KGU News >>Văn học >>Truyện
KGU Tạo bài viết  
Thứ sáu 27 Tháng tám. 2010

Về một bài thơ và thầy giáo cũ




Tác giả: PhuND

PGS.TS Nguyễn Đình Phư

Khoa Toán Tin học - Trường ĐHKH Tự nhiên - ĐHQG TP. Hồ Chí Minh

 

         Suốt ba năm 1965-1968,  chiến tranh thật khốc liệt: máy bay Mỹ ném đủ các loại bom (napal, bi, sát thương, khoan, nổ chậm,… ) và pháo từ Hạm đội ngoài khơi bất kể ngày đêm đổ hàng trăm tấn đạn vào mảnh đất  Hà Tĩnh- nơi có ngã ba Đồng Lộc, có con đường huyết mạch vào Nam. Chiến tranh và tang tóc bao trùm lên sự sống . Chúng tôi, những đứa trẻ còn chịu thêm cả đói và rét để đến trường, chui xuống hầm vào lũy mà dùi mài kinh sử. Nhưng chiến tranh vẫn không tha: đạn bom vẫn dội xuống những lán học.

Trong hoàn cảnh như vậy, Tập thơ Chống Mỹ cứu nước 1965-1967 nói chung và bài thơ “Mẹ” của Nguyễn Lê nói riêng đã gây được ấn tượng mạnh cho thế hệ chúng tôi:

 

                       Trưa về đến sau đồi

                        Gọi con như mọi bận

                       Mà không nghe trả lời

                       Thì Mẹ ơi, đừng giận.

 

 Nhìn vở bài toán đố

Con làm còn dở dang

Bỏ quên bên cửa sổ

Đừng bảo con không ngoan.

 

                   Sân nhà đầy lá rụng

                  Mẹ đừng trách con lười

                  Thấy áo con đẫm máu

                  Đừng , đừng khóc mẹ ơi !

 

Giặc Mỹ nó nhằm con

Mà bắn vào tim mẹ

Đừng khóc con mẹ nhé

Khóc sao hả căm thù.

 

          Bài thơ thật cô đọng và ngắn gọn tắm đầy không khí hiện thực đau thương mà rất đỗi anh hùng. Lời của đứa trẻ thơ ngây như muôn vàn đứa trẻ khác trên Trái Đất này được tác giả thể hiện bằng khổ thơ thứ nhất. Lời thì thầm, ngây thơ làm con tim chúng ta đau nhói khi đọc đến hai khổ thơ tiếp theo. Những hình ảnh bình thường như “sân nhà đầy lá rụng” hay cuốn vở học trò đối lập với hình ảnh tang thương “ áo con đẫm máu”, … đã gây ấn tượng mạnh.

 Kết thúc bài thơ:

                          Giặc Mỹ nó nhằm con

                          Mà bắn vào tim mẹ

                          Đừng khóc con mẹ nhé

                          Khóc sao hả căm thù.

 

làm chúng ta liên tưởng đến bao nhiêu bà mẹ của Đất nước ngày ấy có những đứa con bị giết chết. Thơ như mở ra, ý tứ vượt khỏi khuôn khổ chật hẹp. Chẳng cần kêu gọi thì hàng triệu người cũng biết phải làm gì để trả thù cho những người đã chết trong chiến tranh.   

        Bài thơ cứ thế đứng vững với thời gian và được dịch đăng trên báo Pháp, báo Nga…

       Thật may mắn, vào học Trường cấp III Lý Tự Trọng (Huyện Thạch Hà, Tỉnh Hà Tĩnh) chúng tôi lại được chính tác giả Nguyễn Lê là thầy giáo dạy môn Văn học. Nhà thơ Nguyễn Lê là Thầy giáo Nguyễn Văn Bốn sinh ra ở Ấp Trung Đông, Xã Thới Tam Thôn, Huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh. Những giờ học Văn với Thầy giáo Nguyễn Văn Bốn thật sôi nổi mà nghiêm khắc. Những buổi bình giảng Văn Thơ miền Nam là những buổi làm Thầy nhớ Quê hương mà nghẹn ngào rơi lệ: ” Có thể nào quên, cỏ cây miền Bắc vẫn rung rinh theo gió tự miền Nam …”. Tập làm văn với Thầy cũng là điều mới lạ: Chúng tôi nhận được những mức khoán bao nhiêu từ, bao nhiêu câu cho một bài viết. Những học trò của Thầy không phụ công lao dạy dỗ, nhiều giải thưởng Văn, Toán toàn tỉnh và toàn miền Bắc đã mang vinh dự về cho Trường. Năm 1970 chẳng hạn, giải Văn toàn miền Bắc không có hạng nhất, chỉ có hạng nhì, đó là anh Thân Văn Thảo - học sinh của tác giả Nguyễn Lê.

       Chúng tôi không là nhà văn, nhà thơ nhưng người nào cũng có vài chùm thơ bỏ túi cho riêng mình:

          “Kẻ thù gieo tang thương

          Thầy con đơm mùa xuân

          Hoa mơ ước nở giữa lòng trẻ nhỏ”.

      Năm 1973, nhà thơ Nguyễn Lê - Thầy giáo Nguyễn Văn Bốn khoác ba lô trở lại miền Nam.  Chiến tranh mà!

       Chúng tôi lớn lên, đã từng là lính rồi sinh viên, thầy giáo, … trưởng thành trong những kỷ niệm khó quên về Thầy. Tôi tốt nghiệp Đại học ở Liên xô và vào Nam công tác, nhưng cũng phải mãi tới năm 1980 mới có dịp gặp lại Thầy giáo cũ. Trong một lần đi dạy học sớm, tôi thấy Nhà thơ - Thầy giáo đang chạy bộ dọc theo đường Nguyễn Văn Cừ. Tôi kính cẩn chào Thầy và đùa” Xin chào Ông già Nam bộ”.

 

           Không hiểu sao Thầy lại chuyển công tác chẳng ăn nhập gì với văn thơ. Rồi Thầy nghỉ hưu. Những cuộc gặp gỡ, hội ngộ thầy trò hình như làm Thầy vui lây. Có ai đó sẽ hỏi: ”Sao Nguyễn Lê vắng bóng trên văn đàn?” - Chưa đâu “ông già” vẫn say sưa uống rượu và làm thơ. Thua gì Lý Bạch!

          Ba mươi mấy năm đã qua kể từ ngày thầy trò chia tay đi đánh Mỹ, gần nửa đời người cũng đã nhanh chóng trôi đi. Nay mái đầu của Thầy đã trắng xóa, tóc chúng tôi cũng đã hoa râm, những đứa học trò ngày xưa của Thầy vẫn vậy, phải không Thầy? Chúng em vẫn nghịch ngợm nhưng biết trân trọng nhân cách làm người. Đã lâu Thầy chưa trở lại đất Bắc, nơi đó Thầy được gặp Bác Hồ nhiều lần, chưa có dịp vào Lăng viếng Người và về nơi bà con quê em đã cưu mang bằng củ sắn củ khoai…  Nhất định, dịp này Thầy sẽ ra,  Nhà thơ Nguyễn Lê lại về nơi đã tạo nguồn cảm hứng cho bài thơ nổi tiếng năm nào. ./.

 


Người post: NgocBQ

Ngày đăng: 27-08-2010 10:10






Xem 1 - 1 của tổng số 1 Comments

07/08/2013 02:40:34

@Phư ơi, may mà mình lật ngược từ dưới lên, thấy ngay một bài thơ rất tuyệt. Cái giai điệu, cung cách gieo vần, giống trong bài SAO KHÔNG VỀ VÀNG ƠI. Mình thích những bài thơ cho thiếu nhi, học trò ở dạng này. Và cũng thật lòng không hiểu nổi, bài thơ Phư post ở đây, nhưng tịnh không có một chia sẻ nào. Lạ đấy ! Cảm ơn Phư, cảm ơn người post bài.



Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s