Nhà nghỉ Коммунальник
Tác giả: Khửu
NƠI BẮT ĐẦU CỦA TÌNH YÊU
Một buổi sáng tháng 7 mùa hè 1975, ánh nắng mặt trời nhè nhẹ chiếu xuyên những cành lá bạch dương đang rung rinh trước gió in đốm vàng như những đồng tiền óng ánh rơi khắp mặt đất và trên con đường nhựa tôi đang rảo bước. Con đường ra khu thể thao trong khu ký tức xá sinh viên sáng nay vắng hẳn bóng các anh chị đá bóng hay cầu lông, bóng chuyền. Sinh viên KGU chúng tôi đã bước vào dịp nghỉ hè, theo thông lệ mọi người đã đăng ký đi du lịch tới các thành phố lớn ở khắp nơi trên LB Xô Viết như Moskva, Leningrat, Volgagrat, Voronhets, Kharkov hay Erevan, Tashkent xa xôi. Một số khác thì đi nghỉ tại các nhà nghỉ thuộc Moldova: Лесной, Кодры, bãi biển Чайка. Riêng đối với tôi đây là kỳ nghỉ hè cuối cùng của đời sinh viên, chúng tôi đã lên năm thứ 5 phải chuẩn bị thi quốc gia và làm luận văn tốt nghiệp. Nhưng đó là phía trước còn hiện tại chúng tôi phải tận dụng cho hết thời gian quý báu của kỳ nghỉ hè cuối cùng này.
Tháng 6, sau hàng loạt những sự kiện chào mừng ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng và ngày Quốc tế lao động 1-5, với niềm hứng khởi và vui mừng trong tâm trí chúng tôi đã lên đường thăm thủ đô Moskva, thăm Lăng Lê nin, điện Kremlin, đi tàu dọc sông Moskva và thăm nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng khác. Các bạn cùng khoa Lý 76 của tôi cũng tản mát hết theo các đoàn du lịch hoặc sang Đông Âu thăm bạn bè trước khi về nước hoặc đi chơi trong nước và đi nghỉ như tôi. Cũng có một số bạn ngay từ hè này đã lo cày cuốc kiếm thêm ít tiền để chuẩn bị về nước, thông thường cũng phải cố có cái đài Rigonda, con máy khâu M67 hay chí ít cũng là chiếc xe đạp Sport hoặc Sputnik, mà với mức học bổng 60 rúp/tháng thì làm sao chúng tôi có thể kham được những thứ ấy cơ chứ. Thường là tuần cuối cùng của tháng chúng tôi đã phải ăn bánh mì với nước chè 2 kop rồi. Đời sinh viên thế mà vẫn học, vẫn vui và cũng không thiếu thứ gì.
Theo thông báo của trưởng đoàn thì đúng 9g sáng chúng tôi phải có mặt trước cửa nhà ăn SV để lên xe xuất phát. Lần này đoàn chúng tôi sẽ đến nhà nghỉ “Коммунальник”. Với chiếc cặp da đựng vài bộ quần áo và chiếc đàn ghita khoác vai tôi bước lên chiếc xe Hải Âu đang chờ sẵn. Vừa chào cô giáo hướng dẫn đoàn và mọi người xong đập vào mắt tôi là khuôn mặt xinh xắn với 2 bím tóc dài ngồi ngay hàng ghế thứ 2. Tôi nhìn thẳng vào em và tự hỏi: chắc là em dự bị mới đây, trông xinh thế, sao mình chưa gặp bao giờ nhỉ? Có lẽ em cũng cảm nhận được cái nhìn của tôi, em cúi xuống tay vân vê vạt áo. Bây giờ tôi phải thú nhận thật với các bạn là lúc đó tự nhiên trong người tôi như có một dòng điện tê tê chạy qua, một cảm giác chưa bao giờ xảy ra đối với tôi mặc dù những năm tháng sinh viên tôi cũng quen biết và chơi thân với nhiều bạn gái kể cả ta lẫn tây ấy chứ. Thế mà lần này một cảm giác thật lạ làm tôi cũng tự hơi bối rối. Suốt thời gian ngồi trên xe ở hàng ghế sau tôi chỉ chăm chăm nhìn vào 2 bím tóc và thầm ước khuôn mặt dễ thương kia ngoảnh lại lấy một lần. Thời điểm đó tôi cũng đã là một chàng trai đã bước sang tuổi 23 rồi nhưng gọi là rung động trước tình yêu thì quả thực tôi chả biết nó là cái gì cả. Nhiều bạn cùng thời lúc đó lấy tiêu chí làm lẽ sống là 3 đỉnh của tam giác: giảng đường – thư viện – góc đỏ. Đối với tôi cuộc sống khi đó lại là: giảng đường – nhà ăn – và sân bóng. Có bạn sẽ hỏi thế học vào lúc nào? Xin thưa: chúng tôi chỉ học trước khi có экзамен hoặc зачёт có vài ngày thôi và thường là cày suốt ngày đêm luôn thì mới kịp trả lời được hết các câu hỏi thi mà các thày cô đã cho.
Hồi đó trong ký túc xá số 1 của chúng tôi thỉnh thoảng vào các tối thứ 7, chủ nhật Hội SV cũng mời các chuyên gia tâm lý học hoặc xã hội học đến nói chuyện với sinh viên về đề tài tình yêu, giới tính và gia đình. Chủ đề này nói thật đối với mấy thằng bọn tôi lúc đầu thấy ‘người lớn’ quá, nhưng sau ngồi nghe cũng thấy mới lạ, hay hay. Tôi còn nhớ có lần mọi người bàn luận chủ đề thế nào là một tình yêu lớn (большая любовь). Kết luận cuối cùng tình yêu lớn là một tình yêu phải hướng tới và kết thúc bằng hôn nhân. Ra về tôi cứ thắc mắc mãi chả lẽ nếu có một tình yêu với sự say mê không thể thiếu nhau nhưng kết cục thì chưa nghĩ đến (vì còn trẻ quá mà) thì không thể gọi là большая любовь được hay sao? Và nếu nói như vậy thì trong đời người ta muốn có nhiều tình yêu lớn thì phải bỏ nhiều vợ hay thế nào? Nói tóm lại là bế tắc và tôi quyết định bỏ qua cái lý thuyết tình yêu lớn ấy, không nghĩ đến nó nữa. Ngay cả khi tôi đang gặp em trên chiếc xe này đây tôi hoàn toàn chẳng nghĩ đến một thứ tình yêu tình báo gì hết mà chỉ là một cảm giác mơ hồ nhưng không thể nào dứt bỏ được.
Chiếc xe đưa đoàn chúng tôi chạy bon bon qua những cánh đồng nho bát ngát, những cánh rừng táo đang mùa chín đỏ bạt ngàn. Moldavia, đất của nho, táo, lê và các loại hoa quả. Xe đi qua thành phố Бендеры rồi Тирасполь, cuối cùng cũng đến khu nhà nghỉ “Коммунальник”. Nhà nghỉ này tôi cũng đã đến từ mùa hè năm thứ nhất, một nơi nghỉ rất lý tưởng, vì nó nằm gọn trong một cánh rừng, ra khỏi bìa rừng là dòng sông thuộc nhánh của con sông Нистру chảy từ Rumani qua Moldova nhập với sông Днестр ở Ukraina và chảy ra biển Đen. Về phía bên phải cánh rừng lại là những vườn táo, mận và lê chi chít trĩu quả, hầu như ngày nào chúng tôi cũng phải đi qua khu vườn ấy để ‘đập phá’ chúng. Trước mặt nhà nghỉ là khu vui chơi giải trí: sân bóng chuyền, cầu lông, nhà đánh bóng bàn, đánh cờ, có cả một phòng tập thể hình với những vật dụng như nhảy ngựa, bàn bi-a, xà đơn xà kép, vòng treo…Còn bên cạnh nhà nghỉ Коммунальник là khu nghỉ mát của các em thiếu nhi, ở đấy có cả một sân khấu to và sân bóng đá. Đoàn chúng tôi cũng có một đội bóng gần chục người chủ yếu là dân Lý, Toán. Chiều nào đội bóng chúng tôi cũng ra sân tập. Chúng tôi cùng với các đội bạn của các nhà nghỉ xung quanh tổ chức được một giải đấu giao hữu. Trong trận chung kết năm ấy các cầu thủ của đội tuyển SV Việt nam đã giành ngôi vô địch. Danh sách các nhà vô địch giải: Lý 76 có tôi, Nam rù, Minh cận, Hưng; Lý 77-78 là Hoàng Lương, Hồng, Báu (giữ gôn); Toán 79 có Ngọc…Đấy là theo trí nhớ của tôi cho đến ngày hôm nay.
Xuống xe, sau khi nghỉ ngơi ít phút chúng tôi đi ăn cơm, nhà ăn ngay tầng 2 nhà kế bên khu phòng nghỉ. Ở nhà nghỉ Коммунальник ăn uống thì tuyệt vời không chê vào đâu được, nhưng bọn chúng tôi ăn cũng khỏe vì chơi và chạy nhảy nhiều. Tôi chờ mọi người lên hết rồi mới bước vào столовая. Đầu tiên tôi lướt nhìn tìm xem em ngồi bàn nào đã rồi mới ngồi vào phía bàn đối diện để còn vừa ăn vừa được…ngắm em nữa chứ. Chẳng hiểu sao từ giây phút đầu tiên nhìn thấy em trên ôtô trở đi đầu óc tôi cứ quanh quẩn những ý nghĩ về em. Lúc ăn cơm xong xuống sân tôi để ý thấy em lững thững một mình ra ngồi ở chiếc ghế băng ven con đường nhỏ gần sân bóng chuyền. Có cơ hội rồi đây. Tôi cũng giả bộ đi dạo và tản bộ về phía em ngồi. Lúc đi ngang qua tôi chủ động hỏi:
- Em có phải dân dự bị không? Sao ăn xong không về phòng nghỉ mà lại ra đây, anh thấy chị em nhiều người đi ôtô mệt không ăn uống được đều về nghỉ luôn rồi. Và tôi cũng ngồi xuống ghế cách em một khoảng. Em hơi thu mình lại nhìn sang tôi rồi nói:
- Vâng, em học dự bị nhưng sắp phải xa Kishinhốp rồi. Đầu tháng 9 em xuống Odetxa học. Em thấy cảnh ở đây mát mẻ và thanh bình quá làm em nhớ về Hà Nội.
Và thế là câu chuyện của tôi như có đà trở nên thân mật hơn, chứ không ngượng ngập như ban đầu nữa. Em cho biết tên em là Th. ở cùng phòng ob 4 với các bạn V.kẹo, bạn P.L pianô, toàn các bạn nổi tiếng đàn hay hát giỏi chắc anh biết quá. Tôi bảo các bạn ấy thì anh biết vì hội diễn văn nghệ lần nào mà chả xem các bạn ấy biểu diễn, nhưng chính cái tên của em lại có cả tên anh trong đó đấy, thế có tình cờ không. Em hơi đỏ mặt cúi đầu xuống lí nhí: tên thì do cha mẹ đặt thôi chứ làm sao mà biết trước sẽ trùng tên ai đâu anh. Tôi lại hỏi em ở dự bị có nghe những gì người ta nói về hội Lý bọn anh không? Em ngước lên nhìn thẳng vào tôi rồi hỏi:
- Em mới chỉ nghe thôi hôm nay mới nhìn thấy các anh. Nhưng sao các anh để tóc dài thế, anh thấy đẹp ạ? Tôi bảo ừ, bọn anh thích thế thôi vì thấy nó mới nó lạ, mà nhiều thanh niên các nước họ để tóc trông đẹp thật ấy chứ. Em lại nhỏ nhẹ:
- Chắc bọn em trong nước cũng mới sang nên chưa quen và chưa thấy nó đẹp anh ạ. Nghe các chị năm trên nói mấy anh đua đòi quần loe tóc dài làm bọn em cũng sợ lắm. Đến lúc này tôi mới mạnh dạn:
- Anh hỏi thật nhé, thế từ nãy đến giờ ngồi nói chuyện với anh em có thấy sợ hay ngại gì không? Em rất thành thật trả lời:
- Không, em chẳng thấy gì cả. Em còn có cảm giác là anh nói chuyện rất đứng đắn người lớn ấy chứ.
Bây giờ thì tôi hiểu, lâu nay một số người không thích những ai ăn mặc quần loe ống, tóc để dài thì đều đánh giá họ là những người không đứng đắn, hư hỏng về đạo đức. Thực tế thì trong lớp Lý76 của chúng tôi có người để tóc, ăn mặc thế này, có người thế khác nhưng cả lớp luôn được các thày cô giáo yêu quý vì học giỏi, nói tiếng Nga như gió và sống rất vui vẻ thẳng thắn. Chả gì 15 đứa chúng tôi cũng là những học sinh xuất sắc được đích thân Bộ trưởng Tạ Quang Bửu lựa chọn trong kỳ thi đầu tiên vào Đại học sau nhiều năm chiến tranh không áp dụng hệ thống thi cử mà chỉ tuyển chọn căn cứ học lực và lí lịch. Trước khi về phòng tôi còn hẹn em chiều mát ra sân chơi bóng chuyền vì được biết em mê môn thể thao này nhưng chỉ biết đóng ‘tủ’ ở sân thôi và em muốn tập.
Những ngày sau đó là những ngày nghỉ cực kỳ vui vẻ và thoải mái đối với tôi. Chúng tôi hàng ngày tập đánh bóng bàn, bóng chuyền và cầu lông. Anh Báu Lý 78 được các em năm dưới gọi là sư phụ trong môn bóng bàn, cả buổi trưa Báu hoàn toàn không ngủ để còn luyện các đường cắt bóng, tiu, ve cho các em. Cuối đợt nghỉ nhiều em tiến bộ trông thấy. Khoảng 4 đến 6 giờ chiều là chúng tôi tu tập tại sân bóng chuyền, thua ra được vào, đội nào phải đứng ngoài thì hò hét tới khản cả cổ để làm sao đẩy được đội thua ra khỏi sân càng nhanh càng tốt. Em rất thích chơi bóng chuyền nhưng đúng em là một cái tủ to của đội mấy chị Hóa năm trên thật. Cứ mỗi lần đến lượt tôi sắc vít là thể nào cũng chuyền cho em thật ngon. Ấy thế mà không ít quả em chạy thế nào mà ngã siêu ngã vẹo.
Được 2 hôm thì chúng tôi rủ nhau đi tắm sông. Mọi người rất thích bơi nhưng vì là con sông nước chảy nên chúng tôi phải tìm một khúc cua rộng hõm vào như cái ao và nước ở đấy hầu như không chảy, đáy sông lại nông thế là có một chỗ lý tưởng để ai không biết bơi có thể tập được. Các anh năm trên đua nhau đòi làm giáo viên hướng dẫn cho các em năm dưới. Nhưng các em ra điều kiện, cái này là xuất phát từ mấy em Hương, Thanh, Phong khoa Hóa, các anh không được đỡ bụng mà chỉ được đứng phía trước cầm tay rồi để các em đập chân và kéo các em đi thôi, chúng tôi gọi đấy là bơi kiểu cây chuối. Tất nhiên trong đoàn chúng tôi lúc đấy cũng đã có mấy đôi ra mặt rồi như đôi Tâm SV+ Lý VL hay Hưng VL + Minh SV thì họ thoải mái đỡ bụng cho nhau, dù sao vẫn còn giữ ý tứ nên họ thường bơi cách đội bơi phọt phẹt của chúng tôi một quãng khá xa. Cho đến giờ tôi cũng chả nhớ đã tập bơi được cho em nào nữa, có điều chắc chắn là chả có em dự bị nào cho các anh năm trên nắm tay nắm chân tập luyện cả. Thật tiếc.
Tôi nhớ là hồi đó Ngọc (Toán) đã phát kiến việc tổ chức đi поход vào rừng. Thế là cô giáo tiếng Nga dẫn đầu cả đoàn đội mũ nón, đeo túi xách theo sau đi sâu vào khu rừng men theo dòng sông. Cứ đi một đoạn mệt cả đội lại ngồi nghỉ và các loại chuyện tiếu lâm Việt tiếu lâm Nga được kể ra rôm rả. Đến cô giáo Nga cũng phải cười bò ra không hiểu mấy cậu VN này kiếm đâu ra lắm chuyện thế. Suốt dọc đường đi tôi cũng hết sức tranh thủ đi cạnh em nói chuyện thật vui vẻ và nhẹ nhàng để khỏi lộ ra là mình đang có ý đồ cưa cẩm. Tuy thế giờ xem lại mấy tấm ảnh chụp hồi ấy mới biết là vẫn bị lộ, cứ nhìn ánh mắt chiếu về đâu là biết ngay mà.
Khi đoàn поход gần quay trở về nơi xuất phát trời đã xâm xẩm tối. Ăn tối xong cả đoàn tụ tập dưới sân để đi đốt lửa trại ở cánh rừng, lúc đó điểm danh thì thấy khoa Lý báo thiếu anh Lý, bên khoa Sinh báo thiếu chị Tâm. Thế là cả hội nhao lên đi tìm, vừa đi vừa gọi, mọi người đổ dồn về phía bờ sông. Thực tình tâm trạng chúng tôi lúc đó rất hoảng sợ, ngộ nhỡ có điều gì xảy ra thì làm sao đây, trời thì tối. Thế là buổi đốt lửa trại phải hoãn lại và chúng tôi bủa đi tìm 2 bạn đến gần nửa đêm. Khi đã hết hy vọng, nghĩ đến sáng hôm sau sẽ phải đi trình báo công an, cả hội quay trở về phòng ngủ thì thấy có người hô lên: chúng nó về đây rồi! Mọi người quây lại định hỏi cho ra lẽ nhưng chỉ thấy 2 anh chị T, L. chạy về phòng riêng không nói gì. Mãi sau này anh L. mới kể lại là 2 đứa đang ngồi tâm sự trong một cái bụi rậm thấy mọi người kéo đi tìm gọi toáng tên cả hai lên, sợ bị bắt gặp thì xấu hổ, thế là hai tên mới phú lỉnh chuồn lẹ về nhà.
Một kỷ niệm có lẽ không bao giờ tôi quên được cũng trong kỳ nghỉ tại nhà nghỉ Коммунальник lần đó. Sắp kết thúc đợt nghỉ, ban lãnh đạo nhà nghỉ tổ chức Hội diễn văn nghệ và yêu cầu các trường, các đơn vị phải có tiết mục tham dự. Đoàn VN chúng tôi họp và quyết định thành lập một tốp ca bởi vì trong đoàn có em Vân kẹo, một ca sĩ có tiếng của đơn vị, ngoài ra tôi, một ‘cây’ ghi ta ритм cũng đã từng tham gia ban nhạc ансамбль của Дом культуры một thời gian (sau ансамбль phải bàn giao lại cho các bạn năm dưới VL78 vì Đơn vị trưởng không chấp nhận cho mấy anh ‘hư hỏng’ tóc dài chơi trong ban nhạc). Thế là dàn tốp ca được thành lập và phải bắt tay vào tập tành ngay. Chủ yếu là các em dự bị tham gia, tất nhiên trong đó có em. Bọn tôi bàn đi bàn lại, để cho dễ hát, dễ thuộc, hơn nữa ngày biểu diễn đã cận kề chỉ còn 2 ngày, chúng tôi chọn hát bài "День рождения крокодила Гена", một bài hát thiếu nhi Nga rất phổ biến lúc đó. Bài hát có 2 đoạn và 1 điệp khúc:
А я играю на гармошке
У прохожих на виду
К сожалению, день рождения
только раз в году.
Điệp khúc thì mọi người đều thuộc, còn 2 đoạn bài hát thì tôi phải học thuộc để vừa đánh đàn vừa lĩnh xướng, dù gì tiếng Nga thì tôi cũng đã năm cuối còn các em dự bị sợ học khó thuộc hơn. Thế là cứ sau bữa cơm trưa cả bọn rủ nhau ra ngồi dưới lùm cây cạnh sân bóng chuyền tập đàn hát. Lúc đầu tuy phải cầm giấy nhưng sau tôi cũng cố gắng đọc để thuộc lòng 2 đoạn bài hát. Đêm biểu diễn văn nghệ tối thứ 7 đã đến. Sau tiết mục múa của các em thiếu nhi trại bên cạnh thì đến tốp ca của chúng tôi. Bước lên sân khấu mà tôi thấy run quá, đã bao giờ mình đứng trước một đám đông đến thế này đâu, dễ đến vài trăm người chứ không ít. Sau khi nghe giới thiệu tên bài hát cả hội trường vỗ tay vang như sấm dậy vì đa số là các em thiếu nhi ngồi hết cả phía đằng trước khán đài. Khi tiếng đàn ghi ta phập phùng của tôi vang lên là các em vỗ tay theo nhịp. Tôi hát đoạn 1, sau đấy là điệp khúc cho cả tốp, mọi thứ đều trôi chảy. Lại dạo nhạc và sang đoạn 2, không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà tôi vừa cất xong câu đầu thì…tịt luôn. Lúc này thì không có giấy trên tay nữa rồi, mà các em thì không ai học đoạn này chỉ thuộc điệp khúc thôi. Thế là tay thì gẩy đàn còn đầu thì gật gật, không còn ra thể thống gì nữa. Thật may cho tôi ngay sau cái gật đầu thứ 3 thì tất cả các em thiếu nhi ngồi dưới đồng thanh hát vang lời 2 của bài "День рождения крокодила Гена" mà cho đến tận bây giờ tôi vẫn không thể nhớ ra được nữa. Sau khi hết cả 2 đoạn, một số em còn chạy lên sân khấu tặng hoa và đòi hát thêm một lần nữa. Lần này thì với dàn đồng ca hoành tráng chúng tôi đã kết thúc bài hát một cách mỹ mãn. Sau vụ này tôi cảm thấy rất xấu hổ và tránh gặp mọi người, tôi còn có ý định vứt cây ghi ta xuống sông nhưng sau nghĩ thấy tiếc nên thôi. Tối hôm sau là tối cuối cùng mọi người rủ nhau đi đốt lửa trại. Tôi vẫn nằm trên phòng định bụng không đi đâu cả. Bỗng nhiên từ phía dưới sân vang lên đồng thanh: “Anh Khửu ơi, xuống đi chơi với bọn em đi!” Phải gọi đến 3 lần tôi mới ghé mắt nhìn xuống thì thấy cả đám tốp ca của tôi đang ngồi hò hét gọi tôi xuống. Tôi lại đi vào nằm trên giường và thở dài. Một lúc sau không thấy í ới gì nữa chắc tôi không ra mấy em chán nên đi ra chỗ đốt lửa rồi. Tôi lò dò xuống cầu thang định ra sân ngồi hóng mát, bỗng nhiên tôi vẫn thấy một mình em ngồi trên bệ ghế đá. Nhìn thấy tôi em vui mừng:
- Ồ anh Khưu đây rồi. Em lại nghĩ vì anh ốm hay cảm nên mới không đi chơi với tụi em, định lên thăm nhưng ngại tụi bạn quá nên em ngồi nán lại. Thế anh có sao không?
Tự nhiên trong tôi trào lên một sự thương cảm vô cùng, em đã lo cho tôi, em đã mong muốn có tôi đi cùng các bạn. Ngay từ giây phút ấy tôi có một cảm giác mơ hồ rằng cuộc đời tôi sẽ rất cần đến em, tôi sẽ giữ lại mãi cái hình ảnh này và cả cái thứ tình cảm khó nói lúc này để đi hết cuộc đời mình. Tôi đã nhủ thầm với mình như vậy. Sau này vào những ngày cuối mùa đông năm 1978 khi tôi có dịp đi công tác qua Liên xô và Bungari, tại Moskva tôi đã gặp lại em và kể về cái cảm giác đầu tiên không bao giờ quên ấy. Em bảo: “Thế á, còn em chả nhớ đã nói cái gì lúc ấy nữa. Em chỉ có cảm giác anh là một người anh rất chững chạc, rất dễ thông cảm và gần gũi với bọn em, chứ mà nhìn bên ngoài thì hơi dễ sợ thật đấy chẳng thể nào mà cảm được đâu”. Cũng phải thôi một đứa con gái mới lớn lại vừa mới xa nhà hơn 1 năm dễ gì mà phải lòng một anh năm trên lại chỉ còn 1 năm thì về nước chứ. Nhưng em cũng nói: “nếu nói cảm tình thì thật sự là ngay sau khi nói chuyện với anh trên băng ghế ở nhà nghỉ thì em cũng hơi hơi cảm tình thật”.
Tôi và em quyết định không đi xem lửa trại nữa mà ngồi lại chuyện trò vì em bảo em thích nghe tôi nói chuyện có lẽ vì em không có anh trai. Tôi chạy lên nhà mang tấm ảnh chụp hôm đi chơi trên tàu thủy chạy dọc sông Нистру có cả em và tôi đeo đôi gọng kính đen to tướng đứng ngay phía sau. Em ngạc nhiên hỏi tôi chụp lúc nào mà có bức ảnh này. Tôi bảo thợ chụp đấy chứ, thấy đẹp thì anh lấy thôi và rằng thực bụng là có ý định để tặng em. Tôi chả hiểu em có nghĩ gì không nhưng thấy ánh mắt em nhìn tôi có vẻ cảm động lắm.
10 ngày nghỉ trôi qua thật là nhanh, đã đến lúc chia tay Дом отдыха “Коммунальник”, chúng tôi lại ríu rít lên xe để trở về Kishinhốp. Nhưng lần trở về này tôi có cảm giác như mình đã là một con người khác hẳn, trong tâm trí chỉ toàn là hình dáng em và những câu chuyện, những lời nói thân thiết của em. Trên xe tôi không dám đến ngồi cạnh bên em sợ mọi người trêu chọc. Lúc xuống ôtô tôi đã lấy hết sức can đảm để hẹn hò mời em hôm sau sang ob Lý của chúng tôi chơi, em chỉ cười và nói nếu có các bạn em đi cùng.
Câu chuyện về 10 ngày đầu tiên mối tình đầu của tôi là như thế đấy. Sau này trải qua nhiều năm tháng xa cách, năm cuối cùng tôi ở lại Kishinhốp còn em xuống Ôdetxa học Khí tượng Thủy văn và còn 4 năm dài đằng đẵng sau khi tôi về nước, tình cảm của chúng tôi ngày càng thêm gắn kết. Nhân chứng cho mối tình của chúng tôi thực ra rất ít người biết, trong đó có HT Ngọc của chúng ta bây giờ, Ngọc và em là bạn học cùng lớp từ hồi còn ở phổ thông với nhau và em Hương Hóa77 đồng thời là em họ của Th. Nhiều người sau này đến chơi thăm vợ chồng tôi vẫn không hiểu chúng tôi gặp và yêu nhau từ khi nào. Tôi cũng muốn nói thêm rằng nhà nghỉ Коммунальник thật sự là nơi lý tưởng cho tình yêu nảy nở và đơm hoa kết trái. Lúc đầu tôi định đặt đầu đề cho bài viết này là Nơi bắt đầu một tình yêu, nhưng sau mới nhận ra rằng, đâu phải chỉ có một tình yêu của chúng tôi bắt đầu từ đấy mà nơi đây còn là nơi khởi thủy của vài ba mối tình tuyệt đẹp khác nữa và kỳ lạ thay họ cũng bắt đầu từ chính cái đợt nghỉ cùng với tôi, chỉ mãi sau này mọi người mới nói cho nhau biết. Tôi nghĩ rằng sẽ có lúc anh Lương chị Thanh, anh Lý chị Tâm, kể cả anh Hưng và chị Minh nữa… cũng sẽ hồi tưởng lại những ngày đẹp đẽ nhất về nơi bắt đầu tình yêu của mình - Дом отдыха Коммунальник.
(Hết phần I).
Người post: HuyTQ
Ngày đăng: 14-10-2010 23:11
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |