tôi học, làm thơ rồi những bữa cơm bố tôi trổ tài khá ngon và các món ăn bố tôi làm rất ngon. Hướng cho tôi công việc sau này cũng là do bố tôi, rồi bố làm chủ hôn cho vợ chồng tôi...
Nhớ mãi mùi vị xuất bánh mỳ mà bố tôi nhịn ăn trong những ngày nằm kiểm tra sức khỏe trong khoa A1 mang về cho 2 chị em tôi chiếc bánh mỳ cặp ba tê, dăm bông ngon tuyệt, rồi món tiết canh vịt là sở trường của bố tôi.Nhớ mãi hình ảnh mỗi lần từ chiến trường B về bố tôi trong bộ quần áo bà ba đen , mũ tai bèo chạy sộc vào giường chị em tôi ôm hôn thật chặt rồi lại vội vã ra chiến trường.Những năm tôi học ở Liên xô tôi thường ngóng chờ những bức thư bố tôi gửi từ chiến trường mặt trận Bình Trị Thiên Huế ác liệt để đọc cho các bạn cùng lớp nghe. Tôi vẫn còn lưu giữ bức thư bố tôi viết cho tôi khi tôi học năm thứ 2 rất cảm động
Hà Nội, ngày 8/7/73
Thúy Hoa Yêu quý
Bao giờ bức thư viết cho con vào dịp tháng 7 cũng có một ý nghĩa đặc biệt. Đối với con đó là tháng kỷ niệm con cất tiếng khóc chào đời, con lọt lòng giữa niềm vui mừng của toàn quân dân sau chiến thắng Điện biên phủ lịch sử. Đối với bố mẹ đó là một niềm hạnh phúc khó lòng tả siết của 1 cặp vợ chồng lúc đó tuổi đã quá 30 đang trông chờ 1 đứa con đầu lòng mà bố mẹ đoán chắc phải là một cô “công chúa” . Niềm hy vọng trước những ngày tháng 7 đáng ghi nhớ đó đã kèm theo một mối lo, con có biết tại sao không? Ai lại gần đến tháng đẻ rồi mà nghe tim thai đập yếu quá, có khi lại không nghe thấy mới sợ chứ. Bố mời 1 số bác sỹ có kinh nghiệm đến “ hội chân” tức là cùng khám để kết luận. Cũng có ông nói thế nọ, ông nói thế kia nhưng bố vẫn phải động viên mẹ là yên trí . Nhưng yên trí sao được khi bản thân mẹ con cũng thấy thai ít cựa quaayjquas. Bố thì quả quyết là mẹ sẽ cho ra đời một cô con gái chỉ phải cái là sẽ ẻo lả, yếu đuối, và chắc là lành lắm. Điều đó đúng như dự đoán cách đây 19 năm nhưng tới nay thì không đúng nữa phải không con? Vì ít nhất bây giờ con cũng ngót ngét 50kg tán róc hơn khiếu và ăn như tằm ăn rỗi, chứ có kém ai. Nhưng cứ nghĩ lại lúc ấy thì đúng là con bị đe dọa ghê quá. Trung bình 1 hài nhi khi lọt lòng phải từ 2,5kg trở lên thì con chỉ được 1,7kg. Mà lại nuôi dưỡng trong hoàn cảnh khangs chiến ở vùng rừng núi . Cứ cái việc kiếm đủ sữa hộp cũng đã vất vả rồi.
Bố mẹ chắc cũng nhiều lần kể cho con nghe hồi con được 2 tháng, bố mẹ đi họp đêm, để con ở nhà cạnh buồng họp thôi, úp
cho con một cái màn như lồng bàn, lúc khuya về đã hoảng hồn vì có 1 con rắn độc nằm cuộn khúc ngoài rìa màn. May nó lại ngoan ngoãn tuồn đi chứ nếu nó lách được vào màn đớp cho con một cái thì…! Và trong quá trình con lớn lên cho tới khi 9,10 tuổi thì nhiều bệnh tật quá, cứ có bệnh dịch gì là con cũng mắc làm mẹ con hết sức vất vả đấy, tất nhiên là bố cũng vất vả nhưng kém mẹ vì bố phải đi công tác luôn. Bố rất thương mẹ con, trong kháng chiến chống Pháp mặc dù gầy yếu ( có 37 ki lô thôi) nhưng đã chịu đựng gian khổ và hoàn thành tốt nhiệm vụ; nhưng từ khi có các con thì rất vất vả, ốm yếu nhiều và đã phải thiệt thòi. Là một người chồng bố biết lắm chứ, mẹ con nghỉ ở nhà bây giờ cũng vẫn còn vất vả, buồn lắm đấy mặc dầu sức khỏe, đời sống bây giờ ngày càng cải thiện hơn. Con hãy viết thư về động viên mẹ và khuyên em Trung chăm học đừng làm mẹ phiền lòng. Thằng Trung nó chỉ ham chơi và chén thôi. Kể ra thì nó học được nếu nó chịu khó hơn một chút.
Mùa này ăn thịt vịt nhiều rẻ thôi,5 đồng/ 1 con thì ăn 2 bữa đối với gia đình mình. Thế nhưng trưa hôm qua bố chặt thịt vịt để ½ con đến chiều, anh ta vẫn thắc mắc là bữa này ăn thế thôi à? Mặc dầu còn lòng xào dứa nữa. Hoa quả cũng nhiều, tháng trước ăn 1 bữa vải thiều rất ngon, tháng nàyđang có nhã, mít. Những thứ đó chắc bên ấy không có. Sáng nay đến cơ quan trực bố mang đi 1 bánh mỳ , 1/3 hộp sữa và 2 trứng vịt thay bữa trưa. Sang không con? Lại còn uống thêm 1 chai bia, ăn tráng miệng 2 qur chuối tiêu và uống 1 tách cà fe nữa , chủ nhật mà.
Cách đây 1 tuần, bố ra ga đón một người bạn đi chữa bệnh nước ngoài về nhưng lại đón hụt vì anh ta chưa về. Vẫn cảnh tượng như hồi bố mẹ và Trung và bạn con ra ga tiễn con đi làm bố lại càng mong ngày ra ga đón con. Nói vậy thôi chứ con đừng số ruột, ngày đó sẽ đến thôi vì mới hồi nào tiễn con đi mà thấm thoắt đã 2 năm rồi tức là đã 1/3 thời gian rồi đó.Đêm hôm đó bực mình vì bạn không về lại gợi cho mình nhớ đến con nhiều hơn nhưng bố đã giải quyết bằng cách cùng mấy anh bạn cho xe ô tô 1 tua khắp Hà Nội, mỗi người ăn 1 bát phở gà và 3 chiếc kem dừa, về đến nhà đúng 12h đêm mới lên giường ngủ.
Bao giờ bạn con về khi sang bố mẹ sẽ gửi quà cho con ( dép, thuốc ho hoặc gạo nếp, bánh đa nem gì đó) thư này viết có lẽ lâu con mới nhận được vì con đi nghỉ mát nơi khác mà. Nếu con ốm thì cứ đi khám bệnh đi, đừng sợ . Con kể bệnh bên này bố có kê đơn cho cũng khó và không đúng nguyên tắc
Tranh thủ ăn hoa quả là tốt, nếu có thể mua đa sinh tố ở hiệu thuốc mà uống thêm. Con đừng mua những thứ gì lăng nhăng gửi về, vì khi đi Trung nó thích cầu lông cò bây giờ chưa chắc nó đã thích đâu. Bố của con Ứng.
TB. Bố chuẩn bị 2 tờ giấy như thế này viết thư cho con vì là trực cả ngày chủ nhật hôm nay ở cơ quan mà. Nhưng bây giờ lại có việc đột xuất phải đi đây. Thư sau vậy nhé.
Hôm qua gặp bác Hương là bố bạn Minh. Chưa có dịp gặp bố mẹ Quế của bạn Thanh. Chúc con và các bạn con khỏe, học tốt và đoàn kết.
Chính bố tôi là người đã hướng cho tôi theo nghề của bố và gợi ý để tôi nhận công tác tại Viện VSDTTW là nơi tôi đã gắn bó, trưởng thành trong gần 40 năm. Tôi cũng đã chọn ngày 7/5/1996 là ngày bảo vệ chính thức luận án Phó tiến sỹ và bố tôi cùng chồng con và các bạn đã tham dự chúc mừng trưởng thành của tôi trong bước đường nghiên cứu khoa học. Ngày đấy tôi đã chọn đúng ngày Giải phóng Điện biên là ngày bảo vệ luận văn Phó tiến sỹ bởi vì tôi là con nhà binh, bố mẹ tôi là quân y phục vụ chiến dịch Điện biên phủ và hôm đấy có bố tôi người chiến sỹ quân y chiến dịch Điện biên phủ đến chúc mừng con gái rượu bảo vệ Phó tiến sỹ. Thày hướng dẫn chính của tôi là Gs. Trần Tiến. Chủ tịch Hội đồng bảo vệ luận văn là cố Gs. Hoàng Thuỷ Long. Phản biện thứ nhất là Gs. Bùi Đại. Phản biện thứ 2 là cố Gs. Vũ Thị Phan. Các thành viên trong hội đồng là các Gs. Đính Phạm Ngọc, Phạm Xuân Ngọc, Nguyễn Thị Minh Tâm, Dương Đình Thiện, Đào Đình Đức.,Trong hội đồng có các đồng nghiệp của bố tôi cũng đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ như Gs. Bùi Đại, Gs. Đào Đình Đức. Thầy hướng dẫn cùng cả Hội đồng đều là những người của thế hệ vàng đứng đầu các chuyên ngành, có đức, có tài đó là niềm vinh dự tự hào mà tôi được hưởng.
Nhân dịp này chú ruột tôi lúc đó là trưởng đoàn Văn công Đắc lắc đã viết thư và gửi bài thơ đế chúc mừng như sau:
Thơ chú Cương
Balmê, 18/5/1996
Anh chị quý ,
Trước hết xin chúc mừng “BÀ NGHÈ THÚY HOA”. Cô cháu gái đầu tiên của họ Nguyễn Hữu đã “Vinh quy Bái tổ…về nhà” Rất tiêc chú ở xa nên không thể “ thay mặt nhà vua” ban cho Bà Nghè một chầu…cháo lòng tiết canh (thay cho tiệc yến và ngự tửu ngày xưa). Nhân đây, chú chép tặng cháu bài thơ chú làm cách đây vừu đúng 30 năm:
Đổi Đời
Người xưa nói “ Phận đàn bà”
Mỏng manh như hạt mưa xa giữa trời
Phận gì phận bạc như vôi
Phận treo chuồng lợn, phận chui xó nhà
Tiếng là con của mẹ cha
Phận mình là gái hóa ra ngậm ngùi
Một trăm con gái trên đời
Không bằng một chút trai hôi nối dòng (!)
Họp bàn là chuyện đàn ông
Phận mình mình biết thờ chồng, nuôi con
Từ ngày trống vọng non sông
Mùa thu Cách mạng nức lòng ta đi
Chín năm đánh Pháp trường kỳ
Chúng tôi là gái kém gì các anh
Miền Bắc xây dựng hòa bình
Chúng tôi cùng với các anh góp phần
Miền Nam máu gọi hờn căm
Gái trai chung hướng xuất quân diệt thù
Một tay bà Định phất cờ
Thằng “MA” ,thằng”LỐT”, thằng “LƠ” khiếp hồn
Núi rừng thành thị nông thôn
Thi nhau vít cổ Giôn –Xơn xuống mồ
Từ nghe tiếng gọi Bác Hồ
Ta càng như song triều xô bạt ngàn
Việc nhà, việc nước đảm đang
Nghìn năm đây tỏ trí gan đàn bà
Thương người khóc phận ngày xưa
Gọi là có một bài thơ đổi đời
Phận xưa tăm tối hết rồi
Đàn bà nay, triệu gương soi sang ngời
Sơn La,2/9/66
( Bài này chú làm sau khi nghe Bác Hồ cao giọng mắng Giôn xơn với câu bắt hủ ;” Không có gì quý hơn Độc lập, tự do)
Chúc cháu con tiến xa hơn nữa với những công trình nghiên cứu cấp cao hơn. Chúc mừng anh chị còn gì vui hơn khi về già thấy con thành đạt, cháu nội, cháu ngoại ríu rít cùng ông bà
Còn rất rất nhiều kỷ niệm với bố yêu quý của bố mà mỗi khi con nghĩ đến là những kỷ niệm đẹp của con. Nhớ những năm cuối đời bố thường đọc Tin buồn trên các báo và Tv vì bố bảo chỉ có tin này là thực nhất chẳng ai bịa ra được để bố còn đi viếng đồng đội, đồng hương, thương thế. Còn rất nhiều ảnh đẹp của bố nhưng con vẫn thích những ảnh bố mặc đồng phục quân nhân, tích cái dáng uy nghi ngẩng cao đầu của bố nhất là những ảnh trong chiến trường B bố ạ, rất đẹp và tự hào. Nhân ngày giỗ của bố con xin kính dâng bố nén hương và mời bố mẹ cùng về ăn cỗ với bọn con nhé, mâm giỗ nào của bố bọn con cũng hay làm thịt vịt, giả cầy là những món bố yêu thích lúc còn sống đấy bố ạ. Con cũng xin đâng bố mẹ bài báo Sức khỏe & Đời sống viết về con và tập thể nơi con đã gắn bó suốt 39 năm nhờ có công sinh thành dạy bảo của bố mẹ đấy ạ. Con nhớ và yêu bố mẹ nhiều lắm ạ, con rất tự hào là con của bố mẹ.
Người post: HoaNT
Ngày đăng: 30-04-2019 20:08
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 1 - 2 của tổng số 2 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |