KGU Tạo bài viết  
Thứ bảy 30 Tháng mười. 2010

Ba tôi (Phần 4)




Tác giả: HanhLM

BA TÔI

HạnhLM- Cãi cọ 80

 

Phần 4: Cuộc đời không thể thiếu những vần thơ 

 

Ba tôi thi thoảng có làm thơ. Tôi còn nhớ được hai bài. Ba tôi cũng tham gia tích cực vào chỉnh lý gia phả của tộc Lâm (bằng thơ) với 100 câu thơ lục bát.

Dưới đây, xin giới thiệu 2 bài thơ do Ba tôi làm, 1 bài thơ sáng tác tập thể của học trò xứ Quảng những năm 41-43 (thế kỷ XX) và 1 bài của một ông bạn viết tặng Ba tôi để chúng ta hiểu thêm về tâm tư, tình cảm của các cụ tham gia Cách mạng từ thời Tiền Khởi nghĩa.    

 

        TÂM SỰ ĐÔI VỢ CHỒNG GIÀ

                                   Lâm Quang Minh

          (Tặng các hội viên Câu lạc bộ Thái Phiên TP  Đà Nẵng)

 

Bà đi nuôi cháu vắng nhà

Mình ông thơ thẩn tuổi già quạnh hiu

Ngày ngày nước lọ cơm niêu

Buổi sáng thì nấu, bữa chiều lại rang

Cá kho, cơm trắng đàng hoàng

Mà không bằng đĩa khoai lang có bà

Rượu nồng trong lọ rót ra,

Mà sao đắng ngắt như là mật ngâm

Chiều buông mưa bụi lâm thâm

Nhìn ra cổng vắng lòng thầm nhớ mong

Dài sao ơi cái đêm đông,

Trên chăn, dưới nệm mà lòng tái tê.

                                           

                                Dùng dằng nửa ở nửa về

Về thì tội cháu, ở thì thương ông

Thương ông lận đận long đong

Nửa đời chinh chiến không mong ngày về

Khi về tưởng đã yên bề

Bà đi nuôi cháu bỏ bê cửa nhà

Thương ông vò võ thân già

Xót cháu côi cút cậy bà chăm nom

Thương ông, bà để trong lòng,

Yêu cháu bà bế bà bồng, cháu tôi!

 

Thân này ví xẻ làm đôi

Nửa đi với cháu, nửa về bên ông

  Mong sao cháu chóng lớn khôn

Bà mau về lại, kẻo ông mong chờ

Mình ơi! Ráng đợi Em nghe!

        Bà hỡi! Hãy mau về lại với tui, nghe mình! 

 

CHƯA GIÀ ĐÂU ANH!

                                   Lâm Quang Minh

                                             

                             Tuổi cao xin chớ nghĩ già,

    Có thơ, có rượu, còn là có Em.

Rượu say bởi có hơi men,

Thơ hay bởi có bóng Em bên mình

Rượu ngon rượu đượm hương tình,

Thơ hay thơ đựng cả hình dáng em.

Tuổi cao tình vẫn lên men,

  Còn thơ, còn rượu, còn Em, chưa già!

 

 

ĐƯA LÁ THƯ ĐÂY (*)

Thơ của nhóm học sinh xứ Quảng học

tại Trường  Quc học Huế  những  41-43  của thế kỷ trước

 

                         (Học trò trong Quảng ra thi

Thấy o gái Huế chân đi không đành)

 

Răng mà cứ theo tui hoài rứa?

                            Cái ông ni mới dị chưa tề

Sớm trưa chiều ba bữa đi về

Đưa với đón làm chi không biết?

 

Ôi đôi mắt chi mà tha thiết

   Xin đừng nhìn làm loạn bước tôi đi

Lá thư tình ông gởi làm chi

Cha mạ biết rầy la tui chết !

 

Ông tán tỉnh làm chi không biết

Tui như ma như quỷ dưới âm ti

Nói những lời hoa mỹ làm chi

                      Tui còn nhỏ, chuyện tình răng biết được!

 

Tội tui lắm, cách xa cho vài bước

Đừng đi gần hai đứa sóng đôi

Xa xa cho kẻo bạn tôi cười

Mai vô lớp cả trường dị nghị

 

 Theo chi rứa răng mà không biết dị?

Thôi được rồi, đưa lá thư đây!

Mai tan trường đợi ở gốc cây

Tui sẽ tới trả lời cho biết

 

(*) Ba tôi đọc bài thơ  này trong Cuộc thi các cụ ông, cụ bà đẹp lão TP Đà Nẵng, tháng 10-2002. Tại cuộc thi này, ba tôi-  cụ ông Lâm Quang Minh ( khi đó 81 tuổi) cùng người bạn đời là mẹ tôi-  cụ Lê Thị Anh Nga (khi đó 76 tuổi) là cựu học sinh Quốc học và Đồng Khánh Huế, hội viên Câu lạc bộ Thái Phiên- Đà Nẵng đã đạt Huy chương Vàng.

                 

                

                             

 

                               Lời tâm tình gửi lại

                   Thân tặng bạn Lâm Quang Minh

                  Đại tá Huỳnh Lê

 

  Khi tôi “đi xa”! Xin đừng buồn thương xót!

Tôi chỉ là hạt cát giữa mênh mông

Một giọt nước trong, giữa bát ngát dòng sông;

Một chiếc lá vàng giữa đại ngàn cổ thụ

 

Quê hương tôi Hội An phố cổ

Có di tích chùa Cầu, phố hẹp người đông

Từ thượng nguồn đổ xuống một dòng sông,

Thuyền xuôi ngược, vui chợ đông năm tháng

 

Tuổi trẻ ra đi chưa hiểu gì cách mạng

“Xếp bút nghiên” theo bè bạn hành quân

Căng lồng ngực hát bài ca cứu nước

Mới hiểu dần Tổ quốc mất lâu rồi!

 

Kháng chiến trường kỳ vất vả gian lao

Mà sao tâm hồn vô tư đến lạ?

Nhiều lần khóc bên thi hài đồng đội!

Đau xót qua rồi lại tiếp nối hành quân!

 

“Chân đất đầu trần” xa biền biệt người thân!

Có sốt rét rừng, có nắm cơm độn sắn

Có trận đánh thua,  nhiều lần đánh thắng

Có vui buồn sâu lắng nhớ người thân?

 

Cũng đôi lần có cô gái bảo: thương anh

Lại phải hành quân nên chỉ thầm nhớ mãi

Chim đang bay, chưa phải hồi đậu lại,

Đời lính- tình yêu; khó nói- lặng thinh

 

Cứ vậy trải qua bao dặm trường chinh

Mới hiểu dần ra mục đích mình cầm súng

Lòng tự hào khi thấy mình đi đúng hướng

    Biết còn khó khăn đường kháng chiến đến hòa bình

 

Năm tháng đi qua nhìn lại đời mình

   Thanh thản tự hào khi “xuôi tay- nhắm mắt”!

   Khi tôi “đi xa”! Xin đừng buồn thương xót!

Tôi cũng chỉ là hạt cát bãi phù sa!

      Đà Nẵng, 22 tháng 12 năm 2004

 

 

Thưa anh chị em! Tôi xin kết thúc chuyện kể về Ba tôi ở đây. Xin chân thành cám ơn các chị, các anh, các em đã đọc những trang ghi chép này, đã chia xẻ với tôi về tình cảm đối với ông bà, bố mẹ, đã  gửi lời hỏi thăm và chúc sức khỏe Ba tôi. Biết được chuyện này, Ba tôi rất cảm động và xin gửi lời cám ơn tất cả các anh chị em, chúc anh chị em khỏe, vui, hạnh phúc và mọi sự an lành!

Đến lượt mình, tôi cũng rất muốn được đọc các ghi chép, các chia xẻ của anh chị em về ông bà, bố mẹ, con cái, cháu chắt của mình. Đúng như chị Thúy Hoa và chị Kim Thanh đã viết: Gia đình nào cũng có rất nhiều chuyện, nhiều sự kiện, nhiều điều để viết và đáng viết.

Hiện nay Ba tôi đang ở Hà Nội để tìm cách dịch quyển tự truyện Tại sao tôi chạy sang hàng ngũ Việt Minh (tôi đã giới thiệu trong Ba tôi- phần2) của Bác Nguyễn Văn Lập- Sarantidis Kostantinos từ tiếng Hy Lạp sang tiếng Việt và xuất bản cuốn sách này.

  Bác Lập và các chiến hữu Trung đoàn 803 rất mong xuất bản được cuốn sách này ở Việt Nam. Toàn bộ số tiền thu được sẽ dành cho việc ủng hộ các nạn nhân chất độc màu da cam Việt Nam.

          Các cụ muốn hỏi anh chị em hội ta cuốn tự truyện như vậy có nhiều người mua để đọc không, có bán được không?

          Cách thức tổ chức dịch, biên tập, xuất bản như thế nào cho thiết thực, hiệu quả?
         Rất mong nhận được ý kiến tư vấn của anh chị em để tôi sẽ kính chuyển cho các cụ! Xin chân thành cám ơn anh chị em!


Người post: HanhLM

Ngày đăng: 30-10-2010 22:10






Xem 1 - 10 của tổng số 10 Comments

Từ: HanhLM
02/11/2010 09:56:37
Đôi dòng viết thêm
Trên mặt bàn làm việc của ba tôi thường có rất nhiều các cuốn hồi ký của các đồng đội ở cùng đơn vị với ba tôi trước đây, trong đó nhiều nhất là các cuốn hồi ký của các cựu sinh viên Trường Thanh niên tiền tuyến Huế. Cũng có khá nhiều cuốn kỷ yếu về các mái trường mà Ba tôi đã học. Cách đây vài năm, sau khi đọc các cuốn sách này, tôi dè dặt nêu nguyện vọng: “Ba ơi! Ba viết hồi ký về cuộc đời Ba để chúng con biết được những mảnh đất, những chiến trường Ba đã đi qua, những công việc Ba đã làm, những con người mà Ba đã gặp! Con đã đọc nhiều cuốn hồi ký thấy các bác, các chú có viết về Ba. Những năm tháng hào hùng mà Ba và các đồng đội đã trải qua rất đáng được nhớ lại, ghi chép lại, Ba ạ!”. Tôi nhớ khi đó, ba tôi đã trả lời: “Ba chưa thu xếp được thời gian. Còn nhiều việc khác phải làm con ạ!”. Thấy tôi có vẻ thất vọng, ba tôi an ủi: “Ừ, có lẽ nên viết, Ba sẽ tìm cách con nhé!”.
Đầu năm 2007, nhân buổi gặp mặt đầu năm của gia đình, tôi lại nêu ra ý kiến: “Ba ơi! Ba thu xếp viết cuốn hồi ký đến đâu rồi?”. “- Ba đã có cách”. “- Ba có cách gì, hả Ba?”. “- Ba sẽ thu thập các bài Ba đã viết về các đơn vị, các trường học, những mảnh đất mà Ba đã trải qua, những con người đáng kính mà ba đã gặp đã đăng trong một số cuốn kỷ yếu, một số báo trong nhiều năm qua. Rồi Ba sẽ viết thêm một vài bài nữa”. “- Thế thì hay quá Ba ạ. Ba nên bắt tay vào công việc ngay đi, có gì chúng con xin giúp Ba một tay. Trong cuốn hồi ký này nên có ảnh nữa, có thơ nữa Ba ạ”. “- Nhất thiết phải có ảnh để “minh họa” chứ. Ba sẽ tìm lại một số ảnh cũ chụp từ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Ba sẽ đưa vào các bài thơ nữa. Ba sẽ cố gắng, con ạ!”.
Đáp ứng lòng mong mỏi của con cháu và đồng đội, Ba tôi đã cố gắng rất nhiều suốt trong năm 2007. Vợ chồng tôi và các cháu nội ngoại hết lòng hỗ trợ, giúp đỡ Ba. Chúng tôi phân công nhau tìm lại các bài Ba tôi đã công bố trên các sách báo Trung ương và địa phương, trong các kỷ yếu của các đơn vị, các nhà trường, photo các bài đó, đánh máy sạch sẽ rồi chuyển cho Ba tôi rà soát lại. Có trường hợp chúng tôi đã ngồi nghe Ba kể chuyện và ghi lại. Có trường hợp đến gặp các chú bác đồng môn, đồng nghiệp, đồng ngũ với Ba tôi lấy tư liệu. Các cháu Minh Chi, Khánh Ngọc, Xô Việt, Thanh Lâm, Thảo Ly, Thu Hằng đã giúp ông khá nhiều trong việc đánh máy, chụp lại các tấm ảnh…, rà soát lại các bài viết trước khi đóng quyển. Và kết quả là vào giữa năm 2008 cuốn sách đã hoàn thành. Trên cơ sở tham khảo ý kiến của con cháu và bạn bè, Ba tôi đặt tên cho cuốn sách là: Một số ghi chép về thời đi học, đi lính và về với đời thường.
Ba tôi khá hài lòng vì đã được trải lòng mình với bạn học, các cựu chiến binh, bà con trong tộc họ, các con các cháu… qua các trang viết, các hình ảnh trong tập ghi chép đầy ắp kỷ niệm, đầy ắp tình thương yêu này.
Chúng tôi rất vui khi thấy Ba vui!


Từ: HoaNT
01/11/2010 10:24:46
Rất vui là hôm qua bọn mình được ngồi nói chuyện với ba của Hạnh. Cụ thật thông minh, sáng suốt và hóm hỉnh. Ngồi cạnh cụ mình lại nhớ bố mình da diết. Hồi còn sống bố mình cũng rất hay làm thơ cả tiếng Việt, tiếng Pháp nữa cũng hay được đăng lên một số báo vài bài, còn lại thì hồi đó con trai mình đánh máy và ông đưa đi foto gửi tăng cho bạn bè, gửi in thơ của câu lạc bộ Quân y, hội Người già... Hồi đó bố mình bảo làm thơ để luyện trí óc cho minh mẫn hơn vì ông là bác sỹ mà.Bây giờ ba Hạnh còn khỏe thì Nghị-Hạnh nên tranh thủ giúp cụ xuất bản các tác phẩm của cụ là tốt nhất đấy. Cứ yên tâm rất nhiều người ủng hộ


Từ: camtumai
01/11/2010 09:09:52
Dịch và xuất bản sách của Bác Lập càng sớm càng tốt. Chị nghĩ dịch giả tốt nhất và nhanh nhất, như chị em mình đã trao đổi chính là Bác Lập và Ba của Hạnh Nghị.
Còn việc phát hành không khó, NguoiKGU sẽ góp "gió" (Em Huyền đã đăng ký 100 cuốn đấy).
Nếu chưa xuất bản tuyển tập thơ của Ba các Em thì cũng nhất thiết xin phép Ba xuất bản tập thơ. Những bài thơ tràn đầy xúc cảm sâu lắng. Rất tuyệt vời!


Từ: VinhDT
31/10/2010 22:08:54
Hạnh ơi,
Bài thơ chưa già đâu em hay quá, em có định làm tuyển tập cho ông thì phải tặng hội KGU một quyển.
Nhà chị có ông em họ làm thơ không hay nhưng xuất bản thơ đều, chủ yếu tự in. Những tập thơ này đã truyền tay nhau trong gia đình, bạn bè, trở thành của quý của cả dòng họ đấy. Cố gắng lên em.


Từ: LienTP
31/10/2010 13:37:19
Những vần thơ thật cảm động. Đọc rồi mà vẫn muốn đọc lại.
Hạnh ơi, mình tham gia vào xuất bản mấy cuốn sách của bố mẹ mình. Chủ yếu là nhà xuất bản QĐND. Thật ra mục đích là lưu lại kỷ niệm về bố mẹ, tình cảm của các đồng nghiệp, người thân gia đình nên chủ yếu là gia đình tự bỏ tiền ra làm. Tùy theo từng cuốn, NXB chỉ lấy một lượng nhất định để phát hành thôi. Còn thị trường ngoài quân đội, mình chưa nghĩ đến và chưa thử bao giờ. Một chút chia xẻ vậy nhé.


Từ: GiangHV
31/10/2010 08:57:07
Hạnh à! Anh có cô con dâu cả (tương lai thôi) làm trong lĩnh vực xuất bản sách. Trước đây cháu phụ trách mảng sách dịch của nhà xuất bản Kim Đồng, nay cháu chuyển sang làm việc tại nhà xuất bản Nhã Nam (tư nhân) và phụ trách mảng sách trong nước. Cháu khá hiểu biết và có kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất bản. Sáng nay anh có nói chuyện với cháu. Nếu cô thấy cần thiết thì vào một buổi tối nào đó cháu sẽ đến nhà cô để tìm hiểu kỹ thêm và tư vấn cho cô (nhà cháu ở ngay Ngã Tư sở, nên chắc gần nhà chú cô).


31/10/2010 07:19:19
XB sách bây giờ là việc dơn giản.
Mình có thể hỗ trợ Hạnh


Từ: 3Chai
31/10/2010 05:02:29
Nên giúp ba em thực hiện dự án này gấp vì thời gian của các cụ không còn nhiều.
Bố anh trước đây cũng ra được mấy đầu sách, cả thơ và hồi ký. Chỉ cách đây vài năm thôi ông bà còn có thể sang tận châu Âu và Úc. Nhưng bây giờ thì hết khả năng rồi, thậm chí cụ ông còn không cầm nổi cây viết nữa.
Những tập sách đó trở thành gia bảo.


Từ: 3Chai
31/10/2010 04:56:13
P/S. Riêng phần tếng Hy Lạp thì bó tay. :)))


Từ: 3Chai
31/10/2010 04:55:39
Thế hệ chúng ta sẽ có nhiều người muốn đọc quyển sách đó đã đành, nhưng tôi tin lớp trẻ chúng sẽ cũng không thờ ơ. Nếu các cụ còn những tư liệu như ảnh, bản đổ, văn bản sao chụp... mà đưa vào sách sẽ quý lắm. Thậm chí những tấm bản đồ tự vẽ để minh họa những chuyện đã xảy ra cũng làm quyển sách hấp hẫn hơn.
Chắc Hạnh-Nghị ở ngay HN không thiếu gì các mối quan hệ, nhưng anh có vài bạn, người chuyên làm bìa sách, người làm nhà in, nhà xuất bản... lâu rồi không gặp mà cũng chưa nhờ vả gì. Nếu các em cần thì cho anh biết.


Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s