TRỞ LẠI CAMPHUCHIA
Tác giả: CucNT
TRỞ LẠI CAMPHUCHIA
Tôi trở lại Phnom Penh vào những ngày hè rực nắng. Nơi đây tôi đã đến vào năm 1989, khi dân Camphuchia vừa trãi qua những năm tháng điêu linh, tàn khốc nhất của lịch sử. Hồi đó đang du học ở Liên Xô, dịp hè về phép, tôi đã xin chú tôi cho qua Camphuchia cùng chú vài ngày, phần vì muốn tham quan đất nước mà vì nó nhân dân Việt Nam đã chia sẻ bao cay đắng ngọt bùi và cống hiến cả máu xương, phần vì muốn chứng kiến câu chuyện đau thương mà người bạn Camphuchia đã kể tôi nghe. Thành phố Phnom Penh cổ kính , điểm đặc biệt là những ngôi đền, Hoàng cung và chùa vàng bạc. Nhưng tôi chỉ được đứng nhìn ngoài xa một lúc rồi quay về ngay . Thủ đô Camphuchia lúc đó thưa thớt bóng người, chỉ đông đúc nơi những chuyến xe chở quân tình nguyện Việt Nam trở về đất mẹ. Người dân đứng hai bên đường một tay cầm cờ vẫy, một tay chùi nước mắt ngẹn ngào: “Tạm biệt các chú bộ đội, tạm biệt những đội quân nhà Phật đã cứu mạng nhân dân. Chúng tôi không bao giờ quên ơn bộ đội Việt Nam!”. Lúc đó Phnom Penh giải phóng đã 10 năm nhưng tôi chẳng được đi dâu khỏi khuôn viên đại sứ quán Việt Nam vì chú tôi vẫn sợ không an toàn cho tôi bởi những viên đạn lạc.
Chẳng có kỷ niệm nào vui trong chuyến đi đó nhưng tôi vẫn mong ước được trở lại. Đôi khi kỷ niệm buồn lại làm con người ta da diết muốn quay về hơn cả những ký ức vui. Tôi và Đô La kết bạn thân năm 1986, khi chúng tôi cùng học chung lớp dự bị tiếng Nga tại thành phố Kishinew – Moldova .Xong năm học dự bị thì Đô La chuyển lên Lvop học và chúng tôi mất liên lạc với nhau. Đã gần bốn mươi năm trôi qua nhưng tôi không nguôi nỗi nhớ Đô La và hình ảnh đôi vai Đô La rung lên, khuôn mặt nhạt nhòa nước mắt khi kể về thảm cảnh bố mẹ bị Pol Pot tàn sát, em gái thất lạc luôn ám ảnh tâm trí tôi. Tôi mong được gặp lại Đôla với niềm mong ước Đô La tìm được em gái của mình và đang sống cuộc đời hạnh phúc. Quay lại Camphuchia lần này, tôi hy vọng tìm được Đô La.
Xe chúng tôi đi qua biên giới Tây Ninh, tiến về Siem reap. Mùa hạ, trời nắng như đổ lửa, không một cơn gió, cánh đồng xung quanh khô khốc , nứt nẻ , thi thoảng có những con bò màu trắng gầy gò mệt mỏi gặm cỏ. Xa xa là những ngôi làng, nhà tranh vách đất , cứ cách một quãng ngắn lại có một ngôi chùa, đỉnh chùa cao vút nhọn hoắt lấp lánh ánh vàng, mái ngói cong cong, đỏ thẫm. Trãi qua chặng đường nắng nực, chúng tôi choáng ngợp trước rừng cây nguyên sinh rậm rạp, thân cây to mấy người ôm, tỏa bóng mát xuống một vùng rộng lớn tại Siem reap.
Một quần thể đền đài Angkor hùng vĩ hiện ra. Angkor Wat là sự kết hợp hai nét cơ bản của kiến trúc Khmer: kiến trúc đền-núi cùng với những dãy hành lang dài và nhỏ hẹp. Kiến trúc này tượng trưng cho núi Meru, quê hương của các vị thần trong truyền thuyết Ấn Độ giáo. Đang nóng nực, chúng tôi được hưởng hơi lạnh toát lên từ làn nước trong xanh của con hào rộng lớn bao quanh ngôi đền. Con đường chính dẫn vào khu đền đang được sửa chữa nên chúng tôi vào đền bằng cách đi qua cầu phao dập dềnh, lượn sóng như đi vào cổ tích huyền thoại.
Khu chính điện là ngôi đền ba tầng với kiến trúc hình chữ nhật, kết nối với nhau bởi những dãy hành lang sâu thẳm. Trung tâm của ngôi đền là tổ hợp 5 tháp với một tháp trung tâm và bốn tháp tại bốn góc hình vuông. Trên các tháp là tượng hình bốn mặt. Có người cho rằng khi xây dựng như thế người dân Khmer muốn người đứng đầu đất nước phải luôn nhìn ra bốn hướng để chăm lo cho muôn dân. Người hẹp hòi thì cho rằng , tượng bốn mặt thể hiện sự “khôn lỏi , “gió chiều nào che chiều ấy”.Tôi thiên về ý kiến đầu. Không thể tả hết vẻ hùng vĩ và hài hòa của kiến trúc, sự phong phú của nghệ thuật điêu khắc và số lượng lớn các vị thần được trang hoàng trên những bức tường đá. Chiều cao của ngôi đền là 65m so với mặt đất. Từ dưới đất đi lên đỉnh đền là các bậc thang. Theo lịch sử ghi chép lại của Camphuchia thì những ông Vua phải đủ sức khỏe đi lên những bậc tháng đó để vào phòng cầu nguyện thượng đế cho dân chúng được bình an, mùa màng thuận lợi. Những ai cảm thấy sức khỏe không đủ để leo lên thì tự nguyện thoái vị cho người khác đảm đương trách nhiệm nặng nề, vinh quang đó. Người dân Camphuchia đã làm những bậc thang bằng gỗ, có tay vịn để người tham quan có thể đi lên. Vậy nhưng rất nhiều du khách đã không dám đi lên tầng trên cùng, nơi mọi người gọi là “thiên đường”. Tôi leo lên đến nơi, choáng ngợp bới chiều cao cùa ngôi đền, nhìn ngắm xung quanh và không thể hiểu nổi sức mạnh nào đã giúp người Camphuchia xây dựng được một thành phố đền đài kỳ vĩ như thế. Tôi thầm nghĩ, ngày xưa người ta kiểm tra sức khỏe của người trị vì đất nước đơn giản nhưng thật tài tình. Trên bức tường của những dãy hành lang hun hút là hình điêu khắc mô tả lại các diệu múa Apsara và các truyền thuyết từ ngàn xưa. Tôi nhớ như in thủa nhỏ khi xem vở kịch Nàng Sita của Lưu Quang Vũ, đã khóc nức nở vì cuối cùng người con gái hiện thân cho vẻ đẹp hoàn mỹ , lòng chung thủy tuyệt đối, đức hy sinh cao cả lại phải chết. Nàng chết để cho nét đẹp vẹn nguyên tinh khiết, đức hạnh của người phụ nữ được mãi mãi tôn thờ.
Angkor Wat, Angko Thom được xây dựng từ thế kỷ thứ VII. Đã hơn một ngàn năm trôi qua, những ngôi đền vẫn sừng sững đứng giữa mênh mông trời đất, giữa thăm thẳm bạt ngàn, vững chãi thách thức với thời gian. Đế chế Khmer thời đó thật là hùng vĩ! Angkor Wat được công nhận là di tích tôn giáo lớn nhất thế giới, rộng 162.6 hecta (1,626,000 mét vuông).
Người đến tham quan rất đông. Chính phủ Camphuchia quyết định giữ nguyên vẻ hoang sơ ở Siem reap không cho xây dựng bất cứ công trình nào, cả nhà ở nơi đây cũng giữ nguyên nhà lá cấp 4 để thu hút khách du lịch. 35 ngàn cảnh sát đươc huy động về đây để bảo vệ sự bình yên cho du khách. Tất cả những người phục vụ ở thành phố này đều là những người có thân nhân rất tốt, từ bác xe ôm đến cô lao công. Chúng tôi nhận được những nụ cười thân thiện trên những khuôn mặt hiền từ của người dân Camphuchia . Tôi được biết Camphuchia tổ chức bán vé, mỗi vé 37 usd cho du khách đi tham quan tất cả các đền đài. Người dân Camphuchia thì được tham quan miễn phí vì đó là di sản do cha ông để lại, họ có quyền được chiêm ngưỡng và hiểu biết về lịch sử của dân tộc mình. Trong 37 usd mỗi vé, thủ tướng Husen quyết định để dành 1 usd cho bệnh viện Hạnh phúc, tại thành phố Pnom Penh nơi chữa bệnh và nuôi dưỡng miễn phí cho trẻ em. Mỗi năm có khoảng hơn 10 triệu usd được chuyển vào đây. Tôi chợt nhớ bức thư Hunsen gửi cho vợ ngày ông quyết định từ bỏ hàng ngũ Khmer Đỏ để chạy qua Việt Nam tìm đường cứu nước. Khi ra đi, ông mới 27 tuổi, vợ ông đang có bầu. Ông kể là hàng triệu giọt nước mắt đã nhỏ xuống vì nhớ vợ thương con. Trong bộ phim “Con đường cứu nước” khi kể lại những giây phút đó, gương mặt ông vẫn còn nhạt nhòa nước mắt “Vợ tôi sinh con nhưng không có tôi ở bên, có ai hiều nổi đau khi con chào đời mà tôi không ôm nó, không được nuôi dưỡng nó hay không?”
Tạm biệt Siem Reap, chúng tôi lên xe về Pnom Penh. Trên xe, tôi miên man suy nghĩ một thời, người Khmer có một nền văn hóa hùng vĩ, rực rỡ như thế, vì sao lại lụi tàn?
Người dân Camphuchia hiền hòa, sống cuộc sống thiện lương, hầu như làng nào cũng có những ngôi Chùa . Sau những ngày làm việc, người dân thường vào đó để cầu nguyện, hứa trước các vị thần linh rằng họ sẽ sống tốt đời, đẹp đạo.
Vậy mà vào những năm 1975-1979 gần 1/3 dân số của CPC đã bị giết hại. Khmer Đỏ do Pol Pot lãnh đạo nắm được chính quyền vào năm 1975, thành lập nước "Campuchia Dân chủ". Họ chiếm thủ đô Pnom Penh và bắt đầu lùa dân ra khỏi thành thị vào tháng 10 năm 1974, Phnom Penh trở thành một thành phố chết - không có cư dân sinh sống. Trong thời gian này tiền tệ bị xoá bỏ và Khmer Đỏ thực hiện triệt để chính sách "tự cung tự cấp" - bài phương Tây và "quyết tâm xây dựng Xã hội Chủ nghĩa trong vòng 6 tháng. Lao động khổ sai, bệnh tật, hành hình và "thanh trừng" đã làm khoảng hơn 1,7 triệu người đã chết trong khoảng thời gian 4 năm cải tạo xã hội của Khmer Đỏ (1975-1979). Khi Đô La nức nở kể cho tôi nghe, chỉ vì bố mẹ bạn là giáo viên mà những nhát cuốc đã vung lên tước đoạt mạng sống của họ, tôi đã không thể tin, làm sao có những chế độ tàn ác vậy chứ. Vậy nhưng khi xem những thước phim tài liệu về tội ác của bọn Kmer Đỏ đối với người dân Việt Nam dọc biên giới Tây Nam thì tôi vô cùng phẩn uất . Chỉ trong vòng 12 ngày từ ngày 18 đến ngày 30/4/1978, 3.157 dân thường tại xã ba Chúc, huyện Tri Tôn tỉnh An Giang đã bị bọn Kmer đỏ giết hại giã man bằng hình thức chặt đầu, chém cổ, quẳng xuống giếng rồi dùng đầu cây nhọn chọc xuống. Trong bộ phim “ Biên giới Tây Nam – Cuộc chiến bắt buộc’, đạo diễn Phong Lan đã trình chiếu những thước phim tư liệu về sự tàn ác khủng khiếp của Khmer Đỏ để rồi, ai xem cũng hiểu rằng, nếu Việt Nam không nhanh chóng chiến thắng bọn Khmer Đỏ đuổi chúng ra khỏi biên giới Việt Nam và giải phóng Pnom Penh thì chúng đã tàn sát thêm bao nhiêu dân lành Việt Nam dọc vùng biên giới, con số 2 triệu người chết đã chưa dừng lại và dân tộc Camphuchia có lẽ đã diệt vong.
Xe đưa chúng tôi đi qua những ngôi làng trong đó có những ngôi đền thấp thoáng dưới tán những thân cây cổ thụ. Ngôi đền nào Husen và 4 đồng đội đã ghé vào thắp hương trước lúc ra đi tìm đường cứu nước? . 27 tuổi, đang là trung úy của đội quân Khmer Đỏ, hàng ngày chứng kiến sự tàn sát dân lành của lính Khmer Đỏ, Husen đã cảm thấy bất bình và quyết định bàn bạc cùng đồng đội chạy về phía Việt Nam để tìm đường cứu nước . Khi đến biên giới, họ ghé vào một ngôi đền trong rừng sâu thắp hương cầu nguyện và Husen đã nghe trong gió ngàn sâu âm vang như tiếng nhắn gửi của cha ông, “hãy đi đi, đi về phía Việt nam để nhờ người Việt Nam cứu sống dân tộc Camphuchia” . Đồng đội của ông đã khóc khi rời biên giới Camphuchia, phía trước có thể là mìn, là đạn pháo, là cái chết đang chờ họ, có thể họ không bao giờ còn có thể quay lại quê hương. Hunsen đau buồn lắm, những giọt nước mắt đã ứa ra nhưng ông không để cho đồng đội nhìn thấy mình khóc để mọi người không nhìn thấy ông yếu đuối. Dịp đó rất nhiều người dân Camphu chia đã chạy qua Việt nam để tị nạn, có đoàn là cả gia đình, họ hàng nhưng có người chỉ một mình, khi đi họ chỉ nghe bố mẹ dặn “ Con hãy đi đi, đi về phía mặt trời mọc, đi về phía Việt nam , nơi ấy là con đường sống”. Khi qua Việt Nam, cán bộ Việt nam đã hỏi Hunsen, ông có muốn đi các nước khác để tỵ nạn không. Ông đã trả lời là không, ông chạy khỏi Camphuchia không phải để tìm sự bình yên cho riêng mình, ông chỉ muốn khẩn thiết nhờ Việt Nam giúp đỡ, cứu dân tộc ông khỏi họa diệt chủng . Ông qua Việt Nam là đánh cược cả sinh mạng của mình. Nếu người Việt Nam trả ông về lại cho Pol Pot thì ông sẽ bị tử hình ngay lập tức. May sao, người dân Việt Nam đã hiểu, đã giúp người dân Camphuchia đánh thắng bọn Khmer Đỏ. Tái sinh dân tộc ông.
Xe chúng tôi đã tới Pnom Penh , thành phố đang phát triển mạnh mẽ , những tòa nhà cao chọc trời đang mọc lên, người dân đông đúc qua lại, những chiếc xe hơi đời mới lượn lờ trên phố. Chúng tôi tham quan Hoàng Cung, Chùa vàng, chùa bạc, kiến trúc tinh xảo nơi đây giúp chúng tôi hiểu được, trong quá khứ Camphuchia là một đất nước rất giàu mạnh. Các sòng bạc ở Pnom Penh đang nhộn nhịp khách chơi. Một người bạn Camphuchia kể với tôi rằng Chính phủ Camphuchia cho phép mở sòng bạc vì họ thu thuế được rất nhiều để dùng ngân quỹ xây dựng quê hương. Người Camphuchia không có nhiều tiền để chơi, dân chơi chủ yếu là Trung Quốc và Việt Nam.
Thành phố dang được xây dựng lại rất hoành tráng, kiến trúc theo quy chuẩn Châu Âu. Trang trọng trong lòng thành phố là Đài tưởng niệm quân tình nguyện Việt Nam. Đài tưởng niệm này được xây dựng trong khuôn viên của Công viên trung tâm ở thủ đô Phnom Penh, nằm ngay gần với tượng đài độc lập. Đài tưởng niệm quân tình nguyện Việt Nam là một tượng đài gồm có hai chiến sỹ, một chiến sỹ Campuchia và một chiến sỹ là quân tình nguyện Việt Nam đang cầm cây súng trong tay, để bảo vệ một người phụ nữ đang bế một đứa trẻ trong vòng tay ở phía trước. Tượng đài được đặt trên bệ đỡ được lát đá hoa cương, trên đó là dòng chữ: “Đài tưởng niệm quân tình nguyện Việt Nam” bằng tiếng Việt và tiếng Campuchia.
Chúng tôi trân trọng thắp hương, tưởng nhớ, tri ân các amnh hùng liệt sỹ đã thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, hy sinh cho sự hồi sinh của dân tộc Camphuchia
Tôi đứng bên tượng đài và trầm ngâm về gần 40 ngàn người lính VN đã hy sinh tại Camphuchia, trong đó có nhiều người đến nay hài cốt vẫn chưa được về trên đất mẹ. Ngày chị tôi khóc ngất vì người yêu mãi mãi không về cũng là những ngày bao bà mẹ đớn đau nhận tin con mình tử trận. Sau khi giải phóng Pnong Penh , bộ đội Việt Nam vẫn còn phải đóng quân trên đất CPC 10 năm nữa. Tôi đã từng chất vấn và hờn dỗi chú tôi (tùy viên quân sự, đại sứ quán Việt Nam tại Camphuchia). “Chú đã đi qua cuộc chiến chống Mỹ, triền miên xa nhà, mợ và các em con thiếu sự quan tâm săn sóc của chú nay Pnom Penh giải phóng rồi, sao chú và đồng đội không về đi. Chỉ vì quân Việt Nam còn ở lại CPC mà nhiều nước đã lên án chúng ta, liên hợp quốc cấm vận, bao khó khăn gian khổ dân tộc ta đã phải chịu đựng”. Chú tôi trả lời “Cháu còn nhỏ, chưa hiểu hết đâu. Các chú là những người khao khát hòa bình hơn ai hết vì đã đi qua sự khủng kiếp của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Chúng ta đã giúp Camphuchia giải phóng nhưng dân tộc Camphuchia lúc đó chỉ có 7 triệu người dân, bị Polpot giết mất gần 2 triệu, 5 triệu còn lại phần lớn là nông dân, cơ sở vật chất không có, kiến thức không có, bọn tàn quân Pol Pot thì vẫn còn được Trung Quốc và một số nước khác hậu thuẩn nhằm vùng lên chiếm Phnom Penh trở lại. Nếu bộ đội Việt Nam rút về thì Pol Pot sẽ lại thắng và dân tộc Camphuchia bị diệt vong. Pol Pot không chỉ là kẻ thù của dân tộc Camphuchia mà của cà dân tộc Việt Nam. Không chỉ tàn sát dân mình dọc biên giới Tây Nam, năm 1975 bọn Khmer Đỏ đã bắt đi 513 dân thường Việt Nam trên Đảo Thổ Chu và giết sạch. Các chú và cấp trên đã suy nghĩ nhiều lắm cháu ạ. Có những lựa chọn phải trả giá đau thương nhưng nếu không lựa chọn như thế thì hậu quả sẽ tàn khốc hơn nhiều. Sau này, chúng ta đặt ra nhiều giả thiết về ciệc mời Liên Hợp Quốc giám sát Camphuchia ngay sau khi Pnom Penh giải phóng , rồi chúng ta phải làm công tác ngoại giao thế này, thế kia . Tất cả những điều đó điều đúng nhưng tiếc rằng vào thời điểm đó, ta không thể làm hết mọi điều như giả thiết sau này đặt ra. Kể cả sau khi bầu cử ở Camphuchia diễn ra với sự giám sát của Liên hợp quốc thì phải mất 10 sau Camphuchia mới thực sự giải phóng để xây dựng đất nước… ”. Vâng! Chỉ có những người trong cuộc mới biết cần phải làm gì trong những giai đoạn bi thương của lịch sử. Tôi nhớ hồi đó rất nhiều công nhân đã qua Camphuchia hướng dẫn cho người dân may mặc, dệt vải, xây nhà , làm đường. Nhiều giáo viên ở quê tôi đã qua Camphuchia dạy học cho học sinh. Cả anh tôi Đặng Đình Cung, mới du học ở Nga về cũng để vợ và con thơ ở Hà nội, qua Camphuchia dạy tiếng Anh cho học trò. Chúng tôi sống trong hòa bình, được đi du học và trở về sống làm việc trong điều kiện và cơ sở vật chất tạm đủ của xã hội là nhờ ơn biết bao người đã đứng nơi đầu sóng ngọn gió, đã nhận về mình sự hy sinh mất mát. Chúng tôi xin cúi đầu tri ân cha ông đã gìn giữ cho chúng tôi và người dân Camphuchia cuộc sống yên bình hiện nay.
Chỉ hơn 30 năm, dân số Camphuchia từ hơn 5 triệu nay đã lên đến 17 triệu người. So với Việt Nam thì cuộc sống của người dân Camphuchia vẫn còn nhiều vất vả, thiếu thốn. Camphuchia chưa sản xuất được điện mà phải mua lại của Việt Nam và Thái Lan, nên điện chỉ có ở những thành phố lớn nhưng người dân đã được sống trong bình yên và phấn khởi vì hàng ngày đời sống của người dân đã được nâng cao rõ rệt. Buổi tối chúng tôi ngồi trên du thuyền trôi lững lờ trên sông Mekong ngắm Phnom Penh vào đêm. Thành phố thật yên bình và đẹp lấp lánh dưới ánh điện muôn màu.
Tôi lang thang một số nơi trong thành phố thầm mong bất chợt tìm được Đô La. Nhiều khuôn mặt, nhiều dáng hình lướt qua nhưng không phải bạn. Một số bạn Camphuchia cùng học với bạn tôi ở những thành phố khác nay đang giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy công quyền của Camphuchia. Tôi không mong Đô La trở thành quan chức cao cấp, tôi chỉ mong bạn tìm được em gái của mình và đang sống hạnh phúc. Tạm biệt Camphuchia chúng tôi quay về Việt Nam. Xe chúng tôi lại đi qua bao làng xã, đồng ruộng khô khốc, nứt nẻ như đi qua sa mạc. Cả cánh đồng lúa mượt mà, cây cối xanh tốt hiện ra khi chúng tôi đi về vùng đất Việt nam. Người bạn Camphuchia nói với tôi rằng , Camphuchia chưa sản xuất được điện, chưa có các kênh mương thủy lợi để dẫn nước vào ruộng trong mùa khô như ở Việt Nam mà họ chỉ trồng được lương thực vào mùa mưa thôi. Gạo Camphuchia rất ngon, được thế giới ưa chuộng và đã xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. “Rồi chúng tôi sẽ sản xuất điện, sẽ tạo nên nhiều kênh ngòi như ở Việt Nam để tưới tiêu cho đồng ruộng, chúng tôi sẽ sản xuất ra nhiều lương thực, nông dân của chúng tôi sẽ giàu có như nông dân Việt Nam, bạn ạ!” Ôi! Ước mơ giản dị của người bạn Camphuchia! Các bạn tôi đang mơ ước Việt Nam giàu có như những nước khác thì bên cạnh tôi, người dân Camphuchia đang ước họ có cánh đồng bốn mùa xanh tốt như ở Việt Nam. Tôi cảm thấy yêu Tổ quốc tôi hơn bội phần.
Tôi đã từng hỏi chú tôi “Chúng ta có những thước phim tư liệu về tội ác diệt chủng khủng khiếp của Khmer Đỏ, mà trong bộ phim “ Biên Giới Tây Nam, cuộc chiến bắt buộc” đạo diễn Phong Lan đã thể hiện được ít nhiều, ngay cả Husen cũng làm bộ phim “ Con đường cứu nước”, kể lại hành trình ông đã cầu xin Việt Nam giúp đỡ dân Camphuchia chống lại Khmer Đỏ thế nào, sao chúng ta không công chiếu rộng rãi khắp nơi để thế giới và cả người dân hai nước hiểu hơn rõ sự thật là Việt Nam không hề xâm chiếm Camphuchia mà chỉ giúp họ thôi? Chú tôi trả lời , người dân Việt Nam và Camphuchia đều yêu chuộng hòa bình, những quá khứ đau thương không nên khơi dậy. Sẽ không cái gì vùi dập được chân lý. Khi cần thiết, hãy để những thước phim nói lên sự thật và chính người dân Camphuchia sẽ lên tiếng. Những “chánh đồng chết”, bảo tàng nhà tù Tung slenh vẫn còn đó, ai muốn biết sự thật, đến tận nơi chứng kiến để rút ra kết luận chứ không phải muốn nói sao cũng được. Tuy nhiên chúng ta cũng cần phải làm nhiều việc , nhất là về mặt ngoại giao.
Tôi nhớ , Tòa án quốc tế xét xử tội ác Khmer Đỏ tại Campuchia(ECCC) đã tuyên giữ nguyên mức án của Tòa sơ thẩm đưa ra vào tháng 8/2014, phạt tù chung thân đối với hai cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ là Nuon Chea và Khieu Samphan vì phạm tội ác chống lại loài người và diệt chủng đối với các cộng đồng người Chăm, người Hồi giáo và người Việt trong thời kỳ Khmer Đỏ cầm quyền tại Campuchia từ giai đoạn 1975 – 1979. Pol Pot đã chết trong khi lẩn trốn trong rừng vào năm 1998, Ieng Sary đã chết năm 2013, trước lúc phiên toàn phúc thẩm diễn ra.
Được nói lời sau cùng trước lúc tòa tuyên án, Nuon Chea (92 tuổi) và Khieu Samphan (87 tuổi) run rẩy đứng lên xin tòa tha tội chết. Chao ôi! Đã gần đất xa trời họ vẫn còn tham sống, vậy thì các người nghĩ gì khi gần 2triệu người dân Camphuchia trong đó phần lớn là thanh niên là lực lượng nòng cốt để xây dựng đất nước đã bị giết một cách oan nghiệt dưới lệnh của các ông?
Sau phiên tòa đó, Hunsen đã cương quyết không mở thêm phiên tòa nào nữa vì người dân Camphuchia cần khép lại quá khứ đau thương để tâm hồn được yên lành mà sống và xây dựng đất nước.
Tạm biệt CPC ! Cầu mong đất nước các bạn sẽ phát triển mạnh mẽ . Tôi tin, chỉ cần không còn chiến tranh, thì người dân Camphuchia sẽ xây dựng đất nước mình đạt tới đỉnh cao như ngày xưa đế chế Khmer của các bạn đã làm được.
Đô La ơi! Mình vẫn mong gặp lại bạn! Mình sẽ quay lại Camphuchia nhiều lần nữa để chứng kiến cuộc sống của dân tộc bạn đang ngày càng tốt đẹp và mình tin một ngày nào đó sẽ được gặp lại bạn! Biểu tượng về tình hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam- Camphu chia mãi còn và chúng ta sẽ làm tất cả cho sự phát triển thịnh vượng của hai nước bạn nhé!
Tp. HCM 12/06/2019. Cucnt
Người post: CucNT
Ngày đăng: 12-06-2019 16:04
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 1 - 4 của tổng số 4 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |