KGU Tạo bài viết  
Thứ tư 27 Tháng mười. 2010

Ba tôi (Phần 3)




Tác giả: HanhLM

BA TÔI  

HanhLM- Cãi cọ 80

 

Phần 3: Về nghỉ hưu, hoạt động xã hội và những lời nhắn nhủ con cháu

 

. Về nghỉ hưu với những hoạt động xã hội sôi nổi

 

 Năm 1980  ba tôi về nghỉ hưu sau 35 năm làm lính Cụ Hồ (1945-1980), về với đời thường, về với quê hương Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ, với Hòa Vang “Đau thương mà anh dũng”, nơi chôn rau cắt rốn của mình- An Phước, Hòa Phong Kiên trung, bất khuất.

 Ba tôi có phần ân hận vì làm nhiệm vụ xa quê nên không được đóng góp công sức của mình với bà con cô bác. Có dịp đơn vị của ba-  Trung đoàn 803 chủ lực Liên khu 5 về tiêu diệt đồn Túy Loan- Hòa Vang vào ngày 18/9/1952 thì ba lại được cử đi chỉnh huấn ở căn cứ địa Việt Bắc.

Ba tôi tự nhủ hãy gắng làm được một việc gì đó dù nhỏ, góp phần nhỏ bé xây dựng địa phương trong quãng đời ngắn ngủi còn lại của mình nên đã lần lượt đảm nhiệm các nhiệm vụ: Bí thư Chi bộ, Thường vụ Đảng ủy phường Thanh Bình phụ trách Dân vận, Chủ tịch (1982-1985) rồi phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc phường phụ trách Tôn giáo vận trong 4 khóa (1986- 1998), Uỷ viên Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc  thành phố Đà Nẵng, đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng (1982-1985), thư ký HĐND phường 3 khóa liền (1982-1990). Cùng vận động thành lập các Hội Cựu chiến binh (1992), Hội người Cao tuổi phường (Phó Chủ tịch Hội các năm 1995-2002).

        

 Thông cảm với hoàn cảnh của những học sinh nghèo hiếu học (như hoàn cảnh của mình trước đây), ba tôi cùng anh em vận động thành lập Hội Khuyến học các cấp và trực tiếp làm Hội phó Hội Khuyến học phường (1993-2000), Ủy viên Ban chấp hành (BCH) Hội Khuyến học xã Hòa Phong, Chi hội trưởng Chi Hội Khuyến học đồng hương Hòa Phong tại Đà Nẵng, Chi hội trưởng Chi Hội Khuyến học tộc Lâm- Hòa Phong, Chi hội trưởng Chi Hội Khuyến học khối phố Thanh Long cho đến nay, vận động được mấy trăm triệu đồng, cấp hàng nghìn phần thưởng, hàng trăm xuất trợ cấp và học bổng cho các em ở các trường trong địa phương.

          

Nặng tình, nặng nghĩa với bè bạn đồng môn, với đồng chí, đồng đội, ba tôi tham gia làm Trưởng Ban liên lạc Cựu học sinh các trường mà ba  tôi đã từng học tập: Trường Tiểu học An Phước, Trường Tiểu học Phù Đổng, Trường Quốc học Quy Nhơn, Trường Quốc học Huế, Trưởng ban liên lạc truyền thống Trung đoàn chủ lực 803, Phó Trưởng ban liên lạc truyền thống Sư đoàn bộ binh 324; với  những đơn vị mà ba tôi đã từng công tác, từng chiến đấu (Trường Thanh niên tiền tuyến, Võ Bị Trần Quốc Tuấn, Binh chủng pháo binh, Chiến sĩ 23/10 Nha Trang-  Khánh Hòa), định kỳ họp mặt thăm hỏi động viên nhau, tổ chức họp mặt truyền thống nhân kỷ niệm ngày thành lập, cùng sưu tầm tư liệu biên soạn lịch sử nhà trường và đơn vị, phân công nhau nói chuyện truyền thống cho thanh niên và học sinh. 

            

Ba tôi còn tham gia Ban Tư vấn Thanh niên của phường trong nhiều nhiệm kỳ, trực tiếp lên phương án xây dựng Chi đoàn Thanh niên khu phố, tham gia sáng lập và sinh hoạt Câu lạc bộ tiếng Pháp thành phố Đà Nẵng (đặt tại Thư viện Tổng hợp TP Đà Nẵng), tham gia Câu lạc bộ Người Cao tuổi thành phố, đọc sách báo các loại, luyện tập dưỡng sinh, thi cụ ông, cụ bà đẹp lão, sinh hoạt Cựu Hướng đạo sinh, cựu cán bộ Đoàn thanh niên Cứu quốc tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. 

                     

           

 

            

Những hoạt động nghĩa tình, sinh hoạt văn hóa- xã hội phong phú trên đã giúp ba tôi sống vui, sống khỏe, sống có ích, kéo dài thêm tuổi thọ.

Sau chiến thắng Mùa Xuân năm 1975 một thời gian ngắn, Ba đưa cả nhà vào Đà Nẵng sinh sống. Ba tôi mua được căn nhà cũ đã xuống cấp ở đường Hải Hồ. Cái nhà này ở ven một cái hồ tuy rất thuận lợi cho việc thả bè ra muống và bèo để nuôi lợn trong thời kỳ gian khó nhưng muỗi thì nhiều vô cùng.

 Những năm còn sinh sống tại Hà Nội gia đình tôi ở khá nhiều nơi. Thời kỳ đầu mới tập kết ra Bắc,  Ba Mẹ tôi ở nhờ ông cậu Đoàn Nồng tại Trường Chu Văn An ven Hồ Tây. Mẹ tôi suýt đẻ rơi hai chị em chúng tôi trên sân trường vào hôm đón Bác Hồ về thăm trường này (nên hai chị em sinh đôi chúng tôi được đặt tên là Hạnh- Phúc, hạnh phúc được gặp Bác Hồ). Sau đó nhà tôi chuyển về khu vực Trường Đại học Công đoàn hiện nay. Rồi về Giảng Võ. Tôi nhớ mãi khi ở Giảng Võ từ nhà ra chỗ lấy nước rất xa, gánh được hai nửa thùng nước về nhà mỏi hết cả hai vai. Nơi mà gia đình tôi ở lâu nhất cho đến khi về Nam là một phòng ở khu tập thể Nguyễn Công Trứ.  Đó là một căn phòng ở tầng một có diện tích 20 m2, thường xuyên có 6 người sinh sống,  gồm bà ngoại tôi, mẹ tôi, chị gái Minh Châu, hai chị em sinh đôi Hạnh- Phúc và em trai út Minh Thông. Thi thoảng ba tôi từ chiến trường ra vài ngày rồi lại đi biền biệt. Anh em bà con từ miền Nam ra Bắc an dưỡng, học tập cũng hay đến nhà tôi ăn nghỉ. Có thời điểm nhà tôi cả khách lẫn chủ có đến  10-15 người. Trong hoàn cảnh đó, một số người phải ra ngoài mắc võng nằm ngủ dưới tán lá cây trong sân của khu tập thể.  May quá nhà tôi được phân ở tầng 1. Trước khi vào Nam ba tôi đã định trả nhà nhưng vì khi đó Phúc còn đang học ở Trường Đại học Dược Hà Nội nên thôi. Sau khi tốt nghiệp, Phúc theo lời khuyên của Ba Mẹ vào Bệnh viện huyện Hòa Vang quê hương làm việc thì Ba tôi ra ngay Hà Nội làm thủ tục trả nhà cho cơ quan. Có người khuyên Ba: Cái Hạnh nó có người yêu ngoài Bắc, chắc nó ở lại Hà Nội công tác, bác đừng trả phòng để khi về nước nó có chỗ ở.  Ba tôi vẫn  dứt khoát trả nhà với lập luận: Mình ở nhà do cơ quan phân cho nên khi không dùng nữa thì phải trả. Còn con Hạnh  về nước sẽ tự lo liệu lấy chỗ ở.  Ba nói rất chí lý.  

Những năm tháng Ba đi chiến dịch, Mẹ tôi rất vất vả nuôi bốn chị em tôi ăn học, nhất là khi chúng tôi đi sơ tán ở những nơi khác nhau (đứa ở Hà Tây, đứa ở Vĩnh Phú). Trong thời gian đó, Mẹ lại đang theo học đại học y ở Trường Đại học Y Thái Bình. Rất hạnh phúc cho mẹ con tôi là có Bà ngoại sống cùng. Bà đã hết lòng chăm sóc chúng tôi. Chuyện Bà ngoại tôi từ Nam ra Bắc cũng rất ly kỳ. Năm 1954 Ba Mẹ và chị Châu tập kết ra Bắc. Còn một mình Bà tôi sống ở Quy Nhơn. Ông ngoại tôi đã mất sớm. Bà tôi không thuộc diện được ra Bắc tập kết. Thế mà do nhớ con, nhớ cháu, Bà ngoại tôi cứ lên đường tự tìm đường ra Bắc. Có ai hỏi, Bà tôi đều nói: Con gái tôi đã ra Bắc tập kết, con rể tôi cũng ra, cháu tôi cũng ra Bắc rồi. Tôi không thể sống một mình, tôi phải  ra với chúng nó. Bà tôi cứ đi với niềm tin son sắt là sẽ gặp lại Ba Mẹ tôi và chị Minh Châu (khi đó tôi chưa ra đời). Sau bao gian nan vất vả, Bà ngoại tôi đã đoàn tụ được với con cháu tại Thủ đô Hà Nội.  

Tôi sẽ kể chuyện về Bà  ngoại tôi và Mẹ tôi trong một dịp khác.           

Tôi rất phục ba tôi về khả năng bền bỉ, thường xuyên đi khắp đất nước thăm bạn bè chiến hữu, thăm bà con, thăm lại các gia đình đã cưu mang ông trong những năm tháng chiến tranh, thăm lại các địa danh gắn với những trận chiến đấu ác liệt của đơn vị ông năm xưa và làm từ thiện. Mẹ tôi hay nói vui:- Ba chúng mày có hoa chân nên đi quanh năm.  Ba chủ yếu đi bằng phương tiện ô tô, thi thoảng đi tầu hỏa. Cho đến nay ba tôi vẫn có thể đi lại bằng xe máy nhưng các con cháu cương quyết không cho ông đi bằng cách bán cái xe “kim vàng giọt lệ” của ông. Cách  đây 5- 6 năm khi ra Hà Nội ba tôi vẫn lấy xe máy của chồng tôi đi. Chồng tôi không yên tâm nói ba đi đâu con đưa ba đi. Ông đồng ý nhưng không chịu ngồi sau mà muốn trực tiếp cầm lái cơ. Ông nói: - Ba ngồi sau thấy thế nào ấy. Tốt nhất là con  ngồi lên phía sau để ba lái cho. Rồi con tha hồ giám sát ba từ phía sau!  Chưa bao giờ, không bao giờ ba đi máy bay. Năm 2004 kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, vợ chồng tôi mua vé máy bay để ba tôi bay lên Điện Biên cho đỡ mệt. Ba cương quyết từ chối:-  Ba đi ô tô để còn xem lại những địa danh nổi tiếng khi xưa. Lên tới Điện Biên ông thuê một anh xe ôm chở ông đi thăm  đồi A1, Hầm Đờ Cát, thăm Nghĩa Trang liệt sĩ, thăm Viện bảo tàng, vào Mường Phăng thăm Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ,.... Hôm sau, ông bắt xe về Hà Nội vào lúc nửa đêm. Khi đó chúng tôi đang xem Cúp bóng đá thế giới. Tôi làm cho ba một bát miến. Ba ăn xong, tôi mời ông đi nghỉ. Ba cười: - Thế các con định không cho ba xem bóng đá à. Bốn năm mới có một lần.  Ba thức xem bóng đá cùng với cả nhà tôi. Xem xong, ông bảo chồng tôi đưa ông ra bến xe Lương Yên để đi vào Đà Nẵng ngay. Ba nói:-  Vào trong đó họp Mặt trận xong ba còn đi Khánh Hòa họp Ban liên lạc Trung đoàn 803. Ba lên lịch cả rồi. Lên xe vừa đi vừa ngủ. Ba tôi đã quyết là không ai trong nhà có quyền cãi lại. Về mặt này, ông có phần gia trưởng.

Những người như chúng ta đi lại liên tục như vậy đã bở hơi tai, còn ba tôi coi như chẳng có gì, chẳng sao cả. Ba tôi thật dẻo dai!  Nhưng sang năm nay, thấy ông yếu đi nhiều rồi. Thời gian gần đây, ba tôi ăn được rất ít. Thế mà cứ thấy  trong người khoe khỏe ông lại lên đường…

            

Đã từ nhiều năm trước, mấy anh chị em chúng tôi bàn nhau mua tour du lịch tham quan mấy nước trong khu vực cho ba mẹ tôi. Chúng tôi thưa với ba về việc này, ông nói: -  Ba cám ơn các con! Ba mẹ vẫn hàng ngày đi du lịch các nước qua màn ảnh nhỏ rồi. Các con cứ chuyển cho ba giá tiền tour du lịch đó để ba mẹ dùng vào các việc thiện.         

Ba tôi hay tâm sự với các con: Ba may mắn và tự hào là đã được sống trong một giai đoạn lịch sử hào hùng của đất nước, cho phép ba có cơ hội cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp cao cả giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, thực hiện trọn vẹn hoài bão mơ ước cháy bỏng của lớp lớp thế hệ cha anh từng hy sinh biết bao xương máu mà vẫn chưa làm được. Đó là một vinh dự và tự hào lớn mà không phải thế hệ thanh niên nào có thể có được. Vì vậy, mà mọi toan tính cá nhân, suy bì hưởng thụ, so sánh thiệt hơn, so đo được mất, đều là những suy nghĩ thấp hèn, có tội với cha ông, với bao đồng chí đã ngã xuống vì sự sống của mỗi gia đình hôm nay và tương lai con cháu mai sau.

 

. Những lời nhắn lại con cháu

 

Ba tôi đã viết sẵn mấy lời gửi gắm con cháu trong gia đình như sau:

 

Nhìn thấy con cháu đoàn kết thuận hòa, thương yêu đùm bọc lẫn nhau,  hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, nghĩa tình với bà con bè bạn; các con công tác thành đạt, các cháu ngoan ngoãn, học hành tiến bộ, Ba Mẹ vui mừng và yên tâm.

+ Một đời sống thanh bạch giản dị, Ba Mẹ không có của cải tài sản gì để lại, ngoài một căn nhà, đất do bộ đội cấp, nhà do bán căn hộ cấp 4 tự mua sau giải phóng mới có tiền xây cất. Các con khôn lớn đều có cuộc sống tự lực tương đối ổn định, không cần đến sự chi viện của cha mẹ. Tích cóp được mấy chục triệu đồng do dành dụm và con cháu biếu trong các ngày lễ, ngày tết thì đã góp vào quỹ của các Hội Khuyến học Tộc, Xã, Huyện, Phường.

Khi Ba Mẹ qua đời, các con hãy cùng nhau bàn bạc thống nhất việc xử lý ngôi nhà sao cho hợp tình, hợp lý.

Có nhiều cách giải quyết, nhưng cách nào thì cũng dành ra một khoản thỏa đáng nhân danh gia đình đóng góp vào các quỹ Khuyến học Tộc, Khuyến học xã, Khuyến học huyện, các quỹ từ thiện nhân đạo, Quỹ vì người nghèo. Ưu tiên cho Quỹ Khuyến học Tộc và Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam. Quỹ Khuyến học Tộc còn quá ít, không đủ để khen thưởng động viên con cháu phát huy truyền thống cha ông học tập giỏi, chịu khó học nghề để đảm bảo cuộc sống. Nhìn cảnh tượng hàng nghìn gia đình nạn nhân chất độc da cam trong thành phố sống quằn quại đau thương mà không cầm được nước mắt!

+ Về việc hiếu, việc tang:

. Việc hiếu: Sau đời Ba Mẹ, công việc cúng giỗ ông bà cậy vào con trai, con dâu, cùng với các anh chị chung sức lo.

. Việc tang: Tích cực hưởng ứng chủ trương: thực hiền nếp sống văn minh văn hóa trong việc tang: Tiết kiệm-tránh lãng phí, phô trương hình thức, nhưng vẫn đảm bảo trang trọng. Cụ thể là:

- Tiến hành ở Nhà tang lễ Thành phố: vừa thuận lợi, trang nghiêm, rộng rãi, mọi việc cần thiết đều được đáp ứng chu đáo.

- Quan tài nên dùng gỗ thường, không cần gỗ tốt đắt tiền, trước sau rồi cũng mục nát thành đất như nhau.

- Không mua và rải giấy tiền, đốt vàng mã dọc đường, càng không nên rải tiền thật (là phạm pháp).

- Chỉ cần chiêng trống, không cần đội nhạc ta, nhạc tây inh ỏi. Chỉ nên dùng một băng cát sét dạo nhạc trầm hùng sâu lắng, nhạc truy điệu trong buổi tang lễ.

- Đề nghị ông Tổng đội âm công không cần múa hát than thở làm gì.

- Không nhờ xe công giúp chở khách đưa tang vì vi phạm quy chế sử dụng xe công của Nhà nước. Có khối xe các công ty xe khách sẵn sàng phục vụ.

- Xây mộ ở mức vừa phải, như mọi ngôi mộ khác trong Tộc, không làm điều gì nổi trội phô trương, chẳng ai khen đâu.

- Chú ý cử người tiếp đón, thu xếp ăn ở chu đáo cho bà con cô bác trên quê xuống viếng.

(Sở dĩ nói nhiều về việc này vì quá bức xúc trước hiện tượng lãng phí vô tội vạ ở nhiều gia đình, nhất là ở các vị đương chức, không những đối với bản thân họ, mà còn đối với cha mẹ họ, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng (tứ thân phụ mẫu): hàng trăm vòng hoa, hàng mấy chục xe công lớn nhỏ, tiêu tốn hàng mấy trăm triệu đồng, v.v..).

+ Mấy điều cần quan tâm:

- Chăm lo cho con cháu học hành chăm ngoan, đồng thời phải chú ý rèn luyện nếp sống có kỷ luật trật tự, ngăn nắp; vun trồng lòng nhân ái, tính vị tha, quan tâm đến người khác, bằng chính tấm gương của người lớn và bằng những việc làm cụ thể, thiết thực: thu gom quần áo dành khi giúp cho người nghèo, sách cũ, truyện cũ cho học sinh và thư viện  vùng sâu, vùng xa.

- Định kỳ phân công thăm viếng Nghĩa trang Tộc, thắp hương mộ Tổ, ông bà, cha mẹ, họ hàng; tham gia các ngày giỗ kỵ lớn; thăm hỏi các cụ trưởng lão; đóng góp đầy đủ các quỹ của Tộc và Xã, thể hiện tấm lòng “Uống nước nhớ nguồn”, tuyệt đối không nên lơ là, bê trễ.

- Các chàng trai hãy tỏ rõ quyết tâm và bản lĩnh của mình, hạn chế rồi đi đến bỏ hẳn hút thuốc lá, sử dụng rượu bia có điều độ, vì sức khỏe bản thân, vì hạnh phúc gia đình, tránh bệnh tật nan y khi về già, hối hận thì đã muộn.

Tâm niệm của Ba Mẹ là: Trong khi chăm lo vun vén cho hạnh phúc gia đình, các con cháu  hãy dành sự quan tâm chia sẻ đến những hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời bất hạnh, vun trồng chữ “nhân”, để lại chữ “đức” cho các thế hệ sau!

 


Người post: HanhLM

Ngày đăng: 27-10-2010 18:06






Xem 1 - 8 của tổng số 8 Comments

Từ: HuongNT
18/12/2010 16:59:32

Hạnh có một người ba thật tuyệt vời! Thế hệ các cụ sao mà giống nhau đến thế. Bố chị cũng đi bộ đội từ đầu 1945 và có nhiều tính cách rất giống ba của Hạnh. Nhưng từ khi nghỉ hưu (1991) cụ vẫn tích cực tham gia hoạt động ở khu phố nhưng không đi nhiều được như ba Hạnh. Cụ cũng viết di chúc trước cho các con có nhiều điểm giống ba Hạnh lắm. Con cái chúng mình sau này có khi cũng sẽ bảo là thế hệ chúng mình sao mà giống nhau thế, Hạnh nhỉ? Hạnh thật hạnh phúc vì còn ba mẹ. Chúc các cụ luôn mạnh khỏe và trường thọ!



Từ: Khửu
02/11/2010 12:55:27
Hãy luôn chăm sóc sức khỏe cho các cụ.
Còn ba, còn mẹ là hạnh phúc lắm lắm.
Chúc Ba Hạnh, má Hạnh luôn mạnh khỏe.


Từ: LinhND
29/10/2010 17:58:33
Mình hy vọng thế hệ chúng ta cố theo được các cụ.


Từ: LienTP
28/10/2010 16:35:49
Đọc bài viết của Hanh mình thật sự cảm động và cảm phục các cụ. Ba Hạnh, người lính qua bao cuộc chiến tranh vẫn giữ nguyên tình yêu, giữ được sự bình dị, được cốt cách của người lính, luôn hết lòng vì mọi người. Các bạn thật tự hào có người cha người mẹ như vậy.


Từ: NgaHT
28/10/2010 15:49:34
Thế hệ của các cụ là những người luôn "vì Tổ Quốc quên mình, vì nhân dân hy sinh".Thế hệ con cháu hỏi còn được bao nhiêu phần trăm như vậy? Bố chồng em cũng là bạn của Ba chị đấy. Nhưng ổng là thương binh loại 1 nên không được may mắn như Ba chị đi được đó đây. Khi nào chị về Đà Nẵng nhắn em tới chơi.


Từ: MaiND
28/10/2010 10:34:21
Bài viết của Hạnh về Ba rất hay và cảm động.
Cuộc đời và tấm gương của Cụ là bài học rất quý giá cho thế hệ chúng ta và mai sau noi theo.
Chúc Các Cụ trường thọ, hạnh phúc.


Từ: LamTB
27/10/2010 22:19:20
Đó là chân dung một anh hùng. Các cụ đã khép lại trang sử Thống nhất Non sông thật vẻ vang.
Còn trang sử hôm nay là cuộc chiến xóa đói nghèo, giữ được núi sông bờ cõi và phát triển bền vững đất nước.


Từ: 3Chai
27/10/2010 20:16:40
Thật Hạnh-Phúc có ba như vậy.
Kính chúc Cụ sức khỏe.


Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s