Con xin tạ lỗi Thầy
Tác giả: LinhND
Con xin tạ lỗi thầy
LinhND- Sinh 78
Ngắm nhìn những bức ảnh về buổi gặp lại sau gần 30 năm của hai bạn Ngọc Nguyệt tại chính ngôi trường mà chúng tôi được đào tạo- Trường đại học Tổng hợp quốc gia Kisinhốp (KGU), nước Cộng hòa Moldavia thuộc Liên Xô trước đây, tôi nhận ngay ra thầy: vẫn vẻ mặt nhân hậu đó, vẫn dáng to thô với cái lưng đã hơi chùng xuống. Nếu gặp ngoài đường thì ít ai đoán thầy là giảng viên Khoa Hóa Trường Đại học. Thầy rất dung dị, mộc mạc.
Tôi là sinh viên ngành Sinh vật khóa 1972-1978.
Rất hiếm khi tôi gặp thầy tại trường vì hai khoa Hóa, Sinh tọa lạc trong hai tòa nhà, lại càng chẳng được nghe thầy giảng bài. Tôi thường ganh tỵ với lũ bạn khoa Hóa và há hốc mồm nghe chúng kể giờ học với thầy môn Hóa Lý, lại còn được thầy hỏi thi nữa chứ.
Tôi cũng không giữ chức vụ gì trong hội sinh viên Việt Nam để có cơ hội gặp thầy, nghe thầy hỏi han về học tập sinh hoạt của hội hoặc nhờ thầy giúp đỡ mỗi khi hội có sự kiện hay gặp khó khăn. Thời gian đó thầy đảm nhiệm chức Trưởng khoa ngoại quốc mà sinh viên Việt Nam chiếm số đông.
Ấy vậy, qua truyền khẩu, tôi được biết thầy thương chúng tôi lắm, cái tình thương của người cha với đứa con thơ chập chững vào đời, chứ không phải đơn thuần là tình quốc tế anh em rất thịnh hành thời chiến tranh lạnh.
Ngày ấy, nước mình còn nghèo lắm, lại chiến tranh kéo dài, nên tôi rất hàm ơn và kính trọng những ai không chê và coi thường chúng tôi. Tôi như con mèo xù lông giận dữ mỗi khi có kẻ buông lời nhạo báng.
Tôi gọi thầy PUSHNIAK (họ của thày) mà sao thấy lòng mình ấm áp, rất gần gũi. Mặc dù điều này hơi phá lệ, vì ở Liên Xô thời đó, đối với người Nga, người ta thường gọi tên và tên lót (thường là tên cha) cho thân mật hơn.
Cho tới hôm nay, mỗi khi thầm gọi thầy, trong tôi trào lên cảm xúc, nước mắt lại trào ra.
Qua mail đàn, tôi có được tấm hình ghi lại giây phút thầy tới thăm và cùng dùng bữa cơm tất niên với sinh viên Việt Nam. Các bạn thử nhìn lại động tác gắp thức ăn mời thầy, theo đúng phong cách người Việt, vẻ mặt hân hoan của người bạn trai khi ngồi cạnh thầy giới thiệu món ăn ngày Tết và ánh mắt ấm áp khi được chăm sóc của thầy.
Tôi yêu quí và kính trọng thầy đến thế, mà tôi lại gặp thầy trong tình cảnh éo le, dở khóc dở cười.
Hôm đó là thứ bảy, tôi và em Mùi, Hóa 78, hiện đang giảng dạy tại Đại học Đà Nẵng, rủ nhau đi Odessa thăm bạn.
Hai chị em lên tàu phấn khởi vì tìm được chỗ bên cửa sổ, tha hồ ngắm cảnh. Đang cười nói luyên thuyên, bỗng một giọng trầm ấm nhỏ nhẹ vang lên: Các em có Visa không?
Hai đứa giật mình quay lại, mặt biến sắc khi nhận ra thầy Pushniak. Thầy ngồi khoang sát cạnh chúng tôi.
Nhanh trí, Mùi nói to cố át đi tiếng "xình xịch" của xe lửa khi lăn bánh: Em đi tiễn bạn và chỉ vào tôi. Nói xong mà người còn run như sốt rét.
Tôi gật đầu và tự giới thiệu: Em học trường khí tượng thủy văn, trước đây đã học dự bị tại Kisinhốp. Vẻ mặt tỉnh queo của tôi có vẻ làm thầy tin.
Thầy hẹn Mùi sáng thứ hai lên gặp. Chả còn tâm trí đâu mà ngồi, hai chị em rủ nhau ra đầu toa đứng, lòng nặng trĩu. Tôi bảo: tầu chạy rồi mà dám kêu tiễn. Thế là hai đứa cười phá lên. Tàu lại lăn bánh sau khi dừng tại ga Triraspol. Một bà tuổi chừng 60 chạy ra và bảo: Vào ngồi đi. Cái ông mà tụi cháu sợ, xuống tàu rồi.
Hai đứa lục tục kéo nhau vào ngồi, cảnh đẹp bên cửa sổ cũng không làm vơi đi nỗi lo. Mùi là cô sinh viên người Hà Tĩnh, rất ngoan và nhút nhát. Đụng chuyện "tày trời" không hiểu nó có giữ vững "khí tiết": thà chết không khai ra kẻ nói dối là tôi không.
Tôi dặn đi dặn lại: Mày mà khai ra là hai đứa chết vì tội "dối thày", thày giận báo cho chú Dinh (nghiên cứu sinh Hóa, hội trưởng), là bị mang ra bêu trước toàn dân thiên hạ thì nhục lắm.
Tối thứ hai, tôi sang gặp Mùi để lo liệu tiếp. Nó nở nụ cười tươi rói: Không có chi mô đâu. Thầy chỉ nhắc: Lần sau muốn đi thì xin phép trước để thầy biết. Hai chị em cười nghiêng ngả, lo âu kìm nén lâu ngày bật ra theo. Tôi khen Mùi và cám ơn em đã giải nguy cho tôi.
Kỷ niệm nhỏ nhưng bài học to này luôn làm tôi day dứt. Có đôi lần tôi nghĩ: Hay thầy biết tỏng mình nói láo, nhưng lòng nhân hậu của thày mách bảo: có biết lỗi thì nó mới nói dối.
Hôm tiễn cô Irina Stepanovna, tôi cứ bụng bảo dạ phải viết thư tạ lỗi thày mà không làm được vì vốn tiếng Nga sau hơn 30 năm hạn hẹp quá.
Nay viết ra được tôi thấy lòng mình nhẹ nhõm. Hy vọng "đại sứ" Huyền, công dân danh dự của nước Moldova, có dịp thay tôi nói lời xin lỗi. Tôi cũng nhờ em thưa với thầy: hàng ngàn lưu học sinh của thầy luôn dõi theo thầy và cầu mong thầy sống mãi.
Người post: NghiPH
Ngày đăng: 05-10-2010 00:12
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 1 - 10 của tổng số 10 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |