KGU News >>Văn học >>Truyện
KGU Tạo bài viết  
Thứ tư 13 Tháng mười. 2010

Trở về kỷ niệm




Tác giả: HuyenBT

TRỞ VỀ KỶ NIỆM

HuyềnBT- Kisinhốp

 

(Truyện kể trước chuyến về thăm Moldova lần thứ 2 của anh Hàm)

 

Có đến nửa tháng trời tôi sống trong tâm trạng náo nức, hồi hộp. Đôi khi ngồi làm việc, hoa mắt với những con số, chợt nhớ lại cái tin nhắn…tôi thấy thần kinh giãn ra một chút, và bất giác mỉm cười. Mỗi ngày đến phòng làm việc, tôi lật một trang quyển lịch làm việc trong ngày, để trừ bớt đi một ngày… tôi sợ bận việc, rồi quên cái ngày có sự kiện đó: Tôi sẽ được đón một cựu sinh viên KGU trở lại Moldova thăm trường cũ sau 25 năm về nước. Tôi cũng là một cựu sinh viên KGU như anh, nhưng tôi lại đang sống tại Moldova, vì thế mà hiển nhiên tôi trở thành “nhịp cầu” nối bờ thương nhớ: Moldova, trở về miền đất nhớ…tôi hôì hộp còn hơn anh ấy. Tôi thú vị khi đọc đến đoạn: “H ơi, anh muốn được ngủ một đêm sinh viên. Anh muốn được ngủ trong ký túc xá. Ở chính ký túc xá ngày xưa của anh, ngay trong căn phòng sinh viên của anh…Em ghi đi, số phòng…tầng 2, anh nhớ như in là phòng có cửa sổ trông ra đường Бендерская. Em giúp anh nhé!”

 Nhiệm vụ của tôi chỉ có thế thôi, vậy mà đọc xong tôi băn khoăn quá. Tôi biết ký túc xá bây giờ khác ngày xưa lắm. Nó đã xuống cấp lắm rồi, anh ấy, Giáo sư, Tiến sĩ, Viện trưởng một Viện khoa học lớn…liệu căn phòng trong ký túc xá có ổn không? Chăn, ga, gối, đệm thì tôi lo được. Tôi sẽ “vác” từ nhà đi để anh ấy dùng cho yên tâm. Nhưng mà còn những thứ khác trong căn phòng đó? “Một đêm nằm, bằng năm ở”. Nhưng mà thôi, tôi nhất định làm tất cả để đáp ứng nguyện vọng ấy của anh. Nghĩ cho cùng, đó là một nguyện vọng rất đáng yêu, nó nói lên tất cả: nỗi nhớ mảnh đất xưa, nhớ một thời sinh viên mộng mơ, tươi đẹp, nó có chút lãng mạn, điều mà càng ngày càng thấy hiếm trong cuộc sống này…nên tôi thật trân trọng và càng quyết tâm thực hiện bằng mọi cách.

 

Việc đầu tiên là tìm đúng đến Ký túc xá ấy, căn phòng ấy. Không khó gì, vì cậu lái xe của tôi được một nết rất tốt: rất rành đường thành phố. Việc tiếp theo là gặp Camendant (комендант) ký túc xá. “Ở nhà cúng Thổ công, ra sông cúng Hà bá”, tôi rất biết điều đó. Khác với hình dung của tôi về các bà camendant ngày xưa: hiền lành, tốt bụng, lạch bạch đi đến từng phòng sinh viên (nhất là sinh viên ngoại quốc), gõ cửa để “lùa” chúng đi dọn dẹp “Ob” vào mỗi thứ Bảy “Субботник”,  ông camendant ký túc xá này độ trung tuổi, để ria mép vểnh vểnh, mắt nhỏ, ánh lên những tia nhìn kiểu như “đã biết tỏng mọi chuyện”. Thấy tôi là người ngoại quốc, ông ta niềm nở ngay. Tôi bỗng trở nên lúng túng khi bắt đầu lời đề nghị vì thấy ông ấy bắt đầu nhìn tôi theo kiểu khác. Tôi đề nghị là tôi muốn có một căn phòng trong ký túc xá này và chỉ một đêm thôi! Nghĩ thế, thì nói thế, rồi chợt nghĩ cái đề nghị của mình thật “ темный”, (sinh viên ngày xưa hay dùng thuật ngữ ấy). Thảo nào mà mắt ông ấy nhấp nháy. Tôi đỏ mặt, càng mất bình tĩnh. Còn ông ấy thì chẳng “ra nhời”, cứ ngồi nhìn tôi mắt nhấp nháy. Tôi vội giải thích: tôi cần cái phòng ấy cho một anh bạn, người ngày xưa cũng là sinh viên KGU, 25 năm nay, giờ mới trở lại thăm mảnh đất cũ…Đoạn giải thích này cũng vẫn chưa có gì sáng tỏ để làm đôi mắt kia chuyển trạng thái. Tôi cảm thấy mình bị hiểu lầm đến bực bội, không thể nói gì thêm được nữa, tôi liền bỏ chạy ra xe. Ông комендант cũng vội chạy theo, bảo, đợi tý đã, đi đâu thế? Tôi không thể quay lại mà tiếp tục chạy rồi chui tọt vào xe, phóng đi. Ông nhìn theo xe của tôi, nở một nụ cười khó hiểu…

 

Tôi tin vào cậu lái xe của tôi, vì cậu này rất hiền lành, chân thành, và cho dù đôi khi cậu ấy có những ý nghĩ rất khác người, thì cậu ấy vẫn luôn được người ta quý.

 

Cậu ta nhận nhiệm vụ, đi ngay, và cũng trở về ngay. Trong việc này, cậu ấy đã giỏi hơn tôi. Thứ nhất, cậu ấy đã biết nói để ông kia hiểu ý tôi, có nghĩa là sẽ không có những ý nghĩ “темный ” về tôi. Thứ hai, ông ấy đồng ý cho phép, với đề nghị, chỉ cần một “бутылка” , nhưng quan trọng là phải nhớ, là ông ấy bị dị ứng với rượu nho, và không thích водка. Trong trường hợp này thì коньяк là sự thay thế tối thiểu. Cũng được, tôi nghĩ, коньяк kiếm được. “Nhưng,- cậu lái xe chờ tôi thư giãn hết mọi nét trên mặt, mới nói tiếp: “Nhưng ông ấy bảo bà phải tự thương lượng, điều đình với 3 cô sinh viên đang sống trong phòng đó! Ấy lại là một việc khó nữa với tôi. Những 3 cô gái, biết đưa chúng sơ tán đi đâu bây giờ. Tôi phải nhờ đến  Petia, cậu lái xe thông minh của tôi. Cậu này được khen như thế, thì mừng lắm, đi ngay, và lần này cũng về ngay. Kết quả điều đình là tôi phải “đổi” cho mỗi cô một đêm ngủ khách sạn, (loại bậc trung thôi, chúng tôi không cần đến khách sạn 5 sao!”-các cô ấy bảo thế). Petia cầm “tối hậu thư” có chữ “đồng ý” của tôi, rồi cũng nhanh chóng quay lại báo cáo: Các cô ấy vui lắm, bảo là có thể đi ra khỏi phòng ngay bây giờ, rất lấy làm tiếc là đã phải để cho chúng tôi phải dọn phòng(!). Và tôi còn nghe thấy các cô có kế hoạch ngay: số tiền này, cô này sẽ mua 1 cái váy, cô kia thì thích 1 đôi vé đi xem phim 3D với anh bạn mà cô ấy đang cố gắng cưa cẩm,…cô thứ ba thì chỉ muốn “để giành”, có kế hoạch khác…và mỗi đứa sẽ tản về nhà các cô, dì, chú, bác, một đêm (“vì ký túc xá cháu ở hôm nay bị cắt điện, nước, theo kế hoạch kiểm tra định kỳ”). Đúng là “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba…”. Thế là mọi việc ổn thỏa, tôi chỉ còn một việc, dọn dẹp qua căn phòng, và chuẩn bị chăn, ga, gối, đệm, mang đến.

 

Anh bạn tôi lại mang đến một điều bất ngờ, anh ấy không đến vào buổi chiều như đã hẹn, mà đến ngay từ sáng sớm, theo chuyến tàu sớm từ Одесса lên. Chẳng có gì phiền phức nếu có đến sớm hơn vài tiếng đồng hồ. Vấn đề ở chỗ là đúng vào buổi sáng ấy, tôi phải chuẩn bị để đưa ba, mẹ tôi ra sân bay về Việt Nam. Tôi lúc cúc từ sáng sớm với vali, đồ đạc của ba mẹ. (Có quá nhiều quà lưu niệm của các bạn Moldova muốn ba mẹ phải nhận lấy, và mang về VN bằng được). Tôi nói với cậu lái xe, đi đón anh bạn tôi thật chu đáo, lịch thiệp. Cậu ấy hứa là với người khách đặc biệt như thế của tôi, cậu ấy sẽ cố gắng hết mình để chứng tỏ cho tôi thấy những phẩm chất mà có thể từ trước tới nay, tôi chưa nhận ra hết ở cậu ấy. Tôi cảm động gật đầu, nhìn theo chiếc xe cậu ấy khuất dần sau đoạn đường rẽ. Tôi ra sân bay, tiễn ba mẹ về nước chu đáo. Tuy trong lòng đôi khi nghĩ: liệu cậu lái xe có nhận được ra anh bạn, mà đón về ký túc xá đến nơi, đến chốn không.

Khi chiếc máy bay của ba mẹ cất cánh, liệng một vòng như chào Kisinhop, tôi chân năm, chân mười phóng xe đến thẳng ký túc xá. Chẳng cần quan tâm đến ông комендант, tôi chạy thẳng lên phòng…số…tầng 2. Cửa khóa im ỉm, đập mãi, mà chẳng có ai mở. Tôi vội gọi cho cậu lái xe, hỏi xem đã đón được anh bạn chưa. –“Có phải tôi đi đón khách nước ngoài lần đầu đâu, mọi chuyện quá OK!”. Giọng cậu ấy hồ hởi – “Thế ông ấy đâu?” – “Ở hotel “Cosmos”!... Ông ấy bảo tôi phải chở đến đó ngay, rồi ông ấy sẽ gọi điện nói cho bà hết mọi chuyện sau! -“Chuyện gi?”- “Có Chúa chứng giám, tôi mà biết được, thì…Nhưng bà này, ông ấy có vẻ trầm ngâm lắm, không tươi roi rói như mấy ông khách nước ngoài khác của bà!”. Đến nước này, thì tôi biết không thể gọi điện, nói chuyện qua điện thoại với anh được, tôi quyết định, hỏi dò qua cậu lái xe trước.

…”Tôi ra ga tàu còn sớm hơn cả giờ tàu đến. Tìm ngay được ông ấy. Tôi chào hỏi rất nhã nhặn, lịch sự như bà vẫn dạy. Tôi xách đồ cho ông ấy, trừ mỗi cái cặp, “ca táp”, là ông ấy nhất định không đưa cho, bảo: “ I сам!”. Dọc đường, chúng tôi nói chuyện vui vẻ lắm, không có vấn đề gì, mà có thể có vấn đề gì cơ chứ! Về đến ký túc xá vẫn OK. Tôi đưa ông ấy lên phòng, mang cả chăn, ga, gối, đệm theo. Trong khi tôi xếp đồ đạc vào chỗ , thì ông ấy ngồi mím một mép giường, mắt nhìn trân trân vào bức tường đối diện. Tôi đã tính bắt chuyện, nhưng tự nhiên lại thấy bất tiện, nếu cắt ngang dòng suy nghĩ của ông ấy. Nhưng cái cách mà ông ấy đang nhìn, làm tôi tò mò. Ông ấy nhìn đăm đăm,  nhìn đắm đuối, nhìn bất động, nhìn như vừa suy tưởng mông lung lắm, vừa như chẳng nghĩ điều gì, nhìn đến ngây dại. Tôi bất giác cũng bị hút theo, hướng mắt lên bức tường. Tôi chỉ thấy mỗi một thứ lúc ấy: một con ruồi đen to tướng đậu trên bức tường trắng toát. Nó đậu như là bị bức tường thôi miên, vì đã bằng ấy thời gian trôi qua, và hẳn cái nhìn kia phải phát ra một thứ tia nào đó lạ lắm, vậy mà nó vẫn đậu nguyên “một tư thế”!”.

Tôi sốt ruột, thấy câu chuyện đã có phần chuyển sang hướng “detective”, tôi cắt ngang với chút hơi bực dọc:

- Petia, tôi đang hỏi anh điều gì? Con ruồi thì liên quan gì đến chuyện ông bạn của tôi?!

- Ấy, ấy, xin bà bình tĩnh, và đặc biệt là đừng ngắt lời tôi, không thì tôi quên hết. Không kể đến chuyện con ruồi thì không có cái phần sau…

Tôi lại một lần nữa phải đầu hàng cho cái sự lằng nhằng của cậu ấy, nhưng vì tôi cần biết, ông bạn tôi vì sao mà bỏ đi…nên tôi lại phải chùng giọng xuống.(Mà trong lòng chợt nghĩ, lần đầu tiên tôi phát hiện ra cậu lái xe của mình giông giống cái bác Sancho - người hầu của Đông-Ki-Sốt, khi ông ấy đề nghị ông chủ đừng ngắt lời vì sợ đếm sai số con cừu qua sông…).

“Tôi nghĩ,- cậu lái xe kể tiếp, là chúng ta thật xấu hổ, đã đem ông ấy đến một căn phòng như thế này, một căn phòng có cả một con ruồi to tướng, đậu ngang nhiên trên bức tường, lại là bức tường đối diện…Ông ấy hẳn là một nhà khoa học lớn…(có đúng là bà đã nói với tôi, ông ấy là Viện trưởng một viện gì đó, ở một nước hơn 80 triệu dân cơ mà). Các nhà khoa học, họ sợ vi trùng lắm, vì chỉ có họ mới hiểu rõ vi trùng… Thực lòng mà nói, tôi vô cùng xấu hổ, và ân hận, vì cái con ruồi đó…

- Petia, rồi sao nữa?

- Ấy, xin bà giúp cho, đừng làm tôi quên, tôi kể đến đâu rồi nhỉ? À, đến đoạn con ruồi. Vâng, với tất cả lòng căm phẫn, tôi liền cuộn tròn tờ báo trong tay, rồi đập “cái bộp” vào con ruồi. Kết quả là nó ngã lăn xuống đất.

- Thì sao, Petia?

Thì đấy, tôi nói ngay đây, xin bà đừng quá sốt ruột! Ông ấy giật bắn mình, thảng thốt hỏi tôi:”Cái gì đấy?” - “Con ruồi!”- tôi đáp -“Con ruồi nào, ở đâu?”…Trời ơi, bà có biết tâm trạng tôi lúc đó thế nào không? Tôi thực sự lo cuống lên. Tôi nhìn chằm chằm vào ông ta, cúi xuống nhìn kỹ vào mắt ông ta, rồi huơ huơ tay trước mặt, xem ánh mắt ông ta có phản xạ gì không. (Thưa bà, bà yên tâm, đó là phương pháp xử lý rất đúng trong hoàn cảnh ấy, vì cái hồi tôi đi khám sức khỏe để lấy bằng lái xe, ông bác sĩ khoa tâm thần đã làm như thế với tất cả mọi người, và với tôi nữa, trước khi đặt bút ký vào tờ giấy chứng nhận “tâm thần bình thường” để sau đó tôi đi nộp, để nhận bằng lái).

 Ơn trời, ông ấy phản xạ rất nhanh, đứng lên, tiến đến bức tường, và chỉ lúc đó tôi mới nhận ra, là trên bức tường, lui về phía cửa sổ, có một giá sách đồ sộ. Trời, tôi thở phào nhẹ nhõm, hóa ra từ nãy đến giờ ông ấy ngồi ngắm cái giá sách đó. Tôi nhanh nhẩu: “Ông cần đọc quyển gì ạ? – “Không, chuyên ngành của tôi khác. Tôi đang ngắm cái khung giá sách này, chính tôi đã mua nó ở Универмаг 25 năm trước, và cũng chính tôi đã kỳ cạch đóng nó lên bức tường này. Petia, anh hiểu không, tôi đã ở căn phòng này suốt 5 năm sinh viên, đã dùng cái giá sách này suốt bằng ấy năm, làm sao tôi không nhớ, không thương nó được!”.- “Ông ấy làm tôi ngạc nhiên: 25 năm trước, mà tất cả vẫn như xưa, ông ấy vẫn nhận ra! Ôi, Thượng đế, Người đã xếp đặt ra bao điều kỳ diệu, đã sắp xếp những kỷ vật, để rồi chúng trở thành kỷ niệm, để người ta ngơ ngẩn cả người khi gặp lại!”. Tôi gật đầu, nhìn anh lái xe, có phải là chính anh ấy đang nói ra câu ấy không? Nếu phải, thì đúng là Thượng đế tài nghệ thật, khi làm ra con người.

-         Petia, thế sao ông ấy lại bỏ đi?

-         Ấy đây, đây mới là điều tôi muốn kể với bà!

-         Nhưng nhanh lên nhé, quá trưa rồi, phải đi tìm để mời cơm trưa ông ấy chứ!

-         Vâng, tôi kể nhanh đây! Tóm tắt thế này: Ông ấy, sau khi đã ngắm kỹ cái giá sách, còn tiếp tục ngắm kỹ những vật khác nữa trong phòng: mở cái tủ đứng, ở góc phòng kia, ngó nghiêng một hồi, đi lại phía cái bàn, rồi ngồi xuống cái ghế, cầm cái bút trên bàn lên, ngắm nghía nó, như trẻ em hôm đầu tiên vào lớp Một, mở một quyển sách ra, rồi gấp lại…rồi lại đi đến bên chiếc giường, ngồi xuống, ngồi phía cuối giường, lại chuyển lên phía đầu giường, cuối cùng ngồi vào giữa giường, bắt đầu nhún nhẩy cả thân người…như mấy đứa con nít vẫn thích nhảy tưng tưng trên giường ấy mà. Cái giường lo xo rõ là đã quá lâu năm rồi, quá rão rồi, nó chùng xuống gần sát nền nhà, và kêu cót két, cọt kẹt…Xong rồi ông ấy đứng lên và bảo tôi: “Ta đi thôi, Petia!” – “Vâng ạ”, tôi tuân lệnh ngay: “Giờ ta đi đâu ạ?” “Đi đến một cái hotel nào mà anh biết!”. Cái đấy thì không khó với tôi, bà biết đấy, mình cũng đã từng tiếp nhiều khách nước ngoài rồi mà. Tôi chở ông ấy đi. Và đến đoạn này thì bà biết rồi đấy!...Petia kể đến đây, thì nhìn tôi, chờ đợi, dường như muốn tôi xác nhận là tôi đã hiểu hết mọi sự việc, và anh ấy thì không có lỗi, hoàn toàn vô tội trong việc ông bạn tôi bỏ đi, đến một hotel để ở.

Tôi cố gắng xâu kết các sự kiện Petia đã kể và chợt nhận ra nguyên nhân chính của vấn đề lại nằm ở vài câu sau cùng của cậu lái xe. Không phải anh bạn có ý gì giận tôi, mà tại cái lò xo giường… 

    (Tác giả xin cam đoan, chuyện này không có thật 100%)


Người post: HuyenBT

Ngày đăng: 13-10-2010 21:09






Xem 1 - 10 của tổng số 14 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: TungDX
17/06/2011 23:05:36

Truyện ly kỳ quá đỗi, cứ thế kiên nhẫn móc hầu bao thời gian để đầu tư "xem hồi sau". Thắt nút thật chặt để rồi kết thúc lại đột ngột đến ngỡ ngàng; Anh có ý này: Giá như Huyền thay con ruồi trên tường bằng con rệp thì anh sẽ ấn tượng hơn nhiều, nhiều; Nhưng thôi anh thuộc trường phái hiện thực; Anh nhận trách nhiệm sẽ làm điều này.



Từ: camtumai
19/10/2010 14:32:07
Huyền Em, vậy là Em vẫn nhớ chị. Chị thì chẳng nhớ có "đọc thơ" lần sang lại Kishinhốp hay không nữa, vì thời gian đó chị ở Mat nhiều hơn nên không được tham gia văn nghệ cùng mọi người. Em khen chị quá rồi đấy. Trở về gần 40 năm trước thì có thể, còn bây giờ lão hóa, xơ hóa thanh quản "nói thơ" còn khó nữa là "đọc thơ" ngâm nga ...
Lần này Hàm GS lại trở về với kỷ niệm xưa chắc sẽ có nhiều chuyện hay. Viết tiếp nhé!
Chị có gửi qua Hàm thư cho Thày Melnhik. Có gì Em trợ giúp Hàm chuyển giúp chị.
Chị cũng rất mong Em giúp chị và các học trò lớp tiếng nga 1969-1970 thắp nén nhang tạ lỗi trước Mộ Cô Ludmila Phranxiebna. Cảm ơn Em nhiều!


Từ: 3Chai
16/10/2010 13:53:44
Híc híc híc, văn phong lãng mạn, lại pha thêm chutchut trinh thám, chutchut trào phúng. Thật tiếc cho ngài Viện trưởng có thể đã phát triển hơi quá trọng lượng để có thể nằm lại chiếc giường SV. Phải là tớ, chắc chỉ cần 3 butylki để ngự tửu cùng ông Cò trong krasnyi ugolok thôi, khỏi cần tốn tiền hotel cho 3 cô kia.


Từ: BinhPT
16/10/2010 11:26:27
Lúc đọc bài của Huyền qua mail, mình cũng muốn biết cái giá sách ra sao, nay thì được nhìn thấy rồi. Anh Hàm nên làm theo gợi ý của Huyền là mua lại làm kỷ niệm (chắc là đắt vì gần thành đồ cổ rồi!)
Vẫn nghe các bạn năm dưới khen ngợi tài thơ ca của Huyền, nay mới được thưởng thức. Quả là "danh bất hư truyền"!!! Đọc truyện nào cũng thấy háo hức, bồi hồi, xao xuyến. Và lại cám ơn định mệnh đã để cho người KGU đã có một đại sứ như Em.
Không biết Huyền sẽ gặp mọi người ở Hà Nội trước hay mọi người gặp lại em trước tại Kisinhov nhỉ? Chỉ biết là chắc chắn chúng ta phải được gặp nhau!!!


Từ: HuyenBT
16/10/2010 02:40:44
Xin lỗi là em lại viết nhiều.Em còn muốn nói là em thưc sư tiếc là anh Lương khi trở lại Moldova, đã không biết em đang ở đó. Em biết"lang thang một mình"thật là thú vị, nhưng em thì lại áy náy, với vị trí "chủ nhà".Để lần sau nhé, anh Lương. Anh đăng cái thư của anh gửi em va anh Hàm, lên mục "chúng ta" để mọi người cùng chia sẻ đi,những suy nghĩ thật cảm động và thật trân trọng.


Từ: HuyenBT
16/10/2010 02:29:55
Chị Cẩm Tú ơi,em không ngờ được gặp lại chị trong hoàn cảnh này,sau hơn 20 năm. Thời gian "bó tay" trươc chị đấy:chị chẳng biết già gì cả.Em vẫn nhớ giọng ngâm thơ của chị :"Anh viêt cho em,dưới ngọn đèn kháng chiến..."
Anh Ngọc ơi, đó sẽ là người phụ trách tiết mục "Tiếng Thơ" của hội ta đấy. Bài thơ nào cũng sẽ "bay lên" với giọng ngâm của chị Mai Cẩm Tú. Không tin, các anh PhưND, Dương Cơ, chi Thu Hương anh Quốc Anh...và các nhà thơ khác...hãy thử đến "đặt hàng" xem a.


Từ: HuyenBT
16/10/2010 02:17:43
Anh Hàm vừa viết cho em:"Lần này anh sang Moldova lâu lâu, chủ yếu là để "trả nợ".Anh xin phép H gửi bài viết này cho người KGU, để "lỗi lầm không lặp lại",(nghe rất "sám hối").Còn em thì mong tât cả moi người khi trở lại thăm Moldova, đều mắc những"lỗi lầm" như kiểu của anh Hàm.Bởi vì, thế nghĩa là mình được trở lại mình của một thời tuổi trẻ. Vì vây, mà em khuyến khích,em kêu gọi mọi người hãy "lầm lỗi" khi trở lại Moldova


Từ: HoaNT
14/10/2010 11:51:54
Huyền ơi mỗi lần đọc thư hay tác phẩm gì của Huyền là nhớ Kisinhoops quá. Suýt nữa lần này chị cũng đi Kisinhops đấy, đã làm giấy tờ quyết định của Viện , nhờ Trương Xuân Thanh làm hộ chiếu công vụ rồi thế mà lại có việc khác không đi được. Hẹn dịp khác nhé. Mọi người KGU đều cám ơn em về những tình cảm của em dành cho mọi người đấy.


Từ: ThanhLK
14/10/2010 11:02:39
Huyền à,
chuyện và thơ của em luôn hấp dẫn và đi vào lòng người KGU vì: bên cạnh tài năng văn thơ bẩm sinh em còn có cái tâm, cái tình cảm chân thật,có cái nhiệt tình hiếm có với các đồng hương, với các bạn đồng môn và cũng vì tất cả các chủ đề em viết đều liên quan đến cuộc sống sinh viên ở Kishinhgp - một thời đã qua mà không hề quên được...
Cám ơn em đã tặng cho các anh chị một món ăn tinh thần rất tinh tế. Phát huy nhiều nữa nhé.


Từ: NghiPH
14/10/2010 08:04:29
Về cảm xúc của chính "Người trở về", anh Ngọc viết rồi. Còn người được đón và tháp tùng "Người trở về" có ấn tượng, có cảm xúc gì về "Người trở về" (mà Người trở về ở đây đâu chỉ có NgọcBQ mà còn có một cựu sinh viên KGU Minh Nguyệt cùng các cháu nữa)? Chẳng hạn, không ai biết được Ngọc BQ đã lo lắng như thế nào về bài diễn văn, rồi HT đã đọc ra sao bài diễn văn này, đã giới thiệu với các thày cô ra sao về các trò, về Hội KGU…? Rồi về cảm xúc của các thầy cô tại cuộc gặp mặt với đại diện Hội KGU từ góc nhìn của Huyền nữa... Có rất nhiều điều, nhiều chuyện về chuyến trở về của vợ chồng Ngọc- Nguyệt mà dân KGU đang tò mò muốn biết. Cái tò mò này đáng yêu và chính đáng thôi vì Ngọc là người đại diện của họ mà.



Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s