KGU News >>Văn học >>Khác
KGU Tạo bài viết  
Chủ nhật 24 Tháng mười. 2010

Trở về Phần 4




Tác giả: Tự sướng đào ngũ

TRỞ VỀ (Phần 4)

Trở lại Moldova

Sáng ngày 14/06/2010 chúng tôi rời St.Peterburg và bay về Kishinev trên chiếc máy bay Airbus của hãng hàng không Moldova. Tôi thường có thói quen lên máy bay một lúc là ngủ. Nhưng lần này tôi thao thức. Tôi sắp trở lại ngôi trường, trở lại thành phố gắn với tuổi thanh niên của tôi. Tôi sắp được gặp các thày cô giáo cũ của tôi và của Nguyệt, gặp lại các bạn lớp cũ mà đã xa cách biết bao nhiêu năm. Nên chuyến bay này tôi không ngủ, mà suy tư với biết bao cảm xúc bồi hồi.

Sau gần 2h bay, chiếc máy bay đã hạ cánh xuống sân bay Kishinev. Những giờ phút bồi hồi trên máy bay đã kết thúc khi chúng tôi qua cửa biên phòng. Tuy đã được báo trước về sự khó khăn lấy visa, nhưng tôi không hình dung được khi có visa rồi, sự phức tạp liên quan tới việc vào Moldova vẫn còn tiếp tục. Chẳng là khi thấy chúng tôi cả một gia đình, cô nhân viên biên phòng liền hỏi chúng tôi đi vào Moldova làm gì (lúc đầu họ nói bằng tiếng Anh nhưng tôi đã chủ động nói tiếng Nga). Tôi nói chúng tôi đi du lịch, với giấy mời của hãng Ultra Tour. Họ lại hỏi tiếp đi du lịch thế nào? Tôi nói là đi thăm lại trường, thăm thầy cũ, tôi đã tốt nghiệp KGU 30 năm về trước. Cô nhân viên biên phòng không hỏi nữa mà cũng không nói gì, cứ lật đi lật lại từng trang cái hộ chiếu của tôi vốn dầy đặc các visa các nước châu Âu, châu Á. Tôi bắt đầu sốt ruột và hỏi: “Có vần đề gì không mà chúng tôi không được đi qua cửa khẩu, chúng tôi đã có visa được cấp rồi cơ mà?” Cô nhân viên nói cần phải kiểm tra, và hỏi chúng tôi về khách sạn, vé máy bay rời Moldova. Cô ta nói rằng visa vào Nga của con tôi chỉ có 1 lần, đã hết, vậy khi quay về thế nào được. Tôi trả lời chúng tôi chỉ transit ở sân bay, đâu có cần visa nữa.

Gần nửa giờ trôi qua, tôi đã không còn giữ được bình tĩnh thì có một cô khác, trông già dặn hơn đi ra và giới thiệu là đội trưởng. Các câu hỏi (không được thông minh cho lắm) lại được lặp lại. Tôi bắt đầu to tiếng, rằng tôi đã có visa, tôi đã sống ở Moldova 5 năm, nay quay về thăm trường thì cớ gì gây khó dễ cho tôi, rằng nước Nga to thế mà tôi được mời thăm thoải mái, sao Moldova lại gây khó khăn đến thế, rằng tôi đi khăp châu Âu, chẳng ở đâu gây khó dễ cả. Vợ con tôi luôn nhắc tôi nhã nhặn, nhưng cơn nóng đã bốc trong đầu rồi thì làm sao tôi nhã nhặn được nữa. Vả lại tôi đang muốn cãi nhau để ôn luyện tiếng Nga, cãi nhau là cách ôn luyện rất tốt. Cô đội trưởng hỏi tiếp, ở Việt Nam chúng tôi làm gì, vợ tôi nói làm khoa học, cô ta có vẻ kính nể. Cô ta hỏi tiếp chúng tôi có tiền không, tôi bực mình chìa 2 thẻ tín dụng và nói, đây tiền đây, và nói thêm, không có tiền sao năm nào chúng tôi cũng đi du lịch châu Âu? Cô ta lại hỏi, tại sao bọn trẻ nhà mày lại có họ khác nhau? Lúc này tôi thực sự phát cáu lên, chỉ cậu con rể: nó là con rể tao, thế chẳng nhẽ sau khi lấy vợ nó phải mang họ vợ à? Ở nước tao con gái khi lập gia đình cũng không đổi họ chứ đừng nói con trai.

Hình như thái độ gay gắt của tôi cũng làm cho cô đội trưởng suy nghĩ, nên cuối cùng cô ta cũng đồng ý cộp dấu biên phòng vào các hộ chiếu và để chúng tôi qua. Tôi làu bàu nói thêm, thủ tục chúng mày thế này thì chẳng có khách du lịch nào ghé thăm Moldova đâu. Mấy sĩ quan biên phòng, cả nam lẫn nữ đều đỏ mặt lên vì câu nói đó. Nhưng tôi cũng hiểu rằng, có hay không có khách du lịch thì mấy anh chị lính biên phòng này cũng chẳng quan tâm.

Đón chúng tôi ngoài cửa sân bay là người của Ultra Tour và hai vợ chồng Huy-Linh (Huy là em của Huyền), Huyền đang còn ở bên Mỹ, hôm sau mới về. Họ rối rít hỏi thăm sự cố vừa rồi, vì chúng tôi bị giữ đến 45’ (bình thường chỉ 5’ là xong). Tôi kể lại sự việc thì Huy nói luôn, bình thường anh ơi, anh Kỳ em (chồng Huyền) đã mấy lần to tiếng với chúng nó, với cả chỉ huy chúng nó. Bọn này nó thế đấy, thế đấy, … Tôi cũng hạ nhiệt cái đầu và lên xe, bắt đầu ngắm nhìn cảnh quan trên con đường về thành phố. Quan trọng là tôi đã đến được Kishinev, sự cố kia là chuyện nhỏ.

Thăm bà giáo Samux

Sau khi về khách sạn nghỉ ngơi ít phút, xe của du lịch đưa chúng tôi đến nhà bà giáo Samux, người hướng dẫn Nguyệt làm luận văn tốt nghiệp. Đây là chương trình đầu tiên của chúng tôi tại Kishinev.

Nguyệt và bà giáo

Xe đi dọc theo đại lộ Lenin (tên hồi trước, bây giờ là đại lộ Stephane, tên một vị tướng đã có công đánh đuổi quan Thổ khỏi đất Moldova), qua trung tâm Quảng trường thành phố với tòa nhà Chính phủ khá to. Tôi và Nguyệt bồi hồi ngắm nhìn Bách hóa zetski mir khi xưa (tôi đã mua quần áo rét đầu tiên ở cửa hàng này), ngắm nhà hát và khu vườn mang tên Puskin. Chẳng có gì đổi thay ở khu trung tâm này cả, có chăng biển hiệu màu mè hơn, mang hơi hướng của kinh tế thị trường. Xe rẽ vào một khu tập thể cách trung tâm thành phố chừng 1,5km.

Theo địa chỉ, chúng tôi gõ cửa căn hộ bà giáo. Người mở cửa là ông chồng, còn bà giáo đứng đằng sau. Nguyệt bước vào trước và ôm hôn bà giáo, bà Samux. Bà vừa ôm hôn Nguyệt, vừa nói “Ты моя дочка, умница”. Hai cô trò ôm hôn nhau rất lâu. Nguyệt giới thiệu tôi và các con. Bà giáo nhìn tôi rồi hỏi Nguyệt “Nó có phải cái thằng matematik không?”. Chả là hồi còn là sinh viên, chúng tôi đã đến nhà bà chơi, và bà vẫn nhớ tôi ở khoa Toán.

Chúng tôi được mời vào phòng khách. Tôi ngắm kỹ bà Samux. Ở tuổi 83 bà vẫn còn nhanh nhẹ và minh mẫn. Bà vẫn đọc bài giảng và hướng dẫn sinh viên tốt nghiệp. Ông chồng cũng vậy, vẫn đến làm việc ở trường bách khoa, nơi ông từng làm hiệu phó. Chỉ còn biết thốt lên một lời khâm phục, một sự tôn kính với những người yêu lao động đến như thế. Có lẽ họ sẽ không sống được khi không làm việc.

Trên bàn đã bày sẵn một ít thức ăn. Nguyệt và bà giáo vào bếp chuẩn bị thêm ít đồ, còn tôi tiếp chuyện ông chồng. Cậu con rể thì làm đúng nghề của mình là quay video. Cháu quay cả cảnh hai cô trò trong bếp, vừa nói chuyện vừa chuẩn bị đồ ăn. Ông chồng thì chuẩn bị rượu. Mọi việc đã xong cho bữa tiệc thân mật. Chúng tôi cùng vợ chồng bà giáo nâng cốc vì cuộc gặp mặt, vì sức khỏe của tất cả.

Bà Samux có hai con gái. Con đầu là TSKH đang làm việc trên Matxcơva, trường MGU và đã là bà ngoại. Con gái thứ hai thì ở ngay Kishinev, cách chừng một cây số, hôm nay là ngày làm việc nên không đến thăm mẹ được. Bà Samux rất khen cậu con rể đảm đang luôn đi chợ cho bố mẹ vợ.

Sau bữa tiệc chúng tôi chuyển quà cho bà giáo, không chỉ quà của chúng tôi mà còn của Tú, Hóa 1981, cũng học trò bà Samux. Bà ngắm ảnh Tú trong bộ quân phục mà khen rối rít và nói “Nó là học trò cuối cùng, làm việc rất có kết quả”. Tú tặng một đĩa đồng có các địa điểm quan trọng nhất của Hà Nội, bà giáo nói tôi sẽ treo nó ở bộ môn. Tú còn biếu cafe Việt Nam và cả cái phin, chúng tôi đã pha thử để ông bà xem để biết cách pha phin. Hai ông bà đều khen café Việt Nam thơm.

Rồi bà Samux lôi cả đống huân chương huy chương mà bà được nhận để khoe với chúng tôi. Có cả danh hiệu “Phụ nữ Moldova tiêu biểu”, “Giải thưởng phụ nữ châu Âu hạng nhất”. Dễ hiểu với sự đam mê công việc khoa học như bà, các giải thưởng đến là đương nhiên. Bà là giảng viên bộ môn Hóa vô cơ, dạy rất hay, đã dạy nhiều khóa sinh viên Việt Nam và trực tiếp hướng dẫn chừng 10 học sinh Việt Nam. Năm học 2009-2010 này, bà còn hướng dẫn 03 sinh viên.

Trò chuyện hồi lâu, hai Minh nhà tôi đã đánh đàn trên chiêc piano cũ mà dây đàn quá sai âm thanh. Chiếc đàn này được hai con gái bà chơi khi còn ở chung với bố mẹ, tức là lâu rồi. Tôi đã động viên các cháu cố chơi, để bà giáo nhớ lại những ngày tháng sống cùng các cô con gái, chứ tôi biết chúng sẽ khó chịu khi mà âm thanh đánh lên đầy méo mó.

Chia tay lưu luyến

Cuộc gặp mặt đã kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ. Và rồi, nó cũng đến hồi chia tay. Chúng tôi cùng vợ chồng bà Samux chụp ảnh lưu niệm trong phòng làm việc. Nguyệt và bà giáo hôn nhau ba lần rồi mới chia tay được. Bà giáo đã khóc và nói “Tôi coi em như con gái, coi hai cháu Minh như cháu ruột. Tôi còn nhớ đến em chừng nào mắt còn chưa nhắm”. Lòng tôi nao nao khi nghe những lời đầy tình cảm này. Trước khi chia tay tôi có mời vợ chồng bà Samux sang Việt Nam chơi, nhưng bà chưa trả lời gì cụ thể. Tôi nghĩ có Huyền ở đây, việc đó có thể đề cập kỹ hơn sau này.

Về khách sạn một lúc thì mấy đứa bạn thân trong lớp đến thăm tôi. Tôi phải gặp chúng trước vì thân nên có quà riêng, và quà các các bạn, người quen khác, còn chính thức tối hôm sau lớp tôi mới gặp mặt. Các bạn đều thay đổi, nhưng vẫn nhận ra được. Riêng Tanhia thì quá mập. Chúng bạn đã chuẩn bị quà tặng lại cho tôi và các bạn ở Việt Nam. Rồi chúng tôi sang quán bia ở góc đường của đại lộ Lenin xưa. Chuyện rôm rả đến khuya mới chia tay nhau.

Trường KGU và hồ Komxomol

Sáng hôm sau chúng tôi chính thức đi theo tour của Ultra Tour. Chương trình bắt đầu bằng city tour, nhưng tôi và Nguyệt đều yêu cầu về thăm trường, mọi chuyện khác tính sau. Hôm qua không đến trường đã là quá sốt ruột lắm rồi.

Trường (đúng hơn là tòa nhà chính khi xưa) bây giờ có hàng rào chắn với đường phố trước mặt, trông kém khí thế hơn khi không có hàng rào. Bên kia đường một tòa nhà sừng sững 9 tầng mới được xây để làm office, nghe nói do một đại gia ở Moldova đầu tư. Tòa nhà không có gì thay đổi cả. Bây giờ nó chỉ là tòa nhà thứ tư, chứ không là chính nữa. Và có 3 khoa Toán, Lý, Hóa sử dụng nó. Tòa nhà chính mới được xây ngay bên phải tòa nhà chính cũ, thấp nhỏ hơn và chỉ có hiệu bộ nhà trường làm việc ở đó.

Phòng đọc sinh viên

Chúng tôi vào trong sảnh. Tất nhiên bị anh bảo vệ hỏi thăm, vì chắc chúng tôi chẳng giống người của trường, dù là thầy giáo hay sinh viên. Khi được biết là cựu sinh viên, anh ta vui vẻ và mời cứ tự nhiên. Chúng tôi lên tầng 2, vào thư viện. Tất cả vẫn thế, chỗ tra các phiếu tìm sách thì nhỏ chật chội. Rồi lên tầng 3, phòng đọc của trường. Mùa hè nên vắng tanh, có đúng 2 người ngồi đọc. Nguyệt chạy ngay lên hàng đầu và ngồi vào cái chỗ khi xưa và nói với tụi trẻ: “Chỗ này ngày trước mẹ toàn ngồi đọc các tác phẩm của Lenin”, bọn trẻ lè lưỡi khi nghe đến cụm từ tác phẩm Lenin. Tôi chụp nhiều ảnh ghi lại cái phòng đọc thân quen của bao thế hệ sinh viên trường KGU.

Rồi chúng tôi lượn qua khoa của mình. Chẳng có ai làm việc vì mùa hè và đang mùa bảo vệ tốt nghiệp. Mà có ai chăng nữa thì khả năng họ biết mình là rất nhỏ. Tôi chụp ảnh khoa Toán, khoa Hóa, Nguyệt yêu cầu chụp rõ các thầy cô có trên bảng của khoa để về cho các chị Hóa xem vì có nhiều giáo viên đã dạy sinh viên Việt Nam những năm 1960, 1970.

Bậc thang xuống Hồ Komxomol rất đỗi quen thuộc

Chúng tôi sang đường để đi xuống hồ Komxomol. Mấy cây thông vẫn đứng đó, có chăng tượng Lenin đã được thay bằng tượng một nhà thơ Moldova (nghe nói tượng Lenin đã được đưa sang bên kia hồ). Vẫn những bậc thang quen thuộc mà khi xưa chúng tôi hay leo xuống mỗi khi có giờ rỗi giữa các tiết học, hoặc phải đi xuống hồ để chạy quanh hồ trong những giờ thể dục. Với tôi nó còn những kỷ niệm riêng tư của tôi và Nguyệt, chúng tôi cũng rất hay đi xuống chơi ở xung quanh hồ. Chắc ai từng học ở KGU thì không quên được những bậc thang này.

"Hồ Komxomol" xanh tốt

Xuống đến bờ hồ, dù đã biết hồ không còn tý nước nào, nhưng tôi vẫn ngỡ ngàng, có chút chua xót vì lòng hồ cây cối mọc tốt tươi, một màu xanh phủ kín hồ. Trên bờ cây cối vẫn như xưa, con đường quen thuộc mà giờ thể dục phải chạy vòng quanh vẫn thế, bây giờ vẫn có người chạy bộ hay đạp xe. Đâu rồi cái hồ mà chúng tôi từng trượt băng khi mùa đông đến, từng chèo thuyền khi mùa hè về. Nghe nói cách đây 02 năm nhiều con cá bị chết, dân phản đối chính quyền để nước hồ ô nhiễm. Chính quyền vội cho hút nước để cải tạo hồ, nhưng sau đó không có tiền làm tiếp, nên hồ không có nước.

Cậu con rể quay video và có cuộc phỏng vấn nhỏ mà câu cuối là “Nơi đây gắn nhiều kỷ niệm tình yêu của bố mẹ, nay nước đã cạn, vậy tình yêu hai người có cạn đi không?” Nguyệt trả lời “Có thể lắm chứ” trong khi tôi cười ngất vì câu phỏng vấn hóm hỉnh ấy.

Hầm rượu Cricova

Hầm rượu Cricova

Rời hồ Komxomol chúng tôi đi thăm hầm rượu Cricova.

Chúng ta đều biết Moldova có nhiều rượu vang, nhưng tuy học cả 5 năm ở KGU, chúng tôi chưa bao giờ được nghe đến một hầm rượu rất to đẹp ở Moldova cả. Hầm rượu này cách Kishinev chừng 15km, nằm sâu trong một quả đồi, cách đỉnh đồi 60-80m. Bây giờ mở cửa cho khách du lịch thăm quan, còn ngày xưa chỉ có các nguyên thủ quốc gia mới được vào đó. Chúng tôi được phát áo khoác vì trong hầm nhiệt độ là 14 độ C.

Hầm được xây năm 1953, tổng cộng chiều dài các con đường đều cho ôtô đi hai chiều thoải mái là 175 km. Tất nhiên chỉ có Liên Xô mới xây hầm to như thế. Khách thăm quan được ngồi ôtô điện. Còn nếu khách đi xe con thì tự lái đi trong hầm rượu. Tôi và Nguyệt đi theo đoàn tiếng Nga còn bọn trẻ theo đoàn tiếng Anh. Tôi vẫn kiên quyết không tiếp xúc với tiếng Anh. Cần bảo vệ sự phục hồi tiếng Nga đang tiến triển tốt.

Sau khi được làm từ nho, rượu được đưa tới đây. Đầu tiên đóng chai sơ qua và để cho rượu đủ tuổi tối thiểu. Có loại như sampane, đầu tiên được đóng nút như chai bia hơi, rồi để nghiêng trên giá đỡ và chúc đầu xuống, rồi theo thời gian xoay tròn dần cái chai. Mục đích để những chất cặn được kết tủa theo thời gian và người ta vứt phần kết tủa đi. Sau 18 tháng rượu mới được đóng nút bấc, dán nhãn và có thể bán ra thị trường.

Biển gỗ của rượu Tổng thống Putin

Trong hầm chưa biết bao nhiêu chai rượu, đủ các loại. Nghe nói hồi trước mỗi nước cộng hòa có 1 khoang to để chứa rượu của mình. Có mấy chai cổ nhất là vào năm 1902, đến từ Chille. Cá nhân cũng có những ô chứa rượu, ví như Putin cũng gửi mấy chai rượu ở hầm này. Nguyệt, vốn hâm mộ Putin, đã yêu cầu chụp rất rõ mấy chai rượu có biển ghi danh Putin đi kèm.

Có rất nhiều phòng họp trong hầm rượu, mà toàn phòng rất đẹp, nhiểu kiểu nội thất khác nhau, nhưng đều bóng nhoáng. Ấn tượng nhất là phòng họp lớn với 50 ghế. Nghe nói các nguyên thủ quốc gia SNG đã đi từ sân bay đến thẳng hầm rượu họp bàn, rồi từ đây quay ra sân bay chứ không ghé Kishinev. Còn cái nhà vệ sinh thì chúng tôi xếp hạng 6 sao, ăn đứt các nhà vệ sinh của khách sạn 5 sao, lộng lẫy đến mức mỗi chúng tôi phải ghé vào 2 lần mới chịu.

Phòng nguyên thủ quốc gia

Cuối cùng là phần thử rượu. Chúng tôi được mời tại phòng thủy cung, trên bàn cánh cung bầy đầy thức ăn cùng 7 chai rượu. Thế là chúng tôi lần lượt thử từng loại rượu trong tiếng nhạc êm dịu như tiếng sóng biển. Sao rượu ở đây ngon thế, còn cũng sampane nhưng ở Việt Nam chúng ta uống những thứ rởm hay sao ấy. Rượu vang cũng có 4 loại, mùi vị khác nhau nhưng đều ngon cả. Đúng là hàng xịn rồi. Thế nhưng người thuyết trình nói rằng chủ yếu xuất vào các nước SNG, trong đó Nga là lớn nhất, còn rất khó xuất sang các thị trường khác khi phải cạnh tranh với những nước anh chị trong thị trường rượu vang như Pháp, Ý hay Chille. Còn mỗi khi quan hệ Nga-Môn căng thẳng, Nga cấm nhập khẩu rượu là Moldova lại chao đảo.

Chúng tôi ra về mà chuếnh choáng vì uống nhiều loại rượu, mặt đỏ bừng, đi đứng hơi xiêu vẹo, nhưng trong bụng vẫn tiếc chưa uống được nhiều. Rượu ở Cricova ngon quá. Chúng tôi được tặng mỗi người một chai sampane.

Ký túc xá

Ký túc xá số 4

Xe đưa chúng tôi trở lại Kishinev và đích tiếp theo là các ký túc xá trên phố Benderskia. Bender là tiếng Nga, thành phố (lớn thứ 3 ở Moldova) có tiếng Môn khác, và bây giờ phố mang tên tiếng Môn của thành phố ấy.

Xe đỗ trước nhà văn hóa. Tôi không vào được trong vì đóng cửa. Nơi đây hay diễn ra các cuộc họp của hội đồng hương, các hội diễn văn nghệ vào ngày 26/3 hàng năm. Chúng tôi vào nhà ăn trước vì cô lái xe và cô hướng dẫn viên chưa ăn gì. Lên tầng 2 như khi xưa, nhà ăn hiện ra với màu sơn sáng sủa hơn khi trước, bàn ghế tươm tất hơn. Đã 3h nên chẳng có ai ăn cơm. Cô hướng dẫn chỉ lấy 1 cái bánh rồi đi tiếp với chúng tôi vào thăm ob số 4, nơi Nguyệt sống khi xưa.

Bếp ob 4

Ob trang trí đẹp hơn, có hoa, tranh ảnh tại sảnh. Bà trực nhật có ô kính riêng biệt, ngạc nhiên với đoàn chúng tôi có ý định thăm ký túc xá. Chúng tôi lên tầng 2, ngắm nhìn lại góc đỏ, nơi mà chúng tôi ngồi lỳ để cầy các môn vào mùa thi. Nguyệt đi xăm xăm về cuối hành làng và dừng ở trước cửa buồng số 36, nơi Nguyệt sống khi xưa. Đây là cái buồng mà tôi từng bị cửa dập ngón tay khi ra về sau khi sang thăm Nguyệt. Có người ở bên trong nên không tiện vào. Chúng tôi vòng ra bếp. Chẳng có gì khác xưa cả, nhỏ hẹp với 2 bếp ga. Cái bếp này khi xưa đôi khi tôi có ghé vào khi chị Phong, chị Vinh (Hóa 1977), hoặc Nguyệt nấu cơm mời tôi sang chơi. Tất cả không thay đổi gì, nó càng làm tôi và Nguyệt cảm thấy cuộc sống sinh viên như vừa mới qua đây thôi, chứ không phải 30 năm rồi.

Chúng tôi đi sang ob 1, thời tôi sống vốn là nơi cư ngụ của dân Toán Lý. Tôi đã sống ở đó khoảng 3,5 năm trên tổng số 5 năm. Không có gì đổi thay. Ob khác các ob khác là có mảnh vườn trước mặt, các ob khác chường ra mặt phố ngay. Bậc lên xuống từ phố lên khu vườn nát bươm. Nhưng trong nhà cũng được tân trang như ob 4. Bà trực nhật xởi lởi hơn, nói chuyện khá nhiều và còn mời bà komedan ra. Bà này làm từ 1978 ở đây, cho nên tôi cũng thấy quen mặt. Bà komedan nói rằng bà ấy chỉ nhớ sinh viên khoa Luật sống ở đây thôi, đúng là hè 1978 dân Toán Lý được chuyển sang ob 3. Chúng tôi trò chuyện, rồi chụp ảnh.

Đi tiếp ra sân bóng xưa, cảnh vật thay đổi hoàn toàn. Bây giờ là 1 cái bể bơi, khá đông người đang bơi và tắm nắng. Không còn gì hai sân bóng khi xưa nữa. Thế là mất một cảm xúc quan trọng trong tôi, kẻ hay tham gia bóng đá và bóng chuyền trên 2 cái sân ấy. Bù vào ngay cạnh ob 3 có 1 nhà thi đấu được dựng lên, sàn gỗ, nên đá bóng chắc không thú vị như sân đất.

5 khẩu súng trường

Chúng tôi vòng ra ob 2 chỉ là để chụp ảnh bên ngoài về cho các anh chị khoa Sinh được thấy. Đi tiếp là cái nhà tù tường vôi trắng, nó vẫn nằm ngay khu ký túc xá. Không hiểu ở đó giam giữ loại tù nhân gì. Đi tiếp nữa là khu tưởng niệm chiến tranh vệ quốc vĩ đại, mà trung tâm là tượng đài 5 khẩu súng trường màu đỏ gạch tượng trưng cho 5 năm từ 1941 đến 1945. Các anh chị về trước 1975 có thể không biết đến khu tưởng niệm này. Bây giờ có hàng rào inox bao quanh, xây thêm nhà cho các chiến sỹ danh dự (khoản này ngày trước không có). Chúng tôi có chứng kiến đổi gác, nghi lễ luôn gây ra sự chú ý cho khách du lịch.

Rời 5 khẩu súng trường chúng tôi lên xe đi tiếp qua mấy rạp chiếu bóng mà sinh viên Việt Nam nào cũng từng lui tới như Sorok let, Patria,…, rồi xe trả chúng tôi về khách sạn.

Gặp bạn cũ

Chập tối, lũ bạn cùng lớp đến khách sạn rủ cả nhà tôi đi đến nhà hàng. Chúng tôi đi bộ dọc theo đại lộ Lenin, qua quảng trường thành phố, qua đại sứ quán Nga rồi rẽ trái vào nhà hàng đã chọn. Các bạn khác đã đứng đó đợi. Màn chào hỏi diễn ra thân mật, tôi gọi tên từng bạn, chỉ có một bạn không nhớ được. Các bạn lớp tôi có hơn 10 đứa, chưa được nửa lớp, nhưng vẫn có đủ các tên Tanhia, Valia, Sasa, Pavel, Vova, Natasa điển hình Nga. Chúng tôi chụp ảnh cả hội trước khi ngồi vào bàn ăn.

Lớp tôi hôm nay

Tôi đãi các bạn thứ rượu ở Cricova. Sau bao năm mới gặp nhau chúng tôi chuyện trò rôm rả lắm. Các bạn lớp tôi nói rằng phải cám ơn tôi, nhờ chuyến trở về của tôi mà các bạn mới có dịp gặp mặt. Lần cuối cách đây 9 năm, khi 2 vợ chồng một bạn người Đức trong lớp quay lại thăm Kishinev. Mỗi người kể lại quãng đời vừa qua của mình. Với tôi đơn giản hơn, chỉ vợ con và nói vui: “Đấy vợ con tao đấy, còn những thứ khác không có gì đáng nói”. Chúng tôi điểm những bạn khác. Có mấy bạn đang làm việc ở Canada. Cũng có bạn thì bị kê ngay “Sao hôm gặp nó khinh khỉnh mà ghét thế, tao chẳng thèm chào hỏi nữa”. Cũng như bất cứ tập thể học sinh nào, đây là những bạn vui vẻ hay qua lại với nhau, và những bạn này có cái quyền tha hồ bình phẩm những bạn khác. Những kẻ vắng mặt luôn bị nói xấu, một quy luật đúng ở bất cứ đâu.

Rượu uống cũng kha khá, mấy bạn nam vẫn cứ phải vodka. Bỗng Tanhia nói: “Bây giờ uống đã nhiều nên bộ nhớ tôi nó làm việc tốt, tôi nhớ cái bài hát tiếng Việt hồi trước mấy bạn Việt Nam (các chị Hóa ở cùng Tanhia) đã dạy, nay tôi hát cho nghe nhé”. Chúng tôi cổ vũ: “Hát đi, hát đi!”. Tanhia cất giọng:

Sương long lanh (ơ) trên ngọn cỏ non xanh
Vừng đông đã sáng lên tưới khắp không gian
Bao tối tăm mịt mù dần tan

Vinh quang dân tộc sáng ngời
Con chim bay lượn tung trời
Càng nhìn non nước càng vui
càng mến yêu cuộc đời

(Trích từ Bài “Buổi sáng trên đồng nội”, Trần Tấn Toại)

Tôi ngỡ ngàng trước giọng hát tuy lơ lớ, tròn giọng ở câu cuối nhưng nghe vẫn rất rõ lời Việt, và rất truyền cảm, cái mà đôi khi ca sỹ chuyên nghiệp cũng không có được, nhất là khi họ phải chạy xô. Mà đã 31 năm rồi, Tanhia không hề gặp lại bạn Việt Nam, không hề hát lại bài hát đó, nhưng một ngày gặp lại bạn cũ, với chất xúc tác là rượu, bạn ấy lại hát với tất cả tấm lòng của mình. Cả lớp tôi vỗ tay khen ngợi, còn Tanhia nói thêm, hồi đó tôi còn nói thế này: “Nhân dân Liên Xô yêu nhân dân Việt Nam”, bằng tiếng Việt khá chuẩn.

Đến khuya thì vợ chồng Huyền – Kỳ đến chỗ lớp tôi. Chả là cả nhà Huyền mới ở Mỹ về hồi chiều, tối còn bận mời cơm bà đại sứ Việt Nam tại Ukraina xuống làm việc với Moldova. Huyền sốt ruột vì tôi đến Kishinev “độc lập tác chiến” mà không có Huyền hỗ trợ. Tôi giới thiệu vợ chồng Huyền với lớp tôi, rồi lại yêu cầu Tanhia hát tiếng Việt lần nữa. Sau khi Tanhia hát xong, Huyền nói: “Thế thì đương nhiên anh Ngọc phải quay về Kishinev để gặp lại những người bạn như thế này”, một lời khen cho Tanhia, cho cả lớp tôi. Với những người bạn như thế, cuộc gặp sau mấy chục năm là quá lâu.

Tôi tặng mỗi bạn 1 huy hiệu FPT và giải thích thêm “Đây là huy hiệu tôi làm tặng tất cả các nhân viên FPT, nay tặng các bạn”. Cậu Pavel liền nói “Ngọc quả là một ông chủ tốt!”, cả bọn cười to vì câu bình luận dí dỏm này.

Vợ chồng Huyền-Kỳ đưa chúng tôi về nhà chơi, rồi trả chúng tôi về khách sạn. Cái ngày thứ hai ở Kishinev quá chất lượng.

Ra ngoại ô

Ở đây bán thịt lợn VN

Hôm sau chúng tôi ra ngoại ô thăm một tu viện cổ, cách Kishinev chừng 60km. Trên đường đi thấy một cái biển bán thịt lợn Việt Nam, tôi yêu cầu dừng xe để chụp. Không chừng đó là trang trại của một người Việt Nam định cư ở đây cũng nên, mà có khi là dân KGU không biết chừng.

Chúng tôi ghé vào một bào tàng khảo cổ nhỏ, ở đó chưng bày các hiện vậy các mũi tên, vũ khí, dụng cụ lao động thời cổ đại được tìm thấy ở Moldova. Chúng tôi được vào thăm những nhà của người nông dân Moldova (chỉ để thăm quan không có người ở). Rồi lên đỉnh đồi nơi có một tu viện. Rất tiếc không có chìa khóa nên chúng tôi không vào bên trong tu viện. Sau đó chúng tôi đến thăm nơi ở của một cha cố mà đã 5 năm rồi ông ta không rời chỗ ở đó. Cũng được xem những buồng khoét trong núi đá mà nhiều cha cố, người theo đạo sinh sống ở đó.

Múa tập thể với các thiếu nữ Moldova

Theo chương trình chúng tôi đến ăn trưa tại một gia đình nông dân Môn, tất nhiên đã thành dịch vụ cho khách thăm quan. Có các món ăn đặc trưng của Moldova và rất ngon, nhất là nước campot được nấu từ quả đào. Chúng tôi vừa ăn vừa được nghe tốp ca các thiếu nữ tuổi chừng 16, 17 hát cho nghe những bài dân ca mà chính ông chủ nhà đệm đàn arcooc. Cuối buổi tất cả được mời ra cùng nhảy với các cô gái, trong đó có điệu nhảy thể hiện tình cảm của thanh niên nam nữ lần lượt trao nhau khăn tay. Hồi trước tuy học 5 năm ở Kishinev. nhưng tôi đâu có được thưởng một bữa cơm đậm chất đồng quê, một buổi văn nghệ đậm chất dân gian như thế.

Đến nhà Huyền –Kỳ

Tối hôm trước chúng tôi có đến nhà Huyền-Kỳ, nhưng lúc đó đã khá khuya. Chiều hôm nay, sau buổi đi ra ngoại ô và về khách sạn nghỉ ngơi, chúng tôi lại đến nhà Huyền-Kỳ chơi và ăn cơm tối.

Nhà của các bạn này nằm ở khu đồi phía bên kia hồ nếu nhìn từ trường KGU. Đó là nhà có vườn bao bọc, một dạng biệt thự, có một bể bơi nhỏ. Ấn tượng hơn cả lại là 1 cây anh đào sai quả, đỏ mọng ăn rất ngon. Nhà Huyền có có miếng đất bên cạnh, có cái nhà của chủ cũ không sử dụng, làm kho, còn mảnh vườn thì được trồng các loại rau Việt Nam.

Nhà Huyền Kỳ

Bữa cơm các món ăn Việt Nam khá ngon với chúng tôi vì từ hôm đi đến giờ chùng tôi chưa được bữa cơm Việt Nam nào cả, trừ bữa ăn ở nhà Thanh - Nam trên Matxcơva. Người Việt luôn nhớ cái khẩu vị cơm Việt Nam, dù bạn đi xứ sở nào chăng nữa. Có lẽ vì vậy mà mảnh vườn của nhà Kỳ-Huyền trồng toàn rau Việt Nam.

Cháu lớn của Huyền mới tốt nghiệp phổ thông bên Mỹ về cùng bố mẹ hôm trước. Cháu thứ 2 đang còn học tại Kishinev, nên cháu biết cả tiếng Môn, tiếng Nga và tiếng Việt. Có khách nên vợ chồng cậu em Huyền, Huy – Linh cùng 2 cháu cùng đến ăn cơm.

Sau bữa cơm mọi người rủ nhau đi chơi bowlling ở một trung tâm thương mại. Tôi nhờ Huyền đánh lại trọng âm bài “diễn văn” mà sáng hôm sau tôi phải đọc cho các thầy và lãnh đạo trường KGU. Trong lúc chờ đến lượt ném quả bowlling, Huyền hí hoáy đánh dấu sắc lên các từ tiếng Nga dài ngoằng. Chả gì tôi cũng đại diện các học sinh Việt Nam đã tốt nghiệp trường KGU, không thể để tiếng Nga quá tệ được. Lâu rồi không chơi môn bowlling này nhưng tôi cũng có điểm số đứng thứ 3.


Người post: NgocBQ

Ngày đăng: 24-10-2010 00:12






Xem 1 - 1 của tổng số 1 Comments

Từ: HanhLT
01/11/2010 15:28:58
Ước mơ được trở lại thăm trường, nơi ta đã sống những năm tháng tuổi trẻ đẹp nhất trong cuộc đời ai cũng có, nhưng không phải ai cũng thực hiện được. Rất cảm ơn Ngọc đã có bài viết khá đầy đủ về nơi chúng ta đã sống và học tập.Thật cảm động khi thấy bạn Tanhia hát bài hát Việt!


Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s