KGU News >>Văn học >>Khác
KGU Tạo bài viết  
Thứ bảy 23 Tháng mười. 2010

Trở về Phần 2




Tác giả: Tự sướng đào ngũ

TRỞ VỀ (Phần 2)

 

Matxcơva

Buổi sáng thứ 7 ngày 5/6/2010 cả nhà tôi lên máy bay của Vietnam Airlines bay sang Matxcơva. So với nhiều chặng tôi đã bay, 9h đồng hồ bay lần này là không dài. Máy bay hạ cánh xuống cái sân bay có tên lạ hoắc Domodedovo. Thủ tục cửa khẩu được chia làm hai nơi, tầng trên cho công dân Nga, tầng dưới cho người Việt Nam. Tôi đã không thoải mái lắm vì sự phân biệt này, có ở đâu làm như thế đâu. Nhưng xem ra cũng có phần hợp lý. Thời gian chờ ở cửa khẩu rất lâu, nhân viên cửa khẩu Nga làm việc rất từ từ. Họ không hỏi nhiều nhưng rất lâu mới cho một người qua. Hình như họ muốn gây sự mất thiện cảm ngay từ phút đầu cho người Việt mình. Vẫn biết người Việt gây ra nhiều vấn đề cho chính quyền sở tại, nhưng đây liệu có phải là cách đối phó đúng hay không?

Đón chúng tôi là một thanh niên năm cuối trường kỹ nghệ Bauman (thời tôi học người Việt không được vào trường này học), tên là Thái, người sẽ là hướng dẫn viên (tiếng Việt) cho chúng tôi trong suốt thời gian ở Nga.

Trên đường về khách sạn chúng tôi ngắm nhìn những rừng cây bạch dương hai bên đường xen trên những cánh đồng cỏ rộng. Vợ tôi thích lắm, ở Việt Nam lấy đâu ra nhiều màu xanh đến thế.

Quảng trường Chiến thắng

 Ngày đầu là thăm thành phố kiểu city tour. Trời nắng rất đẹp, lại là sáng chủ nhật nên đường phố vắng lắm. Địa điểm đầu tiên chúng tôi ghé thăm là Quảng trường Chiến thắng, Khi nhận được chương trình thăm quan ở Việt Nam, tôi đã thắc mắc làm gì có cái quảng trường này ở Matxcơva? Thì ra quảng trường được xây dựng vào năm 1995 nhân dịp 50 năm chiến thắng phát xít, ngự trên một quả đồi cạnh đại lộ Kutuzov. Nằm giữa quảng trường là một cột sắt cao ngất, gần 100m, trên đó khắc tên tất cả các thành phố anh hùng của Liên Xô thời chiến tranh vệ quốc. Phía sau là bảo tàng dành cho cuộc chiến tranh vệ quốc 1941-1945. Nga làm cái gì cũng to, quảng trường này không là ngoại lệ. Thái nói buổi chiều rất đông trẻ con ra đây chơi. Từ trung tâm quảng trường chạy dài một con đường có rất nhiều hoa và đài phun nước hai bên, đâm thằng vào đại lộ Kutuzov, chỗ gần Khải hoàn môn.

Điểm tiếp theo là nhà tròn nơi trình bày bức tranh nổi tiếng của họa sỹ Rabo và cộng sự về trận chiến Borodino, ngoại ô Matxcơva, vào năm 1812 giữa quân Nga và quân Pháp. Chắc nhiều bạn đã thăm nhà tròn này, tôi cũng vậy, nhưng sao lần này tôi choáng ngợp hơn các lần hồi trẻ trước sự hùng vĩ và tinh tế của bức tranh. Đặc biệt đây là bức tranh vẽ nổi, người xem cảm nhận rất rõ chiều sâu của bức tranh. Có thể nhờ có khái niệm 3D (như phim Avatar) hiện nay mà tôi cảm nhận tốt hơn giá trị của bức tranh. Điều đáng nói nhất là bức tranh được Sa hoàng Nikolai đệ nhị đặt vào năm 1912, nhân lễ kỷ niệm 100 năm chiến thắng của Nga trước quân đội Pháp của Napoleon, họa sỹ Rabo và 5 cộng sự đã vẽ bức tranh trong vòng 11 tháng, với hơn 4000 nhân vật. Quả là một thiên tài.   

 Trường MGU

Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình thăm Matxcơva tại Đồi chim sẻ, tên gọi khi xưa của Đồi Lenin. Từ đây có thể nhìn rõ toàn cảnh Matxcơva, mà điểm gần nhất chính là sân vận động Luznhiki, nơi MU đã đăng quang cúp C1 năm 2008. Cùng hướng này là dòng sông Matxcơva quanh co uốn lượn trong thành phố cùng tên. Hướng ngược lại là trường MGU, tòa tháp đẹp nhất trong 7 tòa tháp kiểu dáng được gắn tên “kiến trúc thời Stalin”. Khoảng vườn hoa và cỏ rộng trước cửa trường MGU, dài hơn 1 km khiến cho tôi liên tưởng đến miếng đất rộng như vậy mà nằm ở vị trí tương tự tại Hà Nội thì có thể cắt ra cho hàng chục dự án bất động sản manh mún khác nhau. Dòng chữ 1949-1953 được khắc nổi, cho ta biết tòa nhà nguy nga này được xây trong 4 năm, ngắn hơn thời gian Hà Nội xây đường hầm Kim Liên. Tại đây biết bao nhà lãnh đạo khoa học, doanh nhân, quan chức nhà nước Việt Nam đã học tập, trong đó có một số lãnh đạo FPT của tôi. Tôi nói với con trai (cháu sắp lên lớp 11), hay là con học đại học ở đây, con thấy ngôi trường to và đẹp như thế, học tập cũng sẽ rất tốt. Cháu trả lời rằng nhưng con không biết tiếng Nga, cái ngôn ngữ số một khi tôi bằng tuổi cháu. Thời thế thay đổi là thế, bây giờ tiếng Anh là số một.

Sau bữa trưa chúng tôi đến VDNKh, khu triển làm về thành tựu nền kinh tế quốc dân. Trước đó chúng tôi ghé thăm viện bảo tàng vũ trụ, trước cửa viện có tượng đài nhiều nhà lãnh đạo ngành công nghiệp này của Liên Xô trước kia, cùng một tượng đài tên lửa lao vút lên bầu trời rất đẹp. Chúng tôi tìm mãi trong danh sách dài dằng dặc cũng thấy được ảnh Phạm Tuân, người Việt Nam đầu tiên (và duy nhất) được lên vũ trụ.

VDNKh bây giờ không còn được trang nghiêm và đẹp đẽ như thời khi tôi còn là sinh viên. Các nhà triển lãm (cho mỗi nước cộng hòa) bây giờ bầy đủ thứ hàng, của bất cứ xuất xứ nào, miễn hàng đó có thể bán được. Ngay cổng triển lãm, rất nhiều phụ nữ bày bán rau quả và các đồ tạp phẩm khác. Thanh thiếu niên thì đi chơi đông nghịt nghe nhạc, uống nước, hay trượt patin giữa dòng người đông đúc. Chúng tôi chụp ảnh trước tượng đài phun nước 15 cô gái tượng trưng cho 15 nước cộng hòa Xô Viết rồi đi.

Buổi tối hôm đó chúng tôi đi xem ballet tại nhà hát nhỏ, cạnh Nhà hát Bolsoi, vốn đang sửa chữa 3 năm nay vẫn chưa xong (nghe nói chủ yếu là cãi nhau xem nên sửa theo hướng nào). Tuy chưa vào được Nhà hát Bolsoi nhưng vẫn còn may là đúng dịp đó có diễn 3 đêm, mà hôm chúng tôi xem là hôm cuối cùng. Đêm diễn có 3 phần, phần cuối là vở “Con đầm pic”, cốt truyện của Puskin, nhạc Traikovski. Rất may là trước khi đi tôi đã đọc truyện ngắn này, chứ nếu chỉ xem ballet thì chẳng hiểu gì cả.

Sáng hôm sau chúng tôi lên sứ quán Moldova tại Matxcơva để làm thủ tục xin visa. Đã có người của công ty du lịch nên chỉ sau 01 giờ là chúng tôi xong việc. Đáng ra theo như sứ quán nói trước đó thì ngay khi đó có thể lấy được visa, với chi phí 60$/người, nhưng thiếu người ký gì đó nên hôm sau phải quay lại, chi phí chỉ còn 40$/người. Rất may chúng tôi ở Matxcơva nhiều ngày, chứ nếu không có thể lỡ nhiều việc vì sai lệch này!

               Nhà thờ Đấng Cứu thế

Điểm tham quan tiếp theo của chúng tôi là Nhà thờ Đấng cứu thế. Nhà thờ này cũng là điểm mới so với thời tôi còn là sinh viên. Ngày 25/12/1812, ngày mà tên lính Pháp cuối cùng rời khỏi đất Nga, Sa hoàng Alexander đệ nhất đã ký sắc lệnh xây dựng Nhà thờ Đấng cứu thế nhằm tạ ơn Chúa, Người đã cứu dân tộc Nga khỏi sự chiếm đóng của Napoleon. Trải qua nhiều biến cố, đến 1880 việc xây dựng Nhà thờ mới hoàn tất. Tuy nhiên dưới thời Xô Viết, với tư tưởng chống thần tuyệt đối, vào ngày 5/12/1931 Nhà thờ Đáng cứu thế đã bị đánh sập bằng thuốc nổ. Trên đó người ta dự kiến sẽ xây một Cung đại hội 5 khối tầng, trên đỉnh là tượng Lenin, với tổng chiều cao là khoảng 500m, sẽ là công trình cao nhất thế giới khi đó. Tuy nhiên công cuộc công nghiệp hóa phục vụ quốc phòng đã được ưu tiên hơn nên số thép dành cho công trình này đã chuyển làm xe tăng. Khi kết thúc chiến tranh ý tưởng xây Cung đại hội không còn nữa, thay vào đó người ta xây một bể bơi ngoài trời dành cho người Matxcơva.

Năm 1990 Giáo hội Nga đã kêu gọi chính quyền cho phép xây lại Nhà thờ Đấng cứu thế. Sau khi được phép, từ 1995 đến 2000, việc xây dựng lại theo nguyên bản của Nhà thờ đã hoàn thành với tiền được đóng góp chủ yếu từ các giáo dân. Lần xây đầu tiên mấy mấy chục năm, trong khi phục chế chỉ có mấy năm, thể hiện sự quyết tâm cao của giáo dân Matxcơva cho công trình lịch sử này.

Khi vào trong ngắm sự nguy nga và vẻ đẹp kiến trúc, hội họa của Nhà thờ, và khi khâm phục sự sáng tạo và bền bỉ lao động của dân tộc Nga, tôi chợt hiểu ra phần nào điều mà tôi vẫn chưa lý giải thấu đáo: vì sao Liên Xô lại tan rã? Người Bolsevik đã định xây dựng một mô hình XHCN, nhưng mô hình này không thể đứng vững trên đất Nga. Nó không phù hợp với mảnh đất đã có một truyền thống văn hóa, lịch sử và tôn giáo lâu đời – cái mô hình đã định xóa bỏ rất nhiều nét căn bản của văn hóa đó. Có nhiều nguyên nhân khác về kinh tế, chính trị, nhưng có lẽ đây là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự sụp đổ của Liên Xô.

 

Sau đó chúng tôi đến Quảng trường Đỏ, nhưng chỉ được xem bên ngoài. Trên Quảng trường họ đang chuẩn bị cho ngày lễ 12/6, ngày nước Nga, mà thực chất được coi là ngày Quốc khánh của nước Nga. Buổi chiều vào thăm điện Kremlin, bắt đầu từ Viện bảo tàng vũ khí mà tôi lại ấn tượng nhất phần các xe ngựa của vua chúa Nga.  Trong Điện Kremlin có 5 nhà thờ khép kín phục vụ cho các vua chúa Nga, chúng tôi chỉ vào xem nhà thờ mà ở đó, các Sa hoàng dòng họ Romanov đều làm lễ tấn phong (lên ngôi vua). Cho dù Pier Đại đế đã dời đô lên St.Petersburg, điều đó chứng tỏ Matxcơva vẫn có một vị trí đặc biệt trong dân tộc Nga và giáo hội Nga. Tôi cũng rất ấn tượng với cái chuông nặng hơn 400 tấn, to nhất thế giới nhưng không bao giờ cất tiếng vì đã bị vỡ khi làm nguội.

Ngày hôm sau chúng tôi quay lại sứ quán Moldova để lấy visa. Lúc đó tôi mới nhắn tin cho Huyền (khi đó đang ở Mỹ) rằng chắc chắn tôi sẽ tới Moldova. Kể với các bạn chi tiết này để thấy rằng việc lấy visa là không dễ dàng và vì thế mà Huyền đã yêu cầu tôi báo tin ngay khi tôi chính thức có visa.

Tiếp theo chúng tôi đi thăm một tu viện cách Matxcơva chừng 60km, tu viện Thánh Nikolai. Buổi chiều chúng tôi ghé vào datra của vợ chồng Thanh-Nam ở ngoại ô cách Matxcơva chừng 30 km.

Ngày cuối cùng tại Matxcơva – ngày 9/6 chúng tôi đi thăm bảo tàng nghệ thuật Tretriakovski và phố Arbat để mua quà lưu niệm. Xen giữa là đi tàu điện ngầm Matxcơva. Tôi có thói quen đến bất cứ thành phố nào mà có metro là cũng phải xuống đi bằng được và luôn có sự so sánh với metrro của Matxcơva hay của Paris. Bọn trẻ nhà tôi vốn đã biết các metro ở Paris, London nên tôi muốn chúng đi metro Matxcơva để có sự so sánh và biết thêm. Do vậy mà Thái đã khuyên chúng tôi đi xuống ga Kiev, một ga khá đẹp và đi một số ga rồi chui lên ở ga Arbat. Bọn trẻ nhà tôi đã trầm trò khi thấy ga metro mà đẹp như trong viện bảo tàng. Tôi còn nói cho chúng thấy độ sâu của metro ở Matxcơva. Nơi đây có thể tránh bom nguyên-tử.

              Ga tầu điện ngần Kiev

Món quà chúng tôi mua nhiều nhất vẫn là những bupbê matruska. Bọn trẻ còn mua khá nhiều áo phông làm quà. Ngọc Minh rất thích chiếc áo “Vodka connecting people”, vốn chơi chữ cái khẩu hiệu thương mại của Nokia.

Buổi tối chúng tôi lên tầu hỏa đi St.Petersburg. Ban ngày đi nhiều mỏi chân nên lên tàu chúng tôi ngủ say sưa. Tàu của Nga êm và ít ồn nên càng dễ ngủ. Sáng sớm ngày 10/6, chúng tôi đã tới St.Petersburg.


Người post: NgocBQ

Ngày đăng: 23-10-2010 23:11





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s