Lớp Vật lý (1970-1976) của chúng tôi (Phần 1)
Tác giả: HoaiPV
LỚP CHÚNG TÔI - VL76 (PHẦN 1)
Trong cái Ob1 của khoa Toán – Lý KGU, để lại nhiều ấn tượng nhất có lẽ là lớp Lý 2, khoá 1970-1976 (chúng tôi gọi như vậy vì Lý khóa đầu tiên là 1969-1975 và cứ thế tiếp tục Lý 2, Lý 3…đến Lý 10 1978-1984 là khoá cuối cùng).
Tôi gọi ấn tượng nhất trước hết là vì lớp chúng tôi toàn "đực rựa" gồm 15 tên tất cả, trước và sau chúng tôi thì đều có con gái. 15 tên lớp Lý 2 chúng tôi gồm: Tiến Khoa, Anh Minh, Quý Nam, Mạnh Đức, Văn Khôi, Tất Thắng, Quý Huy, Hoàng Dũng, Quốc Hùng, Văn Hoài, Thế Nhuận, Nam Phong, Nguyên Tường, Xuân Lý và Quang Hưng, có đứa cao, đứa thấp, có đứa ngắn, đứa dài chẳng ai giống ai. Năm dự bị chúng tôi đều sống ở Ob3 như các khoa khác. Năm thứ nhất thì chuyển sang Ob1 ở và cùng sinh hoạt chi đoàn với các anh chị Lý 1, hy vọng ít nhiều sẽ “mềm” tính đi, ai dè trong số 13 người của năm đó, khốn khổ chỉ có mỗi chị Cầm nên cũng bị đồng hóa luôn. Vậy là coi như chỉ có một lũ con trai ở với nhau, lại hơi cách xa với khu vực các Ob khác. Có thể cũng vì lý do này mà lớp Lý chúng tôi có gì đó “là lạ”, “bí hiểm” trong con mắt của các khoa khác, nhất là đối với chị em! Rất thương chị Cầm năm đó, mỗi lần bị lũ con trai xúm vào bắt nạt, cãi không lại được với chúng nó, đành nước mắt ngắn nước mắt dài chạy sang Ob Hoá tìm gặp chị Nhung, chị Vãng,...để sẻ chia. May mà năm sau chị Cầm có thêm 6 nữ đồng minh Lý 3, ghép lại thành nhóm “bảy chú lùn”.
Lớp chúng tôi có 9 người từ Hà Nội và 6 người từ các tỉnh khác. Là năm đầu tiên bắt đầu chế độ thi tuyển đi học nước ngoài (1970), phần lớn các bạn trong lớp đều đạt điểm xuất sắc và được gặp Bác Tạ Quang Bửu - Bộ trưởng để đề đạt nguyện vọng ngành học ở nước ngoài. Với trào lưu những năm đó, lũ con trai chúng tôi hầu như ai cũng chỉ muốn được học Vật lý nguyên tử, Vật lý vô tuyến khi bác Bửu hỏi chuyện. Và Bộ trưởng đã giữ lời hứa, chúng tôi bắt đầu gắn bó với nhau, với gia đình KGU từ đấy!
Ấn tượng thứ hai, có lẽ lũ chúng tôi học cũng được, nên những năm đầu thường hay được phân công “kèm cặp” các em dự bị! Tiếng Nga tàm tạm (hai cô giáo dạy dự bị là cô Gamova Elena Leonhidopna (mắt xanh nâu)và Agapova Larixa Ivanovna (tóc trắng) và cô Ephimova Natalia Evlampievna dạy sau này đều khen như vậy). Lớp chúng tôi khá tiếng Nga có lẽ một phần vì vào các kỳ nghỉ hè, nhiều đứa trong chúng tôi rất nhiệt tình và tự nguyện giải toán và bồi dưỡng cho các em abiturentka người Nga, người Môn khi các em ở Ob1 để ôn thi vào trường, nom em nào em nấy má cứ đỏ rực như trái đào!
Đặc điểm đầu tiên là chúng tôi rất ham chơi. Đủ các trò từ hái quả, chụp ảnh, trượt băng trên những đôi giầy đông “batontrich”, bóng đá, bóng chuyền đến nghe nhạc, xem phim TB “trộm”, dancing, v.v..., trò nào lớp chúng tôi cũng đều được xếp hạng. Cũng may, sức học và trí nhớ của tuổi trẻ đã giúp chúng tôi vượt qua các kỳ thi, mặc dù thời gian ôn thi, như Quý Huy đã viết trong hồi ức của mình, chỉ vài ba ngày cộng với ban đêm. Tốt nghiệp ra trường, hơn một nửa lớp chúng tôi đã nhận Bằng đỏ và giấy đề nghị chuyển tiếp nghiên cứu sinh (NCS). Rất tiếc trong hoàn cảnh những năm đấy, không ai được làm chuyển tiếp sinh ngay.
Nói chung mải chơi là vậy, nhưng trong lớp vẫn có những chuyên gia Góc đỏ và Thư viện. Nguyễn Mạnh Đức- trung phong số một của đội bóng lớp Lý 2, đồng thời cũng là “Chủ tịch góc đỏ Ob1”. Chủ tịch có chỗ ngồi riêng (không ai có thể chiếm chỗ đó được vì ngoài thời gian ở trường ra bao giờ Chủ tịch cũng có một vị trí duy nhất trong góc đỏ). Sau này khi về nước, công tác tại khoa vật lý trường ĐHBK, cũng như thời gian nghiên cứu sinh tại Pháp, rồi sau đó giảng dạy ở trường ĐH Ốc xpho (Anh), ...Mạnh Đức vẫn luôn giữ niềm say mê...góc đỏ của mình. Đức nghiêm túc trong học tập bao nhiêu thì cũng nghiêm túc trong cuộc sống bấy nhiêu. Một lần có lẽ do bị “rủ rê” và thuyết phục vì tính vô hại của một bộ phim TB nào đó, hình như là phim “Romeo- Juliet” hay một bộ phim hài của Nhật, Bí thư chi đoàn Đức đi xem về mà cứ trăn trở mãi. Phim rất hay nhưng vi phạm quy định của Sứ quán. Thế rồi cuối năm họp bầu Đoàn viên 4 tốt, Đức tự kiểm điểm chuyện đó và không nhận đạt danh hiệu 4 tốt! Vậy là cả chi đoàn năm ấy không ai đạt 4 tốt cả vì có ai “Tốt” hơn Bí thư đâu! Hoàng Dũng cũng là chuyên gia như Mạnh Đức, nhưng là chuyên gia Thư viện. Dũng bám thư viện lỳ đến mức "rắn" như em Kim Thoa Hóa76 cũng phải đổ theo từ dạo ấy đến giờ! Hiện nay bộ đôi PGS- TS ấy, người vật lý, người hoá học đang là những cột trụ của trường ĐHQG TPHCM, vẫn ríu rít cùng nhau ra HN gặp bạn hữu mỗi khi có Hội nghị KH ngoài này. Rất tiếc lần vợ chồng Ngọc- Nguyệt có chuyến TRỞ VỀ, không chụp được ảnh chiếc bàn trong thư viện của trường nơi Dũng –Thoa đã “miệt mài học tập”. Không biết trên chiếc bàn ấy có còn lưu lại dấu tích gì chăng?
Các thầy cô giáo thích lớp chúng tôi cũng nhiều mà “ghét” cũng lắm! Thích vì học được, nhưng ghét vì lắm quái chiêu! Hầu như ai cũng ngại Bà giáo Romanova Zinaitda Georgievna, dạy lịch sử Đảng CSLX vì lòng yêu nghề nghiệp của Bà, nhưng lớp chúng tôi đã có chiêu riêng dựa đúng vào sự say sưa đó! Cứ đến giờ xemina, chúng tôi cử người chuẩn bị sẵn những câu hỏi, khi thì liên quan đến bài học, khi thì liên quan đến thời sự, có lúc là một vấn đề đang tranh cãi trên thế giới. Khi vào tiết học, Bà giáo chưa kịp ra câu hỏi, một cánh tay đã giơ lên, rồi một loạt vấn đề đặt ra, vậy là Bà giáo giải thích, trả lời; sau đó lại cánh tay khác...cứ thế cho đến hết giờ. Bà giáo có biết, nhưng “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, ma quỷ chưa thấy đâu nhưng đã thấy những đứa trò hả hê vì trốn được giờ thảo luận.
Bà Ermakova Evdokia Emelianovna dạy thể dục cũng vậy. Bà yêu quý chúng tôi như những đứa con nghịch ngợm. Cứ đến giờ của Bà, ngoài những buổi bắt buộc, học về lý thuyết (thực hành thì quá ngon, trừ lần Hoàng Dũng chạy không hết ba vòng quanh hồ Komxomon, phải chạy lại mười vòng quanh sân vận động, về đến đích đổ xuống như một cây chuối phải bão!), chúng tôi thường chia làm hai đội đá bóng với nhau, mùa hè sân xi măng, mùa đông trên sân phủ đầy tuyết, cứ thế cho đến hết giờ. Có lẽ cũng vì vậy đội bóng lớp chúng tôi ít khi chịu thua trong các giải hàng năm của Hội KGU. Trừ năm anh Thắng OB73(HT KGU TPHCM) nhiều cao thủ, đội chúng tôi không “ngán” đội nào, cả đội lớp anh Thanh - anh Chung Tú (đã mất) OB75, anh Hiền - a.Tung CL74 -75 đến đội lớp OB78 của Thịnh - Nam Hải và đội Toán79 của Quang Ngọc - Thái Sơn! Có một câu chuyện về Huy (tức Khưu) thi đấu môn vật tự do toàn KGU hình như năm thứ 4 thì phải. Bà Ermakova chọn Khưu vì thấy nhanh nhẹn và …nhỏ con. Bà giáo "dụ dỗ": “em sẽ thi đấu hạng "lông gà" tức hạng 48kg, tôi tin chắc không có SV Nga nào ở hạng này đâu và em sẽ giành giải nhất”. Khưu ta lúc đầu còn e ngại vì mới chỉ tập có 1, 2 lần biết võ vẽ là gì đâu, nhưng sau bị bà giáo thuyết phục với lại cũng "ham huy chương" nên chấp nhận. Đến hôm thi đấu khi Ban tổ chức xướng tên hạng vật tự do 48kg, Khưu nhảy phốc lên sàn đấu, định giơ hai tay lên thắng cuộc vì không thấy ai lên. Đột nhiên có một cậu người Môn khoa Phylology (ngôn ngữ học) người cũng same same như Huy nhảy tót lên vũ đài. Và trận tỷ thí ấy Khưu tuy bị thua nhưng với tỷ số sát nút 3-2 và giành… giải nhì toàn trường!
Đội bóng của lớp chúng tôi
Một đặc điểm nữa của lớp chúng tôi là rất chú ý giữ gìn sức khoẻ!
Cứ mỗi buổi sáng trước khi đi học, nếu chải tóc thấy rụng từ bốn sợi trở lên là Quý Nam nhất thiết phải nghỉ ở nhà! (nếu không thế thì bây giờ không biết đầu Quý Nam thế nào rồi!), mùa đông quanh bụng bao giờ cũng quấn khăn. Tất Thắng cũng vậy, nhưng từ khi làm lớp trưởng thì ít để khăn thò ra ở bụng hơn, loại khăn len rằn ri màu xanh đỏ của bác Bửu phát chắc các bạn còn nhớ.
Chúng tôi rất chịu khó ngủ, nhất là những hôm được nghỉ học, chả thế một hôm Ban kiểm tra của trường xuống thăm và kiểm tra Ob, đến phòng thấy Anh Minh đang ngủ, một thầy lắc chân gọi. Minh ta cứ tưởng ai đó trêu, vậy là một tràng tiếng Tây lẫn tiếng ta văng ra! Thầy giáo té ngửa, may mà không có “tai nạn” gì sau đó xảy ra.
Ăn uống lớp chúng tôi cũng nhất! Đầu tháng lĩnh học bổng xong là chén, cuối tháng cứ hai đứa thì mua một ổ bánh mì 16 xu và một hộp kinki 40 xu, đổ vào đun một nồi và hì hụi chén cho đến khi hết nhẵn. Quá nữa thì lục tumbotrka còn mẩu bánh mì khô nào sót lại cũng tốt! (may thời tiết bên ấy sao mà hay thế, bánh mì không bao giờ bị mốc!). Mấy tên lớp tôi, trong đó có Quý Huy, Anh Minh, Khoa, Tất Thắng và Quý Nam, một lần chơi đá bóng về muộn nhà ăn đã đóng cửa bèn nghĩ kế sang Ob1 khoa Hoá của bạn Phương Thảo- cùng khoá để "xin ăn". Sau khi được chiêu đãi một bữa no nê, cả lũ lẳng lặng kéo về không ai chịu rửa bát, thế là được một bài chửi nhớ đời! (về chuyện này Huy đã kể trong hồi ký "Năm cuối cùng thời sinh viên của tôi").
Có một chuyện vui thế này, lần ấy ngay sau khi nhận học bổng, mấy tên trong lớp đứng đầu là Nam Phong và Xuân Lý, mua bốn chục trứng (trứng gà lơgo của LX thời ấy to lắm, mà chỉ 90 xu một chục thôi), cả bọn thách đố Hưng và Hoài là hai tên khoẻ nhất ăn hết, mỗi người 20 quả, nếu ai thua sẽ phải mua một con gà chiêu đãi hội. Hưng sẽ phải ăn 20 quả trứng rán, Hoài 20 quả trứng luộc. Hợp đồng được ký kết, nhưng điều khoản không rõ ràng. Vậy là trứng được rán với nguyên cả chảo mỡ và không muối, còn trứng luộc thì đun trong ấm cả tiếng đồng hồ và cũng không được chấm muối! Sau đấy cuộc thi bắt đầu trước sự chứng kiến của gần như cả lớp. Ban đầu Hưng- Hoài còn hăng hái, sau đó cởi dần áo ngoài, rồi áo lót. Đến quả thứ 14 Hưng đầu hàng, Hoài chiến đấu được đến cùng (nhưng thực sự đoạn cuối cảm giác như là ăn...đất vậy!). Do Hưng cãi hăng quá rằng thể lệ không chuẩn nên cuối cùng cuộc chiến coi như huề, cả bọn tuy không được ăn gà, nhưng được một bữa hò hét thoả thê, riêng Hưng và Hoài hình như đêm ấy không tên nào ngủ được!
Lớp chúng tôi, ngoài những nét chung thì ai cũng có một sự say mê, một cá tính rất riêng. Do sức khoẻ, Tất Thắng năm cuối chuyến sang lớp lý 3, mang theo cả niềm đam mê cờ vua sang đấy. Tuy nhiên năm dự bị và năm thứ 1 Thắng say mê tranh ảnh nghệ thuật. Bạn mua đến mấy va li các loại tranh vẽ và sách nói về các họa sĩ nổi tiếng Nga và thế giới từ thời kỳ La mã cổ đại, thời kỳ Phục hưng ở Châu Âu, các trường phái hội họa Nga cho đến thời hiện đại. Thắng có thể kể say sưa về các thân thế và các tác phẩm của Kramskoi, Repin, Levitan, Ljubanopski, Kuydzi (Nga) hay Rafael, Renoa, Rembrant (Hà Lan), Leonard D’vanci, Michelange (Italia) v.v… Từ hè năm thứ nhất trở đi, sau khi vào viện điều trị một thời gian bệnh đường ruột thì Tất Thắng chuyển sang say môn cờ vua. “Hắn” có thể ôm bàn cờ đánh một mình suốt ngày. Đi tàu hoả thì mang theo bàn cờ nhỏ, mỗi quân đều có chân để cắm xuống bàn đục lỗ (lúc ấy chưa có loại bàn cờ gắn nam châm như bây giờ). Chuyện Tất Thắng và Lọ đánh cờ đêm giao thừa mà nhiều người đã kể là có thật. Say cờ đến mức cãi nhau không xong, một tên húc đầu, một tên cắn, vậy là có người sứt đầu, có kẻ gãy răng, nhưng vẫn nhớ mỗi người gọi một xe cấp cứu cách nhau 15 phút để không ai biết là đánh nhau! Nhưng có được một niềm say mê như thế mới có những người đặt nền móng đầu tiên cho môn cờ vua của VN. Hiện nay Tất Thắng là Tổng thư ký Liên đoàn cờ vua VN. Ngoài ra còn phải kể đến những người bạn hiện là những huấn luyện viên nổi tiếng trong làng cờ vua VN mà người KGU chúng ta đã đóng góp như Nguyễn Văn Lọ (Toán 1977), Lê Hồng Đức (Lý 1977) - phu quân của Diệu Linh, (SV77),v.v..
Khác với Tất Thắng, Hoàng Dũng và Tiến Khoa rất yêu âm nhạc. Ngay từ khi mới sang, giọng ca của Edita Pekha, Lilia Ivanova, Levshenko, Magomaev, ...từ những đĩa hát 45, rồi sau đấy 33 vòng/phút đã hút hồn các bạn. Sau này Dũng thích nghe nhạc cổ điển hơn (có lẽ từ khi có Thoa bên cạnh?). Không rõ bộ sưu tập đĩa hát của Dũng mang về nặng bao nhiêu cân, nhưng có lẽ chật cả một vali lớn. Khoa thì đa tài: bạn rất thích nghe và hiểu biết về âm nhạc cổ điển, sưu tầm nhiều đĩa hát hay của âm nhạc thế giới và đặc biệt chơi ghi ta rất giỏi. Tiếng ghita của Khoa có lẽ nhiều bạn, nhất là những bạn nữ người nước ngoài đã từng thổn thức theo. Bài hát “Những con chim sẻ” Khoa đã hát cùng cây ghita trên Hội diễn của KGU tháng 3/1976. Trong ký ức của nhiều người, Khoa mang bộ tóc dài (một trong những người tóc dài đầu tiên của KGU) cùng với chiếc quần loe và có lẽ vì thế mà nhiều bạn nhất là các bạn nữ ngại tiếp xúc, khó gần! Theo như các bạn nữ Hóa bây giờ thổ lộ thì Khoa được các bạn rất ngưỡng mộ nhưng hồi đó thì ngại quá! Ngoài các bạn trong lớp, ít ai biết Khoa là một trong những người giỏi tiếng Nga nhất lớp, chữ viết thì đẹp và sáng sủa vì vậy bài ghi của Khoa bao giờ cũng được mọi người mượn khi cần, kể cả các bạn Nga. Và bây giờ GS TS Đào Tiến Khoa đã là niềm tự hào và vinh dự lớn của lớp VL76 chúng tôi. Xin chúc mừng Khoa! Cám ơn những lời tâm huyết chia sẻ niềm vui, nỗi buồn của bạn trên CHỢ TÌNH NGUOIKGU (các anh chị, các bạn cho phép được dùng từ này!), vì Khoa đã thay lời cho cả lớp.
(còn nữa…)
Người post: HuyTQ
Ngày đăng: 24-11-2010 18:06
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 1 - 4 của tổng số 4 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |