Trí nhớ không di truyền
Tác giả: PhuND
Truyện ngắn của Nguyễn Đình Phư
Bật là ông bạn nối khố của tôi. Từ nhỏ hắn đã có trí nhớ tuyệt vời. Đáng tiếc, thuở đó chẳng có sách guinet Việt Nam nào để mà vinh danh Bật. Chúng tôi học với nhau từ ngày mũi còn chảy thò lò, qua bao nhiêu trường lớp và bao nhiêu cuộc thi chọn lựa học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh và cả Miền Bắc nữa đấy! Thôi thì, đúng như những chú gà chọi của những trường đá gà: chúng tôi phải bò lăn ra sàn nhà ( làm gì có ghế có bàn) để đánh vật với từng trang sách toán bằng tiếng Nga, nhưng chúng tôi đấu nhau vô hình, chỉ trên bài thi ở những Trường đua đó thôi, còn ngoài đời Bật hiền khô, chúng tôi vẫn là đôi bạn thân của nhau. Đi học xa nên người này có gì ăn cũng để dành cho người kia, có chuyện gì cũng sẻ chia như anh em ruột. Kỳ thi vào đại học thời đạn bom khói lửa ấy chúng tôi không được ngồi cùng phòng vì chúng tôi thi hai khối khác nhau: Bật thi khối B vào ngành sinh vật, còn tôi có tên xa lơ xa lắc tận cùng bảng chữ cái: TRẦN NHƯ Ý. Đã vậy, tôi lại thi khối A, khối khó nhất hẳn hoi, vào ngành toán – lý. Chúng tôi đều đủ điểm để được đi du học nước ngoài. Dạo đó chiến tranh nên bom đạn nhiều vô kể, chỗ nào cũng có bom rơi đạn nổ. Chúng tôi theo đường bò lăn miền tây mà đi lên Đại Từ, rồi từ đó lên tàu Liên vận sang Bằng Tường … đến Mãn Châu lý, rồi Bai can, Iacurxcơ, … trên tàu gần chục ngày đêm mới tới được thành phố Kishinev – nơi bắt đầu những bài học tiếng Nga đầu tiên.
Dạo du học tận Moldova – một nước cộng hòa thuộc Liên Xô, Bật thường bị nhiều em gái bắt nạt. Có bữa về “ốp” mà hắn vẫn còn thút tha thút thít y như hồi còn bé thả trâu bị la mắng. Hắn chết mê chết mệt với một em học cùng ngành nhưng không dám mở miệng nói:’”anh yêu em !”. Tôi thì khác, phận con nông dân nên chỉ lo lắng học hành, chẳng hề dám tơ vương em nào. Bật được phân công học ngành di truyền. Đó là ngành rất mode thời bấy giờ, cũng giống như ngành toán ứng dụng mà tôi được đào tạo. Giữa hai đứa thường nổ ra những cuộc tranh luận rất khoa học mà mang tính đời thường.Ví dụ, có một đề tài mà chúng tôi vẫn chưa ngã ngũ được “ai thắng ai?”, như chuyện trí nhớ có di truyền không? Bật một mực đinh ninh rằng trí nhớ không di truyền, còn tôi thì tìm nhiều bằng chứng để thuyết phục Bật – một chuyên gia lĩnh vực này, như hắn vẫn thường tự nhận. Bật luôn khẳng định rằng trí nhớ không di truyền, nhưng bảo hắn đưa minh chứng thì chẳng bao giờ hắn có. Còn tôi thì phản ví dụ đầy một bồ. Tính di truyền được tôi minh chứng không chỉ bằng gene mà bằng cả trí nhớ hình ảnh, những trải nghiệm tâm linh,…
- Khi có thai, nhiều cô gái liên tục nghĩ về bố của đứa bé thì con sinh ra thường rất giống bố. Tôi khẳng định.
- Làm gì có chuyện đó. Bật cũng khẳng khái phủ nhận.
- Khi biết có con trai, bà mẹ trẻ liền mua tranh ảnh lực sĩ, cầu thủ dán khắp tường…
- Còn nếu là con gái họ mua tranh người đẹp, … và rồi đứa con được sinh ra rất giống hình ảnh người mẹ chiêm nghiệm! Bật đế vào mặc dù tôi đang say sưa. - Nhưng chẳng có thí nghiệm sinh học nào như vậy và cũng chẳng có công bố khoa học nào về khả năng di truyền hình ảnh như cậu nói. Hắn lại phủ nhận.
- Không những di truyền hình ảnh mà còn đột biến rồi sau đó di truyền nữa đấy! Tôi cố gắng cãi lại.
- Thật không? Cậu cho tớ ví dụ xem nào! - Bật vẫn thường thách thức tôi một cách đắc ý.
- Này nhé, nếu một người hướng thiện lâu ngày thì khuôn mặt trở nên tròn trịa và phúc hậu, ngược lại một người ác thì mặt mũi khác liền à!
- Tớ không tin là có việc đó. Theo chuyên môn, chỉ có gene mới mang tính di truyền.
- Mình thì tin, có cả di truyền tâm linh nữa đấy. Các cô gái họ đạo đẹp như Đức mẹ Maria!
- Con gái họ đạo thường ít phải làm lụng nên họ xinh đẹp vậy thôi.
Tôi vẫn còn muốn tranh luận với Bật về nhiều dạng di truyền mà chúng chẳng dính dáng gì đến gene, đến nhiễm sắc thể. Đại loại, như “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quyết lá đa…”. Con của nhiều Ngài có chỉ số IQ dưới mức trung bình mà vẫn “chui sâu trèo cao” được mới tài. Loại di truyền này có mười chuyên gia kiểu Bật cũng phải chào thua! Những chuyện đại loại như vậy vẫn là nguồn cảm hứng cho chúng tôi tranh luận. Nhưng Bật rất bảo thủ, hắn tuyên bố rằng tôi thì biết gì về di truyền. Và để chấm đứt cho đề tài này, hắn vẫn khẳng khái tuyên bố: “Trí nhớ không di truyền !”.
*
* *
Bật vừa về nước thì cưới vợ ngay - cái cô bé học chung KGU mà hay bắt nạt hắn ấy mà. Hai vợ chồng chỉ có một căn buồng tập thể ở tít tận Nghĩa Đô. Bốn bề đồng không mông quạnh, gió thổi lồng lộng như giữa đại ngàn, nhưng dù sao đấy cũng là Đất Thủ Đô của Bật.
Tôi về nước thì có chiến tranh biên giới và bị động viên nên ít nhiều gì cũng được nếm mùi khói lửa đạn bom. Sau vài năm chinh chiến, tôi được chuyển về Trung tâm tính toán của Bộ quốc phòng, nằm gần cửa ngõ vào thành phố Hồ Chí Minh. Mãi mê công tác, nhưng hễ có dịp ra Hà Nội là tôi lại vù lên Nghĩa Đô thăm hai vợ chồng Bật. Thủ Đô thay đổi từng ngày, bây giờ căn nhà tập thể của Bật lại bị tranh giành, hết cơ quan này đến công ty khác đòi giải tỏa. Thân phận những người làm khoa học chẳng là gì … trong cơ chế thị trường. Bà vợ của Bật, từ ngày sẩy thai lần thứ hai thì đau yếu luôn. Thuốc thang cũng lấy lệ, cô ấy ốm mấy năm rồi mất. Bật như người mất hồn một dạo vì những năm sống ở Hà Nội, hắn đã trở thành “gà công nghiệp” mất rồi. Ngày hai buổi ghé Viện – nơi hắn công tác. Buổi trưa về nhà, buổi chiều cũng về nhà ăn cơm với vợ con. Nhiều khi ra Hà Nội, muốn mời hắn một bữa cơm cũng khó. Mà chẳng riêng gì Bật, hình như tất cả nam giới ở Thủ Đô đều vậy, buổi trưa có tranh thủ với bạn bè vài tiếng, còn buổi tối thì ai lo về nhà nấy. Nhiều bữa kiếm được một ông bạn đi làm vài chai bia cũng thật khó. Đã có anh bạn về Sài Gòn mà vẫn còn ấm ức: “ Gớm, con trai Hà Nội buổi tối chẳng khác gì thằn lằn mồng năm tháng năm”. Bật – bạn tôi thì khác, hắn chẳng có nhu cầu gì, ngoài sách vở và phòng thí nghiệm. Mọi thứ đối với Bật thật đơn giản, từ nhu cầu cá nhân đến việc đại sự của gia đình hắn chẳng bao giờ phải lo lắng. Giờ thì hắn bắt đầu thấm thía cảnh mất vợ!
Thằng con trai của Bật thế mà khá, học hết đại học thì xung phong lên Nông trường tận Ba Vì để theo nghiệp của cả bố lẫn mẹ. Cháu lấy vợ là cô gái xinh đẹp vùng cao. Từ ngày công ty sữa - café Vinamilk hết độc quyền thì tỉnh nào cũng có doanh nghiệp sữa. Nhờ sữa mà nhiều người được đề bạt chức cao quyền trọng. Cháu Cảnh nhà Bật cũng vì thế mà được vào Hội đồng nhân dân tỉnh. Cảnh là mẫu điển hình doanh nghiệp trẻ. Có dạo cháu còn là người đương thời của VTV nữa đấy! Tôi thì cứ đinh ninh rằng: “Trí nhớ cũng di truyền”, bởi vì Cảnh - con của Bật nói năng lưu loát, viện dẫn các tác phẩm triết học kinh điển nghe choáng ngợp luôn, tôi định lúc nào đó thuận lợi sẽ ôn lại chuyện cũ để tranh luận tiếp với Bật. Cháu Cảnh nhà Bật là mẫu di truyền điển hình về chỉ số IQ, về trí nhớ, về nghị lực,… đủ tính trội đã được bảo lưu ở dòng lai thế hệ F1 của nhà di truyền học – Lê Thái Bật.
*
* *
Lại có ngày Thủ đô được mở rộng, Cảnh nghiễm nhiên lại là công dân Hà Nội. Cháu sinh ra tại đây, nhưng đã cắt khẩu di chuyển chỗ ở thời xung phong lên miền núi. Bây giờ thì Cảnh đưa vợ về Thủ đô rồi thuê nhà ở riêng mà chẳng phải vất vả như dạo thành Thăng Long còn bé xíu. Nơi bố cháu ở - cái Khu Tập thể tồi tàn, không được phép sửa chữa cứ thế mà xác xơ tiêu điều. Trong con mắt của lớp trẻ, nhà tập thể là thứ gì đó không thể tưởng tượng nổi. Của đáng tôi, nếu cho Bật sửa chữa thì chỉ vài ba trăm triệu là căn nhà đã khác rồi. Dạo này ở Hà Nội, những tòa nhà cao tầng cứ như những con khủng long há mồm nuốt trọn những căn nhà lụp xụp mốc xì – sản phẩm của một thời bao cấp. Cứ một vài năm, nếu ai đó không ghé thăm Thủ Đô thì sẽ giống người ngoài hành tinh và có thể lạc đường!
Bật báo tin cho tôi rằng đã nhận tiền giải tỏa đền bù được hơn sáu trăm triệu, nhưng khi đi mua nhà mới thuộc chung cư vừa xây trên khu đất đó lại có giá thấp nhất xấp xỉ một tỷ đồng. Thông minh như Bật mà chẳng thể nào hiểu nổi nghịch lý này. Đáng lý ra, hắn phải hiểu có bao nhiêu chi phí để có căn nhà cao tầng kia, ai đời lại lo đối chiếu với túi tiền (Chẳng cần phải đếm vì Bật đã có trí nhớ siêu phàm). Đang cơn túng quẫn chưa biết cách gì để có nơi ngã lưng, Bật được hai vợ chồng Cảnh đề nghi:
- Thôi Cha mua nhà làm gì. Cha đưa tiền rồi mình mua chung một căn hộ cao cấp. Cha con, ông cháu cùng ở với nhau có hơn không.
Bật chẳng cần suy nghĩ nhiều, ý của con trai vậy thì hợp quá rồi còn gì. Bật ra ngân hàng rút hết tiền tiết kiệm giúp Cảnh thêm vào mua được căn hộ cao cấp Trung Hòa Nhân Chính. Đi đâu hắn cũng tự hào được sống trong khu dân cư cao cấp ngay giữa Thủ Đô. Nhưng thật buồn, vì mỗi ngày hai vợ chồng con trai đi miết, cháu nội gửi nội trú ở trường mầm non mỗi tuần chỉ đón về một ngày chủ nhật nên Bật côi cút một mình. Đến bữa tối, cô con dâu mang về một hộp cơm hàng với những món ăn chẳng hợp khẩu vị, hắn ăn suốt một dạo thì đâm ra ngán và sợ. Chỉ nói đến cơm hộp là Bật rùng mình. Bật lại năng lên cơ quan hơn vì ở đó có nhiều học viên cao học mà cậu ta đang tham gia hướng dẫn, trong số đó có một cô học trò cưng. Cô Thương từ thủ Đức ra Hà Nội làm thạc sĩ về khả năng đột biến từ mầm phôi – chuyên đề mà Bật đang là người phụ trách và thế là … cậu ta lại say sưa hướng dẫn và nghiên cứu như thời còn trai trẻ.
*
* *
Tôi có việc của cơ quan nên phải đi công tác Cămpuchia gần cả năm trời. Khi về thành phố là tôi gọi cho Bật ngay:
- Thế nào, dạo này ở Hà Nội có gì mới không?
- Tao đã vào Thủ Đức gần năm nay. Nghe nói cậu còn ở nước ngoài cơ mà.
Bật đã bị em Thương thạc sĩ mê cái tài, cái trí nhớ siêu việt của hắn mà “bắc cầu kiều” để hy vọng sinh ra những đứa con F1 có trí nhớ siêu việt hơn. Bật đã theo Nàng về dinh – một mái nhà xinh xinh trong khuôn viên vườn khá rộng ở phường Linh Trung, quận Thủ Đức. Vậy là tôi và Bật lại “mày, tao, chi, tớ” như thuở còn thơ ấy. Chúng tôi có dịp gặp nhau luôn. Bây giờ thì chiều chiều đã có thể ngôi lai rai với nhau vài chai. Thỉnh thoảng tôi lại ghé thăm hai vợ chồng Bật, cô bé Thương sắp ở cữ. Bật thì lúc nào cũng thương vợ, mọi việc hắn đều dành làm hết, chẳng bù cho ngày xưa - hắn từng được bà vợ trước lo hết mọi thứ. Nghe nói hắn đang chuẩn bị xây lại mái nhà cho tổ uyên ương. Chuyện này đã gây ra sự bất hòa giữa hai bố con nhà Bật. Nhiều lần Bật đề nghị Cảnh lo cho bố số tiền đã cầm dạo nào, nhưng Cảnh cố tình quên. Thế rồi Bật bay ra Hà Nội. Bật tới chung cư Trung Hòa Nhân Chính nhiều lần mà chả gặp được vợ chồng con trai. Hắn đành phải thuê khách sạn ở. Cuối tuần, khi hắn vừa tới chung cư thì thằng cháu nội chạy ào tới: “ Ông Nội! Ông Nội ơi, ông đi đâu mà lâu thế?”. Còn vợ chồng Cảnh thì thờ ơ như gặp người lạ. Khi Bật hỏi về số tiền thì Cảnh ngơ ngác:
- Làm gì có chuyện đó.
- Bố đã đưa cho vợ chồng con cơ mà!
- Ông là bố tôi?
- Ờ cái thằng này, ba muơi lăm năm về trước tao sinh ra mày!
- Thật sao? Ông có trí nhớ siêu việt thật. Còn tôi thì không biết à nha!
Nghe đến đó, Bật xỉu luôn, May mà hắn bị tai biến nhẹ và được cấp cứu kịp thời. Tôi bay ra Hà Nội ngay khi vừa nhận được tin dữ này. Tôi có nhiệm vụ đón ông bạn trở về thành phố vì may ra chỉ có đứa con sắp chào đời mới nhớ Bật là bố.
Cuối cùng thì ông bạn chuyên ngành di truyền học cũng đã tìm ra ví dụ minh chứng cho điều mà hắn quan niệm bao nhiêu năm !
Người post: PhuND
Ngày đăng: 03-10-2010 23:11
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 1 - 2 của tổng số 2 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |