KGU Tạo bài viết  
Thứ hai 25 Tháng mười. 2010

Ba tôi (Phần 2)




Tác giả: HanhLM

BA TÔI  

HạnhLM- Cãi cọ 80

 

 

Phần 2:  Những năm tháng trong quân ngũ và các chiến hữu thân thiết của ba tôi 

 

        Sau ngày 02/9/1945 cùng với các bạn học ở Trường Thanh niên tiền tuyến, ba tôi tham gia  Ban giải phóng quân Thuận Hóa, đặt trụ sở ở Trường Quốc học Huế, gấp rút tuyển quân, biên chế thành 25 trung đội giải phóng quân đầu tiên của Thừa Thiên- Huế, gồm đủ các thành phần: công nhân, viên chức, thợ thủ công, cựu binh sĩ, học sinh các trường trung học trong thành phố, trong đó có nhiều lớp học sinh trong Ban tú tài và Ban thành chung Trường Quốc học Huế  đồng loạt tình nguyện “Xếp bút nghiên lên đường  tranh đấu!”. 

       Ba tôi nhớ lại: Không sao tả cho hết cảnh tượng hào hứng tưng bừng, không khí náo nức phấn khởi của những ngày hội tòng quân trên sân trường Quốc học Huế lộng lẫy cờ hoa mùa Thu năm ấy. Ba tôi được giao làm Trung đội trưởng Trung đội 4, đóng quân ở Cổ Bi, Tây Nam Huế (cách thành phố 20km). Ngày 19/10/1945, sau hơn một tháng khẩn trương huấn luyện, ba tôi được lệnh gấp rút đưa đơn vị về tập trung tại Trường Quốc học Huế cùng hai trung đội 14-15 của hai ông bạn Nguyễn Trung Lập và Võ Quang Hồ chuẩn bị sẵn sàng Nam tiến. Đây là đợt thứ tư Thừa Thiên- Huế cho con em mình chi viện cho chiến trường Miền Nam: đợt 1 có trung đội 5 của ông Phan Khôi, đợt 2 có trung đội 2-3 của các ông Phan Hạo và Đoàn Huyên, đợt 3 có hai trung đội của ông Phan Nhĩ và  ông Võ Ngân do ông Nguyễn Kèn (Nguyễn Thế Lâm) chỉ huy và đến đợt 4 là ba trung đội 4,14,15  gộp thành một đại đội do ba tôi được chỉ định làm đại đội trưởng.

                       

       Sau khi nhận lệnh và nghe lời động viên ân cần của đồng chí Nguyễn Chánh, Uỷ trưởng Quốc phòng miền Nam Trung bộ, ba tôi thay mặt anh em xúc động phát biểu đôi lời hứa hẹn, rồi dõng dạc chỉ huy đoàn quân hiên ngang rầm rập bước đều từ trường đến ga, miệng hát vang những bài ca hùng tráng quen thuộc. Trên sân ga, có mặt đông đủ đại biểu chính quyền đoàn thể địa phương, bà con họ hàng, bạn bè người thân bịn rịn lưu luyến tiễn đưa; còn có những giọt nước mắt sụt sùi của những người yêu đưa tiễn, thầm hẹn thủy chung chờ đợi ngày về.

       Qua những ga chính tàu đỗ lại, lại thêm một cuộc tiếp đón thân tình của đoàn thể địa phương, những mâm cơm thịnh soạn của các mẹ, các chị dành cho con em mình. Tất cả những cử chỉ ân tình của hậu phương đã cổ vũ tinh thần ba tôi và các đồng đội rất nhiều trước cuộc giáp mặt đầu tiên với kẻ thù xâm lược. 

       Cuộc đời binh nghiệp của ba tôi bắt đầu từ những năm tháng hào hùng, với những kỷ niệm đẹp đẽ như thế đấy!

       Ba tôi đã trải qua nhiều cương vị khác nhau: từ trực tiếp huấn luyện và chỉ huy chiến đấu ở các cấp trung đội, đại đội, tiểu đoàn bộ binh, tiểu đoàn, trung đoàn pháo binh, chỉ đạo huấn luyện và trực tiếp công tác huấn luyện ở trường Võ Bị Trần Quốc Tuấn (khóa I), trường Quân chính khu VI, trường Sĩ quan Pháo binh, từng trải qua công tác tham mưu phục vụ chỉ đạo chỉ huy các cấp từ Trung đoàn, Sư đoàn, quân khu, Binh chủng, phái viên tham mưu Binh chủng ở các chiến trường nóng bỏng Trị Thiên, Quân khu 5. Trong mọi cương vị ba tôi đều cố gắng khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.   

       Ba tôi tâm sự: Như bất cứ đời người lính nào, ba tôi đã từng qua nhiều nỗi vui buồn lớn nhỏ, nếm trải những giây phút hiểm nguy khi đánh trận đầu ngày 23/10/1945 tại Nha Trang với những vũ khí ít ỏi, thô sơ và chưa có một chút kinh nghiệm trận mạc, vui mừng khi cùng đơn vị tiêu diệt gọn đồn địch ở Tây Nguyên mà thương vong không đáng kể, phấn khởi khi trận địa pháo của đơn vị mình bố trí tại bãi biển Bàu Tró chỉ mười phát đạn đã bắn cháy tàu chiến địch ngoài khơi Quảng Bình; hả lòng, hả dạ nhìn pháo ta căm thù trút bão lửa lên đầu thù ở Cồn Tiên, Dốc Miếu, Tà Cơn, Làng Vây, Khe Sanh (Bắc Quảng Trị); hoặc vui sướng khi đưa được giàn hỏa tiễn khiêng vác bằng vai len lỏi bí mật vào gần, bất ngờ trút đạn vào đồn địch ở Tuần Dưỡng, Cấm Dơi (Quế Sơn, Quảng Nam), gây tổn thất nặng nề khiến chúng vô cùng hoang mang khiếp sợ; buồn bã đau thương khi phải chứng kiến đồng đội anh dũng ngã xuống, đau xót khi phải vội vàng vùi nông thi thể đồng chí trong rừng mà không có lấy một tấc vải hay mảnh chiếu bọc thây.

       Ba nhớ lại có lúc cái sống, cái chết cận kề trong gang tấc, khi xuống đồng bằng bị tàu gáo địch (trực thăng trinh sát) phát hiện rượt đuổi chạy bán sống bán chết, rúc vào hầm bí mật nồng nặc hơi người đến nghẹt thở, hoặc khi đang hành quân bị B52 rải thảm trên đầu, nằm úp sát đất khoảng cách giữa 2 quả bom nổ, hộc máu mũi chảy máu mồm, hơn một tháng sau mới khỏi; có lần ngủ say trên võng mắc ở tầng một trong hầm, đang đêm pháo chụp pháo bầy của địch từ xa bất ngờ bắn tới,  ba tôi ở tầng một không bị mà một đồng chí nằm võng ở tầng dưới lại bị mảnh đạn xuyên suốt bắp đùi…

       Có những kỷ niệm nhỏ trong đời người lính mà ba nhớ mãi không bao giờ quên: lâu ngày thèm ngọt, về đồng bằng qua chợ Minh Huy mua được cặp đường bát, nhai ngấu nghiến cả một bát mà vẫn chưa đã thèm! Có lần đang đói cơm lạt muối (vì tiếp tế lên chưa kịp), anh chị nuôi thương tình cho một mảng cơm cháy to dòn, miệng nhai rau ráu mà bụng vẫn cảm thấy chưa no! Có hôm hành quân qua rẫy sản xuất tự túc của bộ đội, ba tôi cho anh em trong đơn vị nhổ sắn mà quên không dặn phải cắm hom sắn xuống cho cây mọc lại, bị cụ Kiên (tức đồng chí Trần Kiên lúc đó là Phó Tư lệnh Quân khu phụ trách hậu cần) chỉnh cho một trận nhớ đời!

       Trong quãng đời làm lính Cụ Hồ, ba tôi trải qua nhiều đơn vị nên có rất nhiều chiến hữu,  bạn bè. Trong các chiến hữu ba tôi dành tình cảm quý mến đặc biệt đối với hai người. Đó là hai ông đều có tên là Lập: ông Nguyễn Trung Lập và ông Nguyễn Văn Lập.

        Ba tôi với ông Nguyễn Trung Lập thân quen nhau từ khi vào học ở Quốc học Quy Nhơn  (1936-1940). Ba tôi- Lâm Quang Minh người Quảng Nam hay cãi, ông Trung Lập người Quảng Ngãi hay co. Cùng học chung một lớp, mỗi sáng sớm chạy bộ 2 km, xuống biển tắm rồi về mới đi học; cùng tham gia phong trào Hướng đạo sinh; cùng nhập học Trường Thanh niên tiền tuyến… Cùng nhập ngũ, cùng tham gia chiến đấu trận đầu tiên ở Mặt trận Nha Trang. Đầu năm 1950 ông Lập, khi đó là Trung đoàn bậc phó đã anh dũng hy sinh tại Mặt trận Phú Yên, lúc mới 28 tuổi. Trong ký ức của ba tôi về ông Nguyễn  Trung  Lập còn đọng mãi hình ảnh một chàng trai khôi ngô tuấn tú, với nụ cười hồn nhiên duyên dáng làm xao động bao cô gái đang độ tuổi yêu, chững chạc trong bộ quân phục gọn gàng, ca lô đội lệch, súng ngắn ngang hông, tác phong xông xáo, năng nổ, tận tụy với công việc, tốt bụng với vợ con… đã sớm ra đi đang khi tuổi xuân phơi phới, để lại bao tiếc thương cho người thân trong gia đình, cho đồng đội, đồng chí, bạn bè….

     

        Tháng 9/1978 ba tôi đã cùng với con  trai ông Nguyễn Trung Lập trở về  Phú Yên tìm được mộ của ông, bốc cốt vào quách, đưa về chôn cất tại Nghĩa trang liệt sĩ ở quê nhà Quảng Ngãi.

         Còn ông Nguyễn Văn Lập là người Hy Lạp. Trong gia đình tôi, ai nấy đều quen gọi ông là bác Lập, tuy bác kém ba tôi 7 tuổi. Họ tên bác theo tiếng Hy Lạp là Sarantidis Kostantinos. Ngày16/2/1946, anh lính lê dương 18 tuổi Sarantidis Kostantinos của quân đội Liên hiệp Pháp lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam. Năm sau- 1947 bác bỏ quân đội Pháp chạy sang với Việt Minh. Bác đã cùng chiến đấu với ba tôi trong đội hình của Trung đoàn 803- Trung đoàn nổi tiếng của Liên khu 5. (Đây là Trung đoàn được mệnh danh là Trung đoàn thần thoại, Trung đoàn Nghĩa hiệp, Trung đoàn chỉ hành quân bằng đôi chân đã chiến thắng Binh đoàn cơ giới cơ động 100 lừng danh của quân đội Pháp về tốc độ hành quân. Giao chiến với Trung đoàn 803, Binh đoàn 100 cơ giới của quân Pháp đã bị tổn thất nặng nề và mất sức chiến đấu (chỉ riêng trận tập kích Plây Ring đêm 21/3/1954, gần 1000 tên của Binh đoàn này bị tiêu diệt gọn), cuộc hành quân  Át Lăng lấn chiếm vùng tự do Liên khu 5 của Bộ chỉ huy Pháp thất bại thảm hại). 

        Sau 19 năm tham gia kháng chiến, xây dựng đất nước Việt Nam, năm 1965, bác Lập rời Việt Nam về Hy Lạp. Vợ bác là người Việt.  Bác có ba người con  được đặt tên là Trung, Nam, Bắc. Bác rất tự hào về ba người con của mình: Chúng nó rất ngoan, hiền, đi đâu cũng được quý. Hai đứa là giáo viên, trong đó một đứa dạy môn lịch sử Hy Lạp. Bác tự hào vì nó  là người Việt Nam mà dạy lịch sử Hy Lạp.

 

        Bác Lập về cố hương, ba tôi và bác vẫn liên lạc với nhau, càng ngày càng thường xuyên hơn. Năm nay bác Lập sang Việt Nam đến 2 lần. Lần nào bác Lập sang tôi cũng đến khách sạn thăm bác rồi mời bác về nhà ăn cơm. Bác vẫn là người Việt Nam gần 100% sau 45 năm sống tại quê nhà Hy Lạp. Cách  sống vẫn là của người Việt Nam, cách nghĩ bằng tiếng Việt trước, tiếng Hy Lạp sau. Đến nhà tôi, bác chỉ thích các món ăn dân dã: canh cua, riêu cua, canh cá chua, rau muống luộc chấm tương, cà ghém, khoai lang luộc, sắn luộc. Tháng 8 vừa rồi ba tôi cùng một số các bác khác đã tháp tùng ông bạn Lập thăm lại nhiều  địa danh thuộc chiến trường Liên khu 5 xưa. Hai cụ rủ rì rù rì nói chuyện với nhau mãi về thời trai trẻ…

Bác Lập có viết sách kể chuyện đi theo Việt Minh như thế nào và đã xuất bản ở Hy Lạp. Tuy gia đình sống rất đạm bạc, nhất là trong bối cảnh Hy Lạp đang bị suy thoái kinh tế nghiêm trọng, bác vẫn dành toàn bộ số tiền thu được từ việc bán sách tặng cho các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam.

 

 

 

 

 

Bìa cuốn tự truyện "Tại sao tôi chạy sang hàng ngũ Việt Minh"

 

Bác Lập tặng quà cho nạn nhân chất độc màu da cam

 

 

 

 

Ông ôm cháu vào lòng

Ba tôi đã trải quãng thời gian 35 năm trời ròng rã trong quân ngũ. Tuy vậy, ba thường nói với chúng tôi:  Mọi thành tích cá nhân của mỗi người- nếu được gọi đó là thành tích- cũng chỉ là hạt cát trên bãi biển bao la, so với bao nhiêu xương máu của bao đồng đội, đồng chí đã đổ xuống, so với bao hy sinh cao cả của cả dân tộc. Nhưng mỗi người chúng ta cũng có quyền tự hào xứng đáng là một hạt cát trong hàng tỷ tỷ hạt cát, góp phần làm nên bãi cát mênh mông tươi đẹp cho đời. 

 Ba luôn tâm niệm: Dù sao mình cũng gặp được nhiều may mắn hơn nhiều đồng chí, đồng đội khác. Chỉ mới sơ bộ điểm danh số các bác, các chú đơn vị cùng ra đi Nam tiến năm nào với Ba, số người còn sống chỉ vài người. Nhiều người đã anh dũng ngã xuống, đang độ tuổi xuân phơi phới; nhiều các bác các chú lần lượt ra đi vì tuổi già sức yếu, vì thương tật tái phát, vì chất độc màu da cam quái ác; có người đang còn nằm đâu đó, thi thể vùi nông trên rừng Trường Sơn mịt mù âm u, hoặc vùng giáp ranh xơ xác cỏ dại, để lại nỗi tiếc thương đau đáu trong lòng người thân mòn mỏi đợi chờ.

Có lần, ba ngậm ngùi tâm sự với vợ chồng tôi: Mình có  niềm tự  hào đã từng ra Bắc vào Nam 2 lần bằng đôi chân, vượt qua mấy nghìn cây số trên đường Trường Sơn, hai vai nặng trĩu hành trang suốt mấy tháng trời, dưới bom rơi đạn nổ, máy bay địch gầm rít trên đầu, nhưng so với lớp lớp anh chị em thông tin giao liên ngày đêm bám trụ trên đường dây mười mấy năm trời, so với hàng vạn nam nữ thanh niên xung phong tuổi xuân mơn mởn, từng giây, từng phút mặc mưa bom bão đạn hiên ngang mặt giáp mặt với quân thù, đánh dấu từng quả bom rơi, phơi mình trong lửa đạn hối hả đào lấp sửa chữa thông đường cho những đoàn xe tiếp tế kịp vào chiến trường, thì cái gian nan nguy hiểm đến với mình nào có thấm tháp vào đâu! 


Người post: HanhLM

Ngày đăng: 25-10-2010 20:08






Xem 1 - 10 của tổng số 13 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

05/03/2011 18:11:14

Bài viết của chị Hạnh hay quá.


"Tại sao tôi chạy sang hàng ngũ Việt Minh"


Chị Hạnh ơi, em đặt mua trước một cuốn.



Từ: HanhLM
29/10/2010 15:13:01
Thưa anh chị em Hội KGU!
Hiện nay ông Nguyễn Văn Lập- Sarantidis Kostantinos và các cựu chiến binh Trung đoàn 803 có ý định dịch cuốn tự truyện "Tại sao tôi chạy sang hàng ngũ Việt Minh" từ tiếng Hy lạp sang tiếng Việt và xuất bản tại Việt Nam. Toàn bộ số tiền thu được sẽ ủng hộ các nạn nhân chất độc màu da cam Việt Nam.
Các cụ muốn hỏi anh chị em hội ta cuốn tự truyện như vậy có nhiều người mua để đọc không, có bán được không?
Cách thức tổ chức dịch, biên tập, xuất bản như thế nào cho thiết thực, hiệu quả?

Rất mong nhận được ý kiến tư vấn của các anh chị em để kính chuyển cho các cụ! Xin chân thành cám ơn các anh chị em!


Từ: ChiNB
27/10/2010 09:32:25
Ngọc ơi, bây giờ chẳng có thước đo "bonsevich" nữa vì hình như nó đã mất đi cùng với CCCP. Bây giờ mà nói sống vì cái chung, vì lý tưởng gì gì đấy là nói phét, ai mà chẳng sống vì gia đình, con cái, bố mẹ trước đã rồi mới đến cái cao siêu hơn. Thế mới thấy khâm phục và tự hào với những người "thật sự bonsevich" như bố của Hạnh chứ.


Từ: HanhLM
27/10/2010 01:45:16
Em xin cám ơn a.Hiền, c.Chi, a.Khoa, a.HảiTB, a.HảiNV, c.Thanh, c.Phong, bạn Ngọc, e. Châu, e.Huyền và tất cả gia đình KGU đã chia sẻ, khích lệ bài viết "riêng tư" của em về ba mình.
Lúc đầu quả thực em cũng hơi ngại, vì chỉ sợ mình làm như "khoe" bố mình. Nhưng sau thì em lại nghĩ đây không phải chỉ là câu chuyện riêng về ba em, mà là chia sẻ chung về thế hệ ông cha chúng ta - những con người yêu thương nhất, kính trọng nhất của mỗi chúng ta. Chúng ta có quyền tự hào về ông cha mình và chắc là các anh chị , cũng như em, cũng cảm thấy đôi chút tự hào là mình cũng đã sống, học tập và làm việc không phí cơm áo của Nhà nước và không phụ lòng mong mỏi của ông cha mình.


Từ: 3Chai
26/10/2010 21:07:14
Cái cô Hạnh này viết giỏi thiệt, chưa kịp comment tập 1 đã thấy tập 2 rùi.
Mà comment những bài viết như thế này đâu có dễ. Bao nhiêu là nghĩa tình, bao nhiêu là đạo lý trong đó.
Cảm ơn em đã chia sẻ.
P/S. @Ngọc. Những câu hỏi của em cũng là trăn trở của nhiều người. Nhưng tình cảm giữa các thế hệ thì không đo bằng phần trăm bolshevik, phải không em?


Từ: PhongPT
26/10/2010 18:07:02
Có dòng nhiệt huyết của cha chảy trong người con gái cưng Hạnh đấy.


Từ: ChauHM
26/10/2010 11:45:24
Bài viết của chị Hạnh rất hay. Em ngưỡng mộ Ba chị quá.


Từ: HanhLM
26/10/2010 10:04:06
Gia đình bác Lập sống ở thủ đô Atel của Hy Lạp, gồm vợ và 3 con: 2 gái, 1 trai. Sắp tới Nhà nước mình sẽ mời cả gia đình bác Lập sang VN để trao tặng Huân chương Hữu nghị và trao quốc tịch VN cho bác. Các đây 1 tháng Đài THVN tại ĐN đã làm 1 cuốn phim tài liệu về bác, ba mình đã sao băng rồi, hôm nào có em sẽ cho mọi người xem nhé.Bác đã là Đảng viên ĐCSVN và đã là đại úy của QĐNDVN.
Thực sự đó là một đảng viên cộng sản quốc tế tuyệt vời!


26/10/2010 09:18:40
Chị Chi ơi, thế thế hệ chúng ta bolsevich bao nhiêu %?
Và sống vì cái gì?
Thế còn thế hệ con cái chúng ta thì sao?
@Hạnh: năm, 2008 gia đình mình có đi nghỉ hè tại Hy Lạp, rất tiếc ko biết thông tin về bác Lập, nếu ko đã có thể tìm gặp bác ấy, Đó là những con người mà số phận của họ gắn với lịch sử của VN xa xôi. Cho hỏi, vợ bác Lập còn sống ko? Các con của bác ấy bây giờ ra sao?


Từ: ChiNB
26/10/2010 09:12:11
Hạnh ơi, bài viết của em về bố hay quá. Thế hệ các cụ đúng là "bonsevich" 100% - luôn sống vì lý tưởng và vì cái chung của dân tộc. Thật đáng tự hào là con của những người như bác.



Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s