Lê Thị Muội, người thầy của tôi
Tác giả: LienTP
Trong Viện Công nghệ sinh học tập trung khá nhiều các anh chị đã từng học tại Trường đại học tổng hợp Ki-si-nov. Người lâu năm nhất là chị Muội. Chị tốt nghiệp đại học năm 1968, khóa thứ 2 đào tạo sinh viên Việt Nam tại Moldova, Liên xô.
Chị Lê Thị Muội, sinh năm 1942 tại Triệu Phong, Quảng Trị. Chị tốt nghiệp khoa Sinh học, trường Đại học tổng hợp quốc gia Kisinov, Moldova (1963 - 1968), làm nghiên cứu sinh và bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ tại Viện Sinh lý thực vật Timirjazev - Viện hàn lâm khoa học Liên xô (cũ) vào năm 1974, thực tập sinh cao cấp tại đây rồi bảo vệ thành công luận án Tiến si Khoa học (1980 - 1986). Về nước, chị đã từng làm Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học (1993 – 1997), Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Công nghệ sinh học (1998 – 2005), Chủ tịch Hội đồng khoa học ngành Sinh học của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (2006-2008), Chị là tác giả của trên 100 công trình khoa học về Công nghệ sinh học.
Tôi biết chị từ năm 1986, khi chị cùng với các đồng nghiệp triển khai phương pháp nuôi cấy mô tế bào tại Viện. Đây là phương pháp không chỉ nhân nhanh, lưu giữ nguồn gen thực vật thuần chủng mà còn là tiền đề để thực hiện các kỹ thuật tạo cây chuyển gen sau này. Làm việc cùng chị, tôi biết chị luôn trăn trở vì cái nghèo của các nhà khoa học, với việc thiếu thiết bị đầu tay cho nghiên cứu. Với cán bộ, nhân viên, chị thật gần gũi, chân thành, giản dị. Chị luôn quan tâm đến mọi người, sẵn sàng bàn bạc, trao đổi ý kiến để giải quyết mọi khúc mắc, các vấn đề từ riêng tư đến các vấn đề thiết yếu trong Viện. Chị rất trân trọng những người tâm huyết say sưa vói khoa học - yêu lao động và lao động có hiệu quả là điều chị luôn nhắc nhở động viên các đàn em nghề nghiệp như chúng tôi. Chị gần gũi để phát hiện thấy những điểm mạnh, điểm tốt trong từng con người đề phát huy và cùng nhau hợp tác xây dựng Viện. Đoàn kết nhất trí trong Viện là điều chị thường xuyên quan tâm nhất. Chị đã giải thích, vận động từ lãnh đạọ đến cán bộ hợp nhất 3 Trung tâm (Trung tâm Vi sinh, Trung tâm Sinh lý Người và Động vật, Trung tâm…) và Viện Sinh vật học thành Viện Công nghệ sinh học bây giờ - là một tập thể mạnh gồm các nhà nghiên cứu thực nghiệm đầu ngành trên lĩnh vực Công nghệ sinh học của nước ta. Chị tâm niệm rằng Viện Công nghệ sinh học là sự nghiệp của cả đời chị.
Số phận đã đưa tôi trở thành học trò - nghiên cứu sinh của chị, từ cuối 1995, khi cha tôi lâm bệnh hiểm nghèo đã một năm (1994). Khi cha tôi mất năm 1998, chị dẫn đầu đoàn của Viện đến viếng và chờ cả tiếng đồng hồ để dự lễ truy điệu ông. Trong thời gian đó, nếu không có sự động viên hết lòng của chị, tôi chắc đã không thể vượt qua mọi khó khăn mất mát để bảo vệ thành công luận án vào năm 1999. Cũng nhờ vào thiết bị đồng bộ về Công nghệ gen của Viện và được làm việc trong tập thể các chuyên gia hàng đầu về Công nghệ gen tại Việt Nam, Luận án của tôi được các Thầy trong Hội đồng đánh giá cao và có một trong những trình tự gen đầu tiên được đăng ký vào Ngân hàng trình tự gen Quốc tế được gửi đi thẳng từ Viện Công nghệ sinh học. Vốn hay rụt rè, hay lo lắng, ăn nói không lưu loát, được làm việc cùng chị tôi học hỏi thêm nhiều điều bổ ích. Chị nhắc đến ba chị - bác Lê Duẩn, với tính yêu thương và sự ngưỡng mộ đặc biệt, nhất là các suy nghĩ thấu đáo của ông về tình thương và lẽ phải. Chị hay nói tôi các suy nghĩ của chị về quan hệ giữa lý trí và tình cảm. Về sự giúp đỡ, chị nghĩ rằng có ai đó giúp đỡ thì luôn phải ghi nhận lòng tốt của họ, nhưng giúp đỡ ai thì luôn chắc chắn đó là việc cần làm mà không bận tâm đến việc người ta đối với mình như thế nào. Cùng là phụ nữ, tình yêu và gia đình là phần rất quan trọng trong cuộc sống, tôi có nhiều điều chia sẻ được với chị. Tôi ngưỡng mộ chị vì tính điều độ. Đến tuổi trên 60 mà chị vẫn giữ được dáng người đẹp, ăn mặc nền nã mà sang trọng quý phái. Tôi không ngờ chị Muội thỉnh thoảng cũng làm thơ, thơ tình. Tôi mới ngẫm thấy chị rất nặng lòng với tình cảm. Tôi còn giữ lại một bài thơ chị tặng tôi. Mỗi lần chị nhớ lại những ngày cuối cùng của ba chị, tôi lại nhớ đến bố tôi, với tất cả nỗi niềm thương tiếc vô hạn với những người đã sống hết lòng vì đất nước. Cũng như chị, tôi có mẹ già yếu cần chăm nom và chia sẻ kinh nghiệm trong gia đình. Tình cảm chân thành của chị sẽ mãi mãi trong tôi.
Nghe tin chi Muội bị lâm bệnh hiểm nghèo, mấy đứa học trò chúng tôi đều sững sờ, không tin được. Làm việc cùng chị gần 20 năm nay, lúc nào chúng tôi cũng thấy chị nhanh nhẹn, vui vẻ, mực thước và điều độ. Từ đấy, mỗi lần lại nghe về bệnh tình của chị ngày càng xấu đi, mấy đứa lại nghẹn nghèo, ứa nước mắt. Đầu tiên là những cơn đau đầu, sau đó thỉnh thoảng có triệu chứng mất thăng bằng. Chị đã đi kiểm tra và phát hiện ra u não. Chưa đầy một năm sau, chị ra đi mãi mãi vào ngày 21-4-2008.
Không chỉ những học trò của chị, như tôi, nhiều cán bộ nghiên cứu khác trong Viện được chị tạo điều kiện giúp đỡ khi làm luận án Tiến sĩ cũng như nghiên cứu các đề tài khoa học. Hai từ “biết ơn” không thể nói hết được những ước nguyện của chúng tôi. Mãi mãi là THẦY vì chị còn luôn dõi theo và mong muốn chúng tôi tiến bộ.
Người post: LienTP
Ngày đăng: 15-10-2010 22:10
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 1 - 9 của tổng số 9 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |